Khách hàng đáng giá nhất của bạn là ai? Đó không nhất thiết phải là người mang đến cho bạn nhiều tiền nhất, cũng không phải người nổi tiếng nhất. Đó chính là bạn, trước khi làm việc cho ai khác, hãy tập trung làm việc cho chính mình, vì bản thân của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn luôn cần dành ra một phần thời gian để chăm chút cho quy trình làm việc của mình. Vậy những cách tốt nhất để quản lý công việc cho một freelancer là gì và tại sao bạn phải làm như vậy? Các công ty đều hiểu rõ nguyên tắc này, đó là lí do tại sao họ dành nhiều tiền bạc, thời gian và nhân sự để xây dựng nền tảng, kế hoạch cho các sản phẩm của mình. Là người làm việc tự do, dù ngân sách hạn hẹp hơn so với các công ty, bạn chỉ cần dành ra một tiếng mỗi ngày cho “khách hàng quan trọng nhất” của bạn. 1. Theo dõi trang tuyển dụng của các công ty Theo chia sẻ của nhiều chủ doanh nghiệp về cách thức tìm kiếm việc làm, một trong những lời gợi ý được đưa ra là: các freelancer nên theo dõi mục tuyển dụng trên trang web của công ty để có thể dự tuyển vào những vị trí phù hợp với không gian chuyên môn của họ cũng như của doanh nghiệp. Mặc dù điều này nghe có vẻ “không bình thường”, nhưng sự thật là: khi công ty đăng tin tuyển dụng cho 1 vị trí, họ làm điều đó như một phản xạ. Ví dụ như, khi doanh nghiệp cần phát triển một website, hay design, họ lập tức đăng tin tuyển dụng cho vị trí đó trong công ty. Đây là cơ hội tốt cho bạn để liên hệ với doanh nghiệp trong vai trò của một freelancer. Bạn có thể nói với họ rằng bạn có thể không phải là một thành viên lý tưởng cho nhóm của họ, nhưng bạn có thể xuất hiện kịp thời để giải quyết những vấn đề ngắn hạn phát sinh của công ty. Bạn không những giúp doanh nghiệp giảm tải số công việc phải làm, mà còn giúp họ có thêm thời gian trong khi chờ đợi tuyển dụng một thành viên mới phù hợp cho lâu dài. Hãy cho họ biết những lợi ích mà doanh nghiệp có thể nhận được ở bạn như một freelancer là gì và cam kết thực hiện điều bạn đã nói. Như vậy, bạn đã có thể đặt chân được vào ngưỡng cửa của họ. Cho dù chỉ là làm việc tạm thời, bạn đã có được cái nhìn của người trong cuộc để tìm hiểu thêm những vấn đề còn thiếu sót trong công việc của công ty, và làm cách nào để bạn có thể giúp họ giải quyết cả những vấn đề khác nữa khi một nhân viên chính thức thay thế vị trí của bạn. 2. Tìm hiểu và liên hệ với những khách hàng tiềm năng lý tưởng Một trong những lợi ích lớn nhất của việc làm freelance là khả năng lựa chọn người mà bạn sẽ hợp tác cùng. Hãy tận dụng lợi thế này một cách hợp lý. Tim Ferriss – tác giả cuốn sách “Tuần làm việc 4 giờ” từng viết “cuộc sống vừa quá ngắn, vừa quá dài để làm việc với những người mà bạn không thích”. Hãy viết mail, liên lạc với những người, những doanh nghiệp mà bạn muốn hợp tác cùng. Sử dụng LinkedIn để kiểm tra xem liệu có bất kì quan hệ chung nào giữa bạn và người đó, hoặc công ty đó và liệu có ai trong số đó có thể giới thiệu bạn hay không. Nếu bạn thực sự muốn đầu tư, bạn có thể đính kèm một món “quà” kèm theo các email để thu hút sự chú ý của họ. Ví dụ như, nếu bạn làm về marketing, bạn có thể làm một slide mà khách hàng có thể đăng lên Slideshare, hoặc một bức ảnh thiết kế mà họ có thể post lên Facebook. Nếu bạn là một freelancer viết lách, bạn có thể viết một bài nói về công ty, hoặc ngành nghề, những chủ đề liên quan đến hoạt động của công ty. Tất cả đều đòi hỏi bạn phải có sự đầu tư nghiên cứu hoạt động của khách hàng, những gì xoay quanh và những điểm còn thiếu sót – những điểm bạn có thể giúp họ khắc phục. 3. Học tập các Freelancer khác Trong khi việc nghiên cứu khách hàng tiềm năng và các cơ hội là rất quan trọng, kiến thức hiểu biết chung của bạn cũng quan trọng không kém. Khi bạn tự quản lý công việc kinh doanh của mình, nhạy bén với các ý tưởng mới là điều vô cùng quan trọng, và bạn có thể tìm thấy từ nhiều nguồn tin phong