Review Lightning Returns: Final Fantasy XIII

Thảo luận trong 'Review - Preview - Fanfic' bắt đầu bởi Sh18vsRd2d, 21/11/14.

  1. Sh18vsRd2d

    Sh18vsRd2d Dragon Quest

    Tham gia ngày:
    17/11/06
    Bài viết:
    1,233
    Nơi ở:
    Gamindustri
    Bài viết này kỉ niệm sinh nhật 1 năm tuổi của Lightning Returns: Final Fantasy XIII kể từ ngày đầu tiên ra mắt tại Nhật Bản 21/11/2013.

    [​IMG]
    “How will you spend your final days?”

    • Đây là một trong 2 phiên bản game thuộc main series có logo là hình ảnh Crystal, phiên bản còn lại là Final Fantasy IX. Cả 2 logo Crystal này đều không phải cho Yoshitaka Amano thực hiện
    • Lần đầu tiên trong main series có một tựa game kéo dài đến phiên bản thứ 3
    • Từ sau Final Fantasy VIII đây là bản duy nhất của main series không có theme song
    • Phiên bản đầu tiên trong main series người chơi chỉ có thể điều khiển duy nhất 1 nhân vật

    Story: Đơn giản nhưng đầy cảm xúc


    Cốt truyện trong LR là một bản nối tiếp của Final Fantasy XIII-2, nhưng thay vì với những cách tiếp cận màu mè, rối rắm và (cố nhồi nhét) đậm chất điện ảnh khiến người chơi có hàng đống câu hỏi to đùng từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc tựa game như 2 người tiền nhiệm đã làm, LR chỉ đơn giản đưa người chơi đến với thế giới 500 năm sau ending của Final Fantasy XIII-2 hoặc năm 1000 AF.

    Đó là một thế giới hoàn toàn mới nơi không còn những khái niệm Cocoon hay Pulse, nơi bị trộn lẫn giữa Visible World với Unseen World,cũng như không hề tồn tại khái niệm về thời gian. Thế giới trong Lightning Returns có tên là Nova Chrysalia và đang dần bị nuốt chửng bởi Chaos, nó chỉ còn lại duy nhất 4 vùng đất lớn được nối với nhau bởi các đường ray xe lửa là thành phố của tôn giáo Luxerion, thành phố của lễ hội Yusnaan, vùng đất hoang dã cuối cùng Wildlands và sa mạc Dead Dunes.
    [​IMG]

    Những con người trong Nova Chrysalia suốt 500 năm và không hề bị già đi, những đứa trẻ suốt 500 năm vẫn chỉ mà là những đứa trẻ, họ vẫn lần lượt mất đi theo thời gian nhưng không có bất kì sinh linh mới xuất hiện. Khi thế giới chỉ còn lại 13 ngày cuối cùng trước khi hoàn toàn sụp đổ, nhân vật chính – Lightning xuất hiện tại Luxerion sau giấc ngủ dài trong dạng crystal vàmang trên vai một sứ mệnh mới từ vị thần toàn năng Bhunivelze để đổi lấy việc hồi sinh Serah, cô phải thu thập linh hồn của mọi người để Bhunivelze có thể tái sinh lại những linh hồn đó tại thế giới mới, nhưng cả thế giới đều quay lưng chống lại cô.

    Một cuộc phiêu lưu bắt đầu trước thời điểm tận thế sẽ kết thúc tất cả. Liệu mọi chuyện có đơn giản như dự tính ban đầu!?

    Thật sự mà nói cốt truyện chính trong Lightning Returns không hề đặc sắc hay lôi cuốn, những gì nó đem đến chỉ đơn giản là giải quyết các vấn đề tồn đọng giữa Lightning và các nhân vật còn lại, bạn sẽ gặp lại những cái tên vô cùng quen thuộc như Snow, Noel, Hope… nói chung là tất cả các main char đến từ 2 bản trước cùng một nhân vật hoàn toàn mới có tên là Lumina. Cốt truyện chính trong game chia thành 6 Chapter lớn, khá rời rạc khi người chơi có thể lựa chọn thực hiện cái nào mình muốn trước cũng được trừ chapter Final Day. Không màu mè, không cố gắng nhồi nhét đống thứ vô nghĩa nhưng cũng không để lại bất cứ ấn tượng gì. Nhưng tôi lại thích cách tiếp cận này của LR, đưa ra những thứ bình dị, đơn giản hay có thể nói là sơ sài nhất để dẫn tới một kết thúc, một happy ending thực sự theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho cái series đã quá nhiều tai tiếng này.

