[Bàn luận]Tản mạn về chính nghĩa trong game - sơ lược

Thảo luận trong 'RPG Vault' bắt đầu bởi cowboyha, 21/10/11.

  1. cowboyha

    cowboyha Unofficial Tactician Moderator

    Tham gia ngày:
    23/9/08
    Bài viết:
    10,168
    Nơi ở:
    Music World♫
    Thế giới game, kể từ nó được hình thành đến nay đã mang lại cho chúng ta một thế giới khác, nơi mà chúng ta gửi gắm ước mơ, trí tưởng tượng cũng như nguyện vọng. Trong đó, điều cơ bản của mọi game có cốt truyện rõ ràng đó là phân định giữa cái đúng và sai giữa các nhân vật.

    Thế rốt cuộc, thế nào là đúng, thế nào là sai, chính nghĩa là gì, nó đã kéo theo những số phận nào, và nó làm lien lụy đến ai, nó sẽ dẫn ai sai đường? Khái niệm này cũng mong manh, mơ hồ, nhưng đồng thời cũng rõ ràng, dễ hiểu, điều đáng tiếc là… nó rất đa dạng, và không phải ai cũng định hình đúng về chính nghĩa. Vấn đề ở đây không phải là nó khó hiểu mà là sự phong phú về cách nhìn nhận.
    Bài viết này, mình sẽ điểm sơ lại những lí do, những tiêu chí thiện ác mà các game đã nêu ra, người quyết định, không ai khác, chính là bạn, người chơi, thông qua vài game điển hình.

    Lật lại lịch sử, từ những game RPG trên máy tính từ xưa, xin mạn phép không dẫn ra các game quá cũ như Might and Magic mà tạm thời lấy các game quen thuộc điển hình là Diablo của Blizzard Entertainment. Diablo là một game RPG hành động, mục tiêu mà nó đặt ra cho người chơi là với nhân vật của mình, họ sẽ tiêu diệt Diablo, tên trùm tà ác cuối cùng. Chỉ đơn giản là như thế, vị anh hung của chúng ta không thắc mắc, không đòi hỏi, chỉ đi đến cuối con đường nhằm quyết đấu với kẻ thù cuối cùng. Như vậy, có thể nói hình ảnh vị anh hùng tiêu diệt cái ác là cơ bản của chính nghĩa.

    [​IMG]
    Anh hùng diệt quái vật, cơ bản của chính nghĩa​

    Final Fantasy, series game của Square Soft(nay là Square Enix) cũng có cùng cách nhìn như vậy, nhưng ở một tầm hơi xa hơn. Những nhân vật chính kinh điển của Square như Cloud, Squall, Tidus,… đều có một điểm chung là: Ban đầu, họ không hề quan tâm đến sự việc xung quanh của họ, họ chỉ đơn giản sống theo cách mình thích. Nhưng trải qua sự kiện, họ cảm thấy họ phải có trách nhiệm gánh vác để bảo vệ mọi người. Đó là những gì họ muốn làm, những gì mà con tim mách bảo và đối đầu với họ là những kẻ có cách nhìn sai lệch về nhân đạo hay cứu rỗi như Sephiroth, Ultimecia,… Thiện đối ác, con tim dẫn đường cho các chiến binh.
    Vậy là, chính nghĩa là việc mà con tim mách bào.

    Thế nhưng những người lính tham gia chiến đấu, những người mà phải cống hiến cuộc đời, thậm chí cả những đứa con cho chiến tranh. Trong mắt họ, chính nghĩa là gì? Metal Gear Solid của Konami là một chuỗi game kể về cuộc đời, câu chuyện của những người lính mà trong mắt họ chỉ thấy chiến tranh, mất mát, thủ đoạn, phản phé, trong khi đầu họ chỉ có hai chữ “nhiệm vụ”. Những người ấy nghĩ gì về chính nghĩa? The Boss và The Sorrow là cặp vợ chồng đã từng sát cánh bên nhau thời chiến, đến chiến tranh lạnh, vì mâu thuẫn quốc gia và nhiệm vụ được giao, The Sorrow quyết định hi sinh mình vì vợ mình, để rồi sau này, bà The Boss hi sinh thân mình để nhiệm vụ của Snake được hoàn thành, chấp nhận mang tiếng là kẻ phản bội.

