Bài này còn được tác giả đăng tại Wikipedia tiếng Việt Blog Hậu nhật đàm Fire Emblem (ファイアーエムブレム) là series game chiến thuật do Intelligent Systems phát triển và Nintendō phát hành. Fire Emblem còn được gọi tắt là FE, và ở Việt Nam nó còn được người hâm mộ gọi là “Mộc Đế”, hay “Mộc Đế Chiến Kỷ” (thuật bên dưới). Toàn bộ các phiên bản trong series đều thuộc thể loại Simulation RPG (SRPG). Chiếc khiên Fire Emblem trong Monshō no Nazo Theo nghĩa hẹp, Fire Emblem còn là từ dùng để chỉ những món Item có vẽ (hoặc khắc) hoa văn lửa, đóng vai trò quan trọng trong game. Nhiều khi món Item chỉ được gọi đơn giản là “Emblem”. Khái yếu Fire Emblem là tác phẩm đi tiên phong mở đường cho một thể loại game mà sau này được gọi là Simulation RPG. Gameplay của nó dựa trên nền tảng Famicom Wars, với hệ thống nhân vật (Unit) đa dạng, mỗi Unit lại có Class (binh chủng) khác nhau và các chỉ số năng lực, avatar khuôn mặt khác nhau. Game có những khái niệm của thể loại RPG như sự gia tăng các chỉ số năng lực của Unit trong quá trình chơi nhưng lại bỏ qua các yếu tố của thể loại PC RPG như sinh sản của nhân vật, khai thác và giữ tài nguyên. Một điểm đặc biệt của series FE là khái niệm “chết” của Unit. Trong khi phần lớn các game RPG Nhật đều có cách để cho nhân vật sống lại khi HP xuống mức zero (0) thì ở series FE, Unit có mức HP không được xem như đã chết và không thể hồi sinh (trừ một số trường hợp sử dụng Item đặc biệt), điều này giống thể loại Wars Simulation. Từng nhân vật trong game đều có những đặc trưng và vai trò riêng biệt. Nếu những nhân vật cấp S “chết” đi thì sẽ ảnh hưởng xấu đến cục diện của trò chơi sau này, người chơi sẽ gặp nhiều tổn thất hoặc thậm chí không thể vượt qua nỗi những màn khó. Vì vậy người chơi FE thường hành động rất thận trọng sao cho không để chết một nhân Vật nào. Vì lẽ này mà ở Nhật, FE còn được gọi là game “Simulation khủng khiếp” (てごわいシミュレーション). Một điểm chung nữa giữa các phiên bản trong series chính là thế giới Fantasy của nó với nền tảng là thời trung cổ ở Châu Âu. Nhân vật chính thường là một vị lãnh chúa (Lord) thừa hưởng dòng máu anh hùng cao quý nào đó, lãnh đạo đội kỵ sĩ chiến đấu chống lại kẻ địch Đế quốc, giành lại hòa bình cho đại lục. Các phiên bản trong series thường có một món Item quan trọng được gọi là Fire Emblem, ngoài ra còn có nhiều chủng tộc, sinh vật tưởng tượng như rồng, tiên… Số lượng nhân vật cũng là một đặc điểm của series FE. Các phiên bản thường có vài chục nhân vật, điều này dẫn đến sự yêu thích/ghét đặc biệt một vài nhân vật nào đó trong tâm lý người chơi. Phong cách chơi FE cũng đa dạng, khác nhau theo từng người. Đa phần người chơi đều cố giữ cho toàn bộ nhân vật sống sót cho đến hết game, nhưng cũng có những người chơi theo lối khác như “luyện” toàn bộ nhân vật lên Max Level, hoàn tất game nhanh nhất, ít lượt chơi nhất, chơi không reset, chỉ sử dụng nhân vật nữ,… Tác phẩm đầu tiên trong series là Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no ken được phát hành trên hệ máy Nes. Từ đó đến nay series FE đã trải qua nhiều hệ máy khác nhau như Snes, Gameboy Advance, Game Cube, Wii và NDS. Ban đầu series FE chỉ được phát hành trong phạm vi nước Nhật, nhưng kể từ khi hai nhân vật trong series này xuất hiện trong game Super Smash Bros. Melee thì FE còn được người chơi khắp thế giới đón nhận. Thương phẩm liên quan Một đặc điểm nữa của dòng game FE là nó có rất nhiều thư tịch, thương phẩm ăn theo. Thống kê cho thấy Fire Emblem Seisen no Keifu có hơn 20 loại sách hướng dẫn khác nhau được bán ra. Ngoài ra còn có tiểu thuyết, truyện tranh và bản Anime Fire Emblem Monshō (OVA) được phát hành năm 1996. Bản Manga đầu tiên của FE chính là tác phẩm “Ai to Yūki to Farusion” (Tình yêu, lòng dũng cảm và thanh kiếm Falcion) của Sasaki Ryō (truyện tranh ngắn trong 4 khung), tạp chí Anthology Comic do Futaba xuất bản tháng 12 năm 1991. Tác phẩm này sau đó được Nintendō thừa nhận nên doanh số bán ra của tạp chí truyện tranh 4 khung này tăng rất nhanh. Đến thời kỳ Seisen no Keifu thì Anthology Comic có doanh số cao nhất, đến thời Thrakia 776 thì giảm mạnh và hoàn toàn không xuất bản khi sang thời Fūin no tsurugi. Về Manga có nội dung thì Gekkan ASUKA Fantasy DX (Nhà xuất bản Kadokawa) là tạp chí đầu tiên đăng tải nội dung ăn theo FE với tác phẩm của Sano Masaki và Watanabe Kyō năm 1992. Thời điểm hiện tại, tạp chí Gekkan Shōnen Jump (Nhà xuất bản Shūeisha) đang đăng tải tác phẩm Hasha no tsurugi (Nguyên tác: Isawa Hiroshi, vẽ tranh: Yamada Kōtarō). Ngoài ra còn có vô số tác phẩm Dōjin không chính thức ăn theo nội dung của FE. Phát triển bên ngoài Nhật Bản Trước khi Fire Emblem Fūin no tsurugi thì chính sách của Nintendō đối với dòng game FE chỉ là hướng đến đối tượng bên trong nước Nhật. Tuy nhiên nó cũng được một số ít người hâm mộ trên toàn Thế giới đón nhận, mặc dù cho đến lúc đó không có một phiên bản ngôn ngữ chính thức nào khác ngoài bản tiếng Nhật. Trong những năm gần đây đã thấy xuất hiện những bản patch (không chính thức) tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác để phục vụ trong những cộng đồng này. Một cảnh trong bản patch tiếng Việt của Monshō no Nazo do Asm65816 dịch Nhưng kể từ phiên bản Fire Emblem Rekka no ken trở đi thì FE đã được phát hành chính thức bên ngoài Nhật Bản. Sở dĩ có được điều này cũng là nhờ một phần lớn ở Super Smash Bros. Melee. Trong game này có hai nhân vật chính của series FE là Marusu (Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi) và Roy (trong Fire Emblem Fūin no tsurugi). Thời điểm phát hành game này thì FE chỉ được biết đến trong phạm vi nước Nhật. Đến khi chuẩn bị phát hành bản ngôn ngữ hải ngoại cho Super Smash Bros. Melee thì Nintendō dự định xóa đi hai nhân vật này. Tuy nhiên thiết kế nhân vật của Marusu và Roy rất đạt, chiếm được cảm tình của người chơi nên Nintendō đã để nguyên hai nhân vật này trong phiên bản hải ngoại của Smash Bros. Kết quả là từ đó trở đi, FE được người chơi khắp nơi trên Thế giới biết đến. Và cũng vì vậy nên hai nhân vật này chỉ được lồng tiếng Nhật trong phiên bản hải ngoại của Smash Bros. Trong phiên bản tiếp theo của Super Smash Bros. Melee là Super Smash Bros. Brawl lại thấy xuất hiện nhân vật Ike (Fire Emblem Sōen no Kiseki, bản tiếng Anh được đặt tên là Path of Radiance) và được lồng tiếng địa phương ở từng phiên bản ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên nhân vật Marusu trong phiên bản Smash Bros. Brawl này cũng chỉ nói tiếng Nhật. Và trước khi Smash Bros. Melee được phát hành thì Anime Monshō no Nazo OVA cũng đã được phát hành tại Bắc Mỹ . Và kể từ phiên bản Fūin no tsurugi, các phiên bản như Rekka no ken, Seima Kōseki đã được một lượng người hâm mộ nhất định trên Thế giới biết định nên Nintendō đã thay đổi chủ trương, quyết định đầu tư nhiều hơn vào dòng game này. Phiên bản hải ngoại của Rekka no ken và Fire Emblem Akatsuki no Megami cũng có nhiều điểm dị biệt mà trong bản tiếng Nhật không có. Tên gọi Tên gọi Fire Emblem của series game được phiên âm sang tiếng Nhật là “Faiā Emuburemu”, được viết là ファイアーエムブレム nhưng cũng có khi nó bị viết nhầm thành ファイヤーエムブレム, ファイアーエンブレム, ファイヤーエンブレム, … Fire Emblem chính là cách gọi theo kiểu tiếng Anh của cụm từ tiếng Nhật “Honoo no monshō”, thường được dịch sang tiếng Việt là “hoa văn lửa” (bản dịch Như Thị Ngã Văn), “dấu ấn lửa” (bản dịch Asm65816). Cộng đồng gamer Việt thường gọi series game này bằng cái tên “Mộc Đế Chiến Kỷ” hay đơn giản là “Mộc Đế”. Nguồn gốc của cách gọi này vẫn chưa được xác minh, nhưng theo giả thuyết của một người tên Như Thị Ngã Văn thì cách gọi tên này xuất phát từ những điểm sau: * Phiên bản Fire Emblem đầu tiên được biết đến rộng rãi tại Việt Nam chính là Monshō no Nazo (phát hành năm 1994) trên hệ máy Super Famicom. Mặc dù Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi là phiên bản đầu tiên trong series,nhưng nó được phát hành trên máy Famicom và ít thông dụng tại Việt Nam lúc bấy giờ. * Trước khi FE Monshō no Nazo được phát hành (1994) thì hãng Enix (hiện giờ là Square Enix) đã phát hành game chiến thuật theo lượt Jutei Senki (樹帝戦記) trên máy Super Famicom. Jutei Senki là cách đọc Hán-Nhật của chữ Hán樹帝戦記, nếu đọc theo Hán-Việt sẽ là “thụ đế chiến ký”. Chữ “thụ” (樹)và chữ “mộc” (木) tuy viết khác nhau nhưng nghĩa gần nhau nên thường bị nhầm lẫn với nhau. Chữ “ký” và “kỷ” , nếu viết chữ Hán sẽ khác nhau nhiều. Nhưng khi biểu ký bằng mẫu tự La Tinh thì lại dễ nhầm lẫn với nhau (giữa dấu sắc và dấu ngã), nhất là khi viết tháu. Đương thời, kinh doanh quán video game là một hoạt động rất phổ biến trong xã hội. Nhiều quán game soạn sẵn một bảng danh sách những game mình có để khách đến chơi có thể yêu cầu. Danh sách này thường được viết tay và như vậy, rất có thể Jutei Senki (thụ đế chiến ký), một trong những game nhập lậu theo ngã Trung Quốc lúc bấy giờ đã trở thành “Mộc Đế Chiến Kỷ” theo cách đó. Nhiều địa phương trong nước còn gọi Jutei Senki là “Mộc Đế 1”. * Đương thời, ý thức phân biệt thể loại game trong cộng đồng gamer Việt hầu như chưa có. Có rất nhiều thể loại chiến thuật nhưng chúng chỉ được gọi chung là “dàn trận”; thể loại thể thao thường được gọi bằng tên của chính môn thể thao đó như “đá banh”, “đá bóng”,…; thể loại đối kháng thường được gọi ngắn gọn là “đánh nhau”, “đánh lộn”, “đấu võ”. Thói quen gọi này còn kéo dài đến bây giờ. Chính vì thế, tuy Jutei Senki và Fire Emblem thuộc hai kiểu chiến thuật khác nhau nhưng tựu trung đã bị đánh đồng thành “dàn trận” trong ý thức của gamer Việt đương thời. * Chiến thuật là một thể loại mới mẻ đối với cộng đồng gamer Việt lúc đó vốn chỉ quen với hành động, phiêu lưu, thể thao và đối kháng. Và Jutei Senki là game mở đầu cho thể loại chiến thuật trong ý thức của gamer Việt. * Một năm sau, Fire Emblem Monshō no Nazo xuất hiện. Nó cũng thuộc thể loại chiến thuật nên có lẽ đã bị ý thức của gamer Việt đánh đồng với Jutei Senki và được xem như một phiên bản tiếp theo của Jutei Senki (được gọi là Mộc Đế Chiến Kỷ đương thời). Vì lẽ này mà một số địa phương ở miền Trung, Fire Emblem Monshō no Nazo còn được gọi là “Mộc Đế 2”. Vì những lẽ trên, các phiên bản tiếp theo trong series Fire Emblem luôn được gọi là “Mộc Đế Chiến Kỷ” hay “Mộc Đế” kèm theo số thứ tự. Chẳng hạn Seisen no Keifu được gọi là “Mộc Đế 4”, Thracia 776 được gọi là “Mộc Đế 5”,… Cũng cần phải nói thêm rằng đương thời, người Việt chưa có điều kiện tiếp xúc với Internet nên rất khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin bên ngoài. Vì thế người ta không dễ gì biết được tên gốc của một video game trên thị trường. Do đó gamer Việt có thói quen gọi tên game theo cách Việt hóa của mình. Thói quen này vẫn còn kéo dài đến ngày nay, dù đã giảm đi nhiều. Các phiên bản trong series ※Ý nghĩa của những từ viết tắt: FC=Famicom, SFC=Super Famicom, GBA=Game Boy Advance, GC=Game Cube, DS=NDS. * Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi (FC: 20/04/1990, Wii Virtual Console:20/10/2009) Còn được gọi là FE 1 vì đây là phiên bản đầu tiên trong series. * Fire Emblem Gaiden (FC: 14/03/1992, Wii Virtual Console: 04/11/2009) * Fire Emblem Monshō no Nazo (SFC: 21/01/1994, Wii Virtual Console: 26/12/2006) Còn được gọi là FE 3 vì thứ tự xuất hiện của nó trong series. Kể từ phiên bản này trở đi, tên gọi FE đã được đánh số. * Fire Emblem Akania Senki (SFC/Satella View: 29/09/1997) * Fire Emblem Seisen no Keifu (SFC: 14/05/1996, Wii Virtual Console: 30/01/2007) * Fire Emblem Thracia 776 (SFC/Nintendō Power:01/09/1999, SFC/ROM Cassette: 21/01/200, Wii Virtual Console: 15/07/2008) * Fire Emblem Fūin no tsurugi (GBA: 22/03/2002) * Fire Emblem Rekka no ken (GBA: 25/03/2003) * Fire Emblem Seima Kōseki (GBA: 07/10/2004) * Fire Emblem Seima Sōen no Kiseki (GC: 20/04/2005) * Fire Emblem Akatsuki no Megami (Wii:22/02/2007) * Fire Emblem Shin Ankoku Ryū to Hikari no ken (DS: 07/08/2008)] Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi là bản remake của Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi (Nes) với nhiều yếu tố mới, và đây cũng là lần đầu tiên bối cảnh đại lục Akania trong thế giới FE được gamer bên ngoài Nhật Bản biết đến một cách chính thức. Ý nghĩa Fire Emblem Mọi phiên bản trong series đều có tiêu đề Fire Emblem. Nó là vật có tính cách tượng trưng và xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau trong các phiên bản. Fire Emblem là vật tồn tại thật ở đại lục Akania (Monshō no Nazo), Eleb (Fūin no tsurugi), Magi Vaul (Seima Kōseki) và Terius (Sōen no Kiseki). Nó là vật chí bảo của các vương gia và là chìa khóa quan trọng trong game. Nó xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Chỉ riêng ở phiên bản Seisen no Keifu thì Fire Emblem chỉ được nhắc đến như là gia huy của một nhà công tước và không liên quan trực tiếp đến cốt truyện. Trong Ankoku Ryū to Hikari và Monshō no Nazo thì Fire Emblem là chiếc khiên gia bảo của vương gia Akania, là nền của chiếc khiên phong ấn. Trong Fūin no tsurugi, Rekka no ken, nó là vật chí bảo của vương quốc Berun, là chìa khóa phong ấn ma long. Trong Seima Kōseki thì nó lại là viên đá phong ấn ma vương thời cổ đại của Đế quốc Glado. Trong Sōen no Kiseki, Akatsuki no Megami thì nó chí là chiếc mề đay đồng để phong ấn tà thần. Thế giới quan Mọi phiên bản trong series đều mô tả về cuộc chiến giữa các quốc gia, nhưng bối cảnh ở mỗi phiên bản lại khác nhau. Ở Ankoku Ryū to Hikari và Monshō no Nazo thì bối cảnh là đại lục Akania, trong Fire Emblem Gaiden là đại lục Valencia, trong Seisen no Keifu, Thracia 776 là đại lục Jugdral, trong Fūin no tsurugi, Rekka no ken thì đó là đại lục Eleb, trong Seima Kōseki là đại lục Magi Vaul và trong Sōen no Kiseki, Akatsuki no Megami là đại lục Terius. Theo cha đẻ của Fire Emblem, ông Kaga Shōzō thì giữa ba đại lục Akania, Valencia và Jugdral có mối liên hệ với nhau về không. Về thời gian thì vào năm 740 lịch Akania, trong cuộc chiến của thần bảo hộ Narga (trước thời điểm của Monshō no Nazo 1350 năm) thì tư tế Gale từ đại lục Jugdral đã đến Akania uống máu Hắc ám long (lịch Gran năm 440, trước thời điểm của Seisen no Keifu 320 năm) Chủng tộc Về cơ bản, series Fire Emblem xoay quanh cuộc chiến giữa các quốc gia loài người, nhưng đằng sau đó luôn có những chủng tộc phi nhân tồn tại và nằm giữ chìa khóa của game. Một đại diện cho những chủng tộc này là Mamkut (マムクート), tộc nửa người nửa rồng xuất hiện trong nhiều phiên bản của series. Chủng tộc này mang hình hài con người nhưng có năng lực hóa thân thành các loại rồng, và tùy vào phiên bản mà sức mạnh của Mamkut cũng khác nhau (cũng có phiên bản Mamkut không xuất hiện). Trong hai phiên bản Sōen no Kiseki, Akatsuki no Megami thì Mamkut được thay bằng chủng tộc Laguz (ラグズ), cũng có năng lực hóa rồng như Mamkut. Ngoài ra còn có những nhân vật có khả năng hóa chim và thú. Game Play Mỗi màn chơi của Fire Emblem diễn ra trên một map được chia thành từng ô nhỏ, người chơi điều khiển từng Unit thông qua một bảng menu gồm nhiều command như di chuyển, tấn công, sử dụng Item…. Người chơi và máy mỗi bên hành động một lượt thay phiên nhau. Mục đích cũng rất đa dạng, từ việc chiếm thành địch, chiếm ngai vàng ở từng màn cho đến việc tiêu diệt hết quân địch, phòng vệ trong một số lượt (turn) nhất định để qua màn. Ngược lại, nếu nhân vật chính “chết” thì người chơi thua. Từ phiên bản Thracia 776 trở đi thì FE đã có thêm yếu tố mới là người chơi không thể xác nhận bước đi, hành động của quân địch trong những màn có sương mù hay ban đêm. Ở những màn này, người chơi cũng không thể thấy hết toàn thể map mà chỉ thấy được một phần nhỏ quanh vị trí của nhân vật. Hệ thống chiến đấu và nhân vật của FE có những nét tương đồng với những game RPG khác. Mỗi nhân vật được thiết lập mặc định ban đầu ở một class nào đó và các chỉ số năng lực nhất định. Thông qua việc chiến đấu hoặc sử dụng ma thuật hỗ trợ đồng đội, nhân vật nhận được điểm kinh nghiệm (exp), khi điểm này đủ 100 thì nhân vật tăng lên cấp độ (level) mới và các chỉ số năng lực như sức mạnh, phòng ngự… cũng được tăng một cách ngẫu nhiên. Khi đã đạt tới cấp độ nhất định nào đó (khác nhau tùy phiên bản) thì nhân vật có thể Classchange, chuyển sang một loại binh chủng khác mạnh hơn so với binh chủng hiện tại. Classchange là một yếu tố quan trọng trong mọi phiên bản FE. Nó giúp nhân vật trở nên mạnh hơn và đôi khi có thêm những khả năng giải quyết chìa khóa của game. Tuy nhiên cũng có những nhân vật không thể Classchange tồn tại trong FE. Binh chủng và vũ khí FE có rất nhiều loại binh chủng, mỗi loại có những ưu khuyết điểm riêng nhưng nhìn chung, mọi phiên bản đều có binh chủng Lord, kỵ binh, long kỵ binh, giáp trụ, ma đạo sĩ, nữ tu, cung binh, kiếm sĩ… Trong khi các loại binh chủng khác có thể có nhiều nhân vật nhưng riêng binh chủng Lord và một số binh chủng đặc thù như Hắc ám long, Địa long,… thì chỉ có một (hoặc vài, tùy phiên bản) nhân vật duy nhất. Nhân vật chính của game luôn được thiết lập ở binh chủng Lord (Seisen no Keifu có nhân vật chính ở binh chủng Lord Knight). Cách tấn công của các loại binh chủng trong FE thường được chia làm 3 loại như sau: * Tấn công trực tiếp: những loại binh chủng này thường là kỵ binh, kiếm sĩ, giáp binh,…. Đặc điểm của các nhóm binh chủng này là có thể tấn công và phản công trực tiếp khi được đặt ở vị trí tiếp cận đối phương và được trang bị vũ khí để tấn công. * Tấn công gián tiếp: những loại binh chủng này thường là cung binh, cung kỵ binh. Đặc điểm của nhóm binh chủng này là có thể tấn công gián tiếp đối phương. Lợi điểm là không bị đối phương (nếu đối phương thuộc nhóm tấn công trực tiếp) phản đòn nhưng cũng có nhược điểm là không thể phản công khi bị tấn công trực tiếp. * Tấn công trực tiếp và gián tiếp: nhóm binh chủng này thường là các pháp sư, ma đạo sĩ, tư tế… Nhóm này có khả năng tấn công cả trực tiếp và gián tiếp. Mỗi loại vũ khí thông thường trong FE đều có giới hạn số lần sử dụng. Khi chiến đấu, số này giảm xuống và vũ khí sẽ hỏng khi số xuống 0. Vũ khí hỏng mang lại nhiều bất lợi cho nhân vật như lực tấn công xuống thấp, tốc độ tấn công chậm, khó tránh né đòn tấn công của địch… Nhưng các phiên bản FE luôn có những món Item hoặc phương cách để “đại tu” lại những món vũ khí sắp hết “hạn sử dụng”. Bắt đầu từ phiên bản Seisen no Keifu trở đi thì vũ khí trong FE đã có thêm khái niệm “bao búa kéo”. Tức là loại vũ khi A tương khắc vũ khí B, B tương khắc C và C tương khắc A. Các loại sách ma thuật cũng tương tự. Một số loại vũ khí đặc biệt còn được phát huy thêm sức mạnh khi được dùng để tấn công một số binh chủng đặc thù. Cách tính toán Cách tính toán độ sát thương, tần số xuất hiện skill… ở FE khác nhau tùy từng phiên bản. Nhưng có những cách tính cơ bản hầu như không thay đổi như sau: * Chỉ số năng lực của một nhân vật (trừ HP) là tổ hợp gồm chỉ số cơ bản của binh chủng của nhân vật và chỉ số của bản thân nhân vật. * Chỉ số sức mạnh khi tấn công của nhân vật là tổ hợp gồm chỉ số sức mạnh cơ bản của binh chủng + chỉ số sức mạnh cơ bản của nhân vật + chỉ số sức mạnh (uy lực) của vũ khí. Chỉ số phòng ngự cũng được tính theo cách tương tự. * Số HP sát thương do nhân vật gây ra trên đối phương = tổng hợp các chỉ số sức mạnh của nhân vật – tổng hợp các chỉ số phòng ngự của đối phương. Ngoài ra còn nhiều chỉ số khác như tốc độ tấn công, chỉ số tất sát… nhưng cách tính ở mỗi bản lại khác nhau. Tốc độ tấn công ảnh hưởng đến khả năng tấn công nhiều lần trong một ván đấu và khả năng tránh né đòn của nhân vật. Tất sát là khái niệm nhân vật ra đòn mạnh hơn bình thường (thường là gấp 3 lần) và xuất hiện ngẫu nhiên. Tần số xuất hiện tất sát cũng có cách tính của riêng nó, nhưng khác nhau giữa các phiên bản. Kể từ phiên bản Seisen no Keifu trở đi thì FE đã có thêm khái niệm Skill. Mỗi nhân vật đều có một hoặc vài kỹ năng nhất định. Những kỹ năng này có tác dụng hỗ trợ chiến đấu hoặc hỗ trợ đồng đội và chúng đóng một vai trò quan trọng trong chiến thuật của người chơi. Cách tính tần suất phát động Skill cũng có cách tính riêng biệt. Liên kết ngoài Trang chủ Fire Emblem World Fire Emblem tiếng Việt trên Youtube
Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi (ファイアーエムブレム 暗黒竜と光の剣) là một game RPG Simulation và tác phẩm thứ nhất trong series Fire Emblem do Intelligent System phát triển, được hãng Nintendō phát hành vào ngày 20 tháng 04 năm 1990 trên hệ máy Famicom. Từ ngày 20 tháng 10 năm 2009, người chơi có thể chơi được game này thông qua Wii Virtual Console với 500 điểm. Trong bài này sẽ sử dụng từ viết tắt Ankoku Ryū và Shin Ankoku Ryū mà không có cụm từ Fire Emblem ở đầu. Khái yếu Đây là tác phẩm đầu tiên trong series Fire Emblem và là phiên bản xây dựng nên nền tàng cho các phiên bản sau này. Trước thời điểm của Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi thì các nhân vật (Unit) trong những game mô phỏng chiến thuật khác chỉ giống như một quân cờ vô hồn. Nhưng khi Ankoku Ryū ra đời thì nó đã thổi sức sống vào những quân cờ này. Bằng việc cho các nhân vật phe người chơi và một phần phe địch hình khuôn mặt (avatar), Ankoku Ryū đã thành công trong việc khiến người chơi cảm nhận được sự sống của các Unit trong quá trình chơi. Khi nhân vật tử trận, nhân vật đó vĩnh viễn mất đi và không thể tham chiến nữa. Điều này khiến người chơi cảm nhận được sức sống của nhân vật và gia tăng tình cảm giữa họ. Trước thời điểm phát hành thì tại Nhật, giá bán game giảm mạnh, nhưng sau khi Ankoku Ryū được phát hành nửa năm thì nó đã chiếm được tình cảm của một số nhà báo, và trong giới gamer cũng có nhiều sự tuyên truyền miệng với nhau. Đương thời, Ankoku Ryū được quảng bá trên truyền hình nhưng không có một hình ảnh nào về game mà chỉ là một nhóm diễn viên phục trang theo lối kỵ sĩ Châu Âu thời trung cổ, cùng hát bài ca chủ đề của series FE. Thiết kế game là Kaga Shōzō, người được xem là cha đẻ của Fire Emblem, đạo diễn là Terasaki Keisukei, âm nhạc do Banba Yuka, Tanaka Hirokazu phụ trách và giám đốc sản xuất là Yokoi Gumpei. Tham khảo thêm bản remake Monshō no Nazo, Shin Akoku Ryū to Hikari no ken. Tên gọi Tham khảo thêm mục tên gọi trong bài Fire Emblem. Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi thường được dịch sang Anh ngữ là Shadow Dragon and the Blade of Light, dịch sang Việt ngữ là “Hắc ám long và thanh kiếm ánh sáng” (bản dịch Như Thị Ngã Văn, Monshō no Nazo) và “Hắc ám long và quang kiếm” (bản dịch Asm65816, Monshō no Nazo). Tên chính thức của phiên bản này được viết trong tiếng Nhật là 暗黒竜と光の剣, từ剣 có hai cách đọc. Nếu đọc theo âm Hán-Nhật thì sẽ là “ken”, nhưng nếu đọc theo âm thuần Nhật sẽ là “tsurugi” (giống như “kiếm” là Hán-Việt còn “gươm” là thuần Việt). Chính vì vậy nên cả hai cách đọc “Ankoku Ryū to Hikari no ken” và “Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi” đều đúng. Nhưng ở phiên bản này, vì hạn chế ở mặt phần cứng nên toàn bộ chữ và lời thoại trong game chỉ dùng chữ kana mà không dùng Hán tự. Dựa theo lời thoại của một nhân vật trong game thì剣 được đọc là “tsurugi”. Vì vậy có thể nói tên gọi chính thức của phiên bản này là Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi. Nhưng dựa theo lời đọc trong đoạn quảng cáo trên truyền hình của bản remake, 新・暗黒竜と光の剣 được đọc là “Ankoku Ryū to Hikari no ken”. Sau này cũng gặp một trường hợp tương tự. Phiên bản 封印の剣 được đọc là “Fūin no tsurugi” nhưng bản 烈火の剣 lại được đọc là “Rekka no ken” dù cả hai đều có cùng chữ Hán cuối cùng. Nội dung 100 năm sau kể từ cuộc chiến giữa Hắc ám địa long vương Medius và dũng giả Anri, Medius lại hồi sinh và gây chiến loạn khắp đại lục Akania. Vương quốc Aritia do Anri gây dựng đã bị tiêu diệt bởi Đế quốc Dorua do Medius cầm đầu và liên quốc quân. Vương tử Marusu được người chị Elith cứu thoát, lưu lạc đến đảo quốc Taris và ở đó, chàng bắt đầu chiêu mộ binh sĩ chống lại Dorua, giành lại tổ quốc. Thế giới quan Vương quốc Akania (アカネイア王国) Đất nước chủ chốt ở đại lục Akania, có lịch sử lâu đời nhất đại lục nhưng sau bị phân thành 7 vương quốc nhỏ. 100 năm trước thời điểm câu chuyện diễn ra, Akania bị Đế quốc Dorua xâm chiếm, đến thời điểm câu chuyện bắt đầu thì vương đô Pales đã thất thủ. Ngoại trừ vương nữ Nina, toàn bộ vương tộc đều bị xử tử. Vương quốc Aritia (アリティア王国) Đất nước do người hùng Anri, tổ tiên của nhân vật chính Marusu dựng nên. 100 năm trước, quốc vương đầu tiên của Aritia là Anri đã dùng thần kiếm Falcion đánh bại Hắc ám địa long Medius. 100 năm sau, Medius hồi sinh, lãnh đạo binh đoàn Dorua tấn công Aritia. Quốc vương Cornerius mang thần kiếm Falcion nghênh chiến nhưng bị nước đồng minh Gra phản bội, cuối cùng Aritia lâm vào cảnh diệt vong. Vương quốc Orlean (オレルアン王国) Vương quốc ở tận cùng phía Đông Bắc của đại lục. Đất nước này sở hữu vùng thảo nguyên rộng lớn nên được gọi “vương quốc thảo nguyên” và thành thạo mã thuật. Thời điểm bắt đầu câu chuyện, Orlean đã bị Makedonia chiếm lãnh nhưng em trai quốc vương, Hardin bao che cho vương nữ Nina đến đây lánh nạn và khởi nghĩa, tiến hành chiến tranh du kích. Vương quốc Grunia (グルニア王国) Đất nước nằm ở phía Tây Nam của đại lục, nổi danh với binh đoàn hắc kỵ sĩ do Camyu lãnh đạo. Kỵ binh Grunia được xem là tinh nhụê nhất đại lục, nhưng đất nước này vốn có ác cảm với Akania, quốc vương Grunia lại hèn yếu nên vội bắt tay ngay với Dorua để xâm chiếm Akania. Điều này dẫn đến bi kịch của hắc kỵ sĩ Camyu và vương nữ Nina vốn có tình cảm với nhau. Phân vân giữa lòng yêu nước và tình cảm cá nhân, cuối cùng Camyu đã đặt quốc gia lên đầu khiến Nina đau khổ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch của Nina và Hardin và là nội dung chủ yếu của phiên bản remake Fire Emblem Monshō no Nazo. Grunia còn nổi danh với đội chiến xa “mộc mã đội”. Vương quốc Makedonia (マケドニア王国) Đất nước phía Nam của đại lục, sở hữu vùng rừng rậm rộng lớn và nhiều đồi núi, nổi danh với binh đoàn phi long kỵ sĩ tinh nhuệ. Đất nước này là sản địa của loài phi long và thiên mã Pegasus. Makedonia được tiết lộ là do một người nô lệ tên Iote dựng nên trong bộ 2 của bản remake Fire Emblem Monshō no Nazo. Vào thời điểm câu chuyện, vương tử Michel bắt tay với Đế quốc Dorua, xâm chiếm các nước. Nhưng em gái là Minerva phản đối chính sách xâm lược của Michel và bỏ theo quân Aritia. Vương quốc Taris (タリス王国) Taris là hòn đảo nhỏ nối giữa biển đông. Trước thời điểm bắt đầu câu chuyện vài chục năm, một tộc trưởng trong số các bộ tộc trên đảo đã thống nhất đảo, lập nên đất nước này. Vì chưa thành lập được bao lâu nên vương quốc này không có bao nhiêu binh lực và phải dựa hoàn toàn vào lực lượng bị binh đánh thuê để phòng vệ. Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi mở đầu với bối cảnh hải tặc tấn công thành Taris, vương nữ Sida vội đến chỗ Marusu cầu cứu. Vương quốc Gra (グラ王国) Vương quốc giáp phía Đông của Aritia, bắt tay với Đế quốc Dorua, phản bội đồng minh để rồi chuốc lấy diệt vong sau này. Kadain (カダイン) Ma đạo quốc nằm ở phía Tây của đại lục. Đây là đất nước của các ma đạo sĩ với nhiều học viện pháp thuật. Sau khi hắc ám tư tế Garnef cai trị Kadain thì đất nước này đã bắt tay với Đế quốc Dorua. Đế quốc Dorua (ドルーア帝国) Đất nước này là một khu rừng nguyên sinh rộng lớn ở phía Tây Nam của đại lục Akania. Đây là nơi tập hợp của các Mamkut do Địa long vương Medius thống lĩnh. 100 năm trước khi câu chuyện bắt đầu, Medius tấn công Akania nhưng bị người hùng Anri đánh bại. 100 năm sau, Medius hồi sinh và lại tấn công Akania. Kasimia (カシミア国) Một tiểu quốc nằm trong liên bang Akania. Kasimia nối liền với đại lục bằng một cây cầu lớn. Nơi đây có thần điện Rhaman với nhiều châu báu quý giá. Game Play Đây là phiên bản đầu tiên trong series và định hình cho các phiên bản sau. Dưới đây là những yếu tố không có trong các bản sau. * Hệ tăng lữ, nữ tu không nhận được điểm kinh nghiệm (exp) khi sử dụng gậy ma thuật. Nhưng binh chủng này lại nhận được exp khi bị địch tấn công bằng với số điểm exp khi hạ đơn vị địch đó. * Khi level up, một số nhân vật được gia tăng tối đa 4 chỉ số và có khi level, chỉ số tăng là 0%. Ở các bản sau, số này là trên 1%. * Các đơn vị địch không có chỉ số may mắn (LUK) nên hệ vũ khí devil không có tác dụng ngược với địch. Ở bản này và Gaiden thì chỉ số may mắn liên quan với khả năng tránh né ma thuật, nhưng từ Monshō no Nazo trở đi thì chỉ số may mắn liên quan với khả năng tránh đòn tất sát. * Ngoại trừ nhân vật Gato có chỉ số phòng ma thuật (Mdf) 7 thì các nhân vật còn lại đều có Mdf 0. Điều này không được người chơi chấp nhận nên đã được sửa chữa ở bản Monshō no Nazo, khi level up thì nhân vật vẫn có khả năng gia tăng chỉ số Mdf nhưng cơ hội rất thấp. * Cách tính toán các chỉ số trong chiến đấu khác với các bản sau. * Người chơi vẫn có thể di chuyển con trỏ (cursor) trong lượt đi của địch. Yếu tố này bị cắt bỏ ở bản sau. Đến lượt đi của người chơi, màn hình trở nên tối hơn và điều này cũng bị bỏ đi ở bản sau. Ở bản này, nếu nhấn nút đúng khi chuyển từ chương 8 sang chương 9 sẽ làm xuất hiện bug “kagemusha butai” và bug này cũng đã bị xóa trong bản Monshō no Nazo. * Ở bản này, nếu nhân vật lựa chọn command vứt, đổi hay sắp xếp vũ khí thì sẽ hết lượt ngay sau đó. Ở bản sau, sau khi lựa chọn những command này thì nhân vật vẫn tiếp tục hành động được, dù không thể di chuyển tiếp. * Số lượt chơi được hiển thị ở Ankoku Ryū chỉ đến 255, nhưng từ Gaiden trở đi thì số turn là 999. * Ở bản này, nhân vật chỉ có thể trao nhận Item khi đã ra ngoài Map và phải tốn 10G một lượt, chỉ chứa được tối đa 40 món Item nên tốn rất nhiều lượt đi của người chơi. Vì vậy bản Monshō no Nazo đã cải thiện, cho phép chuyển Item vào quân khố với khả năng chứa lớn hơn rất nhiều và không tốn phí. * Ở bản này, nhân vật có thể lựa chọn vũ khí khi vào đấu trường. Nếu đanh chiến đấu mà vũ khí hỏng thì nhân vật sẽ ở trạng thái không thể chống cự cho đến khi hết lượt chiến đấu. Bản sau đã cải thiện điểm này. Và ở bản này, chỉ cần 2 nhân vật trong số 3 chị em Pegasus thay vì phải đủ cả 3 như bản sau. Ngoài ra, Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi còn nhiều điểm dị biệt về thiết kế nhân vật, ngôn từ sử dụng,… so với Monshō no Nazo. Thương phẩm liên quan Thư tịch * Fire Emblem the complete (ファイアーエムブレム・ザ・コンプリート) (NTT xuất bản) Phát hành ngày 20 tháng 5 năm 1996. ISBN 4-87188-822-3. Đây là tập Fanbook về Fire Emblem Ankoku Ryū Hikari no tsurugi, Gaiden và Monshō no Nazo. Sách có nhiều tư liệu về nhân vật, Item, quốc huy các nước trong FE3 và giới thiệu, phỏng vấn các diễn viên lồng tiếng cho Fire Emblem Monshō no Nazo (OVA). Manga Ankoku Ryū được nhiều họa sĩ Manga chọn làm đề tài sáng tác, trong đó có nhiều họa sĩ nữ. Trong số này có tác phẩm của họa sĩ Shinoda Maki gồm 12 cuốn gốc từng được xuất bản tại Việt Nam với cái tên”Bãi biển thần linh”. Chi tiết mục này xin tham khảo bản Wikipedia tiếng Nhật. Tiểu thuyết * Yamaguchi Hiroshi Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi (Futaba, Fantasy novel series) Xuất bản ngày 26 tháng 10 năm 1992. ISBN 4-575-23131-2 * Shinozaki Sami Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi (Enter Brain Famitsū bunko) Xuất bản ngày 20 tháng 10 năm 200. ISBN 4-7577-0190-X Tác giả này còn có tập tiểu thuyết tiếp theo là Fire Emblem Monshō no Nazo. Ngoài ra Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi còn có nhiều CD Soundtrack, Drama CD liên quan. Chi tiết phần này xin tham khảo bản Wikipedia tiếng Nhật.
