Hầu hết game hiện nay đều qua sự đánh giá của ESRB, công ty chuyên đánh giá, phân loại game. Khi mua một CD game, bạn thường thấy góc bên dưới có một biểu tượng màu trắng ghi các ký tự như T, KA, EC, M. Đây chính là các ký hiệu mà ESRB đặt để đánh giá các game. Sau đây là chi tiết các tiêu chuẩn đánh giá đó: Early Childhood (game cho trẻ con): Ký hiệu cho biết game có nội dung lành mạnh. Phụ huynh có thể yên tâm cho trẻ từ 3 tuổi chơi các game này để tăng sự hiểu biết của trẻ. Kids to Adults (game cho trẻ mới lớn): Game có ký hiệu này thích hợp cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Nội dung game không chứa đựng những yếu tố bạo lực, hình ảnh vui tươi, đôi khi rất hài hước, ví dụ như game Thomas and friends. Everyone (game cho trẻ mới lớn): Kể từ 1/1/1998, từ Everyone thay thế cho từ Kids to Adults ở trên. Các game phù hợp cho lứa tuổi từ 6 trở lên. Nội dung game khá tốt. Ví dụ: Explo Man, Pacman. Teen (game cho thiếu niên): Game này thích hợp cho trẻ em từ 13 tuổi trở lên. Nội dung game đã có yếu tố bạo lực nhưng chỉ ở mức trung bình, ngôn ngữ trong game cũng được nâng cao. Ví dụ : Starcraft, Age of Empires. Mature (game bạo lực): Game này thường mang tính chất bạo lực cao, có nhiều yếu tố ma quái, chỉ phù hợp người từ 17 tuổi trở lên. Phụ huynh không nên để trẻ em chơi các game này. Adults Only (game bạo lực): Mức độ bạo lực của game này còn cao hơn cả loại game Mature. Các yếu tố bạo lực, ngôn từ thô thiển sử dụng rất nhiều trong game, chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Rating Pending (game chưa phân loại): Ký hiệu này nghĩa là ESRB chưa xác định rõ mức độ bạo lực của game. Những game không có một trong các ký hiệu trên thì có thể không phải là hình ảnh gốc hoặc game chưa được kiểm tra. Hy vọng bảng hướng dẫn sẽ giúp các bạn chọn lựa được trò chơi phù hợp.