    Cái tình và nghĩa vụ là hai thứ níu kéo một người lính đi về hai cực, bất cứ hành động nào của họ, họ cũng cảm thấy mình sai và đúng cùng một lúc, để tránh suy nghĩ những điều ấy, họ đành lao vào nhiệm vụ, cống hiến hết mình mà không đòi hỏi. Những kẻ đặc biệt là những người phá cái vòng khép kín đó, Big Boss và “đứa con” mang gen của ông, Solid Snake đã nhận ra rằng mỗi người lính đều có sự lựa chọn, hãy kiên định với con đường mình đi, hãy tin những gì mình làm là đúng, trung thành với lí tưởng của mình. Như thế, dù anh lính bên chiến tuyến kia là kẻ thù thì cả họ, cả ta đều đang phục vụ cho chính nghĩa, tại vì, đó là việc mà họ phải làm, và sống để làm dù nó đúng hay sai, chỉ là khác biệt về tư tưởng thôi.

    [​IMG]
    Hãy sống và chết vì lí tưởng của mình​

    Chính nghĩa là công việc mà ta tin vào nó, kiên định với nó, và dành cả đời mình cho nó. Đó phải chăng là ý nghĩa của hành động chào nhau giữa những người lính, cùng chung lí tưởng và sẵn sàng chết vì chính nghĩa mà mình tin vào nó?
    Ai cũng tin việc mình làm chính nghĩa, đó là lí thuyết tốt, nhưng đó cũng là lí do chính hình thành nên mâu thuẫn sâu sắc giữa tầng lớp, phe phái cũng như quốc gia. Dragon Age, game của hãng Bioware đã tạo rất nhiều tình huống đặt bạn vào các tình huống éo le khi bạn phải là người phải chọn ai đúng, ai sai, trong khi ai cũng có cái lí của mình. Chẳng hạn như ở Dragon Age 2, game đưa ra hai hướng đi, hoặc là bạn theo Templair để trấn áp Mage, vốn đã vượt ngoài kiểm soát và theo đuổi phép thuật cấm, gây hại người vô tội, nhưng đồng thời Mage cũng phân trần rằng do họ bị áp bức, bị dồn đến đường cùng họ phải làm thế. Nếu theo Templair thì bạn sẽ trấn áp Mage đến khi họ không còn có thể nổi loạn, theo Mage thì bạn tiếp tay cho họ có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, theo ai cũng sai về lí, cũng đúng về tình.

    [​IMG]
    Tại sao phải phân tranh?​

    Chọn thế nào là do bạn, nhưng qua đó cho thấy con người khiến cho chính nghĩa quá mỏng manh, nhưng ai cũng dựa vào nó và vì ai cũng dựa vào nó thì nó bị lợi dụng. Chỉ còn cách giải quyết là theo phe này để dọn phe kia, thống nhất lại một thể thì cái chính nghĩa dù có chỗ sai, nhưng đã thống nhất mất rồi, còn ai chống đối nữa.

    Như vậy, chính nghĩa chỉ đúng khi không còn ai dùng chính nó để chống lại chính nghĩa của người khác, dù bằng vũ lực hay thương thuyết đi nữa, thì khi chỉ còn một lí luận về chính nghĩa, đó là chính nghĩa.

