Người mắc bệnh khớp háng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 6 tháng qua tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 500 ca, trong đó khoảng 70% người dưới 40 tuổi. Ngày 20/4, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng trước đây các bệnh này thường gặp ở độ tuổi từ 50 trở lên do nhiều nguyên nhân như thoái hóa, có tiền sử bệnh khớp háng, thừa cân.... Hiện bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Ít vận động, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... là các yếu tố thúc đẩy bệnh khớp háng xảy ra sớm hơn. Các kỹ thuật thay khớp ít xâm lấn đã khắc phục được những nhược điểm của phương pháp mổ trước đây như tái trật khớp, hạn chế vận động, không thể ngồi xổm... Sau phẫu thuật, người bệnh có thể chơi thể thao, lao động nặng. Những yếu tố này giúp người trẻ yên tâm hơn để lựa chọn phẫu thuật thay khớp. Các bệnh vùng khớp háng thường gặp là loạn sản khớp háng, viêm thoái hóa khớp háng..., trong đó hoại tử chỏm xương đùi là phổ biến nhất. Những bệnh lý này gây đau nhiều, cản trở sinh hoạt, thậm chí không thể làm việc hay đi lại, phải sử dụng xe lăn. Như anh Kiệt, 35 tuổi, bị hoại tử chỏm xương đùi mới một năm nhưng chức năng khớp háng suy giảm nghiêm trọng. Anh không đi khám, sau đó đau nặng nên điều trị ở nhiều nơi, uống đủ thuốc không cải thiện. Gần đây, anh đi lại chân thấp chân cao, không thể mang vác vật nặng. Trường hợp khác là chị Hoa, 28 tuổi, cũng bị hoại tử chỏm xương đùi gần hai năm. Không muốn thay khớp khi còn trẻ, chị cố chịu đựng nhưng khớp háng đau dữ dội, đi lại khó, không thể thực hiện các động tác thường ngày như ngồi xổm, vắt chéo chân, đi cầu thang. Theo bác sĩ Khoa, các bệnh lý khớp háng ở giai đoạn đầu có thể được điều trị bảo tồn bằng cách dùng thuốc và tập vật lý trị liệu. Khi bệnh tiến triển nặng, gây đau dữ dội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, thay khớp háng là phương pháp tối ưu. Người bệnh không kịp thời điều trị có thể gặp những biến chứng như biến dạng khung xương, đi lại khập khiễng, tàn phế. Bác sĩ Khoa (phải) thay khớp háng cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Bác sĩ Khoa cho biết có 4 mục tiêu lớn trong phẫu thuật thay khớp háng dành cho người trẻ nói chung. Một là phục hồi hoàn toàn chức năng khớp háng nhằm đảm bảo người bệnh không bị hạn chế vận động, có thể thực hiện các tư thế khó như ngồi xổm, sinh hoạt tình dục, lao động nặng. Hai là tăng độ bền khớp nhân tạo, tối đa hóa tuổi thọ của khớp nhân tạo, kéo dài thời gian sử dụng khớp lâu nhất có thể. Ba là bảo tồn xương tối đa sau lần mổ đầu, tạo điều kiện cho ca mổ lần hai (nếu cần thiết) vào nhiều năm sau diễn ra dễ dàng và ít tốn kém hơn. Bốn là phục hồi nhanh, giảm thời gian nằm viện và phục hồi sau mổ, giúp người bệnh sớm trở lại với hoạt động thường ngày, tiết kiệm chi phí điều trị. Để đạt được các mục tiêu đó, cần kết hợp nhiều yếu tố như chuẩn bị trước mổ, kỹ thuật mổ, lựa chọn khớp phù hợp, tập phục hồi chức năng. Anh Kiệt và chị Hoa đều được thay khớp háng bằng đường mổ ít xâm lấn, bảo tồn xương tối đa. "Đây là phẫu thuật khó, nhất là với người bệnh trẻ tuổi do nhu cầu vận động cao, phẫu thuật cần đáp ứng nhiều tiêu chí để khớp nhân tạo vận hành tốt, có tuổi thọ lâu dài", bác sĩ Khoa nói. Trước khi mổ, bác sĩ sử dụng phần mềm TraumaCad