Những vết sẹo chiến tranh Từ Iraq trở về, hầu hết nữ cựu binh Mỹ đều có các triệu chứng rối loạn chức năng. Khi nữ trung sĩ June Moss từ Iraq trở về, chị không biết giải thích với hai con vì sao chị không thể ôm chúng, bởi ôm lâu hơn hai giây, da chị sẽ bỏng rát như bị lửa đốt. Ban đêm, chị không tài nào dỗ được giấc ngủ. Ngoài ra, Moss còn cảm thấy như ngực chị sắp nổ tung. Nhật báo San Jose Mercury News (Mỹ) kể lại lời tâm sự của chị: “Khi trở về, tôi không còn là tôi nữa. Tôi đã là một kẻ khác. Tôi lạnh lùng”. Cựu binh Iraq Myrna Hernandez bên chồng và con trai 12 tuổi. Ảnh: SAN JOSE MERCURY NEWS Lo sợ suốt ngày đêm Chính sách nước Mỹ quy định phụ nữ không phải trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng thực tế cho thấy phụ nữ vẫn cầm súng và sử dụng chúng. Nhưng đối với phụ nữ, có một sự khác biệt lớn. Đó là xã hội nơi họ trở về không hiểu hoặc không chấp nhận họ là lính. Hậu quả là cảm giác bị cô lập lấn át hơn, đặc biệt là vì phụ nữ chỉ là một thiểu số rất nhỏ trong đơn vị của họ. Tệ hơn, một số nữ binh sĩ Mỹ còn phải sống trong nỗi lo sợ bị chính các đồng đội của mình cưỡng hiếp. Năm 2008, một phần năm số nữ quân nhân đã bị đồng đội nam quấy rối tình dục hoặc cưỡng hiếp. Khi còn ở Iraq, Moss luôn lo sợ về sự an toàn của mình, nhất là vào ban đêm. Chị kể: “Tôi đã phải lo cho tính mạng của mình hằng ngày, cộng thêm với ý nghĩ bị một người lính khác tấn công ám ảnh. Tôi thường tự hỏi không biết tôi có về nhà với các con tôi được không và chúng sẽ phải chịu đựng sự mất mát nào đây”. Ở căn cứ, Moss cố gắng hòa hợp, nhất là khi chị là phụ nữ duy nhất trong đơn vị. Chị cắt tóc ngắn. Chị mặc quần soóc rộng và áo thun kích cỡ lớn để che giấu đi thân hình phụ nữ của mình. Chị đã cố tỏ ra cứng rắn quá mức, đặc biệt là khi các nam đồng đội có những lời lẽ và cử chỉ thô tục. Cắn răng chịu đựng Trò chuyện với các nữ cựu binh, Tia Christopher - điều phối viên của dự án cựu binh Iraq và Afghanistan - nhận thấy có những vấn đề lớn đang tồn tại. Chị nhận xét: “Nhiều chị em đã từng chiến đấu ở Iraq kiên nhẫn chịu đựng mọi sự, kể cả các vết thương. Họ không muốn trở thành các cô gái hay kêu than. Họ âm thầm chịu đựng. Điều lớn lao nhất là họ mất đi một phần nữ tính của mình. Các nữ cựu binh từ Iraq trở về đều có các triệu chứng rối loạn chức năng”. Việc điều trị cũng là một thách thức lớn. Trung sĩ Myrna Hernandez đã nhiều năm không tìm kiếm sự giúp đỡ bởi vì chị không muốn thừa nhận có điều gì đó không ổn xảy ra với bản thân. Trở về từ Iraq năm 2004, tâm trạng chị thật tồi tệ. Chị tỏ ra thù ghét xã hội và đã quay ra uống rượu. Đêm nào ngon giấc, chị chỉ ngủ được ba giờ. Cuối cùng, chị được chẩn đoán bị rối loạn chức năng. Chị là một trong ba phụ nữ đã buộc tội viên đại úy chỉ huy Leo Merck từng nhìn trộm khi họ tắm và chụp ảnh họ khỏa thân. Trước đó, chị lo lắng về việc đoàn tụ với đứa con trai nhỏ tuổi. Thực ra, Hernandez có hai cơ hội về thăm con nhưng chị đã chọn lựa phương án ở lại. Chị tâm sự: “Lúc đó, tôi nghĩ rằng sẽ là quá khó khăn đối với con tôi khi cháu được gặp mặt tôi và sau đó lại phải chia tay”. NGÔ SINH
Cái này coi phim Stop-loss (hình như có chiếu trên HBO) sẽ thấy rõ triệu chứng "hậu chiến tranh" của lính Mỹ trở về sau cuộc chiến là như thế nào.
Mới xem hôm kia. Có thằng chịu không nỗi tự sát. Đa số luôn lo lắng và sống trong sự sợ hãi lúc nào thì mình bị bắn chết