Ninja Blade review. Phát triển: From Software (X360) ND Games (PC) Phát hành: Microsoft Platform: MS Windows X360 Thể loại: Action Ngày phát hành: 20/11/2009 (PC) Cũng đã khá lâu rồi (kể từ Devil May Cry 4), fan của thể loại hành động “chặt chém” (hack-n-slash) trên PC mới lại có dịp chào đón một trò chơi thuộc thể loại này. Dễ hiểu vì sao Ninja Blade (NB), dù đã xuất hiện trên X360 và không phải quá xuất sắc, vẫn được thần dân PC trông đợi đến thế. Nhất là khi NB đến từ From Software – tác giả của siêu phẩm hành động Otogi trên Xbox trước đây. Chịu trách nhiệm chuyển NB lên PC là studio Noviy Disk đến từ Nga và studio này vô tình “làm khổ” thần dân PC khi bản tiếng Anh ra sau bản tiếng Nga gần một tháng. Cốt truyện của NB khá đơn giản. Lấy đề tài thảm họa sinh học, game có bối cảnh tương lai gần. Năm 2010, một ngôi làng nhỏ bị một loài sinh vật lạ tấn công. Những người sống sót được đưa về để nghiên cứu. Những nhà khoa học phát hiện một loài sâu kí sinh bí ẩn, họ gọi chúng là “sâu Alpha”. Mọi nỗ lực chữa trị đều vô hiệu và thậm chí còn làm những sinh vật này trở nên mạnh hơn. Cuộc khủng hoảng nổ ra khi loài sâu Alpha phát tán với tốc độ khủng khiếp. Chúng không chỉ biến con người, mà còn nhiều loài sinh vật khác, thành những quái vật ghê tởm. Thủ đô Tokyo đứng trước thảm họa hủy diệt. Trong nỗ lực ngăn chặn sự phát tán của sâu Alpha, Ken Ogawa và đội đặc nhiệm Ninja của anh lên đường thi hành nhiệm vụ. Công việc đang tiến triển tốt thì Ken bị Kuroh, một thành viên trong đội và Kanbe Ogawa, sư phụ và cũng là người cha mà anh luôn tôn kính, phản bội. May mắn thoát chết, Ken quyết tâm tìm ra sự thật, đồng thời, số phận của Tokyo và cả nhân loại được đặt lên vai và thanh kiếm của chàng Nhẫn giả. Những người tinh ý và “sành chơi” sẽ nhận ra ngay NB đã vay mượn khá nhiều ý tưởng từ những game hành động đi trước. Lấy lối chơi hành động “chặt chém” làm chủ đạo, game đã đưa vào nhiều yếu tố để đa dạng hóa gameplay. Ngay từ đầu, NB đã được so sánh với một bậc “tiền bối” gạo cội về thể loại Ninja hành động: siêu phẩm Ninja Gaiden. Ken Ogawa của NB cũng là…một ninja, cũng có thân pháp xuất quỷ nhập thần và những chiêu thức gọn gàng, chắc nịch. Ken được trang bị 3 loại kiếm: một thanh trường kiếm Oni Slayer, song kiếm Twin Falcon có tốc độ cao, cự kiếm Stonerender chậm nhưng hiệu quả cùng khả năng sử dụng các loại Shuriken yếu tố (phong, hỏa, điện…). Việc thay đổi vũ khí không phải để “cho vui” mà có ý đồ rõ ràng của nhà sản xuất, khi bạn phải linh hoạt để thích nghi với những loại kẻ thù đa dạng. Ví dụ, với những quái vật cầm khiên giáp, dùng Stonerender là hiệu quả nhất trong khi đó Twin Falcon lại thích hợp để phản đòn loại quái vật dùng súng bắn năng lượng. Ngoài ra, chúng còn đóng vai trò trong việc tìm đường như Stonerender dùng để phá vỡ các bức tường, Twin Falcon với khả năng vươn dài giúp bạn móc, bám hay các loại Shuriken phong dùng để dập lửa, hỏa dùng để đốt các chướng ngại vật… Ken còn có khả năng trượt (dash) và chạy tường (wall run) chẳng kém gì Dante