Chiều 28-11, dòng người đứng nối dài từ trung tâm thành phố Hội An hướng về xã Cẩm Kim ở bên kia sông Thu Bồn để đưa tiễn một người quá cố là thầy giáo của nhiều thế hệ học sinh nơi đây. Một trong nhiều nhóm cựu học sinh tìm về gian trọ nhà xưa của thầy Vũ để tưởng nhớ thầy - Ảnh: B.D. Trên tầng 2 chái nhà xưa cổ ở trên trục đi bộ chính Nguyễn Thái Học (Hội An, tỉnh Quảng Nam), một nhóm học trò của thầy Hoàng Vũ tranh thủ trước giờ đưa tang lên thăm lại gác trọ của thầy. Đó là một ngôi nhà cổ tuyệt đẹp, từ mỗi căn phòng nhìn xuống đều có thể thấy những con phố đi bộ dập dìu khách Tây. Thầy cầm đàn, mắt mơ màng nhìn ra ô cửa nhỏ rồi hát những bản nhạc xưa. Thầy hát hay tới nỗi học sinh không hiểu gì về nhạc cũng rớt nước mắt. Có đứa buồn quá... nằm gác chân bên giá sách rồi ngủ ngáy khò khò. Bà Huỳnh Thị Hội, người thân thầy Hoàng Vũ, nói mấy ngày qua căn gác trọ trở thành địa điểm thăm viếng của các thế hệ cựu học sinh. Nhiều người được học thầy Vũ cách đây mấy chục năm, nay làm ăn tại Đồng Nai, TP.HCM... cũng tìm về. Ông Bùi Quý Phong - người thợ mặt nạ thời gian nổi tiếng ở Hội An - kể rằng khi biết thầy giáo Vũ đau ốm, sống đơn chiếc trên gác trọ, ông đã đứng ra kêu gọi và thông báo cho học trò của thầy Vũ trên cả nước tìm về để giúp thầy. Theo ông Phong, thầy Hoàng Vũ ban đầu dạy ở Trường Nông Lâm Súc Quảng Nam. Sau giải phóng thầy về dạy ở Trường THCS Trần Quốc Toản tại xã Cẩm Nam, rồi qua Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hội An) tới lúc nghỉ hưu. Cả cuộc đời mình, thầy Vũ sống trọn với nghề dạy học, không lập gia đình, sống đơn lẻ trên gác trọ ở Hội An. Khuya 27-11, thầy Vũ trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay vây quanh của học trò tại bệnh viện sau nhiều ngày đau yếu, hưởng thọ 85 tuổi. Anh Nguyễn Đức Hùng, cựu học sinh từng học thầy Hoàng Vũ niên khóa 1989-1992, cho biết mọi thế hệ được học thầy Vũ đều thương quý thầy. Dù ra trường cả mấy chục năm, có những người nay già rồi vẫn tìm về thăm thầy. "Thầy Vũ dạy vô cùng nghiêm túc, nhưng khi khép lại bài giảng thì thầy luôn vui vẻ, ngồi khoác vai kể chuyện "hoang" rồi cười sặc sụa như người bạn với lũ học trò. Thầy vô tư, yêu đời và gần như không một tơ gợn vấn vương trong lòng. Bao năm đi dạy, thầy gây nỗi thương nhớ với hình ảnh ông thầy giáo thanh tao, nghèo khó, sáng đạp chiếc xe cọc cạch ngồi đò qua sông, tối lại về thui thủi một mình trên gác trọ nhà cổ thuê của Nhà nước. Thầy chơi đàn mandoline rất hay, cuối tuần thường ra phố đi bộ biểu diễn phục vụ khách du lịch" - anh Hùng nói. Câu chuyện đẹp của đạo thầy trò Còn ông Lê Đức Hạ - một học trò khác của thầy Vũ - bồi hồi: "Ấn tượng đầu tiên với thầy là cái bạt tai nảy lửa những ngày đầu nhập học vào lớp 6. Nhưng dần tôi trở thành học trò "cưng" bởi tôi chịu khó tra cứu để học tốt môn Việt văn mà thầy dạy. Tôi chưa từng bao giờ thấy thầy lãng mạn