Chung quy chỉ tại...

Thảo luận trong 'Thư giãn' bắt đầu bởi Black  Monster, 24/11/08.

  1. Black  Monster

    Black  Monster Space Marine Doomguy

    Tham gia ngày:
    25/6/06
    Bài viết:
    5,618
    Ngày xửa ngày nay... Vào thời Hùng Vương thứ 71, tức là khoảng thập niên 70, 80 thế kỉ XX Công nguyên, đất Lĩnh Nam thái bình thịnh trị. Dân tình đương thụ hưởng một đời sống ấm no, không làm cũng có ăn, vì được nhà nước bao cấp. Sách sử gọi thời kì đó bằng thuật ngữ “Nền văn minh bao cấp”. Không làm mà có ăn nên dân tình sinh hư, chỉ biết hưởng thụ, tối đến gà lên chuồng là người lên giường vì chẳng biết làm gì, rồi đẻ đái bừa bãi mà không hề có ý thức kế hoạch hóa gia đình, bởi vậy, cư dân các đô thị Lĩnh Nam đông nhung nhúc. Điều này gây ra tình trạng nhà ở bị quá tải. Căn hộ 8 mét vuông chứa 16 người là chuyện bình thường

    Bấy giờ ở phủ Hai Bà Trưng, huyện Nay Đậy, có nhà quan lang(Một chức quan nhỏ, tương đương với chủ tịch phường, xã ngày nay)
    họ Cao. Họ Cao hiếm muộn nên chỉ sinh được có bảy người con, trong đó có hai người con trai. Người anh tên Ban Long, người em tên Ba Nhá. Hai người hơn nhau một tuổi và giống nhau như đúc, đến nỗi chính cha mẹ đôi lúc cũng không phân biệt được ai là anh, ai là em(2).

    Năm hai anh em mười tám mười chín tuổi thì cũng là lúc cha mẹ theo nhau về chầu ông bà một lượt. Năm bà chị gái đã yên bề gia thất, nên trong căn hộ lắp ghép kiểu chuồng chim 12 mét vuông tính cả công trình phụ vốn đã quạnh hiu nay càng thêm hiu quạnh.

    Hai anh em thường ngày đã thương yêu nhau, nay gặp cảnh quạnh hiu, lại càng yêu thương nhau hơn trước. Suốt ngày quấn quít không rời. Cứ như một cặp PD vậy(3). (Thuật ngữ y học bằng tiếng Pháp cổ (President Democrite’s) chỉ những cặp đàn ông con trai thường theo dõi xoi mói nhau một cách bệnh hoạn, vì nghi ngờ nhau một điều gì đó.)

    Bình sinh hai anh em họ Cao là kẻ thông minh sáng dạ hơn người, lại ham học ham đọc nên thi trượt đại học hai lần, họ phẫn chí ở nhà thụ giáo người cha, nay cha mất đi không còn người dạy dỗ(4),(Dân gian thường gọi là “Mất dạy”.) của nả gia sản song thân chẳng để lại được bao lăm, lại chưa kế sinh nhai nên tình cảnh có phần bi đát.

    Bên hàng xóm, có nhà văn họ Vương tên Dật vẫn mến tài nên thường qua lại giúp đỡ, khi cút rượu lúc nắm xôi. Một hôm, Vương văn gia bảo hai chàng: “Thường có câu, miệng ăn núi lở, nay cha mẹ các ngươi mất sớm, của nả chẳng có gì, các ngươi lại chưa có nghề ngỗng, trước mắt tính sao cho đặng. Ta nghe, ở phía tây thành Đại La, có đạo sĩ họ Lưu tu sắp thành chính quả, quyền biến vô song, chi bằng hai đứa nên sắm cái lễ nhỏ mà theo học đạo, trước là có kế sinh nhai, sau là thi thố với đời, đặng làm rạng danh ông bà tổ tiên dòng họ”.

    Hai anh em gật gù khen phải, rồi chọn ngày lành dắt con Wave Tầu ra tiệm cầm đồ, sửa một lễ nhỏ rồi nhằm hướng tây thành mà đi miết.

    Nói về đạo sĩ họ Lưu. Người này đã sống ngót trăm tuổi, chuyên luyện thuật nhìn xuyên sành sứ, tráo bài, úp xu..., quyền biến đã tới mức thượng thừa nên danh tiếng lẫy lừng. Từ xứ Đông sang xứ Đoài, dân cờ bạc không ai không biết. Lưu có độc mụn con gái mặc dù có tám bà vợ. Điều này thoạt nghe tưởng vô lí, hoặc người đời sẽ ác mồm mà kết tội Lưu yếu sinh lí, nhưng kì thật không phải vậy. Việc Lưu hiếm muộn thực ra xuất phát từ tư tưởng, mà phàm những kẻ tu đạo, những triết gia, kì nhân, dị ngợm xưa nay luôn có tư tưởng vượt trước đám đông âu cũng là lẽ thường.

    Người con gái Lưu tên Thị Sất, vừa tới tuổi trăng tròn. Nhan sắc nàng diễm lệ có một không hai, chân vòng kiềng như chân ca sĩ Phướng Thanh, tay to như tay Lý Đực, đặc biệt, hàm răng trên của nàng bương ra như mái hiên đặng che nắng cho cằm, lại một màu cải mả huyền bí. Hàm răng nàng Sất thực sự là biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ Lĩnh Nam, nó phát huy, cổ vũ, xiển dương cho tinh thần và bản sắc dân tộc. Lưu đạo sĩ yêu con gái lắm, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, chỉ mong gả chồng sớm để tống cổ nàng đi cho khuất mắt.

    Khi anh em họ Cao ra mắt, Lưu đạo sĩ nhìn qua là thấy mến nên phán rằng: “Ta xưa nay tu đạo, hành hiệp trên chốn giang hồ luôn giữ vị trí sôlô, không kéo bầy đàn, không nhận đệ tử. Nhưng thấy hai con mặt mũi khôi ngô mắt la mày lém thực không phải hạng thường nhân, nên ta bằng lòng thâu nhận”.

    Cũng cùng lúc đó, nàng Sất đứng sau tấm liếp dòm vào. Thoáng nhìn hai anh em, cũng như bất cứ đàn ông con trai nào trước đây từng nhìn, nàng đem lòng yêu mến ngay. Thị Sất đứng đần người, e thẹn đỏ bừng hết mông, bụng thầm nghĩ, ta phải thưa chuyện với cha, bảo chúng nó trả học phí bằng đám cưới với ta mới được. Nghĩ là làm luôn, ngay chiều hôm đó, Thị Sất mang tâm sự tỏ bầy cùng cha. Lưu đạo sĩ nghe xong vỗ đùi đánh đét, nhẩy cẫng lên mà rằng: “Giỏi, con bé này thông minh đột xuất! Cú cáo như ta còn chưa nghĩ ra chiêu này. Được, cứ để chúng học nửa chừng ta sẽ truyền đạt ý đồ. Lúc đó đã há miệng mắc quai, đố chúng nó dám từ chối. À, nhưng mà con gái bồ kết thằng nào, hay định đánh chén cả hai?”. Thị Sất e lệ cúi đầu: “Theo đạo lí của dân tộc, có muốn cũng không thể xơi cả cặp. Mà hai chàng bề ngoài giống nhau như đúc, con chẳng biết thế nào. Vậy chi bằng, con mời hai chàng ăn cháo, nhưng chỉ đưa một tô và một muỗng cho chúng tranh nhau, chàng nào tranh được nhiều con xin kết tóc xe duyên”. Lưu đạo sĩ trợn tròn cả mắt, ú ớ như trúng gió, một hồi mới thốt nên lời: “Ơ này Thị Sất, con yêu con quí con vàng con bạc của ta, hôm nay mày ăn nhầm cái gì mà minh triết quá đỗi vậy. Được, được... cứ như thế mà làm”

    Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân nguyên tác Kim Ki Duk..., chẳng mấy chốc sáu tháng trôi qua. Lúc này, anh em họ Cao đã thụ giáo được gần hai phần ba kho kiến thức của Lưu đạo sĩ. Vào một buổi chiều cuối thu tiết trời se lạnh, trăng tròn, nhật thực và những con ngựa đang chết trong chuồng(Điển tích cổ. Đây là tên một chương trong cuốn kinh Biên niên kí chim văn dây cót của Murakami chân nhân. Hàm ý chỉ một khoảng thời gian trong tháng, con người để đồng cảm và thấu hiểu nhau), Lưu đạo sĩ cho gọi anh em họ Cao vào, đặng truyền đạt ý đồ. Hai anh em họ Cao cúi gằm mặt bẽn lẽn, chân nọ di chân kia, lát sau mới thưa lại. Thưa rằng: “Thầy thương chúng con, chúng con đội ơn lắm, nhưng hiềm một nỗi gia cảnh nghèo hèn, biết lấy gì làm đám cưới...”. Lưu đạo sĩ ngửa mặt mà phán: “Sống trên đời ân tình là quan trọng, bày đặt khoa trương bất quá chỉ là trò khỉ. Nếu các con thương yêu nhau, chỉ cần ra đê Nhật Tân, mua con chó cỏ về đập chết thui rơm nấu ba món, lại thêm đôi lít bia hơi là đám cưới rôm rả. Như thế chẳng phải giản dị mà trang trọng lắm ru?”. Hai anh em cùng nhảy cẫng vỗ tay khen phải. Tần ngần hồi lâu rồi hai đứa đồng thanh: “Nhưng chúng con chưa biết, trong hai đứa thì thầy chọn đứa nào”. Lưu đạo sĩ phẩy tay: “Không phải lăn tăn, việc đó Thị Sất sẽ liệu”.

    Ngay tối hôm đó, nàng Sất thực thi sứ mạng kén chồng. Sất hì hục ra sau vườn bắt dăm con cóc tía, đôi con chẫu chàng, ninh nhừ với gạo mậu dịch, xong xuôi, Sất múc cháo vào một tô, đặt lên mâm, bên cạnh để độc một cái muỗng, rồi trịnh trọng bưng vào thư phòng anh em họ Cao. Nàng bẽn lẽn đặt mâm cháo lên bàn, e hèm hục hặc ba bốn bận đánh tiếng rồi trở lui, đứng sau tấm liếp rình rập. Anh em họ Cao ngửi mùi cháo thơm lừng như mùi cám lợn, biết Thị Sất vào nhưng giả vờ say sưa đọc sách, khi Sất lui gót, cả hai chàng vứt sách, bật dậy lao vút ra bàn.

    Thị Sất đứng sau tấm liếp mục kích rõ ràng. Sau một hồi giằng co, chàng quần đũng ngắn có vẻ khỏe mạnh hơn nên giằng được tô cháo, dốc ngược vào họng rất gọn ghẽ, chàng quần đũng dài chỉ còn biết ôm đầu than khổ. Lúc này, Thị Sất mới nhận ra, rằng hai anh em họ Cao không giống nhau đúc khuôn như dân gian vẫn kể và ghi trong thư tịch cổ. Rõ ràng, chàng quần đũng ngắn vừa chơi hết tô cháo – người anh – con ngươi mắt trái thường nhìn về bên phải, còn chàng quần đũng dài – người em – con ngươi mắt phải thường nhìn về bên trái. Rành rành hai anh em lác lệch pha, không thể nào nhầm lẫn cho được. Sất tất tả chạy đến phòng cha bá cáo kết quả thi tuyển. Lưu đạo sĩ nghe con gái tường thuật, gật gù ra chiều hài lòng lắm...



    ======= Còn tiếp =======
     
  2. Align88

    Align88 Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    10/3/08
    Bài viết:
    183
    Nơi ở:
    Tiểu Align
    Đám cưới Thị Sất và Ban Long diễn ra rất đầm ấm và vui vẻ. Rượu làng Vân ba vò, bia hơi năm lít, chó cỏ tám cân. Thực khách đến chia vui là mấy lão nhân uy tín trong làng kì bẻo và nhà văn Vương Dật. Tiệc tùng xong xuôi, bằng hữu, cha mẹ, vợ chồng tổ chức hai sới, một xóc đĩa, một tổ tôm, vừa chia vui vừa là luyện đạo. Cuộc vui kéo dài đến canh năm mới dứt.

    [​IMG]

    Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân nguyên tác Kim Ki Duk... thoắt cái sáu tháng trôi qua. Ngày ngày, hai anh em đi hành đạo kiếm ăn ở các bến tầu bến xe; nàng Sất ở nhà lo cơm nước quét tước giặt giũ rất chu đáo. Tình vợ chồng nghĩa anh em duyên chị dâu em chồng ngày một nồng nàn. Hiềm một nỗi căn hộ hơi chật cho ba người, nhất là trong ba người lại có đôi vợ chồng son. Căn phòng 12 mét vuông kê vừa hai giường, ban ngày đã khổ ban đêm lại càng sướng. Tuy đã được ngăn đôi bằng tấm riđô vải diềm bâu của nhà máy dệt mùng tám tháng ba, nhưng nằm bên này Ba Nhá được xem ti vi âm thanh nổi liên tục. Là người có năng lượng dồi dào, nên nhiều đêm Ba Nhá tay sờ đầu trên tay ôm đầu dưới luôn mồm kêu rên.

    Một lần, Thị Sất giặt màn cho em rể, nàng lấy làm lạ khi thấy trên đình màn những vết loang lổ như bản đồ châu Mỹ, lại cứng ngắc như hồ. Sất thầm nghĩ: “Cao thế này có khi nội công phải hơn chồng mình một bậc, hàng hóa chắc phải đạt tiêu chuẩn ISO phiên bản 2007 chứ chả bỡn..., thảo nào chàng luôn mang quần đũng dài tới đầu gối. Thật là kì nhân hiếm có trên đời”. Mắt nàng lim dim, má đỏ phừng phừng, nom gợi tình chẳng khác nào Anjelina Jolie.

    Từ đó, Lưu Thị Sất càng quan tâm chăm sóc em chồng hơn trước.
    Một ngày nọ, hai anh em đi hành đạo trên mạn bến xe Long Biên đến tối mịt mới về. Về gần tới nhà, Ban Long bảo Ba Nhá về trước, còn mình tạt qua chợ Xanh kiếm ít mồi nhậu. Khi Ba Nhá vừa bước chân vào nhà thì Thị Sất chẳng biết vô tình hay cố ý nhảy bổ ra ôm chầm lấy chàng rồi ra sức mà hôn hít. Ba Nhá hốt hoảng xưng danh, nhưng Thị Sất vẫn không buông tha mà hềnh hệch bảo rằng: “Gớm, người nhà với nhau mà chú cứ khách khí. Chẳng phải truyện xưa tích cũ còn ghi rành rành chuyện một bà hai ông đấy ư?”, nói rồi lại tiếp tục rất cần mẫn. Ba Nhá tuy tinh thần chưa thông lắm, nhưng thấy hay hay nên chàng cứ đứng yên xem sao. Lát sau, chàng cũng chẳng giữ kẽ nữa làm gì. Hai người quấn lấy nhau như phụng đảo hoàng điên vậy.

