Ông Phan Văn Mãi: 'Thành phố sẽ tìm thêm chính sách hỗ trợ công nhân' Spoiler Thành phố sẽ nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ bảo hiểm, chăm lo sức khỏe, giúp đỡ con công nhân học tập, theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. "Công nhân tạo ra của cải, đóng góp cho sự phát triển của thành phố nên cần được chăm lo thấu đáo", Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi nói khi thăm 43 gia đình công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết tại khu lưu trú Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, ngày 7/2 (28 tháng Chạp). Theo ông Mãi vì điều kiện khó khăn, người lao động đến thành phố làm việc phải ăn Tết xa quê, không thể về sum họp với người thân. Ông mong muốn công nhân đã chọn ở lại ăn Tết với Sài Gòn thì cùng chia sẻ, xem nhau như gia đình. Chủ tịch thành phố cũng đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ để công nhân ở lại có nhiều hoạt động vui Xuân. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chúc Tết, lì xì gia đình công nhân ở lại thành phố ăn Tết, ngày 7/2. Ảnh: An Phương Người đứng đầu chính quyền thành phố nói thời gian qua, TP HCM có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Sắp tới, chính quyền sẽ nghiên cứu thêm các chính sách liên quan đến bảo hiểm, chăm lo sức khỏe cho công nhân, giúp đỡ con em học tập. Trước đó, khi được lãnh đạo thành phố đến chúc Tết, công nhân Nguyễn Viết Thân, 42 tuổi, cho biết vì kinh tế khó khăn nên 15 năm qua gia đình ông không về Nghệ An đón Tết với người thân. Năm 2023, ông mất việc do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Để có tiền lo học phí cho con, thuốc men cho vợ, anh xin làm phụ xe. Mới đây, anh được một nhà máy ở Khu công nghiệp Hiệp Phước nhận vào làm việc nên cuộc sống đỡ vất vả. Năm mới, ngoài mong kinh tế phục hồi, nhà máy nhiều đơn hàng, anh đề nghị thành phố có thêm các chính sách hỗ trợ lãi vay, tạo điều kiện để công nhân tiếp cận với nhà ở xã hội, nhà giá rẻ để an cư lạc nghiệp. Theo đánh giá của Liên đoàn lao động TP HCM, năm nay do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhiều nhà máy sản xuất hụt đơn hàng, thu nhập lao động giảm. Do đó, nhiều người sẽ chọn ở lại thành phố dịp Tết để tiết kiệm chi phí, sau Tết nhanh chóng tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Để những người ở lại thành phố có cái Tết vui tươi, Công đoàn thành phố và quận huyện có chương trình Vui Tết cùng công nhân ở trọ. Theo đó, một số khu trọ đông lao động ở lại sẽ được công đoàn hỗ trợ chi phí làm tiệc tất niên. Ngoài ra, vào các ngày Tết, nhà văn hóa lao động cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, vui Xuân để công nhân có chỗ vui chơi. Chủ trọ Sài Gòn tổ chức Tết sớm cho công nhân Spoiler Nhiều chủ nhà trọ chi tiền đãi tiệc, mời ca sĩ, mua hàng gia dụng làm quà bốc thăm trúng thưởng... tổ chức Tết sớm cho công nhân. Chưa đến giữa tháng Chạp, khu trọ hơn 70 phòng của ông Đặng Văn Hương ở phường Tân Thuận Đông, quận 7, đã rộn ràng không khí Tết bởi tiệc tất niên được tổ chức sớm hơn mọi năm. Một tuần trước, vợ chồng chủ trọ đến từng phòng trọ mời khoảng 150 khách, bao gồm cả trẻ con, lên danh sách món ăn và đặt quà Tết. Sáng 21/1 (11 tháng Chạp), nhiều công nhân tranh thủ dậy sớm cùng với vợ chồng ông Hương chuẩn bị tiệc. Mọi người chia nhau dọn dẹp, nhặt rau, nấu ăn, rửa chén... Thực đơn năm nay có gỏi ngó sen tiến vua tôm thịt, chả giò hải sản, tôm hấp bia, bò kho, lẩu gà lá quế và tráng miệng rau câu. Đúng 16h30, công việc hoàn tất. Trước khi khai tiệc, vợ chồng ông chúc Tết các công nhân, gửi mỗi phòng phần quà Tết gồm bánh mứt, dầu ăn, nước mắm... Ông Mười Hương kiểm tra lại các món ăn trong tiệc tất niên hôm 21/1. Ảnh: An Phương Khu trọ Mười Hương