Nhạc "đậm" Nhật

Thảo luận trong 'Âm nhạc' bắt đầu bởi Cộng Mạng, 19/2/14.

  1. Cộng Mạng

    Cộng Mạng T.E.T.Я.I.S

    Tham gia ngày:
    30/7/12
    Bài viết:
    553
    Ngày nay, Nhật Bản trở thành một siêu cường kinh tế trên Thế giới. Và dĩ nhiên, văn hóa của họ cũng dần được giới thiệu rộng rãi ra bên ngoài, trong đó có mảng âm nhạc. Không thể phủ nhận mức độ phổ biến của các nghệ sĩ như Utada Hikaru hay nhóm nhạc AKB48, nhưng đáng tiếc thay, các nghệ sĩ này không đại diện cho nền âm nhạc đặc sắc và đặc thù của dân tộc Nhật Bản. Và giới trẻ cũng không có cơ hội tiếp xúc với những nét rất riêng, không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác của nền âm nhạc Nhật Bản.

    Mục đích của chủ đề này là giới thiệu những nét tinh tế trong nền âm nhạc đặc thù của nước Nhật lần lượt qua những bài viết, những ca khúc đậm chất Nhật. Nó là những thứ làm nên sự khác biệt của dân tộc Nhật Bản với phần còn lại của Thế giới.

    Để hiểu thế nào là "tâm hồn Nhật Bản" thì đầu tiên nên hiểu được âm nhạc thuần chất Nhật Bản là như thế nào.

    ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


    Bài 1: Haru no umi (biển mùa xuân)


    Nếu hỏi rằng người Nhật có "nhạc xuân" không, thì xin thưa rằng là có. Một trong những bài nhạc xuân tiêu biểu đối với người Nhật chính là khúc nhạc "Haru no umi" (biển mùa xuân). Khúc nhạc này rất đỗi quen thuộc trong tâm thức người Nhật Bản và thường được phát trên đài vào những ngày đầu năm.

    Haru no umi, sáng tác của Miyagi Michio, nghệ sĩ phái Ikuta-ryū biểu diễn với cây đàn Koto và sáo Shakuhachi.

    Nghe tại đây hoặc đây



    "Haru no umi" (春の海, biển mùa xuân) là một sáng tác Sōkyoku (tranh khúc, khúc nhạc cho đàn Koto) của nhạc sĩ Miyagi Michio. Nhạc cụ của bài này nguyên thủy gồm hai loại là đàn Koto và sáo Shakuhachi, sau này người ta còn chơi bằng hai loại nhạc cụ Tây phương là đàn Violin và sáo Tây. Tiếng đàn trong bản nhạc trầm, đại diện cho tiếng sóng biển, còn tiếng sáo bổng tượng trưng cho tiếng chim biển.

    "Haru no umi" được sáng tác vào cuối năm 1929 cho chủ đề "bờ biển" do Thiên Hoàng Nhật Bản ra đề trong hội thơ ca Utakai no hajime trong cung đình vào năm 1930. Đây là một nhạc khúc tiêu biểu cho nền âm nhạc mới của Nhật Bản, nó được chỉ định trong sách giáo khoa âm nhạc cho học sinh tiểu học, ngoài ra còn được sử dụng làm nhạc hiệu của các chương trình TV, Radio, các công ty trong những ngày đầu năm. Ngày nay "Haru no umi" được biết đến như một khúc nhạc không thể thiếu trong ngày đầu năm ở Nhật.

    [​IMG]

    Đặc trưng
    Nhạc sư Miyagi Michio bị mù từ năm lên 8 tuổi, nhưng trước đó ông sống với ông bà nội ở vùng Seto, cảnh biển tuyệt đẹp của vịnh Tomo-no-ura thuộc thành phố Fukuyama đã in sâu vào tâm trí ông và trở thành đề tài cho khúc nhạc "Haru no umi" sau này.
    Miyagi sáng tác "Haru no umi" với ảnh hưởng của âm nhạc Tây phương chứ không phải Hōgaku (nhạc truyền thống Nhật Bản) cận đại nhưng lại mang ấn tượng, khí sắc Nhật Bản sâu đậm.

    Biểu diễn
    Sơ diễn
    "Haru no umi" được biểu diễu lần đầu tiên vào cuối năm 1929 do chính tác giả Miyagi Michio và nhạc sư sáo Shakuhachi là Yoshida Seifū tại công hội đường Hibiya. Miyagi thuật lại rằng đến nghe buổi biểu diễn có nhà phê bình âm nhạc Ushiyama Mitsuru, Ushiyama cười rằng "giờ là lúc bận rộn, vẫn chưa đến xuân mà các cậu chơi được biển mùa xuân thì quả là nhàn nhã, thật hạnh phúc", và theo tập tùy bút "Yume no sugata" (hình tướng giấc mơ) của ông thì buổi biểu diễn đầu tiên thực sự là vào mùa xuân năm sau.

