Trong quy trình sản xuất xoài chất lượng cao, xoài an toàn, xoài sạch, xoài hữu cơ,… thì kỹ thuật tỉa cành tạo tán xoài cần thiết lắm. Vì sẽ hạn chế sâu bệnh do cây thông thoáng, cây dễ ra hoa hơn vì có đầy đủ ánh sáng, cây nuôi trái tốt hơn vì không phải tốn sức nuôi các cành vô hiệu,… chính vì thế bà con ít phun thuốc hơn nên sản phẩm trái xoài sẽ dễ sạch hơn. Dụng cụ kéo cắt cành hổ trợ tỉa cành tạo tán cho cây xoài Nhưng, trong nhiều vấn đề về kỹ thuật trên cây xoài, tỉa cành tạo tán là vấn đề mà người nói được thì thường cắt tỉa không được, và ngược lại. Vì thế, có một thực tế lâu nay là : các nhà khoa học thì cứ nói theo kiến thức của họ, còn bà con mình thì cứ cắt tỉa theo kinh nghiệm của mình, hai điều này (kiến thức và kinh nghiệm) như 2 đường thẳng song song vậy, chắc sẽ gặp nhau ở … vô cực. Tui cũng không là ngoại lệ, tới bây giờ tui không biết mình là nhà khoa học hay là nông dân nữa, thôi thì tui sẽ cố gắng diễn đạt theo kiểu nông dân thử xem sao nghen . Để cắt tỉa tạo tán cho cây xoài, sau khi thu hoạch xong, bà con cần tiến hành lần lượt theo 3 bước chính sau : + Bước 1: Cắt bỏ các cành lớn trung bình mọc thẳng đứng và cành mọc hơi xiên hợp thành ngọn cây, tạo thành cái lổ trống ở giữa tán cây mà bà con quen gọi là “giếng trời”, đường kính giếng trời này bằng 1/5 đường kính tán cây. + Bước 2: Cắt bỏ các cành lớn giao tán và cành mọc lòa xòa gần mặt đất. + Bước 3 : Cắt bỏ các cành nhỏ bao gồm các cành khô, cành sâu bệnh, cành mọc lòn trong tán. · Ghi chú : có 3 mức độ cắt tỉa tạo tán cho cây xoài : 1/ Mức độ nhẹ: là khi bà con muốn ngay cơi kế sau là làm bông ngay, thì ở bước 1, đường kính “giếng trời” chỉ cần bằng 1/10 đường kính tán, không làm bước 2, còn bước 3 thì chỉ cần cắt bỏ khoảng 30% số cành con cần phải cắt. 2/ Mức độ trung bình: là khi bà con có thời gian cho vườn cây nghỉ ngơi 4-5 tháng, muốn đến cơi thứ 2 mới làm bông thì làm giống như 3 bước chính đã nêu, ở bước 3 bà con có thể cắt bỏ 100% các cành con cần phải cắt. 3/ Mức độ nặng (thu tán ): là khi bà con muốn cây nghỉ ngơi 8-12 tháng. Ở mức độ này, bà con làm bước 1 như bình thường, bước 2 làm thêm việc nữa là cắt đầu cành các cành lớn, còn ở bước 3 thì sau khi cắt hết các cành con như cành khô, cành bị sâu bệnh và cành mọc lòn trong tán, bà con còn làm thêm 1 việc nữa, đó là cắt đầu cành tất cả các cành nhỏ còn lại. Khi đã chọn mức độ tỉa cành tạo tán này, bà con không nên nóng vội làm bông, vì càng cắt sâu, cành mới ra sẽ càng non. Nếu vội xử lý thuốc gốc, thì khi phun thuốc kéo bông, cây thường “phản ứng” bằng cách nín thinh, không ra bông cũng không ra lá, dù bà con có “khủng bố” bằng thuốc gì đi nữa cũng vậy. Có một điều cần lưu ý nữa là bà con chỉ nên tiến hành cắt tỉa tạo tán cho cây xoài khi cây đang không có đọt lá non, vì khi có đọt lá non thì sức sống của cành đã tập trung rất nhiều ở phần non đó, cắt bỏ đi cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ phần lớn sức sống của cây, phần cành lá còn lại sẽ rất yếu nên ra đọt lá non mới sẽ rất yếu và lọt xọt. Xem thêm http://www.xn--koctcnh-dwa0f2743b.vn https://web.facebook.com/Kéo-cắt-cành-Dungcunongnghiepvn-1515133045463373