[VNE] Nông dân miền Tây 'hụt hơi' sau cuộc đua năng suất

Thảo luận trong 'Thư Giãn Express - Bản Tin Cuối Ngày' bắt đầu bởi nh0x@, 26/8/24.

  1. nh0x@

    nh0x@ Dante, the strongest Demon Slayer Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    15/9/08
    Bài viết:
    14,106
    Nông dân miền Tây 'hụt hơi' sau cuộc đua năng suất

    Thứ hai, 26/8/2024, 05:00 (GMT+7)

    Trong căn nhà nhỏ của ông Long tại ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, có hai thứ được ép plastic: ảnh con cháu và những tấm giấy khen nông dân làm kinh tế giỏi vào những năm 1990. Ngày ấy, ông nổi tiếng huyện Tháp Mười với tài trồng lúa.

    "Tôi chứng kiến cây lúa từ thuở canh tác thô sơ, đến những năm cực thịnh, lúa tràn cả bồ", ông nhớ lại.

    Sau ngày đất nước thống nhất, ông Long rời quân ngũ, về quê trồng lúa trên 3,5 ha đất của gia đình. Đó cũng là giai đoạn cả nước chật vật vì thiếu gạo, phải nhập khẩu. Toàn dân tập trung vào mặt trận lương thực nhằm "xoá đói". Trọng trách đặt lên vai nông dân miền Tây - nơi góp hơn 50% sản lượng lúa cả nước.

    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Nông dân Nguyễn Văn Long (76 tuổi, ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) bên cánh đồng lúa mà ông bắt đầu canh tác từ năm 1978.

    Chính sách và hành động lúc bấy giờ đều nhằm giải bài toán tối đa năng suất, sản lượng. Ngành nông nghiệp thúc đẩy canh tác lúa 2-3 vụ, thay vì một vụ. Những giống lúa cao sản, ngắn ngày được giới thiệu rộng khắp. Các tỉnh đồng loạt xây dựng hệ thống thuỷ lợi đan xen, đắp đê, xây cống, đưa nước ngọt về vùng ven biển để trồng lúa.

    Sau gần 50 năm, năng suất và sản lượng đạt đỉnh, hạt gạo miền Tây đi khắp thế giới. Thế nhưng, thu nhập của nông dân ngày một co lại. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên mỗi ha lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện thấp nhất so với các hình thức nuôi, trồng khác. Nhiều nông dân mắc nợ vì tiền bán lúa không đủ bù chi phí sản xuất ngày một tăng. Họ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan với cây lúa: bỏ thì tiếc, giữ lúa thì lỗ.

    Đánh thức "vùng đất chết"
    Hồi bắt đầu trồng lúa năm 1978, ông Long chỉ biết làm một vụ vào mùa nước nổi, gieo sạ vào tháng 4 âm lịch, mãi tháng 2 năm sau mới thu hoạch. Năng suất chỉ 3-4 bao lúa mỗi công (khoảng 20 tạ/ha).

    "Trồng lúa mùa không đủ ăn, nồi cơm phải độn thêm chuối, khoai", ông nhớ lại.

    Không riêng nhà ông Long, nhiều người dân Nam Bộ khi đó phải ăn gạo nhập. Năm 1980 dự kiến là thời điểm dư thừa lương thực với mục tiêu 21 triệu tấn, lại phải nhập khẩu nhiều nhất lịch sử - 1,57 triệu tấn. Sản lượng lúa bình quân đầu người từ 221 kg năm 1976 xuống còn 157 kg năm 1980.

    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Giấy khen nông dân làm kinh tế giỏi từ những năm 1990 được ông Long ép plastic, lưu giữ cẩn thận.

    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Ông Long giữ cây nọc cấy lúa gần 50 năm tuổi, nông cụ nông dân dùng để gieo mạ khi chưa có máy móc.

    Ông Long lưu giữ cẩn thận giấy khen nông dân làm kinh tế giỏi từ những năm 1990 và cây nọc cấy lúa gần 50 năm tuổi - nông cụ dùng để gieo mạ khi chưa có máy móc.
    Để nâng cao sản lượng, việc đầu tiên là tăng diện tích sản xuất.

