Airbus đã vừa chuyển giao chiếc A350 XWB đầu tiền dành cho Vietnam Airlines theo hợp đồng thuê máy bay được ký kết với công ty cho thuê máy bay AerCap có trụ sở chính tại Amsterdam, Hà Lan. Như vậy, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã trở thành đối tác thứ 2 khai thác dòng máy bay phản lực thương mại thân rộng A350 XWB với XWB viết tắt của Xtra Wide Body. Toàn cảnh lễ chuyển giao máy bay A350 XWB được tổ chức tại thành phố Toulouse, Pháp. Buổi lễ diễn ra trang trọng với sự có mặt của đại diện Vietnam Airlines, đại sứ Việt Nam tại Pháp, đại diện Airbus và các đối tác AerCap và Rolls-Royce. Theo thông cáo báo chí từ Airbus thì chiếc A350-900 đầu tiên sẽ hạ cánh tại Nội Bài vào hôm nay (ngày 1 tháng 7) và trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục nhận thêm 13 chiếc A350 XWB trong đó có 10 chiếc trực tiếp từ Airbus theo hợp đồng đã ký vào ngày 21 tháng 12 năm 2007 và 3 chiếc còn lại từ các đối tác cho thuê máy bay như AerCap. Vietnam Airlines sẽ khai thác dòng A350 XWB ngay vào cuối tuần này, áp dụng trước tiên trên chặng bay quốc nội giữa Hà Nội và Hồ Chí Minh và sau đó sẽ khai thác trên các chặng bay quốc tế, cụ thể là chặng bay thẳng từ Hà Nội đến Paris. Những chiếc A350 XWB sẽ nâng số lượng đội bay Airbus của Vietnam Airlines lên 59 máy bay trong đó có 49 Airbus A321 và 10 Airbus A330. Bên trong cabin Airbus A350-900 của Vietnam Airlines. Cabin A350 XWB được bố trí với 3 layout ghế theo 3 hạng gồm 29 ghế ngồi - nằm, có thể mở ra thành giường nằm phẳng cho hạng thương gia, 45 ghế hạng phổ thông cao cấp và 231 ghế hạng phổ thông. Bên cạnh việc mở rộng không gian cho tất cả các hạng ghế, A350 XWB cũng được trang bị các hệ thống giải trí trên máy bay mới nhất với màn hình cảm ứng phân giải cao và hệ thống kết nối hiện đại. Phát biểu tại buổi lễ chuyển giao, phó tổng giám đốc thương mại của Vietnam Airlines - ông Trịnh Ngọc Thạnh cho biết: "Dòng A350 XWB mới đánh dấu một bước khởi đầu quan trọng trong quá trình nâng cấp đội bay chặng dài của Vietnam Airlines. Với sự kết hợp giữa các công nghệ mới nhất, cabin rộng hơn và mức độ thoải mái cao nhất, A350 XWB sẽ cho phép chúng tôi vận chuyển hành khách theo mọi cách mà họ mong muốn. Chúng tôi tự hào khi trở thành hãng hàng không thứ 2 trên thế giới tiếp nhận A350 XWB - loại máy bay giúp chúng tôi tiến thêm một bước nữa để thực hiện cam kết "không ngừng vươn xa"." Trong khi đó, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Airbus - ông Fabrice Bregier cho biết: "Chúng tôi tự hào khi chứng kiến Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không thứ 2 trên thế giới khai thác dòng máy bay A350 XWB. Chúng tôi tin rằng A350 XWB hoàn toàn mới sẽ cho phép Vietnam Airlines củng cố vị trí của một trong những hãng hàng không quốc tế hàng đầu tại châu Á và có thể mang lại cho hành khách những gì tốt nhất mà ngành công nghiệp hàng không có thể cung cấp." ***Một thông tin hữu ích mà mình tìm được trên Facebook chính thức của Vietnam Airlines là vào ngày 3 tháng 7 tới đây, hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên với Airbus A350-900. Nhân dịp này, Vietnam Airlines sẽ cung cấp các chuyến bay khứ hồi miễn phí cho các thành viên Bạch Kim (Platinum) và Vàng (Gold) theo chương trình Golden Lotus Plus và các đối tác khác. Các thành viên này sẽ có cơ hội trở thành hành khách đầu tiên được trải nghiệm A350-900 trên chuyến bay từ Sài Gòn đến Hà Nội. Thời gian khởi hành dự kiến vào 11:35 AM ngày 3 tháng 7, chuyến về có thể là bất cứ chuyến bay thông thường nào trước ngày 3 tháng 10 năm nay. Bạn có thể tham