Truyện ngồi sáng tác vui chơi, mời anh em đọc Vạn đại danh tướng Lời tựa Đình Tuấn vốn là một cậu sinh viên, trong một lần đi cáp treo bị tai nạn mà rơi xuống vực thẳm, lọt vào khoảng không gian kỳ bí xuyên việt trở về thời kỳ nhà Hậu Lê trong thân phận Đinh Trung, con trai của tướng quân Đinh Liệt vào đúng lúc liên tiếp xảy ra binh biến thời Nhân Tông – Nghi Dân – Thánh Tông. Hắn phải làm sao đây khi kiến thức của hắn chỉ là mớ thông tin lịch sử về đại khái những gì sắp xẩy ra và chút tri thức khoa học vượt hẳn so với thời đại này, nhưng hắn lại hoàn toàn không biết chữ Hán và những quy tắc, lễ nghĩa của thời xưa... - - - Updated - - - Chương 1: Binh biến Diên Ninh (1) A, a... Đau đầu quá, hắn đang ở đâu thế này, phải chăng là âm tào địa phủ. Thứ duy nhất hắn còn nhớ được là hắn vừa bị trượt ra khỏi buồng cáp treo đi lên Bà Nà trong chuyến đi du lịch. Không, có vẻ không giống như hắn đã chết, hay là hắn vừa nằm mơ, hoặc đã được cứu. Hắn mở mắt ra, hình như đây không phải là bệnh viện, hắn thấy mình đang nằm dựa vào một chiếc cột trụ nhà khá to và cao, quang cảnh xung quanh có vẻ giống như là một ngôi đền hoặc chùa lớn với nhiều hoa văn chạm trổ rồng phượng cổ kính. Có lẽ người ta đã cứu hắn và đưa lên khu du lịch chăng? Nhưng sao trên người hắn lại đang mặc một bộ giáp sắt, chà... cũng khá nặng chứ chẳng bỡn, cạnh hông hắn sờ thấy một thanh đao, có vẻ giống với mấy thanh đao hắn hay xem trên phim Tàu. Bộ đang đóng kịch sao, dù thế nào thì hắn thấy còn sống là tốt rồi. Trời lúc này đã tối và se lạnh, và trước mắt hắn là một chiếc lò lửa, chắc để sưởi ấm, hắn bèn đứng dậy và lại gần. Bất chợt, hắn thấy hai bóng người chạy lại, may quá, hắn vừa định mở miệng hỏi thì một trong hai kẻ đó, cũng ăn mặc kiểu lính thời cổ vòng tay thành quyền rồi hướng về phía hắn nói: - Đinh đại nhân, Lê tướng quân truyền gọi. Oắt giờ heo?, cái gì mà Đinh đại nhân với Lê tướng quân, tính gạt mình làm trò gì đây, hắn tên là Nguyễn Đình Tuấn mà. Toan mở miệng nói lại với tên kia thì hắn đã nói tiếp: - Vừa nãy đại nhân uống say quá ngất đi, bọn tiểu nhân lo đến vỡ mật, sợ hỏng mất việc lớn tướng quân giao phó. - Ờ, ờ, - hắn nhìn người trước mặt mà suy nghĩ đoan chắc mình không biết người này, hơn nữa trông vóc dáng cũng không giống đang giả vờ, đóng kịch cho lắm. Hắn từng đọc mấy truyện xuyên việt trên mạng rồi, hay là hắn đang giống như thế, thôi cứ đi rồi sẽ biết. Nghĩ rồi hắn khoác tay ra hiệu cho hai người kia đi trước, tất nhiên rồi, vì hắn làm gì...biết đường!!! Hai người dẫn hắn đi qua một đoạn đường dài lát gạch, mà hắn có cảm tưởng như trong Văn Miếu đã có lần hắn vào, rồi tiến vào một căn nhà kiến trúc kiểu cổ nhưng sơn và gỗ trông rất mới. Trong phòng đã rất nhiều người đứng thành 2 hàng, coi sắc phục đều có vẻ là tướng lĩnh, vì họ đều mang khôi giáp và đao kiếm trông còn “ngầu” hơn cả cái hắn đang mặc. Ở phía trong cùng đặt một chiếc ghế lớn, một thanh niên vận áo lụa thêu hình rồng, dáng vẻ là thủ lĩnh đang ngồi chễm chệ, đứng hầu cạnh là một kẻ mang dáng vóc văn nhân, trái ngược hẳn với đám võ biền xung quanh. Hắn vừa bước vào, thì một viên võ quan mặc cẩm bào bước ra giơ tay ra hiệu cho 2 tên lính đi theo hắn quay ra đóng cửa, rồi quay về phía người thủ lĩnh đang ngồi nói: - Khởi bẩm vương gia, tất cả đều đã chuẩn bị xong, có thể tiến hành được rồi. Người thủ lĩnh quay sang phía tên văn nhân đứng cạnh hỏi: - Phạm Công thấy mọi việc ổn chưa? Tên Phạm công trả lời: - Theo thần, còn cần sai người đến Phủ Cung Vương và Gia Vương để giám sát, ngoài miệng cứ nói là phụng mệnh đến bảo vệ. - Được, Lê tướng quân hãy sai người làm theo lời Phạm Công. Viên Lê tướng quân liền quay lại, ra lệnh: - Tô Toàn, Đinh Trung nghe lệnh. Đình Tuấn nhìn thấy một kẻ trong hàng bước ra, tay ôm quyền, nhìn trang phuc giáp trụ của hắn có vẻ giống hệt mình thì chột dạ, chợt nhớ ra lúc nãy hai tên kia cũng gọi mình là “Đinh đại nhân”. Nghĩ vậy, hắn liên bước lên đứng cạnh Tô Toàn, nhưng không nói gì ra, ta chỉ ôm quyền bước chước kẻ kia. - Tô Toàn, Đinh Trung, hai ngươi dẫn người đến phủ Cung Vương và Gia Vương bẩm với 2 vị vương gia là trong thành có biến, phụng mệnh hoàng thượng đến bảo vệ họ. Lệnh cho các người vậy chặt 2 vương phủ, nội bất xuất, ngoại bất nhập. - Mạt tướng tuân lệnh - Tô Toàn hô rất to, còn Đình Tuấn, giờ đây là Đinh Trung thì mấp máy môi theo, dù sao cũng chẳng làm viên tướng họ Lê bận tâm. Tô Toàn ngoảnh sang Đình Tuấn nói: “Đinh huynh hãy sang phủ Gia Vương” rồi cùng nhau bước ra phía bên ngoài. Đình Tuấn thấy ở ngoài đã có hơn 2 chục tên lính chia làm 2 đội, Tô Toàn không ngần ngại bước sang trái rồi nhẩy lên con người do tên lính dắt tới, đoạn dắt đám người bên trái đi rất khẩn trương. Còn lại Đình Tuấn đứng trơ ra không biết làm gì cho đến khi tên lính dắt ngựa lại gần nói với hắn: - Đinh đại nhân, chúng ta đi thôi. Cưỡi ngựa ư, đùa với ta à... Đình Tuấn nghĩ. Nhưng dù sao cũng còn may, vì con ngựa đã được tên lính giữ, hắn “bò” lên cũng không khó lắm, và tiện thể cúi người xuống nói nhỏ với tên lính: - Người có biết đường đến phủ Gia Vương không? - Tiểu nhân biết, để tiểu nhân dẫn đường. - Tốt, ngươi tên là gì? - Bẩm, tiểu nhân là Nguyễn Lân. Cũng may tên Nguyễn Lân này khá thông minh, thấy Đình Tuấn có vẻ vất vả với con ngựa nên hắn cũng không buông tay mà dắt đi trước, đám lính còn lại xếp thành hàng bước theo sau. Đình Tuấn liền tranh thủ hỏi hắn vài điều: - Mà Gia Vương là ai nhỉ? Nguyễn Lân quay lại tròn mắt nhìn hắn, hắn đành phải xua tay: - Vừa tay ta uống rượu say quá đến bản thân mình còn quên, nên muốn định thần lại một chút... - Thảo nào, tiểu nhân còn tưởng đại nhân đùa. Quan Thái bảo là bậc khai quốc công thần, đại nhân chắc cũng không lạ gì với hoàng thất. Gia Vương là tứ hoàng tử của tiên đế, là hoàng đệ của hoàng thượng. - Ờ, ờ... thế quan Thái bảo là ai? – Hắn nói xong nghĩ chắc tên Nguyễn Lân này tưởng mình điên. Không ngờ Nguyễn Lân tỏ ra như thường, nói: - Chắc mấy hôm nay đại nhân bận việc trong Cung nên chưa về phủ, phụ thân đại nhân vừa nhận được ân điển của Hoàng thượng làm Thái bảo, hôm đó tiểu nhân theo Quan truyền chỉ đến phủ nhà đại nhân nên được biết. Họ Đinh, làm Thái bảo.... hừm, hắn cũng hay vào lichsuvn nên cũng có rành lịch sử một chút, giờ chỉ cần hỏi câu quyết định là sẽ biết ngay hắn đang ở đâu. - Năm nay là năm gì nhỉ? – Một lần nữa hắn sẽ tưởng Nguyễn Lân ngạc nhiên lắm, nào ngờ hắn đâu biết dạng con ông cháu cha như hắn mà ở trong Cẩm y vệ thường là không biết chữ, nên không biết đích xác năm tháng là thường, vậy nên tên kia bình thản trả lời: - Diên Ninh năm thứ 6. - - - Updated - - - Chương 2: Binh biến Diên Ninh (2) Diên Ninh năm thứ 6... Đúng rồi, nếu là niên hiệu Diên Ninh thì đây là thời Lê Thánh Tông, hắn là Đinh Trung, con quan Thái bảo họ Đinh thì chỉ có thể là Đinh Liệt, khai quốc công thần nhà Lê. Những chuyện này hắn biết, còn chắc vị Gia Vương hắn sắp đến đây là Lê Tư Thành, sau này sẽ là vua Lê Thánh Tông, cũng do cha hắn, Đinh Liệt làm binh biến mà đưa lên. Hừm, vậy chẳng lẽ hắn vừa tham dự âm mưu binh biến của Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân. Hỏng bét, chưa gì đã thành phản thần tặc tử sao... hắn đang suy nghĩ thì Nguyễn Lân bảo với hắn: - Đại nhân, đã đến phủ Gia Vương rồi. Hắn ngẩng đầu lên, thấy trước mắt là một tòa phủ đệ, trên có tấm biển đề mà chữ duy nhất hắn đọc được là chữ Hán “Vương”, chắc là đúng. Hắn quay lại bảo đám lính đằng sau: - Các người chia ra canh gác cẩn thận cho ta, Nguyễn Lân, ngươi theo ta vào yết kiến vương gia. Nói rồi hắn xuống ngựa, Nguyễn Lân bước lên trước đập cửa, một lát sau có một người trung niên mặc quần áo dáng vẻ gia đinh mở cửa ra ngáp ngủ hỏi: - Các ngươi là ai, sáng sớm ra đã đến phủ Vương gia quấy nhiễu? - Chúng ta phụng mệnh hoàng thượng đến bảo vệ Vương phủ, ngươi hãy vào thông báo với thái phi và vương gia có Đinh đại nhân từ Cẩm y vệ xin yết kiến. – Nguyễn Lân trả lời hắn. Tên gia đinh quay vào chừng khoảng 5 phút, theo Đình Tuấn ước lượng, vì hắn biết thời này làm quái gì có đồng hồ tính giờ, phút, thì trở ra mở rộng cửa nói: - Mời Đinh đại nhân. Hắn bước vào theo sự hướng dẫn của