    Những chuyện liên quan

    "Haru no umi" trở nên nổi tiếng khi nghệ sĩ Violin Pháp quốc là Renée Chemet đến Nhật thu âm "Haru no umi". Khi đến Nhật, Chemet rất thích "Haru no umi" của Miyagi Michio và quyết định biểu diễn, thu âm và sau đó bán rộng rãi ở Nhật, Hợp chúng quốc Hoa và Pháp quốc. Trong buổi diễn này, Chemet thay tiếng sáo Shakuhachi bằng tiếng Violin và vẫn giữ lại tiếng đàn Koto như nhạc cụ chủ đạo.

    Năm 1968, ban nhạc điện tử "Inoue Munetaka & Sharp Five" phát hành album "Haru no umi", thay thế cây đàn Koto bằng Organ, thay tiếng Shakuhachi bằng guitar điện. Trong cùng năm, album này đã chiếm hạng nhất của Nihon Columbia.

    Trong bộ phim Mỹ "Hannibal Rising" có cảnh Lady Murasaki chơi "Haru no umi" với cây đàn Koto.

    "Haru no umi" được nhiều nghệ sĩ Tây phương biết đến và họ thường biểu diễn với tiếng Piano/ đàn Violin thay cho đàn Koto và sáo Tây/ guitar thay cho sáo Shakuhachi.

    Nguồn: http://gokuraku-shujo.blogspot.com/2014/02/am-nhac-haru-no-umi-bien-mua-xuan.html

    - - - Updated - - -

    Bài 2: đàn Koto

    Đàn Koto là một loại nhạc khí dây trong các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Nhật. Tên nhạc cụ này được viết là 箏 (Hán Việt: tranh) và còn được đọc theo âm Hán Nhật là "sō", chữ này thường được đọc là "koto". Tên đàn này còn được viết thành Hán tự là 琴 (Hán Việt: cầm) nhưng nói chính xác thì chữ 箏 (tranh) mới đúng, còn 琴 (cầm) vốn là một loại nhạc cụ khác. Tuy hai loại nhạc khí này đều có thể đọc là "koto" nhưng điểm khác nhau lớn nhất giữa 箏 (tranh) và 琴 (cầm) là ở phần "trụ" (Ji) của "tranh" có phần đỡ có thể chuyển động được để điều chỉnh âm trình của dây đàn, còn "cầm" không có phần đỡ này.

    Cây đàn "tranh" cổ điển gồm 13 dây, ứng với 13 âm sắc lần lượt là : Ichi (nhất), Ni (nhị), San (tam), Shi (tứ), Go (ngũ), Roku (lục), Shichi (thất), Hachi (bát), Kyū (cửu), Jū (thập), Tō (đấu), I (vi) và Kin (cân).

    [​IMG]
    Cây đàn "tranh" (Koto)

    Banshū (buồn tàn thu) được các nghệ sĩ phái Ikuta-ryū biểu diễn với cây đàn Koto. Nghe tại đây hoặc đây.

    Lịch sử

    Thời cổ đại

    Cây đàn Koto nguyên lai vốn có từ thời cổ ở Nhật gọi là Wagon (和琴- Hòa cầm) hoặc Yamato-goto (Đại Hòa cầm) gồm có 6 dây (hiếm khi là 5 dây) và được tìm thấy trong những di tích khai quật từ thời Yayoi đến thời Nara, hiện tại được sử dụng trong biểu diễn Nhã nhạc. Đến thời Heian thì nó được dùng như một nhạc khí biểu diễn phụ trợ trong một loại nhạc khúc Nhã nhạc gọi là Saibara (催馬楽) (loại ca khúc biểu diễn có kèm nhạc cụ thổi và nhạc cụ dây, kết hợp giữa điệu dân ca truyền thống ở địa phương với Nhã nhạc, thứ âm nhạc du nhập từ Trung Hoa đại lục sang). Tuy nhiên, trong thời hiện tại thì Wagon không được sử dụng trong Saibara.

    Wagon (Hòa cầm) còn là nhạc khí được sử dụng trong nghi lễ lên đồng của các cô đồng ở núi Osore-yama, nơi được coi là vẫn còn truyền giữ lại nguyên hình thức âm nhạc cổ đại đến tận ngày nay. Ngoài ra, người Ainu (dân tộc thiểu số sống ở quần đảo Nhật Bản) còn có loại nhạc cụ gọi là Tonkori có cấu tạo giống với Wagon (Hòa cầm) nhưng chỉ có 5 dây.

    Cây đàn "tranh" (sō) được truyền từ Trung Hoa đại lục sang Nhật Bản kể từ thời Nara có khởi nguyên từ nhân vật Mông Điềm thời nhà Tần (thế kỷ thứ 3 trước CN), nhưng đây chỉ là truyền thuyết và không có cơ sở về mặt lịch sử.

    Thời Nara, Heian
    Loại đàn Koto được biết đến rộng rãi hiện nay ở Nhật là cây đàn "tranh" được lưu truyền từ Đường quốc sang Nhật Bản vào thời Nara, gồm có 13 dây và được sử dụng trong Nhã nhạc thời Nara và sau đó là thời Heian. Cây đàn Koto (tranh) được cho là tượng trưng cho rồng, và các bộ phận của cây đàn có chỗ được gọi là "long đầu" (đầu rồng) và "long vĩ" (đuôi rồng). Đàn Koto dùng trong Nhã nhạc còn được gọi là "Gakusō" hoặc "Gaku-goto" (楽箏 - Nhạc tranh).

