Mùa thu năm 1930, một buổi chiều tà ảm đạm... Một chiếc xe taxi đỗ lại bên đường. Người tài xế xuống xe, vội chộp lấy khoảnh khắc thư giãn của cá nhân mình với điếu thuốc. Cùng lúc đấy, qua một vài con phố, khunh cảnh hoàn toàn trái ngược. Những tên gangster đang truy đuổi nhau một mất một còn. Tưởng như đã kết thúc khi tiếng kính vỡ cùng với tiếng va chạm - âm thanh của một vụ tai nạn cất lên. Mọi chuyện như đã an bài từ trước, như cái tên của mình "An offer you can refuse" - một lời đề nghị không thể từ chối, cuộc đời cũng như số phận của anh chàng tài xế đã thay đổi từ đây... Nhiệm vụ đầu tiên và cũng là khởi đầu cho một chuỗi bi kịch mang cái tên: "Mafia"! Mafia chỉ phát hành sáu tháng sau khi "cơn bão" Grand Theft Auto III hình thành và bắt đầu công cuộc càn quét của mình. Bỏ qua sự xuất hiện rất "tàu ngầm" của mình, Mafia đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới gamer. Nghiễm nhiên, Mafia "ẵm" được những giải thưởng cao quý như "Game của năm 2002" hay "Game có cốt truyện xuất sắc" của nhiều tạp chí có uy tín về game và danh hiệu "Editor Choice" trên những website về game danh giá như Gamespot..v..v.. Với một cốt truyện sâu sắc và dẫn dắt người chơi từ tương lai trở về quá khứ, Illusion Softworks (hãng phát triển Mafia) đã khéo léo áp dụng nghệ thuật "thắt nút - gỡ nút" trong văn học khiến Mafia giống với một tác phẩm kinh điển hơn là một game giải trí đơn thuần. Nhìn chung, Mafia giống với một game hành động góc nhìn người thứ ba (Third-person shooter) hơn là một game free roaming như GTA. Tuy vậy, sẽ rất khác biệt và khập khiễng nếu như so sánh hai game này với nhau. Cách bố trí nhiệm vụ theo từng màn và đan xen quá khứ - hiện tại không hề khiến cốt truyện của Mafia bị tách rời mà thậm chí còn giúp người chơi hiểu sâu hơn về nội dung của Mafia. Trong đó, mỗi nhiệm vụ của game lại chia ra thành nhiều khúc đoạn, và giữa mỗi khúc đoạn sẽ là những checkpoint tự động save quá trình chơi của người chơi. Sở dĩ như vậy vì mỗi nhiệm vụ của Mafia rất dài và chuyện thực hiện một khúc đoạn trong nhiệm vụ không hề đơn giản. Một nhiệm vụ có thể kết hợp rất nhiều hình thức như bắn súng, cắt đuôi những kẻ truy đuổi, đôi lúc là hành động ẩn nấp, thủ tiêu tang chứng..v..v... Với Mafia, người chơi sẽ không bao giờ nhàm chán hay chán nản sau khi chơi hỏng một nhiệm vụ mà sẽ thấy rất háo hức để được tiếp tục câu chuyện về nhân vật chính... Phần lớn trong Mafia người chơi sẽ ở di chuyển bằng xe cộ nhiều hơn là đi bộ. Đa phần các nhiệm vụ trong game người chơi cũng sẽ thực hiện trên chiếc xe của mình. Không giống như GTA có thể thích cướp chiếc xe nào thì cướp, trong Mafia bạn phải học cách mở khóa của loại xe đấy rồi mới có thể ăn cắp loại xe đó - một điểm sáng trong game. Mô phỏng lái xe trong Mafia rất thật, nên bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy những chiếc xe tốc độ không quá 80 km/h (điều mà trong những game khác chỉ là chuyện bình thường). Việc lái xe trong game không hề dễ dàng mà cũng không quá cứng nhắc. Khi gặp những lối rẽ, người chơi cần phải giảm tốc độ rồi từ từ rẽ sang đường, mọi cú phóng bạt mạng đều dẫn đến một hệ quả là bạn - cùng với chiếc xe của bạn chệch hướng và "te tua". Những chiếc xế hộp trong game được thiết kế đúng theo phong cách của những năm 20s - 30s thế kỷ trước. Một điểm thú vị trong game là