tên gia đinh, đi sau là Nguyễn Lân. Đi thẳng vào gian nhà lớn nhất trong Phủ, có lẽ là phòng khách, hắn thấy một mệnh phụ ăn mặc có phần giản dị cùng một thiếu niên chừng mười tám, hai mươi tuổi, khuôn mặt anh tuấn, dáng vóc thư sinh khoác áo thêu rồng gần giống với kẻ hắn đã nhìn thấy trong cùng đang ngồi chờ. Hắn đoán mệnh phụ kia là tiệp dư, giờ là Thái phi Ngô Thị Ngọc Dao, còn thiếu niên kia chắc là Gia Vương Lê Tư Thành, Đình Tuấn liền bước tới nói: - Mạt tướng Đinh Trung khấu kiến Thái phi, Vương gia. Thái phi Ngọc Dao bảo hắn: - Miễn lễ đi, Đinh tướng quân cứ ngồi xuống rồi nói chuyện. - Bẩm Thái phi, trong kinh thành có chút biến loạn, mạt tướng phụng hoàng lệnh đến đây bảo vệ cho Thái phi và Vương gia. Gia Vương mặt biến sắc hỏi: - Có chuyện gì vậy? - Vương gia thứ cho mạt tướng địa vị thấp kém, quả thực cũng không rõ có chuyện gì. Mạt tướng chỉ theo lệnh chấp hành. - Các ngươi có bao nhiêu ngươi đến đây? – Ngô Thái phi hỏi - Dạ, có tất cả là 13 anh em thuộc Cẩm y vệ. - Chắc các ngươi cũng mệt rồi, ngươi hãy vào dặn nhà bếp cho họ thứ gì để ăn sáng – Thái phi quay sang bảo tên gia đinh – còn Đinh tướng quân hãy ở đây dùng bữa với chúng ta. - Tạ ơn Thái phi – hắn quay sang ra hiệu cho Nguyễn Lân đi theo tên gia đinh. - Gia phụ ngươi vẫn khỏe chứ? Hỏi đến cha ta, chà, tức là Đinh Liệt tướng quân. - Ờ, Bẩm Thái phi, gia phụ vẫn mạnh khỏe, tạ ơn Thái phi quan tâm. – Hắn đành đáp bừa. - Từ sau khi quan Nhập nội hành khiển (chỉ Nguyễn Trãi) gặp nạn, mẹ góa con côi ta may được gia phụ cùng nhạc phụ ngươi hết lòng chiếu cố che chở, thực lòng ta rất hàm ơn. Gì nữa đây, nhạc phụ? Tên Đinh Trung này có vợ rồi à, Đình Tuấn hết sức hoang mang, có quá nhiều thứ hắn không biết. Hắn đành đáp ấm ớ: - Dạ, đó là bổn phận của thần tử như chúng thần với tiên đế. Xin Thái phi và Vương gia hãy yên tâm, dù phải chết, thần cũng sẽ bảo vệ sự an toàn cho hai người. Hắn vừa dứt lời, chợt thấy một tên gia đinh chạy vào báo: - Thưa Thái phi, có quan Thái bảo Đinh Liệt xin cầu kiến. - Mau mời quan Thái bảo vào. Ái chà, nhắc Tào Tháo là Tào tháo đến, hắn sẽ giáp mặt “cha” mình đây. Hắn ngước mắt ra cửa thấy Đinh Liệt đang bước vào. Quả không hổ danh là danh tướng của triều Lê, Đinh Liệt dù tuổi đã ngoại ngũ tuần nhưng vẫn rất tráng kiện, mặt dàn dày sương gió với bộ râu quắc thước của một vị chiến tướng, dù ông đang khoác trên mình áo văn quan. Theo sau là 2 tên hộ vệ giáp trụ đầy đủ, nhìn khí thế bất phàm, chứng tỏ cũng là người từng theo Đinh Liệt trải nhiều trận. Hắn không biết nhiều quy tắc, nhưng thôi tạm thời thấy Đinh Liệt vào, hắn đứng lên thi lễ thì đã thấy ông ra hiệu không cần và tiến vào quỳ xuống trước mặt Ngô Thái phi và Gia Vương khóc lớn: - Hoàng thượng đã băng hà rồi.... ..... Quả nhiên, đúng là hắn đã xuyên việt về thời Lê, lại đúng lúc binh biến của Lê Nghi Dân mới chết nữa chứ... Nằm trong phòng ở phủ họ Đinh, hắn suy nghĩ miên man. Sau khi Đinh Liệt đến đã kể rõ mọi sự tình với Thái phi và Gia Vương, Lê Nhân Tông đã bị hại, Nghi Dân đã lên ngôi, cải niên hiệu là Thiên Hưng. Sau đó, Đinh Liệt bảo hắn quay về phủ họ Đinh, đích thân ông sẽ đưa mẹ con Gia Vương vào cung bái kiến theo lệnh của tân quân. Chợt có tiếng bước chân tiến vào phòng, hắn bèn giả vờ ngủ thì nghe thấy một giọng thiếu nữ nhu mỳ cất lên khiến hắn giật mình đánh thót: - Tướng công.... - - - Updated - - - Chương 3: Thiếu phu nhân Nghe tiếng gọi, hắn biết người này là vợ mình, bèn giả vờ uể oải mở mắt ra thì trước mặt là một thiếu nữ chạc đôi mươi có khuôn mặt khá xinh xắn, trắng trẻo,...chà, nếu ở thời hiện đại chắc cũng đáng được là hót gơn đấy, nhưng kỳ lạ là trái với suy nghĩ của hắn, cô gái này lại đang vận một bộ võ phục khá gọn gàng, trước ngực còn mang cả một mảnh giáp, chắc là hộ tâm phiến, bên hông vẫn còn mang một thanh đao. Quả là kỳ lạ, bởi theo hắn nhớ thì thời này phận nữ nhi phải khép mình sau phòng the, yểu điệu nhu mì chứ đâu có bộ dạng thế này. Hắn được thiếu nữ đưa tay đỡ dậy liền ngồi lên rồi hỏi: - Sao nàng lại ăn mặc thế này? Thiếu nữ tròn xoe mắt nhìn hắn rồi