    Trong thời Nara, Heian thì đàn Koto được dùng với hình thức độc tấu hoặc chơi đệm cho lời hát. Những cảnh chơi đàn Koto thường thấy miêu tả trong các tác phẩm văn học cổ điển thời Heian như Genji-monogatari. Tuy nhiên, các nhạc khúc từ thời Nara, Heian đã thất truyền, không được lưu đến hiện tại.

    Nếu như Koto tượng trưng cho long thì thời cổ còn có cây đàn Kugo (箜篌 - Không hầu) tượng trưng cho phượng hoàng, nhưng cây đàn này đã bị thất truyền. Trong kho bảo vật Shōsō-in vẫn còn bảo quản một phần mảnh vỡ của đàn Kugo, và ngày nay người ta đang khôi phục lại cây đàn Kugo này. Ngoài ra còn có một loại nhạc cụ dây giống với Koto nhưng kích thước to lớn, gọi là Shitsu (hoặc Hitsu) (瑟- sắt). Trong khi Shōsō-in vẫn còn lưu giữ cây đàn Shitsu (sắt) Nhật Bản với 24 dây, còn đàn sắt Trung Hoa cổ đại gồm có 25 dây. Theo truyền thuyết thì thần linh đã chẻ đôi cây đàn Shitsu (sắt) này thành ra cây đàn Koto (tranh) 13 dây và đàn Koto (tranh) 12 dây. Hiện tại, đàn Shitsu (sắt) đã "tuyệt chủng" trong nền âm nhạc truyền thống Nhật Bản, nhưng cũng có nỗ lực khôi phục lại.

    Thời trung cổ
    Khoảng thời gian từ cuối thời Heian cho đến thời Muromachi thì không có ghi chép mang tính lịch sử nào rõ ràng về cây đàn Koto. Thời Azuchi-Momoyama thì có vị tăng lỡ Tịnh Độ tông là Kenjun (1574~1636) ở Kita Kyūshū đã thống hợp các nhạc khúc độc tấu của đàn Koto truyền từ Trung Hoa và cây đàn bản địa với các nhạc khúc Koto cho Nhã nhạc thành ra "Tsukushi-goto".

    [​IMG]

    Thời Edo

    Trong thời kỳ này, các khúc nhạc cho đàn Koto (Sōkyoku -tranh khúc) do các nhạc sư mù viết ra được gọi chung là "Zokusō" hay "Zoku-goto" (俗箏 -tục tranh). Zokusō dựa trên nền tảng là Tsukushi-goto do nhà sư Kenjun khởi xướng trong thời kỳ trước và đã thành công trong việc thiết lập nền tảng cho đàn Koto và các khúc nhạc Sōkyoku.
    Đầu thời Edo có nhạc sư mù Yatsuhashi Kengyō (1614~1685) là người có công lớn trong việc đổi âm giai chỉnh âm cây đàn Koto từ trước đó sang âm giai Miyako-bushi phổ biến ở các nơi phồn hoa đô hội và nhân rộng trong đại chúng. Ngoài ra ông còn sáng tác nhiều khúc nhạc cho đàn Koto và đặt nền móng cơ bản cho các khúc nhạc Koto (Sōkyoku) hiện tại. Có thuyết cho rằng các khúc biến tấu "Dan-mono" (tên gọi chung của các khúc nhạc Godan, Rokudan, Hachidan...) được khai sinh là do Yatsuhashi Kengyō tiếp xúc với âm nhạc Tây phương, nhất là cây đàn Cembalo bằng hình thức nào đó.
    Một trong những khúc nhạc độc tấu cho đàn Koto tiêu biểu là Rokudan no shirabe (khúc nhạc lục đoạn) còn được lưu truyền đến ngày nay là sáng tác của Yatsuhashi Kengyō. Kengyō là chức danh cao nhất của người mù trong thời phong kiến ở Nhật. Năm 1685 khi Yatsuhashi Kengyō qua đời cũng là năm sinh của nhiều đại gia trong nền âm nhạc Tây phương như Bach, Händel và Domenico Scarlatti. Tên của Yatsuhashi Kengyō còn được đặt cho một loại bánh ngọt Wagashi ở Kyōto là bánh "Yatsuhashi" phỏng theo hình dạng cây đàn Koto.

    Nhạc khúc Midare (loạn) của Yatsuhashi Kengyō do nghệ sĩ phái Ikuta-ryū biểu diễn: nghe tại đây
    Hoặc khúc biến tấu Midare (loạn) do nữ nghệ sĩ Yoshimura Nanae biểu diễn: nghe tại đây

