Rome: Total War - Cuộc chiến thành Rome

Thảo luận trong 'Thảo luận chung' bắt đầu bởi king_of_racing, 2/8/04.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. king_of_racing

    king_of_racing Legend of Zelda

    Tham gia ngày:
    18/3/04
    Bài viết:
    917
    Nơi ở:
    Đường Láng
    [​IMG]
    [​IMG]

    Khoảng vài năm trước, khi nhắc đến Creative Assembly (CA), không chỉ dân chơi game mà cả giới làm game cũng thấy xa lạ. Nhưng kể từ khi họ tung ra trò chơi Shogun: Total War thì mọi sự chú ý bắt đầu đổ dồn về chàng tân binh đến từ đảo quốc sương mù này. Các phiên bản xuất hiện sau đó cuốn hút các gamer không chỉ bởi cách chơi lôi cuốn hấp dẫn mà còn ở những thay đổi mới rất thú vị. Bẵng đi một thời gian, 'đóng cửa' để thực hiện dự án mới, CA 'tái xuất giang hồ' với một tin nóng hổi: họ sẽ tung ra Rome: Total War - một phiên bản có thể nói là chứa nhiều tham vọng nhất của dòng game Total War. Chỉ nghe tới đây thôi, những fan hâm mộ cuồng nhiệt đã 'đứng ngồi không yên', họ rất nóng lòng chờ đợi để xem mặt 'binh đoàn La Mã' méo tròn ra sao.

    Thời đại của những cuộc chiến
    [​IMG]



    Trước khi vén bức màn bí mật của RTW để tìm hiểu tại sao phiên bản này được nhiều người mong đợi, chúng ta hãy điểm sơ qua cốt truyện của game. Phần tiếp theo này có bối cảnh bắt đầu vào khoảng năm 246 trước Công Nguyên (đây là thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh Punic War lần thứ nhất) cho tới năm 14 sau Công Nguyên (năm hoàng đế Augustus băng hà). Đây là khoảng thời gian xảy ra rất nhiều trận chiến nổi tiếng gây xáo trộn xã hội La Mã thời bấy giờ, chẳng hạn: trận chiến 'Punic War' của Hannibal - thủ lĩnh dân Carthaginian (hay còn gọi là dân Phênixi - Phoenician); cuộc nổi dậy của Spartacus; nội chiến 'Civil War', Caesar dẹp loạn dân Gô-loa (Gaul)... Phần chơi chiến dịch trong game được xây dựng dựa vào những sự kiện nổi bật trên. Ngoài phần chơi này ra, game còn có những chiến dịch nhỏ hơn và tất nhiên giống như trước đây, RTW sẽ có những trận đánh lịch sử dành cho những tay chơi 'nóng tính' chỉ thích 'bày binh bố trận' hơn là ngồi quản lý kinh tế với những con số nhảy lên, nhảy xuống.

    Không ngừng hoàn thiện để trở nên hấp dẫn hơn


    [​IMG]


    Voi - đơn vị quân khổng lồ và đáng sợ nhất trong trò chơi

    Mỗi lần chơi một phiên bản Total War là một lần người chơi nhận thấy sự đổi mới và hoàn thiện trong cách chơi. Tuy thế, những thay đổi này vẫn chưa làm nhà phát triển hài lòng. Họ muốn những trận chiến trong game dữ dội và hoành tráng hơn, mô hình cảnh vật, đơn vị quân chi tiết hơn cũng như cách chơi phải ngày càng đa dạng hơn (nhưng vẫn giữ nguyên nét đơn giản gần gũi với người chơi). RTW ra đời dựa theo ý tưởng trên, vẫn giữ nguyên cách chơi như những game tiền nhiệm là dàn trận theo lượt (Turn Base Strategy). Trò chơi gồm hai phần: bản đồ chiến thuật (theo lượt) và điều binh khiển tướng (thời gian thực). Với bản đồ chiến thuật, người chơi sẽ hoạch định các kế hoạch kinh tế cho lãnh thổ của mình (khai thác mỏ, đánh thuế...), xây dựng quân đội, công trình, nghiên cứu nâng cấp. Ngoài ra bạn còn có thể đặt 'bẫy', sắp xếp quân phục kích, đưa ra các tính toán phòng thủ... dựa trên bản đồ chiến thuật này (đây là những tính năng mới của RTW). Tất nhiên những gì diễn ra trên phần bản đồ này đều theo lượt và bạn phải tính toán kỹ các nước đi vì bạn sẽ không 'hồi' lại được (trừ phi nạp lại trò chơi!).


    [​IMG]

    Bên cạnh phần kinh tế hấp dẫn đầy thử thách, trò chơi còn hứa hẹn nhiều phe phái cho bạn lựa chọn. Theo thông tin ban đầu từ phía nhà phát triển, game sẽ có khoảng 20 dân tộc bao gồm ba gia đình La Mã quyền lực nhất: Julian, Brutii, Scipio; dân Macedonia, Ai Cập, Carthage, Hi Lạp, dân Xen-tơ đến từ Anh Quốc... cùng nhiều dân tộc khác hiện chưa được tiết lộ nhiều. Mỗi dân tộc sẽ có những nét đặc trưng riêng về kinh tế, công trình, văn hóa... để khuyến khích người chơi tìm tòi, khám phá trò chơi nhiều hơn. Một số phe chỉ xuất hiện khi bạn hoàn tất trò chơi và lúc này những thử thách mới lại mở ra chờ đón bạn khai phá.


    [​IMG]

    Một trận đánh sáp lá cà hoành tráng với hàng vạn quân của hai bên.

