Classical/ Instrumental/ Orchestral: Endless Love.

Thảo luận trong 'Âm nhạc' bắt đầu bởi Kitr, 14/7/17.

  1. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    phù phù, nhân dịp chuyển qua nghe nhạc cổ điển và đi học piano cổ điển, thấy trong box có topic này nên quyết định hồi sinh để chia sẻ những trải nghiệm của mình về nhạc cổ điển, rất mong nhận được sự chú ý và tham gia của mọi người !choang

    nhân dòng thời sự xin phép bắt đầu bằng phần cuối cùng mang tên "The Great Gate of Kiev" nằm trong tác phẩm "Pictures at an Exhibition" sáng tác bởi Modest Mussorgsky, biên soạn giao hưởng bởi Maurice Ravel, biểu diễn bởi nhạc trưởng nổi tiếng Herbert von Karajan chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Berlin Philhamony Orchestra. Bản thân mình không đánh giá cao Herbert von Karajan ở tác phẩm này cho lắm nhưng nó cũng khá đáng nghe (cho biết)

     
    Rinie and Tên truy cập like this.
  2. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Nhắc đến tác phẩm Pictures at an Exhibition, Modest Mussorgsky ban đầu biên soạn cho piano. Và khi nói về những màn biểu diễn của Pictures at an Exhibition trên piano, không thể không nhắc đến phần biểu diễn của Sviatoslav Richter - một pianist huyền thoại của Nga tại recital năm 1958 tại Sofia - Bulgaria. Một màn biểu diễn thực sự đỉnh cao, cả về kĩ thuật lẫn tính nhạc, giống như vẽ lên những bức tranh bằng âm thanh vậy.

     
  3. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Hôm nay chúng ta sẽ đến với màn biểu diễn tác phẩm Prelude & Fugue giọng Rê trưởng (BWV 532) của Johann Sebastian Bach chuyển soạn qua Piano bởi Ferruccio Busoni, biểu diễn bởi Emil Gilels.
    Nói về Johann Sebastian Bach, mình thực sự không đủ trình độ và ngôn từ để nói về những gì Bach để lại cho hậu thế, không chỉ là về âm nhạc, văn hóa mà còn là nền văn minh phương Tây. Một thiên tài mà bao người đời sau vẫn phải nghiên cứu học hỏi. Bach sáng tác Prelude & Fugue giọng Rê trưởng cho đàn đại phong cầm nhà thờ (church Organ) vào khoảng năm 1708. Prelude & Fugue giọng Rê trưởng này là một sáng tác điển hình của Bach, với lối sáng tác sử dụng nhiều Đối âm (counterpoint) để tạo nên một tác phẩm mang điệu Phức hợp (Fugue) hết sức điêu luyện.
    Ferruccio Busoni (1866-1924) là một nhà soạn nhạc, pianist, nhạc trưởng, nhà phê bình - nghiên cứu âm nhạc và là một thầy giáo dạy nhạc người Ý. Một thần đồng âm nhạc, các sáng tác của ông mang đậm tính Lãng mạn đương thời. Đối với Prelude & Fugue giọng Rê trưởng này, Busoni đã thổi một làn gió Lãng mạn mới vào một tác phẩm mang tính mô phạm, khuôn thước chuẩn chỉ đặc trưng của Bach thời Baroque, tạo ra một sự mới mẻ lạ kì đối với một tác phẩm cũ.
    Emil Gilels (1916-1985) là một Pianist người Nga. Được mệnh danh là một trong những pianist vĩ đại nhất thế giới, ông là một đại diện của trường phái Piano Nga với khả năng làm chủ kĩ thuật chơi Piano đến điêu luyện, sự am hiểu sâu sắc những tác phẩm ông biểu diễn và lối diễn giải các tác phẩm đậm chất thơ.
    Mời các bạn xem Prelude & Fugue giọng Rê trưởng của Bach chuyển soạn vào Piano bởi Busoni tại video dưới đây.



    Ngoài ra, các bạn có thể nghe nguyên bản Prelude & Fugue giọng Rê trưởng được biểu diễn qua đại phong cầm nhà thờ tại đây, do Karl Richter biểu diễn để các bạn có thể so sánh. Về Karl Richter, mình xin phép để bài sau giới thiệu về người này.

