[VTC]Một ngày xuống"âm phủ"-có thể bạn chưa biết :)

Thảo luận trong 'Thư Giãn Express - Bản Tin Cuối Ngày' bắt đầu bởi DâuTây^^, 22/12/10.

  1. DâuTây^^

    DâuTây^^ T.E.T.Я.I.S

    Tham gia ngày:
    1/6/10
    Bài viết:
    603
    Nơi ở:
    ruộng dâu
    Đây là bài phóng sự dài của nhà báo Phạm Ngọc Dương bên VTC về ngành than,sẽ có rất nhiều điều mà trước đây chưa ai nhắc đến.chống chỉ định với bạn nào ngại đọc [-(
    Kì 1:Một ngày xuống… âm phủ
    phân2:Đi tàu điện ở “thành phố” dưới lòng đất
    [spoil](VTC News) - Bỗng từ xa có tiếng lách cách, rồi tiếng ù ù ngày một to hơn. Từ trong bóng đêm, bỗng lao ra một… con tàu. Lại còn có cả tàu trong lòng đất!
    Hầm than mà tôi xuống làm việc có tên Giếng Phụ, nằm ngay trên sườn núi Vàng Danh cao chừng 500m so với mặt nước biển. Miệng hầm hiện ra như hang của một con rồng khổng lồ trong những bộ phim viễn tưởng của Mỹ. Phần đầu của hầm được xây gạch kiểu vòm bằng loại gạch múi bưởi.

    Nhìn miệng hầm, tôi chợt liên tưởng đến những ngôi mộ Hán (mộ vòm) thời Bắc thuộc, có nhiều ở vùng Hải Dương. Miệng hầm được xây từ thời Pháp, cách đây hơn trăm năm. Điều đó có nghĩa, cái hầm này đã được đào từ hơn thế kỷ nay. Hơn trăm năm trời, mỗi ngày, hàng ngàn con người quanh năm suốt tháng chui xuống cái hầm này để đào than. Nghĩ đến điều đó mà hãi.
    [​IMG]
    Hầm lò chống bằng thép từ thời Pháp.

    Bước vào hầm, bóng tối đậm đặc vây quanh. Những chiếc đèn trên trán chỉ đủ kẻ một đường thẳng nhỏ. Chút ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn bị màn đêm nuốt chửng. Bám vào thanh vịn, lần dò từng bước, vượt qua mấy trăm bậc thang im lìm trong bóng đêm thì đến chỗ có đèn điện. Mỗi chốt quan trọng đều có bóng điện cao áp soi tỏ khoảng cách khá xa.

    Đoạn hầm đầu tiên dài cả km được chống đỡ bằng những thanh sắt lớn uốn cong. Trần hang được dát một lớp gỗ rất chắc chắn. Những thanh sắt này, sau cả trăm năm vẫn vững chãi, không có một vết gỉ. Phải công nhận rằng, cái thứ sắt thép mà người Pháp tôi luyện để dựng tháp Eiffel thật quá tuyệt vời.

    Bỗng nhiên, bao nhiêu cảm xúc hiện về trong tôi. Những hình ảnh đoàn công nhân người Việt cởi trần, gầy gò, lộ rõ những rẻ xương sườn đang gồng mình rồng rắn đội than dưới đòn roi của lũ thực dân, cứ hiện ra trước mắt. Những hình ảnh ấy có rất nhiều ở nhà trưng bày của Công ty Than Cọc Sáu. Gần trăm năm trời, thế hệ cha ông chúng ta phải sống đời phu than cay cực.
    [​IMG]
    Đoạn hầm láng ximăng theo công nghệ của Trung Quốc.

    Hết đoạn hầm chống bằng thép thì đến đoạn hầm láng ximăng trông khá sạch sẽ. Toàn mộ mái hầm cũng được tráng bằng lớp ximăng. Theo kỹ sư Lâm Hồng Quang (cán bộ Phòng Kỹ thuật khai thác, Công ty Than Vàng Danh), đây là công nghệ của Trung Quốc, khá rẻ tiền, lại bền vững và độ an toàn cũng được đảm bảo cao. Ximăng được phun vào các khe kẽ, tạo sự liên kết bền vững vĩnh cửu, chắc chắn như hang đá.

    Đi hết phần hang sạch sẽ này, tôi chợt đứng khựng trước một cánh cửa sắt. Hai bên cửa là hai “vệ sĩ” cao to lực lưỡng, mặc quần áo xanh, đeo đèn pin trên mũ. Chẳng lẽ lại phải “khám xét” lần nữa để phát hiện… khủng bố?

    Sau khi kỹ sư Quang trình bày, hai “vệ sĩ” đứng gác kéo chốt mở cánh cửa sắt nặng nề. Một luồng gió rít lên, tôi bị hút lao về phía trước, suýt ngã sấp mặt. Chẳng lẽ có bão dưới lòng đất?
    [​IMG]
    Hai "vệ sĩ" gác cổng điều gió.

    Khi mọi người vượt qua cánh cửa, hai “vệ sĩ” đóng cửa lại, thì gió ngừng rít. Hóa ra, đây là cánh cửa điều gió. Khi mở cửa, hệ thống máy móc sẽ hút gió với sức mạnh khủng khiếp từ cửa hầm vào. Khi cửa đóng, máy hút gió sẽ đẩy không khí trong hệ thống hầm lò dài mấy chục km lưu chuyển liên tục.