    Sau Yatsuhashi Kengyō, giữa thời Edo còn có hai nhà sáng tác Sōkyoku (tranh khúc) quan trọng khác là Yamada Kengyō và Ikuta Kengyō. Đây là hai nhân vật lớn, lập nên hai trường phái Koto là Ikuta-ryū và Yamada-ryū lưu truyền đến ngày nay. Ikuta Kengyō hoạt động ở kinh đô Kyōto trong những năm Genroku, có nhiều cải tiến trong phương pháp biểu diễn, chỉnh âm, cải tiến tay khảy đàn và có nhiều đóng góp trong việc phát triển các khúc nhạc Koto.
    Thực tế đương thời ở vùng Kamigata (vùng quanh Kyōto, Ōsaka) có nhiều lưu phái mới phát sinh và đều có những cải tiến độc đáo về tay gãy đàn và sáng tác nhạc khúc. Thời nay, người ta gọi chung hết những lưu phái đó là Ikuta-ryū.
    Ikuta Kengyō được cho là có công lớn trong việc đưa cây đàn Koto vào biểu diễn chung với Ji-uta, một hình thức biểu diễn đàn Shamisen nhưng thực tế đàn Koto cũng được diễn hợp tấu với Shamisen ở các lưu phái khác. Và như vậy Sōkyoku (tranh khúc) trở nên thịnh hành ở vùng Kamigata (phía Tây nước Nhật) một thời gian, đến nửa cuối thế kỷ 18 có nhạc sư mù Yamada Kengyō hoạt động ở Edo (phía Đông nước Nhật) cải tiến nhạc cụ và sáng tác nhạc khúc cho thể loại hát rối Jōruri (Tịnh lưu ly) và ông trở thành khai tổ của lưu phái Yamada-ryū. Lưu phái Yamada-ryū này lan rộng khắp miền Đông Nhật Bản, trung tâm là Edo. Và như vậy, cho đến cuối thời Mạc phủ Tokugawa thì miền Tây nước Nhật có phái Ikuta-ryū, còn miền Đông có Yamada-ryū hoạt động mạnh mẽ. Ngoài ra còn có một phần lưu phái Yatsuhashi-ryū được truyền thừa trực tiếp từ Yatsuhashi Kengyō lưu hành.
    Các nhà sáng tác Sōkyoku (tranh khúc) quan trọng trong thời kỳ này gồm có Kitajima Kengyō đầu thời Edo, đệ tử của Yatsuhashi Kengyō và là sư phụ của Ikuta Kengyō, giữa kỳ có Mitsuhashi Kengyō và Yasumura Kengyō nổi tiếng với các sáng tác cho Kumi-uta, thể loại phối hợp các nhạc khúc có sẵn thành một bài duy nhất, và đến cuối kỳ Edo thì có Yaezaki Kengyō, Mitsuzaki Kengyō và Yoshizawa Kengyō.
    Trong thời Edo, cây đàn Koto bị chế độ Tōdōza, tổ chức của những người mù độc chiếm. Koto chỉ được truyền dạy trong các nhạc sư mù và họ không chấp nhận cho người sáng mắt bình thường trở thành người biểu diễn chuyên nghiệp.
    Vì vậy nên ngoài Ji-uta ra thì trái ngược với các thể loại âm nhạc khác diễn tấu với cây đàn Shamisen như kịch Kabuki hay kịch rối Jōruri (Tịnh lưu ly), tức các hình thức biểu diễn mang yếu tố thị giác, thì Sōkyoku (tranh khúc) biểu diễn với cây đàn Koto không có bất kỳ mối quan hệ nào với các sân khấu, kịch trường và chỉ phát triển như một thứ âm nhạc thuần túy. Trung tâm của Sōkyoku (tranh khúc) là Kumi-uta, trong đó đàn Koto phụ họa với các nhạc cụ khác, và các khúc độc tấu dành cho riêng Koto gọi là Dan-mono (tên gọi chung của các ca khúc "Ngũ đoạn"-Godan, "Lục đoạn"-Rokudan, "Bát đoạn"-Hachidan...). Và nhạc khúc Koto cũng phát triển mạnh mẽ trong vai trò là Tegoto, tiết mục biểu diễn đệm giữa hai lời hát trong thể loại hợp tấu Ji-uta.
    Trái với cây đàn Shamisen phổ cập mạnh mẽ trong giới bình dân và có liên hệ mạnh mẽ với các du nữ, gái làng chơi, thì cây đàn Koto cùng các nhạc khúc của nó (tranh khúc) lại là đối tượng thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm văn học Vương triều, được cho là thứ âm nhạc mang tinh thần tao nhã, được giới Võ gia đương thời nhận thức là loại "âm nhạc cao thượng" nên đàn Koto trở thành một thú vui không thể thiếu của các tiểu thư con nhà Võ gia quyền quý.

    [video=youtube;wXF-8vPrUmU]http://www.youtube.com/watch?v=wXF-8vPrUmU[/video]

