Công việc của bí thư đoàn thanh niên khu phố là gì? Dành cho ai muốn tìm hiểu .

Thảo luận trong 'Tâm sự' bắt đầu bởi BeachS, 4/8/14.

  1. BeachS

    BeachS Youtube Master Race

    Tham gia ngày:
    4/8/14
    Bài viết:
    2
    Công việc của bí thư chi đoàn thanh niên là gì?Dành cho ai muốn tìm hiểu.

    Bạn đang là 1 đoàn viên. Nếu một ngày nào đó có người vận động bạn lên làm bí thư chi đoàn thanh niên. Nếu họ nói rằng: công việc này nhẹ nhàng, đơn giản, việc không nhiều ,khi nào rảnh thì làm, làm một thời gian sẽ trở nên năng động, có bản lĩnh vượt qua khó khăn ,có nhiều người sẽ giúp đỡ nếu gặp khó khăn mà không nói rõ về số lượng công việc,…thì họ đang dụ dỗ bạn đấy. Mình là 1 bí thư chi đoàn thanh niên do bị dụ mà đưa lên. Nay viết ra chủ đề này để kể chi tiết công việc của 1 bí thư để cho những bạn nào muốn tìm hiểu về công việc của chức vụ này. Các bạn sẽ thấy được những cái hay, cái dở, cái khó, được gì, mất gì? .Từ đó có thể một số bạn cảm thấy hợp thì sẽ thích, và phần nhiều thì không bị dụ.

    (Lưu ý: chủ đề này không hề liên quan gì tới chính trị, mà chỉ là nói rõ về những công việc của người bí thư đoàn, để tránh không bị một số người làm công tác vận động không trung thực dụ dỗ)

    Trước tiên mình mô tả ngắn gọn các công việc: tìm người, vận động, tổ chức, tập dợt, thi cử, phân phát, đi họp dự lễ ,và… nhờ vả… Làm chức vụ này việc thì nhiều, lương thì không có, mà làm không tốt thì bị chửi, chỉ có thể có lợi về các mối quan hệ thôi.

    I)Các công việc:
    1)Tìm người:
    Đây là việc diễn ra thường xuyên ở nhiều công tác. Ví dụ như là:
    -Đoàn phường gửi 1 danh sách bỏ trống tên 15 thiếu nhi. Mình phải tìm những em nào có hoàn cảnh khó khăn, học khá để điền tên vào danh sách. Sau đó đoàn phường sẽ gửi một ít quà và tiền cho các em. Có đợt thì tìm 2 hộ gia đình có hoàn cảnh nghèo để phường gửi trợ cấp xuống.
    -Cũng có đợt trên Quận dành ra 10 suất đào tạo, dạy nghề miễn phí. Mình lại tìm người để điền vào. Những việc này khiến cho một số người trong khu phố quý mến mình hơn.

    -Các kỳ thi hội thao như ca hát, kể chuyện – diễn kịch, vẽ tranh, đá bóng, kéo co, nhảy bao bố, nấu ăn ,thi pháp luật… mình cũng phải tìm người để lập đội tuyển đi thi.
    -Nếu như tự mình không tìm được thì phải nhờ các tổ trưởng dân phố, khu phố trưởng, các bạn đoàn viên khác đi tìm người giúp.

    2)Vận động:
    -Khi tìm được người có khả năng để làm công tác nhưng người đó chưa chắc chịu làm, thì mình phải vận động họ dành thời gian, công sức ra tham gia. Bởi vì những công việc này mất thời gian mà không được tiền nên nhiều người cũng không thích .Nếu họ không chịu nữa thì phải…năn nỉ. Có một số người khác còn dùng kỹ năng dụ dỗ như là:
    -“Em chịu khó đi thi đi, hôm đó đài truyền hình về quay phim. Biết đâu được lên tivi thì sao?” . Nhưng thực tế thì không có đài truyền hình nào về cả.
    -“Hôm đó mình tập trung tại địa điểm X làm công tác. Chỉ mất tầm 30 phút thôi” . Nhưng thực tế thì mất 3 tiếng mới làm xong.
    -“Ngày hôm đó các bạn lên họp nhé” . Nhưng khi tập trung đông đông thì lùa người ta đi quét rác. Vì họ sợ nói thật là đi quét rác thì nhiều người sẽ né tránh, không thích đi.