    Chúng tôi cứ nhằm hướng có tiếng ù ù rít lên như tiếng quạt máy bay trực thăng mà đi. Đi được một đoạn, đến chỗ ngã 5, tôi lại suýt bị hút bay vào một ngách hang. Chiếc máy ảnh đeo trên ngực bị hút căng ra, như muốn tuột khỏi cổ. Hóa ra, ngách hang là nơi đặt hệ thống máy hút gió công suất lớn. Phía trước máy hút gió được trang bị một lớp rào sắt có chức năng cản và một lớp lưới chắc chắn giữ lại những thứ có khả năng bị hút vào.
    [​IMG]
    Hệ thống hầm lò ngang dọc, giăng mắc như đường sá ở các thành phố.

    Tôi kêu gọi anh em tập trung tất cả đèn chiếu sáng vào chiếc máy hút gió khổng lồ để chụp kiểu ảnh. Đèn flas được bật thoải mái, vì nơi đây gió mạnh, không sợ có khí dễ cháy. Tuy nhiên, bỏ máy ảnh ra, chưa kịp chụp, lập tức chiếc máy ảnh sũng nước, ống kính và màn hình mờ tịt, chụp không lên nổi hình, toàn ra “vòng tròn ánh sáng”. Mấy nhà nhà nghiên cứu tâm linh mà nhìn thấy những tấm ảnh này, khéo lại phán ngay rằng trong ảnh toàn là… ma. Chiếc máy hút gió này quá mạnh, hút hơi ẩm từ các ngóc ngách về, khiến độ ẩm tại khu vực quá đậm đặc, cảm giác như có thể vồ được nước trong không khí.

    Tôi đứng giữa ngã 5, nơi có chiếc quạt gió, chờ kỹ sư Quang xác định hướng đi, bỗng từ xa có tiếng lách cách, rồi tiếng ù ù ngày một rõ hơn. Từ trong bóng đêm, bỗng lao ra một… con tàu. Lại còn có cả tàu trong lòng đất nữa!

    [​IMG]
    Tác giả trước tấm biển đề tên đường hầm.

    Tên của “con tàu” này là xe Song Loan. Nhưng anh em công nhân thường gọi vui là “tàu địa phủ”, tức là tàu chở người xuống âm phủ.

    Chiếc tàu khá kỳ dị với cái thân ngắn cũn, song cái đầu thì dài ngoẵng. Sở dĩ cái đầu dài thế là vì nó phải chứa hệ thống hàng chục ắc quy tích điện khổng lồ. Để đảm bảo an toàn, tàu xe trong hầm lò tuyệt đối không thể dùng loại chạy bằng năng lượng xăng, dầu, mà phải chạy bằng điện.

    Anh Nguyễn Văn Thanh có thâm niên 20 năm lái xe Song Loan. Hàng ngày, anh chỉ có mỗi việc ngồi trên chiếc đầu kéo chạy đi chạy lại trong hầm. Tưởng lái xe Song Loan là dễ, chỉ việc ngồi trên xe kéo ga, xe sẽ tự chạy trên đường ray như tàu hỏa, nhưng không phải vậy. Để được điều khiển xe Song Loan, anh phải có bằng lái trên cả bằng F dùng cho lái xe container. Anh Thanh phải lái xe trong bóng đêm, phải thuộc lòng từng đoạn đường ray, và bẻ lái chính xác tuyệt đối để bánh xe trượt sang đường ray khác khi xe trườn từ ngách ra.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Đi xe điện dưới lòng đất.

    Anh em công nhân nói vui, khi thủ đô và TP. Hồ Chí Minh đang lập dự án tàu điện trên cao với tàu diện ngầm, thì anh em công nhân đã đi tàu điện ngầm” từ hàng chục năm nay rồi. Tàu điện ngầm chạy rất đúng giờ giấc, có khách cũng chạy, mà không có khách cũng phải chạy, cứ đúng giờ là nổ máy xuất phát, chả khác gì xe buýt ở Hà Nội.

    Sau khi kết thúc ca làm việc, anh em công nhân tập kết ra các ngã tư đón xe, rồi ca tiếp theo xuống hang gặp Song Loan cũng đáp xe xuống “âm phủ”. Công nhân nào rời hang muộn, hoặc vào ca muộn, hết giờ chạy xe thì chỉ có nước cuốc bộ. Làm việc hết ca, mệt nhoài, mà cuốc bộ leo dốc 5-7 cây số, thậm chí cả chục cây trong lòng đất, thì có mà chết mệt.

    Mỗi chuyến xe Song Loan chở được 18 người. Tôi trèo lên xe, mỗi toa chứa 4 người ngồi đối mặt nhau không khác gì tàu hỏa. Xe xình xịch chuyển bánh, chở chúng tôi đi sâu vài cây số trong lòng đất. Cứ đi một vài trăm mét lại đến ngã tư, ngã năm, điện cao áp sáng trưng, có cả biển chỉ đường. Các con đường xuyên ngang rẽ dọc đều có tên hẳn hoi. Chỉ có điều, tên đường không phải tên các danh nhân như ở thành phố trên mặt đất, mà những con đường có tên như thế này: Lò dọc vỉa 7 mức +185 quay tây; Lò xuyên vỉa mức +105; Rãnh gió mức +138; Lò xuyên vỉa mức +165…

    Đọc tên những “con đường” này, công nhân có thể hiểu rõ đặc điểm của vỉa than, độ cao, hướng hầm than…

    Tôi trộm nghĩ, dưới lòng quả núi có tên Vàng Danh này, tồn tại một thành phố, chỉ có điều đó là “thành phố trong lòng đất”.

    Còn tiếp…[/spoil]
     
  2. baby_boy21c

    baby_boy21c Mario & Luigi

    Tham gia ngày:
    12/7/05
    Bài viết:
    702
    Nơi ở:
    Ho Chi Minh City
    công nghệ TQ :-<
     
  3. > Thần Gió <

    > Thần Gió < Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    13/12/09
    Bài viết:
    213
    Nơi ở:
    Gần nhà 3L
    Bị não à .
     