khảo thêm tại đây. Chiếc Airbus A350 XWB được trưng bày tại triển lãm Singapore Airshow 2014. Về phần Airbus A350 XWB thì đây là một dòng máy bay phản lực thương mại tầm xa, thân rộng, 2 động cơ. Dòng máy bay này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 6 năm 2013 và đến nửa đầu năm nay thì đã có 2 hãng hàng không khai thác gồm Qatar Airways và Vietnam Airlines. Đây cũng là dòng máy bay đầu tiên của Airbus với cấu trúc cánh và thân đều được chế tạo chủ yếu bằng polymer gia cường bằng sợi carbon. A350 XWB có các biến thể với nhiều số lượng ghế từ 280 đến 366 ghế và cabin được phân làm 3 layout theo 3 hạng ghế. A350 được Airbus định hướng là dòng máy bay kế thừa A330, A340 và cạnh tranh trực tiếp với Boeing 787 Dreamliner cũng như Boeing 777. A350 XWB sở hữu các công nghệ được phát triển dành cho dòng A380 bao gồm buồng lái và hệ thống fly-by-wire. A350 XWB được chế tạo với 53% vật liệu composite, 19% hợp kim nhôm/nhôm-lithium, 14% titanium, 6% thép và 8% vật liệu khác. Airbus dự kiến chi phí bảo trì khung sườn của A350 XWB sẽ giảm 10% và trọng lượng ghế trống giảm 14% so với các mẫu máy bay đối thủ. Bên cạnh đó, Airbus cho biết thiết kế mới cũng cung cấp không khí trong cabin tốt hơn với 20% độ ẩm và một hệ thống quản lý dòng khí giúp điều tiết dòng khí nạp vào cabin tương ứng với số lượng hành khách . Không giống như các dòng máy bay Airbus trước đây, thiết kế thân XWB (Xtra Wide Body) mới của A350 XWB duy trì chiều rộng không đổi từ cửa số 1 đến cửa số 4 nhằm mang lại thể tích khả dụng tối đa. Mặt cắt thân máy bay thiết kế dạng bong bóng kép (double-lobe hay double-bubble) có đường kính ngoài tối đa 5,97 m so với 5,64 m của A330/A340. Đường kính trong của cabin là 5,61 m so với Boeing 787 là 5,49 m và Boeing 777 là 5,87 m. Điều này cho phép Airbus cung cấp thiết lập layout cho hạng phổ thông cao cấp với 1 hàng 8 ghế theo bố cục 2 - 4 - 2 (3 dãy ghế, 2 dãy ngoài cùng 2 ghế và dãy giữa 4 ghế). Mỗi ghế rộng 49,5 cm, khoảng trống để tay giữa 2 ghế là 5 cm. Airbus cho biết độ rộng của ghế trên A350 XWB sẽ lớn hơn so với ghế của Boeing 787 Dreamliner theo bố cục tương tự. Ngoài ra, theo layout cho hạng phổ thông với 1 hàng 9 ghế theo bố cục 3 - 3 - 3 thì mỗi ghế sẽ rộng 45 cm. A350 XWB còn có thiết kế cánh composite mới. Với diện tích 443 m2, A350 XWB hiện là dòng máy bay sở hữu sải cánh lớn nhất trong phân khúc máy bay thương mại thân rộng 1 tầng đang được sản xuất tuy nhiên thành tích này sẽ sớm thuộc về Boeing 777X với diện tích sải cánh 466,8 m2. Chiều dài sải cánh của A350 XWB là 64,8 m, dài hơn 4,5 m so với A330 và ngang bằng với các biến thể tầm xa của Boeing 777. 2 cánh cong về sau 31,9 độ giúp A350 XWB có thể tăng tốc độ hành trình lên Mach 0.85 (~ 1041 km/h) và vận tốc vận hành tối đa lên Mach 0.89 (~ 1090 km/h). Đầu cánh (wingtip) của A350 XWB cũng là một điểm nhấn về thiết kế của dòng máy bay này khi sở hữu một phần cánh dài 4,4 m cong hướng lên có hình dạng lưỡi kiếm. Ngoài ra, hệ thống nâng (high-lift) tại mép cánh sau hay rìa thoái (trailing-edge) kiểu mới cũng được trang bị trên A350 XWB. Hệ thống này bao gồm các cánh tà sau với thiết kế bản lề thả xuống tương tự trên A380 sẽ cho phép khoảng trống giữa cánh mép cánh sau và cánh tà được đóng lại cùng với các cánh tà lưng. Airbus đã sử dụng các mô hình khí động dòng khí trên máy tính và thực hiện hơn 4000 giờ thí nghiệm trong hầm gió với nhiều tốc độ gió để hiệu chỉnh thiết kế khí động, qua đó đưa ra thiết kế cuối cùng cho cánh và đầu cánh của A350 XWB vào ngày 17 tháng 12 năm 2008. Một điểm đáng chú ý nữa trên A350 