    Đầu thập niên 1980, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiều lần triệu tập lãnh đạo ba tỉnh Long An - Đồng Tháp - Tiền Giang, bàn chủ trương khai phá Đồng Tháp Mười. Vùng đầm lầy bỏ hoang bạt ngàn lau sậy, rộng gần 700.000 ha, chiếm 17% diện tích ĐBSCL nhưng 70% đất nhiễm phèn, được dân gọi là "đất chết". Cuộc khẩn hoang khởi đầu từ khâu thuỷ lợi để rửa phèn.

    Nguyên Chủ tịch UBND Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nhớ lại, tỉnh đã thuê đơn vị làm thủy điện Trị An đến nạo vét, đào mới nhiều tuyến kênh lớn, tạo hệ thống thủy lợi "xẻ ngang xẻ dọc như bàn cờ". Trong đó, quan trọng nhất là vét kênh Nguyễn Văn Tiếp, Phước Xuyên, và đào mới kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng (kênh Trung Ương).

    Từ các kênh chính, cán bộ vận động người dân lao động công ích, đào nhiều tuyến nội đồng dẫn nước vào ruộng. 10 năm sau thống nhất, riêng Đồng Tháp đã đào, vét kênh gấp 20 lần so với Pháp - Mỹ làm trong 100 năm, theo sách Địa chỉ tỉnh Đồng Tháp.

    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Các tuyến kênh Trung Ương, Hồng Ngự, Măng Đa - Cái Môn... đóng vai trò quan trọng trong việc rửa phèn cho vùng Đồng Tháp Mười.

    Cải tiến giống lúa là mũi đột phá thứ hai để "tiến công" vào Đồng Tháp Mười, theo ông Dương. Ước tính của các nhà khoa học cho thấy, 30-50% mức tăng năng suất là nhờ những giống lúa tốt mới.

    Trước đây, ĐBSCL hầu như chỉ có cánh đồng lúa một vụ, với giống địa phương cao cây. Tuy chất lượng khá nhưng dễ ngã đổ, năng suất rất thấp - từ 1,7 đến 2,5 tấn lúa mỗi ha. Thời gian sinh trưởng kéo dài khiến nhiều vụ lúa không thể tránh lũ, khả năng chống chịu dịch bệnh kém.

    Nhờ sự trợ giúp của nhà khoa học, các giống lúa tân tiến nhất thế giới được Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) gửi về Việt Nam nhân giống, gọi là lúa Thần Nông (IR). Ưu điểm ngắn ngày - chỉ ba tháng, lại cho năng suất cao.

    Để thay đổi tập quán trồng lúa mùa nổi sang Thần Nông ngắn ngày, ông Dương - khi đó là cán bộ nông nghiệp xã - vừa vận động, vừa tổ chức đào kênh dẫn nước.

    "Ban đầu nông dân ngại thay đổi, thấy cán bộ xuống là xua đuổi. Sau thấy giống lúa mới vừa trúng, vừa ngon thì hoan hỉ làm theo", ông Dương kể.

    Nông dân mở dần sang lúa hai vụ, song thường mất mùa nếu lũ về sớm. Để bảo vệ, các tỉnh miền Tây, đặc biệt là vùng thượng nguồn, xây hệ thống đê bao khép kín. Cùng lúc lưới điện kéo xuống tận xóm, ấp. Trạm bơm vận hành, tháo nước khỏi ruộng, giúp nông dân chủ động xuống giống, thu hoạch sớm lúa vụ hai trước khi lũ về.

    Cơ giới hóa cũng lan rộng, cứ chục thửa ruộng lại có một chủ máy làm dịch vụ xới cày, xới đất. Từ cắt lúa bằng tay, nâng lên máy xếp dãy, rồi máy gặt đập liên hợp.

    Khi được nhà nước khuyến khích trồng giống lúa Thần Nông, ông Long lưỡng lự. Vốn tính thận trọng, ông chỉ thử nghiệm với 0,5 ha sau nhà, lúa sạ 105 ngày thì cắt.

    "Lúa không khó trồng mà năng suất tăng gấp mấy lần. Mỗi công được mười mấy bao", ông cười kể lại. Vụ sau, ông chuyển hết 3,5 ha sang làm lúa hai vụ. Sản lượng tăng dần, mỗi công lên 20 rồi 25 bao, vượt xa thời lúa mùa chỉ thu hoạch được 3-4 bao.

    Khi ngành nông nghiệp đẩy mạnh làm đê bao để nông dân sạ thêm vụ thứ ba, ông Long hưởng ứng đầu tiên. Năng suất không bằng hai vụ chính, nhưng với nông dân ham làm lúa, thêm một vụ tức thêm tiền lời. Sản lượng tăng mỗi năm, bồ lúa nhà ông năm nào cũng phải nới thêm, đến khi đụng nóc nhà năm 1985, cũng là năm ông thu được 2.000 giạ lúa.

    Từ lúa một vụ, nông dân chuyển dần sang 2-3 vụ. "Cánh đồng hoang" Đồng Tháp Mười trở thành vựa lúa, kéo năng suất toàn ĐBSCL đi lên.

    Năm 1986, Việt Nam lần đầu xuất khẩu gạo, hạt lúa từ những "túi phèn" Đồng Tháp Mười đi ra thế giới. Nông nghiệp trở thành "bệ đỡ" kinh tế của toàn đồng bằng. Các địa phương chạy đua gia tăng sản lượng.

    Đó cũng là năm ông Long cất căn nhà trị giá 20 lượng vàng, tương đương 6.000 giạ lúa. Nông dân bắt đầu có "của ăn của để". Bộ mặt nông thôn "lột xác" với nhà cửa khang trang, phương tiện đi lại, đời sống sung túc.

    "Nhờ cây lúa, nông dân đổi đời", nguyên Chủ tịch Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nói.

    Hạt gạo Việt Nam ngày càng có vị thế, đặc biệt khi giống lúa ST25 ra đời năm 2014 và được công nhận là ngon nhất thế giới ba năm sau đó. Nói với VnExpress hồi đầu tháng 7, cố GS Võ Tòng Xuân, "cha đẻ" của nhiều giống lúa miền Tây, cho biết ST25 khiến thương lái quốc tế phải thay đổi cách phân loại gạo.

    Trước đây, họ chia gạo thành hai loại. Loại 1 là gạo thơm - đa phần từ Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, chỉ trồng một vụ một năm, chất lượng cao nhưng năng suất thấp (khoảng 4 tấn/ha), mua với giá 800 USD một tấn. Loại thứ hai - Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn - là gạo trắng, trồng nhiều vụ trong năm, giống ngắn ngày, không thơm và năng suất cao, thương lái chỉ mua với giá phân nửa.

    Khi Việt Nam có các giống như ST25, thương lái quốc tế phải phân thêm một loại nữa. Bởi giống này đầy đủ tố chất của gạo thơm, nhưng trồng được nhiều vụ trong năm. Mua giá bằng hoặc cao hơn gạo loại 1.

    "Các nước rất ngạc nhiên về thành tựu này của chúng ta, kể cả Thái Lan. Họ phải gấp rút đề ra việc lai tạo giống lúa tương tự, nhưng chưa thành công", chuyên gia hàng đầu về cây lúa chia sẻ.

    Gạo Việt không còn "lép vế", thậm chí có thời điểm giá cao hơn gạo Thái. Thế nhưng, lợi nhuận của nông dân thì co lại.

    Mặt trái của năng suất
    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Ông Chín Là (64 tuổi, Tam Nông, Đồng Tháp) trên chiếc xe Honda được mua hơn 20 năm trước từ tiền tích góp trồng lúa.

    Khi miền Tây hồ hởi với cây lúa, vợ chồng ông Chín Là (64 tuổi, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) quyết định bỏ buôn bán trên sông, lên bờ lập nghiệp, từ năm 2000. Cuộc sống không chỉ ổn định, mà ông còn tích luỹ đủ để cất căn nhà "khang trang nhất vùng".

