I/ Trước khi chia sẻ kiến thức, niềm đam mê về bộ môn này thì xin nói sơ qua cái duyên mình tới bộ môn này Spoiler Mình đam mê cái bộ môn này từ hồi nhỏ, lớp 2 đã bắt đầu chơi cá cảnh từ những con cá đá tới những con cá bảy màu, tới lớp 6 thì mình tình cờ biết tới bộ môn thủy sinh và đam mê cho đến ngày hôm nay. Mình còn nhớ như in những ngày lớp 10 học ở trường cấp 3 đạp xe 5 cây số dạo qua từng tiệm cá cảnh ở trên đường Phạm Thế Hiển chỉ để ngắm những cái hồ thủy sinh và xem những con cá độc lạ, lúc đó tiền ăn có nhiêu dành dụm mua cây thủy sinh đem về , rồi lăn lộn trên những diễn đàn cá cảnh lớn như aquabird, thuysinhvn, aqua! ,v..v.. nằm phục trên đó chỉ để học cách các anh chị set hồ, rồi lội qua những topic chế cháo những phụ kiện. Đến khi đủ đồ rồi thì tập tành set hồ, kết quả cây mua từ tiệm về xanh mơn mớn đến lúc set hồ xong tầm 2 tuần sau bắt héo úa rồi chết toàn tập, đồ chế ko phát huy được như mong đợi==> Thất bại toàn tập Hồi đó mà set hồ thất bại là xác định mấy tháng sau mới làm lại được vì mình lúc đó làm gì có tiền, ấy vậy mà 3 năm cấp 3 mình thất bại tới 7 lần . Rồi bắt đầu lên đại học, cố đi lại những bước đi căn bản, tìm đọc lại tài liệu rồi đúc kết lại và vào một ngày đẹp trời năm 3 đại học, mình quyết định làm 1 cái hồ chuẩn (cũng chưa chuẩn lắm) và cuối cùng thành quả mình có được là một cái hồ phát triển xanh mặc dù bố cục rườm rà, rối rắm nhưng thành công về mặt cây thủy sinh , ổn định môi trường nước là tiên đề để sau này chơi tốt hơn, rồi cứ như thế mỗi năm đẻ .....1 bố cục , còn đến giờ là 23/2/2018 thì mình phải tạm dừng do phải đi xa làm việc ko có thời gian chăm sóc II/ Tiếp đến là phần quan trọng, mình mong muốn những bạn sắp và sẽ chơi cái bộ môn nghệ thuật cần phải lưu ý những điều sau, vì mình đã thấy và đã chứng kiến được: Spoiler 1/ Hồ thủy sinh không dành cho những bạn thiếu kiên nhẫn, thích tiết kiệm, ko chịu tìm hiểu 2/ Hồ thủy sinh ko phải là 1 sản phẩm là bạn quăng 1 cục tiền đi mua tất cả về ráp lại thì sẽ có 1 sản phẩm như ý , KO BAO GIỜ CÓ CHUYỆN ĐÓ (trừ khi bạn thuê người khác làm cho và chịu bỏ chi phí bảo dưỡng hàng tuần, hàng tháng để có sản phẩm thì mình ko bàn tới nhé) 3/ Hồ thủy sinh chưa bao giờ là 1 bộ môn dễ dàng với người mới chơi (kể cả những người chơi lâu) và nó sẽ được chứng mình bằng phần chia sẻ của mình. Vì nó là cả 1 thế giới thu nhỏ của 1 góc con sông, 1 góc con suối mà ở đó chính các bạn là cha, là mẹ thiên nhiên của cái thế giới nhỏ đó, chỉ cần các bạn "quên" chăm sóc là cả thế giới thu nhỏ ấy sẽ vào thùng rác 4/ Nếu chỉ vì vài phút bị "thôi miên" bởi vẻ đẹp xanh rì của những hồthủy sinh lớn với kích thước chiều dài 9 tấc, 1m2 , 2m rồi nghĩ rằng tui mới chơi phải chơi hồ to thì hãy từ bò ý định đó đi, chỉ tốn tiền và mất mát thôi, tin mình đi III/ Và giờ mình vào chuyên mục chính của bài viết: Hồ thủy sinh là gì ? Nói đơn giản