Thưởng xuân bên lôcốt SGTT - Hơn 100 lôcốt sẽ được tháo dỡ trước 23 tháng chạp nhằm phục vụ việc đi lại của người dân TP.HCM. Tuy nhiên, gần 40 lôcốt khác sẽ vẫn… ở lại trong dịp tết Nguyên đán. Theo chỉ đạo của sở Giao thông vận tải, trước tết sẽ có khoảng 12 tuyến đường hoàn toàn thoát lôcốt, trong đó có một số trục đường chính như Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Quang Khải, Hoàng Văn Thụ, Lạc Long Quân, Phan Đăng Lưu, Hoàng Hoa Thám... Bên cạnh đó, hàng loạt tuyến đường khác dù chưa thi công xong vẫn phải tháo dỡ lôcốt và tái lập tạm cho người dân đón tết. Tuy nhiên, ngành giao thông cho phép gần 40 lôcốt được giữ lại rào chắn trong dịp tết này, bởi việc tái lập sẽ làm đội thời gian và chi phí thi công. Sau tết mọc như nấm Điều đáng nói là trong số các lôcốt được phép tồn tại, sẽ có hàng loạt lôcốt án ngữ trên xa lộ Hà Nội – trục cửa ngõ của TP.HCM. Xe cộ chạy dọc xa lộ sẽ lần lượt đụng các lôcốt thuộc các dự án đại lộ Đông Tây (tại ngã ba Cát Lái), cầu Rạch Chiếc mới, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (tại ngã tư Bình Thái)... Trong khi đó, trước và sau tết, nhu cầu đi lại trên xa lộ sẽ tăng đột biến do người dân từ TP.HCM về quê ăn tết sau đó trở lại TP.HCM làm việc. Các lôcốt dọc xa lộ sẽ trở thành các nút thắt cổ chai khiến cho tình trạng kẹt xe càng trầm trọng. Còn nhớ vào thời điểm trước và sau tết năm ngoái, đã xảy ra kẹt xe nghiêm trọng trên xa lộ Hà Nội dù không có các lôcốt như hiện nay. Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vừa mở rộng đã kín xe. Ảnh: Đào Lê Ngoài ra, người dân sống ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè năm nay tiếp tục ăn tết cùng lôcốt do dãy lôcốt trên các đường Hoàng Sa (quận 1), Trường Sa (quận Bình Thạnh) được giữ nguyên. Nhiều lôcốt khác vẫn tiếp tục án ngữ trên các trục giao thông quan trọng như Điện Biên Phủ (quận 3), Nguyễn Biểu, Trần Bình Trọng (quận 5), Ba Tháng Hai, Lê Đại Hành, Thuận Kiều (quận 10)… Theo chỉ đạo trước đó của UBND thành phố, trước tết phải lắp đặt xong cống thoát nước và hoàn trả mặt bằng tại sáu điểm nóng về ùn tắc giao thông, bao gồm: giao lộ Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ – Phan Đình Giót; đường Cách Mạng Tháng Tám (từ rạch Bùng Binh đến Công trường Dân Chủ); đường Trường Chinh (từ đường Xuân Hồng đến ngã tư Bảy Hiền); đường Nguyễn Kiệm; vòng xoay ngã bảy – Lý Thái Tổ; bùng binh Cây Gõ. Khi giải quyết xong sáu điểm nóng này cũng đồng nghĩa với giải toả được hơn 90% số điểm, tuyến có lôcốt trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thực tế thi công tại các dự án không mấy khả quan nên dự kiến sẽ chỉ có 12 trong tổng số hơn 80 tuyến đường là hoàn toàn thoát lôcốt trước tết. Chỉ ngay sau tết, hàng loạt lôcốt sẽ tái xuất hiện trên hàng chục tuyến đường còn lại. Đó là chưa kể bên cạnh các dự án cũ, trong năm nay sẽ triển khai thêm một số dự án thoát nước quy mô lớn khác. Trong đó, dự án thành phần số 4 của dự án Nâng cấp đô thị sẽ dựng lôcốt làm đường dọc hai bên bờ và nạo vét kênh Tân Hoá – Lò Gốm dài 7km qua các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú. Ngoài ra, dự án thành phần số 5 và 6 lắp đặt và cải thiện hệ thống thoát nước ngoài lưu vực kênh Tân Hoá – Lò Gốm (trên địa bàn quận 8, 9, 12, Thủ Đức và Gò Vấp) dự kiến triển khai ngay sau khi được ngân hàng Thế giới bố trí vốn. Dự án Cải thiện môi trường nước cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để triển khai giai đoạn 2 ở các quận 4, 5, 6, 8 và 11. Kẹt xe lây lan Hiện nay, tình trạng kẹt xe đã xảy ra ở hầu hết các ngày trong tuần, bất kể giờ giấc và đặc biệt còn xuất hiện trên cả những tuyến đường không hề có lôcốt. Đường Hoàng Văn Thụ đoạn từ ngã tư Phú Nhuận đến đường ray xe lửa được coi là “trận địa” ùn tắc mới nổi ở TP.HCM. Trong đó, tâm điểm kẹt xe là giao lộ Hoàng Văn Thụ – Trần Huy Liệu, sáng sớm hay chiều tối lúc nào cũng ken cứng người và xe. Không ít người dân buôn bán ở hai bên đoạn đường này tỏ ra ngỡ ngàng vì ở đây không hề có lôcốt. Theo ông Tài, một người buôn bán xe bên đường Hoàng Văn Thụ, hiện ông phải “hy sinh” vỉa hè trước nhà để cho xe máy trèo lên và nhích từng chút. Tương tự, ở đường Cộng Hoà (đoạn từ mũi tàu Cộng Hoà – Trường Chinh đến đường Ấp Bắc, Tân Bình), đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp)… hiện cũng đang đối mặt với tình trạng kẹt xe kéo dài, dù trước đó việc kẹt xe rất ít xảy ra. Qua quan sát, trong dòng người và xe kẹt cứng ở những tuyến đường vừa kể trên, ngoài xe máy thì nhiều nhất vẫn là xe buýt. Sáng 26.1, ở điểm kẹt xe vừa mới xuất hiện trên đường Cộng Hoà đoạn từ mũi tàu Cộng Hoà – Trường Chinh đến đường Tân Kỳ Tân Quý dù dài chưa đầy 500m nhưng có gần chục chiếc xe buýt thi nhau nhá đèn, liên hồi bóp còi, làm không ít người đi đường hoảng hốt. Đưa tay chỉ vào bên trong một chiếc xe buýt, ông Nguyễn Thành Thuận (nhà ở đường A1, phường 13, quận Tân Bình), bức xúc: “Mỗi xe chỉ có vài người khách như vậy mà chiếm muốn hết mặt đường thì còn lấy đâu ra chỗ cho người khác đi. Không kẹt xe mới lạ…”. Minh Linh – Đào Lê Ý kiến bạn đọc: Hiện tại, trong những lần vướng kẹt xe, nhin trái,nhìn phải tôi đều thấy xe buýt. Những chiếc xe buýt to đùng nhưng chỉ chở vài người, chiếm hết mặt đường, dàn hàng ngang, gây nguy hiểm cho người đi đường kiểu như vậy vừa gây lãng phí nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường (đa phần xe cũ) nên chăng cần được thay thế? Phạm Công Hùng (hungpham...@yahoo.com)
Mấy cái trên đường Lý Thường Kiệt , nằm ở đó cũng phải 2 năm nay rồi , đi học toàn cuốc bộ qua bên Bách Khoa đón xe Chả hiểu thay thế bằng gì , không có xe buýt thì đi học bằng niềm tin chắc
cuối cùng cũng tìm đc người đồng ý kiến bỏ xe bus là đúng rồi đi thì lúc qua bên này lúc bên kia lại còn to đùng đi ngẹt cả đường , đã thế bấm còi điếc tai bỏ mẹ khó chịu lắm T.T rồi còn cả lúc đi sau lưng nó thả khói vào mặt
đọc cái title tưởng dây thường xuân mọc lên cái lô cốt =.= cứ tưởng trong cái xấu xa sẽ nở rộ cái đẹp đẽ... đi ra....
Ai đi cmt8 gặp 4 cái bus đấu đầu nhau thì hiểu vì sao nhiều người rất ghét bus. Đường HCM chật mà đông xe, cách giải quyết ko phải là tăng bus mà là làm một cái metro càng nhanh càng tốt Xong thế hệ lô cốt này mọi người đừng mừng vội Còn vụ ngầm hóa dây viễn thông + điện mà, vụ này thì con cháu chúng ta sẽ hưởng, và dự đoán còn xôm hơn vả lô cốt cống thoát nước nữa
Bỏ bus thì các thánh GVN định cho các bạn sinh viên trẻ năm 1 của BK, TN, NV, Khoa Kinh Tế, Quốc Tế, Nông Lâm, Sư Phạm Kỹ Thuật... kéo nhau về Thủ Đức giăng lều, dựng chòi mà ở chăng. Nghĩ lại số mình vẫn may, vừa nghỉ đi bus, đc về học cơ sở trong TP thì lô cốt mọc tràn lan. Dù vậy đi bus 1 thời gian cũng đc nghe các bác tài tâm sự đôi điều, hiểu thêm 1 chút sự đời. Nếu các bạn có thấy bực mấy cái xe bus, thì cũng đừng trách các bác tài, có chửi thì chửi mấy bác to to lớn lớn hơn ngồi ghế quản lý ấy. Cái hay nhứt là các bác cho lát vỉa hè bằng gạch terazo thiệt đẹp trước rồi điều động đội lập lô cốt đến cày bung cả đường lẫn vỉa hè.
nghe các đồng chí nhà có điều kiện kêu bỏ xe bus thế người già , hoặc các đồng chí sinh viên ko có phương tiện đi lại thì đi học kiểu gì , xe ôm chắc .