Lịch sử điện ảnh thế giới - Update phần 02/xx: Thời kì đầu của phim câm

Thảo luận trong 'Phim ảnh' bắt đầu bởi Dr. House, 5/11/13.

  1. Dr. House

    Dr. House Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    5/10/10
    Bài viết:
    1,073
    Nơi ở:
    Cuddy's Boobies
    Một series dài kì của mình, chưa rõ là cuối cùng sẽ gồm bao nhiêu phần (chắc tầm 10 đến 20 phần còn tùy hứng và biên tập cắt xén lại) tóm lược về lịch sử điện ảnh thế giới, có tham khảo từ tài liệu "The Oxford History of World Cinema" của tác giả (Giáo sư) Geoffrey Nowell-Smith.
    Bài gốc: http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/11/02/history-of-cinema-part-i/

    Hoan nghênh mọi bàn luận, hỏi đáp, chém nhau nhé :D


    PHẦN I: Lời mở đầu
    PHẦN II: Thời kì đầu của phim câm (1895-1907)
    Phần III: Giai đoạn chuyển giao (1905-1909)
    Phần IV: Hollywood (1910-1920)
    PHẦN V: Phim câm thời hậu Thế Chiến thứ nhất
    PHẦN VI: Một số nền điện ảnh tiêu biểu trong giai đoạn phim câm
    PHẦN VII: Sự ra đời của tiếng động
    PHẦN VIII: Thời kì của Studio
    PHẦN IX:
    PHẦN X:
    PHẦN XI:
    PHẦN XII:
    PHẦN XIII:
    PHẦN XIV:
    PHẦN XV:





    PHẦN I: LỜI MỞ ĐẦU



    [​IMG]
    The Last Command (1928) - Đạo diễn: Josef von Sternberg



    Nhà làm phim tài liệu Paul Rotha đã mô tả điện ảnh là "một phương trình vĩ đại hình thành từ hai biến số: nghệ thuật và công nghiệp."
    Đây là một nhìn nhận đầu tiên nhưng cho đến giờ vẫn mãi là một chân lý. Xuất phát từ một loại hình giải trí thông thường, qua hơn 100 năm thăng trầm thì điện ảnh đã trở thành một nền công nghiệp trị giá nhiều tỷ đô, một loại hình nghệ thuật nguyên gốc và là một loại hình giải trí có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến xã hội loài người.

    Xuất hiện gần như cùng một lúc vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ XIX ở những mặt trận tiên phong như: Pháp, Mỹ, Anh quốc và Đức (mặc dù nói và kể tên bốn nước này ra nhưng trong giai đoạn tiền mở đầu thì Anh và Đức đóng vai trò tương đối nhỏ. Đi đầu phải nói đến Pháp và nối tiếp theo sau là Mỹ), điện ảnh đã có một sự phát triển thần kì và vượt bậc, chỉ trong vòng chưa đến 20 năm đã lan rộng ra khắp thế giới, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Paris, New York, London, Berlin... khi được sự chú ý, yêu thích rộng rãi của nhiều tầng lớp khác nhau: văn nghệ sĩ, trí thức, giới khoa học, chính trị....

    Qua năm tháng thì ta có thể khẳng định rằng: điện ảnh và đời sống xã hội có tương quan qua lại không thể tách rời. Điện ảnh có ảnh hưởng lớn đến xã hội, không chỉ dưới góc nhìn giải trí mà nó còn là một phương tiện giáo dục, một công cụ tuyên trình chính trị (mị dân, phản chiến...), nghiên cứu khoa học... Và ngược lại, thời thế và mọi biến động của thế giới hay sự tiến bộ, phát triển của khoa học kĩ thuật cũng nhào nặn và định hướng điện ảnh khiến mỗi thời điểm khác nhau lại có những sắc thái và giá trị khác nhau.

    Chính vì vậy để phân tích, tìm hiểu một bộ phim, để có cái nhìn đúng đắn và khách quan về bất kỳ bộ phim nào thì kiến thức về lịch sử điện ảnh là vô cùng cần thiết. Để có thể đặt nó vào đúng hệ quy chiếu: khoa học công nghệ kĩ thuật làm phim lúc đó ra sao, tình hình chính trị xã hội trên thế giới thế nào, phong trào và xu hướng nghệ thuật....
    Không thể nhìn khám phá về lực hút của Trái Đất của Isaac Newton và tặc lưỡi: "Cái đó ai chả biết. Nếu một nhà khoa học bây giờ sống về thời đó thì chắc cũng khám phá ra thôi."
    Tương tự với điện ảnh, nhiều cái tưởng chừng bình thường, đơn giản bây giờ lại là cả một đột phá và công sức tâm huyết của điện ảnh ngày xưa.
    Hãy nhớ một điều:
    "SỨC MẠNH CỦA SỰ SÁNG TẠO MỚI LÀ VÔ HẠN. MỘT THỨ LÀM LẠI DÙ HAY ĐẾN ĐÂU THÌ CŨNG CHỈ LÀ LÀM LẠI."