     
  4. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn về bản Piano Concerto số 4 của Ludwig van Beethoven, biểu diễn bởi pianist người Mỹ Leon Fleisher, nhạc trưởng George Szell và dàn giao hưởng Cleveland.
    Trước hết, về thể loại Piano Concerto, đó là những sáng tác dành cho Piano chơi cùng dàn giao hưởng. Các sáng tác thể loại Piano Concerto xuất hiện phổ biến vào thời kỳ cổ điển (classical theo nghĩa một khoảng thời gian tồn tại sau thời kì Baroque cho tới thời kì Lãng mạn) của Mozart và Haydn. Thường thì các Piano Concerto là để các Pianist biểu diễn kỹ thuật thượng thặng của mình, và dàn giao hưởng mang nhiệm vụ thực hiện phần mở đầu - dẫn nhập và dẫn dắt, đệm cho phần của Piano phô diễn kỹ thuật (Piano Concerto tồn tại thời kì Baroque dưới dạng Keyboard Concerto, lúc đó Piano lại đóng cả vai trò đệm nhịp điệu cho dàn giao hưởng nữa - mặc dù dàn giao hưởng thời kì Baroque nhỏ hơn nhiều).
    Nhưng đối với Piano Concerto số 4 của Beethoven lại làm ngược lại. Ông đã phân cho pianist nhiệm vụ dẫn nhập - mở đầu tác phẩm bằng một hợp âm, đồng nghĩa với việc Pianist này phải gánh toàn bộ dàn giao hưởng và cả tác phẩm nữa. Ngoài ra, Piano và dàn giao hưởng có vai vế rất bằng nhau, không chỉ đơn giản là dàn giao hưởng đệm cho Pianist phô diễn sức mạnh kỹ thuật của mình, mà nó là một cuộc đối thoại giữa dàn giao hưởng và Piano khi cả hai bộ phận đều rất bằng vai phải lứa với nhau, tạo thành một sự hòa hợp độc đáo. Đây chính là cuộc cách mạng mà Beethoven tạo ra trong thể loại Concerto. Trước Beethoven, chưa có một ai làm được như vậy, và sau Beethoven, số lượng tác phẩm theo thể loại Piano Concerto mà Piano đảm nhiệm nhiệm vụ dẫn nhập, hay/và việc Piano và dàn giao hưởng có vai trò ngang nhau có thể đếm trên đầu ngón tay.
    Điều này cũng tăng độ khó cho người biểu diễn, khi Pianist không chỉ cần chơi như một cái máy phô diễn sức mạnh kĩ thuật của mình, mà còn phải thực sự am hiểu cả tính nhạc, lối diễn giải trong tác phẩm và chú ý hơn đến dàn giao hưởng, dàn giao hưởng cũng phải sở hữu khả năng biểu diễn nhất định mới có thể tạo được sự hài hòa mà tác giả hướng đến trong tác phẩm.
    Những điều trên mình tìm thấy được trong Leon Fleisher, George Szell và dàn giao hưởng Cleveland. Một Pianist tuyệt đỉnh, một nhạc trưởng tuyệt đỉnh và một dàn giao hưởng tuyệt đỉnh. Tất cả tạo nên màn biểu diễn Piano Concerto số 4 bất hủ của Beethoven.
    Bản thân mình thực sự đã từng rất vất vả để tìm được từ ngữ miêu tả tác phẩm này, và cũng thật khó miêu tả được sự phấn khích của mình ở lần đầu tiên nghe tác phẩm này. Beethoven làm điều chưa ai từng làm, và sau đó, mọi người cũng rất vất vả học theo; không phải ai cũng làm theo được những ý tưởng mà Beethoven đã khai phá, nhưng khi đã học theo được thành công rồi, thì kết quả đều là những tác phẩm trác tuyệt. Piano Concerto số 4 này là vậy.