    Như ậy chẳng lẽ dù là sai, nhưng khi ai cũng đồng ý cái sai đó là chính nghĩa, đó là chính nghĩa? Rất tiếc rằng đó là sự thật, suýt chút nữa Modern Warfare 2 của Infinity Ward đã cho ta thấy sự thực đó. Nhân vật Pride của game đã chỉ rõ rằng: “All you need to change the World is a good lie and a river of blood”(Tất cả những gì bạn cần để thay đổi thế giới là một lời nói dối và một dòng sông máu). Khi nhận ra kẻ nói dối gây ra một cuộc chiến vô nghĩa, các nhân vật đã bất chấp tất cả, hoặc cả thế giới biết sự thật, hoặc chúng ta chết vì tội phản trắc. Tinh thần dũng cảm, tự đặt mình vào thế chống chọi với một kẻ nắm cả thế giới đã cho thấy cái hướng chính nghĩa của những người lính, cái mà họ muốn đại diện để nói.


    Chính nghĩa phải là thứ mà mọi người tin vào nó, vì thế, nó phải là sự thật. Tuy nhiên, nếu kẻ mạnh là kẻ chiến thắng, thì lời nói dối cũng sẽ khiến mọi người tin vào nó, và rất tiếc rằng, đó cũng sẽ là chính nghĩa, như câu nói: History is written by the victors (lịch sử được viết bởi kẻ chiến thắng).

    Phải, nó phải là sự thật, và đôi khi cái sự thật ấy lại dẫn đến những quyết định sai lầm, àm bắt nguồn của sai lầm là từ mong ước muốn giúp đỡ người khác. Game Ar Tonelico của NIS cho ta thấy một phần về điều này. Lakra và Chester đã nhận thấy GrandBell bắt đầu có nhiều hành động coi thường và gây chiến nữ thần . Họ đã ra một quyết định táo bạo, đưa tất cả mọi người cùng Dive. Dive là thuật ngữ của game, ám chỉ rằng mọi người sẽ cùng… bất tỉnh ngoài đời, linh hồn của họ sẽ chu du trong thế giới mà họ tự tạo ra, chính xác hơn, là thiên đường mà mọi người cùng mơ ước. Tại đây, mọi người sẽ không còn phải quan tâm đến bất cứ ai, được sống vĩnh viễn trong thế giới của mình, không phải đau khổ vì mất mát của người khác, không phải tức giận vì sai lầm của người khác, không bị làm phiền bởi người ngoài, đó là một hạnh phúc tuyệt đối.

    Điều đó hoàn toàn ĐÚNG, con người ta vì các mối quan hệ mà đau khổ, vui vẻ, oán than, hờn dỗi,… nếu mọi người có thể chỉ sống một mình, thì không cần phải quan tâm đến những việc ấy nữa, chỉ còn là sự tự mãn cá nhân.


    Nhưng như thế thì khác gì chết? Sở dĩ con người phát triển, thất bại và vươn lên, kiên định và thay đổi là do những người khác tác động lên cuộc sống. Nếu tước đi điều đó thì chỉ còn là hạnh phúc giả tạo, và đó không còn là con người nữa.
    Vì thế, chính nghĩa phải là mục đích mà bản thân mục đích ấy phải tôn trọng những gì đã tạo nên con người. Mô típ vì tạo hạnh phúc bằng cách(trực tiếp hay gián tiếp) khiến con người giống như chết này cũng bắt đầu phổ biến.
    Con người, trung tâm của mọi định nghĩa, do chính con người tạo ra và cũng do chính chúng ta hay đổi, thế rốt cuộc, thế nào mới là chính nghĩa của chúng ta?
    Shin Megami Tensei của Atlus cho chúng ta một cái nhìn rộng ra ngoài, qua đó, họ đã chỉ rõ bản chất của con người. Thật ra, mọi lí do, mọi định nghĩa, mọi lí tưởng của con người được chia ra ba hướng: Law(công lí), Neutral(cân bằng), Chaos(tự do).