    [​IMG]

    Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn sai lầm nếu đánh giá rằng cốt truyện hay thế giới Lightning Returns dở tệ. Bị giới hạn bởi chính bản thân chỉ là một phiên bản nối tiếp nên cốt truyện chính của game đã không thể bộc lộ được bất cứ thứ gì, nhưng điều này đã được khắc họa một cách hoàn hảo qua hệ thống sidequest của game.

    Bạn muốn biết thế giới 500 năm sau thay đổi như thế nào, bản chất của con người sẽ ra sao khi sống suốt 500 trời không già đi hay khi cận kề ngày tận thế những điều gì sẽ xảy ra, tất cả chúng sẽ được miêu tả rõ nét trong những câu truyện, lời thoại của 64 sidequest. “Con người luôn thèm muốn sự trường sinh, nhưng đến khi nó xảy ra thì liệu còn có ai muốn điều đó” Đây là một mô típ đã quá quen thuộc với rất nhiều các tựa game khác hay những bộ phim truyền hình. Tuy nhiên trí tưởng tượng của đội ngũ phát triển đã làm cho “sự quen thuộc” này không hề bị nhàm chán mà ngược lại còn rất thú vị và vô cùng phong phú. 64 nhiệm vụ là 64 câu truyện khác nhau về những con người, những mảnh đời riêng biệt từ những mối tình suốt 500 năm trời, những cuộc chia ly hàng thế kỉ cho những câu truyện về tình cảm gia đình, bạn bè, những con người sẵn sàng hi sinh thân mình và đầy lòng vị tha, hay như câu chuyện về “người máy Wall-E” Bhakti. Tất cả chúng đều không quá mới lạ với cả bạn hay tôi, chúng ta đã có thể thấy những câu truyện như này rất nhiều lần nhưng cách mà Square Enix đặt nó vào trong các bối cảnh phù hợp đã làm chúng trở nên mới mẻ và mang đến đầy cảm xúc cho người chơi.
    [​IMG]
    Xin chào tôi là người máy Bhakti và tôi cũng có một linh hồn

    Điều duy nhất trong cốt truyện làm tôi thấy hơi khó hiểu và phải băn khoăn 1 chút chính là nhân vật Lumina, 1 cô nhóc tinh nghịch, lắm chiêu. Mặc dù thân phận của nhân vật này sẽ được tiết lộ khi kết thúc game, nhưng những gì mà cô nàng làm trong suốt cốt truyện thực sự khá mâu thuần. Có lẽ đây chính là ý của đội ngũ phát triển khi xây dựng một nhân vật vốn đã ẩn chứa nhiều mâu thuẫn (vừa lấy việc phá hoại Lightning làm trò vui, từng tìm đủ trò có thể khiến Lightning phải bỏ mạng, nhưng lại muốn giúp và bảo vệ Lightning) nhưng có vẻ họ đã làm điều này hơi thái quá.
    [​IMG]
    Lumina “The Devil Kid” – Snow

    Các khoảng khắc đáng nhớ trong game:

    • Câu chuyện giữa Bhakti và nhóm bạn của cậu
    • Chuyện tình của Lackley và người vợ sắp cưới của mình
    • Cuôc đoàn tụ giữa “đầy tình cảm” giữa Mog và Light hay nhiệm vụ tìm 3 người anh em sợ độ cao cho Moggel.
    • Mối liên kết vượt thời gian giữa Odin và Lightning

    Graphic & Sound: Giới hạn vẫn là quá lớn

    Đồ họa trong game vẫn chỉ sử dụng y nguyên công nghệ từ bản đầu tiên, chúng không có quá nhiều điều khác biệt hay có thể nói là cái bóng của Final Fantasy XIII là khá lớn. Chắc vì việc chuyện sang một thế giới rộng lớn tự do để tương tác nên 2 phiên bản này không tạo ra được những khung cảnh đẹp mê hồn, khiến người chơi phải dừng lại ngắm nhìn như người anh cả của mình đã từng làm. Nếu dừng lại ở đây thì chắc sẽ chẳng có gì đáng nói, vậy điều gì làm cho Lightning Returns khác biệt hơn.

