(Sưu tầm) Người đàn bà bán lộc

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi dinhlien, 22/12/12.

  1. dinhlien

    dinhlien Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    20/11/11
    Bài viết:
    7
    Truyện ngắn của Phan Trang Hy

    NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN LỘC

    Giờ giao thừa. Những tiếng chuông rung lên lay động màn đêm. Tiếng còi tàu báo hiệu năm mới. Những chòm pháo bông sáng rực cả khoảng trời. Mùa xuân đang đến.
    Bà Ba sửa soạn lại những nhánh trầu, xếp chúng vào mủng. Năm mới đến, thế mà, bà vẫn cứ đều đều công việc của mình.
    Bà làm nghề bán trầu cau hàng chục năm nay. Bà muốn đem lại nụ cười đỏ như son cho các bà, nên bà chọn nghề này. Hằng ngày, cứ sáng sớm là bà gánh hàng lên chợ. Vẫn chỗ ngồi khép nép giữa những đồ hàng đúng kiểu của cái chợ mua giành bán giựt, bà Ba đặt lên chiếc mủng những lá trầu, những vôi, những hột cau khô. Bà lầm lũi làm công việc của người già khi còn đủ sức để lo cho cái ăn, cái mặc của chính mình. Bà không đon đả mời mọc khách hàng. Khách của bà toàn là những người quen, gần như là những bạn già với bà. Lâu lâu mới có một vài đứa trẻ đến mua hàng của bà về cho nội, cho ngoại.
    Thắp nén nhang làm lễ Hành khiển, bà khấn thầm : “Con là Nguyễn Thị Ba, năm nay 77 tuổi, làm nghề bán trầu cau, cư ngụ tại phường Phước Mỹ, bày biện hương đèn, hoa quả, trà bánh, cáo với các thần cho con được khỏe trong năm nay”. Bà biết rất rõ sức khỏe của mình. Tuổi già sức yếu là chuyện thường tình, ai cũng phải mang. Nhiều lần, đứa con trai muốn bà về sống với nó, nhưng bà từ chối. Bà không muốn làm phiền con cháu.
    Nhìn khói hương bay nhẹ, bà thanh thản trong lòng, bà thầm nghĩ : “Cả cuộc đời mình, mình không làm điều gì xấu. Ước gì mình cứ khỏe để nhìn con, nhìn cháu nên danh, nên phận là mình mãn nguyện”.
    Đèn điện khắp xóm bật sáng trưng chào xuân mới. Mọi người đều thức đón xuân. Chiếc cát-xét từ nhà ai vẳng lên khúc nhạc Hái lộc đầu năm. Bài hát làm bà nhớ lại thời con gái. Hồi đó bà thường đi lễ chùa hái lộc đầu xuân. Chỉ còn lại những kỷ niệm trong ký ức.
    Bà dậy thật sớm, sớm hơn ngày thường, gánh trầu rời khỏi nhà…
    Bà xếp những ngọn trầu, toàn là trầu tươi xanh trên mủng, rồi ngồi chờ đợi trước cổng chùa.
    Nhiều người đi lễ đầu năm. Áo quần mới, lời nói tốt đẹp rộn lên. Ngày mới của năm mới bắt đầu.
    Sương sớm thầm nhẹ trên những ngọn trầu. Sương tươi xanh trên mủng trầu của bà.
    Một người đến chọn lộc đầu năm.
    Hai người, rồi ba người đến mua lộc…
    Ai cũng mua lộc đầu năm.
    Sương xuân vẫn còn rơi. Chỉ còn lại đôi mủng trống.
    Bà lặng lẽ đếm những tờ giấy bạc mới tinh. Một ngàn, hai ngàn, ba ngàn…Bà mở chiếc túi vải giắt trong lưng quần ra, rồi bỏ tiền vào.
    Trên đường về nhà, bà nhai tiếp miếng trầu. Nụ cười già của bà đỏ thắm. Tiếng nhạc xuân vẳng đưa : Mùa xuân ! Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời…
    Những đứa cháu của bà sà vào lòng bà. Bà rút những tờ giấy bạc mới tinh, những đồng tiền bà bán lộc đầu năm lì xì cho bọn trẻ…

    Tháng Hai, 1995
    Phan Trang Hy

    Trích từ tập truyện NGƯỜI THẦY DẠY BÚP BÊ, Nxb Văn nghệ, 2009
     
  2. dinhlien

    dinhlien Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    20/11/11
    Bài viết:
    7
    Truyện ngắn của Phan Trang Hy