    Đúng lúc này thì Ban Long trở về, chàng đứng chết trân một lúc mới e hèm đánh tiếng. Và cũng phải tới tiếng e hèm thứ ba thì Ba Nhá và Thị Sất mới buông nhau. Cả ba cùng sượng sùng không ai nói với ai một lời, chỉ ngoác mồm cười cồng cộc. Rồi Thị Sất dọn cơm, ba người quây quần ăn nhậu hơi hơi rôm rả.

    Từ sau sự cố ấy, không khí trong nhà trở nên nặng nề bức bối. Vợ chồng Long - Sất tối đến chỉ giao hợp đôi ba lần lấy lệ rồi ngủ. Bên giường kia, Ba Nhá cũng cố mà nuốt tiếng thở dài vào trong, tưởng tượng qua loa, vật vã qua quít rồi cũng ngủ nốt. Đặc biệt, Ban Long tỏ ra dè chừng Ba Nhá, không bao giờ để vợ một mình.

    Ba Nhá thấy thái độ anh như vậy thì buồn lòng lắm, chẳng biết giãi bày cùng ai nên thỉnh thoảng chàng len lén vào góc nhà khóc lóc cho vui. Khóc mãi vẫn không vui lên được vì tâm sự vẫn chất chứa trong lòng. Một hôm, nhân lúc Ban Long đang vui vẻ phấn khởi vì vừa xem Gặp nhau cuối tuần(Một chương trình nghệ thuật cung đình rất được giới trí thức, cờ bạc thời đó ưa chuộng. Nội dung rất hàn lâm, tục tĩu. ) Ba Nhá rủ rỉ dốc bầu tâm sự, rằng anh em môi hở mông lạnh tay đứt ruột xót con chấy cắn tư thì hà cớ gì nay tiếc nhau. Ban Long nghe xong tâm sự của em, thở dài mà rằng: “Mọi sự trên đời anh em đều có thể sẻ chia, nhưng duy nhất thứ ấy không thể nào sẻ chia cho được. Chú không nhớ ông bà ta có câu nhường ăn nhường uống ai nhường bướm bao giờ đấy ư. Thôi, chú thông cảm”.

    Từ đó, Ban Long càng để ý canh chừng vợ và em rất chi ngặt nghèo.
    Một ngày nọ, Ba Nhá thấy trong người không khỏe nên chàng nghỉ ở nhà. Ban Long đương nhiên phải gọi Thị Sất cùng đi hành hiệp.

    Ở nhà một mình, Ban Long lê người ngồi trên ngưỡng cửa nhìn về phía chân trời xa ngái. Lòng chàng trào dâng một nỗi buồn khó tả. Khu rừng trước mặt âm u càng khiến chàng thấy lòng cô quạnh, nỗi tủi thân dâng trào, chàng rống lên một bài thơ hiện đại với giọng ngâm bi hùng. Thơ rằng:

    Ôi ! Những giọt mưa lén lút mở cửa bầu trời
    chúng đi tìm hoan lạc

    Cánh đồng khô héo như nhan sắc bà già…
    quằn quại giao hòa

    Bầy giun đất hùng hổ giương oai, hàng hàng thập tự
    Đám lau lách khỏa thân dầm mưa, hân hoan đón chờ cái chết
    Hả hê, mãn nguyện dưới mồ
    Chúng tưởng thấy địa đàng….

    Ôi sụp đổ tất tật
    Ôi sấm ran chớp giật
    Ôi thác đổ mưa tuôn

    Đọc xong bài thơ, đáng lẽ phải ngất xỉu(Thông thường, trong các bi kịch dân tộc Kinh, khi một bài/đoạn thơ bi hùng được xướng lên là báo hiệu một cú ngất xỉu hoặc đột tử.) thì Ba Nhá lại đùng đùng đứng dậy nhằm hướng rừng đi miết. Chàng đi, đi mãi theo đường mòn thẳng vào rừng âm u. Trời bắt đầu tối, trăng đã lên, côn trùng đã rên rỉ mà chàng vẫn cứ đi.

    Ôi bước chân vô định!

    Ôi chân đưa chàng đến bờ một con suối rộng nước sâu và xanh biếc. Chàng ngồi xuống và rống lên thổn thức. Tiếng suối reo, cứ reo mãi, nó chế nhạo tiếng khóc của chàng. Đêm mỗi lúc một khuya, sương xuống mỗi lúc một nhiều. Sương đêm lạnh thấm dần vào da thịt, bụng đói cồn cào sâu thẳm đêm đen lại thêm tiếng suối reo như tiếng hát nơi xa chế giễu khiến chàng không chịu nổi. Phẫn chí tột cùng, Ba Nhá đưa tay vào quần tự hủy. Liên tục chừng bảy bảy bốn mươi chín lần thì chàng kiệt sức. Ba Nhá chết và biến thành một cái cây không cành, thẳng tắp.

    Lại nói về vợ chồng Long - Sất. Khi hai vợ chồng đi hành đạo về, không thấy em đâu, Ban Long chợt dấy lên một linh cảm lạ. Chàng lẳng lặng bỏ đi tìm Ba Nhá mà không nói gì với vợ. Chàng cũng theo con đường mòn đi miết. Chàng cũng đi mãi, đi mãi và sau cùng đến con suối xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng. Đôi chân đã mỏi nhừ lại thêm cái đói hành hạ, chàng đành ngồi bên bờ suối tựa mình vào một gốc cây không cành. Chàng có ngờ đâu chính cái cây là em mình. Sương lạnh rơi lã chã lên đầu. Chàng rầu rĩ khóc than hồi lâu rồi ngất đi. Lúc này, chàng mới sực nhớ đến món lẩu cá nóc mà trưa nay hai vợ chồng bù khú. “Trời, ta ngộ độc thực phẩm mất rồi!”. Chàng thầm than lên khe khẽ trước khi chết. Chàng chết và biến thành một tảng đá kề bên cái cây không cành.

    Ở nhà, Thị Sất không thấy chồng và em đâu, nên nàng sốt ruột cứ nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống liên tục. Rồi chẳng định mà đôi chân nàng cũng đưa nàng bon bon trên con đường mòn đi vào rừng thẳm. Nàng đi mãi, đi mãi. Bước thấp bước cao chân tươi chân héo, mãi rồi cuối cùng nàng cũng gặp con suối nước sâu và xanh biếc. Đói, mệt, chất độc cá nóc bắt đầu phát tác. Nàng bèn ngồi tựa vào gốc cây không cành mọc bên tảng đá, vật mình đập mẩy khóc than. Nàng có ngờ đâu đang ngồi tựa vào em chồng và sát đó là chồng. Đêm đã ngả dần về sáng, sương xuống mù mịt cả núi rừng. Thị Sất khóc chán thì ngửa mặt nhìn trăng cười tít cứ như chó sói sủa trăng. Sất cứ cười như thế cho đến kiệt sức. Nàng chết và biến thành một cây leo quấn chặt lấy cái cây không cành mọc bên tảng đá.

    *

    Sau này, cư dân phủ Hai Bà Trưng biết chuyện, ai nấy đều thương xót. Một lần, vua Hùng đi công tác xuống cơ sở, dân tình đem chuyện ba người kể lại cho vua nghe. Vua đòi dẫn tới tận nơi chứng kiến. Vua sai người lấy lá cây leo và lấy quả ở cái cây không cành nhá thử thì thấy mùi vị cay cay thơm thơm. Nhai chán nhổ nước vào tảng đá thì thấy bãi nước biến dần ra sắc đỏ. Ăn xong cữ trầu, vua Hùng lẩm bẩm: “Ôi, thiên tình sử diễm lệ bi thương này phải chăng chung qui là tại nhà chật mà ra? Mà dân tình chui rúc là tại ai?”(Có thể từ câu nói này, mà trong dân gian về sau thường lưu truyền thành ngữ “Chung qui là tại vua Hùng”.
    ) Đoạn, quay sang thư kí bảo: “Ta đặt tên cái cây mọc thẳng kia là cây Cau, cây dây leo kia là cây Trầu Không. Tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để ăn với trầu cau cho miệng thơm môi đỏ và phòng chống sâu răng cho dân tình đỡ tốn tiền mua listerine, close up”.