     
    Chỉnh sửa cuối: 7/3/22
  5. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Nhân một sáng Hà Nội mát trời, không khí dễ chịu, mình xin giới thiệu đến các bạn tác phẩm mang tên Pines of Rome (Pini di Roma) của nhà soạn nhạc người Ý Ottorino Respighi (1879 - 1936), biểu diễn bởi nhạc trưởng nổi tiếng người Mỹ Leonard Bernstein và dàn giao hưởng New York.
    Pines of Rome là một tác phẩm ngắn soạn cho dàn giao hưởng. Với Pines of Rome, Respighi đã thể hiện trình độ sáng hết sức điêu luyện của mình với một tác phẩm đầy sắc màu, đậm chất thơ và hết sức gợi hình với bốn chương mang bốn khung cảnh khác nhau của Rome, chương 1 mang màu sắc vui tươi của một nhóm trẻ chơi trong vườn, chương 2 mang màu sắc u tịch của một khu mộ, chương 3 mang màu sắc huyền ảo của ngọn đồi dưới ánh trăng và chương 4 là sự bùng nổ của đoàn quân La Mã hành quân.
    Ngoài ra, Pines of Rome cũng là một tác phẩm khó đối với các dàn giao hưởng và nhạc trưởng, không hề dành cho các tay ngang, để có thể lột tả hết được các chi tiết, màu sắc và tính gợi hình của tác phẩm. Respighi mang vào tác phẩm rất nhiều nhạc cụ khác nhau và cả một chiếc gramophone để phát tiếng chim hót được thu âm sẵn, khiến cho nhạc trưởng có một đống những thứ cần phải để ý tới và điều khiển để cho dàn giao hưởng không bị đi sai hướng, biến tác phẩm thành một mớ bòng bong hỗn độn.
    Để hiểu được những sắc màu trong Pines of Rome, hay độ thách thức của tác phẩm này tới nhạc trưởng và dàn giao hưởng, các bạn có thể xem màn biểu diễn do nhạc trưởng người Mỹ Leonard Bernstein và dàn giao hưởng New York. Danh tiếng của Leonard Bernstein có lẽ không phải bàn cãi, và đây là một màn biểu diễn khá hay, đáng để xem.


    Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót nếu không nói đến phần biểu diễn của Arturo Toscanini, một nhạc trưởng huyền thoại của Ý. Là người có quan hệ với tác giả, Pines of Rome do Arturo Toscanini là phần biểu diễn mà bất cứ ai cũng phải biết, và bất cứ nhạc trưởng nào khi muốn chỉ huy tác phẩm này đều phải nghe Arturo Toscanini. Dưới đây mình xin giới thiệu màn biểu diễn Pines of Rome do Arturo Toscanini chỉ huy cùng dàn giao hưởng NBC.



    Ngoài ra, nếu bạn sở hữu một dàn âm thanh cực đỉnh, hãy kiếm một bản thu âm của Pines of Rome với chất lượng cao nhất và trải nghiệm phép màu.
     
    HuyBerserker thích bài này.
  6. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Dạo gần đây mình bận quá nên không đăng gì, mà thú thực cũng hơi kẹt ý tưởng đăng bài. Chợt thấy hôm nay thời tiết Nam-Bắc đều có phần khó chịu nên muốn chia sẻ mọi người cái recital năm 1970 ở New York này của David Oistrakh và Sviatoslav Richter - hai đại cầm thủ vĩ đại của Nga, biểu diễn violin sonata số 6 giọng La trưởng của Ludwig van Beethoven và violin sonata số 3 giọng Rê thứ của Johannes Brahms. Từ đôi bàn tay của David Oistrakh và Sviatoslav Richter, hàng lớp hàng lớp những giai điệu đẹp mê hồn tuôn trào, mang đến một sự dễ chịu cho người nghe.

     
    Tên truy cập thích bài này.
  7. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Hôm nay có lẽ là một ngày có thời tiết phù hợp để giới thiệu mọi người tác phẩm dành cho dàn giao hưởng nhỏ mang tên
    Le Bœuf sur le toit (con bò trên mái nhà !dance) của Darius Milhaud.

    Darius Milhaud (1892-1974) là một nhạc sĩ, nhà giáo nổi tiếng của Pháp. Các sáng tác của ông đậm chất tân thời trong lối cổ điển. Ngoài ra, ông cũng không thiếu các sáng tác mang đậm chất Mỹ-Latinh do ông từng có thời điểm sinh sống và làm việc tại Brazil và có thân quen với Heitor Villa-Lobos, một nhạc sĩ huyền thoại của Brazil. Trong Le Bœuf sur le toit, điều đó không phải ngoại lệ, các bạn có thể tìm thấy trong tác phẩm rất nhiều giai điệu vui tươi, nồng nhiệt của âm nhạc truyền thống Brazil.
    Mời các bạn thưởng thức Le Bœuf sur le toit của Darius Milhaud do Leonard Bernstein chỉ huy dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp.