khi khởi đầu game, người chơi chỉ có thể bắt gặp những chiếc xe được sản xuất vào thập niên 20s, những chiếc xe hiện đại hơn và mới hơn sản xuất vào thập niên 30s sẽ xuất hiện dần dần suốt quá trình chơi. Hơn thế nữa, Mafia còn có cả một từ điển (Encyplopedia) về xe cộ trong game (bao gồm 51 loại xe trong game cùng với 19 loại xe đặc biệt) cực kỳ hấp dẫn chờ đợi người chơi khám phá. Điều đáng phải nhắc đến trong Mafia là tính chân thật trong game. Mọi cư xử của những người dân và cả cảnh sát trong game đều rất thực tế. Khi va chạm với xe cộ khác, đâm hỏng những cột đèn báo giao thông hoặc đi quá tốc độ hay vượt đèn đỏ, màn hình sẽ xuất hiện một biểu tượng biên bản, người chơi sẽ phải dừng lại nộp tiền phạt cho công an hoặc trốn đi đâu đó cho đến khi cái biên bản mờ rồi mất hẳn. Nhưng sẽ nghiêm trọng hơn khi cái biên bản chuyển thành cái còng, công an sẽ săn đuổi để bắt bạn lại và nếu chuyện đó xảy ra khi đang thực hiện nhiệm vụ thì bạn ăn chắc "game over". Một số tội danh khác như ăn trộm xe (để người khác phát giác), cướp xe hay lộ súng nơi đông người, nặng hơn nữa là khai hỏa nơi đông người hoặc đâm chết người đều dẫn đến biểu tượng khẩu súng. Giờ thì hãy chạy trốn đi đâu đó thật nhanh, cảnh sát sẽ tìm cách để tiêu diệt bạn đấy! Một điểm cực kỳ xuất sắc nữa cần nhắc tới đó chính là sự tương tác chấn thương tới nhân vật. Đừng nghĩ rằng ngồi trong xe là bạn có thể thoải mái tông xe vào bất cứ mọi nơi mà không cần lo cho tính mạng của người ngồi trong xe. Chỉ một chút va chạm, nhân vật của bạn cũng sẽ mất máu và nếu chiếc xe của bạn va chạm càng mạnh thì nhân vật của bạn sẽ càng bị thương nặng. Đương nhiên, những chiếc xe càng va đập nhiều bao nhiêu thì cũng sẽ hư hại tùy theo mức độ va chạm mạnh hay nhẹ. Những nhà phát triển game còn chú ý tới cả sự va chạm giữa những chiếc xe lớn và xe nhỏ. Nếu người chơi điều khiển một chiếc xe tải thì khi va chạm với một chiếc xe con thì chiếc xe con sẽ văng ra. Những bộ phận trên xe như chắn bùn, cửa kính, gương chiếu hậu và lốp có thể phá hủy bằng những vũ khí từ gây bóng chày cho đến súng đạn. Vũ khí trong game bao gồm nhiều loại súng lúc, shotgun, molotov cocktail và đặc trưng là khẩu Tommy Gun đã từng quen thuộc trong nhiều bộ phim về Mafia. Trong những màn đấu súng, người chơi còn có khả năng điều khiển nhân vật lăn để né đạn hoặc nấp sau những chướng ngại vật, đối với ai đã từng chơi Max Payne sẽ dễ dàng nhận ra điều này, góp phần thêm thắt gia vị cho những màn đấu súng căng thẳng và nghẹt thở. Bối cảnh của game - thành phố Lost Heaven được thiết kế trên nền tảng là hai thành phố Chicago và New York những năm 1930 nên dễ dàng bắt gặp những phiên bản của các tòa nhà chọc trời 40 Wall Street và Chrysler Building trong Mafia. Lost Heaven là một thành phố rất rộng lớn bao gồm nhiều khu vực như khu phố Tàu (Chinatown), khu phố của người Ý (Little Italy), những khu vực ổ chuột cho đến những khu biệt thự trên đồi cao chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu hay những khu buôn bán trung tâm sầm uất. Một điểm hay là người chơi có thể rút bớt thời gian đi lại và lái xe chỉ bằng một cách đơn giản là sử dụng các phương tiện di chuyển trong thành phố như tàu điện hoặc tàu hỏa. Những chiếc xe trong Mafia đều có một lượng xăng nhất định nên trong mỗi khu vực của Lost Heaven đều có một trạm xăng. Khó có thể