[h=1]một bài văn hay, gợi nhớ về miền quê Nam Bộ... --- Nụ cười châu thổ[/h] Mạch sống nhân dân Huyền sử thiên đô và dòng phim lịch sử [h=2](Vietpress)- Gió châu thổ vẫn thổi về lồng lộng. Nam Bộ thời đổi mới đã xuất hiện vô số những “hoàng đế không ngai” trong sản xuất làm ăn.[/h][h=5]Vùng Bến Tre sông nước đậm hương phù sa. (Ảnh minh họa: Tường Châu)[/h] Tôi đứng lặng đi trên cầu Rạch Miễu. Cây cầu nối liền ốc đảo Bến Tre với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và xa hơn với Sài Gòn, Hà Nội. Ngửa mặt đón những cơn gió chướng tràn về, tôi ngơ ngẩn nhìn những dề lục bình rực rỡ màu hoa tím trôi lững lờ dọc triền sông. Bến phà Rạch Miễu, nỗi sợ hãi của những người lái xe mỗi lần qua cù lao Bến Tre đã biến mất. Hàng đoàn xe vùn vụt phóng qua cầu như tận hưởng niềm hạnh phúc của con người sau hàng trăm năm bị dòng sông phân cách. Tôi bất giác nhớ câu nhái một bài hát “có con chim le le nó đậu cành tre. Sao em không lấy chồng Thị nghè lại lấy chồng Bến Tre?” và chợt bật cười. Bây giờ câu hát ấy đã lạc hậu. Cái cảnh gần nhà xa ngõ, một khoảng cách tưởng chừng xa ngái đã được lấp đầy. Con đường Sài Gòn - Bến Tre có thể đi về trong vài tiếng đồng hồ, không chỉ là mơ ước cháy bỏng của người dân mà còn là tiền đề phát triển của một vùng đất. Nhưng trước khi có cầu Rạch Miễu, người dân châu thổ đồng bằng sông Cửu Long đã được nếm trái ngọt đầu tiên của đường lối đổi mới: cây cầu Mỹ Thuận nối 2 bờ sông Tiền. Và cùng với cây cầu, những đô thị hiện đại đã mọc lên như những huyền thoại giữa vùng đất châu thổ trù phú. Những khu công nghiệp nổi tiếng, những cánh đồng, những vườn cây chuyên canh với những sản vật nổi tiếng: vú sữa Vĩnh Kim, bưởi Năm Roi, xoài cát Hoà Lộc, gạo nàng thơm chợ Đào, nước mắm Phú Quốc, cá ba sa… được thế giới biết tiếng như những sản phẩm đặc sắc Việt Nam, đặc sắc Nam Bộ. Cái hương vị ấy của châu thổ, đã từng được thế hệ chúng tôi say mê qua những trang “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, ngày nay càng hiện hình sinh động hơn trong những tour du lịch sông nước đất Phương Nam. Khó ai có thể không xao lòng khi nhìn cô gái Nam bộ khoác khăn rằn yểu điệu chèo ghe trên sông đưa khách du ngoạn giữa một màu xanh mênh mông của đất trời, cây trái, với nụ cười mê hoặc trên môi, nụ cười châu thổ. Cũng không ai không bị hút hồn bởi một vùng đất sông nước hữu tình còn thấm vẻ hoang sơ của thiên nhiên với những món ăn dân dã chỉ vùng đất này mới có. Mắm thái Châu Đốc ăn với bông so đũa. Cá linh kho lạt và bông điên điển. Nộm xoài khô cá sặc. Cá lóc nướng trui bọc đất sét. Lẩu mắm với vô số các loại rau rừng đặc sắc là lá sầu đâu. Rồi thì chuột, rắn, rùa, cua đinh và rất nhiều món ăn khoái khẩu khác. Tất cả tạo nên một hương sắcNam Bộ mà những ai đã đến một lần, không thể nào quên. Không chỉ sản vật độc đáo, Nam Bộ còn nổi tiếng với những con người nghĩa hiệp “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”. Những Vương Tử Trực, Hớn Minh, Lục Vân Tiên trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là những con người thực ngoài đời. Họ như cây bần,cây đước, vươn lên từ phù sa châu thổ và dường như không sợ bất cứ kẻ thù nào. Từ Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định tới nữ anh hùng Nguyễn Thị Định, Tạ Thị Kiều. Điển hình là chị Út Tich “Còn cái lai quần cũng đánh”. Cương cường, ngay thẳng, con người Nam bộ còn giàu tính sáng tạo, nhạy cảm với cái mới. Có lẽ nhờ nằm ở giữa đầu mối giao lưu văn hoá Nam-Bắc, Đông – Tây nên nhạy bén, linh hoạt, dễ thích ứng? Hay đứng trước nhiệm vụ khai sơn phá thạch con người không thể bằng lòng với những khuôn thức giáo điều trong cả nếp nghĩ, cách làm ăn? Chỉ biết trên con đường chinh phục đói nghèo, con người Nam Bộ không chỉ đổ nước mắt mồ hôi, cần cù chịu khó mà đã phát huy cao độ chất xám, vượt lên thiên nhiên, vượt qua chính mình, chắt lọc những trí tuệ của đời sống. Chính tình yêu máu thịt với vùng đất châu thổ, thở hơi thở của châu thổ đã cho họ sức sáng tạo vĩ đại, gắn liền với sự hưng vong của cả cộng đồng, tạo ra bản sắc riêng cho một vùng đất. Từ các loại vũ khí súng ngựa trời, giàn thun phóng lựu, ong vò vẽ trong chiến tranh, Nam Bộ thời đổi mới đã xuất hiện vô số những “hoàng đế không ngai” trong sản xuất làm ăn. Hàng loạt chàng nông dân “Hai lúa” trên các lãnh vực đã tạo ra những thương hiệu đặc sắc, được tôn vinh. Vua cá giống Tám Tiếu (An Giang) người tạo ra giống cá bống tượng đầu tiên của Việt Nam. Vua dừa Đỗ Thành Thưởng (Bến Tre) người nông dân Việt Nam đầu tiên được Hiệp hội trồng dừa Châu Á-Thái Bình Dương trao tặng giải thưởng “cây của cuộc sống”. Vua bảo tồn sinh học Dương Văn Châu (Trà Vinh) người đã 2 lần qua Thái Lan và Malaysia với các chương trình bảo tồn sinh học. Vua bưởi Năm Roi Mười Tước xuất thân từ đứa trẻ chăn trâu học chưa hết lớp ba 10 năm ròng hướng dẫn thực hành cho các kỹ sư nông học. Vua chế tạo máy nông nghiệp Bùi Hữu Nghĩa (Long An) Trần Văn Nghĩa (Trà Vinh) mày mò chế tạo nhiều loại máy nông nghiệp cung cấp cho nông dân dù chưa học qua trường lớp nào.Thần đèn Nguyễn Cẩm Luỹ, mới học qua lớp 4 trường làng mà di dời, nâng cao, chống nghiêng hàng trăm di tích và công trình dân sinh. Rồi còn vô số những vua cua đinh, vua cá sấu, vua ngêu, vua bò, vua lúa giống… Tất cả đang tạo ra một sức sống mới cho mảnh đất Phương Nam vốn được thiên nhiên ưu đãi nhưng cũng đầy những thử thách khắc nghiệt. Cuộc sống là một trường đại học lớn. Không biết ai đó đã nói như thế. Thực tế đã được chứng minh. Chưa được đầu tư lớn, nhưng những người “dân ấp, dân Lân” trong thơ Nguyễn đình Chiểu đang vươn lên trở thành những người làm chủ vận mệnh của mình. Không chỉ những chiếc cầu khỉ được thay thế thế bằng cầu bê tông. Những con đường giao thông, đường điện lưới quốc gia , trường học trạm xá về đến tận các thôn xã vùng sâu hẻo lánh. Cái nghịch cảnh “chiều chiều ra đứng bờ sông, muốn về quê mẹ mà không có đò” đã trở thành kỷ niệm của một thời xa lắc. Sau cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, là cầu Cần Thơ. Con đường đến khí điện đạm Cà Mau, đến đất mũi Viên An xích lại trong gang tấc. Cái vùng đất màu mỡ, nơi cung cấp nhiều loại cây trái nổi tiếng, cái vựa lúa góp phần nuôi sống 80 triệu dân và đóng góp chủ yếu vào lượng gạo xuất khẩu, đang thay đổi từng ngày. Sẽ thêm những con đường cao tốc, đường sắt, đường hàng không kéo gần lại khoảng cách với Hà Nội và Sài Gòn, “những con đường nối những bờ vui”. Vượt qua cầu Rạch Miễu, chúng tôi ghé vào một nhà hàng đặc sản Bến Tre. Gió châu thổ vẫn thổi về lồng lộng. Đón trái dừa từ tay cô con gái của quê hương Đồng khởi, tôi như mê đi trong vị ngọt say người của dừa siêm. Tôi say vị dừa siêm? say nụ cười cô gái hay say cái tương lai tươi sáng của một vùng đất đang hiện dần trước mắt. Cùng với cầu Rạch Miễu, Bến Tre sẽ có cuộc “vượt cạn” ngoạn mục? Sẽ có một cuộc “đồng khởi” về kinh tế, một bứt phá trong tương lai? Chưa biết, nhưng tôi thực sự có lòng tin: có một bệ phóng vững chắc, đất chín rồng, trong đó có Bến Tre chắc chắn sẽ “vượt vũ môn” góp phần đưa đất nước hoá rồng. Bởi, tôi tin ở sức sáng tạo của Người Nam bộ; sức sáng tạo vốn là tinh hoa được kết tinh từ truyền thống văn hoá, là kết quả của sự tích luỹ dồi dào, sung mãn sinh lực và thần trí dân tộc. Tôi im lặng nhắm mắt lại. Gió từ sông vẫn phóng khoáng thổi về. Và tôi giật mình. Trong gió tôi cảm nhận được rất rõ ràng vị nồng nàn của phù sa - phù sa miền châu thổ. Bút ký của Dương Trọng Dật