    [​IMG]

    Law: được đại diện bởi các thiên thần mà theo họ, cách cứu rỗi con người là tước đi những ý nghĩ nổi loạn và dục vọng của loài người, chỉ còn lại cảm giác chỉ biết phục tùng và tin ở Chúa trời. Con người sẽ được dỗ an bởi bài hát của thiên thần, mọi người chỉ còn biết đến hạnh phúc bên nhau, là bề tôi dưới chân Chúa.
    Những người chơi hướng về Law sẽ phát hiện rằng mình luôn chọn những lựa chọn hướng về cái chung, làm việc vì cái danh hơn là chính bản thân mình, chẳng hạn như đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cả nhân, sẵn sàng phục vụ mọi người mặc dù bản thân mình thật sự mệt mỏi và không thích như thế.

    Bạn sẽ còn phát hiện ra rằng mình luôn tin tưởng, hi vọng về một tương lai mới, tốt lành hơn trước cho chính bản thân mình hay người thân và sẵn sàng làm tất cả mọi việc về điều ấy. Và trên hết, bạn là người xem trọng bổn phận.

    Chaos: được đại diện bởi Demon mà theo họ, cách cứu rỗi cho con người là tạo một thế giới mà con người có thể làm bất cứ việc gì mình thích, được sống đúng là bản thân mình, không còn là những câu mào chào khách sáo xã giao giả tạo mà là những lời khó nghe những thật lòng. Thế giới mà kẻ mạnh làm chủ, kẻ yếu làm tôi, vì đó đã là quy luật từ khi quả Đất được hình thành rồi.

    Những người chơi hướng về Chaos sẽ thấy lựa chọn của mình hướng về các mục đích cá nhân, ghét bị ràng buộc và mong muốn tự do, sống thật với chính mình, làm chủ bản thân mình. Họ cảm thấy hạnh phúc khi được sống xung quanh một môi trường tôn trọng cá nhân và bản thân của mỗi người.

    Ngoài ra, bạn còn phát hiện mình luôn làm mọi thứ vì chính mình, sẵn sáng hi si lợi ích của người khác. Trên hết, bạn xem trọng cái tôi của mình.

    Neutral: Như tên của nó, bạn vừa xem trọng cái đúng, nhưng bạn cũng muốn sống tự do, bạn muốn cống hiến, nhưng bạn cũng muốn sống chính là mình. Bạn muốn giúp đỡ người thân, nhưng bạn cũng không muốn chính mình bị tổn hại. ..vv..vv..

    Con người luôn sống hai mặt, một mặt xã hội và một mặt nội tâm, việc đó phân định chúng ta luôn ở trung lập, đúng vậy, con người chúng ta luôn ở thế trung lập, chẳng phải thần thoại đã luôn kể rằng khi quỷ và thần gây chiến, con người luôn là lớp chịu khổ sao? Nói về cuộc sống, chiến đấu, cách giải quyết của chúng ta cũng luôn khó hiểu, gây ra điều kỉ diệu, gây ra sự thay đổi, để rồi sau đó lại lặp lại, tuần hoàn và quay lại điểm xuất phát, chẳng phải chỉ vì chính nghĩa hay sao?


    (Devil Summoner 2 có trắc nghiệm tham khảo về điều này, bạn có thể tham khảo gamefaq)

    Mọi hành động trong cuộc sống của chúng ta đưa lí tưởng của chính chúng ta hướng về Law hay Chaos, một số người có thể luôn sống Neutral đến cả đời. Con người là trung tâm của chính nghĩa và con người tự viết nên chính nghĩa. Không phải ai cũng sống hướng thiện và giả tạo được như Law, không phải ai cũng thích vô tổ chức như Chaos, tuy nhiên, con người vẫn sống chung như vậy cho đến lúc này.

    Vì hướng đi của lịch sử và quan niệm của con người, chính nghĩa luôn thay đổi, nhưng dù thế nào, cái chính nghĩa mà chúng ta luôn được bao hàm bởi tư tưởng và luôn tương đối.

    Thế giới game cũng nghĩ về chính nghĩa như thế.
     
    lanhdiendiemla thích bài này.

Chia sẻ trang này