là hồ thủy sinh là nơi mô tả lại 1 đoạn cảnh thiên nhiên của 1 con sông, 1 con suối ngoài thiên nhiên vào không gian nhà bạn, nó bao gồm ánh sáng, đất đá, cây thủy sinh , cá ,tép .Hoặc nó chỉ đơn giản mô tả lại 1 cảnh thiên nhiên đẹp, cảnh thần tiên mà bạn chụp được rồi "hạ thủy" cái cảnh đẹp vào hồ,hoặc cũng có thể là do bạn sự nghĩ trong đầu ra. Chẳng hạn như cảnh đẹp trong phim avatar : Và "hạ thủy" :-* Vậy hồ thủy sinh chia ra mấy trường phái (phong cách)? Mình xin tạm chia 3 trường phái (có những trường phái, phong cách dị bản khác mình ko xếp vào nhé) 1/ Trường phái xếp đá Iwagumi (do chính bậc thầy thủy sinh trong giới thủy sinh là sir Amano sáng tạo ra) 2/ Trường phái thủy sinh Hà Lan (nó trông giống như khu vườn với các hàng cây thủy sinh mọc theo lớp, cộng hưởng với nhau để phô diễn cái vẻ đẹp hết mức có thể của cây thủy sinh) 3/ Trường phái sắp xếp lũa ( cái này mình đang chơi): Thế chơi hồ thủy sinh ra sao, cần những gì ? Đương nhiên là cần tiền rồi (rất rất nhiều tiền ) và khi có tiền thì chúng ta đi mua phụ kiện cho hồ của bạn, mình khuyên chân thành cho những bạn mới chơi thì nên chơi những hồ nhỏ trước để nắm thật vững kỹ thuật chơi và đỡ tốn tiền, khi vững rồi thì muốn chơi hồ nào lúc đó thuộc về quyết định của các bạn ! Đừng ham hố những cái hồ thiệt bự và bỏ ngay cái tư tưởng "đã chơi thì mua phu kiện max công suất rồi chơi hồ lớn lỡ ko chơi được thì đem phụ kiện ấy chơi hồ nhỏ hơn" vì bạn...ko đú nổi đâu, thề luôn Nếu các bạn đã có cái ý tưởng ấy trong đầu tức là các bạn đã thất bại ngay lúc đầu "khởi nghiệp" rồi , những thứ mình giới thiệu các bạn mua dưới đây thuộc hàng tầm trung và xài được (hiện tại mình cũng đang xài), mình tạm thời chia ra phụ kiện cho hồ gồm phần cứng và phần mềm. + Phần cứng: 1/ Hồ kính, mới chơi nên chúng ta nên chơi những hồ có kt chuẩn như 60x30x30 hoặc 60x35x30, kính 8ly mài vi tính. Đảm bảo cho hồ đủ chịu tải ko xảy ra hiện tượng nứt hồ khi chơi , nếu sợ các bạn có thể đặt kính đáy hồ 10 ly cũng được (Tuyệt đối ko đặt hồ kính bằng kính cường lực nhé), giá thị trường rơi vào tầm 300k-400k cho 1 cái hồ 2/ Chân hồ: để tiết kiệm chi phí và những bạn nào thấy ko cần thiết chân hồ phải đep thì có thể chọn mua những chân hồ thế này, giá thị trường rơi vào 300-400k/cái cho hồ kt 60x30x30 hoặc 60x35x30 : Spoiler Còn muốn chuyên nghiệp, đẹp đẽ thì có thể chọn chân hồ bằng tủ gỗ ván MDF sơn PU hoặc gỗ thịt và cái giá cho sự sang chảnh cũng ko thua kém : 1tr8 đến ..... cho 1 cái chân đẹp Spoiler 3/ Đèn: nên chọn đèn loại T5HO vì mặc dù có loại đèn led tiết kiệm hơn nhưng so về bước sóng quang phổ, màu sáng thì đèn T5HO vẫn ưu điểm nhất phù hợp với đại đa số cây ( chi tiết về các loại đèn mình sẽ có 1 post riêng), và quan trọng nhất là đủ sáng, cách thức tính công suất cho 1 hồ thủy sinh các bạn có thể tìm hiểu ở đây: http://www.thuysinhasin.com/tin-tuc-thuy-sinh/huong-dan-thuy-sinh/anh-sang-cho-ho-thuy-sinh.html và nên chọn loại đèn T5HO của hãng Odyssea, với hồ 60x30x30 thì chỉ cầ n 1 máng 24ich thế này là đủ giá 980k và nên chọn loại bóng đi kèm có nhiệt độ màu là 6500k, trong quá trình chơi tùy vào các bạn chơi loại cây thủy sinh nào mà chỉnh số bóng cho phù hợp nhưng ko được nhỏ hơn mức tối thiếu đã tính ở trên Spoiler 4/ Chân gác đèn: cái này rất quan trọng mà mình thấy ít người đề cập tới , mục đích là để đèn có 1 khoảng cách an toàn cho hồ cá và giúp hồ hấp thụ lượng ánh sáng từ đèn tỏa ra, giá 240k cho 1 máng 4 bóng ở trên (cái này các nếu ko thích mua có thể chế cũng được) Spoiler 5/ Lọc, có nhiều loại lọc cho hồ thủy sinh nhưng hãy chơi lọc ngoài. Vì tính an toàn, dễ vệ sinh và dễ thay đổi vật liệu lọc, dễ thay nước , chỉ có duy nhất 1 nhược điểm: mắc tiền . Các bạn có thể tham khảo bài viết về lọc cho hồ thủy sinh và cách tính công suất lọc phù hợp cho hồ thủy sinh của mình: http://www.vinhaqua.com/2016/06/cach-chon-bo-loc-thich-hop-cho-ho-thuy-sinh.html Còn về loại lọc mình giới thiệu cho các bạn là loại lọc ngoài atman (giàu có thì có thể chơi ehiem của đức, lọc JBL, lọc sicci của Ý, còn đại gia thì quất hẳn lọc ADA cho máu), với hồ 60x30x30 thì nên chọn lọc atman 3336s hoặc atman DF700 (đời cũ hơn atman 3336s) , cả 2 đều có công suất ngang nhau là 760L/H cho hồ 60x30x30 (mình đang xài 3336s) với giá 1tr ~ 1tr1 Spoiler 6/ CO2: đây là thứ ko thể thiếu cho 1 hồ thủy sinh , giúp cho cây sinh của bạn bung lụa hết mức có thể Chi tiết tìm hiểu các bạn xem ở đây: http://www.vinhaqua.com/2015/08/he-thong-co2-hoan-chinh-cho-be-thuy-sinh.html Các bạn nên mua hẳn bình 2kg-3kg để xài trong vòng 4 tháng đến 6 tháng nhé , giá của nó rơi vào 500-600k/2kg-3kg và bạn nên mua luôn van 1 chiều, chi tiết có thể tham khảo giá thị trường Spoiler và nếu đi làm tối ngày các bạn có thể mua van điện 1 chiều để nó tự đóng mở, giá thị trường cũng rơi vào 700k/ cái + Phần mềm: 1/ Phân nền, có 2 loại phân nền là nền tự trộn và nền công nghiệp - Nền tự trộn: nghe là biết loại phân nền này từ đâu rồi (và mình đã từng làm) .Hiện nay trên thị trường có nền tự trộn của nuphar vơi ưu điểm bền, rẻ, xài lâu, được rất nhiều các tiệm thủy sinh cổ điển chơi nhưng nhược điểm là lượng dinh dưỡng khó kiểm soát, phải có lớp sỏi phủ ở trên, ngoài ra khi bạn đã trồng cây vào nước rồi mà đến lúc thay đổi thì khi bạn cắm lại cây sẽ gây trào phân nền ra hồ làm mất thẩm mỹ (mình khuyên ko nên chơi, chỉ chơi sau khi bạn đã chơi 1 hồ chuẩn như mình hướng dẫn, còn nếu các bạn muốn 1 chút trải nghiệm học phí thì cứ tự nhiên ) Spoiler - Nền công nghiệp: nhiều loại, đa dạng với ưu điểm : ko sợ xì, làm giá thể cho cây bám nhưng nhược điểm là dd thấp, tối đa là 1 năm . Ở trên thị trường hiện nay phổ biến những loại như mekong (50k/2kg) , gex (480/10L) , ADA (720k/9L) . Mình đưa ra lời khuyên