Khái quát về việc dịch game

Thảo luận trong 'Tin tức - Giới thiệu - Thảo luận chung về game' bắt đầu bởi asm65816, 26/4/15.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. asm65816

    asm65816 Mega Man

    Tham gia ngày:
    23/5/09
    Bài viết:
    3,320
    Nơi ở:
    El Sallia
    Dù phong trào dịch thuật game do người hâm mộ tự làm đã bắt đầu từ thập niên 1990 của thế kỷ trước do sự phát triển mạnh mẽ của máy tính cá nhân, nhưng phải từ năm 2000 trở đi thì phong trào này mới trỗi dậy mạnh mẽ trong cộng đồng gamer Việt mà trước đó chưa từng thấy. Xoay quanh những bản dịch, có nhiều ý kiến khác nhau. Khen có, chê có, không khen không chê cũng có, vừa khen vừa chê cũng có luôn. Đây cũng là điều tất yếu và bình thường khi một sản phẩm ra đời, đón nhận thái độ của công chúng.

    Sự khen chê thể hiện mức độ yêu thích, quan điểm của cộng đồng đối với sản phẩm đó, và dường như không có chuẩn mực nào để đánh giá khen chê, hay dở. Tất cả đều là suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm, trình độ của từng cá nhân, và khó có thể đánh giá theo một chuẩn mực nào. Ngay cả những văn hào lừng danh cũng phải đón nhận những lời chê bai bên cạnh những câu khen ngợi. Cùng một tác phẩm văn học, nhưng những đối tượng tiếp nhận khác nhau có thể có những thái độ khác nhau. Một cuốn tiểu thuyết diễm tình có thể được lòng chị em phụ nữ tuổi đôi mươi, nhưng lại là thứ nhảm nhí của những người tự cho là có chút đỉnh suy nghĩ. Một bộ tiểu thuyết đồ sộ mang đậm tính triết học có thể được giới trí thức đánh giá cao, nhưng sẽ là thứ nhạt nhẻo đáng chê trong con mắt của tầng lớp bình dân.

    Ngay cả những bản dịch chính thức của nhà sản xuất cũng không ít lần vấp phải sự chê bai của cộng đồng vì bản dịch ngây ngô, câu từ lủng củng hay thậm chí là lệch lạc ý nghĩa. Vì vậy, những sản phẩm dịch thuật không chính thức mang tính phi lợi nhuận và đam mê của cộng đồng gamer dĩ nhiên là không thể tránh khỏi thái độ khen chê của đời.

    [​IMG]


    Sự khác nhau giữa tiếng Nhật và tiếng Anh trong cùng một phiên bản
    Tiếng Nhật: thành phố không ngủ Treno
    Tiếng Anh: thành phố hắc ám (tối tăm) Treno


    Bản thân đã kinh qua nhiều hình thức dịch thuật khác nhau như dịch miệng (họp báo, hội nghị, hiện trường), dịch văn bản (tiểu thuyết, tạp chí, hợp đồng...), dịch "công nghệ" (phụ đề phim ảnh...).... thì tôi có thể nói, dịch thuật game có những đặc tính hoàn toàn khác với những loại dịch thuật "truyền thống" như kể trên. Có thể xem dịch game là một kiểu mở rộng, phức tạp hơn của việc dịch phần mềm ứng dung. Với kinh nghiệm của người đã kinh qua hết các thể loại dịch thuật kể trên, trong bài viết này tôi đề cập đến những đặc tính của mảng dịch thuật game để người đọc, người chơi có cái nhìn tổng quát, rộng rãi hơn về lãnh vực này, từ đó có những góc nhìn khách quan hơn.

    * Đối tượng game được bàn đến trong bài này là game offline.
    * Ý kiến trong bài này thể hiện quan điểm cá nhân của người viết.

    I. Đối tượng của các bản dịch

    Có thể nói, đối tượng dịch thuật tự phát của người hâm mộ trong cộng đồng gamer là những game cho các hệ máy console. Lý do khá đơn giản, vì phần lớn những nhà phát triển game console đều đến từ Nhật Bản, trong khi các nhà phát triển Tây phương thì ưa chuộng mảnh đất cho PC hơn, nên hầu hết game PC đều có ngôn ngữ tiếng Anh. Các thứ ngôn ngữ khác cho game PC là không đáng kể, nên hiển nhiên là game PC thì không cần dịch thuật vì đa phần ai cũng có thể hiểu được tiếng Anh, dù mức độ hiểu và cảm nhận có thể khác nhau, tùy trình độ từng người.

    Ngày nay, các loại console thế hệ mới đều có thừa khả năng hỗ trợ đa ngôn ngữ, nên cũng thường thấy bản dịch tiếng Anh, các ngôn ngữ Tây Âu xuất hiện đồng thời với tiếng Nhật trong cùng đĩa game. Tuy nhiên, chừng chục năm trước thì trong số những nhà phát triển game console đến từ Nhật Bản, chỉ có một số ít chịu khó dịch sản phẩm của mình sang tiếng Anh sau một thời gian phát hành bản gốc tiếng Nhật. Cộng đồng gamer Quốc tế luôn biết rằng mảnh đất game tiếng Nhật có rất nhiều viên ngọc quý chỉ xuất hiện trong cộng đồng Nhật ngữ, nhất là trong mảng RPG. Fire Emblem, Super Robot Taisen,.... là những ví dụ điển hình cho trường hợp này. Nhà sản xuất dường như không có ý định dịch thuật tác phẩm của mình sang bất cứ thứ tiếng nào khác. Chính vì vậy nên cộng đồng gamer Quốc tế luôn tập trung vào những bản game console đỉnh cao nhưng lại không được nhà sản xuất chuyển ngữ sang thứ tiếng phổ thông.

    Làm một phép thống kê đơn giản thì có thể thấy, từ trước đến nay đã có hàng triệu bản game cho các hệ máy console đã ra đời, nhưng số lượng bản dịch do người hâm mộ tự làm chỉ bằng số ngón tay của mười mấy con người. Lý do giải thích cho việc này vì phần lớn những game này có ngôn ngữ nguồn là tiếng Nhật, một thứ tiếng được xếp vào hàng khó trong các ngôn ngữ trên Thế giới. Lý do thứ hai liên quan đến mặt kỹ thuật, tức là game console thường bảo mật tốt, khó bị hack (để dịch) hơn so với game PC. Điều này có thể thấy rõ qua nhiều tựa game, khi nó chỉ xuất hiện trên console thì không có vấn đề gì xảy ra, nhưng khi nó được chuyển sang nền tảng PC thì rất nhiều bản mod, hack xuất hiện làm thay đổi hình ảnh, nội dung của game đến độ nhà sản xuất phải lên tiếng (GTA, Dead or Alive là những ví dụ).