hay chàng Hoàng Tử xứ Ba Tư. Các vũ khí từ kiếm đến Shuriken đều có thể nâng cấp. “Nguyên liệu” để thực hiện là các viên ngọc đỏ rơi ra từ người quái vật. Cách thức nâng cấp vũ khí, sử dụng nhiều loại kiếm và yếu tố làm người chơi nhanh chóng nhận ra “bóng dáng” của hai trò chơi kinh điển: Devil May Cry và Onimusha. Về mặt chiến đấu, game cũng thể hiện sự “lai tạp” của mình ở khả năng thực hiện những đòn kết liễu (tương tự God Of War), tính năng chém “phản đòn” thì hao hao Bujingai ngày trước. Những trận đấu trùm hoành tráng, những con “boss” to vật vã luôn hơn Ken gấp mười lần về kích thước và kết thúc bằng những mini game QTE thì không lẫn đi đâu được với phong cách của gã chiến thần “đầu trọc” Kratos. Nhắc đến QTE (Quick Time Event) thì đây là một điểm nhấn thật sự của NB. QTE xuất hiện trong game…dày đặc (hầu như đi vài phút lại phải nhấn). Đây vừa là ưu điểm (với những ai yêu thích), cũng vừa là nhược điểm (khi lạm dụng quá nhiều), đặc biệt là khi bạn thực hiện không trơn tru thì lại càng “nóng máu”. Dẫu sao, phần thưởng cho những cố gắng của người chơi cũng là những pha hành động hấp dẫn, nên cũng miễn cưỡng đi tiếp được. Bạn cho rằng những đoạn cắt cảnh của Devil May Cry là điên rồ? Bạn sẽ phải dùng từ “quá điên rồ” để nói về Ninja Blade. Chứng kiến những pha hành động “không tưởng” của Ken Ogawa, chắc hẳn anh chàng lãng tử Dante cũng phải cúi đầu chịu phép. Tuy vậy, chính sự “thái quá” của game đã mang lại nét tươi mới thú vị, bất ngờ và là một trong những động lực chính giúp người chơi đi tiếp game. Ta luôn phải tự hỏi Ken sẽ làm trò “siêu nhân” gì tiếp theo và khi đã mãn nhãn chứng kiến, chắc hẳn ai cũng gật đầu khen tuyệt hay xuýt xoa chê…xạo. From Software cũng khôn khéo giữ chân người chơi bằng chế độ customize nhân vật. Game cho bạn thoải mái “sơn phết” bộ cánh của Ken với nhiều tùy chọn màu sắc phong phú. Bạn cũng có thể sử dụng những bộ trang phục tìm được trong quá trình chơi hay sử dụng những bộ có sẵn (vốn là nội dung download nay được tích hợp luôn vào game). Game thậm chí còn cho phép Ken đóng vai nhân vật trong hai seri huyền thoại của hãng là Tenchu và Otogi. Âu đây cũng là một món “ăn chơi” thú vị Như vậy, nhìn chung, về mặt bằng hành động, Ninja Blade dù không quá xuất sắc nhưng cũng đã làm tốt. Nhất là tạo được cảm giác “sướng tay” nơi người chơi, điều quan trọng nhất đối với một game chặt chém. Dễ chơi, dễ thích nhưng cũng không khó khăn để thấy những mặt yếu kém của NB, khi đi sâu vào game. Dễ thấy nhất là hệ thống chiến đấu của game chưa đủ độ sâu như nhiều game cùng thể loại. Không có những “style” đánh như DMC, không có những vũ điệu tử thần như Kratos, một vài tuyệt chiêu mở khóa được khi nâng cấp kiếm chỉ đủ làm nên những đòn combo ngắn, rời rạc cùng độ máu lửa chưa thể bằng Ninja Gaiden. “Đã làm thì làm cho trót”: giá như From Software cho thêm vào khả năng tung đòn “tất sát” như Onimusha hay cho Twin Falcon tấn công tầm xa như Hỗn Nguyên đao của Kratos, chắc sẽ làm game hấp dẫn lên nhiều. Việc lạm dụng QTE, như đã nói, dễ gây ra nhàm chán và khó chịu với người chơi. Thỉnh thoảng, game thay đổi không khí bằng cách cho Ken sử dụng súng máy chơi “beach head”, nhìn thì tưởng là màn chơi đa dạng, nhưng cũng chỉ như thế lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối. Thời lượng một mission quá dài và chỉ cho phép lưu sau khi đã hoàn thành cũng là một điểm bất hợp lí. Việc này dễ dẫn đến trường hợp “chơi cố” (để khỏi phải đi lại từ đầu mất công) làm game hết sớm. Hơn nữa, đang chơi mà bạn có việc gấp hay…mất điện thì coi như xong! Từng có ý kiến: “camera, hệ thống điều khiển luôn là ác mộng của những game console khi chuyển lên PC”. Câu nói này một lần nữa phát huy tác dụng với Ninja Blade. Bạn sẽ muốn sắm ngay một chiếc controler sau khi “vật vã” với những phím bấm – không phải là bố trí quá tồi – nhưng vẫn mang đến sự bất tiện. Quan trọng hơn là những chú thích phím bấm trong khi chơi hoàn toàn dùng kí hiệu của gamepad. Camera chỉ làm khó thêm người chơi trong những trận đấu trùm khi khó quan sát hết toàn cục trận đánh. Cụ thể là đặt rất xa nhân vật gây khó khăn cho việc căn thời gian để tấn công, hay phòng thủ, né tránh. Cũng như gameplay, đồ họa của NB cũng chỉ ở mức khá. Mô hình nhân vật tạm được nhưng hơi thiếu diễn cảm, ngoại cảnh thì sơ sài dù đã được “gia cố” bằng nhiều hiệu ứng bắt mắt. Cảnh nền trông khá bóng bẩy nhưng lặp lại và diễn hoạt nhân vật tốt, tuy chưa “mượt” như nhiều game khác. Quái vật được thiết kế khá đa dạng, các con trùm ngoài việc có kích thước quá khổ, còn lại đều không gây ấn tượng vì… xấu và cách tiêu diệt chẳng có gì đặc biệt. Bản nhạc trong menu khá hay và phần lồng tiếng “tàm tạm” dù có sự tham gia của diễn viên Kelly Hu trong vai Ryoko Korokawa. Ninja Blade còn gặp nhiều vấn đề về kĩ thuật. Đây là lỗi của ND games khi làm ra một bản port hời hợt, thiếu trách nhiệm. Lỗi phổ biến nhất là bị treo máy khi thoát game từ menu, bị mất setting (trừ độ phân giải, khi vào game phải chỉnh lại option). Ngoài ra những trường hợp bị “văng” game ra ngoài, sụt giảm khung hình và nhiều lỗi linh tinh khác cũng có. Dẫu là một game PC nhưng game lại sử dụng hình minh họa của X360 (dù vẫn có chỉ dẫn), tuy đây không phải vấn đề lớn nhưng thỉnh thoảng vẫn khiến người chơi nhầm lẫn, đặc biệt trong các đoạn QTE đòi hỏi nhanh tay, lẹ mắt, gây nên sự bực mình không đáng có. Sự cẩu thả của ND games còn thể hiện ở dòng thông báo “Do not turn off your console” – đúng là một tình huống bi hài. Ninja Blade có nhiều cái được và cũng có nhiều cái dở. Vay mượn quá nhiều nhưng lại làm chưa “tới”, nhiều điểm bất hợp lí và lỗi game đã ngăn Ninja Blade trở thành một tượng đài mới. Tuy vậy, những điểm sáng của game vẫn đủ sức để che đi những khoảng tối khi cần thiết. Bỏ qua mọi sự khắt khe, Ninja Blade vẫn là một game “chơi được” nhưng nếu có phần tiếp theo, game sẽ cần làm nhiều điều để mình hấp dẫn hơn. Nếu không, sẽ chỉ như phần đầu, “chơi xong là hết”. Ưu: Hành động “được” Cắt cảnh hấp dẫn. Khuyết: Thiếu chiều sâu Nhiều điểm không hợp lí Nhiều lỗi Score: 7/10 Nomura