hãy chơi 1 bao ADA , đừng đắn đo vì giá trị của loại phân nền này đã được các bâc lão làng khẳng định, nó bỏ qua cho bạn những thứ mà bạn ko mong muốn trong lúc chơi như : hạt bể, bụi hồ,mau hết dd Spoiler Các bạn cũng nên tham khảo bài viết về phân nền để tính số lít phân nền cho 1 hồ, riêng với hồ 60x30x30 thì nên mua 2 bao để tiện việc tạo bố cục , thêm bớt gì cũng dễ . Lưu ý: các bạn ko nên vì tiết kiệm mà trộn các phân nền như nhau, 1 khi xảy ra bệnh rất khó chẩn đoán và khắc phục và có thể bỏ luôn lớp phân nền đó ! http://www.vinhaqua.com/2016/07/cach-chon-phan-thuy-sinh-phu-hop.html 2/ Cốt nền dinh dưỡng, chắc hẳn bản sẽ hỏi "Ủa, đã tốn tiền mua phân nền rồi còn mua cái cốt nền này làm gì ? Ko phải trong phân nền có rồi à ?" . Xin thưa, phân nền tuy có nhưng nó ko đủ và đảm bảo cho cây thủy sinh (một số nhà sản xuất ko gọi phân nền mà gọi là đất trồng cây chẳng hạn như ADA), các bạn cần 1 thứ dưỡng chất xả chậm và kéo dài trong 1 thời gian dài từ 1 đến 2 năm. Trên thị trường thì hàng được ưa dùng nhất là JBL Florabol (mình dùng loại này với giá 150k/350g) , với 1 hồ kt 60x30x30 thì 1 bao 350g là đủ chơi 2-3 năm Spoiler 3/ Vật liệu lọc, thứ này sẽ quyết định chất lượng nước của bạn, hẳn các bạn đã thấy những hồ thủy sinh mà nước trong như nước suối lavie phải ? Đều nhờ cả vào vật liệu lọc đấy, vì nó là nơi cho vi sinh vật yếm khi trú ngụ và phân giải chất độc hại trong hồ như NH3, NH4. Vậy nếu nó quan trọng như thế thì nhịn ăn bỏ thêm tiền để đầu tư có đáng ko các bạn ? Các bạn tham khảo chi tiết vềmột số vật liệu lọc ở đây http://saigonaqua.com/2014/03/vat-lieu-loc.html - Vật liệu lọc Matrix (400k/L) : loại này thì khỏi phải bàn cãi về chất lượng :) Spoiler - Đá lông vũ, sở dĩ nó có tên như vậy vì nó nhẹ như lông vũ ấy (90k/L) Spoiler - Sứ trắng loại tốt (25k/500g) Spoiler Đối với mình, thì mình chỉ xài 3 loại này . Lưu ý: tuyệt đối các bạn ko nên xài THAN HOẠT TÍNH nhé, vì nó có tính năng hấp thụ độc tố nhưng ko có tính năng phân giải độc tố, chính vì thế sau 1 thời gian hấp thụ nó sẽ đầy bình và thải ngược toàn bộ độc tố dư thừa trở lại hồ cho bạn. Đây là 1 trong những nguyên nhân khi nhiều bạn chơi 1 thời gian ko vệ sinh thiết bị lọc trong thời gian dài 1-2 tháng xảy ra hiện tượng cây vàng úa, cá tự nhiên đột tử dù hồ đã đi vào ổn định. Mình tạm kết 1 bài nhé, tính đến đây thì chi phí nhẹ cho 1 thủy sinh 60x30x30 được mình gợi ý như sau: - Hồ cá 60x30x30 kính 8ly mài vi tính = 400k - Chân hồ sắt kt 60x30x70 = 400k - Máng đèn 4 bóng odyssea = 980k - Lọc atman 3336s = 1050k - Bình CO2 + van + cốc 3kg = 1250k - Phân nền ADA 18L = 1440k (hoặc gex xanh 20L = 960k) - Cốt nền JBL Florabol 350g = 150k - Matrix 1L = 400k - Đá lông vũ 1L = 90k - Sứ trắng 500g = 25k ------------- Tổng cộng: = 5700k ~ 6185k - Đấy là mình chưa đưa vào các loại cây thủy sinh, lũa, đá đó nhé Và nếu ko có tiền nhưng bạn vẫn khao khát có 1 hồ thủy sinh thì chỉ 500k các bạn có thể chơi được 1 hồ thủy sinh mini theo clip hướng dẫn bên dưới ----------------------- - cảm ơn tay cua-rơ vàng KyO tạo niềm cảm hứng cho mình làm topic này