    II. Yêu cầu đối với bản dịch

    Một số nhà sản xuất tên tuổi như Square Soft (nay là Square Enix) thường có hành động dịch bản game của mình sang các ngôn ngữ Tây Âu phổ biến sau một thời gian phát hành bản tiếng Nhật. Việc này giúp ích rất nhiều cho gamer trong việc thưởng thức trọn vẹn tác phẩm của họ. Tuy nhiên không phải bản dịch chính thức nào của nhà sản xuất cũng được hoan nghênh. Trong quá khứ, những bản dịch sang Anh ngữ của Square Soft từng bị chê bai rất nhiều. Có thể thấy rõ điều này qua các bản game Chrono Trigger, Final Fantasy IV, Final Fantasy VI.... Vì vậy, dù đã có bản dịch chính thức của nhà sản xuất nhưng cộng đồng hâm mộ vẫn cho ra đời những bản dịch của riêng họ, mà theo họ là hay và chuẩn xác hơn bản dịch chính thức. Trong những tựa game kể trên thì chính Square Soft cũng tự nhận thức được sự tệ hại của bản dịch do chính mình phát hành, nên về sau họ cũng tự sửa đổi bản dịch mỗi khi đem những tựa game này sang hệ máy khác. Có thể thấy rõ sự thay đổi trong cách dịch thuật của những tựa game trên qua các hệ máy: Super Famicom, Gameboy Advance, PlayStation, NintendoDS, PlayStation Portable, Android, PC...

    Như vậy có thể thấy rõ sự không hài lòng của người hâm mộ đối với bản dịch. Thay vì đợi nhà sản xuất, họ tự bắt tay vào dịch thuật. Nhưng những bản dịch này có khi lại không được như ý, và những nhóm người hâm mộ khác sẵn sàng bắt tay dịch lại bản dịch của bản dịch lại của bản dịch của bản dịch lại của.....của nhà sản xuất. Cá biệt, trường hợp Chrono Trigger cho SFC thì được người hâm mộ dịch đi dịch lại rất nhiều lần, đến nay đã có gần chục bản dịch cho tựa game này.

    Vì sao lại có hiện tượng này? Vì game cũng là một tác phẩm truyền tải nội dung như phim ảnh hay tiểu thuyết, nên ngôn ngữ đóng một vai trò rất quan trọng. Khi nhà sản xuất viết lời thoại cho game bằng thứ tiếng mẹ đẻ của họ thì hẳn không có gì để bàn nhiều, nhưng khi nó được dịch sang thứ tiếng khác thì phải bảo đảm các yếu tố sau:

    1. Tính trung thực (dịch chuẩn xác, không được sai nghĩa)
    2. Tính lưu loát (câu cú gãy gọn, nghe lọt tai, nhìn đẹp mắt, đi vào lòng, nằm lại trong đầu)
    3. Tính địa phương (hợp với tư duy của đối tượng tiếp nhận)

    Thoạt nhìn thì ai cũng thấy tính trung thực là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng một bản dịch hay thì phải bảo đảm cả 3 yếu tố. Và giữa 3 yếu tố này lại có những mối quan hệ ràng buộc mật thiết với nhau, không thể tách rời, xem nhẹ bất kỳ yếu tố nào trong số này. Nếu một bản dịch không đáp ứng được 3 yếu tố này ở mức độ tối thiểu thì sự ra đời của một bản dịch khác là điều hiển nhiên. Cả 3 yếu tố sẽ được phân tích lần lượt ở phần dưới cùng mối liên hệ giữa chúng. Các ví dụ đều lấy từ những game nổi tiếng, gần gũi với đa số gamer.


    III. Sai biệt giữa bản dịch với bản gốc

    1. Tính trung thực

    Người Tây phương có câu "dịch tức phản". Phàm khi dịch một câu nói sang thứ tiếng khác thì gần như nó đã không còn là nó. Khi dịch, có thể cái ý của người nói vẫn được giữ nguyên, nhưng thần thái của câu nói, sắc thái (bông đùa, nghiêm túc, chơi chữ...) thường bị mất do đặc thù của từng ngôn ngữ. Việc này cũng giống như thơ Nguyễn Du mà dịch sang ngôn ngữ khác, chẳng còn vần điệu và thần thái như nó vốn có trong tiếng Việt nữa. Nhưng đó là việc khó, còn yêu cầu cơ bản vẫn là dịch đúng ngữ nghĩa. Thế nhưng không phải lúc nào bản dịch cũng làm tốt việc chuyển ngữ.

    Chẳng hạn, kể từ Final Fantasy VIII trở đi thì dòng FF này được đánh giá là có bản dịch Anh ngữ tốt hơn rất nhiều so với các phiên bản trước đó, tuy nhiên Square Soft vẫn mắc phải những lỗi dịch thuật làm sai lệch ý nghĩa so với nguyên bản. Dưới đây là một số ví dụ.

    Final Fantasy IX (9)

    Tiếng Nhật: フレイジャ「これまで見た居住区の荒れ様を見ると私はこの先へ進むのが恐ろしい...
    (Freija: từ nãy giờ nhìn thấy khu nhà ở hoang tàn như vậy khiến tôi thấy sợ phải tiến lên trước...)
    Tiếng Anh: Freya “It must be in ruins, just like everything else. I can't bear to see it like that...”
    (Freya: hẳn là nó đổ nát cũng như những thứ khác. Tôi không dám nhìn nó trong tình trạng đó...)