  4. Powers_2004

    Powers_2004 Hàng VN xuất khẩu \m/ Moderator

    Tham gia ngày:
    13/7/04
    Bài viết:
    1,171
    Nơi ở:
    Hanoi
    bài hay :X
     
  5. gta-nh

    gta-nh Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    13/6/06
    Bài viết:
    324
    Công nghệ TQ không hẳn lúc nào cũng tệ cả, anti cho đúng chỗ nhé bạn, đặc biệt là chuyện than, chuyện hầm thì người thợ là người hiểu hơn ai hết.

    Nhưng thú thực là cũng hơi hãi vì lâu lâu cứ nghe bên TQ nó sụp hầm mỏ.

    Lâu lắm mới đọc được 1 bài hay, có cảm giác đang theo chân tác giả xuống mỏ luôn....
     
  6. baby_boy21c

    baby_boy21c Mario & Luigi

    Tham gia ngày:
    12/7/05
    Bài viết:
    702
    Nơi ở:
    Ho Chi Minh City
    Đọc kỹ chưa mà xoắn vớ vẩn thế ? Hầm này đc xây trên những thứ đang có từ thời Pháp và công nghệ của TQ, làm ở đây chết có ngày thôi [-(
     
  7. zFantasyz

    zFantasyz Admin note: đây là nick của kẻ lừa đảo.

    Tham gia ngày:
    1/7/06
    Bài viết:
    106
    [​IMG]
    tấm này nhìn thoáng qua như mấy cái nhà cổ trung quốc ý chứ ko để ý là hầm than luôn nếu ko đọc
     
  8. DâuTây^^

    DâuTây^^ T.E.T.Я.I.S

    Tham gia ngày:
    1/6/10
    Bài viết:
    603
    Nơi ở:
    ruộng dâu
    wtf? :-??


    tiếp:
    kì 3 :Làm việc dưới “âm phủ”
    [spoil]Không thể chịu nổi công việc vác búa chim bổ vào núi trong tư thế còng lưng, rồi lại còng lưng xúc than hất ra ngoài. Cuối cùng, tôi quẳng búa chim và xẻng trèo ra khỏi gương than vì không thể thở nổi trong cảnh thiếu ôxi và bụi than mù mịt.
    Khi các kỹ sư địa chất phát hiện mỏ than dưới lòng đất, họ sẽ tính toán xem khai thác thế nào để có hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn, ít tác động đến môi trường.

    Nếu là mỏ than lộ thiên, trữ lượng than nhiều, thì quá đơn giản, chỉ cần bóc lớp mặt đi, rồi dùng máy xúc múc than lên ôtô chở đến nhà máy sàng tuyển. Hiện ở Quảng Ninh có một số mỏ than lộ thiên, trong đó, lớn nhất là hai mỏ Cọc Sáu và Núi Béo.
    [​IMG]
    Giá đỡ tại các hầm khai thác là hệ thống liên kết mảng bằng thủy lực rất an toàn.

    Tôi đã có lần đến hai mỏ than lộ thiên này và choáng ngợp trước một cái hố khổng lồ, sâu như muốn xuyên thủng trái đất. Đứng trên miệng hố nhìn xuống, thấy những chiếc ôtô đặc chủng, trọng tải 80 tấn, nhỏ như những bao diêm di động.

    Theo các kỹ sư, để khai thác được một tấn than lộ thiên, phải chở lên khỏi miệng hố 10 tấn đất đá. Mỗi năm, đào được từ mỏ than này 5 triệu tấn than, phải bới lên cỡ 50 triệu tấn đất đá. Quả là một con số khủng khiếp.

    Tuy nhiên, với những mỏ than mà trữ lượng không tập trung, chỉ có theo vỉa, thì khai thác kiểu lộ thiên sẽ không hiệu quả, vì chi phí đào đất đá quá tốn kém, chưa kể tàn phá môi trường khủng khiếp, bởi sẽ phải tạo ra những thung lũng sâu hoắm và những ngọn núi chứa đất đá khổng lồ. Biện pháp tốt nhất là đào hầm để khai thác.
    [​IMG]
    Công nhân khai thác than đến đâu, hệ thống giá đỡ sẽ dịch chuyển đến đó.
    [​IMG]
    Nguyễn Văn Lượng - thợ quản lý hệ thống giá đỡ thủy lực.

    Khi phát hiện trong lòng núi, dưới lòng đất có các vỉa than, họ sẽ mở hầm vào. Sẽ có một đường hầm chính, lớn nhất, xuyên thủng lòng núi, giống như trục đường chính ở thành phố. Từ đường hầm đốt sống này, sẽ mở ra các con đường xương cá hai bên để khai thác than. Chỉ khu vực nào có vỉa than, thì họ mới mở hầm.

    Những đường hầm có thể xuyên ngang, lên dốc, hoặc xuống dốc, chả khác gì đường sá trên vùng núi non hiểm trở. Độ dốc cũng phải đảm bảo mức độ cho phép để hệ thống xe điện chở than có thể đi được.

    Sau khi đã đi mấy km trong lòng đất, chúng tôi rời xe điện Song Loan, vác cuốc chim và xẻng rẽ vào đường hầm có tên PX KT7. Đây là đường hầm mới mở, ở độ cao + 107m (cao 107m so với mặt nước biển), để xuyên vào vỉa than mới. Chỉ đi chừng 200m là đến vỉa than.
    [​IMG]
    Công nhân cào than ra khỏi "gương than".
    [​IMG]
    Cào than trên máng để than trượt xuống.

    Đến vỉa than, không khí thiếu ôxi, nên tôi có cảm giác ngột ngạt. Bóng đêm tuyệt đối bao quanh. Một con đường hầm rất dốc, dốc đến 40%. Độ cao của đường hầm chỉ cỡ 1,5m, nên đi lại phải lom khom.

