Câu chuyện văn hóa Lười học phải đi quét rác? TTCT - Chiều 30 tết, Hà Nội dường như đã vãn người. Bấy giờ mới dễ nhận ra trên đường có rất nhiều phụ nữ mặc quần áo bảo hộ, hối hả dọn rác, đẩy những chiếc xe nặng trịch, rác chất thành ngọn. Đang nghĩ bụng chắc họ phải làm ca, vất vả thật, giao thừa đã gần kề... thì tôi nghe một giọng non nớt vang lên từ chiếc xe máy đi song song bên cạnh: Trên phố ngày xuân (ảnh dự thi cuộc thi ảnh xuân 2010 “Xuân hân hoan” từ ngày 7 đến 22-2-2010) - Ảnh: Lê Ngọc Bích - Đấy, cứ học dốt, lười học là sau này phải đi quét rác như thế đấy! Một tiếng cười tán thưởng của người lớn. Cô bé độ 5 tuổi, mặt tròn trịa, ngồi đằng trước xe bố mẹ, đang tự hào với câu nói của mình, cười đến là yêu. Nhưng họ phóng vụt qua rồi thì tôi thấy buồn. Một thời, tôi cũng từng được nghe rằng không học hành tử tế sẽ bị đi cày, bị đi hốt rác, bị ngồi đầu chợ bán rau, bị... bị... nhiều lắm, đại để là bị làm những người lao động chân lấm tay bùn. Đó cũng là cách giáo dục của một thời, khi từ đói nghèo người ta cố vươn lên để có được cuộc sống ấm no hơn. Phải làm sao để không sống khổ, để có được một vị trí xã hội danh giá. Một lần xem bộ phim dành cho lứa tuổi mới lớn, tôi nghe người mẹ nói với đứa con, bấy giờ đã trở thành giám đốc một công ty, rằng thế là con đã thành người. Mới nghĩ, ô hay, vậy nếu nó không là giám đốc mà chỉ là một chân đưa thư, hay một nhân viên bán sách thì nghĩa là nó không thành người? Thời bây giờ mà vẫn dạy con như vậy e không ổn. Mà đúng là đang có điều gì đó chưa ổn, có cái gì đó còn đầy thiên kiến, lệch lạc trong quan niệm xã hội của nhiều người. Nhìn quanh nhà nào cũng ham cho con học thật nhiều, thật giỏi, cố vào đại học... Thế rồi thầy nhiều hơn thợ vì ai cũng sợ làm thợ! Thế rồi nhiều chuyện đau lòng xảy ra khi con cố lắm vẫn thi trượt. Có đứa trẻ mới lớn, thất vọng quá còn đi đến quyết định tiêu cực là tự tử. Bởi vì người ta khiến nó hiểu rằng chỉ có đại học - vào đại học là nó mới trở thành người! Thêm nữa, vô hình trung cách dạy như vậy tạo cho trẻ có tâm lý khinh miệt người lao động. Những người quét rác chăm chỉ kia chẳng hạn! Mồng 1 tết năm nay vợ chồng tôi cùng con trai ngồi xem tivi. Thấy cảnh nhiều người đang thoăn thoắt gói bánh, bố mẹ cứ xuýt xoa khen bánh vuông thế, đều thế mà chẳng cần khuôn gì cả, thằng bé nhà tôi trịnh trọng tuyên bố: “Lớn lên con sẽ làm người gói bánh chưng!”. Tôi đùa: “Không phải dễ đâu nhé, phải học cách gói đẹp, khó lắm!”. Cu cậu có vẻ suy nghĩ: “Con sẽ học”. Tôi lại hỏi: “Nếu không thành được người gói bánh chưng giỏi thì con sẽ làm gì?”. “Con sẽ trở thành... bác học!”. Với bé con, bác học hay người đầu bếp biết gói bánh chưng đều quan trọng và đáng ngưỡng mộ như nhau. Điều quan trọng là phải học để biết làm tốt công việc của mình. Thế thôi. Và tôi cũng không có ý định làm thay đổi quan niệm ấy của con. SONG ANH
nhưng nội dung cổ Khi nào lương quét rác = lương giám đốc thì sẽ ko còn câu "lười học thì đi quét rác nữa" sự thật phũ phàng!
nếu lương cao thì sẽ ra chuyện này: http://vietbao.vn/Cuoi/Lam-cong-nhan-ve-sinh-dau-co-de/45166926/440/
Học ko giỏi thì đi làm việc cực nhọc, ít tiền, cuộc sống vất vả: Đúng Rêu rao cái đó cho ng` ít học nghe: Sai