BS Fire Emblem Akaneia Senki-Wikipedia BS Fire Emblem Akania Senki (BSファイアーエムブレム アカネイア戦記), BS Fire Emblem, chiến ký Akania là một game RPG Simulation được phát sóng qua vệ tinh cho hệ thiết bị ngoại vi nhận tín hiệu của hệ máy Super Famicom là Satellaview. Game được phát sóng từ ngày 29 tháng 9 năm 1997 cho đến ngày 25 tháng 10 năm cùng năm. Game còn được tái phát sóng vào tháng 11 năm 1997 và tháng 4 năm 1999. Cho đến thời điểm hiện tại, người chơi không thể chơi được game này bằng cách bình thường nên nó không được giới thiệu trên trang tổng hợp Fire Emblem World của Nintendō. Vì vậy nhiều khi nó không được xem là một thành viên chính thức trong series Fire Emblem. Khái yếu Akania Senki bao gồm 4 chương được phát sóng qua vệ tinh với bối cảnh là đại lục Akania trước thời điểm câu chuyện trong Ankoku Ryū (bộ 1 của Monshō no Nazo) bắt đầu không bao lâu. Chương 1 và chương 4 liên tục với nhau nhưng chương 2, 3 lại có nội dung độc lập. Giống như hầu hết các game Satellaview đương thời, Akania Senki được lồng tiếng nhân vật và nhạc nền được truyền qua vệ tinh, mang lại cho người chơi cảm giác xác thực như đang có mặt tại hiện trường. Trong vòng 1 giờ chơi, nếu người chơi hạ được địch, lấy được Item trong làng hay trong các hòm châu báu thì sẽ nhận được điểm. Mục đích của người chơi ở đây là tranh điểm cao thấp, đây là yếu tố khác biệt nhất so với các phiên bản còn lại trong series. Akania Senki còn một khác biệt nữa là các trận đánh đều không có cảnh anime chiến đấu mà chỉ là những cảnh ngoài map. Akania Senki được đánh dấu là rẩt khó vì người chơi chỉ có một đội hình nhỏ, phải đối mặt với một lực lượng đối thủ đông đảo và hùng mạnh. Mỗi chương chỉ giới hạn trong vòng 3 giờ đồng hồ. Nếu nhân vật chính chết, người chơi phải bắt đầu lại từ đầu với số thời gian còn lại. Và giống như game online ngày nay, Akania Senki không có kết thúc. Nội dung các chương Chương 1 Pales thất thủ (パレス陥落) Thủ đô Pales phồn vinh của vương quốc Akania đang bị binh đoàn Đế quốc Dorua tấn công và sắp thất thủ. Vương nữ Nina và tư tế Boa được lệnh trốn khỏi Pales nhưng Nina lại bị quân Dorua bao vây… Các nhân vật trong chương này (trong ngoặc là binh chủng) Nina (tư tế) Boa (tư tế) Midia (Paladin) Michelan (Armour Knight) Tomus (Armour Knight) Thomas (Archer) Chương 2 Kỵ sĩ rồng đỏ (赤い竜騎士) Vương nữ Minerva, thủ lãnh của đội bạch kỵ sĩ vương quốc Akania trên đường đến Orlean bỗng phát hiện một nhóm binh sĩ đào ngũ đang cướp bóc một ngôi làng bách tính. Quanh làng có cứ điểm của một long kỵ sĩ Makedonia đồi bại đang bắt giữ gia đình tư tế Frost làm con tin… Các nhân vật trong chương này Minerva (Dragon Knight) Katua (Pegasus Knight) Est (Pegasus Knight) Hardin (Social Knight) Roshe (Social Knight) Wolf (Horse man) Frost (tư tế) Chương 3 Đội đạo tặc chính nghĩa (正義の盗賊団) Vài ngày sau khi vương đô Pales thất thủ trước Dorua, đạo tặc Ricard quyết định đột nhập vào thành Akania để trộm châu báu bất chấp lời khuyên can của nữ tu Lena, người mới quen trên đường đi. Trước lời cầu khẩn thống thiết của Lena, kiếm sĩ Navare chấp nhận làm vệ sĩ cho Lena. Trên đường đi, Ricard gặp thợ săn đảo Taris là Kasim ngất dọc đường. Cứu sống Kasim, cả 4 người cùng quyết định đột nhập Pales. Các nhân vật xuất hiện trong chương này Lena (nữ tu) Ricardo (đạo tặc) Navare (bị binh) Kasim (Hunter) Dice (chiến sĩ) Maris (bị binh) Chương 4 Lúc bắt đầu (始まりのとき) Hai năm sau kể từ khi Pales thất thủ, vương nữ Nina được hắc kỵ sĩ xứ Grunia là Camyu bảo vệ. Biết chuyện, địa long vương Medius đùng đùng nổi giận, phái thuộc hạ đến bắt Nina. Camyu hay tin đã gửi Nina đến vương quốc Orlean nhờ Hardin bảo hộ. Các nhân vật xuất hiện trong chương này Camyu (Paladin) Nina (tư tế) Lobelt (Horseman) Belf (Social Knight) Raiden (Social Knight) Marusu chỉ được nhắc đến qua đoạn hội thoại giữa các nhân vật nhưng không xuất hiện trong game.
Fire Emblem Monshō no Nazo (ファイアーエムブレム 紋章の謎) là một game Simulation RPG do Itelligent Systems phát triển, Nintendō phát hành ngày 21 tháng 1 năm 1994 trên hệ máy Snes. Đây là tác phẩm thứ 3 trong series Fire Emblem, bao gồm 2 bộ. Bộ 1 chính là phần remake của phiên bản đầu tiên, Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi, bộ 2 chính là phần phát triển thêm của bộ 1, kể về cuộc chiến xảy ra sau khi cuộc chiến ở bộ 1 kết thúc. Bộ 1: Ankoku Sensō hen: Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi (phần Chiến tranh hắc ám: Hắc ám long và quang kiếm). Bộ 2: Eiyū Sensō hen: Monshō no Nazo (phần Chiến tranh anh hùng: bí ẩn dấu ấn lửa, còn được dịch là bí ẩn hoa văn lửa trong bản dịch Như Thị Ngã Văn). Từ ngày 26 tháng 12 năm 2006, Monshō no Nazo còn xuất hiện trên Wii Virtual Console. Phiên bản chơi thử của Monshō no Nazo còn xuất hiện trong Super Smash Bros. Brawl (bản tiếng Nhật). Năm 1996, KSS Inc. chế tác bộ Anime Monshō no Nazo (OVA) nhưng đã dừng lại ở con số 2 tập. Nhóm phát triển cho biết họ có ý định làm tiếp phần sau của Ankoku Ryū trên máy Super Famicom ngay sau khi phát hành Fire Emblem Gaiden. Họ muốn các nhân vật cũ xuất hiện lại lần nữa và sẽ hoạt động thống nhất đại lục Akania, hoàn tất chiến sử của đại lục này. Khái yếu Fire Emblem Monshō no Nazo bao gồm 2 bộ. Bộ 1 chính là bản remake của tác phẩm đầu tiên trong series với nội dung xoay quanh cuộc chiến của các anh hùng tập trung dưới lá cờ “dấu ấn lửa” chống lại cái ác đang lan truyền khắp đại lục. Bộ 2 nhắc nhiều đến lịch sử đại lục Akania, nguồn gốc và truyền thuyết của các vương quốc. Người chơi có thể bắt đầu chơi từ bộ 1 hoặc bộ 2. Nếu thỏa mãn một số điều kiện (thuật bên dưới) thì có thể chuyển tiếp sang bộ 2 sau khi kết thúc bộ 1. Vì khả năng phần cứng đã được nâng cao so với trước nên đồ họa ở phiên bản này được cải thiện rất đáng kể so với phiên bản Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi. Độ khó của phiên bản này cũng giảm nhiều so với bản Ankoku Ryū vốn khét tiếng là rất khó, nhưng ngược lại mọi yếu tố đều có sự cân bằng rất tốt. Monshō no Nazo còn được xem là một tác phẩm tiêu biểu trong series Fire Emblem. Phiên bản này đã đem lại cho FE một lượng fan hâm mộ đáng kể, khiến nó trở thành một trong những game được yêu thích nhất mọi thời đại. Monshō no Nazo được yêu thích đến độ chiếm vị trí số 1 của tạp chí Famitsū trong một năm liền và năm 2006, nó là phiên bản Fire Emblem duy nhất lọt vào top 100 game do độc giả tạp chí này bình chọn. Về đồ họa, ban đầu nó được dự định phát triển theo phong cách kịch họa, nhưng cuối cùng lại được phát triển theo phong cách Anime và từ đó định hình luôn phong cách đồ họa cho cả series. Ở phiên bản này, các Unit cưỡi ngựa, phi long buộc phải xuống ngựa khi chiến đấu trong thành, lâu đài. Vì thế phát sinh thêm 2 command xuống và lên ngựa. Monshō no Nazo còn khác Ankoku Ryū ở chỗ người chơi có thể đầu hàng nếu thấy sắp thua trong đấu trường. Monshō no Nazo còn có một cải tiến nữa là người chơi có thể chọn lựa xem cảnh Anime chiến đấu hoặc không xem, từ đó hình thành nên khái niệm chiến đấu ngoài map mà các phiên bản sau đều có. Đây cũng là lần đầu tiên Class con hát xuất hiện. Class này có khả năng hồi phục lượt đi cho các Unit đã hành động. Từ đó về sau, binh chủng này luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến thuật ở các bản sau. Trưởng thiết kế: Kaga Shōzō, cha đẻ của Fire Emblem. Đạo diễn: Terasaki Keisukei, một trong những người khai phá Nintendō. Trưởng lập trình: Narita Tsū, thành viên IS (Intelligent Systems). Đồ họa: Koya Katsuyoshi. Âm nhạc: Yokotsuji Yuka (IS). Sản xuất: Yokoi Gumpei (Nintendō) Nội dung Bộ 1: Chiến tranh hắc ám Bộ 1 của Monshō no Nazo chính là bản remake của Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi, nhưng bản remake này khác với phiên bản Shin Ankoku Ryū to Hikari no ken. Các chương số 4, 9, 13, 18, 21 và các nhân vật shooter, Rifu phe đồng minh trong Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi đã bị xóa đi trong bộ 1 của Monshō no Nazo. Vì thế, nội dung của chương 25 trong phiên bản Ankoku Ryū đã được chuyển thành chương 20, chương cuối cùng của bộ 1. Ngoài ra, bối cảnh đại lục Akania, Fire Emblem và long tộc Mamkut đều có ít nhiều thay đổi. Hệ thống nhân vật cũng có ít nhiều biến đổi, thêm mới so với trước. Tỷ suất gia tăng các chỉ số sức mạnh của nhân vật khi level up cũng gia tăng so với trước. Mặt khác, các chỉ số sức mạnh của phe địch được giảm xuống, người chơi có thể đầu hàng nếu thấy sắp thua trong đấu trường nên nhìn chung, Monshō no Nazo được đánh giá là dễ hơn so với Ankoku Ryū. Ở bộ 1, nếu người chơi có đầy đủ các nhân vật trong đội hình và không để chết bất cứ thành viên nào thì sau khi kết thúc chương 20 sẽ tự động chuyển sang bộ 2. Tuy nhiên, các chỉ số nhân vật đã xuất hiện ở bộ 1 không được giữ nguyên khi chuyển sang bộ 2 mà tất cả đều được reset lại theo mặc định của bộ 2. Nội dung của bộ 1 không khác gì so với nội dung của Ankoku Ryū ngoại trừ một số thay đổi trong