    [​IMG]
    The Phantom Carriage (1921) - Đạo diễn: Victor Sjöström


    Một vấn đề muôn thở khác không chỉ riêng với điện ảnh mà còn với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau đó là mâu thuẫn giữa nghệ thuật thuần khiết và nhu cầu của thị trường.
    Nghệ thuật truyền thống luôn gặp khó khăn với việc bắt kịp thời đại và mở rộng lượng khán giả trung thành của mình. Nói đúng đắn hơn thì nghệ thuật không cần bắt kịp thời đại và cũng không cần lôi kéo khán giả về phía mình. Dẫu sao thì hai cái yếu tố trên vẫn có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ với nhau hơn ta tưởng. Với những hãng phim thì họ nhìn nhận điện ảnh dưới một con mắt khác: một ngành công nghiệp. Và đã là một ngành công nghiệp lành mạnh thì phải cân bằng và dung hòa được hai yếu tố trên, phải công nghiệp hóa và chuyên nghiệp hóa đến từng khâu nhỏ nhất để giảm thiểu chi phí sản xuất và mang lại lợi nhuận tối đa.

    Nhưng không thể phủ nhận lợi ích mà phim thương mại mang lại: nó bơm tiền cho các dự án phim nghệ thuật ít lãi hay lỗ là chuyện bình thường. Đó là ở đây ta không nói đến những dự án độc lập kinh phí thấp, xin tài trợ đầu tư hay các nền điện ảnh được nhà nước bảo trợ như các nước Bắc Âu chẳng hạn...

    Xét về điện ảnh nghệ thuật thì mỗi nước đều có những nét duyên thầm khác nhau khó có thể so sánh: Anh, Mĩ, Nga (Liên Xô), Pháp, Ý, Đức, Nhật, Bắc Âu, Mỹ La tinh... chứ khi nhắc đến sự nhạy bén trong kinh doanh thì khó có cái tên nào trong số trên có thể qua mặt được Mỹ - đất nước của những cái đầu nhạy, tinh và thức thời đến thực dụng. Mỹ đã và đang duy trì được vị trí thị trường xuất khẩu phim lớn số một thế giới. Cũng chẳng phải chuyện gì mới khi từ trước chiến tranh Thế giới thứ nhất Mỹ đã khẳng định được vị trí áp đảo đó của mình. Ngay trong bản thân nước Mỹ cán cân điện ảnh cũng ngả hẳn sang phía Tây: Hollywood.

    Các bộ phim của Hollywood ngay từ giai đoạn đầu đã rất chịu khó chăm chút về phối cảnh, trang phục, đạo cụ. Nội dung phong phú hấp dẫn khán giả đại chúng. Hệ thống quảng bá, phân phối phim rộng rãi và hiệu quả. Các bộ phim quy tụ nhiều ngôi sao. Và điều quan trọng nhất, điều các nước khác không có chính là sự thức thời của người Mỹ: cái gì không mua được, không làm được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền. Hollywood không tiếc tiền đãi ngộ, mời các đạo diễn, diễn viên có tài của châu Âu hay liên tục mua bản quyền các chế tác, phát kiến, sáng tạo mới về kĩ thuật điện ảnh...


    [​IMG]
    The Emperor Jones (1933) - Đạo diễn: Dudley Murphy


    Tất nhiên là phần còn lại của điện ảnh thế giới vẫn sống tốt sống khỏe. Một bộ phận thì học theo Hollywood và có những tên tuổi khác vẫn trung thành với bản sắc của mình, phục vụ một tầng lớp khán giả tận tụy và trung thành - những người không thấy thỏa mãn, chưa thấy đủ từ Hollywood. Để nói và phân tích hết các sắc thái của những tên tuổi trên thì có lẽ là bất khả thi, dù có viết dài bao nhiêu cũng là không đủ nên bài viết này chỉ là một cái nhìn cực kì ngắn gọn và tóm lược về điện ảnh thế giới, và xa hơn nữa là điểm qua những tên tuổi nổi bật ở từng thời kì: Mĩ, Anh, Ý, Pháp, Đức, Nhật, các nước Bắc Âu, điện ảnh Nam Mĩ, châu Phi, Iran, Ấn Độ, cộng đồng phim Hoa ngữ...

