Ngày nọ, bốn vị giáo sư vào chầu, Đức vua phán hỏi: Trẫm muốn biết rõ trong đời này có hai hạng người: người giàu mà kém trí tuệ, và kẻ có trí tuệ nhưng lại nghèo, hai hạng nầy ai là hạng người cao quý hơn? Giáo sư Senaka Acarya tâu: Theo hạ thần nghĩ thì người giàu quý hơn hết, trong đời này dù là người có trí tuệ bao nhiêu, làm quan đại thần hay con dòng sang cả mà nghèo thì cũng cần phải kính nể người giàu, làm tôi cho kẻ giàu sai khiến. Mặc người giàu có tật nguyền, điếc, câm v.v... cũng làm chủ kẻ khác được. Nghe tâu, Đức vua liền hỏi Bồ Tát: Con hiểu thế nào? Tâu, kẻ ngu si vô trí tuệ khi có của nhiều thì say mê, dù là hạnh người sang cả cũng thế, cho rằng ta là cao quý, rồi hằng gây những nghiệp dữ không hổ thẹn và không ghê sợ tội lỗi, ý nghĩa làm sao thì thi hành như vậy, cứ theo ý muốn của mình. Những kẻ tối tăm thường không thấy xa, chỉ biết trong kiếp hiện tại, không xét đến ngày vị lai nên tạo biết bao điều ác, sau khi tan rã ngũ uẩn sẽ sa trong ác đạo, rồi sinh lên cõi đời làm người nghèo hèn, khổ sở do các điều dữ đã tạo. Vì kẻ thiếu trí tuệ mới sa đắm, trong tài sắc danh lợi. Tâu, tôi quan sát thấy như thế, mới hiểu rằng người có trí tuệ cao quý hơn. Đức vua nghe xong, rồi hỏi lại Senaka Acarya: Khanh hiểu thế nào? Tâu, Mahosatha còn bé, miệng còn hôi sữa, biết gì, xin Hoàng thượng hãy nghe theo hạ thần. Không cần nói chi xa xôi như triệu phú Govinda, ông nghề chi cũng chẳng biết, con trai, con gái cũng chẳng không. Thân hình rất xấu xa, khi nói chuyện thì nước miếng tung chảy. Có hai nàng đẹp như ngọc nữ chực hờ dùng hoa sen xinh tươi chờ hứng nước miếng. Biết bao khách tới lui nườm nượp. Họ hết lòng tôn trọng, cho đến người sang cả cũng kính nể. Bấy nhiêu cũng tỏ rằng người có của là quý hơn bậc có trí tuệ. Bồ Tát tâu: Senaka chẳng sáng suốt chỉ thấy gần, chỉ biết cái được mà không thấy cái mất, không quan sát chu đáo... Ví như chim quạ thấy cục cơm con người làm rớt, hoặc như chó thấy miếng thịt trong nồi quên đậy nắp, không xem chừng mũi tên đã sẵn hay cây gậy họ sẽ bổ lên đầu. Lệnh Hoàng thượng nên thẩm xét. Lệ thường kẻ có của mà vô trí tuệ, khi được vui thì hằng cẩu thả vì không thấy được ba vạn vật là vô thường, khổ não và vô ngã. Chỉ biết say mê ngũ dục mãi mãi, không tưởng đến sự chết ngày mai. Kẻ tối tăm thiếu trí khi gặp khó, ai hại đến thì quên mình toan dẫy dụa như cá bị liệng trên khô. Kẻ vô trí tuệ trong giờ hấp hối thì vật mình kêu khóc, thương tiếc vợ con, của cải, thân thuộc, quyến luyến trong vật dục. Trái lại có trí tuệ hiểu rằng sinh ra trong nẻo luân hồi thì phải chịu luật tuần hoàn tử sinh, sinh tử là một công lệ không sao tránh khỏi đươc. Tâu bệ hạ, hạ thần thấy rằng: người mà dính mắc trong của cải thì khó tránh được ác đạo không nơi nương tựa. Dù là vợ chồng con cái, thân thuộc, bạn bè, cũng không làm cho sự đau khổ được nhẹ nhàng, chỉ lấy mắt nhìn nhau mà chịu, không sao cứu vớt được... Đức vua nghe thế bèn hỏi lại Senaka: Còn lời chi trình bày nữa chăng? Khi ấy giáo sư Senaka không còn biết chi để thi thố, nên gục mặt hổ thẹn làm thinh, Đức Bồ Tát Mahosatha bèn nói tiếp: Trí tuệ là một đức tính mà bậc cao nhân hằng ưa thích, tôn trọng. Kẻ vô trí tuệ hằng say mê của cải, quyền tước lợi danh. Bậc trí tuệ không quyến luyến vật chất, bởi đã quan sát thấy rõ ràng vật chất của cải hằng xúi dục con người gây nhiều tội lỗi, rồi phải bị trầm luân, là nhân sinh các thống khổ không sao tả xiết. Chỉ người trí tuệ, mới phán đoán, biết tìm phương pháp thoát khổ được. Không có chi đem so sánh với đức tính của trí tuệ được. Năng lực của cải không sao vượt khỏi trí tuệ. Nhận thấy thế nên hạ thần tâu rằng: trí tuệ cao quý nhất. Đức vua nghe tâu lời hữu lý nên rất hoan hỷ, bèn ban thưởng nhiều báu vật. Nguồn: câu chuyện phật pháp Xem thêm: Cây đèn kỳ lạ Cây táo núi Thiết Sơn Chàng ngốc