cách gọi tên quốc gia và có giải thích thêm nguồn gốc, truyền thuyết của các nước ở bộ 2, thêm tên tuổi một số nhân vật không tên trong Ankoku Ryū. Chẳng hạn, vương quốc Akania được gọi là “thánh vương quốc Akania”, đất nước được thần linh bảo hộ trong Monshō no Nazo; quốc vương đảo Taris giờ đã có tên là Mostin, quốc vương Akania đời thứ nhất là Adra;… Bộ 2: Chiến tranh anh hùng Một phần lớn nhân vật từng xuất hiện ở bộ 1 cũng xuất hiện ở bộ 2. Tuy nhiên, mức độ khó của bộ 2 cao hơn so với bộ 1 và ở bộ này, quân đồng minh không có nhân vật nào sử dụng búa rìu như bộ 1, đây cũng là lần đầu tiên binh chủng con hát xuất hiện. Số lượng Item, vũ khí có thể lấy được ở bộ này cũng nhiều hơn, những món Item đặc thù như ngọc sinh mạng, ngọc hắc ám cũng lần lượt được giải thích và xuất hiện ở bộ 2. Giống như bộ 1, bộ 2 cũng bao gồm 20 chương nhưng nếu thỏa mãn được điều kiện nhất định (có ngọc ánh sáng và ngọc tinh tú) thì sẽ xuất hiện thêm 2 chương mới. Do đó kết thúc cũng khác nhau tùy thuộc vào việc có thỏa mãn điều kiện nên trên hay không. Nếu người chơi hoàn thành bộ 1 với đầy đủ quân số sẽ được chuyển tiếp sang bộ 2, sau khi hoàn thành bộ 2 sẽ xuất hiện niên biểu của đại lục Akania. Nội dung bộ 2 xoay quanh việc các nữ tu mang dòng máu cao quý của các vương gia mất tích. Mở đầu bằng việc Hoàng đế Hardin sau khi lên ngôi đã lệnh cho Aritia xuất binh chinh phạt Grunia, bộ 2 dần dần tiết lộ nhiều bí mật khủng khiếp liên quan đến Hardin và ngọc bóng tối, tư tế Garnef. Nếu thỏa mãn điều kiện người chơi có được ngọc ánh sáng và ngọc bóng tối, sau khi đánh bại Hardin ở chương 20 thì 2 chương cuối cùng sẽ xuất hiện. Hoàn thành 2 chương này mới được xem là kết thúc thực của game. Game Play So với Ankoku Ryū, Monshō no Nazo có nhiều điểm dị biệt. Đầu tiên, nhiều loại binh chủng đã trở thành Class chuyên dụng của địch và tên gọi cũng được thay đổi. Monshō no Nazo còn có thêm một số Class mới so với phiên bản trước. Thay đổi lớn nhất ở mặt binh chủng chính là việc kỵ binh không thể cưỡi ngựa chiến đấu trong thành như trước nữa. Thay vào đó, hệ kỵ sĩ sẽ có thêm command xuống và lên ngựa. Khi cưỡi ngựa, các binh chủng này sử dụng giáo, khi bỏ ngựa chỉ dùng được kiếm như bị binh. Hệ giáp trụ hạ cấp (Armour Knight) không thể dùng kiếm như trước mà chỉ trang bị được giáo, thay vào đó là khả năng Class change sang hệ giáp trụ thượng cấp (General). Hệ tăng lữ bị bãi bỏ, thay vào đó là hệ nữ tu (Sister) có cùng chức năng nhưng giờ có thể nhận được điểm exp khi dùng gậy phép hỗ trợ. Long thạch của Mamkut cũng xuất hiện giới hạn số lần sử dụng, không còn vô hạn như trước. Thuật ngữ Falcion (ファルシオン) Thần kiếm chỉ mình vương tử Marusu sử dụng được. Narga, vị vua của thần long tộc vì muốn bảo vệ loài người khỏi sự đe dọa của các chủng tộc rồng khác nên đã nhổ chiếc răng của mình làm thành vũ khí. Falcion là món vũ khí duy nhất gây thương tích lớn đối với Hắc ám long. Tên gọi này bắt nguồn từ Falchion, một loại kiếm to bản của người Normal sử dụng từ thế kỷ 11~16. Mamkut (マムクート) Long tộc, từng là thành phần ưu tú nhất, xây dựng nền văn minh rực rỡ nhất đại lục. Sau long tộc bắt đầu suy thoái, để đối phó với tình trạng này, một phần đã chọn cách phong ấn sức mạnh hóa rồng của mình vào những viên long thạch. Nhưng số khác lại phản đối cách này và cuối cùng đã hoàn toàn mất hết lý tính, biến thành dã long hung bạo. Long tộc gồm có các bộ tộc: hỏa long, băng long, phi long, ma long, địa long và thần long. Fire Emblem Chiếc khiên chạm trỗ hoa văn lửa, vật gia bảo của vương gia Akania. Fire Emblem vốn là chiếc khiên phong ấn được cất giữ ở thần điện Rhaman, sau bị đạo tặc Adra lấy trộm rồi thay đổi hình dạng. Thư tịch, thương phẩm liên quan * ALL OF EIRE EMBLEM ファイアーエムブレム~紋章の謎~のすべて (Monshō no Nazo~no subete): tập fanbook bao gồm hướng dẫn trò chơi, chân dung nhân vật, lời thoại trong game… * Fire Emblem The Complete (ファイアーエムブレム・ザ・コンプリート): tập fanbook về FE Ankoku Ryū, FE Gaiden và Monshō no Nazo. * Anime: Fire Emblem Monshō no Nazo (OVA) * Manga Fire Emblem Monshō no Nazo của tác giả Yamaguchi Seira, 1 quyển, Kōdansha xuất bản ngày 1 tháng 12 năm 1994. ISBN 4-06-319464-7 Fire Emblem Monshō no Nazo của tác giả Nanatsuki Kyōichi, Katsu Aki vẽ tranh, đăng liên tục trên tạp chí Shūkan Shōnen Sunday từ số tháng 1~ tháng 2 năm 1994. * Tiểu thuyết, game book Fire Emblem Monshō no Nazo của tác giả Takayashiki Hideo, 4 vol, Shōgakukan xuất bản từ năm 1994~1996. Fire Emblem Monshō no Nazo của tác giả Shinosaki Sami, 2 quyển, Enter Brain, Famitsū bunko xuất bản năm 2000, 2001. Game book: Fire Emblem Monshō no Nazo do Enix bunko xuất bản ngày 10-10-1995. * Sound Track: Fire Emblem Monshō no Nazo Sound Memorium (Pony Canyon), phát hành 28-2-1994. Soạn nhạc: Tsujiyoko Yuka, biên tập: Itō Yoshiyuki, Tsujiyoko Yuka. FIRE EMBLEM THE BEST 2 (Polystar, phát hành 25-4-1997. * Nhạc phổ Fire Emblem Monshō no Nazo tanoshii Baieru heiyō, phát hành tháng 11-1994. Fire Emblem TCG (Trading Card Game) do NTT Shuppan phát hành. * Thực phẩm Kẹo dẻo Fire Emblem Monshō no Nazo của hãng Nagasakiya. * Tượng Capsule Figure Fire Emblem Monshō no Nazo của hãng đồ chơi Yūjin. Blog Fire Emblem: http://asm65816.blogspot.com
Fire Emblem Seisen no Keifu (tiếng Nhật: ファイアーエムブレム 聖戦の系譜) là phiên bản game thứ 4 trong series game chiến thuật Fire Emblem được hãng Nintendō phát hành vào ngày 14 tháng 5 năm 1996. Tên game có nghĩa là "phả hệ của cuộc thánh chiến". Đây là phiên bản Fire Emblem thứ hai trên hệ máy Snes và cũng là game Fire Emblem cuối cùng của Yokoi Gumpei. Game này còn được cung cấp qua Wii Virtual Console ngày 30 tháng 01 năm 2007. Fire Emblem Seisen no Keifu thường được gọi tắt là FE4 trong cộng đồng gamer. Menu của Fire Emblem Seisen no Keifu Khái yếu Seisen no Keifu (từ nay sẽ gọi tắt là Seisen) là tác phẩm thứ 4 trong series Fire Emblem (từ nay sẽ gọi tắt là FE) với thế giới quan hoàn toàn khác hẳn so với các phiên bản trước. Bối cảnh của game là đại lục Jugdrall, nơi diễn ra cuộc chiến tranh được gọi là "thánh chiến" và truyền thuyết về các thánh chiến sĩ mang lại hòa bình và hậu thân của họ. Giống với phiên bản trước là Monshō no Nazo, Seisen cũng được cấu thành gồm hai phần nhưng Seisen đi sâu vào quan hệ giữa các quốc gia trong đại lục. Nó nhấn mạnh vào các cuộc chiến giữa các nước, đề cập tới khía cạnh một mặt thì mong muốn hòa bình cho đất nước mình nhưng mặt khác lại tiến hành xâm lược tha quốc. Một đặc trưng của Seisen là nó xoáy sâu vào các bi kịch được triển khai từ chiến tranh. Theo nhà phát triển thì ý đồ của họ là "muốn truyền đạt những nỗi đau của chiến tranh" đến người chơi thông qua câu chuyện của Seisen. Một đặc điểm nữa là Fire Emblem, vật tượng trưng đã trở thành thương hiệu của series game này đã không còn giữ vị trí quan trọng như trong các phiên bản trước nữa. Nếu trước đây "dấu ấn lửa" luôn giữ vai trò chìa khóa quan trọng để giải quyết vấn đề thì trong Seisen, nó chỉ là gia huy của một nhà công tước mà thôi. Vì vậy nó không liên hệ mật thiết đến cốt truyện mà chỉ xuất hiện khá mờ nhạt. Về mặt gameplay thì Seisen có nhiều đổi mới đáng kể để các phiên bản sau kế thừa, chẳng hạn như hệ thống skill (kỹ năng), yếu tố "bao-búa-kéo" giữa các loại vũ khí, khả năng tiếp tục di chuyển của kỵ binh sau khi hành động. Mặt khác Seisen còn có nhiều yếu tố độc đáo của riêng nó như bản đồ rộng, hệ thống luyến ái giữa các nhân vật, cách tính tần số, độ thành thạo vũ khí,... Theo tiến triển của câu chuyện, trong quá trình chơi, giữa các nhân vật sẽ nảy sinh tình cảm luyến ái và đưa đến hôn nhân để cho ra đời thế hệ sau. Tùy vào cách "ghép cặp" của người chơi mà các nhân vật ở thế hệ sau sẽ thay đổi khác nhau. Đây là một điều làm nên sức hấp dẫn độc đáo của Seisen, đến nỗi đã hơn 10 năm kể từ ngày phát hành, nó vẫn được rất nhiều người chơi hâm mộ và chơi đi chơi lại cho đến tận ngày nay, bởi lẽ mỗi lần chơi là mỗi lần trải nghiệm khác nhau. Tên các nhân vật chủ yếu và các Item truyền thuyết trong game đều bắt nguồn từ thần thoại Bắc Âu, bên cạnh đó các địa danh trong game cũng ít nhiều liên quan đến địa danh, thần thoại các nước trong thực tế. Thiết kế chính (Game designer): Kaga Shōzō Super Adviser: Terasaki Keisuke Chief Conductor: Narita Tsū Âm nhạc: Yokotsuji Yuka Nội dung Năm 440 lịch Gran, Hắc ám thần Loputousu giáng lâm vào đại tư giáo Gale. Ông ta thành lập nên giáo đoàn hắc ám Loputo tôn sùng Hắc ám thần Loputousu. Năm 447, xảy ra loạn thập nhị ma tướng, nước cộng hòa Gran diệt vong và Đế quốc Loputo được thành lập. Đế quốc Loputo săn lùng trẻ con, sát hại dân lành, gieo rắc sự hoảng sợ khắp nơi. Trong bối cảnh đó, vào năm 553, người em trai của Hoàng đế Loputo là Hoàng thân Maira đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, kêu gọi lật đổ Loputo ở khắp nơi. Cuộc phản loạn bành trướng với quy mô lớn nhưng rồi đội quân giải phóng bị dồn đến chân tuyệt vọng, cuối cùng co cụm