được xây dựng cách đây 20 năm. Những năm đầu, mỗi khi Tết đến, vợ chồng ông chỉ tặng quà cho những người thuê trọ. Tuy nhiên, chừng 10 năm trước, một nhóm bạn trẻ thuê trọ rủ nhau góp tiền tổ chức tất niên. Nhiều người ủng hộ nhưng một số lại rụt rè chuyện kinh phí nên từ chối tham gia. Biết chuyện, vợ chồng ông Hương quyết định sẽ lo hết chi phí tất niên. "Từ đó thành truyền thống, năm nào tôi cũng làm để anh em được vui", ông chủ khu trọ nói. Năm nay, nhiều nhà máy giảm đơn hàng, công nhân mất việc nên chuyển sang chạy xe ôm công nghệ nên không có thưởng Tết hoặc không được dự tiệc tất niên như lúc còn làm công ty. Một số làm tự do cũng thu xếp về quê sớm. Do đó, vợ chồng ông Hương lên kế hoạch làm tất niên sớm hơn mọi năm, lựa ngày chủ nhật đãi tiệc để mọi người đều tham gia được. Theo ông Hương, có những công nhân gắn bó với khu trọ từ ngày mới xây nên "thân quen như người nhà". Ngoài chi khoảng 40 triệu đồng tổ chức tiệc tất niên, nhiều năm liền vợ chồng ông giữ giá thuê phòng ổn định, với giá 1,6 triệu đồng mỗi tháng. Những lúc khó khăn, dịch bệnh, vợ chồng ông cũng chủ động giảm một nửa tiền phòng để hỗ trợ người thuê. Không tổ chức tiệc tất niên như chủ trọ Mười Hương, chị Nguyễn Thị Kim Hồng, 37 tuổi, chủ khu trọ 37 phòng ở quận Bình Tân mời ca sĩ, kêu lô tô trúng thưởng hàng gia dụng khi tổ chức Tết sum vầy cho công nhân vào ngày 24 tháng Chạp tới. "Hai ca sĩ phòng trà đã nhận lời và một chị có giọng hát hay, tự ra đĩa cũng đã chốt show", chị nói. Không chỉ mời ca sĩ đến biểu diễn góp vui, chị Hồng còn mua 10 sản phẩm gia dụng như bếp nướng điện, nồi lẩu nướng, bình đun siêu tốc... để làm quà may mắn. Mỗi phòng được phát số, người dẫn chương trình sẽ gọi lô tô để tìm người trúng giải. Chị cũng đã đặt nhiều suất quà Tết tặng các phòng trọ, huy động lực lượng sên mứt dừa để làm quà gửi đến anh chị em công nhân. Khu trọ của chị Hồng được xây dựng hơn 20 năm, người thuê chủ yếu là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Nhiều năm qua, chị không tăng giá phòng, giữ ổn định trong khoảng triệu đồng mỗi tháng. Giai đoạn Covid-19 bùng phát, chị giảm 30-50% tiền thuê. Năm qua, nhà máy giảm đơn hàng, hơn 9.000 lao động bị cắt giảm nên nhiều người hồi hương. Để giúp công nhân mất việc, chị phối hợp với ngành chức năng, đoàn thể quận Bình Tân giới thiệu, kết nối việc làm. Hiện, nhiều công nhân đã quay lại thành phố, tiếp tục chọn nhà trọ của chị để sinh sống. Lần đầu tổ chức chương trình vui Xuân, đón Tết, chị Hồng cho hay không chỉ để cảm ơn anh chị em đã gắn bó mà "trên hết là mong mọi người có niềm vui sau một năm nhiều khó khăn". Người lao động tham gia tiệc tất niên ở nhà trọ của ông Mười Hương, quận 7, chiều 21/1. Ảnh: An Phương Theo đánh giá của Liên đoàn lao động TP HCM, năm nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều nhà máy sản xuất hụt đơn hàng, thu nhập lao động giảm. Do đó, nhiều người sẽ chọn ở lại thành phố dịp Tết để tiết kiệm chi phí, sau Tết nhanh chóng tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng ban Nữ công, Liên đoàn lao động TP HCM, cho biết bên cạnh các chương trình chăm lo của tổ chức công đoàn như tặng quà, họp mặt mừng Xuân, tiệc tất niên ở nhà trọ đã mang Tết đến sớm với lao động xa quê. Qua ghi nhận, đã có hơn 70 chủ trọ trên địa bàn tổ chức Tết sớm bằng nhiều hình thức như đãi tiệc, tặng quà, liên hoan văn nghệ, bốc thăm trúng thưởng. Nhiều chủ trọ chi hàng trăm triệu đồng để làm tiệc đãi như ông Nguyễn Thành Tâm ở quận 12, cô Bùi Thị Bên ở TP Thủ Đức gói hơn trăm đòn bánh tét tặng công nhân... Theo bà Liên, công đoàn thành phố và quận huyện còn có chương trình Vui Tết cùng công nhân ở trọ. Theo đó, một số khu trọ đông lao động ở lại sẽ được công đoàn hỗ trợ chi phí làm tiệc tất