tìm thấy trong Mafia những căn nhà giống nhau "i như đúc". Ngoài ra Lost Heaven còn có những hạ mục công trình như sân bay, bến cảng, bảo tàng, nhà thờ, khách sạn, bệnh viện, đập nước như một thành phố thực sự đủ khiến cho người chơi choáng ngợp trước sự hào nhoáng và tráng lệ của mình. Không thể không nhắc đến chế độ Free Ride và Extreme Free Ride trong game. Riêng trong đó chế độ Extreme Free Ride chỉ mở ra khi đã hoàn tất game và bao gồm một số nhiệm vụ nhỏ mới. Giống với cái tên của mình, Free Ride sẽ giúp người chơi tự do vùng vẫy trong Lost Heaven mà không bị bó buộc với những nhiệm vụ. Trong chế độ Free Ride xuất hiện đơn vị tiền ($) và người chơi có thể sử dụng tiền để mua vũ khí, và dĩ nhiên để "nộp phạt" cho cảnh sát. Thậm chí, nếu không muốn sự hiện diện của "cớm", người chơi có thể tắt đi trong phần lựa chọn. Những ai đang và đã từng là fan của GTA có thể thỏa mãn phần nào với Mafia qua chế độ Free Ride! Một yếu tố tạo nên thành công cho Mafia đó chính là tính nhân văn. Không máu me, không bạo lực, nhưng Mafia vẫn đem lại cho người chơi một hình ảnh số phận của Tommy Angelo, người đã bắt tay với thế giới ngầm vì một cuộc sống sung túc hơn để rồi trả giá bằng chính mạng sống của mình. Xung quanh là cuộc chiến tàn bạo giữa hai phe Salleri và Morello nhưng Tommy vẫn có những hành động của một con người có trái tim nhân hậu như tha chết cho những "con mồi" mà ông trùm bắt phải thủ tiêu. Tuy có một kết cục không có hậu (sad ending) nhưng Mafia vẫn làm cho người chơi thấy được một nội dung "đẹp" và sâu sắc của mình. Khi phát hành phải nói rằng Mafia là những game có đồ họa đẹp nhất lúc bấy giờ và cho đến bây giờ đồ họa của Mafia vẫn còn được nhiều người nhắc tới. Sử dụng LS3D engine, engine "độc quyền" của Illusion Softworks (Hidden & Dangerous 2 cũng sử dụng engine này), Mafia đem lại những hiệu ứng đổ bóng và ánh sáng đẹp mắt mà không hề đòi hỏi cấu hình quá cao. Màu sắc của game cũng rất tươi sáng. Ấn tượng nhất là thiết kế nhân vật, có thể thấy được những nét biểu cảm của nhân vật tùy theo cảm xúc của nhân vật đó như khuôn mặt đăm chiêu của Don Salleri, vẻ mặt lạnh nhạt của Sam hay là cô nàng Sarah nữ tính và quyến rũ. Tất cả đều được thể hiện cực kỳ sinh động. Âm nhạc cũng góp phần giúp Mafia đoạt giải thưởng "Game có âm nhạc xuất sắc nhất". Khuất phục người chơi với những bản nhạc jazz xem chừng tẻ nhạt nhưng tạo nên những hiệu ứng đặc biệt cho khung cảnh của game, đôi lúc lại là những giai điệu, ca khúc với tiết tấu nhẹ nhàng. Một điểm nhấn nữa cho âm thanh là lống tiếng, các nhân vật chính đều được các diễn viên trong phim The Sopranos lồng tiếng. Có thể nói rằng, Mafia là một kiệt tác "đậm đà" nghệ thuật về game. Một thước phim thu nhỏ của xã hội tội ác những năm 30s, khiến cho chúng ta liên tưởng tới những bộ phim nổi tiếng The Godfather hay Goodfellas. Mafia đã gây một chấn động khi xuất hiện vào năm 2002 và trở thành một huyền thoại. Mới đây, 2K Games đã gây xôn xao dư luận bằng tuyên bố sẽ có Mafia 2 và tung ra trailer của game. Liệu Mafia 2 có tiếp bước thành công của Mafia và đưa "sê-ri Mafia" trở thành tượng đài của làng game? Ngày còn dài tháng còn rộng, hãy chờ xem... Hãng phát triển: Illusion Softworks Hãng phát hành: Gathering of Developers Thể loại: Hành động Hệ máy: PC Ngày phát hành: 29/8/2002 Viết bởi TTC