trong đồn Darna. Lúc đó "thần linh" giáng lâm vào 12 chiến sĩ quân giải phóng trong đồn, và thế là 12 thánh chiến sĩ huyền thoại đản sinh vào năm 632, lịch Gran. Cảnh mở đầu của Fire Emblem Seisen no Keifu Được 12 thánh chiến sĩ giúp sức, đội quân giải phóng bắt đầu cuộc thánh chiến lật đổ Đế quốc Loputo vào năm sau. Năm 648, 15 năm sau đó, họ đã tiêu diệt được Đế quốc Loputo. Thập nhị thánh chiến sĩ anh hùng tản mác đi khắp nơi, họ gây dựng nên bảy công quốc hợp thành đại vương quốc Granbell và năm vương quốc lân bang. Sau đó khoảng trăm năm, vào năm 757, xảy ra việc vương quốc Isaac ở phương Đông nổi loạn. Trong khi vương quốc Granbell gửi binh đi trấn áp Isaac thì bất ngờ nước láng giềng Verdane đột phá đường biên giới, bắt công nương Edin thuộc công quốc Junvy. Công tử Sigurd được cha là Bairon giao cho trấn thủ thành Chalphy khi viễn chinh phạt Isaac. Đứng trước nguy cơ đất nước bị Verdane tấn công, Sigurd đã quyết định xuất binh. Và lúc này, không một ai biết trước rằng trận đánh này sẽ mở màn cho những bi kịch xảy ra sau đó... Gameplay Bản đồ chiến đấu rộng lớn Toàn bộ game được chia thành 12 màn, con số quá ít so với các phiên bản trước. Tuy nhiên, mỗi một màn của Seisen lại rất rộng lớn và được chia thành nhiều "phân cảnh" nhỏ. Khác với các phiên bản khác, Seisen không có màn nào chiến đấu trong thành và toàn bộ đơn vị đều được phép xuất kích trong map thay vì bị hạn chế số lượng như ở phiên bản khác. Giống như các phiên bản khác, điều kiện thắng lợi trong Seisen là chiếm được cứ điểm của quân địch. Nhưng không dễ dàng như vậy. Đầu tiên, người chơi chỉ có thể di chuyển trong một phần nhỏ của toàn bản đồ. Sau khi chiếm được thành của quân địch trong phần lãnh địa đó thì sẽ có các event làm xuất hiện thêm đường đi mới, quân địch mới và phạm vi hành động của người chơi cũng được mở rộng. Game cho phép người chơi save ở đầu mỗi Turn trong từng màn. Hệ thống skill Ngoài các thông số như sức mạnh, tốc độ ra thì các nhân vật trong Seisen còn có hệ thống skill ảnh hưởng tới năng lực của họ. Skill được phân làm hai loại là skill binh chủng và skill cá nhân. Skill binh chủng là đặc thù của từng loại class và bất cứ nhân vật nào ở class đó cũng đều có được skill tương ứng. Skill cá nhân là riêng biệt của từng đơn vị và được di truyền theo huyết thống. Hệ thống skill là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tính chiến thuật và cục diện của trận đánh. Và khác với trước, trong Seisen nếu nhân vật không có skill "Hissatsu" (tất sát) thì sẽ không ra đòn đánh tất sát được. Đòn tất sát gây thương tích gấp 2 thay vì gấp 3 như các phiên bản trước. Ngoài ra đòn đánh tất sát còn phát động ngẫu nhiên khi các nhân vật có quan hệ huyết thống, luyến ái đứng cạnh nhau hoặc khi độ thành thạo vũ khí lên cao và khi sử dụng vũ khí đặc thù. Quan hệ bao-búa-kéo Lần đầu tiên trong series, quan hệ bao búa kéo xuất hiện ở Seisen và trở thành một trong những yếu tố chuẩn để các phiên bản sau noi theo. Quan hệ bao búa kéo tức là tính tương sinh, tương khắc giữa các loại vũ khí. Chẳng hạn, kiếm sẽ hữu lợi khi đối với rìu nhưng lại bất lợi khi đối với trường thương. Trường thương sẽ lợi khi đối với kiếm nhưng bất lợi đối với rìu. Các loại ma pháp cũng tuân theo quy tắc tương tự. Thuộc tính hỏa mạnh hơn thuộc tính phong nhưng lại bị thuộc tính lôi khắc chế, lôi khắc hỏa nhưng lại bị phong chế ngự. Đây là lần đầu tiên hệ thống tương sinh tương khắc được áp dụng nên nó vẫn còn nhiều sai sót. Đến phiên bản sau thì hệ thống này mới được cải thiện dần. Quan hệ tương sinh tương khắc của vũ khí, ma pháp chỉ ảnh hưởng đến phần trăm đánh trúng và né đòn của nhân vật mang chúng mà thôi. Binh chủng Về binh chủng (class) thì Seisen kế thừa các ưu điểm của các phiên bản trước. Về cơ bản thì vẫn giữ nguyên nhưng nó còn thêm vào một số yếu tố đặc trưng. Sau khi class change, nhân vật sẽ nhận được nhiều lợi điểm như gia tăng chỉ số sức mạnh, phạm vi di chuyển được mở rộng, khả năng sử dụng vũ khí được cải thiện,... Trong Seisen, ngoài class Dancer (con hát) thì toàn bộ nhân vật đều có thể class change được. Tuy nhiên, khác với trước, sau khi class change thì nhân vật không bị reset level mà vẫn giữ mức level như cũ. Giới hạn level là 30. Mỗi một class trong Seisen đều có khả năng sử dụng vũ khí cố định. Ngoài việc class change sang class khác và bị ảnh hưởng bởi dòng máu thánh thì không còn cách nào khác để nhân vật cải thiện được khả năng sử dụng vũ khí. Hai thế hệ, hai câu chuyện Điểm quan trọng nhất của Seisen chính là hai thế hệ cấu thành nên câu chuyện của nó. Hầu hết các nhân vật xuất hiện trong đời trước sẽ không xuất hiện ở đời sau (trừ nhân vật Fin) và người chơi sẽ điều khiển đội quân gồm con cái của họ ở nửa sau. Trong quá trình chơi, nếu hai nhân vật nam và nữ đứng cạnh nhau trong nhiều lượt thì độ luyến ái của họ tăng cao và cuối cùng trở thành tình nhân của nhau. Khi đã có quan hệ luyến ái thì nếu nếu hai nhân vật này đứng cạnh nhau, lực tấn công của họ được gia tăng thành đòn tất sát. Ngoài ra còn xuất hiện thêm command tặng tiền bạc cho người tình. Ở nửa sau của game sẽ xuất hiện các nhân vật con cái của các nhân vật nữ trong nữa trước. Thông số sức mạnh, skill của nhân vật đời con sẽ biến động phụ thuộc vào nhân vật cha. Do vậy, việc lựa chọn đối tượng để ghép cặp với các nhân vật nữ ở nửa trước là nhân tố quan trọng quyết định đời sau sẽ gặp thuận lợi hay khó khăn. Nhân vật cha còn truyền lại vũ khí, tiền và phần trăm gia tăng sức mạnh khi level up cho nhân vật con. Nếu nhân vật nữ ở đời trước không "kết hôn" (không yêu đương, hoặc chết giữa chừng) thì đời sau sẽ không xuất hiện con cái của họ. Thay vào đó là các nhân vật thay thế không rõ lai lịch. Những nhân vật này thường được gọi là "nhân vật bình dân" và chịu nhiều thiệt thòi hơn các nhân vật do nhân vật nữ đời trước sinh ra. Nhân vật thay thế có chỉ số sức mạnh yếu hơn, phần trăm gia tăng khi level up cũng kém hơn và thường là không có skill tốt. Nhưng Seisen cũng có các event hội thoại giúp nhân vật thay thế gia tăng sức mạnh. Ngoài ra, nếu hai nhân vật yêu nhau, khi trở về thành chính sẽ xuất hiện event hội thoại chào đón. Event này thay đổi tùy thuộc vào nhân vật nam hay nữ về thành trước. Một điểm khác với những phiên bản trước là mỗi nhân vật sở hữu một "ngân khố" riêng thay vì dùng chung tiền như trước. Ngoài ra, nhân vật cũng không thể trực tiếp trao Item cho nhau được mà phải thông qua cửa hiệu trung gian trong thành chính. Nếu muốn nhân vật A trao món đồ B của mình cho nhân vật C thì A phải bán B cho cửa hiệu và C phải mua lại nó từ hiệu. Trong thành chính còn có cửa hiệu sửa chữa vũ khí hỏng (dùng tiền). Hệ thống này đòi hỏi người chơi phải khéo léo vận dụng mọi yếu tố để kiếm được tiền, mua sắm đồ trang bị. Ở phiên bản này, gậy Valkyrie hồi sinh người chết có thể được sửa chữa sau khi dùng nếu có đủ tiền. Vì vậy chỉ cần đảm bảo được hai yếu tố là người sử dụng (người thừa kế) và tiền bạc là có thể hồi sinh cho nhiều nhân vật. Các cửa hiệu cũng không nằm rải rác trong các màn như trước mà tập trung tại thành chính ở mỗi màn. Người chơi giao tiếp với các cửa hiệu này thông qua command trên màn hình. Ngoài ra, đấu trường trong Seisen cũng khác các bản game trước là nếu nhân vật bị đánh, mức HP còn 0 thì sẽ không "chết" mà được hồi phục HP còn 1 và bị đuổi ra khỏi đấu trường. Đối thủ xuất hiện trong đấu trường không ngẫu nhiên mà cố định theo một trình tự được sắp xếp sẵn. Mỗi nhân vật chỉ được chiến đấu với 7 đối thủ trong đấu trường ở mỗi màn. Sau khi chiến thắng hết số này thì nhân vật đó không còn tham gia đấu trường của màn đó được nữa. Nếu điều kiện thất bại của các bản trước là nhân vật chính bị tấn công với mức HP xuống 0 thì Seisen còn có thêm một điều kiện nữa. Đó là khi thành chính bị quân địch chiếm được. Do đó ở bản này, người chơi còn có command cho nhân vật trấn thủ thành. Loạn số Mọi hành động, tỉ lệ phần trăm trong Seisen được được chi phối bởi loạn số (dãy số ngẫu nhiên). Cùng một save data, dù cho có reset game nhiều lần nhưng thực hiện cùng một thao tác thì kết quả sẽ không bao giờ thay đổi. Ngược lại, cùng một save data nhưng chỉ cần reset game và thực hiện thao tác khác thì kết quả sẽ khác. Tính chất này được người chơi lợi dụng trong việc "luyện quân" và tránh tình huống bất lợi. Ở các game RPG khác thì người chơi thường reset game cho đến khi nào đạt kết quả mong muốn. Thế giới quan Bối cảnh của Seisen là đại lục Jugdrall được cấu thành bởi các quốc gia sau đây (thời điểm bắt đầu câu chuyện): Vương quốc Granbell (グランベル王国) Vương quốc hùng mạnh nhất đại lục, được hình thành bởi vương gia Barhara (con cháu của thánh giả Heim, sở hữu pháp thuật ánh sáng Narga), công quốc :Verthomer (con cháu của thánh chiến sĩ Fala), công quốc Edda (dòng dõi của :đại tư giáo Blagi), công quốc Freege (dòng dõi thánh chiến sĩ Tordo), công :quốc Chalphy (dòng dõi thánh kỵ sĩ Baldo), công quốc