Commandos Strike Force – Đặc nhiệm tiên phong

Thảo luận trong 'Tin tức - Giới thiệu - Thảo luận chung về game' bắt đầu bởi TidusWhitedragon, 21/1/06.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. TidusWhitedragon

    TidusWhitedragon Mr & Ms Pac-Man

    Tham gia ngày:
    28/4/05
    Bài viết:
    128
    COMMANDOS STRIKE FORCE

    Phát hành: Eidos
    Phát triển: Pyro Studios
    Thể loại: Hành động
    Ngày phát hành: 01/02/2006
    ESRB: Đang đợi đánh giá
    Lần đầu tiên ra mắt vào năm 1998, Commandos: Behind Enemy Lines lập tức trở thành tâm điểm lúc đó, đồng thời mang lại ánh hào quang cho Pyro Studios. Tôi vẫn còn nhớ như in, lúc đó trò chơi chỉ là một bản game nhỏ nằm trong một đĩa CD game nhiều trò - gọi là dạng "Collection", một loại đĩa rất phổ biến ở thị trường Việt Nam vào thời điểm ấy (sau đó mới có bản game hoàn chỉnh). Tuy chỉ nằm khiêm tốn giữa một "rừng" game trong đĩa, nhưng một khi đã chơi thì bạn phải "dán" mắt vào game, mê mệt đi từ nhiệm vụ này tới nhiệm vụ khác không thấy chán. Chính lối chơi chiến thuật nhóm (Squad-based Strategy) mới lạ, cộng với nhịp game nhanh và dồn dập, đã khiến trò chơi trở thành thứ nam châm hút chặt các gamer. Tiếp sau đó các phiên bản Commandos được tung ra và được giới mộ điệu đánh giá rất cao. Thế nhưng, giống như những chỉ số đồ thị, có lúc lên sẽ có lúc xuống, phần cuối cùng của dòng game - Commandos 3: Destination Berlin, lại là một sự thất vọng lớn. Gọi là "cuối cùng", bởi Pyro Studios cho biết, họ sẽ chuyển dòng game sang một hướng khác. Commandos Strike Force (CSF) ra đời là kết quả tất yếu của sự thay đổi đó - một trò chơi hành động bắn súng có lồng yếu tố chiến thuật. Liệu có mạo hiểm quá không, khi Pyro rời bỏ "sở trường" chiến thuật của mình để chuyển sang thực hiện trò chơi ở thể loại mà mình không chuyên?

    "Đây là game bắn súng WWII đầu tiên của chúng tôi"
    Inigo Vinos, đại diện Pyro Studios, tự tin cho biết và cũng mau chóng "trấn an" các fan hâm mộ rằng, CSF vẫn sẽ trung thành với truyền thống của dòng game khi chuyển qua thể loại mới. Nói là làm, bối cảnh của CSF lần này sẽ diễn ra ở Pháp, Na Uy và Nga. Với hàng loạt nhiệm vụ quen thuộc như: ám sát, tìm kiếm các gián điệp "hai mang", phá hủy mục tiêu, ăn cắp thông tin, đào tẩu... Tất nhiên, bạn sẽ gặp lại nhóm biệt kích quen thuộc, nhưng Pyro cho hay họ chỉ lấy ra ba nhân vật được yêu thích nhất (được coi là hữu dụng nhất): Green Beret (mũ nồi xanh), Sniper (bắn tỉa) và Spy (điệp viên). Mỗi nhân vật này, như chúng ta đã biết, có những kỹ năng của riêng mình. Chẳng hạn, với sức mạnh hơn người, anh chàng Green Beret có khả năng sử dụng các loại vũ khí hạng nặng như súng đại liên hoặc bazooka. Còn Spy có thể "dụ” đối phương bằng khả năng cải trang của mình và tất nhiên chúng ta phải cẩn thận với những tên lính cùng hoặc lớn cấp hơn, chúng có thể nghi ngờ hoặc đánh động đồng bọn xung quanh. Riêng anh chàng Sniper kỳ này được mô tả là mỗi khi... nín thở nhìn qua ống ngắm, màn hình sẽ bị nhòe đi, chế độ làm chậm thời gian (bullet-time) sẽ xuất hiện và lúc này chỉ việc "phơ từng em một". Rất thú vị và trông hao hao cách thực hiện trong trò chơi Sniper Elite, vừa được tung ra thị trường vừa qua nhỉ? Tiếc là với hai nhân vật Green Beret và Spy, nhà phát triển không cho biết có thêm kỹ năng mới nào không.

    Một vấn đề khác của CSF được rất nhiều gamer quan tâm là việc điều khiển nhân vật: liệu trong màn chơi, chúng ta sẽ được tự do chuyển đổi qua lại giữa các nhân vật hay theo một ấn định trước? Theo thông tin sơ bộ từ phía Pyro, mỗi màn chơi bạn chỉ được điều khiển hai nhân vật (không cho biết là được chọn sẵn hay tự chọn), có thể chuyển góc nhìn qua lại giữa ngôi thứ nhất và thứ ba, thậm chí có màn chỉ có một nhân vật để đi. Việc chuyển đổi nhân vật sẽ được thực hiện tương tự trong các phần trước: khi bạn điều khiển nhân vật A, máy sẽ điều khiển nhân vật còn lại, tất nhiên là chỉ thể hiện ở khả năng tự phòng thủ và khi cần sẽ chuyển qua lại bằng một nút nhấn đơn giản. Và cũng như các phần trước việc thiết kế màn và lối chơi sẽ theo hướng "mở" để tạo người chơi không cảm thấy gò bó phải đi theo đường dọn sẵn. Ngoài ra, bên cạnh nhóm nhân vật chính, bạn còn tiếp cận với các nhân vật phụ và nhận sự hỗ trợ từ phía họ. Tiếc là không thể điều khiển được những nhân vật này như trong các phần trước.