    Anh Nguyễn Đức Tài (Trưởng phòng Truyền thông, Tập đoàn TKV) dẫm chân vào giữa đường hầm, ngã chổng vó, trượt một mạch, đẩy cả đám công nhân ngã nháo nhào. Hú vía. Anh Tài nhăn nhó giơ bàn tay lên, máu đỏ rướm ra đầu ngón tay. Hóa ra, anh Tài dẫm vào máng trượt, than trơn, nên ngã.

    Giữa đường hầm khai thác có đặt một hệ thống máng trượt. Công nhân chỉ việc bổ than ra khỏi vách núi, rồi xúc than hất xuống máng, than sẽ tự trượt theo máng xuống cuối đường hầm. Tại đây, than được xúc lên băng chuyền, đưa lên hệ thống xe điện chở ra ngoài.

    Lúc này, tôi bắt đầu công việc của những người làm than thực sự. Mỗi người một ngăn độ 2 mét vuông, cứ thế dùng búa chim bổ chan chát. Những cục than gắn chặt trong khối núi cả triệu năm nay bửa vỡ theo những nhát búa.
    [​IMG]
    Tác giả tham gia khai thác than.

    Mỗi nhóm thợ có một trưởng nhóm làm công việc tính điểm. Vì mỗi người đào một ô, nên sau một ca làm việc, công nhân đào được độ sâu bao nhiêu, thì có thể tính ngay ra lượng than mà công nhân đó đào được. Thông thường, một công nhân có thể đào được 50-60 tấn than trong một ca làm việc và thường vượt chỉ tiêu 2-3 lần. Với mức làm việc như thế, mỗi tháng làm độ 24 đến 26 công, công nhân đã có mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng, một mức lương khá.

    Hệ thống chống đỡ để khai thác than rất hiện đại. Theo kỹ sư Lâm Hồng Quang, Công ty cổ phần Than Vàng Danh áp dụng công nghệ liên kết mảng bằng thủy lực. Đây là công nghệ khai thác hầm lò hiện đại nhất thế giới, có độ an toàn rất cao, gần như tuyệt đối. Con số tuyệt đối ở đây có nghĩa là không thể có chuyện sập hệ thống liên kết mảng này. Nếu ở những lò than dùng công nghệ này xảy ra chết người, chỉ có thể là do nổ khí, hoặc vỡ túi nước.
    [​IMG]
    Bảng theo dõi nồng độ khí tại "gương than".

    Nơi chúng tôi tiến hành đào than gọi là “gương than”. Công nhân cứ việc dùng búa và xẻng đào than. Khi nhóm công nhân đào đến độ sâu nhất định, thợ chống giá lại bắt đầu công việc di chuyển hệ thống liên kết mảng này. Hệ thống chống giá bằng thủy lực, nên dịch chuyển rất dễ dàng. Công nhân cứ việc đào than, hệ thống thủy lực cứ thế dịch chuyển theo, đến khi nào hết vỉa than mới ngừng lại. Chỗ đã khai thác hết than, phía sau lưng công nhân, đất cát sẽ lại sụt xuống lấp kín.

    Có thực tế cầm búa chim bổ than, cầm xẻng xúc than, mới thấy công việc của người thợ mỏ là vất vả và cay cực. Có lẽ không có nghề nào vất vả, khổ cực và nguy hiểm như nghề thợ mỏ.
    [​IMG]
    Để có được những tấn than như thế này, hàng ngàn công nhân phải làm việc miệt mài trong lòng đất.

    Tôi vác cuốc chim bổ cả tiếng đồng hồ mà mới đào sâu vào lòng núi được độ gang tay, trong khi anh em công nhân bên cạnh đã đào sâu hoắm như hang chuột. Họ liên tục bổ, liên tục xúc. Tiền lương phụ thuộc vào năng suất của công việc, nên họ làm việc luôn tay, không có mấy khi ngừng để thở, cứ như thể con chim gõ kiến luôn mỏ mổ vào thân cây.

    Tôi làm được độ một tiếng thì không nhấc nổi cuốc chim nữa. Đôi tay tê cứng, lưng đau như… búa bổ. Không thể chịu nổi công việc vác búa chim bổ vào núi trong tư thế còng lưng, rồi lại còng lưng xúc than hất ra ngoài. Cuối cùng, tôi quẳng búa chim và xẻng trèo ra khỏi gương than vì không thể thở nổi trong cảnh thiếu ôxi và bụi than mù mịt.

    Còn tiếp…[/spoil]
     
  9. tuan_hope1991

    tuan_hope1991 Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    5/9/08
    Bài viết:
    1,036
    Ai ở Quảng Ninh mà gần mấy mỏ than này chắc biết rõ cái độ bụi của nó, bụi mù mịt, cây cối phủ bụi than, bụi đất toàn màu đen, nhà ông bà mình gần mỏ thì cáu bẩn kinh khủng, lau không hết...
     