    Thời cận đại

    Kể từ thời Meiji trở đi thì chế độ Tōdōza bị bãi bỏ, ngoài những người mù ra thì người mắt sáng bình thường vẫn có thể theo đuổi nghề diễn tấu đàn Koto. Các nhạc khúc được sáng tác trong thời kỳ này được gọi là "Meiji shinkyoku" (Minh Trị tân khúc) và có ít ảnh hưởng từ âm nhạc Tây phương, ngoài ra còn thấy có ảnh hưởng từ Minh Thanh nhạc, loại âm nhạc du nhập từ Trung Hoa sang.
    Thời kỳ này chứng kiến sự cách tân trong trào lưu tư tưởng của toàn dân kể từ sau cuộc duy tân Meiji cho nên Sōkyoku (tranh khúc) được giải phóng rộng rãi, ngoài giới người mù ra thì còn có rất nhiều người bình thường khác bước vào thế giới của đàn Koto, cho nên thời kỳ này chứng kiến sự ra đời của rất nhiều nhạc khúc. Nhất là ở vùng Ōsaka, Minh Trị tân khúc cực kỳ thịnh hành. Tuy nhiên, đối với người chơi Koto hiện tại thì các nhạc khúc ra đời trong thời gian này được cho là có ít bài đạt chất lượng thỏa mãn. Nhưng bầu không khí âm nhạc thời kỳ này mang nét mới mẻ, độc đáo. Các tác phẩm sáng tác trong thời kỳ này vẫn thường được biểu diễn trong ngày nay có thể kể đến "Aki no koto no ha" (lời mùa thu) của Nishiyama Tokumo-ichi, "Kaede no hana" (hoa Kaede) của Matsuzaka Shun-ei, "Saga no aki" (mùa thu Saga) của Kikusue Kengyō, "Meiji Shōchikubai" (Minh Trị tùng trúc mai) của Kikuzuka Yo-ichi. Ngoài ra cũng có không ít nhạc khúc bất hũ như "Shiragiku" (cúc trắng) của Terashima Hanano, "Miyako no haru" (mùa xuân kinh kỳ) của phái Yamada-ryū.

    Trong thời kỳ Taishō (Đại Chánh) và những năm đầu niên hiệu Shōwa (Chiêu Hòa) thì không thể không nhắc đến tên tuổi Miyagi Michio khi nói đển mảng Sōkyoku (tranh khúc). Ông là nhạc sư phái Ikuta-ryū và là nhân vật trung tâm trong trong việc đưa vào yếu tố âm nhạc Tây phương để hình thành nền âm nhạc mới của Nhật Bản. Ông không chỉ hoạt động trong lãnh vực Koto mà còn nổi trội trong các mặt khác của âm nhạc truyền thống (Hōgaku). Sáng tác tiêu biểu của Miyagi Michio là "Haru no umi" (biển mùa xuân) dành cho đàn Koto và cây sáo Shakuhachi (nói chính xác, loại sáo này dài 1 xích 6 thốn, ngắn hơn Shakuhachi một chút). "Haru no umi" là khúc nhạc viết lại ngữ pháp của âm nhạc truyền thống Nhật Bản (Hōgaku) và khai thác hết tính năng của nhạc cụ, cho đến nay thì nó vẫn là khúc nhạc hàng đầu khi chọn biểu diễn đàn Koto. "Haru no umi" (biển mùa xuân) của Miyagi Michio còn được diễn tấu với đàn Violin hay sáo Tây thay cho Shakuhachi. Về Violin thì có nữ nghệ sĩ Pháp quốc là Renée Chemet từng diễn tấu khúc nhạc này và kể từ đó, tên tuổi Miyagi Michio cũng như cây đàn Koto được Thế giới biết đến rộng rãi. Miyagi Michio không chỉ đi vào mảng sáng tác nhạc khúc và cải tiến nhạc cụ mà còn dốc hết lực vào việc khôi phục các nhạc phẩm cổ điển và các hoạt động đào tạo. Từ trước đó, việc luyện tập và truyền thụ đàn Koto chủ yếu thông qua hình thức truyền miệng, và Miyagi là người có công lớn trong việc phổ cập nhạc phổ vào âm nhạc truyền thống.

    Miyagi Michio ảnh hưởng đến toàn thể trào lưu của thế giới Sankyoku (Tam khúc, một thể loại Ji-uta với đàn Koto, Shamisen và hồ cung). Các nhà tác khúc như Nakamura Sōyō, Hisamoto Genchi phái Ikuta-ryū và Naka-no-shima Kin-ichi đều có nhiều sáng tác chịu nhiều ảnh hưởng từ Miyagi Michio để lại cho hậu thế. Ngay cả những người không phải là nhà sáng tác Sōkyoku (tranh khúc) như Machida Kashō (nhà phê bình âm nhạc) cũng chịu ảnh hưởng của Miyagi mà sáng tác nhiều tác phẩm hợp tấu với các nhạc cụ truyền thống.

    [​IMG]

    Thời hiện đại

    Ngày nay, đàn Koto và Sōkyoku (tranh khúc) vẫn được truyền thừa qua các lưu phái truyền thống như Ikuta-ryū và Yamada-ryū, ngoài ra còn có sự giao lưu với âm nhạc cổ điển Tây phương. Cụ thế, năm 1964 dấy lên trào lưu sử dụng nhạc cụ Hōgaku (âm nhạc truyền thống) trong giới nhạc sĩ âm nhạc hiện đại. Các nhạc cụ truyền thống, trong đó có đàn Koto được sử dụng rộng rãi trong âm nhạc hiện đại. Dòng nhạc này phát huy đặc điểm, ưu điểm của cách biểu diễn và nhạc cụ truyền thống trong những bản nhạc mang âm luật hiện đại, Âu hóa và nó vẫn được hỗ trợ, tiếp tục đến nay thông qua các tổ chức âm nhạc như "Hōgaku yonin no kai", "Nihon ongaku shūdan" (tên Tây: Pro Musica Nipponia). Các nhóm nhạc trẻ như Rin' cũng thường sử dụng nhạc cụ truyền thống trong các tác phẩm mang âm luật hiện đại của họ.