Mà ơi hứng thú nào chả tốn . Ta quen hội chơi AS có cậu mê từ hồi cấp 2. Đến cấp 3 đi làm thêm tích góp vào để mua 1 khẩu M4A1, đến lúc lên đại học vẫn chỉ đạp xe và mua súng . Mình cũng đam mê As, xe phân khối lớn, bể, PC gears mà thật sự chưa đủ tâm và tầm như mấy bác nên cũng chỉ dừng ở ngắm
Tiếp đến là các dành tiền ra mua cây thủy sinh, đá, lũa....tầm 1-2tr .Những cái này nó đầy rẫy trên mạng nên mình chỉ tư vấn cho các bạn vài chỗ bán được mình mua và cảm thấy yên tâm về chất lượng hàng hóa Cây thủy sinh, vll, phân nền, đá, lũa (toàn quốc): thuymoc.com.vn Các phụ kiện thủy sinh (toàn quốc): taphoathuysinh.com Chuyên về lũa (TpHCM nhưng có thể ship toàn quốc): https://www.facebook.com/huuhiep.luong.3 Sau khi chắt chiu từng đồng từng cắc ra rồi thì bắt đầu đến cái bước setup được gọi là bước thổi hồn vào sản phẩm, ăn tiền ở chỗ này, lúc này cho dù hồ lớn hay hồ nhỏ ko còn là vấn đề trong đầu của bạn nữa mà ý tưởng. Nói riêng về cây thủy sinh một chút, các bạn lưu ý khi mua nên tìm hiểu kỹ loại cây mình mua nó nằm trong phân nhóm nào dưới đây + Cây tiền cảnh: những cây nhỏ, mọc theo bụi, có tác dụng trải thảm, làm nền. Chẳng hạn như trân châu nhật: Spoiler + Cây trung cảnh: những cây lớn hơn cây tiền cảnh, mọc cao ko quá 15cm. Chẳng hạn như huyết tâm lan: Spoiler + Cây hậu cảnh: những cây có tác dụng làm phông nền, thân cây mọc dài từ 30cm - 50cm. Chẳng hạn như vảy ốc xanh: Spoiler Các bước tiến hành làm bể thủy sinh như sau: http://thienduongcacanh.com/threads/cac-buoc-setup-ho-thuy-sinh.1851/ Spoiler Bước 1: Chọn bể kính và chân đế Bể thuỷ sinh sẽ nặng hơn bể nuôi cá bình thường, do có nhiều yếu tố như: phân, nền, cát và các phụ kiện đi kèm theo như đèn, quạt...Do đó ta cần quan tâm đến thông số đáy hồ kính phải từ 10 ly trở lên, và kính các mặt bên cũng phải từ 8 ly trở lên. Độ dày của kính cũng như chân bể phải được sự tư vấn từ các người chơi thủy sinh lâu năm, vì họ mới có kinh nghiệm trong việc chọn chân và độ dày bể kính, chứ các bạn ra tiệm kính hay những tiệm không chuyên về thủy sinh mà hỏi thì việc bể hồ là điều tất yếu có thể xảy ra. Đảm bảo chân sắt hoặc chân tủ phải an toàn Đặt tấm xốp, mút lên chân bể gỗ, tấm mút này có tác dụng giúp cho đáy hồ không tiếp xúc với chân bể gây ra bể đáy hồ kính. Cắt miếng mút vừa với đáy bể. Bước thứ 2: Đặt bể kính lên chân tủ Sau khi đặt miếng mút này đúng chuẩn, ta tiến hành đặt bể kính xuống an toàn, cần có 2 người để đặt bể kính cho an toàn Hồ kính và chân tủ phải khớp kích thước, vừa mỹ quan lại vừa an toàn Bước 3: Lắp đèn cho bể thuỷ sinh ( Nếu không thích lắp đèn dạng như thế này thì xem bước 9: gắn đèn huỳnh quang ) Cố định