    CÁNH VẠC BÊN ĐỜI

    Cầm giấy mời trên tay, hắn mừng là các bạn cũ cùng lớp cách đây 25 năm còn nhớ tới hắn. Nước mắt hắn như muốn ứa ra. Cảm động ? Hay một lẽ gì khác ? Hắn nhẩm đọc lại giấy mời. Nghĩ tới bạn bè cùng lớp, hắn thấy như trẻ lại. Cái tuổi 40 thấm cuộc đời, thấm nỗi xót xa tuổi dại, như cái thuở niên thiếu, như cái thời ngây dại thư sinh, hắn thầm nghĩ về những đứa bạn.
    Hắn học cũng không đến nỗi tồi. Cũng gọi là bằng bạn bằng bè. Có lần, cô ấy đến nhà hắn mượn vở, ấy là những khi cô ấy nghỉ ốm. Cô ấy không dám vào nhà hắn và hắn phải cầm vở ra đưa tận tay. Khi cô ấy trả vở, hắn cầm quyển vở trên tay, lật từng tờ, xem thử cô ấy có để thứ gì trong vở không. Vẫn những nét chữ không được đẹp lắm của hắn ! Thế mà, hắn vẫn thấy ánh mắt của cô ấy nhìn những con điểm thán phục.
    Hắn có khiếu thẩm mỹ, chịu khó và lại hiền nên đứa bạn nào cũng thích đến nhà cùng hắn làm báo. Tờ báo của tổ hắn hoàn thành như là một kỳ công của ban biên tập, của một tòa soạn báo chứ chẳng chơi đâu. Và kể từ đấy, hắn nghĩ chắc là hắn sẽ theo nghề làm báo, chỉ có làm báo mới xứng nỗi đam mê của hắn.
    Rồi hắn đậu Đại học Quảng Đà. Cô ấy cũng học đại học cùng trường với hắn. Hắn không học nghề báo. Hắn phải học cái ngành Kinh thương. Hắn cũng không lấy làm buồn. Hắn mơ màng, vẽ ra những ước mơ về cuộc đời. Ôi thôi đủ thứ của thời sinh viên. Đến bây giờ, nhiều lúc nhớ lại, hắn lấy làm tức cười cho sự mơ mộng không thực ấy.

    Tháng Ba, 1975. Hắn cùng các bạn sinh viên giúp người gặp nạn. Tiếng súng, tiếng đại bác nổ bất cứ thời điểm nào. Ban Mê Thuột được giải phóng. Rồi quân Giải phóng đánh Huế. Đà Nẵng bị quân Cách mạng bao vây. Cô ấy đến tìm hắn.
    - Anh Thanh, em sợ quá ! Anh có đi với em không ?
    - Đi đâu ?
    - Đi Mỹ.
    - Không được ! Không lẽ anh bỏ ba mẹ anh và các em ?
    - Anh không thương em !
    - Sao không thương ?
    - Thương, sao không theo em ?
    Hắn và cô ấy đã khóc.
    Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng được giải phóng. Cô ấy đã ra đi. Hắn buồn vì cô ấy bỏ hắn mà đi, bỏ cái thành phố nghèo mà đi. Hắn đâu còn được thấy cô ấy nữa.

    Hắn vào ngành Sư phạm vì Đại học Quảng Đà bị giải tán. Cuộc đời bốc hắn từ cái chỗ tưởng là ít nhất cũng là Phó Giám đốc một ngân hàng nào đó sang làm một anh giáo. Quả là hắn cũng còn may so với một số người, mới được vào Sư phạm.
    Được học dưới mái trường Sư phạm, hắn tự an ủi là có nghề để sống, có việc để làm. Và rồi, nghề nghiệp đã rèn cho hắn yêu nghề hay vì một lẽ gì khác ? Nhiều lúc hắn tự nhủ, có lẽ tuổi học trò quá dễ thương, quá đẹp giúp hắn yêu nghề, và cũng có lẽ bóng dáng “như cánh vạc bay” của cô ấy thuở cắp sách đến trường vẫn cứ ám ảnh hắn, giúp hắn có nghị lực và tình yêu trong nghề nghiệp ? Hắn không dám khẳng định vì lý do gì mà hắn yêu nghề đến vậy.

    Hắn cùng các bạn ôn lại cái thời đi học. Nhưng tâm trí hắn như để đâu đâu.
    - Thanh, mày làm gì mà đờ đẫn vậy ?
    - Đâu có.
    Bạn hắn, thằng An, đập vào vai hắn, nói :
    - Mơ mơ màng màng thế, mà không có à ?
    Cười gượng, hắn nói :
    - Tại tau đang tìm ý thơ.
    An biết hắn tìm ý thơ để làm gì rồi.
    - Uống cà phê đi mày ! Uống rồi hẵn làm thơ !

    Được các bạn khích lệ, mừng mừng tủi tủi, hắn đọc bài thơ về thuở học trò, về tình yêu tuổi học trò.Tình yêu tuổi học trò nhẹ nhàng như cánh vạc bay. Bạn bè vỗ tay tán thưởng. Cô ấy cũng vỗ tay tán thưởng.
    Tan tiệc, cô ấy đến bên hắn. Cô ấy lặng im. Nhưng hắn nghĩ là cô ấy đang nói với hắn : “Sao khi trước anh không theo em ? Mà thôi ! Giờ thì mỗi người một cảnh. Em không trách anh đâu. Mãi mãi tình yêu thuở học trò vẫn đẹp phải không anh ? Anh biết không, em về nước đợt này là nhằm đầu tư mở nhà máy sản xuất thiết bị điện tử. Em muốn nước mình giàu có lên. Em cũng muốn anh làm thơ nữa !”.
    Nhìn ánh mắt cô ấy, hắn đề nghị :
    - Mình đi uống cà phê đi em !
    - Vâng !
    Tiếng nhạc của thuở học trò vẳng ra từ chiếc loa thùng : Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay…
    Đối diện hắn không là cô ấy của ngày xưa. Chỉ có dáng dấp của người phụ nữ hơi mập. Hắn hát theo lời bài hát, hát như những lần hắn đàn và hát cho vợ hắn nghe, người vợ có đôi vai gầy thích nghe hắn hát tình ca của thời trai trẻ.