    Các nhạc phẩm đàn Koto chủ yếu trong âm nhạc hiện đại

    Tác phẩm cho đàn Koto và dàn nhạc giao hưởng

    * Fūchō-kagetsu (phong điểu hoa nguyệt), tác giả Yuasa Jōji, 1967.
    * Hō-ō sanren.Ha-no-kyoku (phá khúc phượng hoàng tam liên), Matsu no kyōsōkyoku (hợp tấu khúc Matsu (tùng)),.... tác giả Miki Minoru.
    * Sáng tác cho đàn Koto 20 dây và dàn nhạc giao hưởng của Ifukube Akira, 1982.
    * In the shadow of the tree của Sofia Gubaidulina, nữ nghệ sĩ Liên Xô, 1999.
    * Jūkai (thụ hải - biển cây), khúc hợp tấu cho đàn Koto 20 dây và dàn nhạc giao hưởng của Nishimura Akira, 2002.
    * Khúc hợp tấu cho đàn Koto và dàn nhạc giao hưởng của Sakamoto Ryū-ichi, 2010.

    Tác phẩm độc tấu Koto

    * Sonata độc tấu Koto của Shimofusa Kan-ichi năm 1938. Đây là khúc độc tấu Koto đầu tiên của nhạc sĩ hệ âm nhạc Tây phương.
    * Tennyo (thiên như) của Miki Minori năm 1969, đây là khúc độc tấu đầu tiên cho đàn Koto 20 dây.
    * Koto uta (bài ca Koto) của Hosokawa Toshio.
    * Intermezzi II của Mochizuki Misato.


    Các tác phẩm khác

    * Ama no megumi (ơn huệ của trời) của Enokido Fuyuki, 2011.
    * Kaggra: nhóm nhạc Rock Nhật Bản. Nhóm nhạc này có nhiều tác phẩm biểu diễn với đàn Koto.

    Nhạc phẩm "tennyo" (thiên như) sáng tác của Miki Minoru, nghệ sĩ Yoshimura Nanae biểu diễn với đàn Koto 20 dây: nghe tại đây.
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/2/14
    raukgonzalez_37 thích bài này.
  2. spsgnow123

    spsgnow123 Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    30/11/12
    Bài viết:
    4
    những ca khúc 1 thời nỗi tiếng đây
     
  3. Cộng Mạng

    Cộng Mạng T.E.T.Я.I.S

    Tham gia ngày:
    30/7/12
    Bài viết:
    553
    [​IMG]

    Sakura Sakura, một khúc dân ca cổ, được thể hiện với cây đàn Koto. Nghe tại đây

    Lưu phái

    Ngày nay, có hai lưu phái truyền thống vẫn còn hoạt động là Yamada-ryū và Ikuta-ryū. Điểm khác biệt bề ngoài rõ nét nhất chính là hình dạng của tay khảy đàn (Koto-zume) và tư thế đàn. Phái Ikuta-ryū dùng tay khảy đàn gọi là "Kaku-zume" có hình chữ nhật, phần đầu góc cạnh và để sử dụng hiệu quả loại tay khảy này thì người diễn tấu phải ngồi chéo qua trái một góc 45 độ so với đàn. Phái Yamada-ryū thì dùng tay khảy "Maru-zume" có phần đầu hình tròn và hơi nhọn, ngồi chính diện so với đàn.


    [​IMG]

    Kakuzume của phái Ikuta-ryū và Maru-zume của phái Yamada-ryū

    Về tiết mục diễn tấu thì cả hai phải không khác nhau nhiều lắm vì đều có nhiều mục diễn tấu, nhưng Yamada-ryū thì thiên về các nhạc khúc đi kèm lời hát, còn Ikuta-ryū thì phát triển theo hướng các nhạc khúc độc tấu. Về hình dạng nhạc cụ thì cây đàn của phái Ikuta-ryū chịu nhiều ảnh hưởng của Gakusō (nhạc tranh, đàn Koto dùng trong Nhã nhạc) còn đàn của Yamada-ryū cải tiến từ Zokusō (tục tranh) nên có âm lượng lớn hơn và âm sắc cũng phong phú hơn. Vì vậy nên ngày nay, phần lớn đàn Koto được chế tạo đều theo phương thức của Yamada-ryū. Tuy nhiên, ở Okinawa và những vùng ảnh hưởng văn hóa Okinawa có lưu phái Sōkyoku (tranh khúc) độc đáo của vùng Ryūkyū vốn chịu ảnh hưởng từ Yatsuhashi-ryū, ở những vùng này hiện tại vẫn sử dụng cây đàn Koto theo kiểu của phái Ikuta-ryū. Ngoài ra thì các nghệ sĩ của phái Ikuta-ryū cũng sử dụng cây đàn của phái Yamada-ryū. Về phần chỉnh âm thì một phần tên gọi trong phương pháp chỉnh âm của hai phái khác nhau.
    Ngoài hai lưu phái này còn có các phái thiểu số khác như Yatsuhashi-ryū truyền thừa cách biểu diễn từ thời Yatsuhashi Kengyō và phái Tsukushi-ryū lưu truyền cách thức của Tsukushi-goto như đề cập ở phần trước.

