Mệt mỏi đòi tiền mua trái phiếu 25/11/2023 | 06:19 TP - Không chỉ hàng nghìn nhà đầu tư mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh và công ty con của Vạn Thịnh Phát mệt mỏi chờ đợi đòi tiền mà nhiều nhà đầu tư khác cũng rơi vào cảnh tương tự khi bị doanh nghiệp khất nợ. Càng đến cuối năm, thời hạn đáo hạn trái phiếu càng căng thẳng khiến cả doanh nghiệp, nhà đầu tư như ngồi trên... lửa. Bao giờ mới nhận được tiền? Hơn 1 năm rưỡi trôi qua từ vụ huỷ các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh, hàng nghìn nhà đầu tư vẫn đang ngóng chờ nhận lại tiền. Chị Nguyễn Thu Thuỷ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, chị đã ký mua trái phiếu do Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông phát hành (doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) vào tháng 2/2022 hơn 1 tỷ đồng. “Gửi 2 tháng, chưa được lĩnh đồng lãi nào thì lãnh đạo tập đoàn bị khởi tố. Từ đó đến nay, tôi mỏi mòn kêu cứu song không thấy tiền đâu. Tôi cũng đọc báo và thấy tin tức tập đoàn đã nộp lại được tiền của nhà đầu tư nên rất mong sớm nhận được tiền”, chị Thuỷ nói. Còn chị Minh Hoa (Sơn La) cũng khổ sở khi bỏ ra 900 triệu đồng ký hợp đồng đầu tư trái phiếu với Tân Hoàng Minh. “Tôi quá mệt mỏi vì đi lại giờ chỉ mong các cơ quan chức năng sớm cho nhà đầu tư nhận lại tiền”. Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh mòn mỏi chờ nhận lại tiền. Ảnh: Như Ý Anh M.K, nhà đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát cho hay: “Tôi chỉ mong nhận lại hơn 2 tỷ tiền gốc mua trái phiếu chứ không mong gì đến lãi. Người ta cứ nghĩ những người mua trái phiếu nhiều tiền nhưng thực sự đó là số tiền tích góp cả đời, Đơn thư kêu cứu chúng tôi đã gửi khắp nơi, mong cơ quan chức năng xử lý sớm”. Hiện tại nhiều nhà đầu tư trái phiếu cũng như đang ngồi trên lửa khi gần 1 năm nay, doanh nghiệp khất nợ và không biết bao giờ mới đòi được tiền. Anh Nguyễn Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) đầu tư hơn 4 tỷ đồng mua trái phiếu công ty Cổ phần Tập đoàn KSFinance. “Suốt từ tháng 3 đến nay, doanh nghiệp này xin khất trả nợ trái phiếu dù đến ngày đáo hạn. Đến gặp trực tiếp thì doanh nghiệp xin hoán đổi bằng bất động sản nhưng khi tôi tìm hiểu thì đây toàn dự án chưa đủ pháp lý. Giờ tôi không biết phải làm sao, chỉ mong doanh nghiệp có đủ khả năng trả nợ cho mình”, ông Hùng nói. Áp lực trả nợ trái phiếu Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế đến hết tháng 10/2023, tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 209.150 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã cải thiện hơn năm ngoái. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm ưu thế với 99.023 tỷ đồng, theo sau là nhóm bất động sản với 68.256 tỷ đồng. Tuy nhiên, nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây” các doanh nghiệp bất động sản. Tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại còn thấp so với tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Hiện tại, danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu cũng đang tăng từng ngày, đặc biệt, ở nhóm bất động sản. Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tính đến ngày 3/10/2023, khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, tổng dư nợ ước tính khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm 17,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trước áp lực đáo hạn trái phiếu, để có thời gian cơ cấu lại dòng tiền và cải thiện khả năng trả nợ, đàm phán kéo dài thời gian là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp bất động sản giữa bối cảnh khó tiếp cận dòng vốn tín dụng, thị trường chưa phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, nhiều hoạt động đàm phán gia hạn diễn ra tích cực với kết quả khá thành công kể từ tháng 4/2023. Theo HNX, tính đến ngày 3/10, hơn 50 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với tổng trị giá hơn 95.200 tỷ đồng. Chủ yếu thời gian đáo hạn điều chỉnh thêm hai năm, đẩy lùi áp lực trả nợ sang giai đoạn 2025-2026. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp doanh nghiệp ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi. Về cơ bản đó chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Ông Đính lưu ý doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này tái cơ cấu lại các khoản nợ. Phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện những dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường. Đây cũng là “khoảng lặng” giúp nhà đầu tư có thời gian nhìn nhận, kiểm tra điều kiện, từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn. Với riêng nhóm trái phiếu do doanh nghiệp thuộc Vạn Thịnh Phát, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, vấn đề bây giờ là xử lý nợ xấu để thu hồi tổn thất và có thể sẽ phải mất 3-5 năm để có thể giải quyết hệ quả phát sinh. Cũng theo ông Thuân, năm 2024, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn lớn. Đây là rủi ro cho thị trường tài chính, cần theo dõi diễn biến thời gian tới. Về dài hạn, theo ông Thuân, để nhà đầu tư quay lại với thị trường trái phiếu, cần nhiều nỗ lực từ tổ chức phát hành, cơ chế chính sách cũng như minh bạch thông tin. https://tienphong.vn/met-moi-doi-tien-mua-trai-phieu-post1589667.tpo
Trái phiếu thì 90% mua miễn hoàn trả trước hạn. NĐT kiểu gì cái cơ bản cũng ko nắm rõ thì làm ăn gì zời