    Tiếng Nhật: ジタン「ほら、こんな小さなビビだってこの現実を正面から見つめようとしているんだぜ
    (Zitane: nhìn xem, Vivi nhỏ bé thế này mà nó cũng vẫn nhìn thẳng vào hiện thực đấy)
    Tiếng Anh: Zidane "Look, Vivi's scared, too. But we have to face reality.”
    (Nhìn đi, Vivi cũng sợ đó. Nhưng chúng ta phải đối mặt với thực tế)

    Tiếng Nhật: フレイジャ「おぬし恐くはないのか?
    (Freija: cậu không sợ hãi à?)
    Tiếng Anh: Freya “Do you really know what you're doing?”
    (Freya: cậu có biết mình đang làm gì không?)[/COLOR]

    Tiếng Nhật: クイナ「何を言ってるアルね?どこからどうみても人間の子供にみえるアルね!
    (Kuina: cậu đang nói gì vậy? Ta nhìn kiểu gì cũng thấy cậu là thằng người con mà!)
    Tiếng Anh: Quina “What you talking about? I not human, but you definitely human!”
    (Quina: cậu đang nói gì vậy? Ta không phải con người, nhưng chắc chắn cậu là con người!)

    Tiếng Nhật: ブルメシア兵「ここはブルメシア王国の関所、ギザマルークの洞窟だ!
    (Binh sĩ Burmecia: đây là hang động Gizamaluke, trạm kiểm soát của Vương quốc Burmecia!)
    Tiếng Anh: Burmecian Soldier “This is the Gizamaluke's Grotto. It is Burmecia's border.”
    (Binh sĩ Burmecia: đây là hang Gizamaluke. Nó là biên giới của Burmecia)

    Tiếng Nhật: 「この鉄馬車、正式名称ベルクメアは創業8年!リンドブルムとアレクサンドリアの友好のかけ橋として作られたものなのである!
    (Chiếc Thiết mã xa này có tên chính thức là Berkmea, từ khi vận hành tới nay đã được 8 năm rồi! Nó được chế tạo để làm cầu nối hữu hảo giữa Lindbulm và Alexandria)
    Tiếng Anh: the Berkmea cable cars were built 8 years ago. They are a symbol of the friendship between Lindblum and Alexandria!”
    (Xe cáp treo Berkmea được chế 8 năm trước. Nó là biểu tượng hữu hảo giữa Lindbulm và Alexandria!)

    Tiếng Nhật: 「泣く子も黙る冷血女と聞いたが見るのは初めてじゃ
    (Nghe nói cô ta là kẻ máu lạnh mà trẻ con khóc nhè cũng phải nín. Đây là lần đầu tiên thấy ả)
    Tiếng Anh: “The cold-blooded knight who knows no mercy.”
    (Đó là hiệp sĩ máu lạnh không chút từ bi)

    Tiếng Nhật: 「リンドブルムの発明した“霧゛機関によって稼動し2台の鉄馬車が引き合う形でつながっており、片方が山頂にある時に片方がふもとにあるという重力エネルギーの有効な活用を可能とする独自の設計になっているのである!!
    (Nó hoạt động nhờ động cơ "sương mù" do Lindbulm phát minh,kết nối theo hình thứ 2 chiếc Thiết mã xa kéo lẫn nhau.Thiết kế độc đáo này cho phép lợi dụng năng lượng trọng lực một cách hiệu quả,
    khi một chiếc ở trên đỉnh núi còn chiếc kia dưới chân núi!!)
    Tiếng Anh: “They are powered by Mist engines, invented in Lindblum. The cars work by pulling on each other. When one car is at the bottom of the mountain, the other is at the top.”
    (Chúng hoạt động nhờ động cơ sương mù do Lindbulm phát minh. Các toa xe hoạt động bằng cách kéo lẫn nhau. Khi một toa xe ở dưới chân núi thì toa kia ở trên đỉnh)

    Qua vài ví dụ nho nhỏ này, ta thấy sự lệch lạc trong ngữ nghĩa khi chuyển từ tiếng Nhật sang tiếng Anh. Có mức độ chấp nhận được, cũng có mức độ sai khác hoàn toàn, nhưng nhìn chung câu dịch sang tiếng Anh luôn thiếu thông tin, thiếu ngữ nghĩa so với trong câu gốc. Trong bản tiếng Nhật thì chiếc xe cáp Berkmea (ベルクメア) có tên thường gọi là "Thiết mã xa" (鉄馬車-xe ngựa sắt), nhưng trong bản tiếng Anh thì cái tên này hoàn toàn không được nhắc tới. Đây không phải là do khác biệt văn hóa, mà là sự thiếu trung thực của bản dịch.

    Bảo đảm ngữ nghĩa là việc cơ bản, còn bảo đảm sắc thái là yếu tố cao cấp hơn. Bản dịch bảo đảm ngữ nghĩa thì chưa chắc bảo đảm sắc thái của câu nói, nhưng nếu không bảo đảm được ngữ nghĩa thì gần như không bao giờ giữ được sắc thái của câu nói. Một ví dụ cho trường hợp này là Final Fantasy VIII (8).
    Trong bản tiếng Nhật, nhân vật Squall (スコール) rất hay nói "xin lỗi nhé" (悪かったな) mỗi khi có ai nói động tới mình. Nhà sản xuất muốn xây dựng Squall với tính cách hướng nội, rụt rè, rất dễ chui vào cái vỏ bọc của mình khi tiếp xúc với người khác.
    Thế nhưng trong bản dịch Anh ngữ, câu cửa miệng của Squall luôn là "whatever" (sao mà chả được) khiến người chơi cảm thấy đây là nhân vật bất cần đời, luôn phớt lờ mọi sự. Có lẽ ý thức của người Nhật về tính hướng nội khác với ý thức của người Âu Mỹ? Nhưng dù với mục đích làm cho phù hợp với suy nghĩ của địa phương thì việc thay đổi hoàn toàn như vậy cũng khó có thể chấp nhận.

    Trong Final Fantasy IX (9), đa phần các nhân vật đều sử dụng ngữ vĩ đặc trưng, tạo nên phong cách nói chuyện riêng biệt của mình. Chẳng hạn, nhân vật Kuina (Quina trong bản Anh ngữ) luôn có từ "aru" (アル) ở cuối mỗi câu nói giống như lối nói chuyện của đa số người Ba Tàu ở Nhật. Còn nhân vật Cinna thì luôn kèm từ "zura" (ずら) ở cuối câu. Nhân vật Freija (Freya) thì hay có những thán từ như "ja", "janō" ở cuối câu, hệt như lối nói chuyện của mấy lão già, còn nhân vật Ruby thì nói giọng Ōsaka (cảm giác như người Việt nghe giọng Nghệ An). Những sắc thái này hoàn toàn biến mất trong bản dịch Anh ngữ, nhưng cũng đáng thông cảm vì giữ được những sắc thái này hoàn toàn không đơn giản.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Đôi khi, yếu tố trung thực phải chịu hy sinh ít nhiều để bảo đảm hai yếu tố tiếp theo, nhưng nó phải ở mức độ chấp nhận được.