    Trong những môi trường mà người vận động có quyền lực thì việc dụ diễn ra thuận lợi hơn. Ví dụ như trong trường học: giáo viên sẽ vận động học sinh làm công tác đoàn, nếu không ai chịu tự nguyện thì sẽ chỉ định, người bị chỉ định mà không chịu làm thì sẽ bị dọa hạ bậc hạng kiểm, bị mời phụ huynh lên nói chuyện, có trường còn dụ: “nếu không vào Đoàn thì sẽ không được thi tốt nghiệp”.
    Mình thì rất ghét làm trò dụ dỗ, thế nên lực lượng làm các công tác của mình khá ít.

    3)Tổ chức:
    -Trong năm sẽ có những lúc bí thư cũng phải tổ chức những buổi lễ, buổi họp quan trọng. Công tác này rất vất vả. Ví dụ về làm lễ Khai mạc hè nhé. Buổi lễ này sẽ mời rất nhiều thiếu nhi, rồi sau đó phát bánh cho các em .Trước tiên phải liên hệ cấp phường lấy một số file văn bản, thư mời. Rồi đi in thư mời, rồi gửi thư mời (số thư mời có thể lên tới vài trăm, mình phải cùng các tổ trường dân phố chia nhau đi gửi). Đi in băng rôn, treo băng rôn. Đi mua bánh, cái này phải tìm đến những nơi cung cấp giá rẻ để tiết kiệm kinh phí. Ví dụ 1 gói bánh snack ở các tiệm tạp hóa bán 2000/gói thì mình phải ra chợ mua số lượng lớn, giá chỉ còn 1600/gói. Tuy chỉ tiết kiệm được 400 đ nhưng nhân lên cho 600 gói thì được số tiền lớn đấy (1 thiếu nhi được 3 gói) .Rồi nhờ 1 người làm MC, 2 người làm bảo vệ trông xe vòng ngoài…Để tổ chức 1 buổi lễ như vậy thì phải mất ít nhất 6 buổi để chạy chương trình.

    4)Tập dợt – thi cử:
    Thông thường để chuẩn bị cho các cuộc thi như ca hát, diễn kịch, hoặc chuẩn bị tiết mục văn nghệ trong các buổi lễ. Sau khi có được lực lượng đi thi thì phải tập trung họ lại, để tập dợt. Mất khá nhiều thời gian và công sức đấy. Nếu bạn không đủ khả năng để huấn luyện thì phải nhờ 1 người khác đứng ra huấn luyện.

    5)Đi họp, dự lễ:
    -Làm bí thư được mời đi dự rất nhiều buổi họp, lễ…này nọ. Nếu không đi thì bị trừ điểm thi đua. Chưa kể họp còn phải đủ số lượng. Thường mỗi chi đoàn phải có 3 người đi, mình lại phải vận động những bạn khác đi họp cùng.

    6)Phân phát:
    -Có nhiều dịp đi phát quà, như phát 1000 tập trắng cho thiếu nhi, phát quà Trung thu, phát quà cho các gia đình chính sách. Lâu lâu cũng được trung tâm văn hóa thể dục thể thao cho vài chục cái vé bơi miễn phí, hay được những công viên lớn như Đầm Sen phát cho vài chục vé vào cổng miễn phí, thì mình đem số vé này cho bạn bè, người quen. Làm công việc này thì dễ được tình cảm của mọi người đấy.