cười: - Tướng công khéo đùa, đêm qua kinh thành biến loạn, phụ thân chàng và thiếp đều tức tốc vào cung, chàng lại không ở phủ nên người lệnh cho thiếp tập hợp gia đinh sẵn sàng, một là bảo vệ phủ, hai là có chuyện gì còn có thể trợ giúp hai nhà chúng ta. Hắn chẳng hiểu gì cả, chỉ khẽ gật đầu, thiếu nữ lại nói tiếp: - Ở đây có chút bánh điểm tâm nhà bếp vừa làm, chàng ăn tạm, thiếp còn phải ra ngoài phân phó việc cho đám gia đinh. Nói rồi thiếu nữ đứng lên đi ra khỏi phòng, hắn nhìn theo thấy dáng người nàng thanh tú, nhưng chân bước rất mau lẹ, chứng tỏ không phải là dạng yểu điệu thục nữ, bất giác lấy làm khó hiểu. Thôi kệ, cứ ăn đã... hắn nghĩ vậy và không ngần ngại bóc mấy chiếc bánh ra ăn, chợt có tiếng động, một tên gia đinh bưng một chậu nước vào nói: - Để con hầu cậu rửa mặt. Hắn uể oải gật đầu thì thấy tên gia đinh cười cầu tài với hắn nói nhỏ: - Đêm qua cậu qua chỗ của Lan nhi chơi phải không ạ? - Cái gì mà Lan nhi? – hắn hỏi lại. - Thiếu phu nhân đã ra ngoài rồi, cậu không phải sợ đâu. Quả là kiểu bợ đỡ của đám người dưới, nhưng cũng tốt, để tra hỏi tên này ra mọi thông tin ta cần, hắn liền vẫy tay cho tên gia đinh lại gần để lân la hỏi chuyện... Hắn đã xuyên việt và ở lại phủ Đinh được năm ngày. Giờ thì hắn đã thông tỏ, thì ra Đinh Liệt vốn dĩ có năm người con. Người anh cả của hắn thì đã sớm theo Đinh Liệt chiến đầu với quân Minh năm xưa và hy sinh, người anh thứ hai thì do bạo bệnh trong thời kỳ cả nhà bị thái hậu Nguyễn Thị Anh giam cũng đã qua đời. Trên hắn còn có một người chị đã được gả vào cung làm phi cho Nhân Tông, ở nhà chỉ còn hắn và một người em gái nhỏ. Vì hắn là người con còn lại duy nhất, nên trong phủ Đinh khá được nuông chiều, vốn dĩ Đinh Liệt định cho hắn theo nghề võ, nhưng mẫu thân hắn không cho vì sợ lại chết ngoài chiến trận. Đinh Liệt đành cho hắn học chữ để tập ấm bổ vào Sùng văn quán, nhưng chưa kịp theo thầy thì cả nhà đã bị giam. Sau khi được thoát tội, do hắn còn chưa biết chữ, lại là con quý tộc nên được sung vào Vệ Cẩm y. Dựa vào cha hắn là quan Thái bảo, chị hắn là phi của Nhân Tông nên lên ngay chức Đội trưởng trong Cẩm y vệ. Cha hắn với quan Thiếu bảo Nguyễn Xí là thâm giao, nên theo đính ước lấy con gái Nguyễn Thị Liên gả cho hắn làm vợ. Thiếu phu nhân Liên nhi của hắn là con nhà tướng, dù là phận nữ nhưng được phụ thân nuông chiều nên văn võ đều đảm lược cả. Đinh Liệt biết con mình văn dốt võ dát, được nuông chiều quá lâu, nay có người vợ đảm thì rất vui mừng, vì thế việc trong ngoài phủ đều giao cả cho nữ trung hào kiệt này. Bởi vậy trong phủ, hắn còn sợ thiếu phu nhân của mình một phép, nhưng tính tên Đinh Trung này lại ham chơi, rất hay tụ tập còn đám công tử vô công rỗi nghề đi trêu hoa gẹo nguyệt, còn dan díu với ca kỹ ở Đông thành. Chỉ là Đinh Trung “hồn Trương Ba da hàng thịt” này tự nhiên mấy ngày sau sự biến Diên Ninh lại tỏ ra rất ưu tú, không những không tụ tập ăn chơi mà còn chăm chỉ ở lại phủ thường xuyên thăm hỏi cả phụ thân lẫn nương tử khiến Đinh Liệt và Liên nhi tỏ ra vui mừng ra mặt. Đinh Liệt từ sau binh biến, dù cùng với các lão thần rất không phục hành động giết vua đoạt ngôi của Nghi Dân, nhưng dù sao cũng là dòng dõi đức Thái Tông, nên vẫn không có hành động gì, ai nấy đều giữ nguyên chức cũ. Duy có điều, các đại thần thường xuyên bị Nghi Dân triệu vào cung giữ ở sảnh đường, tiếng là thương nghị việc quốc gia đại sự, kỳ thực là dò xem ý tứ và tiện bề kiểm soát nên Đinh Liệt thường xuyên không ở phủ, việc nhà đều giao lại hết cho Đinh Trung và Liên nhi. Liên nhi quả là người vợ đảm, lại còn văn võ song toàn, một tay quán xuyến hết việc trong phủ Đinh, bởi tên Đinh Trung ngày nay tuy không còn hư hỏng như xưa nhưng dù sao cũng vẫn là hạng văn võ đều không biết. Hắn cứ hai ngày lại vào Cung trực trong Vệ Cẩm y một lần, còn lại đều ở trong phủ đi lại hỏi chuyện, vừa tìm hiểu vừa ra vẻ thể hiện sự quan tâm. Đinh Trung hôm nay nhàn rỗi, đang ngồi trong phủ nhìn ra phía ngoài mơ màng nhớ về thời hiện đại thì chợt thấy ba người mặc y phục Cẩm y vệ bước vào, đi đầu chính là tên Tô Toàn lần