    Mặc dù thua kém so với Final Fantasy XIII về độ chi tiết trong các khung cảnh, nhưng Lightning Returns đã cho thấy một thái độ làm việc nghiêm túc hơn của đội ngũ phát triển thay vì qua loa cho kịp tiến độ như Final Fantasy XIII-2. Nếu như trong XIII-2 thế giới rộng lớn của bạn chỉ là những vùng đất nho nhỏ bị giới hạn rất nhiều và để che giấu việc tuyến tính bằng cách thay vì chạy thẳng bạn có thể chạy ngang dọc nhưng rồi kết cục vẫn chỉ có 2 điểm đầu và cuối, còn với Lightning Returns đó là một thế giới mở thực sự, vô cùng rộng lớn với những thảm cỏ xanh mướt của Wildlands hay biển cát mênh mông của Dead Dunes. Người chơi có thể tương tác, leo trèo lên rất nhiều thứ họ nhìn thấy.
    [​IMG]
    Nào mình cùng xoay

    Bạn sẽ không còn phải gặp lại những khung cảnh sơ xài, góc cạnh trong Final Fantasy XIII-2 nữa, các khung cảnh trong LR chi tiết và rõ nét hơn rất nhiều, chúng hoàn toàn lột tả được những dáng vẻ của từng vùng đất như vẻ âm u cổ kính tại Luxerion hay một Yusnaan với sắc đèn rực rỡ.

    Thay vì những khuôn mặt vô hồn, không có tí cảm xúc nào cùng sự nhân bản vô tính trong XIII-2, các NPC trong LR cũng được chăm chút kĩ hơn, chỉ là những động thái rất nhỏ như thay đổi trang phục, màu sắc, phụ kiện hay cắt tỉa chút râu tóc, nó không phải vấn đề quá to lớn nhưng đã tạo ra những khác biệt riêng, một sự đa dạng cho thế giới trong LR. Biểu cảm trên khuôn mặt và cử chỉ của các NPC cũng được chăm chút kĩ hơn khiến họ có thể hòa vào chính những câu truyện của mình.

    Điểm trừ cho phần đồ họa chính là đám vũ khí, hay trang phục cho Light, tuy sở hữu một lượng lớn trang phục và vũ khí nhưng độ xấu lại tỉ lệ thuận với số lượng. Những bộ cánh và trang bị nhìn có vẻ ổn, hoặc khá được thì rất tiếc chúng lại không có tác dụng, với số còn lại, thực sự bạn sẽ thấy nó đẹp khi che đi cái đầu của Light, phần đầu sẽ chẳng ăn nhập gì với bên dưới.

    Gỡ gạc lại 1 phần nào game cho phép người chơi tự do tạo ra những bộ trang phục khác nhau với việc tùy chỉnh màu sắc, hay với một kho đồ phụ kiện bạn có thể làm đẹp cho Light theo cách riêng của mình hoặc là biến thành một thảm họa thời trang có một không hai

    Cuối cùng với bản thân tôi, Final Fantasy XIII giống như đang chu du trong một thế giới đã chết (mặc dù rất đẹp nhưng nó mang lại cảm giác quá quá lẻ loi), còn trong Final Fantasy XIII-2 là một thế giới của lũ một hình nộm vô cảm (giống như tất cả đều bị trúng Ảo Mộng Vĩnh Hằng của Madara) thì Lightning Returns đã đem đến cảm giác đang được chu du trong một thế giới, một thế giới người sống thực sự mặc dù nó đang dần chết.
    [​IMG]

    Cũng tương tự như phần đồ họa, âm nhạc của game không có quá nhiều khác biệt với những người đàn anh. Đa phần các bản nhạc được sử dụng lại từ những soundtrack đáng nhớ của phiên bản cũ tiêu biểu như: Blinded by Light, Serah Themes… Các bản nhạc cũng chia ra tương ứng với các mốc thời gian trong ngày để người chơi có thể nhận thấy rõ ràng việc thời gian đang trôi – yếu tố chủ đạo trong game cũng như làm toát lên vẻ u ám của cái thế giới sắp đến hồi diệt vong. Ý tưởng và cách thực hiện này là tốt nhưng thực sự 74 bản OST của game không để lại bất cứ ấn tượng nào cho bản thân tôi sau gần 100h chơi, thứ mà tôi có thể ghi nhớ được chỉ vỏn vẹn có 2 bản The Ark và Epilogue. Tuy nhiên phần lồng tiếng khá ổn, nó cũng là yếu tố góp phần tạo nên những câu chuyện mang đầy cảm xúc. Một điểm trừ rất lớn là việc game không hề có cho mình một bản theme song, đây cũng là điều đáng tiếc dành cho tựa game.
    [​IMG]