    2. Tính lưu loát

    Trong một số trường hợp, bản dịch cần có sự thay đổi chút ít sao cho hợp vần điệu, gãy gọn, dễ nghe dễ nhớ trong ngôn ngữ đích.
    Chẳng hạn, bài thơ "Le petit poisson et le pêcheur" (con cá nhỏ và người câu cá) của Lã Phụng Tiên (La Fontaine) như sau

    Le petit poisson deviendra grand,
    Pourvu que Dieu lui prête vie;
    Mais le laacher en attendant,
    Je tiens, pour moi, que c'est folie.

    Đại ý bài thơ rằng, con cá nhỏ sẽ lớn miễn là trời để nó sống, nhưng có điên tôi mới thả nó ra để đợi.
    Cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch bài thơ này sang thể lục bát rất tài tình như sau

    Miễn là cá sống dưới hồ
    Cỏn con cũng có ngày to kếch xù
    Nhưng mà cá đã cắn cu (câu)
    Thả ra, tôi nghĩ còn ngu nào tầy.​


    Chỉ vì để bảo đảm vần điệu cho dễ nhớ mà "cắn câu" buộc phải chuyển thành "cắn cu" cho hợp với cái "ngu" trong câu dưới. Có nhiều người khen ngợi bản dịch vì vần điệu dễ nhớ thì cũng có không ít người phản đối "cắn cu".
    Việc thay đổi một phần của câu để bảo đảm tính vần điệu rất hay thấy trong dịch thơ, còn dịch văn xuôi, câu nói thì rất ít thấy. Đây là phương pháp lợi hại, nhưng nguy hiểm. Thành công hay thất bại nằm ở chỗ linh hoạt trong vận dụng ngôn từ của người dịch và vẫn phải đảm bảo yếu tố trung thực ở mức độ cho phép.

    3. Tính địa phương

    Thời gian gần đây hay thấy cụm từ "Việt hóa" khi nói về bản dịch tiếng Việt của một sản phẩm nào đó. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu đầy đủ nghĩa của cụm từ này, dẫn đến tình trạng sử dụng bừa bãi.
    Nếu một bản dịch chỉ đơn thuần chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thì không thể gọi là "xxyyzz hóa" (Việt hóa, Anh hóa, Nhật hóa....). Chẳng hạn, từ "Việt hóa" chỉ được dùng cho những sản phẩm ngoài việc dịch sang tiếng Việt, nó còn thay đổi nhiều yếu tố khác cho phù hợp với suy nghĩ, tâm tình của người Việt.

    Như trong bài thơ "hai người tranh nhau con sò" của La Fontaine mà cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra như sau

    Hai người đi trẩy hội chùa,
    Qua nơi bãi cát, gặp sò nổi lên.
    Tay cùng trỏ mắt cùng nhìn,
    Mồm cùng muốn lẩm, cùng vin lý già.
    Người cúi nhặt, kẻ liền là:
    "Khoan khoan! Hãy hỏi ai là đáng ăn?
    Cứ theo như lẽ công bằng,
    Ai mà thấy trước thì ăn đỡ thèm.
    Người kia phải đứng mà xem!"
    Đáp rằng: "nếu vậy thì nên công bình,
    Nhờ trời tôi mắt cũng tinh".
    Cãi rằng: "mắt tớ còn nhanh gấp mười,
    Tớ thề tớ thấy trước rồi".
    "Nhưng mà tao ngửi thấy mùi đã lâu!"
    Trong khi cãi cọ cùng nhau,
    Xảy quan án nọ đi đâu qua đường.
    Đôi bên đem chuyện thân tường,
    Xin quan phán xử đôi đường trắng đen.
    Cầm sò quan đứng quan nhìn,
    Tách đôi mảnh vỏ, hút liền ruột trong,
    Khi quan vừa nuốt trôi xong,
    Ngài bèn lên giọng Bao Công phán truyền:
    "Xử cho bên bị, bên nguyên,
    Quân phân đôi vỏ, hai bên xử hòa.
    Còn tiền phí tổn thì tha".

    Nhiều người đánh giá đây là một bản dịch siêu quần, bởi nó đạt được cả 3 yếu tố: chuyển tải đúng nội dung của bài thơ gốc (Pháp), ngôn từ dễ nhớ (lục bát) và mang lại cảm giác rất gần gũi. Tuy đây là bài thơ Pháp, nhưng đọc bản dịch thì người đọc không hề cảm thấy xa lạ, mà thấy rất gần gũi, rất Việt Nam qua những chi tiết như "đi trẩy hội chùa", đoạn cãi nhau giữa hai người.
    Khi một bản dịch đạt yếu tố thứ 3 này thì lúc đó mới có thể xem nó là bản "Việt hóa". Còn nếu không, thì đó chỉ là một bản dịch thuần túy.

    Rất nhiều tựa game Nhật, khi chuyển ngữ sang thứ tiếng khác đã phải thay đổi nhiều yếu tố để phù hợp với văn hóa của đối tượng tiếp nhận. Đó có thể là hình ảnh, âm thanh hay từ ngữ. Chẳng hạn, trong game Tenchū 3 trên PlayStation 2, trong bản Nhật ngữ thì nhân vật Tesshū đóng khố, và nhà sản xuất phải cho anh ta mặc cái quần dài trong bản tiếng Anh. Đàn ông đóng khố là hình ảnh bình thường đối với người Nhật, nhưng lại là phản cảm trong con mắt người Tây phương.

    Trong một phiên bản Legend of Zelda trên SFC, hình ảnh lá bùa với ngôi sao 6 cánh nằm trong khung tròn ở bản tiếng Nhật sau đó bị sửa đổi, làm mờ trong bản tiếng Anh để tránh nhạy cảm tôn giáo. Ngôi sao 6 cánh là biểu tượng của vua David của người Do Thái, vốn chịu nhiều định kiến trong nhận thức của người Tây phương.

    [​IMG]

    Ví dụ khác, lại là Legend of Zelda trên SFC. Trong phiên bản tiếng Nhật có cụm từ tiếng Anh "the loyal priest" sau đó được thay bằng "the loyal sage" ở bản tiếng Anh để tránh động chạm tôn giáo.