khung đỡ bằng nhôm hoặc inox để treo đèn, bắt chặt các vít lại Treo đèn lên cách mặt nước khoảng 30cm Bước 4: Trải nền hồ thuỷ sinh Tiến hành trải phân bón rồi đến cát sỏi làm nền dưới đáy hồ. Nền là nơi trồng cây, cũng là nơi chứa những dưỡng chất nuôi sống cây, là chỗ ở của vi sinh... Nền cần có cấu tạo sao cho cây có thể bám rể và không gây đục nước. - Rải dopping đầu tiên Có thể dùng soil bacteria, 1 loại sỏi kích thích các chất vi hữu cơ dưới nền. Khi đi mua sỏi và phân nền các bạn có thể hỏi chủ cửa hàng tư vấn cho loại tốt. Nếu mới tập chơi thì nên sử dụng phân nền công nghiệp. Tiến hành rắc bacteria đều đáy bể Cho thêm Soil Pure để thêm carbon hoạt tính và acid hữu cơ Có thể cho thêm power bottom là hợp chất gồm nhiều chất dinh dưỡng giúp cây thuỷ sinh sống tốt - Tiếp theo là rải sỏi ở tầng giữa: Đổ hẵn sỏi tầng giữa (soil bottom) vào bên trong Sử dụng cây chải nề để làm phẳng nền - Sau khi đổ sỏi ở tầng giữa ta tiếp tục đổ sỏi ở phần trên cùng (Soil top) Đổ lớp sỏi cuối cùng cho đến khi đạt yêu cầu Sử dụng gạt nền điều chỉnh cho nền bằng phẳng lần cuối Bước 5: Setup bố cục thuỷ sinh Xếp đá vào đầu tiên, có tác dụng giúp cây thuỷ sinh bám chặt vào đáy bể Sau khi xếp đá thì xếp lũa vào Nếu thấy thiếu sỏi thì vẫn có thể đổ thêm soil top lần cuối vào cho đủ và phù hợp Bước 6: Trồng cây thuỷ sinh Tuỳ vào các loại cây mà ta trồng các vị trí khác nhau cho phù hợp - Các loại rong mái chèo và rau mác thích hợp trồng che phía sau hồ và các cạnh hồ - Các loại cây rậm rạp để trồng các gốc hồ ( rau dừa, đình lịch, rau cần trôi ) - Các loại cây thấp và phát triễn chậm thì trồng phía trước hồ, mặt tiền. ( Có thể chọn cỏ năng và thạch xương bồ ) Đầu tiên cắm các cây nhỏ trước.Dùng nhíp chuyên dụng để trồng cây, loại lớn và dài trên 30cm, dùng để trồng cây xuống dưới sỏi. Bước 7: Cho nước vào bể thuỷ sinh Sau khi trồng các loại cây nhỏ thì tiến hàng cho nước vào bể thật nhẹ, để tránh dòng chảy làm hư lớp phân nền, dẫn đến bị xì phân lên Tiếp tục cắm các cây có kích thước lớn hơn, có thể cắm cay ráy Anubias Cây hậu cảnh dùng vảy ốc và diệp hồng tài khá thích hợp Bước 8: Lắp đặt hệ thống lọc bể thuỷ sinh Lắp đặt máy làm mát, để nhiệt độ dạo động từ 25 -27 Độ C và để Co2 3-5 giọt/giây ( tùy bộ trộn ) Lưu ý những bộ lọc bể cá thông thường không thích hợp sử dụng cho bể thuỷ sinh vì chúng thường được thiết kế phần gòn lọc trên bề mặt,ở vị trí đó thường lại phải để đèn. Các loại lọc dùng cho bể thuỷ sinh: - Lọc ngoài: Thiết bị lọc hoàn chỉnh nằm rời, thường để dưới phần chân bể, chỉ có 2 ống nước đầu vào và ra là nằm trong bể - Lọc tràn: làm bằng kính, được đặt cố định tại 1 chỗ trên bể, lọc nước bề mặt nên xử lý ván vi sinh tốt nhất,tuy nhiên nó chiếm phần lớn thể tích trong bể nên chỉ thích hợp với bể lớn trên 200 lít. - Lọc thác: Công suất nhỏ và yếu nên thích hợp cho bể thuỷ sinh nhỏ Bước 9: Gắn đèn cho bể