    Thấy làm lúa trúng, ông càng cố gắng tối đa hoá sản lượng, trồng hai rồi ba vụ. Cánh đồng vừa thu hoạch, nghỉ chưa được một tháng, ông lại gieo sạ mới.

    Ông Chín Là khi ấy chưa nghĩ đất cũng biết mệt.

    Trồng lúa 3 vụ khiến đất chỉ có gần một tháng nghỉ ngơi giữa mỗi vụ

    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Nguồn: Nghiên cứu biến động hiện trang phân bố cơ cấu mùa vụ lú ĐBSCL trên ảnh viễn thám MODIS (Trần Thị Hiền, Võ Quang Minh)

    Sau vài năm làm lúa ba vụ, bồ lúa nhà ông vơi dần. Những vụ lúa canh tác liên tiếp "vắt kiệt" sức đất, không còn dinh dưỡng cho cây. Ông tìm cách bù đắp bằng phân bón hóa học, không ngờ sâu bệnh "tung hoành". Ông lại chữa bằng thuốc trừ sâu, khiến chi phí sản xuất ngày càng "ăn" vào lợi nhuận.

    "Rầy cháy tới nóc", ông Chín Là buồn bã kể.

    Tiền bán lúa Đông Xuân năm 2011 không đủ chi phí, ông nợ cửa hàng phân thuốc 25 triệu đồng với lãi suất 40% mỗi năm. Cụt vốn, thiếu luôn cái ăn hàng ngày, ông cắm sổ đỏ vay ngân hàng. Vòng luẩn quẩn "ăn trước trả sau", "lãi mẹ đẻ lãi con" khiến ba năm sau, số nợ đã lên 135 triệu đồng.

    "Chắc mình phải bán đất", ông Chín Là ngập ngừng nói với vợ trong một buổi chiều tháng 5 năm 2014, sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu.

    Năm đó gặp dịch bệnh, bán đến bao lúa cuối cùng, ông chỉ thu được hơn 10 triệu đồng, không đủ trả tiền phân thuốc, chưa kể đến 20 triệu đồng tiền lãi vay ngân hàng. Mỗi năm phải trả lãi ngang tiền lời ba vụ lúa, hai vợ chồng không gồng nổi.

    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Ông Chín Là ngồi trong căn nhà từng "khang trang nhất vùng" xây năm 2010. Hơn hai thập kỷ làm lúa, người nông dân 64 tuổi nhiều lần cân nhắc bán ruộng trả nợ.

    Tròn 25 năm Việt Nam xuất khẩu gạo, sản lượng liên tục tăng, đạt 6,5 triệu tấn, trong đó có cả phần từ những ruộng lúa của ông Chín Là. An ninh lương thực không còn là mối lo, lợi nhuận và ngoại tệ từ xuất khẩu lúa gạo góp nguồn tiền quan trọng cho giai đoạn đầu của công nghiệp hoá. ĐBSCL trở thành "nồi cơm" của cả nước.

    Nông nghiệp khải hoàn, nhưng nhiều nông dân như ông Chín Là chỉ vừa đủ ăn, một số lâm cảnh nợ nần.

    Theo Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), thu nhập từ trồng lúa tăng nhưng lợi nhuận ngày càng giảm. Năm 2012, thu nhập mỗi năm đạt 108 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 66 triệu đồng. Đến 2023, thu nhập trên mỗi ha tăng lên 128 triệu đồng nhưng lợi nhuận chỉ còn 59 triệu đồng.

    Bà Ngà, vợ ông Chín Là, không muốn bán đất, lo không còn "của để dành" cho các con. Lúc mua 3,5 ha đất trồng lúa, vợ chồng bà xem như tấm vé bảo đảm tương lai cho 5 đứa con.