Dozul (dòng dõi thánh :chiến sĩ Neir) và công quốc Jungvy (dòng dõi thánh chiến sĩ Ulur). Liên hợp vương quốc Agustria (アグストリア諸公連合) Là đất nước của các kỵ sĩ ở phía Tây của đại lục Jugdrall. Minh chủ của khối :liên hợp này là vương gia Agusty, trực hệ của hắc kỵ sĩ Hezul. Tuy nhiên trong :số các con cái của Agusty thì ấn thánh Hezul xuất hiện ở cô con gái út, và cô :này về làm dâu nhà Nodion kể dưới đây. Từ đó trở đi, Agusty trao ma kiếm :Mistoltin cho vương quốc Nodion với điều kiện Nodion phải tận trung với Agusty. Vương quốc Nodion (ノディオン王国) Vương gia Nodion là một trong số các chư hầu hợp thành liên hợp vương quốc Agustria. Quốc vương là Eltoshan, hậu duệ của hắc kỵ sĩ Hezul, sử ma kiếm Mistoltin và thề tận trung với Agustria. Ngoài Nodion ra thì còn có các tiểu vương quốc khác hợp thành khối liên hợp Agustria như Anphony, Mackily, :Madino và Heirein. Vương quốc Manster (レンスター王国) Vương quốc phân chia bán đảo Thracia ở phía Đông Nam đại lục thành hai phần. Trong quá khứ, vùng đất này nằm dưới sự cai trị hà khắc của con cái của thánh chiến sĩ Dain. Sau đó, dòng dõi thánh chiến sĩ Nova đã lãnh đạo chư hầu đứng lên khởi nghĩa. Vương gia Lenster thừa kế địa thương của thánh chiến sĩ Nova. Vương quốc Thracia (トラキア王国) Vương quốc phía Nam bán đảo Thracia. Địa hình phần lớn là đồi núi hiểm trở, đất đai nghèo nàn nên không thể canh tác mà sống dựa vào việc đánh thuê. Vương gia Thracia thừa hưởng thiên thương của thánh chiến sĩ Dain. Thracia còn là sản địa của loài phi long, sở hữu đội phi long kỵ sĩ hùng mạnh nhất nhì đại lục. Vương quốc Silesia (シレジア王国) Vương quốc nằm ở phía Bắc đại lục, được phong ma chiến sĩ Sety trong số 12 thánh chiến sĩ xây dựng. Đất nước này được tuyết phủ quanh năm và là sản địa của loài thiên mã (Pegasus), quê hương của các phong ma đạo sĩ. Vương gia Silesia thừa kế pháp thuật gió Pholsety. Vương quốc Isaac (イザーク王国) Đất nước của dân du mục nằm ở phía Đông Bắc đại lục Jugdrall. Vương gia Isaac thừa hưởng thần kiếm Balmunk từ thánh chiến sĩ Ordo. Đây còn là nơi sản sinh ra lực lượng kiếm sĩ với tốc độ và kỹ năng bạt quần. Vương quốc Verdane (ヴェルダン王国) Đất nước được rừng rậm và ao hồ bao phủ, nằm ở phía Tây Nam đại lục. Quân đội của vương quốc này được cấu thành bởi lực lượng sơn tặc và các bộ tộc man di. Đất nước này bị khinh miệt như là mọi rợ trong game. Đế quốc Loputo (ロプト帝国) Thời điểm bắt đầu game thì Đế quốc này không còn tồn tại. Mấy trăm năm trước, đại tư giáo Gale vượt biển sang đại lục Akania (bối cảnh trong Monshō no Nazo), ký giao kết với Hắc ám thần Loputousu rồi dùng sức mạnh đó chinh phục đại lục Jugdrall, dựng nên Đế quốc Loputo. Sau Đế quốc này bị Hoàng thân Maira lãnh đạo chư hầu tiêu diệt. Tuy nhiên dòng máu của Hắc ám thần vẫn được di truyền trong các con cháu của Maira và đây là nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch sau này. Thần linh Thập nhị thánh chiến sĩ Đây là 12 chiến sĩ được thần linh giáng lâm trong cuộc thánh chiến chống Đế quốc Loputo lần trước. Sức mạnh của họ được di truyền cho đứa con trực hệ và trên cơ thể đứa con này sẽ xuất hiện dấu ấn thánh. Thánh giả Heim Lão nhân lãnh đạo đội quân giải phóng, sử dụng pháp thuật ánh sáng Narga. Sau cuộc chiến, Heim gây dựng nên vương quốc Granbell. Thánh kỵ sĩ Baldo Nam kỵ sĩ sử dụng thánh kiếm Tyrfing. Sau trở thành chủ công quốc Chalphy. Chiến sĩ ma thuật Fala Nữ ma thuật sĩ sử dụng ma thuật lửa Fala Flame. Sau thành chủ công quốc Verthomer. Kỵ sĩ ma thuật Tordo Nam kỵ sĩ sử pháp thuật sấm sét Thor Hammer. Sau thành chủ công quốc Freege. Đại tư tế Blagi Nhân vật sử dụng gậy phép thuật hồi sinh Valkyrie. Sau thành chủ công quốc :Edda. Cung chiến sĩ Ulur Nữ chiến binh sử cung thần Ichiival. Sau thành chủ công quốc Jungvy. Phủ chiến sĩ Neir Chiến binh dụng búa thần Swanchika. Sau thành chủ công quốc Dozul. Long kỵ sĩ Dain Nam kỵ sĩ sử thiên thương Gungnir. Sau cuộc chiến, Dain gây dựng nên vương quốc Thracia. Thương kỵ sĩ Nova Em gái của long kỵ sĩ Dain, dụng địa thương Geyborg. Phong ma đạo sĩ Sety Chiến sĩ ma pháp dụng pháp thuật gió Pholsety. Khai tổ của vương quốc Silesia sau này. Thánh kiếm sĩ Ordo Nam kiếm sĩ dụng thần kiếm Balmunk. Sau gây dựng nên đất nước Isaac. Thập nhị ma tướng Đây là nhóm chiến binh bí ẩn từ đời đại tư giáo Gale, được Yurius hồi sinh. Tên của 12 ma tướng này đều là tên Đức và còn xuất hiện trong Thracia 776 và Shin Ankoku Ryū. Theo tiểu thuyết FE thì đây là nhóm chiến binh trẻ hiếu chiến do Gale tập hợp được. Cổ đại long tộc Là long tộc từng xuất hiện ở phiên bản trước, sinh sống khắp đại lục Akania. Long tộc gồm có thần long, địa long, hỏa long... và xây dựng nên xã hội văn minh mà trí lực của loài người không sao bì kịp. Trong Seisen, long tộc ban cho loài người sức mạnh của mình thông qua các loại vũ khí và dòng máu của mình. Loputousu Vào thời kỳ cuối cùng của nền văn minh cực thịnh của Long tộc ở đại lục Akania, thần long vương Narga bắt đầu thuyết phục bộ tộc của mình rằng thời đại của loài rồng đã suy thoái, chuẩn bị nhường chỗ cho loài người. Tuy nhiên, trong số cổ đại long có các thành phần bám víu vào vinh quang cũ và không tin lời Narga. Loputousu là một trong số đó. Trong lúc địa long tộc ra :sức mạt sát loài người thì đại tư giáo Gale ở đại lục Jugdrall tin vào truyền thuyết long tộc cổ đại, lặn lội tìm đến Akania, uống máu kết giao với Loputousu. Loputousu ban cho Galo hắc thánh thư chứa oán niệm của mình đối với nhân loại. Khi chạm vào, oán niệm được giải phóng và tinh thần của kẻ sở hữu sách thánh bị chi phối hoàn toàn, trở thành Loputousu thứ hai. Nói cách khác, Loputousu đã thành công trong việc lợi dụng Gale để gieo rắc tai họa cho loài người kể cả sau khi chết. Narga Vua của thần long tộc, loài mạnh nhất trong số cổ đại long tộc. Sau khi biết được vận mệnh không thể tránh khỏi của long tộc, Narga ra sức thuyết giảng tộc của mình nhường chỗ cho một loại chúng sinh mới và từ đó xảy ra đối lập với địa long tộc. Khi biết được Loputousu đã vươn tay ra khỏi đại lục Akania, Narga dẫn theo 11 long tộc khác gồm Mistoltin, Pholsety, Salamander... đến đại lục Jugdrall, ban cho 12 chiến sĩ quân giải phóng trong đồn Darna sức mạnh của mình. Sức mạnh của Narga được truyền thụ cho thánh giả Heim, người lãnh đạo đội quân giải phóng. Và đúng như Narga lo sợ, giao kết máu giữa long tộc với con người đã gây nhiều xáo trộn trong xã hội loài người sau này. Các vị thần khác Đó là đối tượng được tôn bái ở đại lục Jugdrall, gồm các vị thần được tín ngưỡng từ trước khi 12 thánh chiến sĩ xuất hiện. Những người sinh thời được gọi là anh hùng thì sau khi chết cũng được thần cách hóa vào hàng ngũ những vị thần mới. Yurdo (Gran) Thiên không thần, vị thần tối cao trong số các thần linh dựng nước. Tên của vị thần này bắt nguồn từ tên quốc gia đầu tiên của đại lục Jugdrall. Thập nhị sứ đồ Các vị thần mới nhất trong số các thần linh. Thập nhị sứ đồ còn được gọi là thần bảo hộ và võ thần. Các anh hùng trong cuộc chiến lần trước được thần cách hóa và gia nhập hàng ngũ này. Thánh chiến sĩ Blagi trong số thập nhị thánh chiến sĩ được gọi là thần cai quản sinh mệnh và vận mệnh, được tính vào trong số này. Tuy nhiên, game không nói rõ là thập nhị sứ đồ có đồng nhất với thập nhị thần tướng hay không. Vũ khí truyền thuyết Là 12 món vũ khí thần được long tộc ban cho 12 chiến sĩ quân giải phóng. Năm 632, lịch Gran, quân giải phóng bị Đế quốc Gran dồn vào đồn Darna. Lúc đó, thần linh (long tộc) giáng lâm vào 12 chiến sĩ trong đồn, ký huyết giao với họ và ban cho 12 món vũ khí. Những món vũ khí này chứa sức mạnh của thần linh (long tộc) và còn làm gia tăng năng lực của người sở hữu. Những người sử dụng vũ khí này được gọi là thập nhị thánh chiến sĩ và cống hiến không ít vào việc lật đổ Đế quốc Loputo. Sau cuộc chiến, 12 thánh chiến sĩ tản mác khắp nơi và truyền lại dòng máu cùng những món vũ khí này cho con cháu. Cùng là con cháu của thánh chiến sĩ nhưng chỉ có người nào mang dấu ấn thánh chứng tỏ là trực hệ của thánh chiến sĩ mới dùng được món vũ khí thần. Và do chủng loại của 12 món vũ khí này khác nhau nên dẫn tới một điều khó khăn của Seisen nếu người chơi không sắp xếp hợp lý. Đó là việc thế hệ sau tuy nhận được vũ khí thần, là trực hệ để sử dụng nó nhưng lại không ở class có thể trang bị được vũ khí đó. Và vũ khí thần cũng không thể bán đi được nên trong trường hợp này, nhân vật đành phải mang theo như một gánh nặng hoặc gửi vào kho cá nhân mà không bao giờ sử dụng được. Vũ khí thần cũng được sửa chữa như vũ khí thông thường nhưng giá tiền cao hơn nhiều lần. Khi sử dụng vũ khí thần thì luôn có cảnh ánh sáng chớp hoặc rồng xuất hiện. Loputousu là món vũ khí thần thứ 13, được xem là hiện thân của Hắc ám thần Loputousu và có công năng giảm một nữa lực công kích của đối phương. Narga là vũ khí thần duy nhất vô hiệu hóa được sức mạnh của Loputousu. Ngoài lề +Trong số các binh chủng của Seisen có Duke và Duke Knight, tương đương với