    Gameplay: Dám thay đổi sẽ tạo nên đột phá

    Gameplay của Lightning Returns sẽ xoay quanh vấn đề chính là thời gian, một phút trong game tương ứng với 3s ngoài đời thực, bạn sẽ có tổng cộng 13 ngày cùng ngày ẩn thứ 14 trước khi bị bắt phải kết thúc game, cuộc phiêu lưu sẽ bắt đầu vào 6h sáng hàng ngày và vào 6h sáng hôm sau bạn sẽ bị “lôi” về điểm tập kết Ark dù có đang làm bất cứ điều gì đi chăng nữa. Ark là nơi bạn có thể tìm hiểu thêm những thông tin về thế giới game, thử sức lại với những con boss đã tiêu diệt, nhận thưởng hàng ngày và mua bán tại shop của Hope. Điều đặc biệt tại Ark chính là cây sinh mệnh Yggdrasil, khi bắt đầu bạn sẽ chỉ còn lại 8 ngày, thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ cả chính lẫn phụ bạn sẽ nhận được Eradia (linh hồn của những người mà Light đang thu thập), khi thu thập đủ số Eradia nhất định Yggdrasil sẽ nở hoa và bạn sẽ có thêm một ngày nữa trước tận thế, hoa sẽ nở tổng cộng 6 lần tất cả và điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những gì Light làm hay nói cách khác thì chính là bạn.
    [​IMG]
    Cây thời gian Yggdrasil

    Trái ngược với gameplay auto hoàn toàn đến phát buồn ngủ của Final Fantasy XIII và XIII-2, Lightning Returns sẽ đưa bạn quay trở lại với những thử thách thực sự, hệ thống chiến đấu trong game có tên gọi là Style-Change Active Time Battle(SATB) với sự kết hợp giữa yếu tố Action và ATB truyền thống, thay vì việc ngồi lựa chọn những câu lệnh như trước, giờ đây chúng được gán trực tiếp vào các 4 nút bấm trên tay cầm, nhân vật sẽ thực hiện theo đúng những nút mà bạn sử dụng như Attack, Def, Spell….

    Nếu bạn nghĩ rằng chỉ việc ngồi spam các nút bấm như những tựa game chặt chém đơn thuần thì hoàn toàn sai lầm, sẽ không còn những cái tên đơn thuần của hệ thống Paradigm nữa mà thay vào đó là một hệ thống chiến đấu theo trang phục (Garb) hoàn toàn mới là Schemata. Trong game bạn có thể trang bị 3 Schemata khác nhau, để hoàn thành mỗi Schemata bạn sẽ phải thiết lập các bộ Garb có những chỉ số, skill khác nhauhoặc sẽ không có gì cả và chỉ đơn giản là một bộ cánh với thanh ATB , cùng vũ khí, khiên, trang bị, phụ kiện và những câu lệnh, suy cho cùng hệ thống Schemata có nét khá tương đồng với hệ thống Job trong series nhưng khác là việc bạn có thể tự tạo ra bất cứ Job nào mình muốn. Khi bước vào trận đấu, bạn sẽ có số ATB tương ứng với mỗi Schemata. Mỗi hành động của bạn sẽ tốn 1 lượng ATB cost nhất định và được trừ thẳng vào thanh ATB, đặc biệt như lệnh Def nếu bạn giữ nguyên nút def ngoài việc mất ATB bằng giá trị của lệnh, ATB cũng bị giảm dần theo thời gian cho đến khi bạn thả ra, ATB sẽ tăng lại theo tốc độ cố định trừ một vài bộ Schemata có Ability tăng tốc hồi ATB, vì thế để đảm bảo việc chiến đấu không bị ngắt quãng vì hết ATB hoặc tự đưa mình vào thế nguy hiểm khi không đủ ATB thực hiện lệnh def, việc chuyển qua lại giữa 3 bộ Schemata với phím L1, R1 là vô cùng quan trọng.
    [​IMG]