    Tháng 7 - 1995
    Phan Trang Hy

    Trích từ tập truyện NGƯỜI THẦY DẠY BÚP BÊ, Nxb Văn nghệ, 2009





     
  3. dinhlien

    dinhlien Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    20/11/11
    Bài viết:
    7
    Truyện ngắn của Phan Trang Hy

    ĐAU ĐÁU HOÀNG SA

    Kính tặng các chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa…

    Lệ thường, ngày nào cũng vậy, lão Ban lại ra biển. Không nhìn thấy biển là lão cảm thấy sao sao ấy. Lão dễ nổi cáu với vợ. Chỉ cần nhìn thấy biển, nhìn ra ngoài khơi xa là lão mới dịu đi những cáu ghét của cuộc đời. Lão đi biển không phải để nhìn thiên hạ tắm, không phải tập thể dục dưỡng sinh, cũng không phải bông lơn chọc ghẹo những mụ hồi xuân. Lão nhìn biển như thể cho vơi bớt nỗi lòng của mình, khi chẳng biết tỏ cùng ai. Thường là lão đi một mình. Nhưng lần này lại khác. Lão cùng thằng cháu nội ra biển chơi.
    Nhìn thằng cháu đang lượm những vỏ ốc, vỏ sò, những con sao biển, lão thấy hồn mình như nhập vào sóng biển. Vẫn tiếng sóng vỗ bờ, vẫn tiếng rì rào của đại dương, của hồn biển Đông muôn thuở. Vẫn đâu đây từ cõi sơ khai nước mặn, trời nồng. Bỗng thằng Phong - thằng cháu nội của lão - lên tiếng :
    - Nội ơi ! Nội coi nè ! Vỏ ốc này đẹp quá, nội ơi ! - Vừa nói, nó vừa chạy tới khoe lão.
    - Ừ ! Đẹp quá !- Lão khẽ nói.
    Nhìn vỏ ốc trên tay thằng Phong, lão lại nhớ cái vỏ ốc mà lão đã tặng cho Vũ - ba của thằng Phong. Quá khứ ấy như hiện ra trước mắt …
    Lão làm sao quên được cái ngày lão được nghỉ phép về thăm gia đình ở Đà Nẵng. Được trở về đất liền, được thăm vợ, thăm con - thăm cái thằng con trai, cái thằng con mà lão chưa biết mặt, lão cảm thấy sao quá tuyệt vời. Nằm thao thức, nghe sóng, gió mang vị mặn trong đêm, lão không ngủ được. Ngày mai là có tàu vào đất liền. Mừng thật ! Vui thật ! Nghĩ đến vợ con, lão lục tìm trong đầu nên tặng vợ, tặng con những gì ? Ở trên quần đảo này có gì ngoài phân chim, cát vàng, san hô, ốc biển…Tặng gì đây cho vợ, cho con ?
    Vừa về đến nhà, lão chào mọi người. Vợ lão ôm chặt lão, khóc : “Sao anh không ở ngoài đó ? Anh về làm gì ?”. Lão biết vợ quá thương mình nên nói vậy thôi. Chính vợ lão đã khuyên lão ra đảo nhận công tác khí tượng kia mà.
    Nhìn thằng Vũ nằm trên nôi, lão giơ hai tay ra, vừa vỗ vỗ vừa kêu lên : “Ba đây con ! Cho ba bồng tí !”. Thằng Vũ nằm trong nôi khóc ré lên. Thương con, lão muốn bồng con, ôm con. Nhưng mỗi lần lão bồng nó thì nó không chịu. Một bữa, vợ lão lo sắm sửa một ít đồ dùng để lão ra lại đảo, bèn giao con cho lão. Thằng Vũ cứ khóc, không chịu cho lão bồng. Lão lấy những thứ đồ chơi bằng nhựa cho nó chơi, nhưng nó vẫn không chịu nín. Cực chẳng đã, lão bồng con và dỗ. Lão kêu kêu, cười cừời ; lão làm đủ trò ; nhưng thằng bé vẫn cứ khóc. Khóc miết rồi cũng mệt. Mệt nên nó nín. Rồi nó đưa mắt nhìn lão, nhìn khắp phòng. Lão thấy mắt thằng bé nhìn các thứ để ở trong tủ gương như muốn khám phá điều gì đấy. Nhìn con, lão lấy làm lạ. Những thứ trong tủ có gì lạ đâu. Toàn san hô, ốc biển…, những thứ lão mang từ đảo về. Lão bồng con đứng trước tủ. Thằng bé cười - lần đầu nó nhoẽn miệng cười. Lão lấy mấy thứ nhỏ xinh cho thằng bé chơi, nhưng nghĩ lại, lão sợ thằng bé chơi, rồi nuốt bậy, nên lão cất. Thằng bé lại khóc. Cuối cùng, lão chọn cho con một con ốc to bằng nắm tay. Đây là con ốc lão lượm trên đảo đúng vào lúc nghe tin vợ ở nhà sinh thằng Vũ. Thằng bé cầm con ốc, ngậm vào miệng ra chiều thích thú.
    Kể cũng lạ ! Từ khi chơi với con ốc, thằng bé lại muốn lão bồng, lão bế. Chỉ trừ lúc nó thèm sữa, còn thì nó đòi lão bồng chơi cùng con ốc cho bằng được. Nó cũng thích lão hát cho nó nghe, nó cũng thèm lão hôn nó…
    …Lão vẫn nặng nợ với đảo. Đảo là nhà, là phần cuộc sống của lão. Những lúc thương con, nhớ vợ, lão chỉ biết ngồi trên bãi san hô nhìn vào đất liền. Làm sao lão quên được những hoàng hôn. Màu sắc kỳ ảo vàng đỏ tím xanh cả biển. Mặt trời lặn dần xuống biển như thể thiên nhiên đang cất giấu viên ngọc hồng vào trong rương vũ trụ. Chỉ còn thứ ánh sáng diệu kỳ trên biển. Và trong lão sáng lên thứ ánh sáng của đêm, thứ ánh sáng gia đình, quê hương…Lão thèm được nhìn vợ, nhìn con, nhìn những gì thân thương của mình. Lão quên sao được những lần đem thư của con ra đọc. Ngó thế mà thằng Vũ cũng đã lớn rồi. Học lớp 11.Thư gửi cho lão, lúc nào nó cũng nhắc đến con ốc mà lão cho nó. Cũng từng ấy câu chữ, nó cứ viết vào những lá thư gửi cho lão : “Ba biết không ? Bạn bè con, đứa nào cũng trầm trồ vì con có con ốc đẹp. Con đã từng khoe với bọn chúng là con ốc mang cả hình hài của quần đảo Hoàng Sa. Bọn chúng không tin. Nhưng con tin là thế !”.
