THÔNG TIN PHIM Đạo diễn: Từ Khắc Kịch bản: Từ Khắc Thể loại: Võ thuật / Cổ trang/ Kiếm hiệp Nước sản xuất: Trung Quốc Thời lượng:120 phút Diễn viên: Lý Liên Kiệt Châu Tấn Trần Khôn Quế Luân Mỹ Lý Vũ Xuân Phạm Hiểu Huyên Phàn Thiếu Hoàng Cùng sự góp mặt đặc biệt của: LƯU GIA HUY Ngày khởi chiếu tại TQ: 16/12/2011 Ngày khởi chiếu tại VN: 30/12/2011 Rạp chiếu: TP.HCM: BHD Star Cinema, Thăng Long Cinema, Galaxy Tân Bình, Galaxy Nguyễn Trãi, Galaxy Nguyễn Du, Lotte Q.7, Megastar Hùng Vương, Megastar Paragon, Megastar CT Đồng Nai: Magastar Biên Hòa Đà Nẵng: Megastar Đà Nẵng Hải Phòng: Megastar Hải Phòng Hà Nội: Platinum Cineplex, Megastar Vincom, Kim Đồng, Ngọc Khánh, Trung tâm chiếu phim Quốc gia GIỚI THIỆU PHIM: Long môn phi giáp (The Flying Swords and Dragon Gate) là một phiên bản mới của bộ phim nổi tiếng năm 1967: Long môn khách sạn – một bộ phim của Hồ Kim Thuyên (King Hu), đạo diễn bậc thầy của thể loại phim võ thuật, từng đoạt giải Kim Mã dành cho kịch bản xuất sắc nhất vào năm 1968. Bộ phim này cũng đã từng được đạo diễn Lý Huệ Dân tái hiện lại vào năm 1992 và được khán giả Việt Nam biết đến với tên gọi: Tân Long môn khách sạn (New Dragon Inn). Đây cũng là tác phẩm đã góp phần đưa phim kiếm hiệp Hồng Kông lên một tầm cao mới. Sự kết hợp của đạo diễn Lý Huệ Dân, nhà sản xuất Từ Khắc cùng với dàn diễn viên ngôi sao trong phim như: Lương Triều Vỹ, Lâm Thanh Hà, Trương Mạn Ngọc, Chung Tử Đơn đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của phiên bản này. Và 18 năm sau thành công của Tân Long môn khách sạn, đạo diễn Từ Khắc quyết định tái hiện lại bộ phim này lần thứ 3. Mặc dù cũng dựa trên kịch bản của Long môn khách sạn nhưng Long môn phi giáp được xem là một tác phẩm mới hoàn toàn, trong đó nội dung phim sẽ là câu chuyện tiếp diễn về chuyện tình dang dở của những nhân vật trong phim, định mệnh và số phận của họ cùng những trận chiến sinh tử tại vùng sa mạc đầy nắng và gió. Và trong phiên bản mới này, đạo diễn Từ Khắc – đạo diễn võ thuật hàng đầu của Trung Quốc sẽ đảm nhiệm luôn cả hai vai trò đạo diễn và kịch bản. Từng có kinh nghiệm làm việc với phiên bản thứ hai nên ở phiên bản mới này, Đạo diễn Từ Khắc quyết định mang đến cho bộ phim nhiều hơi thở mới mà theo ông là: kịch bản phức tạp và lý thú hơn, vũ đạo hành động trước nay chưa từng thấy và công nghệ 3D đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng cho biết để tạo nên sự khác biệt cho Long môn phi giáp so với các phiên bản trước đây ông đã phải cố gắng rất nhiều. Ngoài sự cải tiến về nội dung, Long môn phi giáp còn là bộ phim kiếm hiệp sử dụng công nghệ IMAX 3D đầu tiên tại Trung Quốc. Đây là điểm đặc biệt và cũng là điều thú vị của bộ phim. Để thực hiện bộ phim võ thuật, kiếm hiệp này, nhà sản xuất phim Long môn phi giáp đã mời cho bằng được Chuck Comisky, người phụ trách hiệu ứng hình ảnh của bom tấn Avatar 3D để làm giám đốc 3D cho bộ phim. Ngoài Chuck Comisky, bộ phim còn huy động một lực lượng hùng hậu các chuyên gia trong lĩnh vực 3D đến từ nhiều nước Châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Tây Ban Nha… Đạo diễn họ Từ tiết lộ rằng ông đã từng có ý định thực hiện Detective Dee and the Mystery of the Phantom Flame ở dạng 3D nhưng khi đó công nghệ chưa tới tầm chín muồi và bản thân ông cũng chưa sẵn sàng. Sau khi quay phim xong vào năm ngoái, Từ Khắc cho biết ông đã ngay lập tức bắt đầu chuẩn bị cho dự án hiện tại và đã thuyết phục các chuyên gia 3D từ Mỹ, Hàn Quốc, Singapore và Tây Ban Nha tham gia cùng đội ngũ kỹ thuật viên 3D non trẻ của Trung Quốc để tạo nên tác phẩm mới của ông. “Đây là một cuộc cách mạng trong nền điện ảnh Trung Quốc. Tôi biết ơn các nhà đầu tư đã sẵn lòng tăng thêm phần đóng góp để hỗ trợ những thách thức khi làm phim.” Theo đạo diễn Từ Khắc, hai bộ phim tiếp theo của ông cũng sẽ được quay ở dạng 3D, tuy nhiên, ông nói công nghệ 3D không nhất thiết đồng nghĩa với tương lai của nền điện ảnh. Ông nói: “Tôi luôn thích thử nghiệm công nghệ mới, song đó không phải là tất cả đối với điện ảnh.” Tuy nhiên, theo đạo diễn Từ Khắc, cho dù bộ phim Long môn phi giáp không có 3D thì đây vẫn là một bộ phim hấp dẫn và đáng xem Phim bấm máy vào ngày 10/10/2010 và mất hai năm để hoàn thành với tổng kinh phí lên đến 70 triệu USD.