    [​IMG]

    Trong Final Fantasy IX (9) có cậu bé hà mã ở Alexandria. Trong bản tiếng Nhật cậu bé này tên là Kabao (カバオ), trong đó "kaba" nghĩa là "hà mã", còn "o" là tiếp vĩ ngữ thường thấy trong tên nam giới (Kazuo, Matsuo, Shigeo....). Như vậy "Kabao" vừa là một cái tên con trai tự nhiên, vừa khiến người chơi liên tưởng tới con hà mã. Nếu bản tiếng Anh vẫn giữ nguyên là Kabao thì người chơi không thấy được cái thâm thúy trong tên gọi, nên dịch giả bản tiếng Anh chuyển tên cậu ta thành "Hippaul", sự kết hợp giữa "hippo" (hà mã) với "Paul" (tên con trai). Cái tên này rất tự nhiên.

    [​IMG]

    Trong bản Việt ngữ, Kabao (Hippaul) có tên "Hà Văn Mãnh"

    4. Yếu tố kỹ thuật

    Series Final Fantasy có những món Item đã trở thành "thương hiệu", không thay đổi từ phiên bản đầu tiên đến giờ. Một trong số đó có thể kể đến Fenikkusu no o (フェニックスの尾), đuôi của con chim Phoenix (phượng hoàng). Món Item này thường được "dịch" thành "Phoenix down" trong các phiên bản gần đây. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được như vậy.
    Món đồ フェニックスの尾 có tên như vậy từ những phiên bản đầu tiên, và tên của nó chiếm 8 ký tự trong bản tiếng Nhật. Đối với các hệ máy console đời cũ thì đây cũng là giới hạn cho tên Item, nên nếu chuyển thành "Phoenix down" trong bản tiếng Anh sẽ không đủ chỗ chứa, nên có khi người ta thay thế bằng "FnixTail" hay "PhnxDown" hoặc thay bằng một cái tên khác hoàn toàn không liên quan gì tới cái đuôi phượng hoàng.
    Một ví dụ khác, trong một khung Menu chỉ chứa vừa 2 ký tự. Bản tiếng Nhật có tên うま (uma, con ngựa) vừa đủ 2 ký tự. Không thể dịch thành "horse" sang tiếng Anh, nên có thể người dịch sẽ chuyển thành "ox" (bò) cho đủ 2 ký tự. Tương tự, nếu là trường hợp dịch sang tiếng Việt thì sẽ phải chuyển うま thành "mã" hay con gì khác có 2 ký tự như "cá", "gà", "bò"... chứ không thể thể chuyển thành "ngựa" được.

    Một trong những game có nhiều cái tên thay đổi nhất có lẽ là Chrono Cross. Hầu hết các nhân vật đều bị đổi tên trong bản tiếng Anh, cũng như cách nói của họ. Có thể kể đến vài cái tên như Yamaneko (ヤマネコ, mèo núi) bị đổi thành Lynx, Tsukuyomi (ツクヨミ) bị đổi thành Harle, Alf (アルフ Arf, Alph, Arph...) bị đổi thành Guile, Slash (スラッシュ) bị đổi thành Nikki, Jilbert (ジルベルト Gilbert, Gillbert...) bị đổi thành Greco, vân vân. Có thể là vì những cái tên trong bản tiếng Nhật sẽ dài quá mức ký tự cho phép nếu chuyển sang ký tự La Tinh, nên người dịch đã thay thế bằng những cái tên khác để bảo đảm độ dài.

    Đây là sự linh động của người dịch, do phải lệ thuộc vào khả năng của phần cứng. Chính vì vậy nên tôi luôn nghĩ rằng người phụ trách kỹ thuật (hack) phải là người dịch, vì anh ta hiểu rõ mình cần phải làm như thế nào, hay ít ra người dịch thuật phải hiểu rõ kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế thường thấy ở các nhóm dịch game tự phát là người dịch chỉ lo dịch vì không rành kỹ thuật, còn người phụ trách kỹ thuật (hacker) lại không am tường về ngôn ngữ.

    5. Yếu tố khác

    Ngoài 4 yếu tố kể trên, ta cũng thường thấy bản dịch sai khác với bản gốc ở những điểm "không thể hiểu". Chẳng hạn, nhân vật ジタン (Zitane) bị đổi tên thành Zidane trong Final Fantasy IX mà không rõ lý do vì sao. Mẹ của nhân vật chính trong Chrono Trigger có tên là ジナ (Gina, Jina, Zina...) trong bản tiếng Nhật nhưng chỉ được gọi chung chung là "mother" trong bản tiếng Anh. Nhân vật Ma vương (魔王, Nhật: Maō) trong game này bị đổi tên thành Magus, cùng nhiều nhân vật khác.

    Ngoài tên nhân vật thì tên Item, tên Element trong Chrono Cross cũng bị thay đổi rất nhiều. Lối nói chuyện của các nhân vật trong bản dịch cũng bị thay đổi. Chẳng hạn, trong bản tiếng Anh thì Greco (Jilbert trong tiếng Nhật) hay thêm từ "amigo" vào cuối câu, tạo cảm giác như anh ta là người Mễ Tây Cơ. Có lẽ là do nhân vật này mang cái mặt nạ giống các võ sĩ Lucha Libre người Mễ hay mang.

    Một trường hợp thay đổi lời thoại đến chóng mặt mà tôi biết là series Tenchū. Lời thoại trong các bản tiếng Anh khác rất nhiều so với lời thoại trong bản tiếng Nhật, đến mức người chơi chỉ có thể nghĩ rằng họ đã viết lại lời chứ không còn là dịch thuật nữa. Lý do vì sao như vậy thì không ai rõ.


    IV. Bản dịch mất chất

    Khi tiến hành các bản dịch Final Fantasy sang tiếng Việt (tôi không bao giờ dùng từ "Việt hóa" cho các bản dịch của mình), tôi hay nghe những ý kiến như "bản dịch làm mất chất Final Fantasy". Đến khi hỏi lại "thế nào là chất Final Fantasy?" thì lại không nhận được giải đáp nào rõ ràng.