    Hòa bình mãi rồi cũng có lúc xảy ra xung đột và thế là chiến tranh nổ ra. Đó là điều không thể tránh khỏi. Vào thời kỳ này, người La Mã không chỉ 'đau đầu' với những cuộc nổi loạn trong nước mà họ còn lo ngại trước sự lăm le gây hấn của những dân tộc khác (mà ngay chính bản thân họ cũng chẳng tốt lành gì khi đem quân xâm chiếm khắp nơi). Creative Assembly không bỏ lỡ cơ hội tái hiện lại những cuộc chiến này. Chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến và tham dự vào những trận đánh lớn với hàng ngàn quân lăn xả vào nhau. Những quân đoàn kị binh bọc giáp 'xuyên thủng' hàng quân trùng điệp của đối phương; những bức tường thành sừng sững vững chắc bị đổ vỡ tan tành dưới làn 'mưa tên, lửa đạn' từ những cỗ máy công thành khổng lồ, từ những 'bức tường' xạ thủ tầng tầng lớp lớp..., tất cả sự hoành tráng, khốc liệt và bi thảm của chiến tranh đều được RTW tái hiện một cách sống động và chi tiết. Thay vì những đơn vị quân được vẽ 'lí nhí' như những phiên bản trước, giờ đây chúng được dựng hình 3D chi tiết và sắc nét, bạn có thể phóng to thu nhỏ để nhìn cận cảnh từng vết xước, từng miếng 'vảy cá' trên bộ giáp của quân lính. Không chỉ vậy, các thành quách giờ đây không chỉ là bốn bức tường trống rỗng bên trong, những gì bạn xây dựng trên bản đồ chiến thuật (3 chiều) sẽ xuất hiện với những chi tiết sắc sảo. Và khi bạn tác động như phá hủy, đốt cháy..., chúng sẽ biến mất không chỉ trước mắt bạn mà còn trên bản đồ chiến thuật. Ví dụ như trên bản đồ chiến thuật, bạn xây dựng ngôi nhà ba tầng thì trên chiến trường, ngôi nhà ba tầng này sẽ xuất hiện với đầy đủ chi tiết. Khi bạn phá căn nhà này thì hình dạng của nó trên bản đồ chiến thuật cũng thay đổi theo. Khung cảnh cũng được áp dụng tương tự, trên bản đồ chiến thuật bạn thấy núi, sông, rừng cây, những kỳ quan thế giới..., chúng sẽ được tái hiện lại đúng vị trí dưới dạng 3D. Nghe nói rằng phần bản đồ không chỉ bao quát khu vực châu Âu mà còn có vùng Trung Đông và Bắc Phi. Như vậy, người chơi sẽ tha hồ thưởng thức cảnh vật khắp nơi và 'đụng độ' với rất nhiều trận đánh (vì thời này quân La Mã đi đến đâu là ở đó có chiến tranh).

    Ngoại giao - Cuộc chiến không tiếng súng



    Một trận đánh diễn ra ở Ai Cập.
    [​IMG]

    Kinh tế, quân sự và ngoại giao là ba nhân tố không thể tách rời trong thời đại vua chúa ngày xưa (mà thời nay cũng vậy). Creative Assembly đã nâng phần ngoại giao trong RTW lên một mức cao hơn. Ngoài những kiểu ngoại giao mà bạn đã gặp trong những phiên bản trước như gả con bang giao, cử sứ thần liên kết đồng minh..., người chơi giờ đây có khả năng yêu cầu cống nạp, mua bán thông tin, bán thành phố, đất đai để lấy tiền hoặc đổi lấy sự đồng ý hòa hoãn không tấn công từ phía quân thù... Nói tóm lại, những chiêu thức được con người sử dụng từ thời xa xưa đều được tái hiện lại trong game và bạn tha hồ mà 'xoay sở'!

    Đổi mới phần chơi mạng




    Những gì bạn xây dựng trên bản đồ chiến thuật sẽ xuất hiện dưới dạng 3D..
    [​IMG]
    Nhớ lại những phiên bản Total War trước đây, tuy phần chơi đơn rất hấp dẫn nhưng mục chơi mạng lại quá sơ sài, chỉ đơn giản là người chơi chọn cho mình phe, loại lính thích hợp rồi xung trận với đối phương (người hoặc máy). Có rất nhiều lời yêu cầu được gửi về Creative Assembly đề nghị nên đưa phần chơi đơn (chiến dịch - campaign) vào mục chơi mạng, và nay lời thỉnh cầu đó đã được đáp ứng. Bạn có thể chơi phần chiến dịch này với bạn bè qua mạng LAN hoặc với những người xa lạ trên Internet. Lúc này cuộc 'thư hùng' không chỉ đơn thuần là những màn phô diễn quân đội nữa mà là những pha 'đối đầu cân não' trên bản đồ chiến thuật rất thú vị. Bạn có thể liên kết đồng minh tấn công đối phương, hợp tác giao thương, viện trợ (kinh tế, quân sự) hoặc đơn thuần thực hiện 'mưu đồ bá vương' cho riêng bản thân.

    Lời kết

    Chỉ điểm sơ qua những tính năng chủ yếu của RTW có thể thấy game đang làm một cuộc 'cách mạng' thật sự, hứa hẹn trở thành một trong những game dàn trận hay nhất trong năm 2004 này. Thực hư ra sao, có lẽ phải chờ bản game chính thức xuất hiện, lúc đó chúng ta sẽ có nhiều thứ để bình luận và tranh cãi.
     
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này