    Game có 3 chế độ khó gồm Easy, Normal và Hard sẽ được chọn vào đầu mỗi lần chơi và không thể thay đổi cho đến New Game+. Nếu như chơi ở Normal hay Hard bạn sẽ phải thường xuyên để ý đến máu của Light vì chúng sẽ không tự hồi lại mà chỉ có thể dùng Potion, Spell, ăn uống tại các nhà hàng hoặc ngủ tại Inn, nhưng dĩ nhiên đừng quên thời gian trong game là giới hạn và bạn không thể tự do quay lại các nhà hàng hay Inn để ăn ngủ. Điều này sẽ đẩy độ khó của game lên cao hơn và khiến nó thật thú vị, thay vì spam nút bấm vô tội vạ bạn cần căn chỉnh thời gian (timing) tấn công hoặc đỡ đòn thích hợp để mang lại hiệu quả cao vừa để tránh bị thiệt hại nhiều nhất cũng như có thể ngay lập tức Stagger kẻ địch.

    Trong Lightning Returns khái niệm Stagger vẫn còn tồn tại, nhưng thay vì đơn giản như 2 bản đầu, mỗi loại kẻ thù sẽ có số thanh Stagger khác nhau dao động từ 1-4 thanh, chỉ khi Stagger hoàn toàn tất cả các thanh này chúng mới đứng im chịu trận cho bạn đánh và dĩ nhiên điều này không hề dễ chút nào, khi ATB có hạn và bạn sẽ bị ngắt quãng Stagger nếu trúng đòn từ kẻ thù. Việc timing tấn công ngay khi kẻ địch vừa ra đòn hay đỡ đòn đúng thời điểm có thể khiến cho bạn Stagger ngay 1 thanh của kẻ địch. Vậy thì quá trình chơi game dễ hay khó tất cả phụ thuộc ở bạn.

    Trong game chỉ có đúng 4 nguyên tố magic, tương khắc với nhau theo cặp Fire >< Blizzard, Thunder >< Wind. Và dĩ nhiên kẻ thù sở hữu những nguyên tố này, việc sử dụng đúng nguyên tố khắc chế sẽ giúp bạn Stagger kẻ địch dễ dàng hơn.
    [​IMG]

    Lighting Returns 92 bộ Garb bao gồm cả DLC cùng số lượng câu lệnh, vũ khí và khiên rất lớn, hãy thử tưởng tượng bạn có thể tạo ra bao nhiêu Jobs từ chúng. Các Garbs sẽ có động tác ăn mừng chiến thắng khác nhau và thậm chí victory theme cũng thay đổi theo. Vũ khí được chia làm 3 dòng chính gồm: Str> Magic, Magic> StrStr = Magic. Tương tự với khiên cũng vậy chúng có 3 dòng chính: HP cao, Def caoTăng dame. Những câu lệnh sẽ có các ATB cost, hiệu ứng, animation, dame khác nhau, ngoài ra các câu lệnh tấn công sẽ có 2 chỉ số quan trọng chính là Stagger (% Stagger gây ra) và Stagger Time (thời gian kéo dài Stagger), những yếu tố trên của các câu lệnh là vô cùng quan trọng để bạn lựa chọn kết hợp chúng với nhau cho việc dễ dàng stagger kẻ thù nhất và hãy lưu ý rằng gần như không có một câu lệnh nào là vô dụng, chúng đều quan trọng như nhau, việc sử dụng thế nào nằm ở bạn. Hãy thử nhìn xem Square Enix đã cung cấp số lượng khổng lồ thế nào không chỉ về ngoại hình mà cả chiến thuật cho người chơi lựa chọn và xây dựng. Điểm trừ duy nhất về vấn đề này là việc các phép thuật cấp độ “ga”, hay cao hơn nữa như Flare, Tornado, Ultima…. Chúng sở hữu Stagger cực cao ở cấp độ A, lượng dame lớn nhưng lại chỉ thích hợp cho các trận đánh với quái yếu, khi có thể quét sạch kẻ thù trong 1 đòn, nhưng lại hoàn toàn vô dụng khi đánh với những con quái tầm trung trở lên và boss, điều này làm chúng hiếm khi xuất hiện trong các bộ Schemata của người chơi, lý do là vì chúng tốn lượng ATB quá lớn để thực thi và animation quá dài, khó để kết hợp lại với nhau để hoàn chỉnh stagger 1 thanh của kẻ thù, bạn sẽ dễ dàng thổi bay cả thanh ATB của mình mà vẫn chưa stagger nổi kẻ địch, vì thế lựa chọn tối ưu về phép thuật vẫn chỉ dừng lại ở cấp “ra”.