thuỷ sinh ( nếu bước 3 bạn chưa làm ) Dùng đèn huỳnh quang, và đèn phải có bước sóng thích hợp cho cây thủy sinh, đènphải có bước sóng từ 6500k-10000k, để thay thế cho sánh sáng mặt trời, có thể chọn đèn day-light với công suất từ 0,5 - 1W/lít nước. ( Lưu ý các đèn xanh, hồng dùng cho bể cá thông thường sẽ không được dùng trong bể thuỷ sinh và các loại đèn huỳnh quang thông thường bán ngoài tiệm điện KHÔNG dùng được cho bể thủy sinh, mà phải dùng đèn chuyên dụng) - Đặt chế độ đèn 8-12h/ngày Bước 10: Thả cá vào hồ thuỷ sinh Hồ thuỷ sinh mới set up thì không nên thả cá vào ngay, sau khi trồng cây được khoảng 10 ngày thì hệ vi sinh trong bể đã ổn định, lúc này ta có thể thả các loài cá không ăn cây thuỷ sinh, không cắn rỉa nhau, có thể chọn các loại cá thích hợp nuôi trong hồ thuỷ sinh. Mỗi tuần thay nước 1/3 - 1/4 bể để giúp nguồn nước luôn trong sạch Tuy nhiên cũng có 1 số tài liệu khuyên rằng nên thả cá vào bể thuỷ sinh khi vừa setup Có nên thả cá vào hồ thủy sinh mới setup ? Nhiều người cho rằng không nên thả cá ngay sau khi set up. Tuy nhiên thức ăn của vi sinh lại là chất thải của động vật, thiếu thức ăn, vi sinh sẽ chết và hệ vi sinh phải mất thêm nhiều thời gian để phát triển. Chính vì thế, ta nên thả 1 số lượng nhỏ cá vào hồ, nhưng không nên nhiều quá bởi hệ vi sinh còn trong giai đoạn hình thành. Nếu ta thả quá nhiều cá, chất thải sẽ không được vi sinh tiêu thụ hết sẽ trở nên độc hại cho cá. Ta nên từ từ thả thêm cho tới khi ổn định. IV/ Những bước chăm sóc cho hồ thủy sinh của bạn khi vừa setup xong 1/ Thay nước thường xuyên - Khi mới setup, lượng dinh dưỡng tiết ra từ nền rất mạnh, các cây mới trồng chưa phát triển được bộ rễ để hấp thụ phát triển. Chính vì việc thay nươc mỗi ngày 30% (nếu ko có thời gian thì dãn cách 2 ngày/lần cũng dc)trong 2 tuần liền liên tục sẽ giúp cải thiện vấn đề ổn định nước cũng như lượng dinh dưỡng dư thừa , giúp ngăn ngừa những ổ rêu hại có nguy cơ bùng phát - Đến tuần thứ 3 các bạn có thể giảm thay nước lại với chế độ 5 ngày/thay 1 lần 40% nước - Lưu ý: thay nước cũng phải biết cách thay nhé 2/ Chế độ bật đèn - Ở đây các bạn nên bật đèn 7 tiếng/ ngày. Với thời gian là 4 tiếng mở - 2 tiếng tắt - 3 tiếng mở , nên mua cái hẹn giờ ấy, taphoathuysinh.com có bán thứ này , sau 1 tháng khi hồ đã ổn định có thể tăng lên 1-2 tiếng để cây phát triển hết sức có thể 3/ Chế độ CO2 - Cây chỉ quang hợp khi có ánh sáng, chính vi thế việc bật tắt CO2 cũng dựa vào chế độ bật đèn nhưng ở đây nếu bạn đi làm cả ngày thì cứ bật CO2 từ lúc đi đến lúc vềko ảnh hưởng gì cả , còn nếu muốn kỹ thì mua van điện và hẹn giờ cho nó . Lưu lượng thì 2-3 giọt/s 4/ Tỉa tót cây thủy sinh - Các bạn đừng quên cái bước này nhé, rất nhiều ổ bệnh nằm trong những chiếc lá úa chỉ chực chờ khi chiếc lá lìa cảnh. Chính vì thế, mỗi ngày khi các bạn thấy những cây có dấu hiệu bị vàng úa hoặc trên thân có lá úa vàng thì hãy lập tức cắt bỏ thân hoặc lá hại đó đi, đừng ngần ngại tiếc bỏ vì sau này chúng sẽ mọc lại Trên đây là những bước cơ bản ban đầu để chơi thủy sinh, có thời gian mình sẽ sưu tầm những bài viết nói về rêu hại, những loài cá thủy sinh nên nuôi trong hồ thủy sinh