    Nguồn: http://gokuraku-shujo.blogspot.com/2014/02/am-nhac-cay-koto-phan-4.html
     
  4. Cộng Mạng

    Cộng Mạng T.E.T.Я.I.S

    Tham gia ngày:
    30/7/12
    Bài viết:
    553
    [​IMG]

    Jō-ga-shima no ame (mưa trên đảo Jō-ga-shima), Sawai Tado diễn tấu với đàn Koto. Nghe tại đây hoặc đây


    Cấu tạo đàn

    Chiều dài của loại đàn cao cấp được gọi là "Hongen" của phái Yamada-ryū là 6 xích 3 thốn (chừng 190 cm), còn của phái Ikuta-ryū là 6 xích (chừng 182 cm). Ngoài ra thì còn có nhiều loại khác có chiều dài lớn, nhỏ hơn hai cỡ này, nhưng ngoại trừ loại đàn Koto dùng để dạy ở trường thì phần lớn là kiểu đàn của phái Yamada-ryū.
    Trong Shōsō-in (Chánh Thương viện), bảo khố chứa các món đồ báu ở Nara còn lưu giữ mảnh khuyết của cây đàn Koto các thời đại trước, nhưng cấu tạo khác với loại đàn hiện nay, gồm 4 miếng ván khá mỏng ráp thành hình hộp. Cây đàn Koto hiện đại được chế tạo bằng cách khoét từ một loại gỗ để làm thành mặt trên của đàn và hai mặt bên, riêng mặt dưới được làm từ loại gỗ khác, sau đó ráp vào. Cách làm này được cho là xuất hiện từ thời Heian, sau đó được Yamada Kengyō cải tiến thành loại đàn Yamada-goto chủ lưu hiện nay. Phần thân đàn làm từ gỗ cây Kiri (một giống cây vông), cách chế tạo thì có hai loại là "Beta" và "Kiri-kō", loại sau cao cấp hơn. Ngày xưa thân đàn được trang trí nhiều tranh khảm như một thứ thể hiện địa vị của tầng lớp giàu có, nhưng đến thời Yamada Kengyō thì việc trang sức được hạn chế đến mức tối thiểu, tập trung vào âm sắc và dần dà càng có nhiều cây đàn đơn giản ra đời. Tuy nhiên chất lượng âm sắc của cây đàn có quan hệ mật thiết đến vẻ đẹp của vân gỗ làm đàn.
    Người xưa xem cây đàn Koto như một con rồng, nên các bộ phận của đàn được đặt tên là Ryūkaku (long giác/sừng rồng), Ryūgan (long nhãn/mắt rồng), Ryūshu (long thủ/tay rồng), Ryūbi (long vĩ/ đuôi rồng)...

    [​IMG]

    Long vĩ và dây đàn

    Dây đàn

    Bình thường, dây của các loại nhạc khí Nhật Bản truyền thống được gọi là "Ito" (mịch/sợi tơ). Đàn Koto bình thường có 13 dây, không khác gì so với đàn thời Nara, nhưng đến thời Edo thì dần xuất hiện những cây đàn nhiều dây hơn. Đến thời Meiji, đầu tiên là đàn 17 dây, sau đó nhiều loại đàn nhiều dây hơn được chế tạo. Loại đàn 13 dây phổ thông có tên gọi cho từng dây là Ichi (nhất), Ni (nhị), Tam (san), Shi (tứ), Go (ngũ), Roku (lục), Shichi (thất), Hachi (bát), Kyū (cửu), Jū (thập), To (đẩu), I (vi) và Kin (cân) tính từ phía ngược với người khảy đàn, nhưng trong Tsukushi-goto lại gọi bằng tên khác. Về độ lớn thì dây đàn có nhiều kích cỡ, trước đây thì loại dây nhuộm vàng là phổ biến, hiếm khi thấy dây nhuộm đỏ và xanh nhưng hiện nay màu trắng tự nhiên lại được ưa chuộng. Về cấu tạo của dây đàn Koto thì cũng giống như dây nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác, gồm 1 sợi dây đơn được bện thêm 4 sợi khác, cố định bằng keo. Về chất liệu thì dây đàn Koto vốn là sợi lụa, nhưng hiện nay, dây đàn Zoku-sō (tục tranh) chủ yếu được chế từ sợi Polyestel. Dây Polyestel có tính đàn hồi cao, khi kéo căng thì để lại dư âm dài, âm sắc tốt nên được ưa chuộng. Dùng dây Polyestel không lo bị đứt giữa chừng khi biểu diễn và giá thành cũng rẻ hơn dây lụa, đây là lý do chính khiến dây Polyestel trở nên phổ cập. Tuy nhiên vẫn có nhiều người ưa chuộng âm vang độc đáo của dây lụa, nhất là âm thanh khi dùng tay khảy vuốt dây, thì âm sắc của dây lụa tốt hơn nên cho đến bây giờ thì trong Gaku-sō (nhạc tranh) chủ yếu vẫn dùng dây lụa.

