Oanh tạc cơ Trung Quốc lần đầu khai hỏa tên lửa đạn đạo - VnExpress Trung Quốc đăng video oanh tạc cơ H-6K lần đầu phóng tên lửa đạn đạo, được cho là dòng 2PZD-21, tiết lộ thêm tính năng của quả đạn. Quân đội Trung Quốc ngày 1/5 đăng video máy bay ném bom H-6K nước này làm nhiệm vụ huấn luyện, trong đó có khoảnh khắc oanh tạc cơ thả bom từ khoang vũ khí trong thân và phóng tên lửa đạn đạo từ giá treo vũ khí gắn phía dưới cánh trái. Đây là lần đầu tiên mẫu oanh tạc cơ H-6K của Trung Quốc khai hỏa loại đạn này. Theo chuyên gia quân sự Thomas Newdick của War Zone, tên lửa đạn đạo mà H-6K phóng là dòng 2PZD-21, từng được Trung Quốc trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2022. Bắc Kinh hiện sở hữu ít nhất hai loại tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (ALBM). Chúng thường được coi là vũ khí diệt hạm, thiết kế để nhắm mục tiêu vào các loại tàu chiến giá trị cao của đối phương như tàu sân bay, nên còn có biệt danh là "sát thủ tàu sân bay". Tuy nhiên, H-6K là khí tài chủ yếu dùng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, được biên chế cho không quân Trung Quốc chứ không phải binh chủng không quân hải quân. Điều này cho thấy 2PZD-21 nhiều khả năng là tên lửa không đối đất, không phải vũ khí diệt hạm, qua đó có thể xếp vào cùng lớp với đạn siêu vượt âm Kinzhal của Nga, theo Newdick. 2PZD-21 có thể đã được phát triển từ một loại vũ khí khai hỏa trên mặt đất, nhiều khả năng là dòng CM-401, do hai loại có hình dáng tương đồng. Oanh tạc cơ mang theo tên lửa 2PZD-21 dưới cánh tại triển lãm Chu Hải năm 2022. Ảnh: X/Rupprecht_A CM-401 là tên lửa đạn đạo diệt hạm phóng từ mặt đất, được cho là có tốc độ pha cuối từ Mach 4 (4.939 km/h) tới Mach 6 (7.408 km/h), có khả năng tập kích cả tàu chiến và mục tiêu cố định trên đất liền. Quả đạn có tầm bay tối đa gần 290 km, có thể bay xa hơn nếu phóng được từ trên không. H-6 là oanh tạc cơ nòng cốt của không quân Trung Quốc, có chiều dài 35 m, sải cánh 33 m, trần bay 12.800 m, vận tốc tối đa 1.050 km/h, tầm hoạt động 6.000 km. Máy bay có thể phóng nhiều loại tên lửa và bom dẫn đường. Biến thể H-6K được trang bị động cơ có hiệu suất cao nên có thể bay xa hơn và thực hiện kỹ thuật tiếp liệu trên không. Tuy nhiên, mẫu máy bay này không được tích hợp công nghệ tàng hình, nên được đánh giá là không đủ khả năng vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại. Trung Quốc kỳ vọng oanh tạc cơ H-20 sắp ra mắt sẽ khắc phục được nhược điểm này.