trước thi hành nhiệm vụ cùng hắn. Hắn định bước ra chào thì đã thấy Tô Toàn cúi đầu thi lễ nói: - Thuộc hạ xin chúc mừng đại nhân. - Ta có việc gì mà Tô huynh chúc mừng? – Hắn ngạc nhiên hỏi lại. - Đại nhân tuổi trẻ tài cao, lọt vào tầm mắt của hoàng thượng nên người đã ân điển chuẩn y cho đại nhân thăng lên làm Thiêm sự chỉ huy Sứ. Đại nhân tiền đồ rộng mở, thật là đáng mừng lắm lắm. Hắn nghe mà giật mình đứng sững khiến Tô Toàn lại tưởng hắn vui quá nên không biết nói gì, có biết đâu với Đinh Trung như thể sét đánh bên tai. Vốn dĩ với người khác, thăng quan tiến tước là điều vui, nhưng Đinh Trung “xuyên việt” này vốn dĩ biết rõ Nghi Dân chỉ là ông vua “tạm”, chẳng mấy chốc sẽ bị phế, cái đám thuộc hạ đi theo cũng chẳng có kết cục tốt đẹp gì. Hôm trước hắn đã lỡ tham gia vào phản quân của Nghi Dân, nhưng ít ra cũng là đi bảo vệ phủ Gia Vương Tư Thành, sau này Gia Vương lên ngôi thì hắn có thể không những chối tội, mà còn tự nhận công lao lao động đường phố thánh chúa của mình. Giờ đây thì Nghi Dân lại thăng quan cho hắn, sau này khi ông Vua phản nghịch này bị hạ bệ thì hắn chẳng phải là thê thảm lắm sao. Hết rồi... thật là hết rồi...Chắc số hắn kiểu gì cũng phải chết, như phim Final Destination vậy, Đinh Trung ngán ngẩm nghĩ... - - - Updated - - - Chương 4: Long hổ tướng quân (1) [HIDE]Đinh Trung tiễn Tô Toàn xong rồi trầm tư quay vào Phủ. Hắn không lo lắng sao được khi giờ trở thành một trong những công thần của vụ Nghi Dân giết vua đoạt ngôi, được thăng thưởng quan tước. Tô Toàn còn cho biết, Phạm Ban, gã văn nhân đầu sỏ hiến kế cho Nghi Dân, mà hắn thấy hôm trước lệnh cho hắn ngày mai đến Sùng Văn quán thương nghị. Hắn khẽ thở dài một tiếng, bất chợt thấy thoang thoảng một mùi hương dễ chịu rồi nghe thấy tiếng ôn nhu của Liên nhi: - Tướng công đang lo lắng chuyện gì sao? Hắn quay sang thì đã thấy Liên nhi bước đến ngay bên cạnh, đằng sau là một thị tỳ đang bưng bát canh, chắc cho hắn giải rượu sau buổi thết đãi Tô Toàn vừa xong. Cảm giác bất an về sự sống chết của mình khiến hắn chợt thấy cô gái đứng trước mặt mình thân thiết một cách kỳ lạ. Dù hắn là người hiện đại, tâm tư rất khoáng đạt, qua mấy ngày ở cùng với Liên nhi cũng nẩy sinh tình cảm, nhưng có lẽ đó chưa phải là tình yêu thực sự. Thế mà hôm nay hắn lại thấy rất gắn bó với người vợ từ trên trời rơi xuống này đối với hắn. Đinh Trung theo thói quen người hiện đại, quay sang nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Liên nhi, một tay khẽ vuốt mái tóc nhìn nàng rất thắm thiết rồi cúi đầu định thơm nhẹ vào đôi má bầu bĩnh của cô. Lẽ dĩ nhiên với Đinh Trung – tức là Đình Tuấn ở thế kỷ 21 thì chẳng có gì là lạ với những hành động này, nhưng Liên nhi là cô gái thời phong kiến, dù tâm tính có già dặn so với cái tuổi mười tám của nàng thì những việc này, kể cả với lang quân của mình cũng rất lạ lẫm. Nàng đỏ mặt thẹn thùng khẽ lùi lại theo tự nhiên rồi quay sang thị tỳ nói: - Người cứ để bát canh lên bàn, tý nữa thiếu tướng quân sẽ dùng. Ngươi cứ đi làm việc khác được rồi. Đinh Trung thấy thế chợt hiểu chuyện. Hắn cười sảng khoái, y như khi còn là Đình Tuấn nếu nhìn thấy sự thẹn thùng của bạn gái mình vậy. Lòng cũng nhẹ nhõm nhiều hơn, hắn liền bảo với Liên nhi: - Nàng ngồi xuống đây với ta, ta có chuyện này muốn nói với nàng. Liên nhin liền ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh bàn. Hắn liền đem kể hết một lượt mọi chuyện Tô Toàn vừa qua nói, rồi khẽ thở dài than: - Hiện nay triều đình rối ren. Tân quân…. Nàng biết rồi đấy, cả phụ thân của ta và các lão thần đều không cho rằng là đúng. Nay ta được thăng chức, chẳng may sau này lại có biến, thay ngôi đổi chủ thì chẳng phải là hại cho bản thân ta, còn liên lụy đến cả nàng sao? - Chàng đừng lo lắng quá, dù sao cũng còn phụ thân của hai ta. Bất chợt Liên nhi mắt sáng lên, như vừa nghĩ ra một ý hay: - Phụ thân chàng hôm qua được triệu vào Cung đến giờ vẫn chưa về, nhưng phụ thân thiếp vẫn ở phủ, sao chàng không qua hỏi ý người? - Hỏi phụ thân nàng ư? - Vâng. Phụ thân thiếp trước cũng theo Thái Tổ gia chinh chiến, trải