chuyên dụng để đo đạc và chọn khớp có kích thước phù hợp với từng người bệnh, vị trí đặt khớp khi mổ... Nhờ đó giảm độ mài mòn khớp cũng như tăng tầm vận động sau mổ cho người bệnh. Với đường mổ truyền thống, tiếp cận bằng lối sau, bác sĩ phải cắt nhóm cơ xoay ngoài và bao khớp. Điều này làm người bệnh mất nhiều thời gian hơn để phục hồi, dễ trật khớp khi thực hiện các tư thế ngồi xổm, bắt chéo chân. Để khắc phục, bác sĩ áp dụng các kỹ thuật tiếp cận thay khớp ít xâm lấn mới như đường mổ phía trước ngoài ABMS, đường mổ SuperPATH, đường mổ trước trực tiếp. Các kỹ thuật này giúp bảo tồn hoàn toàn các nhóm cơ, điểm bám quan trọng của bao khớp nên giảm đau và mất máu hiệu quả. Thiết kế khớp và kỹ thuật mổ bảo tồn xương giúp hạn chế tối đa hao hụt xương, đảm bảo sau thời gian dài sử dụng khớp nhân tạo, khối lượng xương của người bệnh vẫn còn đủ để thay khớp lần sau (nếu có) mà không cần ghép xương hoặc phải sử dụng các thiết kế khớp bù xương khác đắt tiền hơn. Theo bác sĩ Khoa, thiết kế khớp bảo tồn xương sử dụng ổ cối dạng nguyên khối bằng polyethylene phủ titan giúp xương mau mọc và bám chắc vào khớp nhân tạo. Đồng thời khớp này có độ đàn hồi tương đồng với độ đàn hồi xương người bệnh, hạn chế tình trạng loãng xương hay lỏng khớp. Cấu phần đùi sử dụng loại chuôi ngắn có thể đặt riêng theo từng người bệnh, hạn chế phải khoan nạo xương quá nhiều. Sau phẫu thuật, anh Kiệt và chị Hoa hồi phục nhanh, có thể đi lại và xuất viện chỉ sau 1-2 ngày. Người bệnh sẽ được tập phục hồi chức sau mổ một thời gian. Vận động của khớp không chỉ dựa vào ổ khớp mà còn có sự tham gia của bao khớp, gân cơ xung quanh khớp. Do đó, tập luyện tăng cường sức mạnh cho các tổ chức phần mềm này giúp người bệnh phục hồi sau mổ nhanh hơn, chức năng khớp sau mổ tốt hơn. Các cơ khỏe giảm áp lực lên phần khớp nhân tạo khi vận động, tăng độ bền khớp. Anh Kiệt đi lại sau phẫu thuật, không cần dụng cụ hỗ trợ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Đa số bệnh ở khớp háng nếu được phát hiện kịp thời đều có thể giảm đau, cải thiện khả năng vận động và làm chậm tiến triển bệnh bằng các biện pháp điều trị bảo tồn như thuốc, vật lý trị liệu... mà không cần phẫu thuật. Do đó, bác sĩ lưu ý người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như đau nhức khớp háng và xung quanh, khô cứng khớp, hạn chế vận động, khó thực hiện các động tác xoay dạng khớp... Khi được chỉ định thay khớp háng, người bệnh nên sớm phẫu thuật để tránh các biến chứng nặng ảnh hưởng đến cột sống, khung chậu, khớp gối, khớp cổ chân... Bác sĩ Khoa cho biết với sự phát triển của y học và công nghệ kỹ thuật ngày nay, độ an toàn thay khớp háng được nâng cao đáng kể. Người bệnh trẻ tuổi nên đến những cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và đầy đủ trang thiết bị để đảm bảo hiệu quả điều trị. Nhiều người trẻ phải thay khớp háng - VnExpress Sức khỏe
Ta đang bị vụ này, 5 năm cmnr đợt đó ông bác sĩ kê thuốc cho uống, ko biết sau này có phải phẫu thuật như trên ko nhưng giờ ít đau hẳn, chạy nhảy, tập gym bình thường
May nhỏ giờ mình dalit dbrr nên phải hoạt động tay chân thì mới có ăn nên chỉ thoái hoá cột sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm thôi
Nhiều người ko để ý chứ vụ thay khớp háng hơi bị nhiều , người quen ta cũng 3 người đi thay rồi , già có trẻ có