“Âm nhạc cung đình” được hiểu là các thể loại ca nhạc, kể cả các thể loại ca nhạc đi cùng với múa cùng kịch hát, dùng trong những lễ nghi cúng tế và triều chính, các dịp quốc lễ do triều đình tổ chức và sinh hoạt giải trí của vua và hoàng tộc. Còn tên gọi “Nhã nhạc” được các triều đại phong kiến Việt Nam từ đời nhà Hồ dùng với những nội hàm khác nhau, khi dùng chỉ âm nhạc cung đình nói chung, lễ nhạc cung đình nói riêng; khi để chỉ một tổ chức âm nhạc, thậm chí một dàn nhạc nào đó. Âm nhạc cung đình Việt Nam chính thức hình thành từ triều Nguyễn (đầu thế kỉ XIX). Tuy nhiên, nền tảng đầu tiên của ca nhạc cung đình Việt Nam đã bắt đầu phát triển từ thế kỷ XVII, dưới thời các vua Nguyễn khi vào cát cứ Đàng Trong. Thời kỳ hưng thịnh nhất của âm nhạc cung đình Huế là trước đầu thế kỷ 19 cho đến thời vua Tự Đức (1848-1883). Nhã nhạc cung đình Huế là một sáng tạo đặc biệt, mang âm hưởng của ca nhạc dân gian Việt Nam, có tính chuyên nghiệp và bác học cao, mang một âm điệu đặc trưng, thể hiện phong cách, tâm hồn Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Theo ghi nhận của UNESCO thì: “trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia... đạt độ chín muồi và hoàn thiện nhất”. >> ẩm thực việt nam Sử sách của triều Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ, mỗi cuộc lễ đều đầy đủ các bài ca chương và có 126 bài ca chương ghi tất cả lời ca nguyên gốc cùng bản dịch. Phần nhạc khí theo quy định gồm 6 loại dàn nhạc. Đó là những dàn: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xúy đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc (đội bả lệnh). Các dàn nhạc trên đều có những nhạc khí cụ thể và không dưới 30 loại với số lượng trên cả trăm nhạc khí. Tất cả những loại dàn nhạc, các nhạc khí, bài âm nhạc, ca chương... đều do các nhạc công, ca công, vũ công tài giỏi nhất của đất nước thực hiện. >> du lịch Việt Nam