  10. FiretrUCK

    FiretrUCK Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN Sorcerer

    Tham gia ngày:
    6/2/10
    Bài viết:
    4,781
    Nơi ở:
    Làng ven đô
    Bố tớ đã từng đi làm mỏ than , mỏ Mông Dương , làm về sửa điện . Và chính bố tớ cũng từng bị sập hầm , 8 tiếng đòng hồ bị chôn dưới ấy , may mà bố mang theo bình oxi chứ không thì tớ không có mặt ở đây mà post bài:-s
     
  11. Max[SaD]

    Max[SaD] snake, snake, snaaaake Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    9/12/07
    Bài viết:
    8,498
    Nơi ở:
    Old Trafford
    ^ Và vì thế đời đã xuất hiện 1 bựa nhân. :-s
     
  12. FiretrUCK

    FiretrUCK Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN Sorcerer

    Tham gia ngày:
    6/2/10
    Bài viết:
    4,781
    Nơi ở:
    Làng ven đô
    Thích đằng mồm hay đằng át hả tên kia :-w
     
  13. Bão...

    Bão... The Warrior of Light Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    12/11/09
    Bài viết:
    2,218
    Nơi ở:
    Hanoi, Vietnam
    City of Ember \m/
    lâu lâu Vượn Toàn Chuối mới có bài chất vậy :-<
     
  14. DâuTây^^

    DâuTây^^ T.E.T.Я.I.S

    Tham gia ngày:
    1/6/10
    Bài viết:
    603
    Nơi ở:
    ruộng dâu
    kì 4:1,82 mạng người đổi 1 triệu tấn “vàng đen”

    [spoil](VTC News) - Hầu như tháng nào cũng có người tử nạn vì “vàng đen” và mỏ nào cũng từng có người nằm lại trong lòng đất. Có một vị cán bộ đã tính toán rồi đưa ra một con số cụ thể đến xót xa: 1 triệu tấn than đổi lấy 1,82 mạng người.
    Có làm việc trong hầm than, nghe công nhân tâm sự, mới thấy nghề thợ mỏ có quá nhiều rủi ro, nguy hiểm. Chỉ cần hệ thống quạt gió ngừng hoạt động, nếu công nhân không thoát ngay ra khỏi hầm, có thể gục ngã, tắt thở vì thiếu ôxi, vì khí độc xâm nhập.

    Phần lớn các vụ tai nạn hầm mỏ trên thế giới là do nổ khí. Trong môi trường hầm mỏ, nếu hệ thống thông gió gặp vấn đề, các loại khí dễ cháy tập trung đậm đặc, đặc biệt là khí mêtan, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
    [​IMG]
    Khai thác than lộ thiên như thế này ít nguy hiểm tính mạng hơn.

    Tuy nhiên, ở Việt Nam, tai nạn hầm mỏ chủ yếu do bục túi nước. Chúng ta thường nghe các thông tin tai nạn hầm mỏ do bục túi nước, song không mấy ai hiểu bục túi nước là gì.

    Ở Quảng Ninh, hiện tượng khai thác than thổ phỉ diễn ra rất phổ biến. Họ đào núi thành những đường hầm như kiểu hang chuột, khai thác than rất liều mạng. Khi công nhân mở hầm ngang dọc trong lòng núi để đào than, có thể không biết rằng, ngay trên đầu mình, giới khai thác than thổ phỉ cũng đang đào hầm, nổ mìn ầm ĩ.
    [​IMG]
    Công nhân khai thác than thời Pháp.

    Khi những cái hầm này bỏ hoang, nước mưa tích tụ đầy, hoặc nước từ các khe chảy ngập hang, sẽ tạo thành những túi nước khổng lồ, chứa hàng ngàn, hàng vạn mét khối nước. Nếu những cái túi nước này nằm gần hầm khai thác của công ty, có thể thủng, bục bất cứ lúc nào. Chỉ trong chớp mắt, hàng ngàn, hàng vạn mét khối nước ộc xuống, sẽ nhấn chìm công nhân. Công nhân làm việc ở nơi bị bục túi nước, nếu không chết đuối, thì cũng bị đất đá hoặc than vùi lấp.

    Tôi đã đến nhiều ngôi làng ở vùng mỏ, với những gia đình có nhiều thế hệ làm than, và thấy rằng, thật khó có thể tìm ra một ngôi làng không có người mất mạng vì nghề than.

    Tôi nhớ mãi câu chuyện với một cụ già ở vùng than Quảng Ninh. Cụ vốn là công nhân kỳ cựu của ngành mỏ. Tôi hỏi con cái cụ thế nào, cụ bảo: “Tôi có hai thằng. Một thằng đã chết mà chưa chôn, còn một thằng đã chôn mà chưa chết”. Mãi sau, tôi mới hiểu, người con mà cụ cho rằng đã chết mà chưa chôn đang nghiện nặng, còn người con đã chôn mà chưa chết thì đang làm công nhân khai thác mỏ.
    [​IMG]
    Phóng viên trong hầm than ở độ sâu âm 50m so với mực nước biển.

    Những người mẹ, những người vợ chỉ có thể thở phào khi đứa con, khi người chồng xuất hiện ở đầu ngõ sau mỗi ca vào lò. “Chiều nào em đi làm về, cũng thấy vợ ôm con đứng chờ ở đầu ngõ. Em đi làm than thì vất vả rồi, nhưng vợ lại phải sống trong nỗi lo toan thấp thỏm, còn mệt mỏi hơn em. Giờ bỏ nghề thì không biết làm gì. Thôi thì cứ làm được ngày nào hay ngày ấy. Lận lưng được một khoản, thì tính chuyển nghề sau vậy” – Nguyễn Đức Nguyên vạch khẩu trang nói mấy câu rồi lại cắm mặt vào gương than bụi mù đục đẽo.

    Ông Khuất Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Than Vàng Danh cho hay, trong các ngành nghề, có lẽ công nhân khai thác hầm mỏ hay bỏ việc nhất. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 1.500 thợ lò bỏ việc. Mặc dù thu nhập rất cao, từ 5-10 triệu đồng một tháng, song nếu chuyển được nghề, dù thu nhập thấp hơn nhiều, họ sẽ bỏ ngay. Chuyện công nhân bỏ việc không phổ biến ở Công ty Than Vàng Danh, nhưng rất trầm trọng ở nhiều đơn vị khác. Vậy nên, có vị lãnh đạo nói vui rằng, các công ty khai thác than hầm lò phải chiều công nhân chả khác gì chiều… vong!
    [​IMG]
    Tai nạn ở mỏ than luôn thảm khốc.

