Mua đặc sản quê tại Sài Gòn Bên cạnh lượng khách là người nhập cư xa xứ mua đặc sản truyền thống của quê mình, một bộ phận người dân Sài Gòn cũng chọn đặc sản các nơi để “đổi món”. Nhiều người dân TPHCM không vào siêu thị mà đến những chợ miền Bắc, chợ miền Trung thu nhỏ trong lòng TP để mua đúng đặc sản quê và gặp gỡ, trò chuyện với đồng hương. Nhộn nhịp chợ đặc sản Tại quầy đặc sản miền Bắc ở siêu thị Hà Nội, Maximark Cộng Hòa và một số Co.opMart, thực phẩm miền Bắc được rất nhiều người chọn mua. Trong đó, tiêu thụ mạnh nhất là các mặt hàng như giò lụa, giò bắp, giò bò, nem chua, bánh chưng, nếp cái hoa vàng, hành muối… và các loại măng, miến, rau củ tươi được chở bằng máy bay từ Bắc vào. Tại các cửa hàng chuyên bán đặc sản miền Bắc trên đường Trần Quốc Toản (quận 3), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, còn có thêm cam Canh, bưởi Diễn, quả phật thủ... Khách hàng mua đặc sản Hà Nội tại một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY Đặc sản miền Trung thì tại khu Bàu Cát, chợ Bà Hoa (Tân Bình), quanh ngã tư Bảy Hiền. Tại đây có đầy đủ các món truyền thống ngày Tết của khu vực miền Trung như bánh in, bánh tổ, bánh thuẫn, dưa kiệu, dưa món theo khẩu vị miền Trung. Tại cửa hàng đặc sản Sài Gòn Tiếp Thị quy tụ đủ đặc sản 3 miền với hàng chục mặt hàng như bánh chưng Bắc (đặc biệt là bánh chưng đen của Lào Cai), bánh tét Cần Thơ, bưởi hồ lô… Theo các tiểu thương, hiện đang là cao điểm sắm Tết nên hầu hết các mặt hàng đặc sản đã tăng giá 5% - 30% so với Tết năm ngoái. Đặc biệt, đặc sản “đặc biệt” có giá khá cao: bánh chưng nếp cái hoa vàng khoảng 60.000 - 70.000 đồng/cái 500 g, chả cốm Hà Nội 150.000 – 250.000 đồng/kg, bánh chưng cốm (làm bằng cốm làng Vòng và nhân mứt sen hoặc nhân đậu, thịt) giá bán trên 300.000 đồng/kg… Ngoài các địa điểm trên, khách hàng có thể đổi món bằng các loại chả giò, giò lụa đặc biệt, đặc sản tôm khô, khô cá dứa Cần Giờ chỉ bán tại cửa hàng tiện ích của Công ty Seaspimex. Cộng đồng người Hoa có thể mua giấm trái cây hương nho, vải, chanh dây (dùng pha với nước để uống), bánh mochi bao chỉ trái cây… tại các cửa hàng của Công ty Đại Phát. Mua đặc sản trên chợ “ảo” “Chợ” đặc sản trên mạng cũng sôi động không kém với đầy đủ hình ảnh, giá bán, xuất xứ từng món đặc sản và hình thức giao hàng, thanh toán tiền. Trên các “chợ” này không thiếu đặc sản của vùng, miền nào. Từ những món thông dụng nhất đến các loại mắm rươi, chả nhồi pa tê trứng muối (Tây Nam Bộ); lạp xưởng tôm, lạp xưởng bò Cần Giuộc; muối trứng kiến vàng (Phú Yên); bánh tráng dừa Bình Định; nộm sứa Thái Bình; tré Đà Nẵng; tôm khô, cá khô Cà Mau thịt trâu, thịt dê gác bếp của các tỉnh miền núi phía Bắc… đều có. Hàng “độc” chưng Tết như bưởi hồ lô, dưa hấu hồ lô, dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu vuông cũng được rao bán khá nhiều trên mạng, kèm theo đó là địa chỉ bán hàng cụ thể để khách đến chọn hàng. Chẳng hạn, tại trang web buoiholo.com; dưa hấu hoàng kim hồ lô loại đẹp, trên dưa có chữ Tài, chữ Lộc giá trên 5 triệu đồng/cặp, loại không có chữ giá 4 triệu đồng/cặp, bưởi hồ lô có chữ giá 1,6 triệu đồng/cặp… kèm theo đó là điều kiện giao hàng miễn phí cho khách mua trên 5 cặp tại nội thành TPHCM, thu phí giao nhận nếu giao hàng đi tỉnh. Riêng với các loại trái cây “lạ” kể trên, người tiêu dùng cũng có thể mua tại siêu thị BigC và một số sạp ở chợ Bến Thành. Tuy nhiên, vì là mặt hàng không phổ biến, giá cao nên mỗi siêu thị BigC chỉ bán vài cặp/loại, còn tại chợ Bến Thành tiểu thương cũng lấy hàng nhỏ giọt vì sợ chôn vốn. THANH NHÂN