    Tình duyên của ba người là một mối tình keo sơn, thắm thiết, cho nên người Kinh gặp nhau thường nói: “Nhà bác xơi với em miếng giầu”. Và thành ngữ “Miếng trầu là đầu câu chuyện” xuất hiện từ ấy.

    Cũng cần nói thêm, trong dân gian lưu truyền một thang thuốc rất công hiệu, ấy là lấy rễ cây cau ngâm rượu ba tháng rồi uống. Tác dụng không hề thua kém Viagra. Rễ cây cau có đặc điểm là mọc đâm ngược lên trời, âu cũng là ứng với phong độ của Cao Ba Nhá, sinh thời thường mặc quần đũng dài tới đầu gối vậy.

    Truyện ngắn của Đỗ Trí Dũng

    Hơi dài nhưng đọc rất tiếu 8-}
     
  3. Jaguar™

    Jaguar™ Sorrowful Farewell

    Tham gia ngày:
    8/4/06
    Bài viết:
    3,605
    Nơi ở:
    Đà Nẵng
    Cái gì thế này =))
     
  4. caramen

    caramen Great Lord

    Tham gia ngày:
    2/2/04
    Bài viết:
    2,586
    Nơi ở:
    Temple of the Damn
    oái lâu lắm rồi từ bộ Thiên Lang Liệt Truyện mới được cười sảng khoái thế này =))
     
  5. Align88

    Align88 Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    10/3/08
    Bài viết:
    183
    Nơi ở:
    Tiểu Align
    Hôm nay đi hiệu sách... Thấy cuốn văn mới 2007 2008 hay hay nên mua về.

    Nhiều truyện ngắn cũng hay nhưng chỉ truyện này là không đỡ nổi =))
     
  6. RockLeeXXX

    RockLeeXXX Mario & Luigi

    Tham gia ngày:
    21/8/08
    Bài viết:
    710
    Nơi ở:
    Wind Country
    \

    Ko phải xoắn =)).............................................
     
  7. petern

    petern °˖✧Bmì patê✧˖° Administrator

    Tham gia ngày:
    24/9/03
    Bài viết:
    3,235
    Nhìn 1 đống chữ là ko mún đọc =)) .
     
  8. Align88

    Align88 Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    10/3/08
    Bài viết:
    183
    Nơi ở:
    Tiểu Align
    Đừng lười 3T... Đọc đi sẽ biết thêm kinh nghiệm sau này đỡ tốn xiềng mua Viagra ;))
     
  9. ThanhQuynh

    ThanhQuynh TLong Đệ Nhất Thiện Nhân

    Tham gia ngày:
    7/8/05
    Bài viết:
    3,586
    Nơi ở:
    Elven Village
    Chữ lắm thế :-s

    30 charrrrr
     
  10. kane11b14

    kane11b14 Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    5/8/08
    Bài viết:
    326
    VlQ đi=))                     
     
  11. milivista

    milivista Dragon Quest

    Tham gia ngày:
    19/11/06
    Bài viết:
    1,348
    Nơi ở:
    Hà Nội
    khó đỡ =))
     
  12. vulcan300

    vulcan300 Chrono Trigger/Cross

    Tham gia ngày:
    7/2/08
    Bài viết:
    6,984
    Nơi ở:
    Beginning of the End
    chưa tưởng tượng được cảnh tự hủy 49 lần nó như thế nào :nailbit:
     
  13. kane11b14

    kane11b14 Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    5/8/08
    Bài viết:
    326
    chắc là thẫm liên tục 49 lần ko nghỉ:hug:
     
  14. ging1212

    ging1212 Trên thông thiên văn,dưới tường địa lý Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    12/8/06
    Bài viết:
    11,924
    Nơi ở:
    TTVX City
    Hài =)) .
     
  15. Genius_Ranza

    Genius_Ranza Fried Chicken Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    27/3/05
    Bài viết:
    29,884
    Nơi ở:
    ℳℴℯ ♥
    còn cái " tưởng đâu viên mãn " coi cũng hay lắm đấy ;;)

    [​IMG]