    Chỉ tính từ năm 2001 đến 2009, số lao động tử nạn trong ngành than ở Quảng Ninh là 253 người. Trong đó, năm 2006 là năm đau thương nhất, với 50 người bị chôn vùi dưới lòng đất. Mười tháng đầu năm nay, có 19 vụ tai nạn trong ngành than ở Quảng Ninh, làm chết 23 người.

    Mới đây nhất, ngày 12-11-2010, vụ bục túi nước ở mỏ than Dương Huy đã cướp đi sinh mạng của 4 công nhân. Xa hơn một chút, năm 2008, vụ nổ khí mêtan tại mỏ than Khe Chàm, đã chôn vùi 9 thợ lò. 9 người đàn bà bỗng một ngày thành góa bụa, hơn 20 đứa trẻ tự dưng mồ côi cha.

    Hầu như tháng nào cũng có người tử nạn vì “vàng đen” và mỏ nào cũng từng có người nằm lại trong lòng đất. Có một vị cán bộ đã tính toán rồi đưa ra một con số cụ thể đến xót xa: 1 triệu tấn than đổi lấy 1,82 mạng người.
    [​IMG]
    Những tấm biển an toàn như thế này có ở khắp nơi trong hầm mỏ.

    Ai vào nhà truyền thống của Công ty Than Mạo Khê, cũng đều thắp một nén nhang khấn vái cho linh hồn 19 công nhân xấu số trong vụ nổ hầm mỏ vào ngày đầu năm 1999. Vụ nổ dưới lòng đất ấy, đã làm rung động lòng người. Hình ảnh thị trấn Mạo Khê trắng một màu khăn tang vẫn còn bàng hoàng trong ký ức của người dân nơi đây.

    Có lẽ, chẳng có công nhân ngành nào về hưu sớm như công nhân mỏ than. Hầu như, công nhân hầm lò chỉ làm việc được 15 năm là kịch kim, còn lại chỉ trên dưới 10 năm là hết sức. Vậy nên, công nhân hầm lò toàn nghỉ hưu ở độ tuổi 40 đến 45.

    Sau tai nạn, cái chết, thì nỗi ám ảnh lớn nhất với công nhân là bệnh tật, đặc biệt là bệnh đường hô hấp. Mỗi lần đi chữa bệnh, anh em công nhân thường nói vui: “Đi rửa phổi lấy than”.
    [​IMG]
    Gần 2 mạng công nhân mới đổi được một triệu tấn than.

    Ở Quảng Ninh cũng có một số trung tâm y tế có nhiệm vụ chữa bệnh nghề nghiệp cho công nhân ngành than, đặc biệt là bệnh bụi phổi, song không đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng, nên công nhân được đưa lên tận Hà Nội để điều trị.

    Tôi đã bị ám ảnh thực sự trong lần vào Trung tâm y tế lao động TKV, nằm sâu trong ngõ ở đường Phan Đình Giót. Tại ngăn tủ đặt ở cuối hành lang khoa điều trị, có rất nhiều chai nhựa chứa nước màu đen như múc lên từ sông Tô Lịch. Trên mỗi chai nhựa đều ghi tên tuổi công nhân, đơn vị, ngày rửa phổi… Ví như: Nguyễn Văn Long, Công ty Than Vàng Danh, ngày rửa phổi: 29-9-2009… Những chai nước đen sì chính là thứ nước nhuộm than và silic lấy ra từ phổi của công nhân. Mục đích trưng bày là cảnh tỉnh với công nhân, để họ biết sợ, tự biết chăm sóc cho mình.

    Đã dấn thân vào nghề thợ mỏ, là chấp nhận gần như chắc chắn mắc các bệnh liên quan đến phổi. Nếu không điều trị sớm, họ sẽ dễ dàng bị lao phổi, thậm chí là ung thư phổi.

    Còn tiếp…[/spoil]
    kì 5:Người uống nước tiểu của mình để sống dưới lòng đất

    [spoil](VTC News) - “Bình thường, nghĩ đến việc uống nước tiểu của mình đã nôn ói. Nhưng lúc ấy uống nước tiểu của mình mà cứ như uống mật ong ấy” – anh Nông Văn Sơn nhớ lại. Trong suốt 72 giờ nằm trong hầm tối, anh đã có 2 lần uống nước tiểu của mình để cầm cự.
    Trong quá trình làm việc cùng anh em thợ mỏ trong lòng đất, thi thoảng tôi hỏi về các vụ tai nạn, song anh em đều lảng tránh câu trả lời. Không hiểu do được quán triệt, hay sợ xui xẻo, nên anh em không muốn nhắc đến những vụ tai nạn chết người. Cũng có thể, những vụ tai nạn hầm than luôn khủng khiếp, hãi hùng và gây ám ảnh nặng. Chỉ trong chớp mắt, con người bị chôn sống.
    [​IMG]
    Thay ca.

    Ngồi trong hầm than, ngẫm đến tai nạn mà hoảng. Nếu nổ khí, bùm một cái, chết luôn, thì coi như xong một kiếp, chứ bị nhốt trong hầm tối, thiếu ôxi, đậm đặc khí độc, chết một cách từ từ, thì chả khác nào hình thức tra tấn khủng khiếp nhất.

    Thời gian ở trong hầm lò, tôi được anh em công nhân kể nhiều về một công nhân tên là Nông Văn Sơn. Anh Sơn được anh em công nhân nhắc đến như một tấm gương về lòng dũng cảm, đấu tranh đến phút cuối cùng để giành lại sự sống.

