(Công lý) - Bị án Trần Văn Vót bị kết án chung thân về tội giết người cách đây 24 năm ở tỉnh Nam Hà (cũ) nay là tỉnh Hà Nam đã được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi một số tờ báo có nhiều bài viết cho rằng Tòa án đã có dấu hiệu kết tội oan cho ông Trần Văn Vót. Theo nội dung vụ án, năm 1976, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nhân Phúc, Lý Nhân, Hà Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất HTX Thanh Nga và HTX Nhân Phúc. Trong quá trình hoạt động, nội bộ ban quản lý HTX phát sinh mâu thuẫn, một số xã viên có nguyện vọng tách HTX ra thành hai như trước. Tuy nhiên, sau khi tách ra làm hai HTX, người dân hai miền (xóm) Thanh Nga và Nhân Phúc không đồng tình về việc phân chia đất, do đó tranh chấp thường xuyên xảy ra, đỉnh điểm là vụ xô xát vào ngày 29/11/1992. Cụ thể, vào chiều cùng ngày, tại khu vực bãi tại bãi đất Bạc Hà và cánh đồng Thanh Lan, hàng trăm người dân hai miền Thanh Nga và Nhân Phúc nổ ra mâu thuẫn, xô xát ném gạch đá vào nhau. Quá trình xô xát, có người ném lựu đạn vào đám đông khiến một người chết và 21 người bị thương. Nạn nhân tử vong là anh Trần Hoa Việt, người dân miền Nhân Phúc, con cụ Trần Văn Điền. Sau khi vụ án xảy ra, Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Cự (người dân miền Thanh Nga) về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép. Do ông này bỏ trốn, Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc. Ba tháng sau đó, Trần Ngọc Thanh (SN 1974, người dân miền Nhân Phúc, đang đi nghĩa vụ quân sự) bị bắt tại E139 Bộ Tư lệnh Thông tin và được di lý về Công an tỉnh Hà Nam để điều tra về hành vi giết người trong vụ án nói trên. Tại CQĐT, Thanh đã khai Trần Văn Vót (SN 1949, trú cùng thôn) là người đưa lựu đạn cho mình để ném vào đám đông. Do lần đầu tiên ném lựu đạn, nên Trần Ngọc Thanh đã ném lựu đạn vào tốp người của Nhân Phúc. Hậu quả làm 1 người chết, 21 người bị thương. Hai tháng sau đó, ông Trần Văn Vót bị bắt. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, các Tòa án đã thụ lý 7 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 1 vụ là trường hợp của ông Lương Ngọc Phi ở tỉnh Thái Bình. Mới đây ngày 11/8/2016, Liên ngành các Cơ quan tư pháp Trung ương đã tổ chức công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh. Lãnh đạo TANDTC cũng chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vụ việc còn lại, trong đó có vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận. Hiện tại, lãnh đạo TANDTC cũng đang chỉ đạo các Tòa án rà soát lại tất cả các bản án hình sự có đơn kêu oan, có kiến nghị của các cấp, phản ánh của báo chí nhất là các bản án có mức án cao, các yêu cầu bồi thường của công dân thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, trong thi hành án dân sự… Một trong các nguyên tắc mà các cơ quan tố tụng phải tôn trọng đó là “Không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử, thời gian qua Tòa án các cấp đã tuyên hàng trăm bị cáo không phạm tội, đồng thời cũng kiến nghị xử lý hàng trăm trường hợp bỏ lọt tội phạm. Trở lại vụ án Trần Văn Vót thời gian qua đã nhận được nhiều thông tin cho rằng có dấu hiệu oan sai, Tổ công tác liên ngành đã kịp thời được thành lập để nghiên cứu lại vụ án, xác minh các vấn đề liên quan, thẩm tra, đánh giá toàn diện vụ án để có câu trả lời Tòa án có kết án oan đối với bị cáo Trần Văn Vót hay không. Việc làm đó đã thể hiện sự nghiêm túc của các cơ quan tố tụng nói chung, của Tòa án nhân dân nói riêng nhằm bảo đảm trong điều tra, truy tố, xét xử không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Đó cũng chính là nguyên tắc được quy định trong pháp luật hình sự, thể hiện bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN do dân, vì dân.