Thông tin bên lề về Mafia: Mafia (hay còn gọi là Cosa Nostra - tiếng Anh có nghĩa là "Our thing") là tổ chức tội phạm bí mật xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 ở Sicily, Italia. Cosa Nostra tập hợp hàng trăm tổ chức Mafia nhỏ lẻ theo gia đình hoặc các tập đoàn. Mỗi tổ chức đều hoạt động độc lập và kiểm soát một thị trấn, làng mạc hay thậm chí cả một thành phố, sau đó mở rộng địa bàn sang các nơi khác bằng nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất là buôn bán độc quyền và bạo lực. Vào sau những năm đệ nhị thế chiến (WWII), một số thành phần Mafia nhập cư sang Mỹ, Úc và mở rộng địa bàn tại đây, bắt chước những băng nhóm tội phạm ở Italia khai sinh ra Mafia Mỹ và Mafia Úc. Với người Mỹ, Mafia có nghĩa là "những băng nhóm tội phạm người Ý" chứ không riêng gì Sicily nữa. Theo nhà sử học: Paolo Pezzino: "Mafia là một tổ chức hoạt động phạm pháp có cơ cấu độc lập và nguy hiểm hơn những tên tội phạm riêng biệt". Quả thực như vậy, Mafia Mỹ có cơ cấu theo kiểu gia đình và liên kết với nhau thành những tập đoàn. Trong mỗi gia đình Mafia bao gồm những thành viên quan trọng chủ chốt như: Boss, ông trùm đầu não điều hành, trái tim của cả gia đình và là người có mệnh lệnh tối cao trong tổ chức, thường được gọi là "don" hay "godfather" (bố già). Tiếp sau đó là các Underboss, có thể gọi là các ông trùm "chìm", đứng thứ hai trong tập đoàn tội phạm chỉ sau những ông trùm. Một vị trí cũng rất quan trọng là Consigliere, những "quân sư chiến lược" trong mỗi gia đình Mafia. Tiếp theo đó là Caporegime (Capo), là những tên Mafia có kinh nghiệm chỉ huy một đội ngũ khoảng từ 7 - 9 tên đàn em. Ngoài những thành viên hay đàn em (Soldier) trong gia đình còn có Associate, nôm na là những tên nhóc lính mới chuyên phụ trách việc buôn bán lẻ thuốc phiện và những việc sai vặt. Một số tên trùm Mafia nổi tiếng trong lịch sử như Al Capone, Charles "Lucky" Luciano, Salvatore Maranzano và John Gotti đã trở thành hình mẫu cho những nhân vật "ông trùm" hư cấu trong những tác phẩm văn học và điện ảnh nổi tiếng. Lược dịch từ Wikipedia Một số điều bí mật thú vị trong Mafia: + Trong nhiệm vụ "Great Deal", Tommy, Sam và Paulie giao dịch với một nhân vật có tên là William Gates. Trong đoạn phim cắt cảnh Paulie gọi anh ta với cái tên là Bill. Tên của nhân vật phụ này giống với tên thật của tỷ phú Bill Gates ngoài đời. + Khách sạn Corleone trong nhiệm vụ "The Whore" có đôi chút liên tưởng tới gia đình Corleone trong tác phẩm The Godfather của nhà văn Mario Puzo. + Con đường và cây cầu Giuliano khiến người ta liên tưởng tới nhân vật Salvatore Giuliano trong cuốn sách The Sicilian cũng do Mario Puzo viết. + Trong nhiệm vụ "Just for Relaxation" có những chiếc thùng hàng các-tôn mang nhãn hiệu "Scorsese Import-Export". Thật trùng hợp là ngoài đời, đạo diễn Martin Scorsese cũng là đạo diễn của những bộ phim về xã hội đen như GoodFellas và Casino. + Cây cầu liên thông khu phố Tàu (Chinatown) với New Ark khá giống với cây cầu Aurora tại Seattle, Washington. + Sau khi hoàn thành màn đua xe trong nhiệm vụ "Fairplay", bạn sẽ thấy tên những tay đua tham gia cuộc đua đều mang tên những nghệ sĩ chơi thể loại nhạc metal như Mark "Barney" Greenway của ban nhạc Napalm Death, Chris Barnes của ban nhạc Cannibal Corpse, Page Hamilton của ban nhạc Helmet, và Kirk Windstein của ban nhạc Crowbar.