    Đa phần người Việt chúng ta đều biết đến Final Fantasy nói riêng và thế giới game nói chung qua các bản dịch Anh ngữ của nhà sản xuất, của cộng đồng gamer hâm mộ chứ không mấy người cảm thụ trực tiếp từ bản tiếng Nhật. Do vậy, cái cảm thụ mà ta cho là "chân lý", "FF phải là thế này mới đúng" thì có khi đó không phải là ý đồ thực sự của nhà sản xuất, bởi chúng ta đã hấp thụ nó qua một lớp vỏ dịch thuật/biên tập đầy những thiếu sót như đã kể trên. Đó là chưa kể đến việc khả năng cảm nhận hạn chế từ bản Anh ngữ, bởi lẽ tuy tiếng Anh đã trở nên thông dụng, ai cũng đọc hiểu được nhưng không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu cặn kẽ và cảm nhận rốt ráo những gì được thể hiện qua bản tiếng Anh. Việc tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ cập là điều rất tốt, nhưng cần tránh thái độ lệ thuộc hoàn toàn vào nó mà không có sự đối chiếu, nhận xét, xem nó là chân lý, "bản tiếng Anh nói vậy thì nó phải vậy". Nói cách khác, trong việc đón nhận một bản dịch game cũng nên có tư duy khoa học để trọn vẹn hơn.

    Đa phần các ý kiến phản bác đều rơi vào phần tên Item, hệ thống phụ trợ...
    Có nhiều ý kiến nói không nên "dịch" tên Item, bởi sẽ làm mất đi cảm giác quen thuộc (với các bản tiếng Anh). Có lẽ việc này xuất phát từ những góc nhìn chưa bao quát hết, chưa hiểu rõ thế nào là dịch, thế nào là đổi tên, thế nào là giữ nguyên. Nếu như không dịch, chỉ chuyển từ chữ Kana của Nhật Nhật sang chữ La Tinh thì フェニックスの尾 sẽ có tên là "Fenikkusu no o" chứ không thể là "Phoenix down". Lúc đó ta sẽ thấy trong bản tiếng Anh sẽ có những món đồ như "Megusuri" (目薬) thay cho "Eye drop", "Yamabiko gusa" (山彦草) thay cho "Echo drop", thấy Bannō yaku thay cho 万能薬 ... Rõ ràng, những món đồ này được dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh chứ không giữ nguyên. Một số trường hợp còn thấy tên Item thay đổi hoàn toàn, khác hẳn so với tên trong bản tiếng Nhật. Lý do có thể tham khảo ở mục III.4. và III.5.

    Cũng có ý kiến cho rằng nếu đã "dịch" tên Item thì phải dịch hết, không nên có chỗ thì "dịch", chỗ thì "giữ nguyên" tạo cảm giác nham nhở. Có lẽ đây cũng là do chưa nhìn thấu đáo hết. Với tiền đề dịch từ bản Nhật ngữ, thì ngôn ngữ nguồn là tiếng Nhật và tiền đề dịch trung thực thì bản dịch ngôn ngữ đích phải bám sát theo nó. Tiếng Nhật hiện đại được xem là sự pha trộn giữa truyền thống cũ kỹ và sự lai căng. Số lượng từ ngoại lai (Âu Mỹ) trong tiếng Nhật nhiều hơn trong tiếng Việt, nên thường thấy tên những món đồ có yếu tố ngoại lai (như ポーション- Potion, ライジングサン-Rising Sun, ミスリル.ソード Mithrill Sword...) bên cạnh những món đồ có tên "thuần Nhật" (như 万能薬 -Bannō yaku: vạn năng dược, thuốc vạn năng). Với chủ trương bám sát bản tiếng Nhật, thì những cái tên Hán Việt đi kèm với tên Âu Mỹ trong bản dịch tiếng Việt cũng là điều dễ hiểu, bởi ngay từ gốc rễ nó là như vậy.

    P/s: làm quen với Final Fantasy từ cuối năm 1999, tuy trình độ Anh ngữ lúc đó không đến mức tồi lắm nhưng vẫn không thể hiểu được "Phoenix down" nghĩa là gì, nên đành chấp nhận "tên nó vậy thì chịu vậy, thắc mắc làm gì". Đến khi chơi bản tiếng Nhật mới vỡ lẻ, nó là "bản dịch" của フェニックスの尾, tức đuôi chim phượng.



    V. Lời kết

    Đến đây, hẳn chúng ta đều thấy rõ những nét đặc thù làm nên sự khác biệt giữa dịch game với các thể loại dịch thuật truyền thống, cũng như những khó khăn của nó. Qua 3 mục trên, hẳn người đọc đã có được cái nhìn phổ quát hơn về công việc dịch game, từ đó sẽ có những nhận định khách quan hơn đối với những bản dịch. Với những tiêu chí bên trên, thì gần như không thể có được một bản dịch nào hoàn hảo. Điều quan trọng là bản dịch đó có truyền tải được tinh thần chính của tựa game đến người chơi hay không, và những sai sót có nằm trong phạm vi cho phép hay không.

    "Dịch tức phản".
    Nếu muốn trải nghiệm trọn vẹn, hãy trải nghiệm bằng chính ngôn ngữ ban đầu của tác phẩm.

    Asm65816​
     
  2. mad_dog13

    mad_dog13 Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    23/6/09
    Bài viết:
    219
    Thực sự khâm phục tài năng , sự tìm tòi và kiên nhẫn của bác ASM65816 . Chơi game để hiểu hết về nó đã khó , mà việc hiểu biết về nó đến mức có thể truyền lại cho người khác được như bác thực sự là vô cùng đáng nể . Chúc bác giữ vững tinh thần và sức khỏe được dài lâu .
     
  3. biboo3

    biboo3 シェンムー Ryo Hazuki Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    10/7/09
    Bài viết:
    9,782
    Bây giờ mình đã hiểu vì sao mà thằng bạn của mình nó luôn mua bản tiếng Nhật, mặc dù game đó có cả tiếng Anh. Mình hỏi thì nó chỉ nói là "tao thích", ban đầu mình nghĩ vì nó biết tiếng Nhật nên nó thích chơi bản tiếng Nhật, nhưng có thể nó thích vì cái chất của game được giữ trọn vẹn hơn là vì ngôn ngữ.
     
