Những cuộc cắt giảm biên chế đình đám, những vụ thương thảo tài trợ đổ bể, sự cạn kiệt nguồn vốn dành cho e-Sport, tất cả tạo nên một bức màn u ám lên bầu trời... Trong cuộc khủng hoảng kinh tế, tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer vừa tuyên bố cắt giảm 19000 nhân công, hãng điện tử Philips cũng cho biết đã sa thải 6000 nhân viên, và tập đoàn ô tô lớn nhất Italia, Fiat tinh giảm gần 60000 người. Mới đây, MYM - 1 trong những gaming hàng đầu thế giới - cho biết cũng đã cắt giảm 21 người trong team. Tại sao người viết lại nêu ra thông tin về e-Sport bên cạnh những thông tin về kinh tế? Đó là vì, rất dễ nhận thấy rằng giữa chúng có mối liên quan mật thiết với nhau, thông báo cắt giảm biên chế của MYM cho thấy sự suy thoái đáng kể của nền e-Sport, cũng như tình hình sa thải của các công ty lớn thể hiện mức độ xuống cấp trầm trọng của nền kinh tế. WCG đang xuống cấp so với cách đây vài năm. Nhìn nhận một cách khách quan, các team e-Sport cũng giống như một đội bóng, sống dựa vào khán giả, quảng cáo, vé bán, bản quyền truyền hình, trao đổi cầu thủ, đầu tư cá nhân và các nhà tài trợ. Mối tương quan giữa e-Sport và tình hình kinh tế của các hãng lớn cũng như toàn thế giới là có thực, hơn thế, rất mật thiết và chặt chẽ. Gần đây, lượng tài chính mà AMD tài trợ cho SK Gaming đã suy giảm đáng kể so với 1 năm trước, khi mà e-Sport trên đỉnh cao của nó. Và mới đây nhất, chính hãng này đã từ chối tài trợ cho team mTw sau một thời gian dài thương lượng. Giải thích về việc này, AMD cho biết họ đã mắc phải “những vấn đề kinh doanh nghiêm trọng” và như để minh chứng cho việc đó, hãng lập tức sa thải 1100 nhân viên. Các giải đấu cũng không phải là ngoại lệ, ESWC không còn được đỡ đầu bởi tập đoàn Nvidia, bản thân hãng phát triển vi mạch đồ họa lớn nhất thế giới này cũng phải cắt giảm 6,5% nhân sự. Cùng lúc đó, lượng tiền bạc đổ vào giải WCG 2008 của Samsung suy giảm nặng so với những kỳ WCG trước đó. European Cup bị hủy bỏ như là hệ quả của việc này. ESL European Nations Cup và EM Global Challenge không có người tài trợ giải thưởng, còn nhiều sự kiện lớn khác cũng cùng chung số phận. Chỉ còn Intel vẫn còn đủ “lực” để duy trì nguồn tài trợ cho các hoạt động e-Sport, nhưng ai dám khẳng định đại gia này sẽ đứng vững trước cơn bão tài chính đang càn quét khắp thế giới. AMD cũng "ngậm ngùi" cắt giảm biên chế. Trong lúc ấy, nhiều người đặt ra câu hỏi: liệu năm 2009, e-Sport có thể đứng lên được sau những cú sốc quá nặng ấy hay không, nhất là khi đây không chỉ là vấn đề nội bộ mà đã trở thành mối lo toàn cầu. Có game thủ đã nhắc đến G7 Team như là một đấng cứu thế, liệu liên minh lớn nhất cộng đồng game toàn cầu này có thể làm gì trước hoàn cảnh không thể cưỡng lại được – yếu tố ngoại cảnh, kinh tế và tài chính? Trả lời trước câu hỏi khó này, đồng sáng lập nên team MYM, Mark Peter Fries cho rằng “e-Sport ngày hôm nay đã yếu hơn rất nhiều so với cách đây 2 năm”. Theo anh, cách để cứu được nền e-Sport phải là: “Esport thế giới cần phải có kế hoạch đoàn kết lâu dài, học cách tồn tại trong điều kiện khó khăn hiện nay, nếu chúng ta vượt qua được nó, e-Sport sẽ mãi mãi huy hoàng!” Phụng Hiếu Theo CBlog + 300 Points