    "Không bán bốn công bây giờ, vài năm nữa, 10 công cũng chưa đủ", ông Chín Là thuyết phục vợ. Sợ gánh nặng nợ nần chuyển lên vai các con, bà đành xuôi theo, nghĩ sau này làm ăn được sẽ mua bù lại. Nhưng ngày ấy mãi không đến.

    Hết nợ, vợ chồng ông Chín Là còn hơn 2 ha đất. Năm nào thuận lợi, họ lãi nhiều nhất 60 triệu đồng, năm thất bát từ huề đến lỗ vốn.

    "Tiền bán lúa cầm chưa nóng tay đã bay hết", bà Ngà than thở.

    Hơn phân nửa số tiền dùng trả phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí thu hoạch, 10% dùng đầu tư vụ sau. Hơn 30% tiền lãi (khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng) chi cho 7 miệng ăn.

    "2 ha đất làm lúa, xài gói ghém chỉ đủ ăn, đừng mơ chuyện giàu có", bà kết luận.

    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Bà Ngà, vợ ông Chín Là, ngồi trong căn phòng chất đầy đồ đạc của ba đứa con đang làm công nhân ở Bình Dương. Ở nhà chỉ còn hai vợ chồng cùng đứa cháu nhỏ.

    Quay lưng với cây lúa
    Mỗi lần đứng giữa cánh đồng - một bên sầu riêng, một bên lúa, ông Nguyễn Văn Long lại lưỡng lự. Ông muốn bỏ lúa, nhưng không đành.

    Năm 2020, ông thử chuyển đổi 2,5 ha sang trồng ổi, mít, sầu riêng. Chỉ sau 6 tháng, 0,5 ha ổi đã cho trái, thu về 400 triệu đồng, gấp 10 lần ba vụ lúa trên cùng diện tích. Mít, sầu riêng, chanh cũng cho thu nhập gấp hàng chục lần cây lúa.

    "Không biết nên lên vườn hết, hay giữ một phần ‘tiền cũ đổi tiền mới’ với cây lúa", ông nhiều lần do dự.

    Cánh đồng của ông Long giờ chỉ còn vài thửa đất lúa, bị chuột cắn phá tan hoang. Một ha lúa còn phân nửa trổ bông, còi cọc. Vụ đông xuân vừa rồi, giá lúa tăng lên 10.000 đồng một kg, gấp đôi bình thường, mà ông cũng chẳng lời. Năng suất giảm mạnh từ 9 tấn một ha xuống còn 6-7 tấn. Trong khi, chi phí sản xuất lại tăng 20-30%.

    "Lúa mới nhích lên là phân thuốc ‘nắm tay’ phóng theo", ông phân trần.

    Hơn 20 năm nay, nhà ông không có thêm tấm giấy khen mới nào được ép plastic. Giờ chỉ trồng lúa không thể trở thành nông dân làm kinh tế giỏi.

    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Ông Nguyễn Văn Long đứng giữa cánh đồng một bên lúa, một bên sầu riêng, nhiều lần cân nhắc bỏ hẳn trồng lúa để "lên vườn".

    Tròn 35 năm từ lần đầu Việt Nam xuất khẩu gạo, hạt gạo ngày càng đi lên - cả về giá cả, chất lượng, và danh tiếng. Còn những người nông dân như ông Long và Chín Là loay hoay với mảnh ruộng đang ngày càng teo lại. Nhiều nông dân buộc phải "quay lưng" với cây trồng từng một thời giúp họ đổi đời.

    Nhìn lại gần 5 thập kỷ trồng lúa, cố GS Võ Tòng Xuân cho rằng người trồng lúa hay lương thực nói chung đều chịu phần thua thiệt khi gánh trách nhiệm đảm bảo "nồi cơm" của cả nước, nhưng so với các cây trồng khác, thu nhập không thể cao bằng.

    Theo ông, nguyên nhân đầu tiên khiến lợi nhuận trồng lúa ngày càng thấp là đất đai manh mún. Do đó, hạt gạo từ cánh đồng lên bàn ăn trải qua nhiều trung gian trong chuỗi giá trị (thương lái, người xay xát, người bán lẻ...). Lợi nhuận của nông dân vì thế bị "cắn" mấy phần.