niên. Ngoài ra, vào các ngày Tết, nhà văn hóa lao động cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, vui Xuân để công nhân có chỗ vui chơi. Sửa miễn phí hơn nghìn xe máy cho công nhân về Tết Spoiler Nhiều doanh nghiệp, nhà máy tổ chức sửa xe, thay nhớt, phụ tùng miễn phí để công nhân về Tết an toàn. Trưa 28/1 (18 tháng Chạp), anh Trương Hồng Đức, công nhân nhà máy giày Thiên Lộc (quận 12), đưa xe máy ra Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP HCM (YEAC), cách nhà trọ hơn cây số để thợ kiểm tra. Sau hơn một phút cho máy nổ, người thợ cho biết chiếc xe hơn 5 tuổi của anh Đức khá ổn. Xe chỉ cần chỉnh lại nhông sên, thay nhớt mới. "Tôi an tâm chạy về quê rồi", nam công nhân quê Trà Vinh nói. Anh Đức đưa xe đến Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân để thợ kiểm tra, sáng 28/1. Ảnh: Lê Tuyết Không chỉ anh Đức, trong hai ngày 27-28/1, YEAC và hai đơn vị phối hợp gồm Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) và Công ty cổ phần AP Sài Gòn Petro đã thay nhớt, kiểm tra xe cho 1.000 công nhân làm việc tại các nhà máy trên địa bàn thành phố. Người lao động đưa xe đến văn phòng của YEAC tại quận 12 và quận 7 để được hỗ trợ. Anh Dương Minh Trung, một trong 30 thợ tham gia hỗ trợ công nhân, cho biết trong hai ngày đã kiểm tra gần 200 xe. Ngoài thay nhớt, những bộ phận nào của xe cần cân chỉnh như bố thắng, nhông sên dĩa... anh và đồng nghiệp xử lý tại chỗ. Trường hợp phụ tùng hư hỏng, cần thay mới, thợ sẽ đề nghị chủ xe đến các cửa hàng chuyên nghiệp. Toàn bộ chi phí hơn 200 triệu đồng để thực hiện chương trình gồm thay nhớt, kiểm tra xe, tặng quà cho lao động khó khăn do doanh nghiệp tài trợ. Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc phát triển kinh doanh Marketing GIC, cho biết nhiều xe khi mang đến nhớt đã bị khô hoặc đen đặc ảnh hưởng đến máy, gây mất an toàn nếu tiếp tục chạy. Vì vậy ngoài xử lý kỹ thuật, thợ còn tư vấn cho người lao động cách kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để tăng tuổi thọ phương tiện bởi với nhiều công nhân xe máy là tài sản giá trị rất lớn. Thợ kiểm tra xe của công nhân tại Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân, văn phòng quận 12, sáng 27/1. Ảnh: An Phương Theo ông Cường, năm nay kinh tế gặp nhiều khó khăn, vé tàu xe cũng khan hiếm. Nhiều lao động cách thành phố khoảng 500 km chọn đi xe máy về quê nên GIC phối hợp các bên để kiểm tra, thay nhớt xe cho công nhân. "Chúng tôi mong anh chị em có hành trình về Tết an toàn", ông Cường nói, cho biết thêm nếu chương trình nhận được phản hồi tốt từ người lao động, GIC sẽ nghiên cứu thực hiện đều đặn vào các dịp Tết sau. Kiểm tra, sửa xe cho công nhân cũng là cách mà một số nhà máy ở TP HCM, Bình Dương thực hiện nhiều năm qua, đặc biệt dịp Tết để giúp công nhân về quê an toàn. Từ ngày 23-26/1, gần 200 xe của công nhân làm việc tại nhà máy Datalogic Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), đã được tân trang lại. Việc này được công ty duy trì gần 15 năm qua để đảm bảo an toàn cho lao động khi đi làm bằng phương tiện cá nhân. Ông Đặng Văn Chung, Tổng giám đốc Datalogic, cho biết không chỉ vào dịp Tết, định kỳ hàng quý, nhà máy tổ chức bảo trì xe máy cho công nhân. Chủ xe đăng ký thông tin gồm biển số, dòng xe kèm yêu cầu kiểm tra. Bộ phận phụ trách có phần mềm theo dõi quá trình sửa chữa để chủ động thay phụ tùng khi đến hạn. Ngoài thuê thợ, tiền phụ tùng mỗi kỳ ít nhất 60 triệu đồng. Vào dịp Tết, đội thợ được yêu cầu làm kỹ, đặc biệt phanh, lốp, nhớt để công nhân về quê an toàn. Thợ kiểm tra xe trong khuôn viên nhà máy Diversatek Việt Nam, ngày 13/1. Ảnh: An Phương Tương tự, trong hai đợt cuối tháng 12 năm ngoái và đầu tháng 1 vừa qua, Công ty Diversatek Việt Nam ở Khu Công Nghiệp VSIP 1 (TP Thuận An, Bình Dương) tổ chức sửa xe, thay mới phụ tùng xe cho gần 60 nhân viên. Việc này cũng được doanh nghiệp thực hiện thường xuyên trong năm. Ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc Diversatek Việt Nam, nói tổng số tiền công ty bỏ ra sửa xe trong một năm khoảng 50 triệu đồng, "không nhiều so với toàn bộ chi phí vận hành nhưng có nhiều cái lợi". Người lao động phấn khởi vì được quan tâm, nhà máy an tâm vì phương tiện đi lại của nhân viên an toàn. Đặc biệt dịp Tết, nhiều công nhân chọn về quê bằng xe máy nên việc này có nhiều ý nghĩa. Nấu hơn 1.000 phần thịt kho hột vịt tặng công nhân Spoiler Liên đoàn lao động quận Bình Tân tổ chức nấu 8 nồi thịt kho với nguyên liệu gồm 400 kg thịt heo, 4.000 hột vịt, 180 lít nước dừa để tặng công nhân, người lao động khó khăn. Nguyễn Điệp Clip trong link: https://video.vnexpress.net/nau-hon-1-000-phan-thit-kho-hot-vit-tang-cong-nhan-4708627.html Đầu cầu Hà Nội: Lao động Hà Nội về quê trên chuyến xe 0 đồng Spoiler Khoảng 1.200 công nhân, đoàn viên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Thủ đô được hỗ trợ về quê miễn phí, sáng 28 tháng chạp (7/2). 8 25 chuyến xe 45 chỗ của Công đoàn Thủ đô tập kết từ 5h tại khu điều hành của khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, để đưa người lao động về Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngoài đưa 1.200 công nhân về quê ăn Tết, Liên đoàn Lao động thành phố còn tổ chức 6 chuyến xe đón trên 200 công nhân ở Thanh Hóa, Nghệ An quay trở lại Hà Nội làm việc sau Tết. "Bình thường về quê ăn Tết phải đặt vé trước cả tháng, giá khoảng 400.000 đồng. Với 5 thành viên được đi xe miễn phí, gia đình tiết kiệm gần nửa tháng lương", chị Hoàng Thị Lệ, quê Nghệ An, đang làm việc tại Nhà máy Canon, nói. Đây là năm thứ tư gia đình được đi xe 0 đồng. Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024 dành cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng... đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Lái xe dán số thứ tự xe để người lao động dễ nhận biết, lên đúng chuyến xe. 7h xe mới xuất phát, nhưng trước đó 2 tiếng nhiều người đã có mặt, cầm sẵn vé chờ xe. Gia đình anh Hoàng Văn Ba ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa tìm chuyến xe có tên từng thành viên trong gia đình. "Hàng ngày 7h các con mới dậy, nhưng hôm nay hào hứng quá, từ 5h30 đã có mặt tại xe. Gia đình 5 người về quê ăn Tết, trong đó mẹ tôi không làm công ty nhưng cũng được tạo điều kiện có vé", anh Nguyễn Đức Hùng, quê Thanh Hóa, nói. Trước đây gia đình phải đi xe khách hoặc taxi cho quãng đường 170 km về quê, mất khoảng 1,7 triệu đồng. Đông đảo người lao động cùng người thân có mặt tại điểm tập kết chờ lên xe. Mỗi xe có hai cán bộ rà soát danh sách từng thành viên đã đăng ký để đảm bảo không bỏ sót. Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh mừng tuổi cho con công nhân trên xe 0 đồng. Theo đại diện Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, cùng với tổ chức các chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết, Liên đoàn đã hỗ trợ tiền về quê cho 5.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với các mức: 500.000 đồng/người cho 2.000 công nhân lao động quê Nghệ An, Hà Tĩnh; 300.000 đồng/người cho 3.000 công nhân lao động quê Thanh Hóa, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn… Tết Giáp Thìn là năm thứ 16 Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức chuyến xe miễn phí đưa người lao động khó khăn về quê. Dịp này, Liên đoàn lao động TP Hà Nội đã hỗ trợ 1,67 tỷ đồng cho công nhân mua vé xe; chi hỗ trợ 44.000 lượt người lao động khó khăn với trên 31 tỷ đồng. Cuối năm tổng hợp tin tức tích cực chút, nhiều tin gom lại nên phải chế tít tí vậy. Chúc bà con đón tết vui vẻ