    Điều mà tôi rất thích trong phần trên của Gameplay là bạn có thể tự do xây dựng chiến thuật, vì kẻ địch của bạn chúng không hề bị đánh bại chỉ với 1 chiến thuật duy nhất. Mỗi kẻ thù đều sở hữu những cách riêng để đánh bại, và để tìm ra được cách đó có thể bạn phải mất đến nguyên một buổi và rồi áp dụng nó trong trận đánh kéo dài tầm 5p kể cả là các super boss với cơ số máu lên đến hàng chục triệu. Điều này thật sự rất hay và nó dễ chịu hơn nhiều so với việc ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ để đánh một con boss như các phiên bản trước.
    [​IMG]

    Garbs, các câu lệnh, vũ khí, khiên có thể kiếm được bằng cách mua từ cửa hàng, rơi từ kẻ thù hoặc phần thưởng của các nhiệm vụ. Game cũng cung cấp một hệ thống nâng cấp câu lệnh, vũ khí và khiên cho người chơi.
    Nhiệm vụ trong game được chia làm 3 loại chính: 6 Main quest, 64 sidequest và 83 Canvas of Prayers (nhận từ Chocolina) phần thưởng từ các nhiệm vụ gồm có tiền, chỉ số (HP, Str, Mag), phụ kiện, tăng giới hạn ATB, giới hạn EP và giới hạn ô chứa vật phẩm hồi phục. Không chỉ giàu tính nhân văn sidequest trong LR còn rất đa dạng về hình thức cách thức hiện từ cách đơn giản như đánh quái, kiếm vật phẩm cho đến những trò thú vị hơn như lùa cừu, chạy đua… các sidequest có những khung thời gian nhận và trả khác nhau, ngoài ra bạn có thể dễ dàng bị miss quest nếu như không đáp ứng đúng điều kiện đặt ra hoặc không quay lại gặp NPC đúng thời điểm.

    Thời gian là vàng bạc, nếu kiểm soát được thời gian bạn sẽ có tất cả.

    Trong LR có một chỉ số vô cùng mật thiết là EP (Energy Points), EP sẽ có được qua việc đánh bại kẻ thù, hoặc tự động làm đầy khi quay về Ark mỗi ngày, ban đầu bạn sẽ chỉ có 5 thanh EP và mở tối đa lên 9 khi hoàn thành các Main quest. EP được dùng để mua đồ từ Hope, mở các rương đồ đặc biệt và sử dụng những kĩ năng quan trọng như Escape, Curaga, Raise, Teleport, Army of One và đáng chú ý nhất là Over Clock cũng Chronostasis (2 kĩ năng cho phép Light ngưng đọng thời gian) Nếu như Over Clock được sử dụng để ngưng đọng thời gian trong các trận chiến với 2 EP và làm tiền đề cho Army of One thì Chronostasis còn có tác dụng hơn rất nhiều khi bạn có thể làm điều đó ở bên ngoài với cái giá hời hơn rất nhiều 1 EP.
    [​IMG]
    Ta là kẻ nắm giữ thời gian

    Nếu như bạn thấy thời gian 1 ngày trong game quá ngắn, mọi thứ cứ trôi đi một cách chóng vánh trong khi còn quá nhiều việc để thực hiện thì Chronostasis sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề đó. Chỉ cần kết hợp giữa việc đánh quái và sử dụng Chronostasis một cách hợp lý, bạn sẽ thấy thời gian trong game dường như là vô tận, tôi đã từng hoàn thành toàn bộ sidequest và mainquest chỉ ngay trong 4 ngày đầu tiên tất cả là nhờ kỹ năng trên.

