Fear Effect

Thảo luận trong 'Reviews (Tin tức - giới thiệu - bình luận)' bắt đầu bởi Fairy25, 27/8/03.

  1. Fairy25

    Fairy25 Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    2/5/03
    Bài viết:
    305
    FEAR EFFECT
    Publisher: Eidos Interactive
    Developer: Kronos Digital Entertainment
    Genre: Adventure
    Release Date: 01/31/2000
    Hệ máy : PS1

    [​IMG]

    Fear Effect thu hút tôi ngay từ cái tên Made in Việt Nam rất ấn tựơng : Ma 9 - Tột cùng sợ hãi. Tôi chợt nghĩ đến phiên bản mới của RE mong đợi lâu nay. Tiếp xúc với FE, tôi rất hy vọng một nét gì đó mới lạ hơn, độc đáo hơn ở game survival horror này, game được làm bởi EDIOS INTERACTIVE – hãng game với các tác phẩm khá nổi : Comandos, Tomb Raider, CM4…
    “Tột cùng sợ hãi” – nỗi sợ len lỏi trong thể giới xung quanh ta, hãy chờ xem FE dẫn dắt người chơi đến bức thông điệp đầy ý nhị này như thế nào?
    Lấy bối cảnh một khu thị tứ ở Trung Quốc, câu chuyện của FE càng thêm phần huyền bí trên đất nước vốn có nền văn hóa lâu đời và đầy màu sắc này. Tập đòan Lam nắm thế lực kinh tế rất mạnh trên thương trường nằm trong tay Mr.Lam. Con gái ông ta, Wee Ming Lam lâu nay vẫn luôn là một dấu hỏi lớn đối với người xung quanh. Đã có nhiều nghi ngờ xung quanh sự tồn tại của một lời nguyền xa xưa trong người Wee Ming, một khi gút mắt bí ẩn đựơc mở, thế giời sẽ bị thống trị bởi ma quỷ địa ngục. Đáng sợ thay có tin Wee Ming mất tích và bị đưa đến vùng đất Shanxi u ám, huyền hoặc. Nhóm 3 người gồm Hana Tsu – Vachel, Royce Glas, Jakob “Deke” Decourt đựơc thuê để tìm lại cô gái bí ẩn và tình cờ biết được nhiều bí mật của tập đòan Lam để rồi trở thành kẻ bị truy sát bịt đầu mối. Cuộc phiêu lưu của 3 người họ đến Shanxi tìm lại người con gái bị nguyền rủa Wee Ming đã kéo theo biết bao điều đáng sợ khác mà không chỉ riêng người trong cuộc, chính chúng ta đây cũng không thể nào ngờ tới.
    Càng đi sâu vào FE, cốt chuyện càng xoay chuyển dữ dội, đôi khi làm người chơi mất định hướng dẫn đến việc chẳng hiểu mô tê gì cả. Hãy cảm từng tình tiết mà bạn nắm bắt đựơc để phần nào tổng quan đựơc cuộc phiêu lưu dài này. Bốn đĩa game có tạo cho bạn một chút ngạc nhiên đầy lý thú không? Riêng tôi thì có đấy, một game adventure mang độ dài tương đương Final Fantasy. Không đến nỗi làm tiền trong túi bạn bay phành phạch nhưng FE thật sự khó - ở nhiều khóa cạnh - để cho bạn dễ dàng phá băng. Mối liên quan giữa các nhân vật trong FE đựơc khai thác và đào sâu rất kĩ, không đơn giản như từng phiên bản RE. Sự đan xen lẫn lộn giữa thiện ác, chính tà cùng số phận của những nạn nhân trong thế giới đây tội lỗi, để cho người chơi như hoà nhập làm một với nhân vật, cũng chịu sự chi phối của game và thật sự mất đi vai trò làm chủ của mình. Hãy lấy anh chàng Jin làm ví dụ. Bạn cũng như Hana đều thương tiếc cho người hiền mà không gặp lành chứ? Jin cho bạn biết những tin tuyệt mật, đổi lại một cái chết rơi từ tòa cao ốc Lam xuống đất. Để rồi khi mọi chuyện sắp ngã ngũ, Jin sẽ lại xuất hiện trứơc mặt bạn trong hình dáng của Yim Lau Wong – King of Hell. Những chuyện bất ngờ như thế liên tục xảy ra cuốn bạn vào mê cung huyền hoặc, làm bạn lạc lối trong thể giới địa ngục ấy. Phải chăng FE muốn che đậy bên dứơi lớp vỏ bọc hoang đường kia những điều vô cùng thực trong xã hội.