phú bên ngoài môi trường làm việc của bạn. Làm việc freelance cần đi kèm với khả năng cập nhật kiến thức hầu như mọi lúc mọi nơi. Bạn có thể đọc sách điện tử, xem các buổi phỏng vấn, đàm thoại hay nghe các bản tin, mục đích là để có thêm thông tin bất cứ khi nào. Điều này đòi hỏi bạn cần có trách nhiệm: những người làm thuê có thể nghĩ và làm gì họ muốn, nhưng một khi bạn đã chọn chọn con đường freelance, bạn phải nghĩ và làm những gì cần thiết cho bạn. Dù bạn đang đối mặt với bất kỳ một vấn đề nào, dù khó khăn đến đâu, gần như chắc chắn rằng một ai đó đã từng gặp phải vấn đề này trước đây. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy tìm hiểu những trường hợp của những người hay doanh nghiệp đã từng hoạt động với ngân sách, nguồn lực giới hạn nhưng vẫn thành công với những gì họ đã đạt được. 4. Xây dựng thương hiệu cá nhân Danh tiếng gần như là yếu tố sống còn cho sự nghiệp freelance của bạn. Đó là chiếc chìa khóa dẫn đến khách hàng và nhiều khách hàng hơn nữa, đến sự kết nối trong mạng lưới freelance. Bạn sẽ không thể tin được ngoài kia có bao nhiêu cơ hội cho những người dám làm và dám chia sẻ với mọi người. Bạn làm một điều gì đó rất thú vị và bạn kể với tất cả mọi người về điều đó… Như vậy, khi một người muốn thực hiện điều gì đó liên quan đến ý tưởng của bạn, bạn sẽ là người đầu tiên mà họ tìm tới. Phần lớn các freelancer đều chỉ nói suông với khách hàng về những gì chọ thể làm. Tuy nhiên, luận điểm của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi bạn có thể cho mọi người thấy những gì bạn có thể làm cho họ. Chẳng hạn như nếu bạn là một freelance designer, bạn có thể design lại ứng dụng vừa được phát hành, hoặc bạn có thể thiết kế lại một bộ nhận diện thương hiệu cho họ. Bạn cũng có thể dành thời gian để viết sách điện tử hoặc blog để giúp những người khác giải quyết các vấn đề. Điều này không chỉ giúp bạn mài giũa tư duy mà còn giúp bạn xây dựng danh tiếng cũng như có thêm thu nhập ngoài lề. 5. Tinh chỉnh cơ sở hạ tầng của bạn Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc áp dụng ở mức vi mô hơn, một thứ gì đó giống như cơ sở hạ tầng cá nhân – một hệ thống mà một người sử dụng để hoàn thành công việc của mình. Ví dụ như bạn có thể xây dựng một hệ thống các quy tắc của riêng bạn như không check Facebook cho tới 6 giờ tối hay đi dạo để giúp đầu óc sảng khoái. Mục đích của việc tinh chỉnh kế hoạch làm việc của bạn là để thêm vào và thử nghiệm một vài hệ thống hoặc giải pháp mà bạn đọc được trên mạng hoặc một nguồn tin đáng tin cậy. Nếu bạn đọc được một phương pháp nào đó giúp tăng hiệu quả công việc mà bạn cảm thấy hữu ích, hãy dành 1 khoảng thời gian để thử nghiệm giải pháp đó. Trong một tiếng dành ra mỗi ngày, ngoài việc nghĩ về cách hoàn thành công việc của bạn nhanh hơn và tốt hơn, hãy thử đối chiếu những gì bạn làm được với những gì bạn dự định trong 6-12 tháng trước. Bạn có tiển triển gì tới mục tiêu đã đặt ra không? Bạn có đang tiến gần hơn tới việc làm việc cùng các khách hàng, đối tác trong mơ? Nếu không thì lí do là gì? Hãy nhớ rằng, đây là thói quen một tiếng mỗi ngày và cần duy trì trong thời gian dài để giúp bạn luôn cập nhật những tình huống, đối phó với các vấn đề phát sinh mà không ảnh hưởng nhiều đến lịch làm việc cố định. Điều quan trọng không chỉ là nhận ra điều cần thiết đối với nghề freelancer là gì mà bạn cần phải thực hiện chúng, một cách thường xuyên để biến các công việc này trở thành thói quen hàng ngày. Nếu bạn cảm thấy việc lao đi tìm kiếm và dồn phần lớn tâm sức của bạn cho khách hàng, đối tác luôn là ưu tiên trước nhất thì đã đến lúc bạn cần thiết nhận ra rằng hãy dành thời gian cho chính mình trước tiên. Nếu bạn cần tư vấn hoặc hỗ trợ để tìm được công việc làm thêm phù hợp, hãy gọi điện hoặc gửi thư cho chúng tôi. Số điện thoại hỗ trợ: 04.6684 1818 Email: hotro@vlance.vn Nguồn: http://blog.vlance.vn/freelancer-la-gi-123