Người đàn ông 47 tuổi nổi các đường ngoằn ngoèo dưới da, bác sĩ phát hiện nhiễm giun rồng - loại ký sinh trùng hiếm gặp dài hàng mét, được ghi nhận là ca thứ 26 công bố tại Việt Nam. Hình ảnh người bệnh mắc giun rồng ở Phú Thọ - Ảnh: BVCC Ngày 10-5, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, Phú Thọ thông tin vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nhiễm giun rồng. Theo chia sẻ của người bệnh, ban đầu xuất hiện nốt rát sẩn màu hồng nhạt trên da vùng hông trái. Sau 5 ngày nổi thêm đường ngoằn ngoèo nhỏ dài 5-6cm ở vùng gối trái, da khô, ngứa từng cơn, không chảy dịch, không hóa mủ hay sốt. Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm giun rồng, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tổ chức Y tế thế giới xếp bệnh giun rồng vào nhóm bệnh nhiệt đới bị lãng quên và là một trong những bệnh ký sinh trùng được ưu tiên loại trừ trên phạm vi toàn cầu. Đến năm 2024, bệnh giun rồng chỉ còn lưu hành ở 5 nước châu Phi (Angola, Chad, Ethiopia, Mali, Nam Sudan) và Việt Nam. Tại Việt Nam, từ năm 2020 - 2024 đã ghi nhận 24 trường hợp bệnh do Dracunculus sp. ở 5 tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa và Yên Bái. Vài ngày trước, tại Trung tâm Y tế Tân Sơn, Phú Thọ phát hiện một ca giun rồng ở người đàn ông 44 tuổi, đi khám do sốt cao, bắp tay sưng to, ngứa nhiều. Đó là ca bệnh thứ 25 được ghi nhận. Hình ảnh người bệnh mắc giun rồng ở Phú Thọ - Ảnh: BVCC Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng - trưởng khoa ký sinh trùng, Viện Sốt rét, Côn trùng và Ký sinh trùng trung ương, bệnh "giun rồng" không có thuốc điều trị, không có vắc xin, người nhiễm phải đợi đến khi "giun rồng" chui ra khỏi da thông qua các vết sứt hoặc vết phồng rộp trên da. Khi "giun rồng" chui ra, người bệnh/cơ quan y tế sẽ quấn cẩn thận để kéo giun ra, nhưng phải làm sao để giun không bị đứt và lấy ra dần dần, có trường hợp phải trên 1 ngày giun mới chui ra khỏi da hoàn toàn. Ngoài cách này thì hoàn toàn không nên phẫu thuật hoặc làm đứt "giun rồng", do khi đứt có thể có hàng triệu ấu trùng "giun rồng" giải phóng vào vùng da thịt người bệnh, có thể gây nhiễm tiếp hoặc gây phản ứng viêm rất mạnh. Từng có bệnh nhân gặp tình trạng này. Trường hợp "giun rồng" không chui ra qua da, có thể giun tự thoái hóa hoặc chui vào các khớp, gây bệnh lý ở đây. Từ khi nhiễm đến khi có triệu chứng thông thường 11-12 tháng. Thói quen ăn thịt động vật như rắn, ếch chưa nấu chín, uống nước lã có nhiễm ấu trùng là căn nguyên gây bệnh lý này. Để phòng bệnh, người dân tuyệt đối không ăn cá sống, đồ tái, gỏi. Uống nước đun sôi, tránh dùng nước giếng, nước suối chưa lọc kỹ. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ. Khi có dấu hiệu mụn nước, sưng tấy da chi, sốt không rõ nguyên nhân, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Phòng bệnh là biện pháp duy nhất hiệu quả hiện nay. Hãy chủ động bảo vệ bản thân và gia đình trước căn bệnh ký sinh nguy hiểm này. Lại phát hiện ca mắc giun rồng ở Phú Thọ - Tuổi Trẻ Online
Thỉnh thoảng xem mấy ca lấy ấu trùng maggot. Cảm giác rút ra chắc yomost. Xem 1 hồi tắt đề xuất thì vài tháng sau nó lại đề xuất tiếp