    Tay khảy đàn

    Tay khảy đàn Koto được gọi là "Tsume" (móng) đeo vào 3 ngón của bàn tay phải là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa ở phía mặt bụng của các ngón (ngược phía với móng tay người). Loại Tsume dùng trong Nhã nhạc thì dạng tròn, nhỏ. Tsume của phái Ikuta-ryū gọi là Kaku-zume có phần đầu rộng, hình tứ giác còn phái Yamada-ryū dùng loại tròn, đầu nhọn gọi là Maru-zume như đề cập ở phần trên. Hình dạng khác nhau của tay khảy đàn cũng mang lại sự khác biệt tinh tế trong âm sắc của đàn. Về độ dày thì từ sau đệ nhị Thế chiến, tay khảy dần dần được chế tạo mỏng đi. Về chất liệu (trừ loại dùng cho Nhã nhạc) thì tay khảy được làm từ ngà voi, nhưng vì điều ước về thương mại Quốc tế các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) mà việc mua tay khảy đàn bằng ngà voi trở nên khó khăn hơn, giá thành cũng bị đội lên rất cao. Tuy nhiên, việc sử dụng tay khảy bằng nhựa thay thế chỉ được dùng trong việc đào tạo ở trường học.

    Trụ

    Trụ (Ji) tức phần nhạn đàn là bộ phận nâng đỡ dây đàn, quy định độ cao của âm và truyền rung động vào thân đàn. Phần trụ của Gaku-sō (nhạc tranh) truyền thống vốn nhỏ và thấp, nhưng đến thời cận đại đã trở nên to lớn hơn để mang lại âm lượng to hơn. Ngoài ra còn có nhiều loại trụ khác, như loại nhỏ dùng để bổ trợ, loại được thay đổi phần chân, loại được công phu để khó đổ hơn. Về chất liệu thì thời cổ, phần nhiều trụ được làm từ gỗ cây Karaki (Đường mộc), nhưng hiện tại loại làm từ ngà voi được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên ngà voi hiện nay rất đắc, khó mua nên loại làm từ nhựa tổng hợp dần phổ biến. Trước đó thỉnh thoảng cũng thấy loại làm từ xương cá voi.

    Đàn Koto mới từ thời cận đại trở đi

    Trong số các loại Koto được cách tân thì loại đàn 17 dây (thập thất huyền tranh do Miyagi Michio khai phá là nổi tiếng hơn cả và đã trở nên phổ cập. Loại đàn này được cải thiện phần âm thấp để có thể chơi hợp tấu và được dùng nhiều trong các nhạc khúc từ thời Miyagi Michio trở đi. Ngoài ra Miyagi Michio còn khai phá loại đàn Koto ngắn (đoản tranh) dùng trong đào tạo và loại đàn 80 dây với kích thước khổng lồ.
    Ngoài ra còn có loại đàn 20 dây (thực tế có 21 dây) do nhà soạn nhạc Miki Minoru và Nosaka Keiko cùng hợp tác khai phá năm 1969, loại 25 dây, loại 30 dây, loại 32 dây. Tất cả đều là sản phẩm của các nhà soạn nhạc hiện đại khai phá cho nhạc phẩm của họ. Trong số này thì loại Koto 20 dây là được sử dụng nhiều hơn cả, dần dần trở nên phổ cập.
    Địa phương sản xuất đàn Koto nổi tiếng ở Nhật là thành phố Fukuyama thuộc tỉnh Hiroshima, chiếm 7 phần sản lượng toàn quốc.

    Các loại nhạc khí giống với Koto bên ngoài Nhật Bản

    Đầu tiên phải kể đến đàn tranh ở Trung Quốc và Việt Nam. Bản thân chữ "Koto" chính là chữ "tranh" (Hán Việt), nhưng dĩ nhiên là có những nét độc đáo riêng của dân tộc Nhật trong âm sắc và cách diễn tấu.
    Ở Triều Tiên có loại đàn "Gia Da cầm" gồm 12 dây, khi diễn tấu thì kê phần đầu của đàn lên đầu gối người diễn, khảy bằng đầu ngón tay. Ngoài ra còn có loại Huyền cầm (Geomungo) 6 dây, Nha cầm 7 dây.
    Về mặt phân loại thì đàn Koto thuộc loại đàn Cithare, do đó có thể kể đến các loại Cithare của chư Âu quốc. Tuy nhiên Cithare không phải loại nhạc cụ phổ biến mà chỉ được dùng như một loại nhạc khí dân tộc của các xứ Alps (nhất là Áo). Ngoài ra có thể kể đến đàn Kantele của Phần Lan cũng cùng loại với Koto.

    Các địa chỉ web nghe diễn tấu Koto và các nhạc cụ Nhật Bản truyền thống khác

    1. Blog Cực Lạc Chúng Điểu
    2. Chiasenhac.com
    3. Nhaccuatui.com1
    4. Nhaccuatui.com2
     
  5. vuhoanglinh2014

    vuhoanglinh2014 Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    8/3/14
    Bài viết:
    5
    Nơi ở:
    hcm
    Cảm ơn những thông tin của bạn. Bài viết rất hay.
     

Chia sẻ trang này