    Tưởng đâu viên mãn

    Truyện ngắn của Đỗ Trí Dũng

    Lĩnh Nam năm Hàm Long thứ sáu, đời vua Đức Tông. Xã hội phát triển rực rỡ, kinh tế tăng trưởng, tham nhũng phát huy, đô thị mở rộng, thị dân trác táng vô cùng quístộc(1); nông dân bán đất ăn chơi không kém, nhiều nơi vùng sâu vùng xa ăn cơm độn ngô độn khoai thoải mái không phải nghĩ. Văn hóa cũng theo đà tấn tới, những loại hình nghệ thuật như music salonlắc(2), show hàng(3)... đua nhau nảy nở. Khoa cử tiến một bước dài, mười sĩ tử lều chõng thì bốn người mua đề, ba người thuê thi hộ, hai người sắm phao(4), một người cắn bút viết nhăng.
    Bấy giờ, ở phủ Hoàn Kiếm, làng Ấm Thượng có đôi thiếu niên chơi với nhau rất mực thân thiết; một người họ Lưu tên Bình, người kia tên Lễ họ Dương. Cả hai cùng đẹp trai sáng sủa, thông minh dĩnh ngộ, học mười biết một. Tuy tư chất giống nhau nhưng gia cảnh lại khác nhau một trời một vực. Lưu Bình vốn là cậu ấm con một, dòng giống cấp cao đã ba đời, ruộng phát canh thu tô thẳng cánh cò bay, chưa kể trang trại nuôi thú quý hiếm có tên trong sách đỏ, của nả vừa ăn vừa vứt một cách bình thường thì không biết bao giờ mới hết. Ngược lại, Dương Lễ có nguồn gốc xuất thân trí thức cả mùa, nên đã ba đời đầu tắt mặt tối mà chưa bao giờ đủ no, đã vậy còn sính đẻ nhiều, nên người trong nhà họ Dương mồm ai cũng phảng phất mùi ruột già. Người đương thời gọi hiện tượng này là “đói thối mồm”.
    Tuy gia cảnh khác nhau là vậy, nhưng tình bạn của họ vẫn vô cùng khăng khít. Lưu Bình tiền bạc dư dả, chẳng những không khi dễ bạn như thói đời thường thấy, mà ngược lại, chàng quan tâm chăm chút giúp đỡ bạn thật lòng vô tư. Từ những việc nhỏ như áo hồ cừu(5) giữa mùa đông tháng giá hay quần ống ngố vải lanh Ytalia trong mùa hạ oi nồng, tiền học phí, học thêm cho đến những việc lớn như hát karaoke, chơi game online, nhậu nhẹt gái gú... chàng đều lo chu tất cho bạn mà chẳng tính toán thiệt hơn, trong đầu chàng chưa bao giờ nảy sinh tư tưởng “bánh ít đi bánh quy lại”. Lo cho bạn như vậy, nhưng với bản thân, chàng không mấy quan tâm. Việc học hành chàng tỏ ra vô cùng trễ nải, suốt ngày phung phí sức trai vào mấy cuốn sách triết học, vũ trường, rồi những cuộc thâu đêm suốt sáng… Bởi vậy, sức học của Lưu Bình ngày càng sa sút.
    Khác với Lưu Bình, biết phận mình gia cảnh nghèo hèn nên Dương Lễ miệt mài đèn sách chẳng dám lơ là. Chàng hiểu rằng, muốn vượt thoát đống rơm gốc rạ đít con trâu, lũy tre làng không cách nào khác ngoài học gạo. Bởi thế, việc học hành của chàng ngày càng tấn tới.
    Thấy sức học của Lưu Bình ngày một sa sút, trầy trật ba tháng mới thuộc bảng cửu chương, bảy tháng mới biết dùng thủ pháp “parody” để mần thi, Dương Lễ rất lấy làm phiền. Chàng tâm sự với Lưu Bình: “Của cải cha mẹ không phải của ta. Lại thường có câu ‘miệng ăn núi lở’. Mai đây khi phụ mẫu huynh hai năm mươi thì biết trông cậy vào đâu? Huống hồ, làm trai trên đời thì phải có ý chí phấn đấu, đặng làm nên nghiệp lớn. Vậy mà huynh không biết tu thân, cứ tối ngày đọc sách vô bổ ngoài chương trình, nhậu nhẹt gái gú, mai này sẽ ra sao? Đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho ra sống. Sao cho khi nhắm mắt xuôi tay không phải ân hận về những năm tháng sống hoài sống phí” (cũng cần nói thêm, tuy tuổi tác hai người bằng nhau, nhưng Dương Lễ luôn một điều huynh hai điều đệ, chẳng dám hỗn hào. Bởi chàng thấm nhuần đạo lý “giầu làm chị, khó lụy làm em”). Lưu Bình nghe xong nhíu mày lẩm bẩm: “Sống sao cho ra sống… ân hận về những năm tháng… Ư hừm… E hèm”. Rồi hỏi Lễ: “Ai nói thế?” Rồi thở dài hạ giọng nói tiếp: “Đệ rõ thật là khéo lo. Của ta hay cha mẹ ta thì cũng đều không phải là của ta. Ta đến với đời bằng hai bàn tay không thì lúc ta ra đi cũng là hai bàn tay không. Xông xênh(6) thì ta uống Hennessy. Hẻo, ta uống rượu đế chứ nào xá gì. Chả có học vấn cao sự nghiệp lớn thì ta đạp xích lô, âu cũng là sự nghiệp vậy. Sự nghiệp culi. Há đó chẳng phải sự nghiệp ư?”.
    Mùa đông năm Hàm Long thứ chín, đất Lĩnh Nam đăng cai tổ chức đại hội thể thao quốc tế tiểu vùng sông Tô Lịch. Vua Đức Tông đi vay ngân hàng WB, về cho dựng rất nhiều công trình hoành tráng, trước là phục vụ đại hội, sau là giương biển hãnh diện với các bộ tộc khác. Người đứng ra chỉ đạo, tay hòm chìa khóa trong việc xây dựng là Lưu Bịch, thượng thư bộ Lại, phụ thân Lưu Bình. Thật là như nước chảy chỗ trũng vậy. Chưa kể việc các tay giám sát công trình phong bao chia chác từ khoản rút ruột nguyên vật liệu, chỉ riêng việc chọn nhà thầu, Lưu Bịch đã bỏ túi riêng mấy trăm ngàn quan. Nhưng than ôi, họa phúc vốn khôn lường, tiền nhiều trong tay kẻ hèn đôi khi là tai họa. Trong một lần nhậu sương sương, Lưu thượng thư nghe đám mưu sĩ xúi dại, đã bỏ ra một số tiền lớn để mây mưa với một cô gái 69 tuổi. Sự việc vỡ lở, báo chí phanh phui, ngài bị kết tội “giao cấu với già vị thành lão” (đây là một trọng tội trong luật hình thời đó). Thói đời giậu đổ bìm leo, nhân dịp này, bọn phóng viên tay chân của các phe cánh khác tiếp tục phanh phui những vụ mờ ám trong việc đấu thầu xây dựng các công trình thể thao của Lưu Bịch. Cuối cùng, Lưu thượng thư bị tòa án Lĩnh Nam xử phạt 18 tháng tù treo và phải về hưu đúng tuổi mặc dù đã bỏ phân nửa gia tài chạy án.
    Cũng trong năm đó, Dương Lễ đậu Bảng nhãn ngay trong lần lều chõng thứ chín. Chàng được bổ về làm tri huyện Tiềm Lai, một huyện giàu có thuộc ngoại thành Đại La. Vốn học nhiều biết rộng, ngay khi nhậm chức, Dương Lễ liền thành lập ngay êkip làm ăn; những người không thuộc phe cánh, chàng cho về hưu sớm hoặc thuyên chuyển công tác. Chẳng mấy chốc, danh tiếng Dương Lễ lừng lẫy khắp vùng, gia sản ngày một phì nộn. Báo chí luôn tung hô chàng hết lời, dựng chàng thành biểu tượng của cán bộ trẻ năng động. Thật là như tay không mà bắt giặc vậy.