    Lão cũng tin là thế ! Lão tin quần đảo Hoàng Sa là máu thịt của quê hương. Làm sao lão quên được có lần lão đã dắt thằng Vũ về quê ở tận Quảng Ngãi. Trong lần giỗ chạp, ông tộc trưởng họ Đặng của lão đã từng nhắc rằng lão là kẻ hậu sinh đang kế nghiệp tiền nhân. Mở gia phả, lão rưng rưng đọc những dòng chữ ghi công tích của họ Đặng. Vua triều Nguyễn đã từng phái dòng tộc lão vượt đại dương trấn giữ Hoàng Sa. Lão cảm thấy như máu tiền nhân đang chảy trong cơ thể, tăng thêm nghị lực, tăng thêm tình yêu cho lão trên đảo Cát Vàng. Làm sao lão quên được lúc cúng tế, bà con tộc họ đã bỏ thức ăn, sau khi xong lễ, vào một chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối, thả xuống biển. Mũi thuyền hướng về Hoàng Sa như thể rằng Hoàng Sa không thể quên trong hồn người đã khuất. Trong tâm tưởng lão, lúc nào chiếc thuyền bẹ chuối ấy cũng lớn như những chiếc thuyền của dòng tộc họ Đặng, họ Trần, họ Lê…ở quê lão vâng lệnh triều đình, tiến thẳng Hoàng Sa…Trong lão như trỗi dậy những bài văn tế các thủy binh thời ấy. Nhận lệnh vua, nặng nợ nước nhà, buổi ra đi đâu dễ dàng. Sóng gió trùng khơi, thủy quái dẫy đầy, đến Hoàng Sa đâu dễ. Các thủy binh được tế sống lúc lên đường như thể rằng quê hương vẫn nặng nợ với những người con. Lão bùi ngùi, run rẩy như có ai đang bóp nghẹt trái tim. Lão khóc…
    Và lão đã khóc rất nhiều khi nghe tin thằng Vũ hy sinh trên Trường Sa năm 1988. Lão không ngờ như vậy. Kỷ vật cuối cùng của con lão là quyển nhật ký. Lão đã đọc đi, đọc lại hoài. Những dòng cuối cùng lão như thuộc lòng : “Ba ơi ! Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có tội với tiền nhân, với con cháu. Dẫu có hy sinh, con vẫn không hối tiếc điều gì vì đã thực hiện theo lời ba dạy.”. Đến giờ, lão vẫn không biết mình dạy con điều gì. Lão chỉ nhớ những việc làm, những tình cảm gắn bó với Hoàng Sa. Không biết có phải những điều ấy là lời lão dạy với con ? Có lần thằng Vũ cầm con ốc đố lão - lúc nó vừa thi xong tú tài : “Đố ba, trên mình con ốc này có gì ?”. Lão ngạc nhiên sao con lão đố như vậy. Nhìn con ốc, lão cười đáp : “Thì chỉ những chấm, những chấm màu vàng nâu”. Thằng Vũ cũng cười, nói : “Rứa con đố làm gì !”. Rồi nó chỉ từng cái chấm, hỏi lão có giống những đảo mà lão đã từng ở không, nhiều chấm có phải là quần đảo không…Và rồi nó kết luận : “Trên mình ốc có in hình quần đảo Hoàng Sa”. Kể cũng hay hay. Từ đó, nó để con ốc vào chỗ trang trọng nhất. Khi nhập ngũ, đi bộ đội hải quân, nó xung phong đi Trường Sa. Lão không gàn con. Nó cũng có tình yêu đảo như lão kia mà !
    Kể từ ngày thằng Vũ mất, lão như mất hồn. Cứ những đêm rằm, mồng một, lão lại ra biển. Dù nắng, dù mưa, lão vẫn ra biển thắp ba cây nhang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa mà vái. Ngoài kia, những con thuyền thả lưới, những chiếc tàu đánh bắt cá sáng rực những ánh đèn như thành phố nổi trên biển. Trước mắt lão hiển hiện những ngư dân cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó chịu thương. Trước mắt lão hiện lên những chàng trai giữ đảo, có cả hồn của những người như con trai lão cùng tiền nhân giong thuyền xuôi ngược biển Đông. Nhiều lúc lão lẩm bẩm một mình như đọc thơ về Hoàng Sa…
    Và rồi thành phố Đà Nẵng bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Lòng lão trỗi dậy thứ tình yêu biển đảo mà bấy lâu nay ẩn trong tiềm thức. Người họ Đặng hôm nay lại nối tiếp họ Đặng, họ Trần, họ Lê… ở quê lão, như cái thuở cha ông vâng lệnh triều đình ra đảo, gánh trách nhiệm với Hoàng Sa. Lão thấy mình như trẻ lại, khỏe lại và vui hơn. Không vui sao được khi đất đảo quê hương được nhắc đến ? Không vui sao được khi có người dám nhận trách nhiệm nặng mang ? Lời thằng Vũ trong nhật ký sáng rực trong tâm trí lão : “Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có tội với tiền nhân, với con cháu…”.
    Tiếng thằng Phong như đánh thức lão :
    - Nội ơi ! Mai con phải vào thành phố Hồ Chí Minh.
    - Ở thêm ít ngày, được không ? - Lão hỏi như trách .
    - Con phải vào để thầy hướng dẫn làm luận văn .
    - Thế thì phải vào thôi ! Mà này, con làm đề tài gì ?
    - Dạ ! Con làm đề tài về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong mối quan hệ với biển Đông.
    Trầm ngâm một lúc, lão lên tiếng :
    - Gay đó con ! Nhưng phải gắng thôi.
    - Dạ ! Con nghe lời nội.
    Hai ông cháu cùng dắt tay xuống tắm. Nước biển tắm mát cơ thể lão, cơ thể cháu lão. Nước biển Mỹ Khê giống như nước biển Hoàng Sa. Lão nghe mằn mặn bờ môi. Lão đứng lên. Mặc từng cơn sóng đổ trên người, lão nhìn ra xa khơi. Đau đáu là Hoàng Sa trong nỗi nhớ…