    7)Tuyên truyền:
    -Như tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, không xả rác ,tiết kiệm điện, hay tuyên truyền cho 1 chương trình, tổ chức nào đó. Có nhiều hình thức tuyên truyền. Như đợt tuyên truyền phòng chống dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết... thì đoàn phường tập trung lực lượng của cả phường lại, phối hợp thêm đoàn viên từ các trường đại học, chia ra làm nhiều nhóm, đi gõ cửa từng nhà để tuyên truyền cách phòng tránh bệnh, rồi phát cho họ 1 tờ giấy ghi đầy đủ nội dung cần tuyên truyền (vì nội dung bao gồm cả những kiến thức, nếu nói hết thì rất dài, nên khi tuyên truyền miệng thì chỉ nói đại ý, còn phát giấy để họ đọc kỹ hơn). Còn 1 hình thức khác là làm xe di động. Như đợt tuyên truyền chương trình Giờ trái đất, hay ngày thành lập Hội liên hiệp thanh niên, thì mỗi chi đoàn làm 1 khung sắt, sau đó dán băng rôn quanh khung sắt đó, trên băng rôn thì ghi nội dung tuyên truyền, nếu thích đẹp thì gắn thêm cờ màu sắc, hoa để cho đẹp, cũng là để thu hút sự chú ý của mọi người. Rồi đặt cái khung sắt đó lên xe máy, rồi cả đoàn lái xe đi loanh quanh trong địa bàn phường để mọi người thấy những hàng chữ đó.

    8)Lao động chân tay:
    -Trong năm sẽ có những đợt làm vệ sinh đường phố, bí thư phải vận động những thanh niên khác đi quét rác, cạo xóa những quảng cáo trên cột điện, có nơi còn phải xuống bờ kênh để vớt rác. Nếu trong khu phố có 1 bãi đất trống chưa được xây dựng, có những người ý thức kém hay vứt rác ra đó, lâu ngày nơi đó trở thành bãi rác. Thì lúc này đoàn viên phải gom rác lại và...đốt, tạo ra khói mù mịt, nhiều người dân xung quanh khó chịu thì họ ra cằn nhằn. Cách làm này không phải là hay, đúng ra là phải thuê xe chở đống rác đó đi nơi khác, nhưng cách này thì tốn kém tiền bạc nên các đoàn viên không muốn (mình cũng không hiểu là cơ quan phụ trách vệ sinh môi trường tại sao lại không chịu dọn bãi rác đó). Có khi thì tập trung làm vệ sinh cho nghĩa trang liệt sỹ vô danh, việc này cũng ý nghĩa đấy.

    9)Nhờ vả:
    -Đây là 1 hành động để có thể làm được những công tác trên. Vì việc của bí thư rất nhiều, phong phú, đa dạng nên không ai có thể tự làm hết. Phải nhờ người này người kia giúp. Người nào có tài ăn nói, thuyết phục giỏi thì sẽ lập ra được nhiều mối quan hệ, được nhiều người giúp đỡ. Được nhiều người chia sẻ thì công việc cũng nhẹ đi phần nào

    II) Những thiệt thòi, mất mát và những lợi ích nhỏ nhoi:
    Bạn phải chịu những tổn thất lớn về thời gian, công sức, bị suy thoái một ít sự nghiệp và hạnh phúc. Nói đơn giản như ngày mai bạn phải đi học ở trên trường, nhưng ngày mai bên Đoàn thanh niên cũng có 1 công tác quan trọng, mà bạn là bí thư thì bạn phải có trách nhiệm. Vậy để làm công tác này thì buộc phải nghỉ học, hoặc nghỉ làm. Điểm số của bạn bị giảm, có những bí thư rất năng nổ, nhưng trên trường đại học thì rớt nhiều môn. Hay bạn thường xin nghỉ làm thì cũng bị sếp ghét, khó chịu. Mất mát về hạnh phúc như là tối thứ 7 bạn có hẹn đi chơi với người yêu, nhưng tối đó bạn lại được phân công làm công tác nào đó, thế là phải dời ngày đi chơi lại. Hoặc có những đợt họp lớp, giỗ ông bà, mà hôm đó lại phải lo những việc quan trọng bên đoàn, không đi dự được, trong lòng buồn lắm.