    Lại nói về gia cảnh Lưu Bình. Sau khi mất chức về hưu, lại cộng thêm sự tiếc rẻ khoản phí tổn khổng lồ chạy án, Lưu Bịch sinh ra bất mãn chán đời, suốt ngày uống rượu làm thơ sáng tác âm nhạc viết tiểu luận triết học, hệt như kẻ mất trí. Lẩn thẩn tới mức, Lưu Bịch cho xuất bản tập hồi ký, kể tông tốc các mánh lới làm ăn khi đương chức, động chạm đến không biết bao nhiêu người.
    Hậu quả của cuốn hồi ký thật là khốc liệt. Một đêm nọ, nhà Lưu Bịch bỗng dưng bị cháy, Bịch và ba bà vợ bị nướng vàng như chó thui rơm. Lưu Bình may mắn thoát chết vì đêm đó chàng bận đi đánh xóc đĩa.
    Than ôi, qua một đêm bỗng nhiên Lưu Bình trở thành kẻ mồ côi bụi đời, gia sản chẳng còn gì ngoài hai bàn chân trắng. Từ đó, Lưu Bình phải đi thuê xích lô để chạy, cơm cháo qua ngày. Nhưng một khi vận đen xuất hiện thì thảm cảnh thật khó lường, nó dằng dai đeo bám không dễ gì vứt bỏ. Trong một buổi chiều mưa ế khách, lại thấy đám xóc đĩa chổng mông(7) bên hông Quốc Tử Giám, Lưu Bình ngứa nghề không sao cầm lòng cho đặng, chàng bèn cầm con xích lô để đắt một tiếng bạc rền(8). Chỉ một cái mở bát, con xích lô không cánh mà bay. Khốn nạn thân chàng, con xích lô chàng đi thuê chứ đâu phải của chàng, chủ xe lại là tay đầu gấu khét tiếng, từng hành nghề hoạn người, thiến lợn. Đầu óc Lưu Bình choáng váng, lỗ tai lùng bùng, mắt nổ hoa cà hoa cải. Biết làm sao bây giờ? Đất trời ngả nghiêng chao đảo… chàng ngồi thụp xuống nắp cống vỉa hè. Bất đồ, Lưu Bình nhìn thấy hình ảnh quen quen: Một mảnh báo bay la đà, trên mảnh báo in hình một vị quan lớn mình mặc áo bào đỏ đầu đội mũ cánh chuồn; tuy béo tốt hẳn ra nhưng đôi mắt híp mơ màng, cặp môi mỏng cương nghị, hàm răng bương như răng tể tướng Đỗ Khoang của Dương Lễ thì làm sao Lưu Bình lẫn được, chàng vội nhặt mảnh báo lên đọc và được biết rằng, giờ đây Dương Lễ đã công thành danh toại.
    Phủ nhà Dương Lễ tấp nập kẻ ra người vào, rặt những phường sang trọng. Lưu Bình chờ đã lâu lắm, chàng do dự mãi chẳng dám bước vào. Xế chiều, khách khứa đã ngớt, Lưu Bình đánh bạo tiến lên. Tên gác cổng tra xét hỏi han chàng rất kỹ, rồi bắt chàng đứng chờ để nó vào thưa lại; một giờ ba khắc sau, quay ra, nó bảo: “Chủ tao bẩu không quen biết ai là Lưu Bình, nhưng vì chủ tao có tính thương người, nên ngài sai tao mang cho mày bát cơm quả cà với mấy cắc bạc mà tầu xe về quê”. Chao ôi, đất dưới chân Lưu Bình như sụp xuống, tai điếc đặc, óc trống rỗng; phải tám phút sau chàng mới lấy lại thăng bằng. Lưu Bình đá văng bát cơm quả cà rồi cất cao giọng vung một câu cải lương vọng cổ rặt âm hưởng Sì Goòng rất là mùi mẫn: “Dzương Lễ ơi năm xửa năm xưa ta dzới mi còn là wuynh là đệ/ hột cơm ta mi ăn/ bát nước ta mi uống/ tiết đông sang ta lo mi lạnh/ ta lo áo hồ cừu mặc trên quần ống ngố”... tới đây thì chàng xuống xề cực ướt: “Để cho mi yên tâm an bề học dzấn/ ta tặng riêng mi một thơ… ơ… ơơ... ơơơ… ờ... ờ… phòng”. Rồi chàng hát tiếp: “Giỏi/ ta khen mi khéo dzào cúi ra loòng…”, hát đến đây chợt nhận ra xung quanh chàng dân tình tụ tập rất đông thành một vòng tròn, họ vỗ tay ran như sấm động.
    Đêm hôm đó, Dương Lễ không sao chợp mắt, hết nằm lại ngồi, đi ra đi vào thở dài sườn sượt. Việc nhà Lưu Bình gặp hạn, chàng đã loáng thoáng nghe nhưng không nghĩ mức độ trầm trọng như vậy. Chiều nay đứng trên ban công, chàng nhìn thấy Lưu Bình tiều tụy thảm thương, nhưng vốn tính căn cơ, chàng phải tính kế để giúp bạn sao cho hiệu quả mà mình cũng đỡ thiệt thòi. Đến canh tư, Dương Lễ cho gọi ba bà vợ vào thư phòng để họp gia đình. Sau khi vắn tắt về mối thâm giao trước đây và hoàn cảnh bây giờ của Lưu Bình, chàng nói: “Ngày xưa, ta được sự giúp đỡ của Lưu Bình, nếu quy ra vàng thì chừng chục cây, quy ra đô la thì chừng dăm chục vé. Nay, nếu ta đưa cho hắn số tiền đó thì với cung cách tiêu xài của hắn chỉ hơn tháng là hết sạch. Lúc đó, nhỡ hắn quay lại nhờ vả thì sao? Giúp hắn thì ta thiệt thòi, không giúp thì hậu thế chê cười. Chi bằng… ta tính như vầy, một trong ba nàng giúp ta, cầm năm nghìn đô, đi thuê nhà cho hắn, ở cùng với hắn cho tiện việc tay hòm chìa khóa chi phí sinh hoạt, rồi khích bác thế nào đó cho hắn chịu học hành tử tế, đặng đi xin việc, vào biên chế nhà nước mà tự nuôi thân. Các nàng nghĩ sao? Ai xung phong nhận lãnh trách nhiệm này?” Cả ba bà cùng nhao nhao: “Tại sao chàng không thuê một con ôsin, như thế tiện biết bao?” Lễ nói: “Đúng là đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu, ôsin nó tiêu tiền không có trách nhiệm, chưa kể ú ớ thuê phải con ôsin đểu, nó cầm năm nghìn nó dông mẹ nó đi”.
    ____________
    (1). Quístộc: cách viết theo lối thượng lưu thời cổ. Đọc là quí-sờ-tộc
    (2). Music salonlắc: một nhóm người tụ tập trong một căn phòng, nghe nhạc và uống thuốc. Đây là một kiểu sinh hoạt nghệ thuật thời thượng khi đó.
    (3). Múa thoát y trước webcam. Cũng là một loại hình nghệ thuật thời cổ
    (4). Phao: một thiết bị nghe nhìn, dùng trợ giúp thí sinh trong khi thi. Một kiểu thi cử gian lận.
    (5). Áo hồ cừu: áo được may bằng lông loài cáo lai cừu, sống ở vùng núi tuyết. Rất quí hiếm.
    (6). Xông xênh: nghĩa đen: xông hơi bằng lá xênh, có tác dụng chữa bệnh trĩ. Lá xênh là một loại dược thảo vô cùng quí hiếm, rất đắt tiền, nay đã tuyệt chủng. Nghĩa bóng chỉ sự dư dả tiền bạc.
    (7). Xóc đĩa chổng mông: thuật ngữ chuyên môn. Chỉ việc đánh xóc đĩa ngoài vỉa hè.
    (8). Bạc rền: thuật ngữ chuyên môn, chỉ việc các quân xóc đĩa chỉ nhảy một bên, hoặc chẵn, hoặc lẻ.
    .
    .
    .
    .
    Phần cuối