    Tháng Năm, 2009
    Phan Trang Hy

    Trích từ tập truyện NGƯỜI THẦY DẠY BÚP BÊ, Nxb Văn nghệ, 2009

     
  4. dinhlien

    dinhlien Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    20/11/11
    Bài viết:
    7
    Truyện ngắn của Phan Trang Hy

    MỘT THOÁNG TÌNH CỜ

    Rộn ràng ngày hội. Ánh sáng thiên diệu trải khắp mọi nơi. Thiện nam tín nữ dập dìu du xuân. Từng đôi nam thanh nữ tú hòa vào cảnh trời xuân. Từng gương mặt sáng , từng tiếng chào, từng nụ cười tươi. Lòng người hớn hở. Tất cả trải lòng chào đón cảnh sắc thiên nhiên. Và tôi cũng hòa vào trong không gian - thời gian của lễ hội.
    Lòng tôi có tiếng reo vui. Tôi như thấy mọi người ai cũng làm ra vẻ quan trọng, làm như chỉ có mình mới làm cho lễ hội thêm phần rộn rịp. Chung quanh tôi đủ âm thanh. Nào là âm của đôi trai gái rủ rỉ nói tiếng yêu ; nào là âm của những người bán hàng đang chèo kéo khách; nào là tiếng nhạc điện thoại, tiếng gọi điện thoại lấn át cả tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng khánh ; nào là tiếng kêu cứu của ai đó đang bị trộm cướp…Tôi tiếp nhận những âm thanh đó như thể rằng mình đang bị tra tấn. Bỗng bên tai tôi có tiếng gọi ngọt ngào. Tôi quay lại nhìn. Ồ thì ra là nàng…
    Nàng là bạn học cũ của tôi từ thời trung học. Một thời nàng là đối tượng để các cậu học trò như tôi thành thi sĩ. Lại hiện về trong tôi những lời lẽ ngây ngô, những cử chỉ vụng dại của thời traỉ trẻ…Tôi như đang thẫn thờ ngồi trên bàn học nhìn nàng. Mái tóc nè ! Cổ nè ! Cả tà áo dài trắng của nàng nữa ! Và lời hát của những bản tình ca thời tiền chiến. Ôi, quả là dịu ngọt !
    Mới như hôm qua ! Nàng và tôi xa nhau không biết là cái cớ gì ? Mới thôi, mới như tôi vừa ngủ dậy mở mắt nhìn mặt trời lên, mở mắt nhìn trăng hiển hiện ; mới như tôi vừa nghe xong một giai điệu giao hưởng, vừa nghe tiếng kinh cầu. Sao thời gian nhanh thế ? Quá nhanh như những dự tính của con người chẳng thể làm xong khi tóc bắt đầu điểm bạc.
    Nàng nhìn tôi cười, tôi cũng nhìn nàng và cười. Chúng tôi không biết nói gì. Nói lại chuyện xưa ư ? Cả hai đều biết cả rồi mà ! Nói chuyện nay ư ? Cả hai đều có chuyện riêng của đời mình, nhưng không gian này, thời gian này làm sao chúng tôi nói cho hết được.
    Một sự ngẫu nhiên và định mệnh nào đó cho chúng tôi gặp nhau ? Cuối cùng, tôi chỉ khẽ hỏi : “Bây giờ, bạn thế nào ?” Nàng cười: “Còn anh ?”…Và rồi cả hai chúng tôi như trẻ nhỏ cười vô tư giữa ngày hội : “Chúng ta còn độc thân !”
    Chúng tôi vào lễ Phật. Tôi quỳ chắp tay nguyện cầu cho quốc thái dân an. Tôi khấn cho tôi có vợ. Nàng cũng đang quỳ bên tôi. Tôi không biết nàng thầm khấn những gì. Tất cả mùi hương âm sắc ở đây đều toát lên sự trầm mặc, uy nghiêm…Tôi vẫn cứ quỳ và chắp tay trước ngực. Mắt tôi nhắm…Tôi mường tượng Đức Phật trên đài sen. Người trầm mặc, tĩnh lự trước lời khẩn cầu của tôi.
    Đức Phật trên đài sen như đang biến hóa trong tâm tưởng tôi. Lúc là tôi. Lúc là nàng. Lúc là này. Lúc là nọ…Và cuối cùng tôi như thấy chính tôi…Tôi mở mắt.
    Đức Phật trên đài sen vẫn tĩnh lự. Nàng không còn bên tôi. Chỉ còn tôi !

