Grim Fandango Phát hành: LucasArts Phát triển: LucasArts Hệ máy: PC Cấu hình tối thiểu: 133 MHz, 32 MB RAM, 30 MB chỗ trống, 4 MB AGP/PCI 3D graphic accelerator "Manny này, có phải anh đang yêu không?" "Tình yêu ư? Tình yêu chỉ dành cho những người còn sống thôi chứ?" Nhớ lại thời kì năm 90, thị trường game hầu hết bị thống trị bởi game phiêu lưu bởi các ông trùm như Sierra On-line và LucasArts, cùng các tựa game để đời như Monkey Island series, King Quest series… Nhưng điều gì đến cũng phải đến, bắt đầu từ sự xuất hiện của “lũ đa giác” mà game chuyển sang xu hướng hành động, mở đầu bởi nàng Lara Croft. Game phiêu lưu cuối năm 90 ngày ít dần, nhưng nó không có nghĩa là tàn lụi… Grim Fandango (GF) được ra đời vào những năm ấy, trở thành một đối thủ cạnh tranh rất rất nặng kí với các anh tài khác năm 1998 như Starcraft và Half-life để giành được danh hiệu cao quý: “Game của năm” do Gamespot bình chọn. Siêu phẩm Bám sát theo khung của thể loại game phiêu lưu, gameplay của GF vẫn chủ yếu theo một công thức: luôn có rất nhiều trở ngại => giải quyết bằng đồ vật thu thập được + giải đố với những mini game có quy luật chặt chẽ… nhưng cái hay của GF đó là các trở ngại và cách giải quyết rất hợp lý, không bao giờ có chuyện cái cửa luôn bị khóa bởi một loại khóa quái quỉ nào đấy… Điều này khiến GF dễ thở hơn so với Myst và níu kéo được người chơi lâu hơn. Từ bỏ phong cách point-and-click, GF mạnh dạn chuyển sang môi trường 3D hoàn toàn, và cách điều khiển cũng không dựa vào chuột nữa mà là bàn phím họăc joystick (Escape From Monkey Island cũng tiếp tục áp dụng và cải tiến phương pháp này). Người chơi sử dụng bàn phím (hoặc joystick) để di chuyển nhân vật chính là Manny Calavera, với những hành động như sử dụng đồ vật (Use, nhấn phím U), nhặt (Pick Up, nhấn phím P), mở hộp đồ vật (Inventory, nhấn phím I) và quan sát, xem xét đồ vật (Examine nhấn phím E). Khi di chuyển trong game, Manny sẽ quay đầu về hướng có đồ vật có thể tương tác được để người chơi biết, tuy nhiên, chính điều này gây rắc rối là người chơi sẽ không biết anh ta nhìn vào đâu (trừ phi nghe mô tả sau khi nhấn nút examine), hay không biết làm thế nào để anh ta quay đầu vào vật kia khi hai vật sát nhau. Tuy nhiên, khuyết điểm này của game đã được cải thiện trong game tiếp theo của LucasArts: Escape from Monkey Island khi xuất hiện dòng chữ ghi tên của vật ở phía dưới. Thêm vào đó, trung thành với những chỉ tiêu của game phiêu lưu mà LucasArts là người tiên phong, game không bao giờ để người chơi chết hoặc bị mắc kẹt mãi mãi vì thiếu một đồ vật để giải đố. Như đã nói ở trên, GF đã khá mạnh dạn khi là game phiêu lưu đầu tiên của LucasArts khi dám nhảy sang môi trường 3D hoàn toàn, với tất cả các mô hình đều là những đa giác – dĩ nhiên! Tuy vậy, GF vẫn sử dụng cảnh nền tĩnh, nhưng chúng đựơc đầu tư khá kĩ lưỡng với các kiến trúc khổng lồ mà vẫn có những đường nét hoa văn, họa tiết trang trí phối màu của xanh – đỏ - vàng làm người chơi liên tưởng đến các công trình cuả người Aztec, hay cảnh Rubacava nhộn nhịp vào ban đêm với tiếng nhạc Jazz êm ái khiến khá nhiều người ngạc nhiên vì nó quá giống với bộ phim Casablanca… Các nhân vật trong game tuy còn gồ ghề bởi sự hạn chế về công nghệ thời ấy, nhưng bù lại chúng đều rất có hồn - mặc dù họ đều là những bộ xương nhưng bạn vẫn thấy đựơc ánh mắt suy tư của Manny hay sự gian xảo của gã trùm Hector LeMans… Công trình kiến trúc mang nét của người Aztec. Phía sau là lễ hội của người chết (Day Of the Dead) Đã ai xem Casablanca chưa nhỉ??? Về âm nhạc trong GF, thật tình tôi không biết phải bộc lộ cảm xúc thế nào nữa! Có thể nói đơn giản, nó được mô tả trong hai từ: “Tuyệt vời!”