    [​IMG]

    Trong số ba người vợ Dương Lễ, người vợ hai tên gọi Châu Long, thường trong nhà vẫn gọi là nàng Hai Long. Châu Long quê ở Thanh Hóa, chân to mồm rộng vô cùng duyên dáng, vòng một vòng ba khổng lồ, tính tình hiền dịu. Vì Dương Lễ là người điều độ, nên chàng chỉ xếp lịch giao hợp cho Châu Long vào các ngày hai, tư, sáu; thỉnh thoảng nhân dịp lễ tết thì chàng mới phá lệ ban thêm. Châu Long thường vẫn lấy làm bất mãn.
    Sau khi nghe Dương Lễ nói, ba nàng đưa mắt nhìn nhau im lặng. Cuối cùng, Châu Long bẽn lẽn giơ tay xin phát biểu ý kiến, nàng nói: “Phận gái xuất giá tòng phu, nay thiếp xin vì phu quân lãnh trách nhiệm này”. Lễ gật gù: “Khá lắm, ta cũng nghĩ rằng nàng hợp với nhiệm vụ này. Vì gu thẩm mỹ Lưu Bình ta biết. Vậy nàng khá vì ta mà làm cho tốt, khi trở về ta sẽ xem xét, đặng sắp xếp tăng thời lượng mây mưa cho nàng”. Châu Long e lệ ngoác miệng cười hềnh hệch.
    Lại nói về Lưu Bình, sau khi rời khỏi nhà Dương Lễ, chàng không biết đi đâu, vì sợ thằng chủ xích lô tóm được, nên chàng không dám xuất hiện những nơi trước kia vẫn thường vật vờ kiếm ăn như hông Quốc Tử Giám hay vỉa hè ga Hàng Cỏ... Chàng bèn tá túc trên một chiếc ghế đá dưới chân núi Nùng trong vườn Bách Thảo, kiếm ăn bằng cách lang thang ở mấy tửu điếm, quán bia hơi cơm bình dân gần đó chờ sai vặt để đổi cơm.
    Hôm ấy, đã xế chiều mà không có ai sai bảo, bụng đói cồn cào, mắt đã hoa, chân tay chuẩn bị bắt chuồn chuồn thì ở trong một quán cơm có tiếng gọi đúng tên chàng. Tưởng có người sai việc, Lưu Bình mừng quýnh vắt chân lên cổ chạy vào. Vào trong quán, còn đang ngơ ngác thì Lưu Bình thấy một cô nương mặt hoa da phấn, mông to như mông Mỹ Tân, mặc áo tứ thân hở bốn phần ba ngực, quần jean cạp trễ quá rốn hai thốn (9) bước lại ân cần cầm tay chàng dẫn vào một bàn trong góc rồi gọi rất nhiều món ăn, đoạn nàng thỏ thẻ bảo: “Xin chàng cứ dùng tự nhiên, chàng đã đói lắm rồi”. Lưu Bình sĩ diện làm ra vẻ, nói: “Sao nàng dám bảo ta đói?”. Mỹ nhân đáp: “Mồm chàng thoang thoảng thế kia, giấu được ai. Thôi, ăn đi cho thiếp nhờ”. Chẳng đợi mời thêm, Lưu Bình cắm mặt vào ăn rất cần mẫn. Nửa giờ bảy khắc sau, cơm nước nhẵn nhụi, xỉa răng súc miệng xong xuôi, Lưu Bình ngả người gác chân lên ghế nói: “Chẳng hay nàng là ai? Sao bỗng dưng đãi cơm ta thế này?”. Đáp: “Thiếp họ Châu tên Long, trưởng nữ của Châu Quế, là viên quản gia của phủ nhà chàng trước đây. Sau khi cha thiếp về hưu mấy tháng thì nhà chàng gặp nạn; khi nghe được hung tin, cha thiếp đau đớn cười ngất ba ngày, từ đó buồn phiền sinh ốm, rồi chẳng mấy chốc qua đời. Trước khi chết, cha gọi thiếp lại căn dặn, rằng phải tìm bằng được truyền nhân của Lưu Bịch là Lưu Bình để báo đáp. Thiếp cũng xin nói luôn, rằng thiếp đã mướn được một căn hộ chung cư ba buồng xinh xắn ngoài đê sông Tô Lịch, nay xin mời chàng về tá túc, rồi ta cùng tính kế”. Lưu Bình bùi ngùi: “Ta cũng chẳng ngờ trong phủ nhà lại có người quản lý họ Châu tâm hồn quý hóa dường ấy”. Châu Long gọi thanh toán, rồi nắm tay Lưu Bình thoăn thoắt kéo đi, Lưu Bình lẽo đẽo theo sau.
    Tối hôm đó, an tọa trong căn hộ xinh xắn, Lưu Bình nói với Châu Long: “Trời cho ta gặp nàng đúng lúc này, thật như hạn hán gặp mưa rào. Nay chốn ở đã không phải lo là yên tâm lắm, từ mai nàng ở nhà nội trợ, ta sẽ ra đứng chợ người Giảng Võ. Chẳng còn mong gì hơn”. Châu Long lấy ngón chân cái day vào trán Bình rồi mắng yêu: “Sao lại có loại đàn ông an phận thủ thường như chàng kia chứ. Thiếp nghe cha thiếp kể, rằng bạn chàng khi xưa là Dương Lễ, nay thành đạt làm quan. Lại nghe nói, gần đây chàng có đến nhờ vả nhưng bị đuổi khéo. Vậy mà chàng không nghĩ đến việc học hành để tiến thân cho Dương Lễ kia biết mặt, lại tính chuyện ra chợ người bán sức. Rõ thật là…”. Bình thở dài nói: “Nhưng học hành thời buổi này tốn kém, lo ăn đã mệt nói gì chuyện học hành”. Châu Long hớn hở: “Xin chàng yên tâm, thiếp có đủ để bao chàng ăn học. Thiếp chỉ cần chàng đỗ đạt mà thôi”. Lưu Bình cao giọng: “Học hành đỗ đạt xứ này bất quá cũng chỉ là phường giá áo túi cơm tiến sỹ giấy. Nói thật với nàng, bon chen chốn quan trường ta đây chẳng thiết. Toàn phù du vô nghĩa mà thôi”. Châu Long nói: “Vô nghĩa là thế nào, chàng không thấy Dương Lễ kia ư. Lên xe xuống ngựa kẻ hầu người hạ danh giá bội phần. Đấy chính là ý nghĩa cuộc sống, là mong ước của bao người”. Lưu Bình cười nhạt: “Nàng không nên lấy Dương Lễ để làm gương cho ta. Ta có cách sống của ta. Mai ta ra chợ người bán sức đặng rau cháo cùng nàng, thế há chẳng phải là tiên cảnh ru? Thôi, ý ta quyết như vậy, nàng không cần nói gì thêm nữa”. Nói xong, Lưu Bình âu yếm ôm lấy Châu Long gạ gẫm. Chợt ánh mắt Châu Long sáng lên, nàng gạt phắt tay Lưu Bình ra rồi nói: “Đời này kiếp này thiếp nguyện là của chàng, nhưng nếu chàng không chịu học hành đỗ đạt để thi thố với đời, thiếp quyết không động phòng”. Nói xong, Châu Long đánh mông tanh tách đi vào buồng trong đóng cửa.
    Ba ngày sau đó, mặc cho Lưu Bình gan lỳ gạ gẫm liên tục, Châu Long kiên quyết không chịu. Nàng lặp đi lặp lại mệnh đề: “Chàng chưa đỗ đạt, thiếp chưa động phòng”.
    Từ hôm đó, Lưu Bình cắm đầu vào đèn sách, một ngày chỉ rời khỏi bàn computer vài tiếng. Vốn dĩ thông minh, có phần vượt cả Dương Lễ, lại thêm động cơ to lớn thúc đẩy, nên chỉ sau ba tháng là chàng trên thông StarCraft dưới rành Diablo (10), sau sáu tháng chàng đã làu làu bộ Harry Potter. Khoa thi năm ấy, chàng đỗ đầu, điểm vượt rất xa người đứng kế. Chàng được đích thân vua Đức Tông ký quyết định bổ nhiệm làm tri phủ Đống Đa, lại ban cho con Honda @ và nguyên bộ Calvin Kline để vinh quy bái tổ. Chàng nhận ấn tín, mũ áo vua ban rồi tức tốc trở về căn hộ chung cư ngoài đê sông Tô Lịch.
    Khỏi nói ra nỗi sướng vui của Lưu Bình lẫn Châu Long, vậy là công thành danh toại. Hơn thế, bấm đốt ngón tay, họ đều phải nhịn thèm bảy tháng. Tối hôm đó, trong căn phòng nhỏ, đôi uyên ương hú hí bên nhau, tình tứ nên thơ không giấy bút nào ghi ra được. Chỉ hiềm một nỗi, khi đến giai đoạn quyết định thì Lưu Bình cứ cù rũ thảm hại, mặc cho Châu Long hết lòng nhiệt tình. Lưu Bình không hiểu ra sao; chàng nhớ rằng, khi xưa, lúc còn phong lưu, chưa bao giờ tình trạng này xảy ra. Châu Long an ủi chàng, rằng có thể do xúc động quá, dư âm của kết quả cuộc thi khiến cho tâm hồn xao động. Mà tâm hồn xao động thì không được cũng là lẽ thường tình. Có lẽ mai tình hình sẽ khác. Chàng và nàng cùng tin như thế. Rồi hai người ôm nhau ngủ một giấc dài không mộng mị.
    Nhưng mọi việc không diễn ra như họ dự tính. Hôm sau, hôm sau nữa, rồi liên tiếp hai tuần sau đó. Lúc này, Lưu Bình mới ngờ ngợ ra rằng khi xưa trót phung phí quá nhiều nguyên khí.
    Vào một buổi chiều mưa ảm đạm, Lưu Bình tan sở trở về nhà, chàng không thấy bóng dáng Châu Long. Không khí lạnh lẽo bất bình thường ngự trị căn nhà.
    Châu Long đã ra đi, nàng để lại một bức thư. Thư viết:
    Ngày Tân Tuất, tháng Kỷ Dần, năm Ất Thìn
    Lưu Bình thân yêu.
    Viết cho chàng những dòng này, lòng thiếp đau như cắt.
    Thực ra, thiếp chẳng phải con của viên quản lý nào hết, mà thiếp là vợ của Dương Lễ. Vì muốn giúp đỡ chàng nên Dương Lễ biệt phái thiếp đi công tác, động viên, giúp đỡ chàng phấn đấu. Lẽ ra, công việc của thiếp đã kết thúc khi bảng vàng đề tên chàng, nhưng vì trong quá trình công tác bên chàng, nhận thấy chàng thật là chất nghệ, thiếp đã thực sự phải lòng. Thiếp tính không quay lại với Dương Lễ, nhưng than ôi, trời xanh kia thật khéo đùa, khiến thiếp đành phải phụ chàng, về với Dương Lễ vậy.
    Kính
    Đọc xong lá thư, Lưu Bình xây xẩm mặt mày. Chàng ấp lá thư vào ngực rồi than lên rằng: “Ta khó nhọc đèn sách là vì tình yêu với nàng. Ta ra làm quan là bởi nàng. Nay nàng bỏ ra đi, hỏi rằng có gì là ý nghĩa trên đời. Ôi sụp đổ tất tật. Ôi sấm ran chớp giật. Ôi hận thay quả cật...”. Than tới đây, Lưu Bình lăn ra ngất xỉu.
    Lại nói, khi thấy Châu Long hoàn thành nhiệm vụ trở về, Dương Lễ vui lắm, mặc dù hôm đó là thứ ba nhưng Lễ vẫn quyết định đặc cách mây mưa cùng nàng. Dương Lễ nghiêm mặt: “Gần tám tháng trời cạnh hắn, nàng vẫn giữ mình đấy chứ?”. Châu Long đáp: “Nếu thất tiết thì thiếp còn về đây làm gì”. Lễ lẩm bẩm như nói với chính mình: “Thật khó mà tin”. Nói xong đùng đùng bỏ ra ngồi bàn pha trà, rít thuốc, mặc cho Châu Long nằm đó bẽ bàng. Một giờ tám khắc sau, không chịu nổi, Châu Long đứng bật dậy thét lên: “Này, báo cho mà biết, Lưu Bình đã liệt rồi. Bằng không coi như chàng đã mất vợ, biết chưa? Đã sai vợ đi làm trò dị mọ còn bày vẽ ghen tuông. Rõ thật là…”. Nói rồi lại nằm vật ra mà thổn thức.
    Hơn mười ngày sau, không khí vợ chồng Dương Lễ và Châu Long không cải thiện chút nào, ngược lại, càng thêm nặng nề u ám. Cứ vào cữ giờ Thân, sau khi cơm nước xong xuôi, là Dương Lễ lại lải nhải chì chiết vợ.
    Một ngày nọ, Châu Long bỏ nhà đi mất. Sau này, có người nhìn thấy, nàng đã xuống tóc quy y tại chùa Đồ Lê ở phía nam sông Bình Giang (nay là Đức Giang).
    Cũng trong thời gian ấy, Lưu Bình buồn bã khôn nguôi, chàng chẳng thiết ăn uống, làm việc. Chừng nửa tháng sau, Lưu Bình mang ấn tín treo ở cổng công đường, từ quan, rồi thu xếp hành lý vào chiếc ba lô nhỏ, rảo bước ra đi. Chàng ghé qua phủ Dương Lễ. Lần này, đích thân Dương Lễ ra tiếp ngay ngoài cổng phủ, Lễ cung kính nói: “Quan bác ghé tệ xá, thật là vinh hạnh. Nay công thành danh toại, được cả trâu lẫn nghé, đệ xin có lời mừng”. Lưu Bình nhớn nhác nhìn vào phía trong phủ, đoạn nói: “Công danh ta nào coi trọng, nay ta từ quan lên núi vào hang ở ẩn. Ghé qua đây chỉ mong gặp cố nhân”. Dương Lễ hiểu ý, giả vờ sụt sịt một hồi rồi lấy tay quẹt nước mắt, xỉ nước mũi, nói: “Vì đệ quá yếu đuối, nên Châu Long bất mãn mà bỏ nhà đi rồi”. Lưu Bình bàng hoàng, hồi lâu chàng mới thốt nên lời: “Thật là hồng mông mà bạc mệnh vậy”. Đoạn, rút trong ba lô ra chiếc khăn tay thêu hình đôi bươm bướm của Châu Long tặng khi xưa, chàng ngắm nghía hít hà một hồi rồi ngâm một bài thơ theo lối chèo cổ, điệu “Tình thu hạ bị” (11).
    Ngâm xong, bỏ đi mất. Không ai biết đi đâu.
    Về phần Dương Lễ, chàng vẫn giữ phong độ của một viên chức mẫn cán; một năm, tính cả tết Nguyên đán và các ngày lễ… vẫn mây mưa đều đều. Chức tước bổng lộc thăng tiến đều đều. Năm sáu mươi tuổi, chàng về hưu theo chế độ. Tưởng rằng viên mãn, nào ngờ chàng đốc chứng, đua đòi theo mốt viết hồi ký, kể tông tốc các mánh lới làm ăn, lại nói xấu lung tung các quan chức, cả cấp trên cấp dưới. Hậu quả nhà chàng bị cháy, chàng và ba bà vợ bị nướng vàng. Đương nhiên trong số ba bà vợ này không có Châu Long.