    Góc nhìn của các nhân vật máy cũng là một điểm quan trọng không kém đối với CSF. Yếu tố này là điểm "sống còn" cho các hành động của người chơi. Còn nhớ trong những game Commandos trước đây, để xem các tên lính đang hướng góc nhìn về đâu, chúng ta chỉ việc "dán" con mắt vào nhân vật và thế là "tầm mắt" của chúng sẽ thể hiện bằng luồng sáng màu xanh lá cây. Việc này chỉ áp dụng được với dạng chơi chiến thuật có góc nhìn từ trên xuống, vì thế bạn nhìn bao quát được toàn cảnh. Trong khi đó với dạng hành động, bạn không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra xung quanh mình. Đây quả là một bất lợi cho thể loại game hành động. Thế thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta bị "mù” thông tin xung quanh, nhất là với một game như CSF không thể... "càn bậy" như bao game hành động khác, mà đòi hỏi sự quan sát kết hợp khả năng hành động nhanh nhẹn? Để "bù lỗ", Pyro hào phóng tặng cho người chơi một rađa rất hữu dụng. Bạn có thể quan sát các tên lính, thể hiện dưới các dấu chấm di dộng có góc nhìn "dính" theo (giống kiểu của Metal Gear Solid). Rađa này còn được dùng đánh dấu các vật thể quan trọng và những đồng minh bị thương để người chơi khỏi mất công dò tìm. Nhưng, chỉ "nhìn" thôi chưa đủ, bạn còn phải dựa vào phần "nghe" để phán đoán tình huống và hãy cẩn thận, giờ đây máy cũng có khả năng "nghe" như bạn. Nói một cách khác: phải hết sức thận trọng khi hành động, nghĩa là sẽ có những trường đoạn ta phải chơi theo kiểu hành động lén lút (Stealth Action) – một dạng chơi xem ra rất phù hợp với CSF.

    Đổi mới lối chơi mạng
    Đối với dòng game Commandos, chơi mạng chỉ đóng vai trò thứ yếu. Từ phần một cho tới phần hai, chơi mạng chỉ duy nhất một kiểu: Co-op theo nhiệm vụ. Sang phần ba, mục chơi mạng mới mở rộng ra với các dạng chơi đối kháng thông thường, nhưng xem ra khá mờ nhạt. Nay, khi đề cập đến trong CSF, mạng lập tức gây chú ý. Đơn giản: đây là game bắn súng, nên mục chơi mạng tất nhiên không thể thiếu được. Theo Michael Souto - nhà điều hành sản xuất của Eidos, trò chơi có tổng cộng 4 mục chơi mạng: ngoài hai kiểu truyền thống của các game bắn súng là Deathmatch và Team Deathmatch, còn có Sabotage và Postmen. Đây là hai kiểu chơi rất lạ, chưa từng có trước đây và rất ít thông tin về chúng được tiết lộ. Tạm thời chỉ biết rằng với mục chơi Sabotage, mỗi đội sẽ có một điệp viên - nhân vật này sẽ thẩm vấn "tù binh", thông tin khai thác được sẽ dùng để vô hiệu hóa bom. Vì vậy, để bảo đảm cho tiến trình hỏi cung suôn sẻ, các thành viên còn lại có nhiệm vụ bảo vệ, ngăn không cho đối phương "cứu bồ", cũng như làm điều tương tự. Đối với phiên bản PC, phần mạng sẽ hỗ trợ tối đa 16 người, còn trên console sẽ là 8 người. Đáng buồn là phần chơi Co-op lại không thấy nhắc tới, ngay cả trong tình trạng "đang xem xét"!

    Luôn là người tiên phong...
    Rời bỏ vị trí "sở trường" của mình để đương đầu với một thử thách mới, quả là một việc làm rất can đảm và không kém phần mạo hiểm. Đó là "cá tính" thường thấy ở Pyro Studios. Và họ đã chứng minh được quyết định của mình là không sai khi gặt hái khá nhiều thành công. Thế nhưng, không phải là không có rủi ro. Thất bại gần đây nhất của studio này là với trò chơi Imperial Glory (chiến thuật theo lượt) ngay trên "thánh địa" chiến thuật của mình là một ví dụ điển hình. Nhưng đối với nhà phát triển này, "thất bại luôn là những bài học kinh nghiệm quí giá”. Biết đâu, họ đã thật sự rút ra được những điều cần thiết đủ để giúp cho Commandos Strike Force trở thành một hiện tượng lạ, như đã từng làm trước đây trong quá khứ? Trò chơi dự tính sẽ tung ra vào mùa xuân 2006, chúng ta hãy chờ xem...
     
  2. Chipp

    Chipp Mega Man

    Tham gia ngày:
    12/8/04
    Bài viết:
    3,353
    Nơi ở:
    Kamuy
    Nope, một bài chôm T_T. Sao giờ đi đâu cũng gặp chôm chỉa vậy
     
  3. basaf_13

    basaf_13 Gate gate paragate Moderator

    Tham gia ngày:
    5/2/04
    Bài viết:
    4,664
    Nơi ở:
    Outworld
    Hai roi vào mông vì tội gửi bài không ghi rõ nguồn!
    Một điều cấm kị trong box Tin Tức...........
     
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này