. Từ những tiếng đàn của nhóm nhạc Mexico Mariachi cất lên tiếng sáo quena dịu dàng hay tiếng violin da diết… rồi đến ở màn Rubacava lại là những bản nhạc Jazz chầm chậm nhưng bồi hồi cất lên không ngừng, hay những bản nhạc lấy cảm hứng từ thể loại nhạc dân ca của người Nam Mỹ tại cánh cổng thiên đàng… tất cả tạo nên một thế giới của người đã khuất không hề im lặng chút nào. Với sự hỗ trợ của engine âm nhạc iMUSE tích hợp do LucasArts phát minh, âm nhạc không bao giờ dừng lại tại GF! Đây là Mannuel "Manny" Calavera trong bộ đồ của thần chết. Không, cứ coi anh ta là một hướng dẫn viên đi Nhưng cái hồn của GF không chỉ nằm tại âm nhạc, đồ họa hay sự sáng tạo của Tim Schafer, chúng chỉ là cái “thể xác”, mà cái hồn chính là nhờ cốt truyện của GF, một cốt truyện quá ư xuất sắc và đủ để bạn phải gào lên: “Hãy làm thêm phần nữa!” lúc đoạn credits chạy hết. Thật kì lạ, khác với những game trước của LucasArts khi chúng luôn mang nụ cười hóm hỉnh bên trong, thì lần này, Grim Fandango mang một khong khí trầm tĩnh hơn. Tất nhiên, vì bối cảnh của game đặt tại thế giới của người chết mang nặng tính chất tín ngưỡng của người dân tộc Aztec. Nhân vật chính của chúng ta không phải là một anh hùng cơ bắp hay có biệt tài gì cả, mà trái lại là Manuel "Manny" Calavera làm công việc của một hướng dẫn viên của công ty Department Of Death (DoD), để đền đắp lỗi lầm trong cuộc sống trước kia của mình (mặc dù trong game không nói rõ lỗi lầm của anh ta là gì) anh có trách nhiệm thu thập linh hồn của người quá cố xuống âm phủ, và xét xem tùy vào độ "thánh thiện" trong cuộc sống trần gian của họ có xứng đáng được hưởng một chuyễn đi bằng tàu hạng sang chỉ trong 4 phút; hoặc bằng đôi chân trần qua bao nhiêu gian khổ mất tới 4 năm để tới thiên đang thứ Chín, nơi linh hồn sẽ an nghỉ mãi mãi. Trong lúc hoàn toàn không mãn nguyện với công việc của mình khi toàn bộ khách hàng của mình đều không được tấm vé đi tàu tới thiên đàng thứ Chín, Manny gặp Mercedes "Meche" Colomar, một cô gái có cuộc sống hoàn toàn trong sạch nơi trần gian. Những tưởng cô gái này sẽ được đi trong chuyến tàu hạng sang tới thiên đàng thứ Chín, nhưng những gì mà cô được thông báo là phải đi bằng đôi chân trần. Lo lắng về số phận của cô gái do liên quan đến trách nhiệm của mình, Manny lên đường tìm Mercedes Colomar, đồng thời tìm hiểu lí do tại sao lại có sự nhầm lẫn như vậy… Thực long, tôi không dám viết tiếp vì sợ sẽ làm hỏng sự bất ngờ ở cốt truyện mà game dành tặng cho khán giả, nhưng chắc chắn, game sẽ làm bạn phải xúc động! Tấm ván chắc cuối cùng dành cho quan tài game phiêu lưu của LucasArts GF cuối cùng sự hưởng ứng nhiệt liệt từ các nhà phê bình về chất lượng của game (Gamespot đánh giá 9.4 điểm - một số điểm rất cao đối với trang web về game này) cùng với hàng lọat giải thưởng – trong đó là danh hiệu “Game của năm” do Gamespot bình chọn (1998), đánh bật những đối thủ nặng kí nhất lúc ấy là Starcraft và Half-life. Bên cạnh đó còn một loạt các giải thưởng như “Soundtrack hay nhất”, “Phong cách đồ họa ấn tượng nhất”… Tuy vậy, thật trớ trêu là game không trở thành một “hit” lớn trong việc số lượng tiêu thụ được nên được thêm một “giải” nữa là “Game bị người chơi đánh giá thấp” và “Game hay ít người chơi”. Cũng thật buồn cười là “con đẻ” tiếp theo của Tim Schafer là game platform được coi là thổi lại sinh khí cho thể loại này trên hệ PC cùng với những lời khen chán chê từ các nhà phê bình, thì việc tiêu thụ Psychonauts lại không đựơc suôn sẻ lắm. Hi vọng với mái nhà mới (VU Games) Double Fine Productions có thể tiếp tục tung ra những game để đời của Tim Schafer nữa! Ngoảnh nhìn… Khoảng những năm 2000, fan của GF thấp thỏm khi biết GF sắp được lên lịch để LucasArts tiếp tục phát triển, nhưng cuối cùng, không có một tí xíu thông tin gì về nó được tiết lộ thêm. Sau đó, một blog trên Gamespot bắt đầu đưa tin đạo diễn Tim Burton sẽ đưa GF lên phim khiến bao fan đứng tim, nhưng rốt cục, chính Gamespot đã làm sáng tỏ rằng đây chỉ là một tin đồn không hơn không kém. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì GF đã khắc lại quá sâu trong lòng người chơi về một game phiêu lưu tuyệt vời! Note: Để tham khảo về thông tin bên lề nhiều hơn nữa như giải thưởng của game, ảnh hưởng,... bạn có thể xem trên Wikipedia tiếng Việt với link sau: http://vi.wikipedia.org/wiki/Grim_Fandango. Btw, cái này cũng là 100% tôi viết nên đừng thắc mắc nếu có một chút tương đồng giữa cái kia với bài review này