    Phan Trang Hy
    Trích từ tập truyện Người Thầy Dạy Búp Bê, Nxb Văn nghệ, 2009
     
  5. dinhlien

    dinhlien Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    20/11/11
    Bài viết:
    7
    Truyện ngắn của Phan Trang Hy

    BỘ ÓC RÔ-BÔ

    Không ai biết ông ta tên thật là gì. Người ta gọi danh ông ta dựa vào tấm quảng cáo treo ở góc đường. Nhà Đại Tiến Sĩ - đó là biệt danh của ông ta. Khắp xứ đều nhắc tới tên ông như một vị anh hùng của thời đại với chiến công hiển hách chưa từng có trên thương trường từ trước đến nay. Các buổi tiệc tùng của chính quyền đều mời ông ta tới dự, bởi vì hai phần ba ngân khoản dành chiêu đãi là do lòng hảo tâm của ông ta đóng góp. Các quỹ bảo trợ xã hội đều có phần ông ta tài trợ. Nói chung, ông ta là “Mạnh thường quân” đáng mặt để mọi người học tập.
    Người ta không thể đoán biết vốn liếng kinh doanh của ông ta là bao nhiêu. Nhiều tin đồn đại, có thể vốn ông ta khoảng một thùng phuy vàng là ít. Ông ta bắt đầu phất khi nền kinh tế của xã hội chuyển sang sự cạnh tranh của cơ chế thị trường. Quả thật bộ óc ăn nên làm ra như thế thật là hiếm, thật là mẫu điển hình để mọi người ham có vàng phải bắt chước.
    Ông ta về thành phố này cách đây vài năm. Món hàng kinh doanh của ông ta thật là lạ : Kinh doanh óc. Nó cũng kì lạ như con người của ông ta. Đầu ông ta là một khối vuông nhỏ xíu được gắn trên cơ thể lập phương. Chưa hết, mọi vật ông ta sử dụng đều vuông vắn đến cỡ nếu dùng thước đo có sai số một trên một triệu cũng không tìm ra độ chênh lệch. Và điều kì lạ hơn nữa, mặc dù ở độ tuổi năm mươi, ông ta vẫn còn trinh trắng.
    Nhiều cô gái đẹp ngấp nghé muốn thân trao phận gửi cho ông ta nhằm kiếm nơi yên phận cái kiếp làm đàn bà, nhưng ông ta nhìn các ả bằng cặp mắt dửng dưng. Nhiều người cho ông ta khó tính. Nhưng điều đó trái ngược với bản chất của ông. Tới một con rắn hổ mang, ông cũng không dám xuống tay hạ sát khi nó leo lên người và liếm vào môi ông. Ông chỉ cười với nó. Và rồi khi thấy ông bị lâm nguy, các nhân viên giúp việc cho ông phải tìm gậy gộc để đánh chết con rắn. Hú hồn, hú vía, may cho nhà Đại Tiến Sĩ không hề hấn việc gì. Ông cũng chỉ cười khi thịt rắn trở thành món nhậu cho đám nhân viên. Bữa tiệc chiến thắng rắn, ông hào phóng xuất tiền để mua thêm thức ăn và nước để uống.
    Và rồi, cả xứ đều xôn xao khi đọc mục quảng cáo nhắn tin trên tờ báo Kim Tiền : Nhà Đại Tiến Sĩ - chuyên kinh doanh các loại óc văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, bác sĩ, kĩ sư, luật sư, bác học - muốn tìm vợ tuổi khoảng 15 đến 25. Ai muốn làm vợ Đại Tiến Sĩ hãy nộp đơn đăng kí từ ngày 1 tháng Giêng đến ngày 31 tháng Chạp năm nay. Mọi thủ tục xin liên hệ tại văn phòng của Đại Tiến Sĩ số 666, Đại lộ 13.
    - Ôi ! Ông Đại Tiến Sĩ chuẩn bị lấy vợ. Tuyệt thật !
    - Ôi ! Ngài Đại Tiến Sĩ sẽ có vợ. Chắc chắn đất nước này còn duy trì được gien của những người tài.
    - Ông ta lấy vợ thật à ?
    - Đây nè ! Đọc kĩ thì rõ ! Thật là phước đức cho nòi giống chúng ta…
    Cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm, đồn theo cấp số nhân. Cả làng cả nước chờ đón tin mừng Đại Tiến Sĩ kén vợ.
    *
    * *
    Việc định lại biên chế cho tờ báo Kim Tiền làm nát óc chủ nhiệm kiêm chủ bút. Để phóng viên, biên tập viên nào ở lại công tác, cho người nào về. Khi cần thì nhận, khi không cần thì thải sao ? Nhưng đã hạch toán kinh tế thì phải sòng phẳng, phải tính công sức của từng người để chi trả lương. Mà ở cơ quan này tính đi tính lại thừa 12 người trong tổng số 21 người. Giảm biên chế những trên 50%. Không lẽ chủ nhiệm kiêm chủ bút Thức Thời phải về vườn. Không lẽ Nữ Sĩ, người yêu trẻ của ông ta, phóng viên trẻ nhất trong số nữ phải nghỉ việc ?