    Thời gian trong game cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến kẻ thù, càng về gần Final Day, chúng sẽ càng trở nên mạnh và hung hãn hơn, các boss sẽ xuất hiện thêm dấu “+” trong tên của chúng, điều này cho phép bạn chủ động trong việc lựa chọn thực hiện các nhiệm vụ một cách đơn giản hay khó khăn.
    [​IMG]
    Chúng tôi là Team “+”​


    Một tính năng đáng chú ý khác là việc bạn có thể tự do di chuyển trong trận đấu, vậy mục đích của nó là gì? Không chỉ đi lại lòng vòng cho vui khi đánh, điều mà bạn sẽ thấy khá vô giá trị khi mới chơi, việc tự do di chuyển giúp bạn tạo khoảng cách với kẻ thù để dễ dàng timing chuẩn xác hơn trong việc tấn công cũng như phòng ngự. Ngoài ra bất cứ kẻ địch nào cũng có điểm yếu mà đa phần chính là đầu của chúng, việc di chuyển còn giúp bạn chọn hướng tấn công hợp lý để phản công lại kẻ địch đúng vào điểm yếu của chúng, tính năng này cũng giúp bạn loại bỏ 1 bộ phận trên người kẻ thù, làm chúng mất hẳn đi một vài dạng tấn công, như loài rồng nếu bạn chặt đuôi của chúng sẽ tránh hoàn toàn được đòn quét đuôi đầy uy lực, hay như loại bỏ 2 chiếc đầu rắn của chimera sẽ khiến nó chỉ còn tấn công bằng các đòn vật lý thông thường…
    [​IMG]

    Game có tổng cộng gần 40 loại kẻ thù, trong đó có 31 loài quái vật hoang dã và có 3 loài chỉ xuất hiện ở Final Day, số còn lại là những quái vật đến từ Chaos, sản phẩm do con người tạo nên hoặc kẻ thù là con người. Mỗi loài hoang dã đều có một cá thể cuối cùng với tên gọi là The Last One, chúng có cùng hình dạng với các con trong loài nhưng toàn thân là một màu hồng, nếu như đã tiêu diệt The Last One của một loài thì sẽ khiến loài đó không thể spawn trên bất cứ đâu nữa, The Last One sẽ xuất hiện khi tiêu diệt đủ số lượng quái vật tương ứng cho mỗi loài, điều này cũng bật đèn xanh cho người chơi “làm sạch môi trường” bằng cách tiêu diệt hết các The Last One, mặc dù hơi cô đơn nhưng sẽ khá thú vị nếu bạn có thể tự tay đi trên những vùng đất không còn bóng dáng con quái nào nhờ chính công sức của bản thân.
    [​IMG]

    End: Người chơi có thể quyết định tất cả

    • Mặc dù như tiêu đề của game cũng cho thấy rõ việc bạn sẽ chỉ điều khiển 1 mình Lightning, dù đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhưng sau 1 thời gian chơi bạn sẽ thấy thật buồn, chỉ có 2 vị khách duy nhất tham gia cùng bạn là chú Chocobo Angel of Valhala và Fang vào những trường đoạn nhất định của cốt truyện. Sẽ thật tuyệt vời nếu như gameplay trong Lightning Returns được phát triển thành 1 tựa game riêng biệt với các nhân vật khác sẽ tự động tham gia vào trận đánh với chức năng tương tự “Gambits”
    • Do bị giới hạn chỉ là phiên bản nối tiếp với những gì đã có nên game đã khiến nó không thể phát huy hết thế mạnh của mình nhưng suy cho cùng Lightning Returns là một tựa game hay, rất đáng để chơi, sẽ thật tiếc nếu chỉ vì thành kiến với 2 phiên bản trước mà bạn bỏ qua tựa game tuyệt vời này. Sự mạnh dạn thay đổi có thể mang đến thất bại hoặc thành công và với Lightning Returns, nó đã mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người hâm mộ, một thử thách thực sự cho các fans trung thành.
    • Game dễ hay khó, vất vả hay nhàn nhàn nhã tất cả đều do bạn quyết định

    Chấm điểm:

    • Graphic: 9/10
    • Sound: 6/10
    • Story: 8,5/10
    • Gameplay: 9,5/10
    • Re-play: 10/10


    A flash breaks darkness
    Face a dying world
    All for a new world
    Souls are lead to their final salvation

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/11/14
    Devil Never Cry thích bài này.

Chia sẻ trang này