     
    Tên truy cập thích bài này.
  8. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Hôm nay mình xin giới thiệu với các bạn bản giao hưởng Kullervo sáng tác bởi Jean Sibelius.

    Jean Sibelius (1865-1957) là một nhà soạn nhạc vĩ đại của Phần Lan. Ông nổi tiếng với khối lượng tác phẩm đồ sộ, nổi bật nhất là các bản giao hưởng và "tone poem" (là các tác phẩm giao hưởng nhưng không theo khuôn mẫu giao hưởng cố định thường thấy mà lại theo một chủ đề nhất định). Các tác phẩm của ông thấm đẫm tinh thần dân tộc và quốc gia Phần Lan.
    Về tác phẩm Kullervo, nếu như các bạn là một metalhead và muốn tìm kiếm một tác phẩm nhạc cổ điển "metal" nhất, thì đây chính là tác phẩm dành cho các bạn. Lấy cảm hứng từ hình tượng người anh hùng đoản mệnh Kullervo trong sử thi Kalevala của Phần Lan (Kalavela cũng là một tác phẩm gây ảnh hưởng lớn đến nhà văn JRR Tolkien), Jean Sibelius đã tạo lên một thiên anh hùng ca đầy hào hùng và bi tráng.
    Mời các bạn thưởng thức tác phẩm Kullervo của Jean Sibelius dưới sự trình bày của nhạc trưởng Jukka-Pekka Saraste và dàn giao hưởng radio Phần Lan tại đây

     
    Chỉnh sửa cuối: 18/3/22
    Tên truy cập thích bài này.
  9. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Hôm nay tính đăng tiếp một tác phẩm nhạc cổ điển nhưng lúc sáng lại nghe mấy bài của Văn Cao, có tác phẩm Trường Ca Sông Lô này mình nghe thấy thực sự đỉnh quá nên chia sẻ cho mọi người nghe. Dù sao thì tác phẩm này cũng là trường ca, được phối khí và trình bày theo lối nhạc cổ điển, thì chúng ta cũng có thể coi đó là (tân-) cổ điển nhỉ?


    Đầu tiên, mình rất ấn tượng với phần biểu diễn này của NSND Lê Dung. Chỉ bằngớ chất giọng Soprano đầy lực và kỹ thuật, nghệ sĩ Lê Dung đã thể hiện trọn vẹn không khí hào hùng của tác phẩm.


    Đây là phần biểu diễn cùng dàn giao hưởng, piano, dàn hợp xướng giọng nữ và NSND Quý Dương giọng baritone. Một màn biểu diễn hoành tráng và rất gợi hình. Nhưng khi nghe tác phẩm này, mình nghĩ nếu như phần soạn cho dàn giao hưởng hoành tráng như các tác phẩm giao hưởng của Mahler, Wagner, bản giao hưởng 4 và 5 của Tchaikovsky hay các bản giao hưởng của Dmitri Shoshtakovich thì sao nhỉ? Các bạn có thể tưởng tượng được không?
     
    Tên truy cập thích bài này.
  10. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Hôm nay mình giới thiệu cho các bạn tác phẩm Piano Concerto số 2 của Johannes Brahms, trình bày bởi Maurizio Pollini (piano), nhạc trưởng Claudio Abbado và dàn giao hưởng Viên (Áo).
    Johannes Brahms (1833-1897) một nhà soạn nhạc người Đức thời kì Lãng Mạn xuất chúng, một người kế thừa xứng đáng của Beethoven. Âm nhạc của ông tuy không mang tinh thần cách mạng đổi mới triệt để như Wagner hay Liszt, mà lại rất "bình cũ rượu mới" - không bao giờ vượt qua các mô phạm được đặt sẵn nhưng lại có những đổi mới sâu sắc và ấn tượng bên trong cấu trúc tác phẩm. Điều này giúp cho các tác phẩm của Brahms vừa có sự thân quen, vừa lạ lẫm mới mẻ.
    Đối với tác phẩm Piano Concerto số 2 giọng Si giáng trưởng này, Brahms mất ba năm để hoàn thành, và theo cảm nhận của mình, đây là tác phẩm trưởng thành nhất, hoàn thiện nhất trong thể loại Piano Concerto. Đó là sự cân bằng giữa tính nhạc và tính kỹ thuật, giữa dàn giao hưởng và pianist, không thừa không thiếu. Không thiếu những đoạn phô diễn kĩ thuật, và cũng không thiếu những giai điệu đẹp ngất ngây.
    Mời các bạn thưởng thức tác phẩm được thể hiện bởi pianist Maurizio Pollini và nhạc trưởng Claudio Abbado cùng dàn giao hưởng Viên. Một màn biểu diễn hay và khá ăn ý giữa nhạc trưởng và pianist. Có lẽ do cả 2 đều là người Ý? !quay

     
    Tên truy cập thích bài này.
  11. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    mấy ngày gần đây tu đạo Bossa Nova của Brazil nhiều quá, chả có ý tưởng chia sẻ nhạc cổ điển gì. Tuy nhiên trong quá trình nghe Bossa Nova thì cũng có một số tác phẩm hòa trộn giữa yếu tố nhạc cổ điển và nhạc Bossa Nova cực kì tuyệt vời mà mình muốn chia sẻ với các bạn ở đây, đó là bài Tempo do Mar của Antonio Carlos Jobim, nằm trong album Matita Pere.

    Về Bossa Nova: Là một nhánh phát triển của thể loại Samba của Brazil và thịnh hành trong khoảng cuối thập niên 50 cho đến thập niên 60, Bossa Nova mang đến một âm thanh mới cho Samba, Jazz hơn, "mượt" hơn, bớt đi sự sôi động của Samba. Bossa Nova đã đem đến một số lượng không ít các hit "huyền thoại" đối với âm nhạc Brazil cùng các tên tuổi vĩ đại không kém như Antonio Carlos Jobim, Joao Gilberto, Luiz Bonfa, Sergio Mendes...

    Antonio Carlos Jobim (1927-1994) một nhạc sĩ vĩ đại của Brazil trong thể loại Bossa Nova. Ông đã ghi dấu ấn của mình vào âm nhạc Brazil với các tác phẩm bất hủ như The Girl from Ipanema, Desafinado.... Năm 1973, Antonio Carlos Jobim phát hành album Matita Pere. Matita Pere lại mang nặng ảnh hưởng của âm nhạc cổ điển, và có thể nói album dường như là các nhà soạn nhạc ấn tượng Pháp như Claude Debussy hay Maurice Ravel sáng tác nhạc Bossa Nova vậy

     
    Tên truy cập thích bài này.
  12. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Johann Sebastian Bach - Sự Thống Khổ của Chúa theo Phúc Âm Ma-thi-ơ (St. Matthew Passion - Matthäus-Passion; tên latinh Passio Domini nostri J.C. secundum Evangelistam Matthæum - Cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta theo Phúc âm Mátthêu)

    Dạo này lại mải nghe nhạc không phải cổ điển nên cũng không chia sẻ gì cả hic hic !luoihôm qua trời khó chịu đi ra ngoài hóng mát, qua nhà thờ thấy mọi người tụ tập đông đúc mới nhớ ra rằng lễ Phục Sinh sắp đến, và nói đến lễ Phục Sinh thì không thể không nhắc tới tác phẩm vĩ đại St. Matthew Passion của J. S. Bach - một dấu mốc trong lịch sử phát triển văn hóa - âm nhạc phương Tây. Có lẽ bất cứ ai nghe xong phần đầu tiên - Kommt, ihr Töchter, helft mir klagen - đều cảm nhận thấy sức nặng mà tác phẩm đem lại, một sức nặng tượng trưng cho nỗi thống khổ của chúa Giê-su, một sức nặng đủ sức quật ngã bất cứ người nghe nào khi được tác phẩm chạm đến.

