Con số về tỷ trọng cho vay bất động sản toàn thị trường và TP HCM trên được Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đưa ra trong báo cáo. Theo HoREA, mức 10,8% của TP HCM cao hơn so với mức trung bình 7,5% của toàn thị trường là tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống tín dụng và bản thân doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, tại một hội thảo đầu tháng 8, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM lại đánh giá cơ cấu tín dụng bất động sản trên địa bàn hiện đang khá hợp lý, bao gồm cả tỷ trọng 10,8% kể trên. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có bất động sản. Mức trần sẽ giảm còn 40% kể từ 1/1/2019. Lộ trình này được HoREA đánh giá có mặt tích cực là tạo áp lực buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư chưa khả thi vì cho đến nay cả nước mới chỉ có một quỹ đầu tư BĐS là TCREIT thuộc Techcombank với số vốn điều lệ chỉ có 50 tỷ đồng. Con số này chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường. Tín dụng vào BĐS tại TP HCM cao hơn trung bình cả nước (Ảnh: Internet) Ngoài đưa ra cảnh báo về tăng trưởng tín dụng bất động sản, HoREA cũng nêu các điểm nghẽn tín dụng đối với đối tượng mua nhà ở xã hội. Theo Hiệp hội này, sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, Chính phủ vẫn chưa bố trí được nguồn vốn thay thế để duy trì. Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được cấp vốn ngân sách 250 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được chỉ định thực hiện chính sách nhà ở xã hội cũng chưa được cấp bù chênh lệch lãi suất nên trên thực tế các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi này. Đối với người mua căn nhà đầu tiên, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng. Nếu chính sách này được đưa ra, HoREA kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư, đặc biệt là giới trẻ mới lập nghiệp, người mới lập gia đình có cơ hội có nhà. Ví dụ cụ thể là mô hình của Quỹ phát triển nhà ở TP HCM trong 12 năm qua đã tạo điều kiện cho 4.010 cán bộ, công nhân viên (80% người vay thuộc ngành giáo dục, y tế) vay với tổng số tiền 1.565 tỷ đồng (500 triệu đồng/suất), được thành phố hỗ trợ lãi suất và thực tế chỉ phải trả lãi vay 4,7%/năm để mua nhà. Một số điểm nghẽn khác trong ngành mà HoREA chỉ ra liên quan thủ tục chuyển nhượng dự án. Theo đó, nhu cầu chuyển nhượng dự án rất lớn, nhiều dự án đã được thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tín dụng, kể cả các khoản nợ xấu ngân hàng. Chuyển nhượng dự án là hoạt động kinh doanh bình thường theo nhu cầu của các doanh nghiệp nhưng theo quy định pháp luật, chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được chuyển nhượng dự án, nên trên thực tế việc chuyển nhượng rất khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, có 6/15 hồ sơ chuyển nhượng dự án được chấp thuận. Do vậy, HoREA cho rằng nhà nước chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới có năng lực thay thế chủ đầu tư cũ để khởi động lại các dự án đã bị ngừng triển khai, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án và có thêm nguồn thu thuế cho ngân sách. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng đã có hơn 500 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, bị đắp chiếu, trùm mền, là hàng dự án tồn kho, nhưng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Xem thêm tại nhadat1s