    Ông ngồi thừ trước bàn làm việc. Nữ Sĩ vai mang xách chạy vào cười nũng nịu với ông :
    - Nè anh ! Tối nay chúng mình đi khiêu vũ nhé ?
    Ông im lặng.
    - Chiều em một tí đi nào ! - Nữ Sĩ quàng vai ông, tựa má sát vào hàm râu đen rậm của ông.
    - Anh bực muốn chết được !
    - Chuyện gì mà bực ? Ai làm anh bực ? Ai qua mặt được anh ở cơ quan này ? - Nữ Sĩ hét toáng lên khi buông tay ra khỏi con người ông…
    - Thì chuyện giảm biên chế đó ! - Ông vừa nói vừa thở dài.
    - Hơi đâu anh lo cho mệt xác. Không lẽ anh không giữ được em ở lại làm việc sao ? Hơi sức đâu anh nghĩ thế. Ai lo cho mình cái ăn cái mặc. Đời này không đạp nhau thì làm sao sống nổi ? - Nữ Sĩ vừa nói vừa khoanh tay, ngước mắt nhìn cái quạt trần đang quay chậm rãi - Anh không đạp họ thì anh có chỗ để đứng không ? Anh và em chết đói trước hay họ chết đói trước ? Tùy anh !
    *
    * *
    Đã hơn sáu tháng mà Đại Tiến Sĩ vẫn chưa kén được vợ cho nên mục quảng cáo nhắn tin phải in đi in lại nhiều lần trên báo kèm theo ảnh toàn thân của ông ta để các cô gái lượng sức nộp đơn đăng kí . Bên cạnh đó, báo cũng giới thiệu một phần tài sản của ông ta. Mục giới thiệu tài sản gồm có một số nội dung chính như sau : Ngài Đại Tiến Sĩ làm chủ một cao ốc trên 1000m2. Trang bị 5 karaôkê ở phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm và cầu tiêu. Có 2 xe hơi kiểu tiên tiến nhất của Nhật Bổn còn chờ người lái v.v… và v.v… Nếu đọc hết nội dung đó, có thể chúng ta choáng ngợp trong số tài sản đó.
    Mọi lo âu đều hiện trên gương mặt của những người chăm chú vào thời cuộc. Ngài Đại Tiến Sĩ sẽ chọn ai trong 6 tháng cuối năm để làm vợ. Người ta bàn bạc, kháo nhau và cá độ về đường tình duyên của Đại Tiến Sĩ.
    *
    * *
    Người yêu của Đại Tiến Sĩ là Nữ Sĩ. Nàng thường cặp kè bên cạnh ông, trở thành thư kí riêng cho ông. Sau khi bàn bạc với chủ nhiệm tờ báo Kim Tiền, nàng đã đăng tin : “Nữ Sĩ, phóng viên tờ Kim Tiền, tuổi 24, đẹp, dễ thương, cần tìm chồng khoảng 50 tuổi, giàu có…” Nhờ tin ấy, nàng cùng Đại Tiến Sĩ trở thành đôi tình nhân tuyệt vời. Mọi bí mật làm ăn của Đại Tiến Sĩ nàng hầu như biết gần hết. Nhân viên khi gặp nàng đều bẩm thưa “bà chủ”. Thế nhưng, họ vẫn chưa làm lễ cưới. Họ đợi đến gần tiết Tiểu Hàn sẽ tổ chức vì khí hậu hợp với chuyện ăn nằm. Còn khoảng 25 ngày nữa mới đến thời điểm làm lễ động phòng hoa chúc.
    Gần đến ngày cưới, một hội nghị khoa học kinh tế được tổ chức dưới sự bảo trợ của Viện Hàn lâm khoa học, có các đại trí thức của thời đại tham dự để nghe Đại Tiến Sĩ báo cáo tham luận kế hoạch kinh tế một thiên niên kỉ tới. Bản tham luận của Đại Tiến Sĩ dày trên ba ngàn trang in. Ông ta đã bỏ vốn ra in trên triệu bản phát trước cho các nước có tham dự hội nghị và ông ta dự tính bỏ ra một số tiền thù lao cho những vị chịu đến tham dự Hội nghị để nghe ông ta đọc tham luận. Cứ một trang in, ông sẽ chi trả cho mỗi người nghe một đô la. Vị chi, một người ngồi nghe tham luận, ông sẽ chi trả trên ngàn đô la. Mọi người đều phấn khởi mong đến ngày Hội nghị khai mạc.
    Dù bận bịu với công việc sắp đến của Hội nghị, Đại Tiến Sĩ vẫn không quên ngày cưới của ông ta sẽ tổ chức một tuần lễ sau đó. Ông dành thời gian rảnh rỗi đưa Nữ Sĩ giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng.
    Cơ sở làm ăn của ông, nàng đều biết và quen thuộc cả. Ngoại trừ trại cấy giống lấy óc, nàng chưa một lần ghé thăm. Nàng ao ước được đến đó. Nàng đã rủ rỉ bên tai Đại Tiến Sĩ. Cuối cùng, ông ta bằng lòng dẫn nàng đến trại.