qua trăm trận mới thu phục lại được giang sơn Đại Việt ta. Người từng bị bọn giặc Ngô (1) bắt cùng bá phụ (2) của chàng, nhưng đã dùng mưu mà thoát được. Thái Tổ gia lần đó hết lời khen ngợi cha, còn ban tặng hiệu Long hổ tướng quân nữa. Chắc chắn người sẽ nghĩ được mưu giúp cho chàng. Dĩ nhiên Đinh Trung biết Nguyễn Xí là một danh tướng, khai quốc công thần từng cùng chống giặc Minh với Lê Lợi. Hơn nữa, sau này chính Nguyễn Xí và Đinh Liệt, cha Đinh Trung là 2 người đứng đầu trong việc đảo chính, giết Nghi Dân và lập Lê Thánh Tông. Nghĩ vậy, hắn liền cùng Liên nhi đi ngay sang phủ nhà họ Nguyễn. Quả không hổ là phủ của tướng quân, Đinh Trung vừa bước vào đã thấy một đám người đang mặc võ phục tập luyện bên ngoài. Vốn dĩ Nguyễn Xí có đến 8 người con trai, ai nấy cũng đều theo nghiệp cha, võ nghệ cao cường, thường được bạn bè khen là Bát dũng. Trong đám người đang luyện võ lúc hắn vào có lão tứ, lão ngũ, lão thất và lão bát trong Bát dũng, họ xưa nay đối với chuyện Liên nhi lấy Đinh Trung, một kẻ chẳng ra gì là chuyện không hài lòng. Liên nhi thấy các anh liền bước lại cười tươi như hoa chọc: - Bốn huynh chăm chỉ luyện võ thế này, định theo cha làm đại tướng quân đi đánh Chiêm Thành hay sao. (3) Lão bát trẻ tuổi nhất, tính tình còn trẻ con nên thấy Liên nhi liền nói mát cho Đinh Trung nghe thấy: - Bọn ta chẳng qua rảnh rỗi hoạt động cho thư giãn gân cốt thôi. Nào có phải như Cẩm y vệ võ công cao cường nên chẳng cần phải luyện tập. Đinh Trung biết hắn nói mình, nhưng hắn là người hiện đại, nghe mấy câu đấy cũng chỉ như đùa vui. Vả lại thấy Liên nhi kêu là huynh trưởng, nên chắc là anh của nàng, hắn bèn đáp lại ngay: - Các huynh đều võ công cao cường. Bản thân đệ thật chẳng có một chút công phu nào. Vốn dĩ hắn chỉ định tự nhận mình thấp kém. Ai ngờ đối với 4 anh em nhà Nguyễn Xí, theo lối nghĩ người xưa lại tưởng hắn đang mỉa mai mình chưa có chút công danh gì. Chuyện này cũng do nhà Nguyễn Xí đông người, dù có hưởng tập ấm thì chỉ là các huynh trưởng ở trên, phía dưới đều do sức mình hết, chứ đâu như Đinh Trung là con duy nhất còn lại của Đinh Liệt, lại có chị là phi tử của Hoàng Đế (4) nên được thăng chức một cách rất tự nhiên trong quân Cẩm y. Lão tứ hậm hực nói: - Ngươi nói thế là sao? Ngươi cũng là người theo nghiệp binh, lại ở cạnh hoàng thượng. Nếu ngươi không có chút công phu thì sau này đánh trận ra quân kiểu gì? Hắn lúc này mới biết mình đang bị gây sự, vốn dĩ lúc bình thường sẽ bỏ qua nhưng đang lo lắng bực tức trong người, nên giở thói bất cần của người hiện đại cũng sẵng giọng làm một tràng: - Huynh nói thế là sai rồi. Việc binh đâu chỉ có lao lên đầu đánh đấm, chém giết, mỗi người đều theo sở trường của mình. Tỷ như Gia Cát Lượng tay trói gà không chặt, nhưng chỉ huy muôn vạn đại quân, đó mới là bậc làm nguyên soái, ngồi trong màn trướng mà quyết việc quân ngoài ngàn dặm. Còn nếu cậy vào dũng phu thì có khi thành Hoa Hùng, Lữ Bố chết thảm ngoài chiến trường mà thôi. Hắn nói xong tự thấy công phu chém gió của mình được luyện trên lichsuvn thật là cao quá mà cười thầm trong bụng. Lão ngũ thấy thế cười khẩy: - Người nói thì hay lắm, cái gì mà ngồi trong màn trướng mà quyết việc quân ngoài ngàn dặm. Ngươi đã đánh trận ngày nào chưa?. Đinh Trung thấy hắn thế càng hăng tiết: - Đệ chỉ ví dụ như vậy. Đệ có thể không có công phu bằng các hynh, nhưng lại có sở trường về mặt khác. Nếu huynh nói chưa đánh trận thì không thể bàn việc binh sao? Thái Tổ Hoàng đế ta khi khởi binh ở Lam Sơn cũng chỉ là một hào trưởng, chưa từng đánh trận. Nếu không đánh trận đầu thì làm sao có trăm trận sau để lão luyện kinh nghiệm, suy nghĩ như huynh thì Thái Tổ gia đã không thể ra trận dẫn dắt toàn quân đánh tan giặc Ngô, thu phục giang san được. Lão ngũ từ nãy đến giờ thâm trầm, thấy hắn nói thế bèn thử hắn: - Như ngươi nói thì ngươi có vẻ am hiểu việc binh. Vậy ta hỏi ngươi yếu quyết để đánh trận là gì? Đinh Trung cười: - Rất đơn giản: Mạnh được yếu thua. Lão tứ nghe thế cười ầm cả lên: - Cái gì mà mạnh được yếu thua. Vớ vẩn, vậy ta hỏi người Thái Tổ gia khi khởi binh