undefinedFull Throttle Rắc rối trên Quốc lộ số 9original Phát triển: LucasArts Phát hành: LucasArts Thể loại: Phiêu lưu Ngày phát hành: 30 tháng 4 năm 1995 ESRB: Teen Cấu hình: 486/33 hoặc hơn, 8 MB RAM, 1 CD, Windows 98/2000/XP Có thể nói, bên cạnh Sierra On-line thì tại thời điểm nào chưa có hãng game nào sánh bằng với LucasArts về số lượng và chất lượng của những game phiêu lưu mà hãng làm ra. Tuy vậy, hiện nay hãng không còn phát triển game phiêu lưu nữa, nhưng thật khó có thể quên được những “hit” lớn của LucasArts như Monkey Island series, Day Of The Tentacle, Grim Fandango và nhiều nữa. Kì này, người viết xin giới thiệu với độc giả game Full Throttle, một trong game phiêu lưu tiêu biểu của LucasArts, được phát triển dưới bàn tay của nhà thiết kế game nổi tiếng: Tim Schafer. Câu truyện bắt đầu từ đây… Ben trên con đưòng quốc lộ số 9 Bạn vào vai Ben, anh chàng “đô con” đứng đầu nhóm Polecats, một băng nhóm của những người đi xe mô tô Corley Motors thống trị xa lộ trong một thời điểm nào đó trong tương lai. Mọi việc bắt đầu từ khi Ben và nhóm của anh tình cờ gặp Malcolm Corley, một ông già gần đất xa trời và là chủ tịch hội đồng quản trị của hãng xe Corley Motors, cùng tay phó chủ tịch Corley Motors và cũng là trợ lí của ông, Adrian Ripburger trên chuyến đi tới cuộc họp với các cổ phần của công ti. Mặc dù biết mình không còn sống được bao lâu, nhưng Malcolm tha thiết mong muốn đưa công ti của mình cho người con gái thất lạc của ông, vì nếu Ripburger lên nắm quyền, chắc chắn hắn sẽ thay đổi bộ mặt cuả công ti Corley Motors từ chuyên sản xuất xe mô tô thành chuyên sản xuất… xe minivan! Tuy vậy, nóng lòng không thể đợi “cái chết tự nhiên” của Malcolm, Ripburger đã sắp đặt cho một vụ sát hại ông, đồng thời kết tội băng nhóm Polecats vì đã làm chuyện ấy. Là người duy nhất của Polecats chạy trốn được vụ bắt giữ của cảnh sát, giờ đây Ben có trọng trách bảo vệ danh tiếng của băng nhóm, đồng thời lật mặt Ripburger và thực hiện ước nguyện cuối cùng của Malcolm. Malcolm Corley và nhân vật chính - Ben. Kẻ phá cách của LucasArts FT là một trong số game tiên phong trong thể loại game phiêu lưu khi đưa ra một loại GUI (giao diện người dùng) hoàn toàn mới, và sau FT có Curse Of Monkey Island cũng học tập FT ở đoạn này. Trước kia, tương tác với vật thể như sử dụng, nhặt đồ, đẩy hay kéo… đều phải có một biểu tượng riêng, thì giờ đây chúng được thu gọn lại trong một GUI có hình biểu tượng của nhóm Polecats (rất “ngầu”) gồm 3 biểu tượng: chiếc sọ dùng cho tương tác như nhìn, nói hay nếm; hình bàn tay cho việc nhặt, sử dụng hay… đấm; cuối cùng là biểu tượng chiếc giầy dùng để… đá. GUI của game đựơc giản lược một cách tối đa nhưng nói chung là đã xóa lối mòn thường thấy của các game phiêu lưu cùng thời. Giao diện được tối giản trong FT, một điều mà các game phiêu lưu về sau học hỏi Có lẽ FT là game phiêu lưu đầu tiên (mà cũng có thể là duy nhất) của LucasArts mà lại có những cảnh hành động. Xuyên suốt quá trình tìm lại công lí và danh dự của Polecats, Ben sẽ gặp phải những trở ngại trên đường bởi các băng nhóm khác gây hấn với Ben, lúc này mọi thao tác sẽ đổ dồn lên chú chuột của bạn, bạn phải rê chuột điều khiển mô tô của Ben né đòn đối phương, đồng thời tiếp cận chúng và ra đòn. Trung thành với truyền thống “nhân vật chính không bao giờ chết” của LucasArts đặt ra nhằm giảm độ khó các game phiêu lưu của hãng, và bạn cũng không cần phải lo nếu lỡ bị thua trong một trận quyết đấu, vì Ben sẽ đứng dậy, dựng xe và tiếp tục hành trình! Tuy nhiên, FT vẫn là game phiêu lưu, cho nên hầu hết các công đoạn trong game bạn phải giải đố bằng cách kết hợp đồ vật. Theo ý kiến cá nhân, phần giải đố trong game khá dễ vì người chơi nhiều khi đuợc hướng dẫn khá cụ thể mục tiêu phải làm, còn làm thế nào là do người chơi phải tự mày mò. Một điểm khá ngộ trong FT là bạn có thể dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề như phá cửa hay thậm chí… “nói chuyện phải quấy” với những kẻ cản đường. Tuy vậy, vì đây là một game phiêu lưu nên không phải lúc nào cũng dùng được vũ lực! Ra đời vào năm 1995 nên dĩ nhiên FT không thể nào có đựơc đồ họa 3D như Syberia hay các game phiêu lưu gần đây nếu bạn hi vọng. Tuy vậy, mặc dù là game 2D nhưng LucasArts rất chăm chút cho đồ họa của game. Bạn có thể thấy những khung cảnh hoang vắng, tiều tụy của vùng sa mạc, hay hình ảnh nhà máy Corley Motors rộng lớn dưới ánh đèn neon… FT cũng là một trong số những game đầu tiên của LucasArts khi đưa những hình ảnh 3D vào ghép với cảnh nền của game khiến cảnh vật xung quanh khá sinh động và không bị “cố định” như các game phiêu lưu trước của hãng. Các nhân vật trong game đựơc vẽ 2D hoàn toàn, nhưng mặc dù vậy nhân vật đựơc vẽ rất có hồn và chuyển động rất nhuyễn. Dưới bàn tay của LucasArts, bạn có thể thấy một Ben rất ngầu với thân hình to lớn, cô nàng Maureen khả ái nhưng lại rất cứng rắn, và đặc biệt là vẻ cực kì gian xảo của gã Andrian Ripburger. Những đoạn phim cắt cảnh đựoc làm rất tốt, đến nỗi nhiều khi người viết khó thể nào nhận ra lúc nào thì bắt đầu hay kết thúc đoạn phim. Úy, cái lốp trước đâu rồi? Theo kinh nghiệm, người viết hiếm khi nào thấy một tựa game nào của LucasArts là thiếu sự đầu tư về mặt âm thanh cả. FT không phải là một ngoại lệ trong việc này, nhưng nó lại là một ngoại lệ khi là một game phiêu lưu duy nhất của LucasArts khi sử dụng nhạc của nhóm Gone Jackals để tạo chất “heavy-metal” phù hợp với game. Bên cạnh đó, phần nhạc nền đựơc soạn bởi Peter McConnel, nhà soạn nhạc gắn bó lâu dài với LucasArts và có công lớn cho những bản nhạc “bất hủ” của Grim Fandango, nên dĩ nhiên nhạc nền của FT rất khá, và đặc bịêt là phù hợp với từng tình huống của game, nhờ vào sự hỗ trợ của engine âm thanh iMUSE do LucasArts phát minh vào năm 1991. Chạy thôi! Phần ghi điểm nữa của FT chính là phần lồng tiếng: các nhân vật trong FT đã rất sinh động dưới bàn tay của nhóm họa sĩ thiết kế, lại càng trở nên có hồn bởi giọng nói mỗi nhân vật. Người chơi chắc chắn không bao giờ quên những lời nói có âm trầm rất cao của Ben hay tiếng nói bộc lộ sự xảo quyệt của Andrian Ripburger, hay thậm chí là đoạn hội thoại đáng nhớ giữa ông già Malcolm Corley với tay trợ lí Ripburger đoạn đầu game. Được biết, đội ngũ lồng tiếng của FT là những diễn viên khá nổi tiếng, như giọng nói của Ben do diễn viên Roy Conrad, hay của Ripburger là do diễn viên Mark Hamill (nổi tiếng với vai diễn Luke Skywalker trong phim Star Wars)… Ngoài ra còn có một số diễn viên khác như Hamilton Camp, Kath Soucie… Và khi đoạn credit kết thúc… FT sẽ là một trò chơi hoàn hảo nếu như nó không làm người chơi thất vọng bởi game quá ngắn (chỉ khoảng 2 ngày là bạn có thể hoàn thành). Tuy vậy, sau khi FT phát hành, rất nhiều người chơi đã yêu cầu LucasArts làm phần tiếp theo nhằm thỏa mãn cơn khát của họ. Oái oăm thay, cái chết của người lồng tiếng cho Ben, diễn viên Roy Conrad vào năm 2002 phần nào dập tắt hi vọng của họ vào sự tái xuất hiện của Ben. Tuy vậy, tại hội chợ E3 năm 2003, đoạn trailer dài khoảng một phút rưỡi của phiên bản kế tiếp mang tên “Full Throttle: Hell on Wheels” đã hâm nóng lại các diễn đàn về FT, nhưng lại “dội gáo nước lạnh” lên các fan khi LucasArts tuyên bố “bỏ xó” chỉ vài tuần sau khi trailer đựơc tung ra. Dù gì đi chăng nữa, hình ảnh “anh hùng xa lộ” Ben trên con đường nghĩa hiệp luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người chơi! *Chú ý: Để có thể đảm bảo về tốc độ và chất lượng của game trên các máy cấu hình mạnh, bạn có thể tải chương trình giả lập ScummVM miễn phí và chơi FT trên chương trình này. Bạn cũng không cần phải cài đặt FT mà có thể chơi trực tiếp trên đĩa với ScummVM Bài viết bởi Đỗ Sơn - Hình Screenshot lấy tại Mobygames.