mình định làm thế này: 1. mình lấy xốp + màu nước để làm giả đá 2. lấy rêu minifiss ở rừng cao su về 3. cấy rêu minifiss lên đá giả, đổ xêm xêm mặt nước rồi ủ kín cho nó lên 4. chờ rêu lên → vô nước rồi nuôi 1 con cá betta bạn thấy làm thế có ổn hem ? Bể mình 100 x 40 x 60, có mỗi cái đèn led (chế) as ra giao động từ 6k tới 8k lumens rồi, lọc thì còn mỗi cái bơm ap3000 cùi nhách. Mấy đợt trước đầu tư nhiều nhưng lẻ tẻ nên tầm 1-2 tháng là phải lật bể, giờ vợ méo cho đầu tư nữa nên phải kiếm cây nhà lá vườn trồng cho đỡ buồn để cái bể trồng hẹ với rau ngáo thấy thảm quá
Tiền setup liền thì có mà nghe cia vụ bảo quản hàng ngày hngf giờ là thấy oải. Cho hỏi là một câi hồ trung bình tuổi thọ là bao lâu, tính làm cái hồ nho nhỏ xanh xanh nuôi cá hợp phong thuỷ :v
ta hỏi nè , cái bể của ta bữa h mọc đâu 1 đống rong rêu , bực vkl , mà ta đọc thì nó chỉ nhiều cách như cho cá lau , rồi cho tôm tép các kiểu , mà cái chính là trồng cây nhiều cho nó hút bớt dưỡng chất trong nước , như thế nó mới hạn chế rong rêu , chả biết nên như nào , nhìn ngứa mắt vc
nếu phụ kiển chuẩn thì bạn chơi được 2 năm nếu bạn ko chán 1 bố cục, siêng chăm sóc, tỉa tót ! Đưa thông số đây (kt hồ, nhiệt độ, ph, cây gì, cá gì, lọc gì, đèn gì, có CO2 thì mấy giọt 1 giây ?)
Phải coi bạn chơi tép gì nữa, với tép màu thì 2 tuần. Với tép ong thì pH phải 6.5, hồ ổn đinh trên 1 tháng , nhiệt độ dưới 25 độ Còn mấy con chân dài sula thì ko thả được vì nó đòi pH tới 8.0 lận
Chắc chỉ mấy con FireRed Src bình dân thôi bác ạ ! Định nuôi Amano để vệ sinh nhưng thấy bảo bọn này hay trèo tường đi chơi ! Tép ong đỏ nuôi được không bác !
lọc thì hôm bữa hỏng , cá thì vừa chết cả đàn do ta quên mở sưởi h còn mỗi con cá sim với 10 con tép , nhiêt độ tầm 25 , co2 ta dùng dạng nước , 2-3 ngày 1 nhấn chứ ko dùng dạng sục vì tốn xèng , NPK thì 7-5-5 , PH ta ko biết vì ko mua đồ đo , trước h ta chơi cây chỉ dùng loại co2 dạng nước thôi
Vãi cả thông số , thôi chụp hình quăng lên đi Edit: ko có co2 nào dạng lỏng cả, nó là hợp chất chứa carbon là thứ mà cây hấp thu qua CO2 thôi
hix h cái bể ta nó banh chành rồi , nhìn vừa dơ vc ra ,mai có tg thay nước các kiểu , mà ta hỏi cái loại đá tạo vi khuẩn có lợi nó công dụng như nào , ta có 1 viên để trong bể mà đến h vẫn ko hiểu
Chết cười mất , vật liệu lọc để trong lọc chứ để trong hồ làm gì , mà đá gì ? Đừng nói viên sỏi rồi bảo là vll nhá Mà ko chụp hình thì biết rêu gì chẩn đoán, sao cứ làm khó bác sĩ hoài vậy bệnh nhân
Lỡ tay bẻ cua 1 phát thôi mà cơ mà công nhận là hứng thú nhất thời xong tìm hiểu vô thì thấy phức tạp + tốn kém quá nên rút )