    Bên cạnh đó, 90% nông dân canh tác theo ý họ mà bỏ qua kỹ thuật cơ bản được các nhà khoa học khuyến cáo. Ngược lại, chủ ruộng thâm canh, lạm dụng phân bón, nhất là phân hóa học, để tăng năng suất khiến đất bị chai, sinh ra nhiều sâu bệnh, làm chi phí tăng hơn 30%. Càng về sau, nông dân càng phải bón nhiều phân hơn, nhưng năng suất "khựng lại", cuối cùng lợi nhuận teo tóp.

    "Giai đoạn nông nghiệp Việt Nam say sưa chạy theo năng suất lúa tuy giúp đất nước thoát khỏi cảnh thiếu ăn, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy", cố GS Võ Tòng Xuân nói.

    Ông Chín Là giờ đã mệt mỏi với cuộc đua năng suất.

    Năm 2020, một ha đất lọt vào dự án cụm công nghiệp. Lần này, chẳng cần ông thuyết phục, bà Ngà đồng ý bán ngay. Giá cao, có thể mua được gấp đôi số đất đã bán, nhưng vợ chồng mang tiền gửi ngân hàng. Các con đã tha phương làm công nhân, chẳng đứa nào còn thiết tha làm ruộng bởi "tiền lời chẳng đủ sống". Mong muốn giữ đất để đảm bảo nồi cơm cho các con năm nào, vợ chồng ông thôi không nghĩ nữa.

    "Đứng cạnh cây lúa mãi chẳng cao hơn ai", ông Chín Là đúc kết sau gần 25 năm trồng lúa.

    [​IMG]Xem toàn màn hình

    Nông dân Chín Là đứng giữa cánh đồng ngày càng nhỏ lại, từ 3,5 ha năm 2000 giờ chỉ còn 1 ha.

    Nội dung: Ngọc Tài - Huy Phong
    Ảnh: Phùng Tiên
    Đồ hoạ: Khánh Hoàng

    https://vnexpress.net/nong-dan-mien-tay-hut-hoi-sau-cuoc-dua-nang-suat-4783170.html
     
    XzeddyX, Shift+delete and \\\ like this.
  2. hoibideptrai

    hoibideptrai The Chosen Undead Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    29/4/07
    Bài viết:
    45,998
    Tl dr
     
  3. thanhkiem1

    thanhkiem1 Space Marine Doomguy Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    13/1/10
    Bài viết:
    5,700
    Lúa thì không biết, chứ tính ra cây cn ở mấy tỉnh tây nguyên có vẻ ổn hơn
     
  4. himylove

    himylove Samus Aran the Bounty Hunter Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    19/3/06
    Bài viết:
    6,308
    H kể ra trồng lúa mà có chút 4 bản rồi cũng nhàn, cày : thuê ng, sạ thuê ng,phun thuê ng, gặt thuê ng, xe tới tận ruộng mua luôn, số lần xuống ruộng chắc khoảng chục lần thôi.
    Nhưng chưa có thì cực lắm :(
     
    jumper thích bài này.
  5. ZzzOhhjiezzZ

    ZzzOhhjiezzZ Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    21/8/06
    Bài viết:
    4,955
    Dài quá, tóm lại tại sao mà thua?
     
  6. _Rain_

    _Rain_ Ame no Shinryū「高貴の」 CHAMPION ⚜ Duel Master ⚜ Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    13/3/09
    Bài viết:
    13,828
    Nơi ở:
    Làng Vũ Đệ
    Tóm tắt chắc trong 2 đoạn này.
    pepe-38
     
  7. Shift+delete

    Shift+delete Samus Aran the Bounty Hunter

    Tham gia ngày:
    21/6/21
    Bài viết:
    6,277
    Nơi ở:
    BMT
    Lúa cao sản thì cần nhiều nước, nhiều phân, nhiều thuốc bvtv.
    Năng suất cao đấy nhưng giá thành sx lớn đến cả 80% vì nông dân phải mua hết từ giống cho đến phân, thuốc bvtv....
    Dc mùa dc giá thì còn có tí lời, chứ mất mùa mất giá thì bao nhiêu rủi ro thiệt hại đổ hết lên đầu nông dân.