    Nếu dựa trên những sự kiện chính yếu thì có thể tạm chia lịch sử điện ảnh thành ba giai đoạn lớn:
    - Giai đoạn phim câm từ năm 1895 đến năm 1930.
    - Giai đoạn phim có tiếng từ năm 1930 đến 1960.
    - Giai đoạn điện ảnh cận đại từ năm 1960 cho đến ngày nay.

    Thông qua từng giai đoạn này hy vọng mình sẽ mang lại cho người đọc có cái nhìn rõ thêm về điện ảnh, không những từ góc độ nghệ thuật mà còn cả lịch sử, kĩ thuật, chính trị, kinh doanh... ở một phạm vi nhất định. Hy vọng là thông qua những bài viết dạng này sẽ ngày càng có nhiều người yêu thích phim cổ, phim cũ và có thêm đam mê tìm hiểu về điện ảnh một cách chỉn chu hơn.

    <Còn tiếp...>



    Một số bài viết khác:
     
    Chỉnh sửa cuối: 20/11/13
    raivor and FFVIIIFan11 like this.
  2. lovedinh

    lovedinh Mario & Luigi

    Tham gia ngày:
    8/3/06
    Bài viết:
    899
    Phải cảm ơn bác sĩ trước đã. :4cool_beauty:
    Mà bác sĩ quên luôn cái Film editting rồi thì phải :9cool_too_sad:
     
  3. FFVIIIFan11

    FFVIIIFan11 Sonic the Hedgehog Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    14/7/09
    Bài viết:
    4,966
    Nơi ở:
    Hàng Châu- Cửu Long Tranh Bá.
    Đặt gạch hóng, đã rep, Thanks:4cool_beauty:
     
  4. Daedalus_10

    Daedalus_10 Donkey Kong

    Tham gia ngày:
    14/5/12
    Bài viết:
    333
    trước có cái phim tài liệu về lịch sử phim ảnh, down về nhưng mà cái giọng ông dẫn chương trình nó dỡ và chán ko chịu được nên phải quit :2cool_sad:
     
  5. tieulykzc

    tieulykzc Samus Aran the Bounty Hunter Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    21/5/08
    Bài viết:
    6,286
    Gạch cái :4cool_beauty:

    Lẽ ra #2, #3 để chủ thớt gạch có gì còn edit thêm nội dung bài chứ :8cool_amazed:
     
  6. Dr. House

    Dr. House Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    5/10/10
    Bài viết:
    1,073
    Nơi ở:
    Cuddy's Boobies
  7. Dr. House

    Dr. House Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    5/10/10
    Bài viết:
    1,073
    Nơi ở:
    Cuddy's Boobies
    anhtunguyenphotography.wordpress.com

    PHẦN II: THỜI KÌ ĐẦU CỦA PHIM CÂM (1895-1907)


    [​IMG]
    The Great Train Robbery, 1903, Edwin S. Porter - bộ phim viễn Tây đầu tiên.


    Sự ra đời của điện ảnh không bắt nguồn từ một sự kiện cá biệt cụ thể nào mà cũng không một sự kiện riêng rẽ nào có đủ sức mạnh để khai sinh ra một loại hình giải trí mới. Nó là kết quả, thành tựu của cả một quá trình thử nghiệm, nghiên cứu và phát triển lâu dài một cách đều đặn.

    Không phải Laterna Magica (một loại máy chiếu hình thô sơ được phát minh bởi Athanasius Kircher và Christiaan Huygens vào thế kỉ XVII), không phải loại hình nhà hát "Phantasmagoria" của Étienne-Gaspard Robert, cũng không phải phát minh ra máy chiếu phim của Edison hay buổi chiếu phim đầu tiên trước công chúng của anh em nhà Lumière... Thực ra Edison không phải là người phát minh ra máy chiếu, có một ngày một người bạn mang một chiếc máy chiếu hình thô sơ chưa hoàn thiện cho Edison và ông đã cải thiện, hoàn chỉnh nó thành một máy chiếu phim đơn giản tên là Kinematoscope. Sau đó Edison còn bỏ ra nhiều năm nữa mới hoàn thiện được máy quay phim, máy chiếu phim và thậm chí xây cả phim trường cho riêng mình...

    Những sự kiện tưởng chừng rời rạc đó lại cùng kết nối với nhau để góp phần vào sự phát triển vượt bậc của điện ảnh những năm đầu thế kỷ XX.