    Một buổi sáng đẹp trời, cả hai đáp phi cơ trực thăng đến trại giống. Sau khi các nhân viên ở trại làm thủ tục chào đón ông chủ và vị hôn thê của ông ta xong, họ đâu vào đấy trở lại vị trí làm bổn phận của mình. Đại Tiến Sĩ dẫn Nữ Sĩ đi từng lán trại để nàng tham quan. Hàng đàn khỉ được nhốt trong các chuồng trại. Nàng ngợp với quang cảnh kì lạ của khỉ. Tới một chuồng khỉ, Đại Tiến Sĩ khoe với Nữ Sĩ :
    - Đây là chuồng nuôi óc kinh tế. Ai mua óc của lũ khỉ này sẽ ăn nên làm ra.
    Nữ Sĩ trố mắt nhìn từng con khỉ đang học cách mua bán. Từng chỉ vàng, từng lượng vàng được chúng chuyền nhau. Chúng ngửi, thè lưỡi liếm, chúng giấu vào tai, vào háng, vào hậu môn…
    Qua khỏi chuồng kinh tế, trước mắt Nữ Sĩ một chuồng khỉ có đầy đủ các nhạc cụ. Nào là pianô, viôlông, ghi ta, măngđôlin v,v…được các con khỉ đang chơi những bản nhạc tuyệt vời của Bêthôven, Môda…
    Nàng sửng người lắng nghe những âm thanh kì vĩ. Một cái đập vai nhẹ nhàng làm nàng giật mình. Đại Tiến Sĩ cười nói :
    - Em thấy lạ lắm hả ? Đây là chuồng nuôi óc nhạc sĩ. Chính những con khỉ này sẽ cung cấp óc cho các nhạc sĩ đại tài trong tương lai…
    Chưa hết, nàng được Đại Tiến Sĩ dẫn thăm các chuồng trại, cả thảy 33 chuồng, đủ mọi ngành nghề, đủ mọi tri thức và đều có thể bán ra thị trường dưới dạng óc.
    *
    * *
    Trong hội trường đông nghẹt người chờ đón Đại Tiến Sĩ đọc tham luận. Gần đến 11 giờ mới đến phiên ngài. Ngài bệ vệ tiến lên bục diễn thuyết. Pháo tay vang lên như sấm dậy tưởng bay trần ximăng ở trên đầu. Không có việc gì xảy ra cả. Chỉ có sự hoan hô nồng nhiệt.
    Khi ngài Đại Tiến Sĩ cất giọng như catxet, cả hội trường im phăng phắc. Ngài say sưa đọc. Các phóng viên chụp ảnh, quay phim lia lịa.
    12 giờ, ngài Đại Tiến Sĩ đọc đến trang 101.
    12 giờ 30, ngài đọc đến trang 162.
    13 giờ, ngài đọc đến trang 222.
    14 giờ 30, ngài đọc đến trang 402. Cả hội trường không có một tiếng thở để nghe ngài đọc.
    14 giờ 32, ngoài căng tin, mọi người đang kháo nhau sẽ sắm được những gì qua đợt Hội nghị này bởi đồng tiền hào hiệp của Đại Tiến Sĩ.
    14 giờ 36 phút, ngài Đại Tiến Sĩ vẫn đọc.
    15 giờ, ngài vẫn đọc. Và mọi người ở căng tin đang say mèm, nằm dài trên sàn nhà, trên cả lối đi và kể cả nơi vệ sinh.
    15 giờ 10 phút, ngài Đại Tiến Sĩ vẫn say sưa đọc.
    *
    * *
    Hai ngày sau, tờ báo Kim Tiền phát một tin giật mạch máu :
    “Lúc 15 giờ 20 phút ngày 25-12-…, ngài Đại Tiến Sĩ đã đột ngột xỉu khi đọc tham luận. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng vì tuổi cao, sức cạn, Ngài đã từ trần, hưởng 52 tuổi”.
    Và trong tờ báo này cũng đăng tin cuộc giải phẫu bộ óc kì vĩ của Đại Tiến Sĩ, nguyên văn như sau :
    “Sau khi tiến hành phẫu thuật bộ óc của Đại Tiến Sĩ, các bác sĩ, tiến sĩ, bác học trên thế giới vẫn không xác định óc của Ngài thuộc chủng loại nào vì không có não bộ. Và sau khi làm việc suốt 24 giờ liền, máy vi tính đã xác định : óc Ngài Đại Tiến Sĩ thuộc chủng loại rôbô ra đời cách đây 4 tỉ năm”.

    1991
    Phan Trang Hy

    Trích từ tập truyện NGƯỜI THẦY DẠY BÚP BÊ, Nxb Văn nghệ, 2009
     
  6. phanthieugia

    phanthieugia Moderator Moderator Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    12/4/08
    Bài viết:
    14,296
    Tớ lưu ý là toàn bộ truyện ngắn nên gộp vào trong 1 topic
    Nếu còn post tràn lan, mỗi truyện một topic thì tớ warn luôn đấy, giáng sinh vui vẻ :)
     
  7. dragonz1988

    dragonz1988 Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    8/1/13
    Bài viết:
    8
    Mình cũng sưu tầm nhiều truyện ngắn lắm :) khi nào rảnh sẽ post lên
     

Chia sẻ trang này