    Không chỉ mỗi lúa mà nuôi tôm với các trại gà/heo bây giờ nó cũng kiểu vậy. Nông dân ko tự chủ dc giống, thức ăn, thuốc men, giá đầu ra ... chịu rủi ro lớn nhưng % lợi nhuận thì thấp.
    Chỉ có bọn buôn bán vật tư nông nghiệp với thương lái là ngồi mát ăn bát vàng thôi. Bọn này % lợi nhuận cao nhưng lại chịu rủi ro thấp vì mất mùa, dịch bệnh... gì có nông dân gánh hết rồi.
     
  8. black_cat1

    black_cat1 Glory to Mankind Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    29/12/04
    Bài viết:
    21,186
    Nơi ở:
    Hà Nội
    Nói chung là vấn đề đất bạc màu do canh tác quá độ.

    Ngày xưa thì năm trồng 1 hoặc 2 vụ, đất có thời gian nghỉ ngơi cộng phù sa các kiểu bồi đắp. Giờ canh tác 4 vụ thì đất nhanh bạc màu hơn.

    Cái này là cần nghiên cứu giải pháp tổng thể cho nông dân thành quy trình khép kín trồng cây gì, làm sao cải tạo đất...cơ mà vẫn còn bài toán quy mô nữa.
     
  9. lovelybear

    lovelybear Ryu & Ken GameOver Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    2/1/05
    Bài viết:
    16,888
    Lúa gạo là an ninh lương thực. Phải có khu vực trồng.
    Chưa kể Vịt từng bị thiếu ăn, nên không thể bỏ trồng lúa 1 cách dễ dàng.
    Còn như trong bài thì, cái này ai quan tâm thì sẽ biết cái vấn nạn trồng 3 vụ, lạm dụng thuốc trừ sâu, làm bạc màu đất thì GS. Võ Tòng Xuân gào cũng hơn 20 năm rồi, nông dân có nghe đâu, nhà nào khôn thì chuyển sang làm xay xát lúa, ngon ăn hơn là đi trồng rất nhiều.
    Nói gì nói chứ cứ đụng tới nông nghiệp, chăn nuôi thì mấy ông nông dân chả ai chịu nghe kỹ sư, chuyên gia cả, toàn cãi thôi... kiểu nhà tao mấy đời làm nghề, mày thì biết gì ấy.....peepo_dead
     
  10. lovelybear

    lovelybear Ryu & Ken GameOver Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    2/1/05
    Bài viết:
    16,888
    Vô vọng nhé fen.
    NN đưa ra nhiều phương án rồi, nhưng tâm lý mấy ông nông dân là cứ được mùa là kệ mọe quy trình, kèm tâm lý éo coi kỹ sư nông nghiệp ra cái đinh gì nữa
    Lên báo thì chửi ko kết hợp được nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học, nhưng 3 nhóm này ko hợp nhau, không chịu chơi với nhau mới hài
     
  11. lang băm

    lang băm You Must Construct Additional Pylons GameOver

    Tham gia ngày:
    18/4/18
    Bài viết:
    8,982
    Nên giờ cái mảng chăn nuôi bọn nước ngoài nó nắm hết là vậy
    Vì trồng trọt quan trọng nhất là đất
    Chứ chăn nuôi quy trình kĩ thuật còn quan trọng hơn
    Hộ chăn nuôi giờ nuôi số lượng nhiều chút là bệnh chết ráo
    Nên doanh nghiệp nó có quy trình cái ào ào
     
  12. namchum2006

    namchum2006 Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    6/1/07
    Bài viết:
    4,782
    Nơi ở:
    Somewhere i belong
    Trong báo nó chỉ điểm ngay từ trong bài là sản xuất diện tích canh tác nhỏ, manh múng nên cho dù năng suất có cao nhưng trồng lúa vốn là độc canh, nên áp lực bán cao, được mùa mất giá mất mùa được giá là vòng luẩn quẩn.