    Quá ám ảnh với câu chuyện về người công nhân được coi là “huyền thoại sống” kia, sau khi rời khỏi công trường khổng lồ dưới lòng đất, tôi đã tìm gặp anh Sơn.

    Người đã chôn mà chưa chết

    Phải nhờ tới ông Mai Văn Điềm, Phó Giám đốc Công ty tuyển than Hòn Gai, tôi mới gặp được người công nhân này, khi anh vừa chui ra từ lò than Nghiêng Chính.

    Lau qua khuôn mặt đen xì nhuộm than, “huyền thoại sống” Nông Văn Sơn bắt đầu với câu chuyện hãi hùng 8 năm về trước.
    [​IMG]
    Anh Nông Văn Sơn.

    Hôm đó, một ngày cuối năm 2002, khi đang cùng anh em làm công việc thường ngày là đào than trong hầm, bỗng đất dưới chân rung chuyển, tiếng người la hét, bụi mù. Sức ép của chấn động khiến anh ngã vật, ngẹt thở.

    Lồm cồm bò dậy, sờ xoạng xung quanh, anh mới biết hầm bị sập, hang bị đất đá lấp kín hai đầu. Lò than đã biến thành chiếc quan tài khổng lồ.

    Cuốc xẻng đã bị đất lấp, không biết ở đâu, đèn cũng vỡ nát. Xung quanh chỉ còn là bóng đêm. Cố gắng xác định phương hướng, rồi anh dùng đôi tay bằng da bằng thịt bắt đầu công việc đào bới. Cào được chừng hơn tiếng đồng hồ thì 10 đầu ngón tay rách te tua, máu chảy nhòe nhoẹt. Bóng đêm vẫn tuyệt đối bao quanh, không có chút tia sáng le lói nào. Việc phá đá đào hầm bằng tay là không khả thi.
    [​IMG]
    Dù đã một lần chết hụt, người công nhân này vẫn rất yêu nghề.

    Cơn đói cồn cào thì còn chịu được, nhưng cái khát khiến cổ anh bỏng rát thì không thể chịu nổi, không làm được việc gì nữa. Để thoát được cơn khát, anh đã đi tiểu từng chút một ra tay, rồi đưa lên miệng uống.

    “Bình thường, nghĩ đến việc uống nước tiểu của mình đã nôn ói. Nhưng lúc ấy uống nước tiểu của mình mà cứ như uống mật ong ấy” – anh Nông Văn Sơn nhớ lại. Trong suốt 72 giờ nằm trong hầm tối, anh đã có 2 lần uống nước tiểu của mình để cầm cự.

    Khi hầm mới sập, vẫn còn rộng rãi, thoải mái, có thể đi lại được. Tuy nhiên, nóc hầm cứ lún dần xuống, khiến anh phải lom khom. Cuối cùng, nóc hầm chỉ còn cách mặt đất vài gang tay, anh phải lách người nằm ngửa mới vừa.
    [​IMG]
    Những chuyến tàu than từ lòng đất...
    [​IMG]
    ...ra tận nhà máy sàng tuyển.

    Anh Sơn dùng hai bàn tay tóe máu cào bới lớp đất đá lẫn than ở dưới lưng cho sâu xuống, để tránh bị mái hầm đè nát. Anh vơ những viên đá xếp xung quanh người làm cột chống mái hầm. Lúc đó, cái hầm đã biến thành chiếc quan tài thực sự.

    Dưỡng khí ít dần, anh Sơn bắt đầu khó thở. Khi ôxi không còn nữa, bụng anh chướng lên, chóng mặt và nôn khan.

    Anh Sơn nhớ lại cảm giác khi đó: “Lúc đó, cảm giác cơ thể nhẹ bẫng, như bay lên. Hình ảnh cha mẹ tôi, vợ con tôi cứ hiện lên trước mắt”. Cuối cùng anh lịm dần, không biết gì nữa.

    Đang thiêm thiếp, bỗng dưng có một luồng gió phả thẳng vào mặt khiến anh bừng tỉnh. Tiếng máy phá đá lọt xuống rền rĩ. Lúc này, anh mới biết rằng, đội cứu nạn đã xác định được đoạn hầm sập, đã khoan thủng rồi bơm ôxi vào. Cảm giác lúc đó của anh Sơn như được sống lại lần nữa.

    Đội cứu nạn đã khoét một lỗ vừa đủ người chui qua, rồi buộc dây thừng như thòng lọng thả xuống. Anh thòng dây vào nách mình để đội cứu hộ kéo lên.
    [​IMG]
    Hết ca.

    Khi ra khỏi “quan tài”, xương cốt tê cứng, cơ thể anh Sơn như một khúc cây, không cử động được. Anh em phải khiêng ra xe Song Loan lên mặt đất rồi chuyển thẳng đến bệnh viện.

    Vậy mà, chỉ sau 2 ngày nằm viện, sau một tháng ăn dưỡng tại nhà, người ta đã lại thấy Nông Văn Sơn vác cuốc chim và xẻng xuống hầm đào than.

    Không chịu nổi cảnh sống thắc thỏm, lo âu, người vợ đã ôm con rời bỏ anh. Giờ đây, nỗi lo âu mỗi khi anh xuống mỏ do người mẹ già gánh chịu. Giờ tôi mới hiểu rõ hơn câu nói của cụ già ở vùng mỏ rằng, những người thợ mỏ đã bị chôn, chỉ có điều họ chưa chết!