mạnh hay yếu, sao lại giành thắng lợi trước người Ngô? Đinh Trung đáp: - Dĩ nhiên là yếu hơn chúng. Thái tổ gia trải trăm trận, nhưng không phải lúc nào người cũng thắng. Người phải xây dựng binh mã, rèn luyện sỹ tốt, tích trữ lương thảo để quân mạnh lên thì mới thắng, chứ có phải tự nhiên người dẫn một đội quân từ Lam Sơn là thành đế nghiệp ngày nay đâu. Nói mạnh yếu ở đây là nói khi đối trận, bên nào tướng sỹ ưu tú, binh lính tinh nhuệ, có kỷ luật, được rèn luyện tốt hơn, được trang bị vũ khí tốt hơn, chiến thuật đánh cao hơn, chắc chắn sẽ thắng. Điều này cũng tựa như đánh cờ vậy. Nếu huynh chỉ còn có tốt, trong khi ta còn đủ cả xe, mã, liệu huynh có cách nào thắng nổi ta không, gần như là vô phương. Hắn đáp một thôi một hồi, nói lan sang cả các ngôn ngữ hiện đại mà hắn không biết “chuyển ngữ” kiểu gì, chẳng hiểu đám kia có hiểu không, chỉ thấy cả bọn đứng trân trân không phản biện nổi lại gì hắn thì nghe thấy có một tiếng nói chắc nịch: - Đinh đệ lâu mới sang phủ nhà ta chơi, các đệ lại đi nói chuyện tầm phào với đệ ấy, thật là không phải. Đinh đệ, phụ thân ta đang đợi trong thư phòng. Đinh Trung quay sang thì thấy một người cao lớn, mặt mũi khá dữ với một vết sẹo khá to trên trán, đang đứng oai nghiêm đằng xa. Liên nhi trông thấy người đó liền chạy lại ôm chặt lấy: - Đại ca, huynh có khỏe không? Lão đại nhà Nguyễn Xí tên gọi là Nguyễn Phục. Y người duy nhất từng theo cha đánh giặc Minh, nên rất từng trải. Y nguyên mặt mũi dữ tợn nhưng với em gái lại khá thân thiết, cha lại hay đi vắng nên đối với Liên nhi quả thực như phụ thân. Nguyễn Phục cười hiền, gõ đầu Liên nhi nói: - Người đi lấy chồng rồi còn giở thói con trẻ này sao? Trong lúc đó, Đinh Trung đã bỏ qua đám ở ngoài để bước vào chào hỏi Nguyễn Phục rồi đi theo vào thư phòng gặp Nguyễn Xí… ___________________________________________________________________ 1. Người Việt lúc đó hay gọi nhà Minh là giặc Ngô. 2. Tức Đinh Lễ, anh của Đinh Liệt. 3. Nguyễn Xí từng được lệnh đi đánh Chiêm Thành, nhưng sau đó bị hủy do Thái hậu Nguyễn Thị Anh nghe lời dèm pha. 4. Ở đây là vua Lê Nhân Tông. - - - Updated - - - Chương 4: Long hổ tướng quân (2) Đinh Trung vào thư phòng đã thấy Nguyễn Xí ngồi ở phía trên chờ đợi. Hắn liền thi lễ thì thấy Nguyễn Xí ra hiệu cho Nguyễn Phục và bảo Đinh Trung ngồi xuống. Nguyễn Phục liền ra ngoài đóng kín cửa lại rồi đứng canh gác. Hắn yên vị rồi mới quan sát kỹ vị Long hổ tướng quân, cha của Liên nhi. Nguyễn Xí cũng giống Đinh Liệt, đều xuất thân võ tướng nên tuy đã nhiều tuổi mà trông rất rắn chắc. Nguyễn Xí bề ngoài lại có dáng người phương phi, râu ria xồm xoàm, quả làm người ta liên tưởng đến Trương Phi trong truyện Tam Quốc. Hắn thấy thế thầm nghĩ không hiểu sao một con người thô kệch như thế kia lại có thể sinh ra Liên nhi xinh xắn đến vậy, quả là lạ. Đang suy nghĩ thì Nguyễn Xí cất tiếng hỏi: - Hiền tế đến gặp ta có chuyện phải không? Hắn liền đem những chuyện thăng quan kể lại cho Nguyễn Xí rõ. Chỉ thấy Nguyễn Xí đứng lên, đi lại vài bước ra chiều suy nghĩ rồi nói: - Vừa rồi ta cũng có nghe con đàm luận với lão tứ, lão ngũ rất có ý tứ sâu xa. Theo con thì tình thế triều đình hiện nay ra sao, chúng ta là thần tử nên trung với ai? Nguyễn Xí hỏi câu này thật là làm khó cho hắn. Hừ, trung với chả trinh, nếu được trả lời thì hắn sẽ nói là ai cho mình lợi thì trung với người đó. Nhưng hắn cũng hơi hơi hiểu quan niệm Trung quân rất nặng nề thời đại này, nên bất giác trả lời theo kiểu nước đôi để dò ý tứ nhạc phụ đại nhân: - Thưa nhạc phụ, chúng ta là thần tử, chịu ơn mưa móc của bản triều thì phải dốc hết lòng trung với di nguyện của Thái Tổ, Thái Tông. Hắn nói câu này là nước đôi, ý không hẳn là không trung với Lê Nghi Dân, vì dù sao Nghi Dân cũng vẫn là họ Lê, nhưng trung với di nguyện của Thái Tông, tức là lập Bang Cơ làm vua thì Nghi Dân lại là kẻ phản tặc, thí quân phải diệt trừ. Nguyễn Xí nghe xong trầm ngâm một lát rồi nói: - Phụ thân của con và ta đều có ý học Y Doãn, Chu Công (1), con nghĩ sao? Đinh Trung thấy đây có thể là cơ hội để hắn trở thành người trực