Các nhóm doanh nghiệp Mỹ hôm 26/1 bày tỏ với Ngoại trưởng Hillary Clinton và nhiều quan chức cấp cao khác rằng, họ rất lo ngại về việc Trung Quốc tích cực ngăn chặn các công ty công nghệ cao của nước ngoài. Họ kêu gọi chính phủ Mỹ phải có một phản ứng cứng rắn. Ảnh shabbab.biz Trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã thực thi những chính sách cách tân bản địa nhằm thâu tóm thị trường cho các công ty trong nước và tăng cường sở hữu trong nước, mở rộng quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với những sản phẩm mới, Báo cáo Nelson - một bản tin rất có sức thuyết phục, xuất bản tại Washington trích lời các nhóm doanh nghiệp cho biết. "Chúng tôi ngày càng lo ngại về những biện pháp mà Trung Quốc sử dụng để đạt được mục tiêu", các nhóm doanh nghiệp nói. Các nhóm này kêu gọi chính quyền Tổng thống Obama đảm bảo rằng, đây là vấn đề được ưu tiên hàng đầu và làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cũng như các chính phủ nước ngoài nhằm đưa ra một phản ứng mạnh, được phối hợp chặt chẽ đối với chính phủ Trung Quốc. Bản tin trên là diễn biến mới nhất trong hàng loạt sự kiện gây nên một năm bất đồng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Hai tuần trước đây, nhà cung cấp công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google dọa sẽ ngừng phiên bản Trung Quốc Google.cn và rút khỏi Trung Quốc với lý do bị kiểm duyệt và bị tấn công từ chính nước này. Chính quyền Obama đã ủng hộ những chỉ trích của Google và Ngoại trưởng Hillary tuần trước đã kêu gọi Trung Quốc ngừng kiểm duyệt internet và điều tra các vụ tấn công nhằm vào Google, cuộc tấn công mà các chuyên gia cho rằng do chính Bắc Kinh đạo diễn. 19 doanh nghiệp được đề cập trong bản tin không nêu trường hợp của Google trong lá thư gửi tới Ngoại trưởng Hillary, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, Bộ trưởng Thương mại Gary Locke và Đại diện thương mại Ron Kirk. Tuy nhiên, những doanh nghiệp trên phàn nàn rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình "cách tân bản địa" rất hiếu chiến nhằm khuyến khích các công ty công nghệ cao trong nước và loại trừ một loạt công ty Mỹ khỏi thị trường, vốn mang tính sống còn với sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc cũng như đối với khả năng tạo việc làm tại nước này". Lo ngại cấp thiết nhất với các nhóm doanh nghiệp Mỹ đó là những quy định được Trung Quốc ban hành hồi tháng 11/2009 nhằm lập một quyển mẫu quốc gia những sản phẩm được ưu tiên khi các cơ quan chính phủ Trung Quốc bắt đầu tiến hành những vụ mua bán. Quy định tháng 11/2009 buộc bất kỳ một sản phẩm nào được liệt kê trong danh sách phải có bảo hộ sở hữu trí tuệ và chỉ được sở hữu ở Trung Quốc, khiến cho các công ty Mỹ hầu như không đủ tiêu chuẩn trừ khi họ phải thiết lập chi nhánh ở Trung Quốc và chuyển những nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới sang Trung Quốc. "Những mục tiêu có định hướng này nhằm vào một số ngành sản xuất và dịch vụ mang tính sáng tạo và cạnh tranh, gồm cả máy tính, phần mềm, viễn thông và công nghệ xanh. Một khi hệ thống này vào guồng, nó sẽ mở rộng sang những ngành khác", các nhóm trên cho biết. Nguyễn (Theo Reuters)