  4. Hoursea

    Hoursea Mayor of SimCity Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    31/12/09
    Bài viết:
    4,394
    Còn nhớ lúc ngồi dịch Chrono Trigger, dịch tầm 5 phút lại gặp 1 câu tiếng Anh WTF. Hoặc là chắc chắn sai ngữ nghĩa, hoặc không hẳn sai ngữ nghĩa nhưng lại dở lợt, chả đâu vào đâu. Nhưng làm gì biết tiếng Nhật mà đối chiếu với nguyên tác? Sao dám chắc là họ dịch sai? Có thể nó có ngầm ý hay ẩn dụ nào đó chăng? Mà nếu biến tấu, thêm thắt thì biến tấu, thêm thắt như nào cho không làm hỏng văn cảnh, cá tính của người nói? Bla blô blu.....
    CT là project mà khả năng dịch thuật của mình bị bó buộc bởi những lí do đó.
    Còn về vấn đề dịch thuật mình tự nhận thấy mình quá nhọ rồi, từ bản tiếng Nhật sang bản tiếng Anh đã mất hàng loạt sắc thái, mà mình dịch từ tiếng Anh nữa thì cũng từ cái khiếm khuyết đó mà dịch thành cái khiếm khuyết khác. Nói chung là...
    "Dịch thuật là nghệ thuật của thất bại." - Umberto Eco
     
    viendu thích bài này.
  5. quadan

    quadan The Legend of Zelda Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    1/8/09
    Bài viết:
    4,168
    Dù chỉ là dân dịch không chuyên cũng cho em được xin quote câu cuối của bác. Dù em có suy nghĩ khác bác ở một vài điểm theo phương diện nguyên tắc cá nhân.
     
  6. Hoursea

    Hoursea Mayor of SimCity Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    31/12/09
    Bài viết:
    4,394
    Đúng là đang còn nhiều nhóm dịch đánh đồng việc dịch và Việt hóa làm một. Ví dụ rõ nhất là các bản dịch của nhóm romhackingvn, do không hiểu cặn kẽ đều tự nhận đó là bản Việt hóa, công việc các bạn ấy đang làm là Việt hoá nhưng thật ra không phải, đó chỉ là các bản dịch tiếng Việt mà thôi.
    Em thì không có hiểu biết rộng như bác, theo hiểu biết của em thì việc dịch chia thành 3 cấp độ:
    - Chuyển ngữ: là dịch các văn bản hành chính, chỉ đơn thuần dịch đúng ngữ nghĩa.
    - Dịch thuật: là việc chuyển ngữ có sáng tạo.
    - Việt hóa: bác đã nói rõ.
    Nhưng có một vấn đề này mà bấy lâu em vẫn thắc mắc là em có hiểu sai hay không, là thế này, ví dụ:
    Wakka: Where are you from?
    Tidus: I'm from Zanarkand.
    Em hiểu như thế này là dịch thuật:
    Wakka: Anh từ đâu đến?
    Tidus: Tôi đến từ Zanarkand.
    Và em lại nghĩ rằng như sau cũng có thể coi là Việt hoá luôn, đúng hay sai mong bác chỉ cho:
    Goa-ca: Anh từ đâu đến?
    Ti-đút: Tôi đến từ Dên-nơ-kên.
    Bác asm chắc thuộc thế hệ 8x hén, vậy tuổi đời của bác hơn em nhiều rồi. :P
     
  7. Kronpas1997

    Kronpas1997 Baldur's Gate Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/9/02
    Bài viết:
    30,806
    Localisation không hẳn là dịch, mà là chuyển ngữ. Tiếng Anh -> Nhật khác khá xa so với Anh -> Việt, đặc biệt là các yếu tố văn hóa nên tính chính xác luôn đứng bét bảng. Mấy ví dụ ở post #1 thấy dịch J > E đều ok, chỉ có từ J > E> V mới hỏng câu. Còn dịch mấy quả pop culture ref thì thôi rồi, biến tấu tán loạn luôn. Nên thanh niên nếu có dịch thì đừng chọn game chuyển ngữ J > E, mà chọn game tiếng Anh ngay từ đầu ấy.
     
  8. yunatsudeki

    yunatsudeki Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    3/4/03
    Bài viết:
    343
    Dịch thuật cũng giống như câu chuyện dùng bữa của 12 vị lãnh đạo của 12 nước trên chiếc bàn tròn.
    Ông người Anh nói sang ông người Pháp : "Anh nhờ ai đó lấy giúp tôi ly nước"
    Ông người Pháp lại dịch qua cho ông ng Đức: "Anh nhờ ai đó lấy dùm ông ta cái mắt kiếng"
    Ông người Đức nói gì đó với ông Nhật
    Cuối cùng không biết phiên dịch kiểu gì 12 ông đánh lộn =)) =)) =))
     
    hóng cháng and viendu like this.
  9. viendu

    viendu Fire in the hole! Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    25/10/08
    Bài viết:
    2,843
    Ban đầu mình cũng tự tin vào trình độ tiếng Anh của mình khi đạt TOEIC trên 700, TOEFL trên 500, nhưng khi ngồi dịch thử phụ đề phim và một số tạp chí game để đăng lấy post thì thấy tiếng Anh mình chỉ cỡ trung bình khá, nhiều câu tiếng Anh không biết dịch sao cho phải, nó có vẻ empty word làm sao đó.
    Bởi vậy thấy các bạn dịch được trôi chảy phụ đề phim, và trong game kiểu này thật sự rất là khâm phục.
     
  10. Kronpas1997

    Kronpas1997 Baldur's Gate Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/9/02
    Bài viết:
    30,806
    Ấy chớ đừng lo, dịch là nghề riêng, không phải cứ dùng tiếng anh thành thạo là dịch được vì lúc dùng TA đâu có dịch bao giờ. Nhất là khi dùng phục vụ công việc, các term lúc nghiên cứu tài liệu là đọc thẳng = tiếng anh, nên tự dưng bảo dịch sang TV đi thì cũng phải giở từ điển tra chết mẹ luôn.

