Nghe Bá nài nỉ xin "phạt xóa" một con heo cùng hàng chục chai rượu, bà Non đồng ý rút đơn tố cáo nam thanh niên muốn "yêu" bà trong một đêm khuya vắng. Con gái của bà Non (xã Long Môn, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) tố cáo anh Bá lợi dụng đêm khuya một ngày cuối năm 2014 đã lẻn vào nhà hiếp dâm mẹ mình. Anh này xin bà Non bãi nại và chịu phạt cúng làng một con heo nặng 30 kg cùng rượu gạo để xóa đi lỗi lầm, cam kết không tái phạm, theo tục lệ của địa phương. Quá trình điều tra Công an huyện Minh Long xác định bà Non không phản đối, có ý đồng thuận cho anh Bá "yêu" nên không có căn cứ để truy cứu. "Cơ quan chức năng phạt cảnh cáo, kiểm điểm anh ta trước dân về tội quan hệ bất chính", ông Đinh Văn Mân, Phó trưởng Công an xã Long Môn, kể. Dân làng cùng uống rượu cần trong một lần "phạt xóa" ở vùng cao Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín. Hôm diễn ra án phạt dân làng thôn Làng Ren tập trung đông đủ. "Tôi đồng ý tha thứ vì anh ta biết lỗi, đã chịu phạt và tạ lỗi trước dân làng", bà Non giải thích. Sau khi đi vòng quanh con heo 30 kg và 30 chai rượu gạo đặt giữa nhà sàn làm phép, già làng chậm rãi phân tích chuyện anh này làm bậy, trái với luật tục của làng... Ngại ngùng cầm chai rượu, người đàn ông xin phép dân làng rót chén đầy rồi mời bà con cùng nâng ly uống cạn. Anh này cho biết do làm công trình xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên nghĩ cách xin bà Non "ngủ nhờ qua đêm". "Mình làm sai rồi, mong bà con bỏ qua để tôi được sửa chữa lỗi lầm", anh Bá bày tỏ. Tối hôm đó, cả làng vui vẻ ăn uống bên nhau, anh Bá rụt rè cầm dao, xẻ từng miếng thịt heo phát cho đại diện mỗi gia đình trong làng mong tha thứ cho "điều xấu xa". Hay mới đây, dân làng thôn Mang Cà Rá (xã Bà Xã, huyện vùng cao Ba Tơ) cũng tổ chức hòa giải, phạt anh Đinh Văn Lý một con heo lớn và ché rượu cần vì không lo làm ăn mà mê đánh bạc, quan hệ bất chính với người phụ nữ khác trong làng. Sau khi nghe bà con phân tích chuyện Lý đã có vợ con mà quan hệ với người phụ nữ khác là trái với luật tục của làng, Lý cúi đầu tỏ ra hối hận. "Mong dân làng bỏ qua để tôi được về sống với vợ con, làm ăn sinh sống chứ không đi quan hệ với người đàn bà khác nữa", anh Lý hứa. Tương tự, ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Công an xã Long Mai - cho biết, hủ tục "phạt xóa" dù đã giảm nhiều so với những năm trước nhưng đến nay vẫn còn diễn ra ở các buôn làng nơi đây. Dân làng mâu thuẫn với nhau thường tự giải quyết, thỏa thuận. Ai gây ra lỗi phải chịu phạt bằng heo, gà kèm theo rượu đãi mọi người trong buổi hòa giải. "Đối những vụ việc nghiêm trọng, chúng tôi chuyển lên Công an huyện điều tra, đưa ra tòa xử lý", ông Kiên cho biết thêm. Theo trưởng công an xã, bên cạnh chuyện ngoại tình, vợ chồng ly hôn muốn hàn gắn tình cảm cũng bị dân làng phạt bằng heo, gà. Sau mỗi lần "xoá tội", nhiều gia đình quên đi chuyện cũ, tha thứ cho nhau trở về chung sống. Tuy nhiên, có một số người vì áp lực phải nộp phạt mà rơi vào bi kịch, tủi hổ với dân làng tìm đến cái chết hoặc rời quê đi biệt xứ. Mới đây, do bị chồng bắt quả tang ngoại tình với hai người đàn ông khác, chị Lành (ngụ xã Long Mai) xấu hổ uống thuốc sâu tự tử. Sau khi chị này được cứu sống, anh chồng buộc vợ khai tên những người từng quan hệ rồi buộc họ bồi thường bằng con heo cùng tiền thuốc men. Hủ tục "phạt xóa" còn dai dẳng ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín. Thượng tá Võ Văn Mai - Phó trưởng Công an huyện Minh Long - cho hay tội Hiếp dâm rất nghiêm trọng, phải được xử lý nghiêm để răn đe. Không thể đánh đồng trường hợp bà Non với những vụ việc khác, song điều này không phải dân làng dễ nhận ra để tố cáo với cơ quan điều tra. Không riêng gì hiếp dâm, ngoại tình, những người có lỗi với làng thường tự "phạt xóa" chứ ít khi trình báo công an xử lý. "Điều này tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Bởi khi họ không đạt thỏa thuận thì dễ dẫn đến đánh nhau, trả thù có nguy cơ gây án mạng", ông Mai nói. Ông Mai cho rằng, để đẩy lùi hủ tục này, trước hết cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; lồng ghép tuyên truyền pháp luật, nhất là luật hôn nhân gia đình cho đồng bào nơi đây. Trí Tín * Tên nhân vật đã được thay đổi.
Nghe hướng dẫn viên du lịch bảo là người dân tộc quý ché rượu lắm, có thể cho mình hết rượu, nhưng không được động đến ché của họ. Phạt một ché như trong có vẻ nặng