    Vậy rốt cục phim là gì?
    Phim thực ra là một chuỗi các hình ảnh liên tiếp nhau được đặt trước một nguồn sáng và chiếu lên màn hình. Khi tốc độ chuyển ảnh đủ nhanh và mượt mà thì sẽ tạo cho mắt ta cảm giác như chúng đang chuyển động liền mạch. Tất nhiên chuyển động nhanh (timelapse) hay chuyển động chậm (slow-motion) là chuyện của sau này chứ vào giai đoạn mở đầu các nhà làm phim vẫn chỉ đang chật vật trong việc mô phỏng lại tốc độ chuyển động mà mắt thường nhìn trong đời thực.

    Hiện nay thì tốc độ khung hình tiêu chuẩn là 24 hình/giây (fps) vì thứ nhất, hầu hết các máy chiếu đều chạy ở tốc độ này và hai, do hiện tượng lưu ảnh trên võng mạc.
    Khi ta nhìn thấy một hình ảnh thì mắt sẽ vẫn lưu lại hình ảnh đó trên võng mạc thêm một thời gian nữa ngay cả sau khi hình ảnh đó đã biến mất. Do đó 24 hình/giây là tốc độ thấp nhất mà mắt người vẫn còn cảm nhận được chuyển động mượt mà, dưới tốc độ đó thì ta sẽ thấy giật và nhảy hình giống như đang tua phim. Giống như khi ta xem phim câm ngày xưa bằng máy chiếu hiện đại vậy. Sở dĩ có hiện tượng đó là vì trước khi có tiếng động thì hất hết phim được quay và chiếu ở tốc độ 16 hình/giây hay thậm chí là 12 hình/giây.


    Phim Âm bản
    Những tấm phim âm bản từ khi ra đời năm 1889 cho đến tận ngày nay cũng không có quá nhiều thay đổi về mặt tính chất: lớp đế (base) rộng 35mm làm bằng nhựa dẻo và trong, tiếp đến là một lớp mỏng gelatine và phủ trên cùng là nhũ tương (emulsion) - ánh sáng sẽ đi qua lớp này để chuyển thông tin lên phim.

    Tất nhiên trong giai đoạn này đã có rất nhiều chất liệu được thử nghiệm, thậm chí cả với kính và các kim loại trong suốt nhưng nhựa Celluloid vẫn cho thấy đặc tính ưu việt của mình. Eastman Kodak đã bắt đầu đưa phim nhựa Celluloid từ nitrat vào sản xuất hàng loạt từ năm 1889. Nhược điểm duy nhất là Celluloid nitrat cực kì dễ bắt lửa và dễ cháy, nhất là khi đặt lâu trước máy chiếu. Thế nên một thời gian sau họ chuyển sang dùng Celluloid triacetate thì có an toàn hơn nhưng lớp nhũ tương trên cùng lại dễ bong khi gặp phải đặt nhiệt độ cao do để lâu trước máy chiếu. Mãi đến tận năm 1960 phim nhựa polyester mới được nghiên cứu sản xuất và dùng thay cho phim Celluloid cho đến tận bây giờ.

    Từ năm 1895 cho đến thập niên 20 thì các loại phim đen trắng được dùng là phim đen trắng chính sắc (orthochromatic): phim này rất nhạy với màu xanh da trời, tím; ít nhạy hơn với vàng, xanh lá cây và hoàn toàn không nhận màu đỏ. Chính vì thế mà giai đoạn phim câm đòi hỏi việc kiểm soát màu sắc của bối cảnh trên phim trường cực kì chặt chẽ. Một số màu nhất định phải tránh dùng, các diễn viên nữ không được bôi son môi đỏ, nội thất trong các cảnh phim trong nhà phải sơn màu xám...

    Khó khăn này chỉ được giải quyết sau khi Kodak sản xuất ra loại phim toàn sắc (panchromatic) cho hãng phim Gaumont năm 1912.


    Khổ phim
    Khổ phim 35mm được Thomas Edison sử dụng lần đầu tiên năm 1892 cho máy chiếu phim và quay phim của mình: người xem ghé mặt vào kính lúp sẽ nhìn thấy hình ảnh chuyển động nhờ một ngọn đèn chiếu sáng phía sau cuộn phim. Nó thành công về mặt thương mại đến nỗi các máy chiếu sau này ra đời cũng sử dụng luôn khổ phim 35mm. Một thiết kế khác của Edison cũng được dùng cho đến tận bây giờ đó là các lỗ kéo phim hình chữ nhật nằm ở bốn góc.