công tước vị thời trung cổ ở Châu Âu. +Trong một đấu trường trong Seisen, có nhân vật tên Mario, trùng tên với nhân vật chính trong series game Mario của Nintendō. Ngoài ra còn có nhân vật tên Lip xuất hiện ở chương 4, trùng tên với nhân vật trong Panel de Pon của Intelligent Systems. +Khúc nhạc chờ trong đấu trường của Seisen là phiên bản arrange của một khúc nhạc trong Monshō no Nazo. +Về nội dung, người ta cho rằng Seisen có câu chuyện mang cốt cách của tiểu thuyết lịch sử Homura Tatsu (炎立つ) của nhà văn Nhật Bản Takahashi Katsuhiko. Tiểu thuyết này có bối cảnh là nước Nhật thời Heian và xoay quanh mối xung đột giữa Triều đình và xứ Ezo phương Bắc. +Seisen còn có các đoạn Opening ẩn và thay đổi theo số lần clear game của người chơi. Số lần clear game càng nhiều thì càng xem được nhiều đoạn Opening ẩn. +Khúc nhạc BGM "Hikari to Yami to" (ánh sáng và bóng tối) ở chương 10 của Seisen còn được biên soạn lại và sử dụng trong map chơi thử của phiên bản Fire Emblem Sōen no Kiseki sau khi đã clear game. Thương phẩm liên quan Sách hướng dẫn * Fire Emblem Seisen no Keifu TREASURE Phát hành ngày 27 tháng 1 năm 1999. ISBN 4757180144. Đây là sách hướng dẫn chính thức của Intelligent Systems. Manga Tác giả Ōsawa Mitsuki. * Fire Emblem Seisen no Keifu (Media Factory), gồm 16 tập. Tác giả Fujimori Nattsu * Fire Emblem Seisen no Keifu (Enix), gồm 6 tập. Tác giả Fuyuki Nea * Fire Emblem Hikari wo tsugu mono (Enix), gồm 5 tập. Tác giả Arisaka Sumi * Fire Emblem Hikari wo tsugu mono tachi (Kōdansha), 1 tập. Tiểu thuyết, Game Book Tác giả Suzuki Gin Ichirō * Fire Emblem Seisen no Keifu. * Fire Emblem Seisen no Keifu Shigurudo hen. * Fire Emblem Seisen no Keifu Saigo no Chiryūzoku. * Fire Emblem Seisen no Keifu Mori to Mizuumi no Kuni. Tác giả Takeda Yūichirō * Tiểu thuyết Fire Emblem Seisen no Keifu (Enix). Game Book * Fire Emblem Seisen no Keifu (Enix). CD * Fire Emblem Seisen no Keifu Game Music Soundtrack (Tokuma Japan Comunications) * Fire Emblem Seisen no Keifu Original Soundtrack version (NTT/POLYSTAR). * FIRE EMBLEM THE BEST 2 (POLYSTAR) Nhạc phổ * Fire Emblem Seisen no Keifu Tanoshii Baieru heiyō. Sáng tác: Yokotsuji Yuka Arrange: Tampa Asako Thương phẩm * Fire Emblem TGC (Trading Card Game) * Fire Emblem~Seisen no Keifu~EXCEED A GENERATION Vol.1: Bộ hình nhân đồ chơi phát hành ngày 14 tháng 11 năm 2006. Dưới đây là vài hình ảnh về bộ hình nhân
Hura, xong cái nợ FE rồi Còn mỗi cái Gaiden là đã chơi nhưng chưa viết. Ai chơi các bản trên GBA với Wii và DS thì vào đóng góp cái
Lip trong Panel de Pon là tiên nữ còn trong fe4 lại là 1 thằng cung ngựa, vì thế chơi tên Lip chuối, vẫn để Ripp giống patch E
Cho mình hỏi chút nhé asm mỗi cái BS Fire Emblem chơi dc có 1 màn phải ko? đánh xong hết map chả thấy qua màn gì cả
Fire Emblem: Shin Monshō no Nazo ~Hikari to Kage no Eiyū~ (ファイアーエムブレム 新・紋章の謎 〜光と影の英雄) là game chiến thuật theo lượt, Simulation RPG của hãng Nintendō phát hành vào ngày 15 tháng 7 năm 2010 trên hệ máy NDS. Đây là phiên bản thứ 12 trong series Fire Emblem và là bản remake của bộ thứ hai trong phiên bản thứ 3, Fire Emblem Monshō no Nazo (phần "chiến tranh anh hùng") được phát hành trên hệ máy Super Famicom vào năm 1994. Phiên bản thứ 12 này còn bao gồm các màn chơi được remake của game BS Fire Emblem Akania Senki được phát sóng qua Satellaview vào năm 1997. Vì đây là phiên bản thứ 12 trong series nên còn được cộng đồn fan gọi là FE 12, Mộc đế 12, Fire Emblem 12,... Bắt đầu từ đây về sau, trong bài này sẽ sử dụng những tên viết tắt như "Monshō no Nazo" để chỉ phiên bản FE3 trên Snes, "Shin Monshō no Nazo" để chỉ phiên bản thứ 12 này và "Shin Ankoku Ryū" để chỉ phiên bản FE 11, Fire Emblem Shin Ankoku Ryū to Hikari no ken. Một cảnh trong game Khái yếu Tên của phiên bản này được tạm dịch là "tân bí ẩn dấu ấn lửa, người hùng ánh sáng và người hùng trong bóng tối". Nội dung của game tập trung vào cuộc chiến tranh anh hùng kể từ sau khi Vương tử xứ Aritia là Marusu đánh bại Hắc ám long Medius trong cuộc chiến tranh hắc ám. Marusu được người người tôn xưng là Vương tử ánh sáng, người đã cứu thế giới thoát khỏi nguy cơ diệt vong. Nhưng không mấy người biết đến sự tồn tại của những người hùng vô danh bên cạnh Marusu, những người hùng thầm lặng trong bóng tối đã giúp đỡ Marusu giành được thắng lợi trong hai cuộc chiến. Phiên bản Shin Monshō no Nazo này tập trung vào những nhân vật thầm lặng này. Lão kỵ sĩ Jeigan và nhân vật tự tạo Game cho phép người chơi tự tạo ra nhân vật riêng của mình bằng cách đặt tên, chọn giới tính, khuôn mặt, binh chủng và một số thông tin khác như xuất thân, mục tiêu phấn đấu... Và như vậy, trong phiên bản Fire Emblem này thì Vương tử Marusu không còn là nhân vật chính duy nhất như ở các phiên bản trước nữa. Nếu Marusu là người hùng ánh sáng thì nhân vật do người chơi lựa chọn là người hùng thầm lặng giúp đỡ Marusu chiến thắng trong cuộc chiến anh hùng. Nội dung Năm 605, lịch Akania, Vương tử xứ Aritia là Marusu cùng Vương đệ xứ Orlean là Hardin cùng nhau đánh đổ Hắc ám long Medius trong cuộc chiến hắc ám. Một năm sau, Hardin kết hôn với Vương nữ Akania là Nina và trở thành quốc vương đời thứ 24 của đất nước này và kéo các nước lâm vào cuộc chiến hỏa liên miên. Cùng lúc đó, một thanh niên trẻ tuổi do người chơi điều khiển tìm đến thành Aritia để tham dự cuộc thi trở thành kỵ sĩ cận vệ cho Marusu... Nội dung của Shin Monshō no Nazo tập trung vào bộ 2 của FE3, chiến tranh anh hùng, bí ẩn dấu ấn lửa. Ngoài ra còn có một số thay đổi nhỏ, thêm bớt so với bản FE3 như sẽ liệt kê dưới đây. Game Play Những yếu tố không có trong Monshō no Nazo Chương mở đầu Giống như trong Shin Ankoku Ryū, Shin Monshō no Nazo còn có chương mở đầu gồm 7 phần tượng trưng cho 7 ngày luyện tập trở thành kỵ sĩ Aritia của nhân vật chính. Kết thúc ngày thứ 7, nội dung của game tập trung vào cuộc viễn chinh Grunia của Marusu như trong FE3. Nhân vật tự chọn Một nhân vật chính nữa bên cạnh Marusu, xuất hiện trong vai trò kỵ sĩ cận vệ của Marusu. Người chơi có thể lựa chọn tên, giới tính, hình dáng và binh chủng ban đầu cho nhân vật. Nếu Marusu hoặc nhân vật này chết đi thì sẽ Game Over. Đây là nhân vật tự chọn thứ hai trong series kể từ quân sư Mark trong phiên bản Rekka no ken. Mở đầu game, nhân vật này được miêu tả như một thí sinh đến tham dự cuộc thi tuyển kỵ sĩ cận vệ cho Vương tử Aritia. Nếu thỏa mãn một số điều kiện nhất định thì sẽ phát sinh thêm các màn ngoại truyện. Casual Mode Lần đầu tiên trong series Fire Emblem có chế độ chơi mà các Unit bị tấn công hết HP không "chết" đi mà tiếp tục sử dụng được ở map sau. Ngược lại với Casual Mode là Classic Mode, nhân vật khi đã "ra đi" là không bao giờ trở lại. Casual Mode và Classic Mode Shin Akania Senki Phiên bản này còn có thêm các màn chơi được remake của Akania Senki với cột mốc thời gian trước khi cuộc chiến hắc ám bắt đầu. Bảng quan hệ các nhân vật Phiên bản 12 này có thêm chức năng hướng dẫn giúp người chơi tham khảo về mối quan hệ giữa các nhân vật xuất hiện trong game. Những yếu tố thêm, phát huy từ Shin Ankoku Ryū Nhân vật Các nhân vật chỉ xuất hiện trong map ngoại truyện ở Shin Ankoku Ryū tiếp tục xuất hiện trong phiên bản này và không cần phải đạt một số lượng nhất định các nhân vật trong quân chết đi như ở phiên bản trước. Phiên bản này quy tụ đầy đủ các nhân vật xuất hiện trong bộ 1 và bộ 2 của Monshō no Nazo và còn có thêm một số nhân vật mới cùng với các nhân vật từng xuất hiện trong FE1 trên Nes nhưng bị cắt bỏ ở FE3. Độ khó Ngoài "Normal" và "Hard" ra thì FE 12 còn có thêm cấp độ "Maniac" và "Lunatic". Ở từng cấp độ, người chơi có thể lựa chọn Casual Mode hoặc Classic Mode. Yếu tố bao búa kéo của vũ khí Tuy không xuất hiện ở Monshō no Nazo nhưng trong Shin Monshō no Nazo lại thấy có yếu tố bao búa kéo giữa các loại vũ khí như ở các phiên bản từ Seisen no Keifu trở đi. Thay đổi binh chủng Giống như trong Shin Ankoku Ryū, ở đây người chơi có thể thay đổi binh chủng của nhân vật ngoài khả năng Class change để chuyển đổi từ binh chủng cấp thấp sang cấp cao hơn. Map Point Save Kế thừa từ phiên bản Shin Ankoku Ryū, chức năng này cho phép người chơi lưu trữ quá trình chơi tại giữa màn chơi và không bị mất đi khi reset. Đấu Wireless Kế thừa từ Shin Ankoku Ryū, Shin Monshō no Nazo cũng cho phép người chơi thi đấu với nhau thông qua chức năng DS Wireless và Nintendō Wifi Connection. Thuê Unit Kế thừa từ Shin Ankoku Ryū, phiên bản này cho phép người chơi thuê Unit từ bạn bè. Online Shop Kế thừa từ Shin Ankoku Ryū, chức năng này cho phép mua Item thông qua Nintendō Wifi Connection. Item mua được cũng thay đổi theo ngày như trong Shin Ankoku Ryū. Màn chơi Bonus Người chơi có thể download các nội dung Bonus từ trang chủ của game. Những nội dung này là các màn chơi mới và có 6 màn chơi kiểu này cho tới thời điểm hiện tại. Sound Room Chức năng này cho phép người chơi nghe lại toàn bộ các khúc nhạc trong game.