    -Về thời gian phải bỏ ra. Một ngày tạm chia ra 3 buổi: sáng, chiều, tối. Vậy một năm 365 ngày thì sẽ có 1095 buổi. Bạn phải dành ít nhất 100 buổi trong năm để làm công tác đoàn. Mà với mức 100 buổi thì cấp trên cũng không hài lòng đâu, họ sẽ cằn nhằn đấy. Khoảng 3 ngày thì sẽ có 1 công việc nào đó bên Đoàn cho bạn làm. Mà giờ giấc thực hiện những công tác Đoàn thì không cố định, có khi thì làm sáng, khi thì chiều, khi thì tối, có thể diễn ra vào bất cứ ngày nào trong tuần. Điều này sẽ khiến cho những công việc, dự định trong tuần của bạn bị xáo trộn. Như bạn định ngày thứ 2 sẽ đi khám bệnh, nhưng thứ 2 lại phải lo việc Đoàn, mà thứ 3 lại bận đi học, bạn phải dời lại sang thứ 4. Mà sáng thứ 4 bạn định đi xem phim, thế là phải dời ngày xem phim sang thứ 5…Bạn phải biết sắp xếp thời gian, linh động trong các công việc.

    -Đôi khi có những việc người bí thư chậm trễ, làm chưa tốt, khiến tập thể bị trừ điểm thi đua thì vài người có chức vụ cao hơn có thể đứng ra chửi, thường là: khu phố trưởng, bí thư đoàn phường. Tuy nhiên cũng tùy tính khí mỗi người khác nhau. Có thể ở một nơi nào đó, những cấp trên này hiền lành, không bao giờ chửi.

    -Đôi khi còn phải chịu thiệt thòi về mặt tiền bạc. Như một số công tác cần kinh phí thì mình phải làm bảng dự trù kinh phí để xin cấp trên rót tiền xuống. Tuy nhiên kinh phí thì cũng có giới hạn, mà thực tế đôi khi đòi hỏi phải cần chi số tiền lớn hơn thế, thì lúc này người bí thư phải tự móc tiền túi ra trang trải. Như công tác A cần tối thiểu 500.000 , mà khu phố trưởng chỉ cấp tối đa 300.000 , thì mình phải tự bỏ tiền túi 200.000 ra. Hàng tháng mình được cho phụ cấp 100.000, nhưng số tiền này không đủ cho tiền xăng và tiền điện thoại để làm công tác Đoàn. Tuy nhiên vẫn có cách để tạo quỹ, như là tập hợp một vài đoàn viên lại rồi vào các khu chung cư xin ve chai, đi suốt 1 buổi sáng gom góp lại, cũng kiếm được vài trăm nghìn.

    -Đôi khi còn thiệt hại về sức khỏe: do giờ giấc làm việc không cố định, khi thì phải ăn sớm, khi thì phải ăn trễ, nhiều khi vừa ăn xong phải đi công chuyện ngay, nếu ai bụng yếu có thể bị đau bao tử. Hay đến mùa mưa, nhiều lúc chuẩn bị đi làm việc thì trời đổ mưa to, nhưng do trách nhiệm nên vẫn phải đội áo mưa đi.

    *Từ chức có dễ không?
    Sẽ có bạn hỏi nếu làm bí thư cực thế sao không từ bỏ công việc đó đi? Xin thưa là xin từ chức không dễ đâu. Ở đây không phải là bị ràng buộc về luật pháp, mà là bị ràng buộc bởi lương tâm, trách nhiệm. Những cấp trên họ có nhiều biện pháp ám tư tưởng để bạn không thể từ chức. Như là sẽ có những bác đảng viên đáng tuổi bố, tuổi ông nội làm công tác động viên, họ nói rất nhẹ nhàng, ngọt ngào, tình cảm, thế là mình lại phải suy nghĩ lại việc từ chức. Rồi những công việc của bí thư còn gắn liền với lợi ích của tập thể. Họ cho rằng: nếu mình không làm thì khiến cả tập thể bị trừ điểm thi đua, bị đánh giá là yếu kém, việc mình không chịu làm gây hại cho cả tập thể, làm cho sự phấn đấu của tập thể bị tiêu tan. (theo thang điểm thì 1 công tác sự kiện không làm thì bị trừ 20 điểm thi đua, không đi họp bị trừ 5 điểm thi đua, suy ra là nếu không có người bí thư đoàn thì sẽ có rất nhiều công việc không được giải quyết, sẽ bị trừ một số lượng điểm rất lớn). Họ sẽ có những đòn tâm lý tác động vào đầu mình để tạo cho mình cảm giác sẽ thật tội lỗi, xấu xa nếu như không chịu tiếp tục làm.

