Mexico thông báo cắt quan hệ ngoại giao sau sự việc cảnh sát Ecuador xông vào sứ quán nước này bắt cựu phó tổng thống Jorge Glas đang tị nạn tại đây. "Do hành vi vi phạm trắng trợn Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao và những tổn thương mà các nhân viên ngoại giao ở Ecuador phải chịu, chúng tôi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngay lập tức với Ecuador", Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena ngày 6/4 viết trên mạng xã hội X. Bà thêm rằng các nhân viên ngoại giao Mexico sẽ rời khỏi Ecuador và yêu cầu Quito "có những đảm bảo cần thiết" cho việc di chuyển của họ. Xem toàn màn hình Cảnh sát Ecuador xông vào đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito để bắt cựu phó tổng thống Jorge Glas hôm 5/4. Ảnh: AFP Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador nói cảnh sát hôm 5/4 xông vào tòa nhà sứ quán "một cách thô bạo" để bắt cựu phó tổng thống Ecuador Glas. "Đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Mexico", ông tuyên bố. Ông Glas ra tù hồi tháng 11/2023, sau khoảng thời gian thụ án vì tội tham nhũng liên quan tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil. Cựu phó tổng thống Ecuador sau đó tiếp tục bị phát lệnh bắt vì cáo buộc tham nhũng khoản tiền dành để khắc phục hậu quả trận động đất năm 2015. Ông tránh lệnh bắt bằng cách trốn trong đại sứ quán Mexico ở Quito từ tháng 12 năm ngoái. Yêu cầu tị nạn của ông mới được chấp thuận hôm 5/4, khiến Quito tức giận và làm sâu sắc thêm căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia Mỹ Latin. Chính quyền Tổng thống Ecuador Daniel Noboa gọi động thái này là "bất hợp pháp". Mexico cho hay họ cấp quyền tị nạn chính trị cho cựu phó tổng thống Glas "sau khi phân tích kỹ lưỡng" tình hình. Mexico trước đó phàn nàn về việc cảnh sát Ecuador hiện diện ngày càng nhiều bên ngoài đại sứ quán nước này ở Quito, gọi đây là hành động "quấy rối". "Những kẻ phát xít cư xử như vậy", Tổng thống Obrador nói. Ecuador đã ra lệnh cho đại sứ Mexico Raquel Serur rời khỏi đất nước nhằm đáp trả tuyên bố chỉ trích của Tổng thống Obrador. Lãnh đạo Mexico hôm 3/4 còn so sánh bạo lực bầu cử ở Ecuador năm 2023, trong đó ứng viên Fernando Villavicencio bị sát hại, giống bạo lực tội phạm ở Mexico. Phát ngôn trên đã chọc giận Ecuador. Chính phủ Ecuador chỉ trích bình luận Tổng thống Mexico đưa ra là xúc phạm trong lúc nước này vẫn đau buồn trước cái chết của ứng viên Villavicencio, người phản đối gay gắt nạn tham nhũng. https://vnexpress.net/mexico-cat-quan-he-voi-ecuador-4731258.html
Hệ quả Ecuador đối mặt khi đột kích đại sứ quán Mexico Cuộc đột kích đại sứ quán Mexico để bắt cựu phó tổng thống có thể khiến Ecuador bị nhiều nước quay lưng, đồng thời gây thiệt hại cả về mặt kinh tế. Quan hệ ngoại giao giữa Mexico và Ecuador đang rạn nứt nghiêm trọng sau khi cảnh sát đặc nhiệm Ecuador tối 5/4 trèo tường xông vào đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito để bắt cựu phó tổng thống nước này Jorge Glas, người đang tị nạn tại đây. Glas giữ chức phó tổng thống Ecuador nhiệm kỳ 2013-2017 dưới thời tổng thống cánh tả Rafael Correa và tại nhiệm trong vài tháng trong chính quyền tổng thống Lenin Moreno, trước khi bị bãi nhiệm và kết án 6 năm tù với cáo buộc tham nhũng. Ông được ra tù trước thời hạn hồi tháng 11/2022, nhưng sau khi doanh nhân Daniel Noboa, 36 tuổi, nhậm chức Tổng thống vào tháng 11/2023, Glas tiếp tục bị điều tra với cáo buộc biển thủ khoản tiền khắc phục hậu quả trận động đất năm 2015 và được yêu cầu quay lại nhà tù. Cựu phó tổng thống Ecuador kháng cáo quyết định này và xin tị nạn trong đại sứ quán Mexico ở Quito, cho rằng bản thân đang bị Bộ Tư pháp Ecuador đối xử bất công. Ông đã nương náu trong cơ sở ngoại giao này nhiều tháng qua. Theo Esteban Nicholls, chuyên gia nghiên cứu Mỹ Latin tại Đại học Simon Bolivar Andean của Ecuador, sau khi thụ lý đơn kiện, ICJ có thể cho rằng Ecuador đã vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao, nên sẽ trừng phạt bằng cách tước quyền bỏ phiếu của nước này tại các cơ quan đa phương như Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS). Trước ICJ, Ecuador nhiều khả năng sẽ lập luận rằng đại sứ quán Mexico đã che chở cho một tù nhân bình thường, không phải người bị đàn áp về mặt chính trị. "Luật pháp quốc tế không cho phép một tội phạm bình thường trú ẩn trong đại sứ quán", Nicholls nói. Nhưng chuyên gia này cho rằng ICJ chắc chắn sẽ ra phán quyết bất lợi cho Ecuador, bởi việc đột kích một đại sứ quán là hành động xâm phạm lãnh thổ "bất khả xâm phạm" của quốc gia khác. Các chuyên gia luật quốc tế và lãnh đạo khu vực cũng cho rằng động thái của Ecuador đã vi phạm khuôn khổ luật pháp quốc tế lâu đời mà ít nhà cầm quyền dám vượt qua và chắc chắn sẽ khiến Quito phải chịu đòn giáng nặng nề về ngoại giao. Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha tuyên bố "việc dùng vũ lực xông vào đại sứ quán Mexico ở Quito là hành vi vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961". Công ước Vienna quy định khuôn viên các cơ quan ngoại giao là vùng bất khả xâm phạm, nhấn mạnh lực lượng nước sở tại không được phép vào nếu chưa có sự đồng thuận từ người đứng đầu phái bộ ngoại giao. Bolivia đã rút đại sứ khỏi Quito. Nicaragua thông báo cắt quan hệ ngoại giao với Ecuador nhằm thể hiện lập trường phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho hay "Mỹ lên án mọi hành vi vi phạm Công ước Vienna", đồng thời kêu gọi Ecuador và Mexico giải quyết các bất đồng. Tổng thống Colombia Gustavo Petro nói rằng quyền tị nạn của ông Glas đã "bị vi phạm một cách trắng trợn", trong khi Tổng thống Honduras Xiomara Castro gọi vụ đột kích đại sứ quán Mexico "là hành động không thể dung thứ đối với cộng đồng quốc tế". Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông rất "bất ngờ" trước cuộc đột kích, đồng thời tái khẳng định "nguyên tắc cơ bản về quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở, nhân sự ngoại giao và lãnh sự". Quảng cáo