Fed giữ nguyên lãi suất Sau 10 lần tăng liên tiếp, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng để đánh giá thêm ảnh hưởng từ các động thái trước lên nền kinh tế. Theo thông báo hôm 14/6 sau phiên họp chính sách hai ngày, quan chức Fed coi việc không nâng lãi lần này là động thái thận trọng. Dù vậy, hầu hết họ cho rằng cần tăng lãi thêm trong năm nay. "Gần như toàn bộ thành viên cho rằng việc tiếp tục nâng lãi trong năm nay là phù hợp, nhằm đưa lạm phát về 2%", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong buổi họp báo sau đó. Xem toàn màn hình Chủ tịch Fed Jerome Powell trong buổi họp báo hôm 14/6. Ảnh: Reuters Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5-5,25%. Đây là mức cao nhất trong hơn 15 năm qua. Fed đã tăng lãi 10 lần kể từ tháng 3/2022, nhằm hạ nhiệt lạm phát hiện vẫn gấp đôi mục tiêu của cơ quan này. Lãi suất của Fed áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Dù đây không phải mức mà người tiêu dùng phải trả, lãi này vẫn có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm mà họ tiếp xúc hàng ngày, như vay mua nhà, mua xe, dùng thẻ tín dụng. Phiên họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào tháng 7. Các động thái trong tương lai còn tùy thuộc vào số liệu kinh tế thời gian tới, trong đó có thị trường việc làm. Tăng trưởng lương hiện vẫn ở mức cao, gây sức ép lên giá cả. Các nhà kinh tế học hàng đầu cho rằng thị trường lao động là nguyên nhân gây ra lãi suất cao dai dẳng và cần tái cân bằng để đưa lạm phát về 2%. Phần lớn quan chức trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – bộ phận thiết lập chính sách tiền tệ tại Fed – dự báo tỷ lệ thất nghiệp lên 4-4,1% năm nay. Các đợt điều chỉnh lãi suất của Fed kể từ năm 2006. Đồ thị: Reuters "Fed đang ngày càng chú ý đến số liệu việc làm và lạm phát lõi. Họ muốn giảm sự lạc quan của thị trường, để cuộc chiến lạm phát không khó khăn hơn và các vấn đề kinh tế không trầm trọng hơn", Seema Shah – chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Principal Asset Management cho biết trên CNN. Dù Fed cho rằng việc nâng lãi thêm là cần thiết để kiềm chế lạm phát, Powell tin tưởng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Do chi phí nhà ở - đóng góp phần lớn vào lạm phát lõi – đang tăng chậm lại. "Bạn sẽ thấy giá thuê mới ở mức thấp. Đây thực sự chỉ là vấn đề thời gian thôi", ông cho biết. Quan chức Fed dự báo Chỉ số Giá tiêu dùng Cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của cơ quan này – sẽ về sát 2% năm sau và đạt 2% vào năm 2025. Hà Thu (theo CNN)
ủa ai chuyên kinh tế học giải thích hộ cái. Tăng lãi suất giảm lạm phát. Lạm phát là đồng tiền mất giá, giờ tăng lãi suất để dân tình gửi tiền vô ngân hàng (staking), nhưng bù lại ngân hàng phải trả tiền lãi cao hơn thì giảm lạm phát kiểu gì nhỉ? trong khi chắc gì các doanh nghiệp đã dám mạo hiểm vay tiền ngân hàng kinh doanh ở thời điểm lãi suất cao vút như vậy?
Tăng lãi gom tiền zề hạn chế lưu thông , giảm lãi bung tiền ra cho tiền chạy mạnh . Một thanh niên chả biết gì cả suy đoán .
Lạm phát là giá cả tăng cao. Tăng lãi suất thì dân hạn chế tiêu dùng => giảm cầu, mà lượng cung của hàng không giảm => giảm giá.
Lạm phát phụ thuộc vào lượng tiền lưu thông trên thị trường. Tăng lãi suất thì tiền gửi nhiều, tiêu ít, cho vay ít => tiền lưu thông ít => lạm phát giảm. Đây là biện pháp giảm ảnh hưởng của lạm phát vì khi lạm phát cao, đồng tiền mất giá, tự khắc nền kinh tế sẽ chuyển sang chi tiêu nhiều do tiền càng giữ càng mất giá nhiều.
Nền kinh tế Mỹ sống bằng cho vay tiêu dùng Tăng lãi suất thì dân Mỹ sẽ không dám cà thẻ bừa bãi mua hàng hóa nữa => hàng hóa bán được ít hơn => giảm giá hàng hóa
Kiểu như uống rượu độc giải khát đúng ko các bác? Giờ tạm dừng đà lạm phát nhanh. Sau này giảm lãi thì bao nhiêu lạm phát bung ra lại nhưng ko ở mức cao mà từ từ.
Đầu tiên phải hiểu lạm phát là gì đã, đơn giản nó là tăng giá cả hàng hóa. Xong xét tiếp để giảm giá cả hàng hóa thì sao: lúc này sẽ có nhiều cách lý giải, nhưng đơn giản nhất vẫn nguyên lý Cung - Cầu : nền tảng của kinh tế học hiện đại. Trong đó P (giá) sẽ tăng khi cầu tăng hoặc cung giảm, và P sẽ giảm khi cung tăng hoặc cầu giảm. Việc tăng lãi suất là cách nhanh nhất để giảm cầu. Tuy nhiên nó cũng có tác động tiêu cực là dễ làm cho nền kinh tế rơi vào suy thoái do lãi suất tăng cũng làm giảm 1 phần Cung do DN thu hẹp sản xuất. Do đó cần theo dõi và điều chỉnh, kết hợp thêm nhiều chính sách khác. Ví dụ như có thể giảm thuế, ưu đãi thêm cho DN sản xuất để đảm bảo bù đắp được phần lợi nhuận mất đi do tăng lãi suất, khi đó sẽ không làm giảm Cung mà còn kích thích tăng Cung. Vấn đề là Fed đang muốn tác động lên lạm phát kì vọng hơn nhiều hơn. Vấn đề tâm lý rất quan trọng trong kinh tế học ngày nay. Ai cũng cho rằng lạm phát sẽ giảm -> thì nó sẽ giảm, nên các chính sách được công bố và giải thích lý do tăng giảm là để điều chỉnh cái kì vọng của thị trường.