XWB là thiết kế mũi kiểu mới lấy từ A380 với càng hạ cánh trước lắp hướng về trước và hệ thống kính chắn gió gồm 6 cửa sổ tạo hình cong. Thiết kế này hoàn toàn khác so với hệ thống 4 cửa sổ ban đầu và Airbus đã xem xét lại để cải thiện tầm nhìn khi giảm chiều rộng của cột phân chia cửa sổ trung tâm. Airbus cho biết thiết kế mũi máy bay mới sẽ cải thiện đặc tính khí động học và cho phép lắp đặt khoang nghỉ ngơi cho phi hành đoàn hướng xa về phía trước hơn, loại bỏ mọi sự ảnh hưởng đối với khoang hành khách. Về buồng lái và hệ thống điện tử hàng không, A350 XWB được trang bị các màn hình tinh thể lỏng 38 cm (15") với thiết lập 6 màn hình bao gồm 2 màn hình hiển thị trung tâm đặt trên nhau ngay phía trên cần tăng lực đẩy (thrust lever), trước mặt mỗi phi công có một màn hình đơn hiển thị các thông số về chuyến bay, thông tin định vị cùng với một màn hình hiển thị thông tin về các hệ thống trên máy bay. Airbus cho biết thiết kế buồng lái mới sẽ cho phép các công nghệ dẫn đường cải tiến có thể được hiển thị trên màn hình, tăng sự linh hoạt và khả năng cập nhật phần mềm cũng như kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn và cảm biến để quản lý chuyến bay và điều khiển các hệ thống trên máy bay. Hệ thống điện tử hàng không trên A350 XWB được phát triển từ ý tưởng hệ thống điện tử hàng không dạng mô-đun tích hợp (IMA) hiện có trên A380. Theo đó, hệ thống IMA trên A350 sẽ quản lý tối đa 40 chức năng như càng hạ cánh, nhiên liệu, khí lực, hệ thống môi trường cabin và phát hiện cháy. Airbus cho biết lợi ích của hệ thống này bao gồm giảm thiểu nhu cầu bảo trì, trọng lượng nhẹ hơn bởi IMA thay thế nhiều loại vi xử lý, LRU và có ít hơn 50% các mô-đun máy tính tiêu chuẩn. IMA hoạt động trên một mạng Ethernet tốc độ 100 Mbit/s dựa trên tiêu chuẩn Avionics Full-Duplex Switched Ethernet và hiện đang được triển khai trên A380, thay cho cấu trúc được sử dụng trên A330/A340. Về động cơ, cả 3 biến thể A350 XWB đều dùng dòng động cơ Trent XWB do Rolls-Royce phát triển riêng. Đây là các động cơ turbin phản lực cánh quạt hay turbofan. 3 biến thể của A350 được trang bị các phiên bản có công suất khác nhau. Chiếc A350 XWB chuyển giao cho Vietnam Airlines hôm nay là biến thể A350-900 dùng phiên bản Trent XWB-84 cho lực đẩy 375 kN (84.200 lbf), biến thể A350-1000 dùng phiên bản Trent XWB-97 nâng cấp với lực đẩy 432 kN (97.000 lbf) trong khi biến thể A35-800 dùng các phiên bản Trent XWB-75 (330 kN - 74.200 lbf) hoặc Trent XWB-79 (351 kN - 78.900 lbf). Về biến thể, A350 XWB như đã nói ở trên có 3 biến thể gồm A350-800, A350-900 và A350-1000. A350-900 được chuyển giao cho Vietnam Airlines là biến thể đầu tiên của dòng A350 với khả năng chuyên chở 314 hành khách với bố cục cabin 3 dãy ghế, 1 hàng 9 ghế với 3 hạng ghế gồm thương gia, phổ thông cao cấp và phổ thông. Biến thể A350-900 sẽ cạnh tranh trực tiếp với Boeing 777 và Boeing 787 đồng thời thay thế Airbus A340-300. Tầm bay của A350-900 ước tính khoảng 17.600 km, do đó có thể thực hiện các chặng bay thẳng từ Hà Nội đến Paris hoặc từ London đến Auckland. Được biết giá của mỗi chiếc A350-900 vào khoảng 304,4 triệu USD. Theo: Airbus[1]; [2] và Wikipedia https://www.tinhte.vn/threads/airbu...nes-bat-dau-khai-thac-ngay-3-thang-7.2477924/
Ko ăn, mẹ có cái MB mà hết thằng to đến thằng bé ăn, hết thằng tây đến thằng ta lái, ăn giờ để đi đổ vỏ à
Thế lax không biết ngay xưa dân ta đã từng ăn máy bay quân sự ? Vì vậy theo truyền thống thì phải ăn mạnh
hình như nhập con này để 2017 mở đường bay thẳng qua Mẽo thì phải. Bên VN Air đang rao riết huấn luyện nhân viên