Chiêm ngưỡng tôn tượng mỗi Chư Phật, Chư Bồ Tát, Phật tử đều có thể thấy phần nào hạnh nguyện của Quý Ngài. Bồ Tát Quán Thế Âm với nhành phi lao và bình tịnh thủy trên tay, nghe tiếng kêu thương nơi đâu, Ngài liền đến cứu khổ. Nhành liễu phẩy sạch bụi uế trược, nước Cam Lộ rưới mát thống khổ: “Lòng Bi như sấm động Ý Từ tựa đường mây Xối mưa pháp Cam Lộ Lửa não phiền dứt ngay” Vị Bồ tát phát đại nguyện “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật” là Ngài Địa Tạng Vương thì oai nghi với cây tích trượng: “Trong tay đã sẵn gậy vàng Dộng tan cửa ngục cứu toàn chúng sanh Tay cầm châu sáng tròn vìn Hào quang soi khắp ba nghìn đại thiên” Hai vị Bồ Tát điển hình cho lòng đại từ đại bi như trên đều có trong tay những pháp khí để xử dụng trên đường ban vui cứu khổ. Riêng Đức Phật A Di Đà, chỉ hiện thân một nhân dáng chói lòa, oai nghiêm và an lạc với bàn tay phải buông thõng. Mỗi bộc lộ, mỗi cử chỉ, lời nói, dù rất nhỏ, rất ngắn, của Chư Phật, Chư Bồ Tát, đều chẳng phải ngẫu nhiên mà là ẩn dụ những hàm ý thâm sâu. vì sao Đức Phật A Di Đà không dùng một pháp khí nào khi cứu nhân độ thế? Vậy thì, bàn tay phải buông thõng của Ngài có phải là một lời nhắn nhủ gì không? Tùy theo cảm quan, mỗi người cảm nhận được lời khuyến tấn của Ngài theo lòng ước vọng riêng. Với những bước đầu sơ cơ học đạo, tôi chiêm ngưỡng bàn tay phải của Ngài như dấu mốc tuyệt hảo cho người cầu đạo vươn tới: “Này các con, tay ta luôn mở rộng, chờ. Các con hãy nuốm bước tới, nắm lấy đi. Các con phải tu, phải học, phải kiên tâm hành trì giáo pháp, tạo cho mình đủ nội lực, tự giác thì năng lượng giác tha của ta mới có thể độ thoát. Phải đủ sức và quyết tâm bước tới, nắm lấy tay ta, ta mới dắt các con đi được…” Đó là cảm nhận của riêng tôi vì tôi thấy ý nghĩa này thích hợp với tấm lòng từ mẫn vô bờ trong Kinh A Di Đà: “… Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn, kỳ nhơn lâm mạng chung thời A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng ngày nay kỳ tiền, thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ …” Đó là tấm lòng trời biển của Chư Phật, Chư Bồ Tát đối với chúng sanh. Tùy theo cảnh ngộ và môi trường, có những vị chỉ cho, cho ngay, cho không, khi chúng sanh gặp cơn nguy kịch. Nhưng có những vị muốn vun bồi cho chúng sanh phần vốn dĩ trí tuệ thì các Ngài phải chiêu dụ chúng sanh tu tập. Bàn tay phải của Đức Phật A Di Đà là một “giải thưởng treo cao” cho các học sinh gắng học để đạt tới, dẫu đang ở cõi này hay đang lang thang ba đường sáu nẻo! Một lần, trong Trai Đàn Chẩn Tế Tam Thời Hệ Niệm, tôi đã cảm nhận bàn tay Từ Bi đó vẫy gọi những hương linh được thân nhân mời về cùng dự khóa tu. Âm thanh tán tụng của quý Thầy, Cô, quyện vào tiếng trống, tiếng chuông, mõ, khánh, của ban pháp khí và lòng thành của toàn thể đông đảo đại chúng đã chuyển tải luồng năng lượng cực kỳ dõng mãnh, biểu hiện rõ rệt câu kệ “Đạo thông cảm không thể nghĩ bàn”; nên giữa thời kinh, trong đạo tràng đã vang lên những tiếng nấc xúc động, những giòng lệ lặng lẽ tuôn rơi… Và tôi nghe trong tôi, nghẹn ngào thầm gọi: “Ông bà ơi! Cha ơi! Mẹ ơi! Bàn tay phải của Đức Phật A Di Đà đang chờ ông bà, bác mẹ đó! Nếu còn đơn độc sáu nẻo ba đường, xin hãy cầm cố đến gần! Hãy nắm lấy cho được, bàn tay Đức Phật để Ngài dẫn về Cực Lạc quốc độ! Ngài đang hiện diện nơi đây cho cả thảy mọi oan hồn uổng tử, xin ông bà, ba má hãy bước thật nhanh, tới gần Ngài đi, nắm lấy bàn tay đó đi! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!” Nghịch cảnh thời thế đã bứng tôi ra khỏi vòng tay ba má. Nơi xứ người, tôi từng ngàn lần tạ lỗi Mẹ, tạ lỗi Cha, vì khi ba má khuất núi, tôi đều không thể có mặt để tụng những thời kinh A Di Đà như khi xưa tôi thường vừa thỉnh chuông mõ, vừa dẫn kinh để ba má tụng theo. Niềm hối hận lớn lao đó theo tôi đủ bốn mùa, nên sau mỗi thời công phu chiều, tôi thường tĩnh tọa, lắng tâm, và lặng thầm kính cẩn đặt vào Bàn Tay Phải Của Đức Phật A Di Đà, chút công đức nhỏ nhoi, hồi hướng tới song thân đã khuất. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT Trích nguồn : https://phatphapvansutuyduyen.blogspot.com/2017/05/ban-tay-cua-duc-phat-a-di-da.html