    Hãy xem mẫu nhân vật anh hùng mà Capcom đã tạo ra cho loạt game RE nổi tiếng của mình, bạn sẽ có cái nhìn rất khác đối với FE. Không cao thượng tuyệt đối, không giàu đức hy sinh, mỗi con người trong FE đều ấp ủ dục vọng lợi danh, mang trong mình tính vị kỉ hay hơn nữa là những mưu đồ bất chính. Glas chẳng qua chỉ là một kẻ đánh thuê không hơn không kém vì món tiền lương hậu hĩnh, Deke xem bắn giết như trò chơi để thỏa mãn thú vui riêng. Hana trong vai trò một điệp viên siêu hạng lại xuất thân từ nhà chứa, ở vào hoàn cảnh của cô, hãy tưởng tượng xem chúng ta sẽ có cảm giác gì khi phải trở lại chốn ô nhục ấy lần nữa chỉ vì công việc tìm kiếm Wee Ming. Còn bản thân cô gái 17 này thì sao? Một con rối đựơc tạo ra cho mưu đồ thống trị Shanxi. Trong đời thường, Wee Ming luôn làm cho người đối diện cảm thấy bị mê hoặc bởi một ma lực thần bí khó tả; máu của Wee Ming biến người thành ma quỉ, đã làm cả ngôi làng rơi vào ác mộng. Cô là công cụ của Yim Lau Wong để ngự trị Shanxi hay chỉ xuất hiện với tư cách biểu tượng cho sự hấp dẫn của một thế lực đang ngày càng lớn mạnh trong xã hội - thế lực đồng tiền, luôn làm ngừơi ta theo đuổi bằng mọi cách. Người chơi có thể nghĩ theo nhiều hướng khác nhau nhưng không thể phủ nhận đựơc giá trị xã hội của FE.
    Không có nhạc nền hấp dẫn, không đựơc trau chuốt tỉ mỉ về đồ họa nhưng đựơc Gamespot đánh giá 8.5 điểm, vì sao? Càng về cuối game, tình tiết càng trở nên cao trào vì từ đây chìa khóa của vấn đề sẽ xuất hiện để làm sáng tỏ tất cả. Madam Cheng - mụ tú bà độc ác sẽ có vài phút cuối cùng để sám hối tội lỗi, để một lần đựơc thể hiện trách nhiệm làm mẹ đối với đứa con gái tội nghiệp – Hana. Sự xuất hiện hình ảnh của Hana bên chiếc đồng hồ cổ phản ánh một đời người dứơi vòng xoay định mệnh của thời gian đầy tính triết lý. Hãy lắng nghe từng lời nói của Hana “ảo”:
    Hana 05 tuổi : “As a child, we flowered like a branch under the rain”
    Hana 18 tuổi : “In youth, our beauty attracted the desire of many men
    Hana 35 tuổi : “In adulthood, we marry and give birth to many children”
    Hana 88 tuổi : “In death, our withered body crumbles into bone and dust”
    Những lời nói tha thiết ấy đựơc thốt lên trong tiếng khóc, cứ như Hana đang đối diện với nội tâm của mình, đang trở lại quá khứ u ám ở lầu xanh của người mẹ nhẫn tâm.
    Mr.Lam và Wee Ming tồn tại dưới danh nghĩa cha con nhưng thực chất đều nằm trong nước cờ của Yim Lau Wong, cuối cùng, Mr.Lam biến thành quái vật và bị tiêu diệt. Trứơc khi biến mất, Wee Ming hứa : “I promise to pay for all the sacrifices of the tragedy” và rồi trở lại nguyên hình con rối giấy. Kết thúc game sẽ thật mĩ mãn với sự hồi sinh của Deke, cánh tay Glas liền lại như cũ, cùng Hana thoát khỏi địa ngục. Trong khi đó, Yim lại biến mất không rõ tung tích. Điều đó khẳng định cái ác vẫn còn tồn tại, không thể quét sạch khỏi thế giới này, nếu có chẳng qua chỉ là viên đá lót đường, vật thế thân mà thôi. Tột cùng sợ hãi, nỗi sợ vẫn còn mại, vẫn tồn tại trong thế giới xung quanh ta mà dễ dàng thấy nhất là với sự ra đời của Fear Effect 2. Đúng quá chứ nhỉ? ^_^.
    Một lần nữa, tôi thấy tiếc cho những ý nghĩa sâu xa trong FE lại đựơc thể hiện quá hời hợt ở mặt hình thức. Người chơi không cảm nhận đựơc nét đồ họa tiêu biểu cho một game phiêu lưu 3D đúng nghĩa; và nếu quá chú trọng bề ngoài, bạn dễ dàng cho rằng mình đang xem phim hoạt hình. Chất anime / manga đậm nét ở từng nhân vật, kẻ thù quá ấu trĩ, lộ rõ sự non kém và giả tạo đã phần nào làm giảm đi ý nghĩa của tựa đề Fear Effect – Tột cùng sợ hãi.(còn tiếp)
     