    Ngoài tiêu chuẩn chung thì các công ty phim cũng thử nghiệm nhiều loại phim khác nữa như 60mm (Prestwick), 63mm (Veriscope), 70mm (Lumière), 28mm (Pathé), 17.5mm (Warwick Trading)... nhưng tất cả đều chỉ mang tính thử nghiệm là chính.


    [​IMG]
    Le Royaume des fée, 1903, Georges Méliès, bộ phim truyền cảm hứng cho Gilliam và Kubrick.



    Màu sắc
    Ngay từ những năm 1896 đã có nhiều phim được tô màu từng khung hình bằng tay như Vương quốc Thần tiên (Le Royaume des fée, 1903) của đạo diễn Georges Méliès. Vấn đề là vẽ tay làm hạn chế các chi tiết trên khung hình và mất nhiều thời gian nên năm 1906 Pathé đã phát minh ra một phương pháp tô màu khác tên là Pathécolor, khác với kỹ thuật tinting (tô màu), màu sắc được đưa vào từng khung hình của phim thật tỷ mỷ bằng tay thì ông ta dùng kỹ thuật toning (nhuộm màu): toàn bộ cảnh phim đều được nhúng vào các khuôn màu sắc để xử lý.

    Một ví dụ về kỹ thuật in màu bằng tay nổi tiếng nhất phải nhắc đến bộ phim Vụ cướp tàu vĩ đại (The Great Train Robbery, 1903) - bộ phim viễn Tây đầu tiên. Khoảnh khắc nổi tiếng nhất của phim này là cú chớp nổ đỏ rực từ khẩu súng trên tay tên cướp bắn về phía máy quay - tuỳ vào ý thích của người chọn bản phim nào để chiếu trên Nickelodeon (các rạp hát kiểu mới được đặt tên dựa theo tiền vé thông thường của các rạp này là 1 nickel tương đương 5 xu), mà người xem có thể thấy cảnh bắn này ở đầu hoặc ở cuối phim. Ngoài ra cũng có khá nhiều phân cảnh khác trong phim được tô màu tay và chính nó đã tạo ra hiệu ứng giúp nhấn mạnh vào những chi tiết nổi bật hay làm tăng tính cao trào của một số phân cảnh, khiến cho bộ phim trở nên thực sự sống động và sâu sắc.

    Ngoài ra cũng có phương pháp rẻ tiền hơn đó là nhuộm màu đơn sắc, về cơ bản vẫn là trắng đen nhưng ám thêm một màu đơn sắc (xanh, vàng, tím...) để mang lại hiệu ứng hoặc không khí đặc biệt cho phim (nhúng vào trong bồn màu nước hoặc dùng phim âm bản đã được nhuộm màu trước để quay phim).

    Tiến xa hơn nữa là hệ thống tạo màu có tên là Kinemacolor do G.A.Smith phát triển năm 1904. Những khung hình nối tiếp nhau đều được tô lần lượt màu đỏ hoặc xanh da trời kết hợp xanh lá cây, và sau đó được chiếu qua một tấm lọc xoay hai màu với tốc độ 32 hình trên giây. Với tốc độ này mắt thường sẽ chỉ thấy những cảnh phim màu tiếp nối nhau chứ không thể quan sát được sự chuyển động của màu sắc được tạo ra qua các cảnh. Năm 1912 một sinh viên tại Học viện Công nghệ Massachusetts là Herbert Kalmus muốn tiến xa hơn việc tô và nhuộm màu cho những khung hình đen trắng của Kinemacolor để phát triển lên một quá trình thực hiện phim màu độc lập. Công ty Technicolor được lập nên ngày 1915 và hai năm sau đó bộ “phim màu” đầu tiên, The Gulf Between (1917) đã được ra mắt. Một chiếc máy quay được thiết kế để mỗi lần chụp là có hai bức ảnh giống nhau, một bức đi qua tấm lọc màu xanh và bức còn lại đi qua tấm đỏ. Kĩ thuật phối màu (Technicolor) sau này còn được nâng cấp lên một bậc nữa và được đưa vào sử dụng bởi Walt Disney khi sử dụng ba lớp kính lọc đỏ, xanh da trời và xanh lá cây. (Bảng màu RGB vốn được tạo thành từ ba màu cơ bản trên, các màu khác đều được tạo thành nhờ trộn lẫn đỏ, xanh lá cây, xanh da trời với nhau - cái này dựa trên phản ứng sinh lý học của mắt người với ánh sáng: trên võng mạc chỉ có ba loại tế bào cảm quang nhạy cảm với lần lượt ba ánh sáng đỏ, xanh lá cây, xanh da trời.)