    Xin phép trích dẫn thông tin tác phẩm từ website thuvientinlanh.org về tác phẩm này

    mời các bạn thưởng thức tác phẩm do Karl Richter trình bày cùng dàn giao hưởng hợp xướng của ông trình bày tại đây, một màn trình diễn tuyệt vời, và có phụ đề tiếng Anh để theo dõi.

     
    pam_pj thích bài này.
  13. pam_pj

    pam_pj Mr & Ms Pac-Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    1/9/08
    Bài viết:
    212
    Viết bài kì công quá, like ủng hộ bạn. Mình cũng thích nghe nhạc cổ điển do tập chơi violin, chủ yếu là cảm nhận chứ cũng chưa có thời gian tìm đọc nghiên cứu background nhiều. Nay được đọc bài bằng tiếng Việt cũng hay, mà nếu muốn đọc tìm hiểu thì đọc sách hay nguồn nào được bạn?
     
  14. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Theo kinh nghiệm của mình thì là nghe nhiều, tìm hiểu về bối cảnh ra đời của tác phẩm (dễ nhất là wikipedia), để ý sự khác nhau của một tác phẩm qua những người biểu diễn khác nhau, nếu bạn chơi nhạc cụ thì có thể áp dụng cả kiến thức nhạc lý bạn học được vào tìm hiểu tác phẩm để hiểu thêm màu sắc, kĩ thuật sáng tác của nhạc sĩ như thế nào. Ngoài ra trên youtube cũng có các nguồn rất hay, mình hay xem video của kênh này

    https://www.youtube.com/c/DavidHurwitzClassics
     
    pam_pj thích bài này.
  15. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    J. S. Bach - Chaconne in D minor for solo violin, BWV 1004.

    Một điều mình nhận ra với bản thân mình khi học piano đó là càng học, mình càng nghe ít nhạc cổ điển hơn, chỉ tập trung nghe cái mình đang tập, mà các bạn biết đấy, đánh được một bài (mới ở mức đánh-được thôi nhé) không phải một sớm một chiều là xong, nên thành ra trong đầu chả có gì để post lên đây cả. Nhưng dạo này đang có mạch Bach - Busoni rất mạnh trong người nên muốn chia sẻ tác phẩm kinh điển này.

    Nếu các bạn nghĩ nhạc cổ điển (hay ai đó nói với bạn rằng) thời kì Baroque của Bach rất mô phạm, khuôn phép, mang nặng tính bourgeois, thiếu đi dấu ấn cá nhân của tác giả và tính truyền cảm thì hãy tìm nghe ngay Chaconne in D Minor của J. S. Bach, soạn cho solo violin. Một tác phẩm đầy tính tự sự của tác giả (nghe giang hồ đồn Bach viết tác phẩm này cho người vợ quá cố của ông). Một tác phẩm bất hủ mà ai chơi violin (hay những người thích nghe nhạc cổ điển) đều phải biết. Bach đã đem vào tác phẩm đầy cảm xúc chân thực của con người, những nỗi đau quằn quại, những nỗi niềm khắc khoải, day dứt khôn nguôi và một tia sáng hy vọng nhỏ nhoi.

    Mời các bạn thưởng thức Chaconne in D Minor của J. S. Bach do Hilary Hahn, một nghệ sĩ violin cực kì tài năng biểu diễn.



    Dĩ nhiên rằng, với một người đang học piano, và nhất là đang trong giai đoạn say mê các tác phẩm của Bach do Ferruccio Busoni chuyển soạn cho piano, mình không thể không giới thiệu tác phẩm này được biểu diễn bằng Piano (dĩ nhiên là do Busoni chuyển soạn rồi). Và mình xin giới thiệu phần biểu diễn do pianist người ý Arturo Benedetti Michelangeli thực hiện. Michelangeli không chỉ lột tả được chính xác những cung bậc cảm xúc hiện hữu trong tác phẩm gốc, mà trong đó còn phảng phất nỗi điên loạn của một người đến giới hạn cuối cùng của sự đau khổ hành hạ.

     
    Tên truy cập thích bài này.
  16. jUnK_stOrY

    jUnK_stOrY Donkey Kong Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    5/6/07
    Bài viết:
    402
    Hôm nay chia sẻ cho các bạn hai tác phẩm do cố NSND Lê Dung biểu diễn mà mình tình cờ tìm thấy trên youtube. Giọng Soprano của NSND Lê Dung khiến mình thực sự cạn lời nên không viết gì thêm, mời các bạn cảm nhận thôi.



     
    Tên truy cập and Rinie like this.

Chia sẻ trang này