Theo Luật giao thông đường bộ, xe máy điện khi tham gia giao thông cần phải đăng ký biển số xe để thuận tiện cho việc quản lý. Trong khi đó, cũng là dòng xe chạy điện nhưng xe đạp điện lại không cần đăng ký biển số xe. Chính vì điều này mà nhiều khách hàng khi mua xe máy điện cảm thấy băn khoăn vì ngại phải đến các trung tâm đăng kiểm cùng các thủ tục phiền hà. Nắm được tâm lý này của khách hàng, nhiều chủ cửa hàng đã “hô biến” chiếc máy điện thành xe đạp điện bằng việc lắp thêm pê đan – bàn đạp vào xe máy điện. Xe đạp điện và xe máy điện hiện nay không có nhiều điểm khác biệt. Cách phân biệt dễ nhất chính là bàn đạp của xe. Xe máy điện không có bộ phận này. Xe đạp điện sẽ có bàn đạp Nếu xe đạp điện chuẩn chỉ giới hạn tốc độ tối đa là 25km thì xe máy đạp có thể chạy tới 45km/h. Đấy cũng chính là lý do mà xe máy điện cần được đăng kiểm để quán lý. So với xe máy thì xe máy điện có tốc độ không hề thua kém và khả năng gay tai nạn khi tham gia giao thông là ngang nhau. Chất lượng của các loại xe điện hiện nay đang ở mức báo động khi không chỉ hàng nhái, hàng nhập lậu kém chất lượng từ Trung Quốc mà một hình thức mới được nhiều cửa hàng hiện nay áp dụng là bán mẫu xe theo yêu cầu. Nghĩa là, các chủ cửa hàng nhập linh kiện xe đạp điện về và lắp ráp theo mẫu khách hàng yêu cầu. Đây cũng là vấn nạn khiến các hãng xe lớn như HKbike, Yamaha, Giant… lo lắng khi sản phẩm của mình bị nhái một cách trắng trợn. Thâm nhập thực tế tại một cửa hàng xe điện trên đường Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, sau một hồi hỏi han mua hàng, chúng tôi được ông chủ cho biết: “Những chiếc xe ở đây không qua cửa khẩu nào hết. Tất cả những linh kiện cấu thành một chiếc xe được đặt mua bên Trung Quốc. Những bộ phận dễ sản xuất như chân chống, bàn đạp có thể thu mua lại từ các cửa hàng xe máy, đồ thải về “mông má”, sơn một chút lắp vào thì không ai biết đấy là đâu”. Nếu gắn bàn đạp xe máy điện cũng khá giống xe đạp điện Theo chủ cửa hàng này, để biến một chiếc xe máy điện thành xe đạp điện chỉ mất khoảng 45 phút. Giá để “độ” một chiếc xe như này khoảng 370 nghìn đồng tới 500 nghìn đồng. Nhân viên sửa xe của cửa hàng cho biết, xe máy điện vẫn là xe máy điện, việc thêm bàn đạp vào chỉ để che mắt các cơ quan chức năng, né việc đăng ký. Đặc biệt, một vấn đề nghiêm trọng cần được ngăn chặn chính là việc can thiệp kỹ thuật để thay đổi vận tốc của xe. Những cửa hàng này thường kiêm luôn việc bán các loại ắc quy và bộ đổi nguồn. Việc này ảnh hưởng tới các bộ phận khác của xe cũng như giảm tuổi thọ xe. Khi tham gia giao thông, điều này đặc biệt nguy hiểm bởi chỉ môt sơ xảy trong kỹ thuật có thể gây ra những nguy hiểm khôn lường. Do vậy, tốt nhất, nếu ngại đăng kiểm, người dùng nên chọn xe đạp điện còn khi đã chọn xe máy nên dành thời gian đi đăng kiểm. Tuyệt đối không can thiệp kỹ thuật thêm bớt các bộ phận của xe.