kiểu văn chương, mặt lúc nào cũng nghiêm hơn cần thiết nhưng rèn câu chữ thì chưa ai làm được như thầy. Lũ chúng tôi bây giờ ngồi lại đều nói rằng cái còn lại của tuổi học trò là kiến thức văn học của thầy Vũ. Thầy có cuốn sổ "đoạn trường" ấn tượng mà theo thầy đứa nào đứt đoạn đến trường (nghỉ học, bỏ giờ) thì có tên trong đó. Khi về đây ngồi lại với thầy, tất cả đều thương nhớ, vẹn nguyên và ấm nồng tình nghĩa thầy trò như mới hôm qua". Ngoài chuyện dạy và gắn bó với học trò, thầy Vũ còn cưu mang và nuôi học sinh trong mỗi mùa lũ ở hạ nguồn sông Thu Bồn. Các cựu học sinh kể ngày xưa khi chưa có cầu qua sông, học sinh Cẩm Kim, Cẩm Nam đi đò qua sông sang phố để học lên cấp III thì mắc kẹt lại vì lũ lớn. Không còn nơi để tá túc, học sinh rủ nhau lên gác trọ trú và được thầy Vũ nấu cơm, cho ăn ngủ lại tới khi lũ rút an toàn thì về. Do không có vợ con, các anh chị em đều già yếu nên nhiều ngày qua nhiều thế hệ học sinh thầy Vũ trên khắp cả nước đã lập nhóm, tìm cách về Hội An để lo tang lễ tươm tất cho thầy mình. Ông Bùi Quý Phong cho biết khi ông thông báo trên Facebook, hàng trăm cựu học sinh thầy Vũ đã tìm cách kết nối. Họ quyên góp tiền bạc, lo bia mộ, tìm nơi an nghỉ ở vị trí đẹp xứng đáng cho thầy mình. Nhiều người không cầm được nước mắt khi tự tay sửa soạn hành trang, đồ đạc để đưa thầy Vũ về nơi an nghỉ cuối cùng nhưng chẳng thấy gì ngoài cây đàn, mấy bộ máy nghe nhạc xưa cũ và chồng sách xưa. Tang lễ cũng do học trò đứng ra quán xuyến toàn bộ. "Đây là một câu chuyện đẹp về đạo thầy trò và cũng là bài học cho ứng xử trong giáo dục hiện nay" - ông Phong nói. https://tuoitre.vn/dam-tang-cua-mot-nguoi-thay-20231202093331704.htm
Ổng đánh nhưng dạy dỗ phải có lòng với học trò thật nên mới được quý vậy, chứ đánh kiểu linh tinh chẳng được như thế này đâu.
Đánh để mấy đứa bị đánh nó phục mới là lý lẽ của sư phạm. Đánh mà k có lý lẽ, thì lên fb trình bày thôi
không ủng hộ bạt tai, đứa nào yếu yếu nó vỡ mạch nào trong đầu rồi lăn ra lại rách việc, khẽ tay nhiều đứa hay rụt lại gõ trật khớp nó cũng không ổn, bắt nằm lên bàn đánh vào mông là an toàn nhất
Thời của mình thầy cô đánh học trò bằng cây hoặc bị phạt, bạt tai mà giờ cũng bênh thì thua, nó chỉ nói lên là ông thầy thích dùng vũ lực.
Ra trường đời bị các thầy dùng cờ lê dạy khi đi học sửa xe đây bạn, nói chung không hiểu thì dễ quy chụp như bạn ý
Có gì đâu bạn, lúc làm mà sai ăn cờ lê mỏ lết là chuyện bình thường, lĩnh lương xong kéo nhau đi nhậu , tăng 1, tăng 2, massage, kara là lại thân càng thêm thân thôi
Trước mị nghe mấy ông thợ già kể thời 8x 9x đi học nghề ăn cờ lê vào đầu là bình thường. Phần để cho nhớ đời, phần để test nhân phẩm thằng học trò. Thời đấy đi học nghề mà ko có tiền trả cho thầy thì phải làm việc nhà, giữ trẻ... cho nhà thầy cả 2-3 năm. Vài tháng cuối thì thầy mới dạy cho mấy cái chính mấy cái bí quyết để ra đời kiếm cơm.