Trời kêu không dạ Học bác sĩ để tự cứu mình SGTT.VN - Tin Vũ Thị Ngọc Trâm ở xã Đan Thượng, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ cùng lúc đỗ hai trường đại học khiến cả làng xôn xao. Ai ngờ một cô bé nhỏ thó, bệnh tật từ nhỏ lại làm được điều mà nhiều người khoẻ mạnh chỉ dám mơ ước. Học để quên đi bệnh tật Mười lăm năm nay, Trâm đã quen... nằm viện. Từ lúc lên ba, sức khoẻ của Trâm đã không tốt, da xanh xao, ăn uống kém, đau ốm luôn. Bố mẹ Trâm lo lắng đưa con gái đi kiểm tra từ bệnh viện tỉnh đến Trung ương. Sau vài xét nghiệm, các bác sĩ cho biết Trâm bị mắc một bệnh di truyền: thiếu máu huyết tán bẩm sinh thalassemia. Lúc đó, cả nhà Trâm vô cùng tuyệt vọng bởi anh Trâm cũng mắc bệnh này. Trâm bắt đầu “làm bạn” với bệnh viện từ đó. Cứ một, hai tháng Trâm lại phải lên bệnh viện truyền máu và điều trị thải sắt. Đến năm tám tuổi, cơ thể Trâm bé tẹo, nước da nhợt nhạt và bụng trướng to vì lách phát triển quá cỡ. Trâm đã phải phẫu thuật cắt lách. Đã nhiều năm nay, em phải gồng mình để chống lại căn bệnh bẩm sinh của mình, cố gắng học tốt để đạt được ước mơ. Trâm chia sẻ: “Lớn lên, biết bệnh tình của mình, em thấy thương mình một, thương bố mẹ mười. Anh trai em do quá yếu đã phải nghỉ học khi hết bậc trung học cơ sở. Em dù sức khoẻ không tốt nhưng được bố mẹ động viên, em cố gắng vượt lên bệnh tật và đến lớp đều. Đây cũng chính là cách để điều trị cho em khỏi bệnh”. Ngọc Trâm chưa bao giờ ngừng đeo đuổi ước mơ thành bác sĩ. Hàng tháng, Trâm phải xin phép nhà trường xuống nằm viện để điều trị bệnh. Trâm tâm sự: “Mỗi lần nằm viện, các khoản tiền như viện phí, tiền thuốc, đi lại tốn lắm. Bố mẹ lại phải nuôi hai anh em đau ốm, nên em phải cố gắng học. Nhiều hôm đi học người mệt mỏi, choáng váng, ngất đi tưởng không dứng dậy được, thậm chí chỉ ngồi không cũng mệt. Nếu cố gắng làm gì, có thể ngất bất cứ lúc nào. Đã không ít người khuyên em nghỉ học để chữa bệnh, nhưng em chưa bao giờ có ý nghĩ đó trong đầu”. Bệnh tình nguy hiểm lại phải điều trị cả đời, nhưng Trâm vẫn nuôi mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bản thân và mọi người. Chạm tay vào mơ ước Cả ba năm học cấp ba, Trâm đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Năm lớp 12, Trâm đoạt giải ba toàn tỉnh môn sinh. Đây là những bước đệm vững chắc để Trâm thi vào đại học Nông nghiệp 1 và học viện Y học cổ truyền dân tộc. “Bên cạnh thời gian ôn thi, em vẫn phải đi bệnh viện điều trị. Nhiều hôm học khuya, chóng mặt không ngồi dậy được, em lại lo không hoàn thành khối lượng bài vở ôn thi”, Trâm nói. Với những cố gắng không mệt mỏi, Trâm đã đỗ cả hai trường đại học. Em chọn học viện Y học cổ truyền dân tộc để thực hiện mơ ước của mình. Bước chân vào giảng đường với bao bỡ ngỡ lại phải xa gia đình, cộng thêm việc chữa bệnh nhưng Trâm vẫn kiên trì điều trị. Hàng tháng, Trâm lại tới viện để truyền máu và điều trị thải sắt mười ngày. Để không ảnh hưởng đến học tập, Trâm xin được điều trị ngoại trú. Sau mỗi ngày truyền máu, Trâm vẫn cố gắng lên lớp để không bỏ lỡ môn nào. Trâm bảo: “Bệnh của em phải điều trị cả đời, nếu may mắn thì được ghép tuỷ nhưng đây là điều rất khó. Em đã xác định sẽ sống chung với bệnh này cả đời nên khó khăn mấy em cũng cố vượt qua. Ước mơ của em bây giờ là làm sao duy trì sức khoẻ ổn định để vượt qua những năm đại học và trở thành bác sĩ!” Bài và ảnh: Lệ Hà
thật ra em phải học doanh nhân để kiếm tiền chưẫ bệnh có là bác sĩ giỏi thì em cũng có tự phẫu thuật được mình đâu
Coi Master of the sea thằng bác sĩ tầu Anh nó tự mổ lấy đạn ra đó anh thuyền viên cầm gương đúng giơ ra cho nó nhìn để nó mổ vì đạn bay vào phần bụng thiệt tình không tưởng tượng đc tự cầm dao đâm vào mình thì nó ntn chứ nói gì là lấy đạn ra = 3 cái thứ dụng cự cổ lõ sĩ lại còn ko có thuốc tê
cái mệt nhất là nhìn qua gương chuyển động của tay ngược lại, khó quen lắm lách nhầm hướng là đủ mệt rồi cơ mà sức khỏe yếu, làm việc trong môi trường bệnh viện có chịu được không?