    Loại phim với lớp nhũ tương thực sự nhạy cảm với màu sắc đầu tiên là Kodachrome của Eastman Kodak phát triển năm 1915 - mặc dù chỉ có hai màu nhưng Kodachrome đã đánh dấu một bước phát triểng mới của điện ảnh, là tiền đề để phim màu đi vào sản xuất chuyên nghiệp và đại trà vào những năm 30, 40.


    Âm thanh
    Chúng ta vẫn gọi là phim câm nhưng thực sự điện ảnh chưa bao giờ "câm" cả. Luôn có người dẫn truyện, đọc thoại trực tiếp tại chỗ hoặc có nhạc sống - chính vì vậy nên ở giai đoạn đầu phim ảnh thường được chiếu ở các rạp hát dể tận dụng ưu thế vốn có về cơ sở hạ tầng. Bắt đầu là dùng lại các giai điệu của các nhà soạn nhạc nổi tiếng đương thời rồi dần dần là các sáng tác mới dành riêng cho phim. Dàn nhạc cũng rất đa dạng từ giao hưởng, hợp xướng, opera ở các rạp lớn cho đến các ban nhạc nhỏ hoặc thậm chí là chỉ có một nhạc cụ ở các rạp nhỏ và ít tiền. Bên cạnh âm nhạc thì tiếng động trong phim cũng được mô phỏng nhờ các dụng cụ tự nhiên/nhân tạo ngay tại rạp nhờ các chuyên gia tiếng động.

    Tuy vậy các nhà làm phim khi đó không vội hài lòng mà rất tham vọng trong việc tìm cách đồng bộ hóa giữa âm thanh và hình ảnh. Khó khăn ở chỗ là không thể nào khuếch đại được âm thanh đủ lớn cho một phòng chiếu rộng như thế. Năm 1906 Eugene Augustin Lauste cùng với hai nhà khoa học khác đã đăng ký bản quyền một chiếc máy có thể thu và phát âm thanh, hình ảnh cùng một lúc. Sau đó Hans Vogt, Jo Engel và Joseph Masolle ở Đức và tìm ra phương pháp có thể lưu hình ảnh và tiếng động trên cùng một cuộn phim - bước ngoặt của giai đoạn phim câm thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.


    [​IMG]
    The Story of the Kelly Gang, 1906, đạo diễn Charles Tait, với độ dài tới 80 phút đây được coi là một trong những bộ phim điện ảnh thực sự đầu tiên.



    Một ngành công nghiệp
    Không ai biết chính xác có bao nhiêu bộ phim được sản xuất trong giai đoạn phim câm nhưng theo nhiều nguồn dự đoán thì con số này nằm trong khoảng 120,000 đến 150,000 đầu phim - trong số đó chỉ 20,000 đến 50,000 phim còn tồn tại và được lưu trữ. Một điều đặc biệt về giai đoạn này đó là cùng một bộ phim nhưng các bản phim cho các vùng khác nhau trên thế giới lại có sắc thái riêng biệt: kiểm duyệt, kết thúc khác nhau cho phù hợp với thị hiếu từng nước, phần nhạc nền khác nhau hay thậm chí là dẫn truyện cũng có thể khác.

    Đáng tiếc là do bảo quản và lưu trữ không tốt (nếu không sao lưu sang định đạng kĩ thuật số thì nhiều loại phim âm bản có thể hỏng rất nhanh, thậm chí là mất màu, bong lớp phủ chỉ sau vài trăm lần chiếu) nên nhiều tác phẩm có giá trị đã thất truyền hay hỏng hóc gần như không thể phục chế. Con số 150,000 cho thấy trong vòng 20 năm từ 1895 đến 1915 điện ảnh đã phát triển mạnh mẽ như thế nào. Nó đã trở thành một ngành công nghiệp vững chắc, giàu lợi nhuận: Edison ở Mỹ, anh em nhà Lumierè ở Pháp, Max Skladanowsky ở Đức hay William Friese-Greene ở Anh...