    Trở về mặt đất

    Sau 4 tiếng liên tục cuốc bộ trong hầm than, rồi tôi cũng gặp tấm biển đề -100m. Điều đó có nghĩa, tôi đã đứng ở độ sâu âm 100m so với mặt nước biển. Đất dưới chân tôi liên tục rung lên cùng tiếng ầm ì vọng trong lòng đất. Kỹ sư Lâm Hồng Quang bảo, khu vực này đang nổ mìn mở hầm, nên rất nguy hiểm, không thể đi sâu được nữa.
    [​IMG]
    Phóng viên trên chiếc Song Loan rời lòng đất.

    Theo anh Quang, nếu đi tiếp, thì sẽ phải đi tời MDK, vì khu vực này độ dốc cao, mặt hầm lầy lội, di chuyển bằng chân rất nguy hiểm. Hệ thống tời MDK phục vụ công nhân chẳng khác gì cáp treo ở chùa Hương hay Yên Tử. Hệ thống tời sẽ đưa công nhân đi tiếp xuống độ sâu âm 175m so với mặt nước biển. Ở độ sâu này, trữ lượng than rất lớn, tuy nhiên, việc khai thác rất vất vả, nguy hiểm.

    Dù rất muốn được đi “cáp treo” xuống lòng đất, đến nơi tận cùng của hầm than, song vì lý do an toàn, anh Quang, người giám sát tôi, đã yêu cầu kết thúc cuộc hành trình.

    Tôi trở ngược ra ngoài, đến độ cao +50, thì gặp từng đoàn công nhân í ới đi ra từ các ngóc ngách đứng chờ xe Song Loan chạy qua. Cứ vài phút, chúng tôi lại phải đứng dạt ra, nhường đường cho những “đoàn tàu” chở than ra khỏi lòng đất. Những chiếc Song Loan cũng lách cách ngược xuôi. Tôi đáp lên một toa, thắt xích cẩn thận rồi trở ra ngoài.
    [​IMG]
    Người thợ lò cũng như người lính. Vào lòng đất cũng như ra trận.

    Sau khi nộp lại chiếc “thẻ sinh tử” cho bác giám sát ở miệng hang, tôi đã được trở về mặt đất. Cái lạnh ngằn ngặt của mùa đông xâm chiếm cơ thể. Ở dưới lòng đất, đông cũng như hè, lúc nào nhiệt độ cũng từ 27-30 độC.

    Tôi chợt nhận thấy một điều, rằng đời người thợ mỏ khai thác dưới hầm lò chả khác gì người lính. Mỗi khi xuống hầm lò, là một lần ra trận. Đã vào lò là phải chấp nhận hi sinh. Họ đã chấp nhận hi sinh thân mình để làm giàu cho Tổ quốc.

    Tôi đang lớ ngớ không biết tắm rửa thế nào, chả lẽ để nguyên bộ mặt đen xì trèo lên ôtô, thì cô nhân viên chỉ tay về hướng nhà tắm phía sau nhà thay đồ. Từ xa, đã nghe thấy tiếng rào rào như thác chảy. Tôi lò dò vào trong, choáng với cảnh tượng trước mắt: Cả ngàn công nhân trần nhồng nhộng đứng dưới mấy trăm vòi nước xối xả từ trên mái nhà. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một nhà tắm khổng lồ như thế, cỡ sân bóng đá loại nhỏ. Tôi nghĩ vui: Cảnh tắm táp cứ như là tắm cho trang trại lợn!

    Lúc ngồi trên xe buýt, tôi gặp lại những công nhân mà tôi từng làm việc cùng họ trong một gương than. Hình ảnh lấm lem, đen xì đã biến mất hoàn toàn. Họ bảnh bao với áo sơmi, quần âu đóng thùng và nói cười rổn rảng.
    [/spoil]
    end :D
     
  15. Hip²ºº8

    Hip²ºº8 Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    14/7/08
    Bài viết:
    412
    Nơi ở:
    คิเซค
    mình ko làm nghề này đc,bị nghiện thuốc lá =) mà sao gái QN trắng thể nhở,đứa nào quen skin cũng trắng muốt :-s
     
  16. redvirus

    redvirus Mega Man

    Tham gia ngày:
    19/4/05
    Bài viết:
    3,241
    bài này hay quá , đọc 1 lèo hết 5 kì @_@
     
  17. May 3rd

    May 3rd Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    4/5/09
    Bài viết:
    928
    Nơi ở:
    ứ nói ,các anh tha em
    đã đọc hết , lương 5-10 triệu nghe thì to nhưng thấy làm việc vất vả kinh :-s
     
  18. baby_boy21c

    baby_boy21c Mario & Luigi

    Tham gia ngày:
    12/7/05
    Bài viết:
    702
    Nơi ở:
    Ho Chi Minh City
    Nghĩ lại bây giờ có trang thiết bị tương đối là hiện đại mà cái chết cứ đè lên vai, ko biết thời Pháp thuộc còn kinh khủng hơn cỡ nào nhỉ :-s
     
  19. s0ulal0net8

    s0ulal0net8 Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    26/7/09
    Bài viết:
    206
    Bạn vào công ty thuốc lá ở thanh xuân hà nội vừa vào lương cũng hơn 4tr đó, còn lương cứng 10tr là chuyện bt.

    Những người làm nghề này là do sở thích hay do không còn công việc nào khác để làm vậy, vừa vất vả vừa nguy hiểm lại còn hại sức khỏe nữa chứ.
     
  20. DâuTây^^

    DâuTây^^ T.E.T.Я.I.S

    Tham gia ngày:
    1/6/10
    Bài viết:
    603
    Nơi ở:
    ruộng dâu
    thuốc lá thanh xuân ngày nào cũng um lên 1 mùi khó tả:-ss,nồng nồng của lá thuốc sấy khô,không được thơm như thuốc khi hút đâu:-s
    học 4 năm ở trường KHTN&XHNV thì cũng hít no thứ mùi này :-s
     

Chia sẻ trang này