    Như hôm nọ chém gió cf với thằng bạn, biết thêm được một cụm rất hay : internet of everything dịch ra là
    internet của vạn vật
     
    viendu and ItsmeAj like this.
  11. recovery2009

    recovery2009 Legend of Zelda Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    15/7/08
    Bài viết:
    901
    Bữa xem film Fast 7 thì mới dịch được nghĩa của tựa game Watch dog là " Thiên lý nhãn", khi dịch tử tiếng gốc ra tiếng nước khác có sai sót lả chuyện thường, nhất là khi người dịch ko bít hoàn cảnh diễn ra, cảm xúc nhân vật như thế nào để dịch cho chính xác
    P/S từ internet of everything hình như bữa có từ báo nào cũng dịch là "internet của vạn vật":-(||>
     
  12. hóng cháng

    hóng cháng C O N T R A

    Tham gia ngày:
    28/3/08
    Bài viết:
    1,528
    Nơi ở:
    Rain
    Luôn hứng thú với những bài viết của anh, chắc chắn anh hơn tuổi em rồi
    Rất mong có ngày nào đó không xa được gặp anh cùng trao đổi về dịch thuật, vì hiện tại e cũng đang làm cv liên quan tới tiếng Trung.
    Hiện e cũng đang muốn học sang tiếng Nhật, nên có gì mà giúp sức được anh trong các project, đặc biệt là về FF IX thì em luôn sẵn lòng

    Luôn chúc anh mạnh khỏe trong công việc cũng như niềm đam mê riêng về dịch thuật game
     
  13. S.Dentatus

    S.Dentatus Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    15/9/11
    Bài viết:
    1,116
    Nơi ở:
    Whiterun
    Mấy kiểu dịch thế này thấy tầm xàm nhất =)) đọc cuốn sách nào mà dịch kiểu này, một vài trang là vứt, kiếm cuốn khác ^:)^

    Làm ơn có dịch thì dịch như thế này >:D<

    Dịch là Lơ pơ-tít poát-xông ê lơ pết-chơ của La Phông-tên nhìn như đấm vào mắt b-(
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/4/15
  14. asm65816

    asm65816 Mega Man

    Tham gia ngày:
    23/5/09
    Bài viết:
    3,320
    Nơi ở:
    El Sallia
    Hiện tại FF9 mình dịch xong rồi, đang cần người biên tập. Bạn có thể giúp cho nhanh thì pm nhé.
     
  15. asm65816

    asm65816 Mega Man

    Tham gia ngày:
    23/5/09
    Bài viết:
    3,320
    Nơi ở:
    El Sallia
    Đấy là phiên âm chứ có phải dịch đâu. Tên thì làm sao mà dịch.
     
  16. Hoursea

    Hoursea Mayor of SimCity Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    31/12/09
    Bài viết:
    4,394
    Nhưng đó là một kiểu Việt hoá chứ? Việt hóa trước giờ em cứ hiểu nôm na là biến một nội dung xa lạ trở nên quen thuộc với người Việt. Cái kiểu phiên âm này từ những từ xa lạ trở thành những từ mà người Việt có thể đọc được, vậy nó cũng là một kiểu Việt hóa chăng?
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/4/15
  17. gtacitycrazy06

    gtacitycrazy06 Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    23/9/07
    Bài viết:
    4,752
    Nơi ở:
    Nowhere
    bữa đi coi Age of Ultron sub của CGV, nhìn tổng quát thì dịch ẩu, nghĩa câu bị rút gọn, nhét thêm mấy câu mỉa mai của người Việt vào nghe sến éo chịu dc. dịch chính xác thì tốn thời gian mà cũng ko thể nào chính xác 100% dc, nhưng làm vậy thì chắc chắn khi dịch xong kết quả sẽ khác xa so với cái kiểu dịch kia :)).
    btw:
    http://thisguyaresick.ytmnd.com/

    p/s: ai chơi lại FF7 hoặc có team tính dịch sang VN thì dùng bản dịch của thằng này là chuẩn nhất, nó dịch từ tiếng Nhật sang, có người Nhật trợ giúp + từng câu hội thoại dc phân tích kĩ. nó đầu tư cũng dc mấy năm rồi đó :))
    http://forums.qhimm.com/index.php?topic=14914.0
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/4/15
  18. Hoursea

    Hoursea Mayor of SimCity Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    31/12/09
    Bài viết:
    4,394
    Edit: Bị đúp post.
     
  19. quoc_pro

    quoc_pro Mario & Luigi

    Tham gia ngày:
    13/9/08
    Bài viết:
    706
    Nơi ở:
    Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh
    Bạn đang đánh đồng nhóm mình với các nhóm khác đó. Nếu như với những bản dịch đầu, nhóm còn để Việt hóa, những bản dịch sau này của nhóm đều để rõ ràng là Việt Ngữ cả bạn. Còn khi trao đổi với nhau thì cứ thuận tay gõ là Việt Hóa, nếu như mình nhớ k nhầm thì từ việt hóa chỉ xuất hiện khoảng giữa năm 2014 về trước. Lý do trước đây bọn mình dùng từ việt hóa, vì nhiều người nghe từ việt hóa hơn là việt ngữ hay ... Nên dùng từ Việt hóa để đẩy từ khóa cho nó phổ biến, người chơi dễ tìm đến các bản dịch của nhóm hơn. Bạn có thể dễ dàng theo dõi trên blog của nhóm mình: http://romhackingvn.blogspot.com/
     
    Onikage and zantan like this.
  20. S.Dentatus

    S.Dentatus Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    15/9/11
    Bài viết:
    1,116
    Nơi ở:
    Whiterun
    À vâng :) là phiên âm :) nhưng phiên âm thì nó thường xuất hiện trong bản dịch :D

    Thế nên theo thói quen mình gọi là dịch luôn :)

    Và cách phiên âm nửa tây nửa ta khiến mình và nhiều người khó chịu :) không hiểu nguyên nhân của việc phiên âm sát cánh đọc trong văn bản gốc là có ý gì, chắc sợ người Việt không biết đọc, trong khi vốn có sẵn cách phiên âm Hán Việt gần gũi hơn nhiều lại chả dùng.

    Ví dụ : 개성 phiên thành Khai Thành, dễ chịu hơn nhiều là viết Kê-xân, Brasil phiên thành Ba Tây, gần gũi hơn là Bờ ra-xin....

    Nếu lý do là Hán Việt làm mất cái tính " tây " trong tên riêng nên không phiên, thì nếu ngôn ngữ trong văn bản gốc có dạng Latin thì cứ giữ nguyên, chả việc gì phải thêm dấu gạch nối, chả ra tiếng gì cả, họ ghi Brasil thì để Brasil, ghi Brazil thì để Brazil >:D<

    Hơn nữa, đã dịch thuật sang tiếng Việt, thì cần ưu tiên ngôn ngữ Việt trước nhất, nên cần thiết phải phiên hắn sang Hán Việt, ví dụ : Alexandre de Rhodes thành A Lịch Sơn, chứ đừng A-lếch...'@^@|||


    Không được thì giữ nguyên như trong văn bản gốc nước ngoài, chứ chơi kiểu nửa nạc nửa mỡ thấy oải lắm b-(
     
    RedRuby thích bài này.
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này