“Người ta có thể làm, có thể phá bỏ và đó là chuyện bình thường trong giao thông”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội trao đổi với PV Dân trí xung quanh việc dỡ bỏ nút chặn tại các ngã tư. Hàng rào phân cách inox tại ngã tư đường Láng - Nguyễn Chí Thanh đã được dỡ bỏ đêm qua. Thưa ông, thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ, trong đó có việc phạt tăng nặng, công an thành phố đã tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc xử nghiêm vi phạm, cần phải khắc phục những bất cập của của tổ chức giao thông hiện nay? Tổ chức giao thông thuộc trách nhiệm chính của Sở Giao thông vận tải, còn Công an được giao nhiệm vụ chính là duy trì luật pháp. Trong đó, Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ phân luồng giảm ùn tắc giao thông và xử phạt các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, phải nói rằng, dù tổ chức giao thông, cắm biển báo, làm hạ tầng giao thông là trách nhiệm của thành phố, của sở Giao thông vận tải, nhưng công an luôn phát hiện những bất cập và có kiến nghị với thành phố, bàn bạc với sở Giao thông vận tải để cùng làm, cùng khắc phục những vấn đề đó. Hiện nay có một số bất cập, tôi nói như vấn đề tổ chức rào ở một số ngã ba, ngã tư, hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều ý kiến cho rằng việc bịt các ngã tư là cách làm chẳng giống ai và cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc giảm ùn tắc giao thông? Có hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một luồng ý kiến cho rằng, rào như thế sẽ không gây xung đột, giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, người tham gia giao thông phải mất chút thời gian đi vòng, quay đầu xe, nhưng sẽ tránh được xung đột ở ngã ba ngã tư, từ đó sẽ giảm ùn tắc giao thông. Luồng ý kiến thứ hai, thực hiện như vậy vô hình trung làm cho hệ thống đèn chỉ huy giao thông mất tác dụng. Người tham gia giao thông phải đi vòng và người ta cho rằng, đi vòng như thế cũng gây xung đột. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh: "Cái gì có lợi cho giao thông, chúng ta làm" Chúng tôi đã bàn với sở Giao thông vận tải về vấn đề này. Theo đó, sở Giao thông vận tải khảo sát lại, nhất là trực tiếp khảo sát ở các ngã ba, ngã tư, nếu thấy phương án nào có lợi cho vấn đề giao thông, sẽ áp dụng, còn nếu phương án nào không có lợi sẽ dỡ bỏ rào chắn. Sở Giao thông vận tải đã và đang cho khảo sát, nếu thấy việc rào đó không có lợi và gây ùn tắc, sở sẽ tổ chức lại giao thông… Những công việc đó thuộc ngành giao thông vận tải, nhưng chúng tôi có trách nhiệm đóng góp. Mới đây, Sở Giao thông vận tải đã dỡ bỏ các rào chắn vốn được dùng để bịt ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh - La Thành và ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Láng. Ông có ý kiến gì về việc này? Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, cứ cái gì lợi cho giao thông, chúng ta làm, còn không có lợi chúng ta bỏ. Vấn đề tổ chức giao thông là việc rất khó. Mọi người dân đều tham gia giao thông, đều có quyền có ý kiến và người này thấy thế này, người kia thấy thế kia là chuyện bình thường. Cũng phải nói rằng, chuyện tổ chức giao thông, có thể lúc này đúng, nhưng lúc khác không đúng, tháng này đúng nhưng tháng của năm sau lại không đúng. Hôm nay tổ chức vấn đề này có thể đúng, phù hợp với điều kiện, nhưng sang năm có thể không phù hợp vì số người tham gia tăng lên, phương tiện giao thông tăng lên, thế rồi các ngã ba, ngã tư này phức tạp hơn thì vấn đề tổ chức giao thông cũng phải thay đổi… Ngay cả Nghị định của Chính phủ cũng có lúc phải thay đổi. Tôi cho vấn đề tổ chức giao thông không nên cố định một vấn đề gì, cũng không nên khẳng định ý kiến của mình là đúng vì đây là vấn đề toàn dân tham gia và tổ chức giao thông là vấn đề công khai, không có gì bí mật cả. Tổ chức giao thông là vấn đề rất khoa học. Chúng ta phải làm thế nào tổ chức giao thông hợp lý, làm thế nào cho có lợi cho giao thông. Nếu cần thiết chúng ta có thể dỡ bỏ một số nút chặn ngoài các nút chặn ở các ngã tư nói trên? Người ta có thể làm, có thể phá bỏ và đó là chuyện bình thường trong giao thông. Xin cám ơn ông! Nguồn: dantri
hôm trước vừa đọc bài gì kêu chi phí bít ngã tư là 27 tỷ, ko biết lần này chi phí dỡ bỏ rào chắn là bao nhiêu nhỉ
Rào nó để thế thôi, giống như đèn đỏ vậy.Có những thằng vượt đèn đỏ, thì có nhiều thằng gặp mấy cái ngã 5 ( như ngã 5 Ô Chợ Dừa - Khâm Thiên ) nó ko chặn 100% được, thì chúng nó vẫn ...đi tắt như thường....ko giải quyết được là mấy.Mà dân ta có cái tính "thấy thằng kia đi được mình cũng phải đi được chứ..."
Phá thì cũng mất công nhân nó đập phá đi, lại ăn tiền dự án tiếp. Sau khi bịt các ngã 3 ngã 4, khiến người dân phải đi mãi mới có chỗ rẽ quay đầu lại thì giờ người ta lại sửa sai, phá đi. 1 lần xây 1 lần phá làm lợi cho giao thông hay ko thì ko biết, biết là các bác đề ra dự án chắc hẳn là có lợi
giao thông VN như 1 bầy kiến và dân VN có tập tính giống loài kiến "1 đứa đi được là cả đám đi theo T__T"