  2. Fairy25

    Fairy25 Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    2/5/03
    Bài viết:
    305
    (tiếp theo)...Gameplay của FE khác xa RE và những họ hàng xa của mình, nhân vật có thể vừa chạy vừa bắn đúng nghĩa Run and Gun, có thể truy cập vào bảng item ngay khi đang chơi, save game bằng cách trả lời phone; và tuy không nhảy xa đựợc như Dennis trong Extermination nhưng bù lại, các điệp viên của chúng ta tỏ ra giỏi võ hơn STARS của RE nhiều với những pha lăn người, nhào lộn hụp, bắn cả hai tay rất chính xác,… Không có cây thuốc hay bình sơ cứu, thay vào đó, người chơi phải giải quyết đựơc câu đố hay tiễn hết địch thủ về trời để hồi phục sức khỏe. Hệ thống puzzles quá khó và đòi hỏi suy luận khá nhiều, theo tôi nghĩ, không có các file hướng dẫn, có nhiều bẫy làm tôi cười ra nước mắt; như khi Deke vào nhà hàng của Madam Cheng ở Disc 3, phải đi trên sân theo những ô gạch đúng thứ tự, không thì tiêu nhưng thứ tự đúng ấy làm sao biết đựơc. Có lẽ lấy bối cảnh Trung Quốc nên mặc dù nhân vật nói tiếng Anh nhưng vẫn không tránh khỏi liên quan đến chữ Hán !!! Và đặc sắc hơn nữa, theo phong cách của người Trung Quốc, bạn sẽ phải dùng đồ vàng mã để trị ma, cũng như giết ma lấy đạn, súng bằng giấy âm phủ, đem đố mới xài đựơc, vui ghê. Có điều một game phiêu lưu dài là thế nhưng không có replay value, vì sao? Không có một mini game hay phần thưởng khi phá băng, lần chơi thứ hai không hề thay đổi khiến người chơi chẳng tìm đựơc lý do nào để chơi lại nữa.
    Dù đến với FE với thái độ vui, buồn, hứng thú hay thất vọng đều không thể phủ nhận đựơc ý nghĩa của game, một lần nữa tôi khẳng định. Fear Effect đã đựơc bầu chọn là game hay trong năm 2002. Hãy thử tìm hiểu thế giới FE theo phong cách của bạn để kiểm chứng những điều tôi nói.
     

Chia sẻ trang này