    Về mặt kinh tế, đối với diện tích canh tác nhỏ như Việt Nam, trồng độc canh chỉ có ép nông dân vào đường cùng vì kế sinh nhai thì họ k bán lúa non lấy gì mà ăn ?

    Cứ nhìn lên tây nguyên, cây công nghiệp dài ngày intercrop thì cũng 3-4 loại, sầu riêng, cà phê, bơ tiêu. Tới vụ thu hoạch cái này mất giá thì cái kia bù vào. Còn đã giàu rồi thì bắt đầu đầu cơ, găm cà phê từ đầu năm tố cuối năm rồi bán.
     
  13. 934944

    934944 Baldur's Gate Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    13/8/06
    Bài viết:
    31,337
    Nơi ở:
    đà nẵng
    pepegif-7
     
  14. lovelybear

    lovelybear Ryu & Ken GameOver Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    2/1/05
    Bài viết:
    16,888
    Tư nhân cũng áp dụng được, lên tivi vài lần, nhìn công nghệ mới mà thấy ham, như chuồng trại sạch đẹp, sáng sủa…
    Nhưng, lại nhưng, nếu một nhà được mùa thì cả làng đú theo, áp dụng công nghệ ko đú theo được thì phá cho hôi, như hồi 2017-2018 lên Củ Chi, ngồi quán cà phê cả tuần, ngóng được nông dân nuôi bò chửi Vinamilk ghê lắm, nào là ép giá, nào là tụi cty ko bao giờ mua sữa theo giá loại 1, mà toàn loại 3, nghe đủ lâu thì thấy toàn “trí khôn của ta đây”, như pha thêm nước, bỏ qua quy trình vệ sinh bình sữa, nắp đậy (đem về xài lại liền có sao đâu…)… nhưng vẫn chửi cty mua sữa, hô hào đòi đổ sữa tại nơi thu mua phản đối…. Đúng kiểu đạt tiêu chuẩn loại 1 vài lần xong là bắt đầu tham —> doanh nghiệp muốn có chất lượng đầu vào ổn định phải tự cung tự cấp —> nông dân lại sml —> chơi chiêu để gỡ gạc… vòng lẩn quẩn
     
  15. sdfgh

    sdfgh Dân liều mạng Tàu ngầm GVN

    Tham gia ngày:
    14/8/03
    Bài viết:
    9,884
    Nơi ở:
    Ngày ngày ngắm biển
    Phận người nông dân khổ quá. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Có đất còn vậy, không đất thì sao, phải lên thành phố làm thuê làm mướn, ít ra còn có đồng ra đồng vô, không sợ mất mùa, không lo những thứ khác. worry-152
     
  16. lang băm

    lang băm You Must Construct Additional Pylons GameOver

    Tham gia ngày:
    18/4/18
    Bài viết:
    8,982
    Thì nông nghiệp manh mún
    Đành vậy thôi
    :))
     
  17. lovelybear

    lovelybear Ryu & Ken GameOver Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    2/1/05
    Bài viết:
    16,888
    Thông cảm, bức xúc đó mà
    Tại trong họ hàng cũng có người làm chăn nuôi, trồng trọt, nghĩ đến lợi ích trước mắt, từ mặt luôn mà chả thấy ăn nhằm gì, nên mất lòng tin hpowufe-png
     
  18. resetlove21

    resetlove21 Crash Bandicoot Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    11/10/06
    Bài viết:
    12,825
    Quốc tính trời ban rồi biết sao được
     
  19. nh0x@

    nh0x@ Dante, the strongest Demon Slayer Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    15/9/08
    Bài viết:
    14,106
  20. thanhkiem1

    thanhkiem1 Space Marine Doomguy Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    13/1/10
    Bài viết:
    5,700
    Coi trí khôn của ta đây khi lái nó cắt vườn sầu riêng còn hài hơn, canh lái nó không để ý cắt non rồi trộn vô :))
     
    harry999 and lovelybear like this.

Chia sẻ trang này