    ____________

    9 Thốn: đơn vị đo lường thời cổ. Hai thốn bằng khoảng 20 cm
    10 StarCraft, Diablo: tên các môn học của nền giáo dục thời đó. Ngày nay thường gọi là games
    11 Nguyên văn: tình thư hạ vị
     
  16. nướcđá7A3

    nướcđá7A3 ◥▶◀◤ Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    26/1/05
    Bài viết:
    25,704
    Nơi ở:
    。◕‿◕。
    đọc được 2 dòng đầu sụi lơ rồi :|
     
  17. Nobita!!

    Nobita!! T.E.T.Я.I.S Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    3/4/08
    Bài viết:
    579
    Giờ box nổi phong trào viết bài tràng giang đại hải hả :o
     
  18. Made.In.Heaven

    Made.In.Heaven C O N T R A

    Tham gia ngày:
    7/6/08
    Bài viết:
    1,941
    Nơi ở:
    Stage EX Night Sky
    Đọc cái câu này đỡ ko nổi =)) . "Ngày xửa ngày nay, thời Hùng Vương thứ 71", =)) =)) =))

    Tiếp tục. :D
     
  19. Align88

    Align88 Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    10/3/08
    Bài viết:
    183
    Nơi ở:
    Tiểu Align
    Mình kết cái lão Họ Đỗ này rồi :hug:
    Thâm thúi... à Thâm thúy phết =))
     
  20. son12

    son12 C O N T R A

    Tham gia ngày:
    5/5/06
    Bài viết:
    1,773
    Nơi ở:
    Nơi nhiều án
    Nhìn thấy chữ là chán =))
     

Chia sẻ trang này