    Sẽ có người nói là: “nếu bạn không làm thì sẽ có người khác làm, thiếu 1 người thì chợ vẫn đông”. Mình đã mời rất nhiều người làm bí thư thay mình nhưng không ai chịu. Vì đây là chức vụ làm không công, mà công việc thì lại nhiều nên đâu có ai muốn làm. Mà mình lại minh bạch về số lượng công việc, ai nghe xong cũng lắc đầu ngán ngẩm.Trừ khi là đi dụ dỗ những người chưa hiểu rõ về công việc này để họ chịu làm bí thư, mà mình thì không thể làm như thế. Tuy nhiên có thể ở một nơi nào đó, trong 1 cơ sở đoàn nào đó có nhiều người nhiệt tình, năng động thì việc từ chức diễn ra cũng dễ dàng, êm xuôi thôi.

    Lưu ý: những bí thư đoàn mà các bạn thấy được trả lương thì do họ là bí thư cấp phường, cấp quận trở lên thì mới có lương. Chứ bí thư chi đoàn khu phố thì không có đâu. Khu phố ở đây một số bạn sẽ hiểu nhầm là 1 con hẻm hay 1 dãy nhà, cái đó gọi chính xác là tổ dân phố. Còn trong 1 khu phố có trên 1000 hộ dân cư, dân số lên đến vài nghìn người.

    Sau khi đã đọc qua những gì mình kể ở trên. Có bạn nào cảm thấy bản thân thích hợp công việc bí thư không? Những bạn đã được kể để biết rõ về công việc của bí thư thì sẽ không còn bị dụ như mình nữa.

    *Những lợi ích nhỏ nhoi:
    Để làm bí thư thì các bạn đừng cầu mong lợi ích cho bản thân. Nhưng để khách quan thì mình vẫn kể cho những bạn nào muốn tìm hiểu:
    -Có thêm bạn bè.
    -Nếu thường dẫn thiếu nhi đi thi, đi chơi, nếu được thiếu nhi quý mến thì bạn trở thành "thủ lĩnh" của đám trẻ trong xóm.
    -Lâu lâu được học mấy lớp kỹ năng trong thời gian rất ngắn (tầm vài buổi là cao) như được dạy về tâm lý về gia đình, trẻ em. Mấy buổi dạy nhảy múa miễn phí. Được dạy kỹ năng nói chuyện trước đám đông. Được dạy kỹ năng sơ cấp cứu, phòng cháy chữa cháy...
    -Lâu lâu được vé đi xem ca nhạc miễn phí, đi công viên miễn phí...
    -Nếu công tác tích cực, ứng xử khéo léo, làm nhiều việc có lợi cho mọi người trong khu phố thì bạn sẽ được nhiều người quý mến.
    -Nếu bí thư nào công tác xuất sắc, rất năng động, nhiệt huyết cực kỳ nổi bật... thì có thể tạo được ấn tượng với những cán bộ trong ủy ban, như chủ tịch phường chẳng hạn. Cộng thêm có bằng cấp, trình độ chuyên môn, thì sẽ được ưu tiên nếu nộp đơn xin việc vào ủy ban phường. Nhưng người đạt được khả năng này ít lắm.
    -Có trường hợp đặc biệt có thể kiếm thêm tiền từ việc làm bí thư. Như 1 bí thư ở vài nhiệm kỳ trước, gia đình bạn đó bán tạp hóa. Mà bí thư thì sẽ có nhiều lần phải đi mua bánh, nước suối, nước ngọt để phục vụ cho những buổi lễ, họp, sinh hoạt...cấp trên sẽ cấp kinh phí xuống để bí thư đi mua. Thì lúc này bạn có thể dùng chính kinh phí đấy để mua hàng từ cửa hàng của bạn, sẽ kiếm được lời đấy. Nhưng có khi cấp trên sẽ vận động bạn bán hàng với giá gốc để tiết kiệm kinh phí đấy.