    Ở Pháp thì hai tên tuổi nổi bật nhất đầu tiên hẳn là anh em nhà Lumierè và Georges Méliès tuy vậy xuất phát điểm và phong cách của cả hai là hoàn toàn khác nhau. Anh em nhà Lumierè đã chế tạo ra một hệ thống máy chiếu và quay phim tên là Cinématographe với nhiều ưu điểm hơn Kinetoscope của Edison: gọn nhẹ, không cần nguồn điện, có thể thay rời từng bộ phận... Phim của họ cũng thiên về chất phóng sự hơn. Còn Georges Méliès lại xuất thân là một ảo thuật gia, trong các chương trình của ông có sử dụng khá nhiều Laterna Magica. Sau vài lần xem phim của anh em Lumierè, Méliès lập tức có hứng thú và nhận ra tiềm năng lớn lao của loại hình giải trí mới này. Công ty phim Star Film của Georges Méliès được thành lập năm 1896 đã sản xuất hàng trăm bộ phim cho đến năm 1912 trước khi tuyên bố phá sản năm 1913. Nguyên nhân là do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong đó đáng kể nhất phải nói đến Pathé Frèves do Charles Pathé thành lập năm 1896 - một trong những nhà sản xuất phim mạnh mẽ nhất của Pháp thời kì đầu. Không những chiếm lĩnh thị trường Pháp một cách tuyệt đối mà Pathé còn mở rộng và bành trướng ra khắp thế giới, từ các nước châu Âu, Mỹ cho đến các nước thuộc Thế giới thứ Ba. Trong năm 1908 một mình công ty của Pathé sản xuất nhiều phim gấp dôi các nhà làm phim Mỹ cộng lại!

    Ở Mỹ thì công ty của Edison cũng có hai đối thủ cạnh tranh lớn và Vitagraph và Biograph, mặc dù vậy với việc Edison mua bản quyền hàng loạt phát minh đã khiến điện ảnh Mỹ ở thế độc quyền một thời gian khá dài. Chính vì thế mà cũng như anh em nhà Lumierè, Edison nổi bật hơn trong vài trò truyền bá điện ảnh rộng rãi đến quần chúng hơn là về kỹ thuật sáng tạo.

    Trong giai đoạn này Anh quốc cũng có tiếng nói quan trọng trên thị trường phim. Vì Edison quên không đăng ký bản quyền quốc tế nên R.W.Paul đã có cơ hội mô phỏng lại chiếc Kinetoscope và nhanh chóng đưa vào sản xuất. Sau đó Brighton School - một mô hình tương tự Hollywood (đương nhiên với quy mô, độ chuyên môn và chuyên nghiệp hóa chưa được như sau này) được xây dựng và đóng vai trò nhân tố chủ chốt trong sự phát triển của điện ảnh Anh quốc.


    Phong cách
    Đa phần các bộ phim đến trước năm 1907 đều chỉ có một phân cảnh (one shot) và tập trung vào những gì diễn ra trong bối cảnh nhất định đó, máy quay được đặt đủ xa để có thể bao quát hết các nhân vật từ đầu đến chân và thường không chuyển động hoặc nếu có thì rất nhỏ. Ánh sáng, dựng phim tương đối đơn giản, không phức tạp. Phong cách này phần nhiều bị ảnh hưởng bởi kịch vì nó tạo cho khán giả có cảm giác như mình đang ngồi ở trong rạp kịch ở hàng giữa giữa vậy. Các đạo diễn tập trung vào từng phân cảnh hơn là cách kết nối chúng. Điện ảnh vẫn còn là một hình thức giải trí mới nên người xem tập trung vào yếu tố hình ảnh, thị giác hơn là nội dung, cốt truyện. Dù sao thì từ năm 1903 đến 1907 đã bắt đầu có sự thay đổi dần: phim có nhiều phân cảnh hơn, có nội dung và phần nào kết nối về mặt tuyến tính giữa các phân cảnh đó.


    [​IMG]
    L'Arrivée d'un train en gare de La Ciotat, 1895, anh em nhà Lumierè - phim ngắn xuất hiện trong buổi chiếu bóng thương mại đầu tiên.


    1894 - 1902/03
    Nhắc đến giai đoạn này là nhắc đến những bộ phim nổi tiếng của anh em nhà Lumierè và Georges Méliès. Chuyến tàu vào ga (L'Arrivée d'un train en gare de La Ciotat, 1895) dài 50 giây khiến khán giả bật khỏi ghế ngồi vì sợ tàu chạy ra khỏi màn hình, Buổi tan ca của công nhân nhà máy Lumierè ở Lyon (La Sortie de l'Usine Lumière à Lyon, 1895), Tưới nước (L'Arroseur Arrosé, 1895)... chỉ là một trong những đoạn phim ngắn đã đi vào lịch sử khi được công chiếu lần đầu tiên - buổi chiếu bóng thương mại đầu tiên của lịch sử điện ảnh.