tiếp tiến cử Lê Thánh Tông lên ngôi vua, liền đáp: - Con thấy Gia Vương hiền hòa, trọng các lão thần, xét việc thông minh, rất xứng đáng nối nghiệp Thái Tổ, Thái Tông. Nguyễn Xí nghe xong liền phải nhìn kỹ lại tên hiền tế của mình. Trước đây ông thường nghe hắn là một kẻ ham chơi, bất tài, chỉ nhờ tập ấm của cha mà được quan tước, không ngờ hôm nay trước mặt ông là một kẻ không tầm thường. Đinh Trung thấy Nguyễn Xí nhìn mình, không hiểu đang suy nghĩ rồi đành nói lại mục đích mình đến đây: - Chuyện thăng Thiêm sự Chỉ huy sứ của con, nhạc phụ thấy sao? Nguyễn Xí vỗ đầu 2 cái suy nghĩ rồi vẫy Đinh Trung lại gần, đoạn ghé tai nói nhỏ: - Ta và phụ thân con cùng các lão thần đều đồng lòng phế hôn quân, lập tân quân mới có đức. Nhưng giờ chưa phải lúc, ta chắc việc thăng chức cho con là kế của tên Phạm Ban để lôi kéo cha con. Con hãy cứ tham gia bàn việc với chúng, nếu có chuyện gì thì hãy về bàn với hai ta. Sau này có con làm nội ứng, việc lớn sẽ dễ thành. Đinh Trung thầm nghĩ, Nguyễn Xí quả là kẻ cơ mưu. Nhớ năm xưa quân Minh Nguyễn Xí bị bắt cùng Đinh Liệt. Thế mà Đinh Liệt không chịu hàng bị chém, còn Nguyễn Xí không biết bằng cách nào bị giam và sau đó còn trốn thoát được. Hẳn lúc đó Nguyễn Xí cũng dùng cách giả vờ khuất phục chăng? Hắn liền vâng lời Nguyễn Xí, từ tạ rồi cùng Liên nhi trở về phủ. Hôm sau, hắn đến Sùng Văn quán theo lệnh của Phạm Ban, giờ đã được gia phong là Thái phó, tước Thụy hầu thì thấy đã có 4 người ngồi ở đó. Ngoài Phạm Ban và tướng quân Lê Đắc Ninh hôm trước hắn đã được thấy, còn 2 người mặc áo văn quan lạ mặt. Đinh Trung bước tới thi lễ: - Hạ quan tham kiến Hầu gia, kính chào các vị đại nhân. Phạm Ban nói: - Đinh đại nhân không cần đa lễ, mời ngồi. Đoạn lão giới thiệu: - Đây là Đinh Trung, Đinh Thiêm sự của Cẩm y vệ dưới trướng Lê tướng quân. Còn đây là Phạm Đồn, thượng thư bộ binh và Trần Lăng, thượng thư bộ Lễ do thánh thượng mới thánh thượng vừa ban chỉ gia phong. - Thật là hân hạnh. Xin hai vị đại nhân sau này chỉ bảo cho. - Hắn học theo mấy câu sáo ngữ trên phim nói bừa ra, chẳng biết có được không. Trần Lăng mỉm cười nói: - Đinh tướng quân tuổi trẻ tài cao, nối chí của quan Thái phó, quả là tiền đồ rực rỡ. Hy vọng tướng quân thuyết phục được gia phụ và nhạc phụ của ngài sau này hết lòng tận trung với Thánh thượng, thì chắc chắn bệ hạ sẽ không quên ngài đâu. Quả là thượng thư bộ Lễ, mồm mép gớm, vừa đến đã nhắc khéo ta muốn lên quan tấn tước thì phải khuyên nhủ Đinh Liệt và Nguyễn Xí trung thành với Lê Nghi Dân. Thích trung thì trung, sau này ta phản cũng được chứ sao, ta đâu có quan tâm đến ba cái chuyện danh tiết gì đó của đám hủ nho như các ngươi ở thời đại này, hắn ra vẻ cười cầu tài nói: - Trần đại nhân dạy chí phải, gia phụ khi ở phủ cũng thường ngợi ca hoàng thượng là trưởng đích của đức Thái tông, anh minh thần võ, cần chính thương dân, thật là bậc thánh quân, nhắc nhở con cháu phải biết tận trung , một lòng một dạ son sắt, dù lao vào dầu sôi biển lửa cũng không từ. Hắn mua mép làm một thôi một hồi mấy câu cóp nhặt từ những gì nhớ được về thời phong kiến này, chỉ thấy đám Phạm Ban vuốt râu cười ha hả, ra chiều thích chí lắm. Hắn vốn dĩ nào biết, thời này lời nói ra rất quan trọng. Những kẻ làm quan đều tự nhận mình là kẻ sỹ, thà chết chứ không chịu nhục, làm sao có chuyện mở miệng ra khen xoen xoét kẻ phản nghịch vừa giết vua như thế được. Tất nhiên đối với hắn, một người hiện đại thì những chuyện đó quả là quá vớ vẩn, nên được thể càng tung ra những lời ca tụng, sang đến cả đám Phạm Ban, mà toàn những ngôn từ rất hoang đường, làm như bọn chúng ai cũng là năng thần danh tướng vạn cổ chí kim không ai sánh bằng. Phạm Ban nghe hắn nói tuy toàn những điều vớ vẩn, nhưng trong lòng lại thầm nghĩ, tên này quả là một kẻ bất tài vô dụng, chỉ giỏi nịnh nọt, dùng hắn vừa làm con tin, vừa lôi kéo Đinh Liệt quả là hợp nên tỏ ra rất hài lòng. Hắn liền ra hiệu cho mọi người im lặng để bàn đến việc chính. __________________________________________ 1. Y Doãn, Chu Công là những người làm việc dẹp loạn cung đình trong sử Trung Quốc