    III)Tổng kết:
    Để làm 1 bí thư đoàn thì bạn phải là người chấp nhận hy sinh một phần hạnh phúc của mình để cho người khác được hạnh phúc. Phải dành nhiều thời gian, công sức, chấp nhận sa sút một ít sự nghiệp .Phải làm quen với nhiều người để có thể vận động họ tham gia khi có việc. Làm bí thư cũng có một vài lợi ích là giúp bản thân giao tiếp mạnh dạn hơn, năng động hơn một chút, rèn luyện thêm một ít kỹ năng thuyết phục. Biết được nhiều hoạt động xã hội trong địa bàn. Nắm bắt được khái quát tài năng và hoàn cảnh con người trong khu phố mình ở như thế nào? (Như là bạn biết nhà nào có con hát hay, vẽ đẹp, nhà nào có con giỏi đá bóng, nhà nào có người giỏi nấu ăn, giỏi luật, ai trong khu phố biết huấn luyện văn nghệ? Nhà nào có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...?)

    Xin cảm ơn các bạn đã bỏ thời gian đọc hết chủ đề này.

    - - - Updated - - -

    Ở bài #2 này mình sẽ cập nhật những kinh nghiệm thu thập được trong quá trình làm bí thư.


    1)Những thiếu nhi không có phần có thể sẽ khóc
    Cách đây vài ngày đoàn phường tổ chức đi chơi ở công viên - cũng là 1 khu vui chơi nổi tiếng. Mỗi khu phố được phát 18 vé dành cho thiếu nhi, và 5 vé dành cho người lớn. Mình ưu tiên mời những bé tham gia hội thao, nhưng số lượng thiếu nhi tham gia tới hơn 30 em. Trong khi chỉ có 18 suất. Những em không được mời mình đã có ý không thông báo cho những em ấy biết về kế hoạch đi chơi. Thế nhưng em này truyền tai em kia, những em không được mời đã biết về kế hoạch đi chơi. Thế là hôm chuẩn bị lên xe, các em kéo nhau lên phường, mang sẵn ba lô đi chơi, rồi đấu tranh, gào thét, khóc lóc vì "cũng tham gia hội thao mà tại sao không được đi chơi công viên?" Cuối cùng phải trích tiền quỹ ra, hỗ trợ mỗi em 50.000, rồi mỗi em phải tự bỏ thêm 50.000 ra là thành 100.000 để mua thêm vé.
    -Để tránh mắc phải phiền phức như thế này. Năm sau, trước khi vận động các em ấy đi thi thì phải quán triệt rõ: "các em đi thi sẽ được cấp đồ ăn sáng, nước uống, nếu giành giải thì tiền thưởng thuộc về các em, khi đến lễ tổng kết thì các em sẽ được thưởng 5 cuốn tập, ngoài ra các em không đòi hỏi gì thêm . Mặc dù cách nói này chưa phải là hay, nhưng ít ra đã thống nhất với nhau từ trước như vậy, sẽ tránh được phiền phức này

    2)Không hiểu luật dễ dính vào rắc rối
    Trong quá trình làm bí thư, sẽ nhiều lần được cấp kinh phí để mua các thứ này nọ phục vụ cho công việc. Nếu mình cứ vô tư đi mua, dù mua đúng giá, không gian lận...thì đến một ngày coi chừng dính vào vòng lao lý đấy. Ví dụ bạn thực hiện một số công tác, hết kinh phí khoảng 3 triệu đi. Nếu cấp trên (ở đây là cấp ủy ban phường trở lên) tin tưởng, họ không tra cứu thì thôi, nhưng nếu họ nghi ngờ, họ kêu bạn phải giải trình, phải chứng minh là những thứ bạn chi trả phải đúng với 3 triệu, họ bắt bạn phải đưa ra hóa đơn đỏ để chứng minh, nhưng bạn trước đó không ngờ tới điều này, bạn mua hàng ở tạp hóa, làm gì có hóa đơn đỏ? Mà bạn không giải trình được, thì cấp trên có thể kết bạn vào tội nâng khống này nọ. Họ sẽ trừng phạt như thế nào thì mình không rõ, nhưng chắc chắn đó là điều rất bất lợi. Mình thì chưa bị bắt giải trình nhưng hiện tại có 2 đơn vị bạn đang phải đau đầu vì vấn đề này. Qua điều này, mình thấy làm bí thư quá phức tạp, không cẩn thận, không hiểu biết là dễ dính nạn
     

Chia sẻ trang này