    Tuy Lumierè, Pathé và Gaumont là những người tiên phong trong việc thương mại hóa điện ảnh bằng việc lập các hãng phim đầu tiên trên thế giới nhưng Georges Méliès mới là người đi đầu trong việc biến điện ảnh thành một loại hình nghệ thuật thực sự chứ không chỉ đơn giản là ghi lại cuộc sống đời thực. Như đã nói ở trên, Georges Méliès xuất thân là một ảo thuật gia nên ông áp dụng rất nhiều thủ thuật, kỹ xảo, ảo giác thị giác vào trong điện ảnh như "Stoptrick": máy quay dừng lại, nhân vật đi vào/đi ra khỏi phân cảnh và máy quay chạy tiếp kết hợp với khói và các đạo cụ khác để tạo cảm giác nhân vật đột nhiên xuất hiện hoặc biến mất. Hay như "Multiple Exposure" - kỹ thuật chồng hình được phát triển từ nhiếp ảnh hồi thế kỷ XIX.

    Ngày nay ta có thể phân biệt rõ phong cách của hai bên nhưng vào thời kỳ đó thì hai yếu tố này vẫn được trộn lẫn và kết hợp với nhau chứ chưa phân hóa sâu sắc như bây giờ. Khán giả cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các bộ phim về du hành, chuyển động hay các chủ đề vốn thông dụng bên kịch nghệ.



    [​IMG]
    Le voyage dans la lune, 1902, Georges Méliès - bộ phim dài nhất của Méliès.



    1902/03 - 1907
    Các nhà làm phim đã sử dụng nhiều phân cảnh hơn nhưng kết nối và dẫn truyện hầu hết vẫn chưa theo mạch tuyến tính mà chỉ cố gắng đạt và nhấn mạnh được cao trào phim là thành công. Một số kỹ thuật dựng phim cũng đã bước đầu được sử dụng dù mục đích chỉ là về thị giác chứ chưa hẳn là bổ trợ cho cốt truyện, nội dung. Cận cảnh cũng đã bắt đầu được dùng chứ không chỉ có toàn cảnh nữa.

    Một trong số kỹ thuật khá phổ biến đó là Overlapping khi một cảnh phim được quay hai lần ở các góc độ khác nhau. Ví dụ như trong Chuyến du hành tới mặt trăng (Le voyage dans la lune, 1902, Georges Méliès), cảnh phi thuyền đáp lên mặt trăng xuất hiện hai lần: một là khi con tàu đâm thẳng vào mắt ông trăng hình mặt người làm mồm miệng méo xệch và hai là cận cảnh khi tàu đáp xuống đất. Vào thời điểm đó thì chuyện này là hết sức bình thường nhưng bây giờ thì các nhà làm phim thường tránh không dùng vì đôi khi làm khán giả khó hiểu.

    Hoặc thử phân tích cảnh phi thuyền trốn chạy khỏi mặt trăng khi đụng độ người ngoài hành tinh. Bốn phân cảnh trong 20 giây: con tàu bay khỏi mặt trăng, con tàu bay trong khí quyển, con tàu rơi xuống mặt nước và cảnh nó chìm xuống đáy biển. Một nhà làm phim hiện đại sẽ quay bốn cảnh này một cách liền mạch để đảm bảo tính liên tục của bộ phim - nhưng Georges Méliès lại sử dụng kĩ thuật Dissolve - chồng hình giữa từng phân cảnh hay còn được gọi là temporal ellipsis. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó ta sẽ nhìn thấy cả hai phân cảnh nằm chồng chéo lên nhau. Một Dissolve tiêu biểu thường có độ dài từ một đến hai giây (24 đến 48 khung hình) nhưng tất nhiên là nó còn phụ thuộc vào phong cách và tốc độ phim mà đạo diễn hướng tới. Từ sau làn sóng phim Pháp mới (French New Wave) - cái giai đoạn cực thịnh của kỹ thuật Jump Cut thì từ đó đến nay Dissolve càng được ít dùng hơn giai đoạn điện ảnh cổ điển: Alice in Wonderland (1903, Hepworth), Personal (1904, Wallace McCutcheon), The Great Train Robbery (1903)...

    Năm 1903, Edwin S. Porter, đạo diễn làm việc cho Edison (người thực hiện bộ phim miền Tây đầu tiên, The Great Train Robbery) đã đề ra cấu trúc cơ bản của một bộ phim phải là các cảnh quay (shot) chứ không phải là các cảnh tĩnh (scene) như trong sân khấu - một nhân tố quan trọng thay đổi phim ảnh trong giai đoạn này so với trước đó: phim ảnh đã mang tính điện ảnh nhiều hơn là kịch.


    <Còn tiếp...>
     

Chia sẻ trang này